Quê Hương tổng hợp
Việt Nam CS liệu có tham gia cùng Philippines xây dựng Quy tắc ứng xử Biển Đông riêng?
Khánh An-VOA – 22/01/2024
Một vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc (phải) và tàu tiếp tế của Philippines (trái) gần Bãi Cỏ Mây trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 23/10/2023. Tổng thống Philippines rằng việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là một nhu cầu rất cấp thiết.
Một Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông riêng biệt giữa một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nhưng không bao gồm Trung Quốc, có thể là một biện pháp khả thi và cho thấy phản ứng rõ ràng của các quốc gia trước tình trạng trì trệ không mấy hy vọng của quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, theo một số chuyên gia.
“Chắc chắn là nó khả thi hơn, và nó là một bước tiến, không phải là bước tiến lớn nhưng là một bước tiến”, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói với VOA.
Đề xuất xây dựng một COC riêng ở Biển Đông giữa một số thành viên ASEAN được Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đưa ra hôm 20/11 khi ông cho biết Philippines đã tiếp cận các nước láng giềng như Việt Nam và Malaysia cho mục tiêu này.
“Chúng tôi đã chủ động tiếp cận các quốc gia khác trong ASEAN mà chúng tôi đang có xung đột lãnh thổ, Việt Nam là một trong số đó, Malaysia là một quốc gia khác, và xây dựng quy tắc ứng xử của riêng chúng tôi”, Reuters dẫn lời ông Marcos nói tại một sự kiện ở Hawaii được truyền hình trực tiếp.
“Hy vọng việc này sẽ tiến triển và mở rộng sang các nước ASEAN khác”, ông Marcos nói, đồng thời thêm rằng “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN và đáng tiếc là tiến trình này diễn ra khá chậm”.
Kể từ khi lên nắm quyền tại Philippines, ông Marcos đã nhiều lần kêu gọi thúc đẩy các cuộc đàm phán COC với các nước láng giềng của Philippines giữa bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông giữa nước này và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan tại Phnom Penh, Campuchia, vào ngày 11/11/2022, ông Marcos từng nói rằng có “nhu cầu cấp thiết” về COC nhưng không đề xuất về một COC riêng.
Việt Nam có tham gia?
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, sáng kiến lập quy tắc ứng xử trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Indonesia trên Biển Đông là một “dấu hiệu tích cực”, và nó mang lại một số tác dụng tích cực như giúp giảm bớt căng thẳng và ngăn ngừa xung đột giữa các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông, giảm bớt những hiểu lầm và tính toán sai lầm, tăng cường hợp tác và đối thoại trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á về vấn đề Biển Đông thay vì chỉ phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài. Điều này sẽ nâng cao vai trò và tiếng nói của khu vực; thúc đẩy phát triển kinh tế biển cùng có lợi ở Biển Đông thông qua hợp tác trực tiếp giữa các nước Đông Nam Á về thăm dò, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển…; góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực khi các nước Đông Nam Á tự thiết lập các “luật chơi” chung về Biển Đông, tránh bị các thế lực bên ngoài lôi kéo vào xung đột nảy sinh.
TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng với những tác dụng tích cực trên, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tham gia hợp tác cùng Philippines xây dựng COC riêng.
“Chắc chắn là (Việt Nam) sẵn sàng hợp tác với Philippines trong việc thúc đẩy để nếu như ASEAN không sớm đạt được Quy tắc ứng xử trên Biển Đông với Trung Quốc, thì một nhóm nhỏ hơn trong ASEAN phải đạt được với nhau, bởi vì về bản chất, có thể thấy rõ rằng Trung Quốc cứ nói là họ muốn có quy tắc ứng xử ấy nhưng họ đặt ra những điều kiện mà không bao giờ có thể xây dựng và đồng thuận được”.
Trong khi đó, chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho rằng khả năng Việt Nam tham gia sẽ cao hơn khi có hơn 2 quốc gia cùng tiến hành thực hiện nỗ lực này.
“Có khả năng là nếu hai hoặc nhiều quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác như Philippines và Indonesia tiến hành một nỗ lực nhỏ ở Biển Đông thì Việt Nam sẽ muốn tham gia”, chuyên gia Greg Poling nói với VOA. “Điều này xảy ra gần nhất là vào năm 2015 khi ngoại trưởng Việt Nam, Malaysia và Philippines gặp nhau nhiều lần để đàm phán ngoài khuôn khổ ASEAN vì họ ngày càng thất vọng trước việc nhóm này không có khả năng giải quyết vấn đề Biển Đông”.
Tiến sĩ Jay Batongbacal, giáo sư về An ninh biển và Giám đốc Viện Nghiên cứu Vấn đề Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines, thì cho rằng trên thực tế, giữa các thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đã có sẵn những “chuẩn mực ứng xử bất thành văn”.
“Mặc dù chưa được hệ thống hóa, nó giúp họ duy trì mối quan hệ tốt đẹp bất chấp sự tồn tại của cạnh tranh lãnh thổ và hàng hải”, ông nói, và dẫn chứng mối quan hệ giữa Philippines và Việt Nam hay giữa Myanmar và Việt Nam lâu nay “không có những đụng độ ở Biển Đông với nhau như với Trung Quốc”.
“Điều này thực tế chứng tỏ rằng COC giữa ASEAN và Trung Quốc không phải là quy tắc độc quyền chi phối cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, TS. Batongbacal nói thêm.
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, lý tưởng nhất vẫn là có được một COC giữa khối ASEAN với Trung Quốc, nhưng một biện pháp khác cũng từng được đề ra trước đây là chỉ cần 5 quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có được thoả thuận COC với Trung Quốc.
“Đó sẽ là bước tiến rất dài, và nếu có được, nó sẽ đóng góp rất nhiều cho an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á và đặc biệt cho những hoạt động sống còn ở Biển Đông”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của Việt Nam, Trung Quốc dĩ nhiên sẽ không đồng ý với những hướng mục tiêu trên và sẽ tìm cách can thiệp. Nhưng một khi COC giữa một số thành viên ASEAN đã được ký kết thì việc một nước bên ngoài muốn phá bỏ các điều khoản quy định trong COC sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý quốc tế “không nhỏ”.
Ngay sau phát biểu của Tổng thống Philippines, Trung Quốc tuyên bố không ủng hộ động thái của Manila về việc đưa ra COC riêng ở Biển Đông với một số nước láng giềng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo ngày 20/11 rằng “Bất kỳ bước nào đi chệch khỏi khuôn khổ và trái ngược với tinh thần của Tuyên ngôn về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOD), khuôn khổ cho COC, đều không có giá trị và không có hiệu lực”. Phát ngôn viên này nói thêm rằng Trung Quốc coi việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông là nhiệm vụ quan trọng đối với Trung Quốc và các nước ASEAN.
Phản ứng trước sự vô vọng trong đàm phán COC với Trung Quốc
Đề xuất về một COC riêng biệt, theo TS. Hà Hoàng Hợp, là một phản ứng rõ ràng của Philippines trước tình trạng leo thang căng thẳng vì tranh chấp trên Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc trong khi quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc “hầu như không có hy vọng” đạt được sau hơn 2 thập niên khởi sự.
Tiến sĩ Jay Batongbacal cho rằng nguyên nhân dẫn đến tốc độ đàm phán chậm chạp của COC là do sự thiếu tin cậy lẫn nhau, cùng với những quan điểm, mục tiêu khác nhau mà các bên theo đuổi.
“Bất chấp những nỗ lực thúc đẩy quá trình này, những vấn đề thực chất vẫn tồn tại và không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ bất cứ điều gì với ASEAN trong khi vẫn khẳng định rằng ASEAN chấp nhận lập trường của mình trong nhiều vấn đề khác nhau”, ông nói với VOA.
Trong khi đó, một số nước thành viên hoàn toàn không có quyền lợi tranh chấp ở Biển Đông nên không thể đòi hỏi cả khối dốc toàn lực để thúc đẩy cho vấn đề này, chưa kể khả năng không đồng thuận cao hơn nếu có sự tác động từ phía Trung Quốc hay do các yếu tố khác, TS. Hà Hoàng Hợp bổ sung thêm.
“Trong ASEAN có những nước không có quyền lợi gì ở Biển Đông cả thì một điều rất vô lý là họ phải ngồi ở đấy, như Campuchia, Lào, Myanmar… chẳng hạn, họ chẳng có lợi ích gì ở Biển Đông mà họ ngồi ở đấy, mà theo nguyên tắc đồng thuận của khối này, chỉ cần một trong những nước đó không đồng ý với những tuyên bố về Biển Đông thôi, chứ chưa nói gì đến COC, thì đã là thất bại rồi”, chuyên gia của Viện Đông Nam Á nói.
Ông dẫn chứng “bài học” thực tế là sự kiện ASEAN không thể ra tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN năm 2012 khi Campuchia, năm đó giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã không đồng ý đưa nội dung về tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc vào trong Tuyên bố chung.
Hiện chưa có thông tin chi tiết nào về kế hoạch hành động cho một COC riêng được đưa ra sau tiết lộ của Tổng thống Philippines, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng một số “hành động cụ thể” giữa Philippines, Indonesia, Việt Nam… xung quanh vấn đề này sẽ diễn ra vào quý hai năm nay, TS. Hà Hoàng Hợp đưa ra dự đoán.
Trung Quốc – Việt Nam bảo trì tuyến xe lửa kết nối Hà Khẩu với Lào Cai
22/01/2024
Tàu hàng từ Trung Quốc đến Việt Nam hôm 22/11/2017 (minh họa)
Reuters
Hai công ty đường sắt của Trung Quốc và Việt Nam vào ngày 21/1 cùng tiến hành việc duy trì, bảo dưỡng tuyến xe lửa xuyên biên giới đoạn kết nối Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với Lào Cai để chuẩn bị cho việc vận chuyển an toàn của các đoàn tàu vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 21/1 đăng một đoạn video cho thấy công nhân thuộc Tập đoàn đường sắt Côn Minh Trung Quốc Co., Ltd 4. đang thực hiện việc bảo hành tuyến đường sắt và trả lời phỏng vấn cho biết việc bảo dưỡng được thực hiện cùng với phía Việt Nam.
Đoàn tàu hàng xuyên biên giới từ Khai Nguyên, tỉnh Vân Nam đến Hải Phòng mỗi ngày một chuyến. Theo Tân Hoa Xã, từ tháng 12/2017 đến ngày 19/1/2024, tổng cộng có 4.340 chuyến tàu hàng quốc tế Trung Á giữa Khai Nguyên và Hải Phòng với số lượng hàng hóa xuyên biên giới là 1.717.100 tấn.
Thủ tướng CS Việt Nam ra nước ngoài nổ
Dân Trần – 21/01/2024
(VNTB) – Nhân chuyến đi Thụy Sỹ lần này, thủ tướng Việt Nam nổ banh trời: xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam, đổi mới tư duy, biến thù thành bạn…
Lên án tư duy cũ
Tại buổi đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 16/01, ông Chính nói: “Không một quốc gia, nền kinh tế nào có thể phát triển nhanh và bền vững nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống”. (1)
Trước nay Nhà nước Việt Nam vẫn kiên định với tư duy lãnh đạo độc tài Cộng sản, kiên định với con đường xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều phải được định hướng xã hội chủ nghĩa, từ kinh tế tới chính trị, văn hoá, giáo dục… Ví dụ như xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…
Nếu ai lên án tư duy này thì đều bị chụp mũ là phản động, chống phá nhà nước, âm mưu lật đổ chính quyền. Thế nhưng bây giờ thủ tướng cho rằng “không một quốc gia, nền kinh tế nào có thể phát triển nhanh và bền vững nếu vẫn giữ tư duy cũ”. Thì có phải là ông Chính đang có âm mưu phản động, chống lại đường lối xã hội chủ nghĩa của Đảng ông Trọng?
Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt để biến thù thành bạn
Trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam trong cân bằng quan hệ với các nước lớn, thủ tướng nói “Việt Nam đã gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai để biến thù thành bạn”. (2)
Năm 2023, Đảng Cộng sản Việt Nam tỏ ra tự hào khi được đón tiếp cả chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Trong các phát biểu của lãnh đạo đảng, đây là một bước tiến lớn thể hiện sự thành đường lối đối ngoại “cây tre” của Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người cho rằng việc đu dây này sẽ khiến Việt Nam đối diện nguy cơ bị “đứt dây”, vì không thật lòng với bên nào.
Cứ mỗi đợt 30/04, hoặc lễ lớn là Đảng Cộng sản lại tuyên truyền về cuộc chiến chống Mỹ, chống Pháp. Các chương trình truyền hình, báo chí Việt Nam luôn coi họ là những nước thù địch và luôn nhắc nhở người dân phải đề phòng Mỹ và phương Tây.
Những năm gần đây tuy báo chí giảm bớt tần suất chống Mỹ hơn, nhưng đó lại là chiến lược mới của tuyên giáo Cộng sản. Đó là thay đổi mặt trận đấu tranh từ báo chí, truyền hình sang mạng xã hội bằng các “dư luận viên”. Mỗi khi dịp lễ, hoặc khi phía Mỹ có những vấn đề gì thì các “chiến sĩ dư luận” lại tổ chức tổng tấn công vào các trang mạng xã hội của Mỹ và báo chí Mỹ. Ví dụ như trang mạng Facebook của Đại Sứ Quán Mỹ, Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ, VOA tiếng Việt…
Điều này cho thấy câu chuyện gác lại quá khứ, biến thù thành bạn chỉ là cái bánh vẽ để các lãnh đạo Nhà nước Cộng sản mang đi ngoại giao. Chứ không hề có sự chân thành, thật lòng ở đây. Bản thân người dân còn không tin vào những tuyên bố của Nhà nước Việt Nam, thì quốc tế có lẽ thừa biết, nhưng họ cho qua vì không ai muốn hơn thua với “Chí Phèo” cộng sản.
Đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư bán dẫn, xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam
Cũng tại Thuỵ Sỹ, thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam có kế hoạch đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư trong thời gian sắp tới. Với trí tuệ nhân tạo, Việt Nam sẽ tích cực khai thác lợi thế, nhưng cũng hạn chế tiêu cực của AI, bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, song song với hoàn thiện chính sách.
Ngoài ra, ông Chính đã chủ trì tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam”. Trong tọa đàm này Ông thủ tướng đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Phạm Minh Chính đặt mục tiêu phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, phát triển hệ sinh thái tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Đồng thời cao chuẩn mực về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.
Đánh giá về những mục tiêu này, anh A.N., một giám đốc doanh nghiệp ở Sài Gòn cho rằng “Phạm Minh Chính chỉ nói cho sướng miệng và ông ta không hiểu gì về những vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải.
Nếu nói sẽ đào tạo 100.000 kỹ sư công nghệ bán dẫn thì phải coi là chất lượng giáo dục như thế nào. Có ai dám đầu tư vào công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam không, nếu không thì hàng trăm ngàn người tốt nghiệp ra sẽ đi làm ở đâu, hay là phải chạy Grab như nhiều cử nhân, kỹ sư hiện nay”.
“Về chuyện trở thành trung tâm tài chính quốc tế thì nhiều lãnh đạo Cộng sản đã nói rồi. Nhưng hệ thống tài chính tại Việt Nam yếu kém là do có quá nhiều kẽ hở, được điều hành bởi một bộ máy tham nhũng. Các Ngân hàng Việt Nam có nguy cơ vỡ nợ rất cao, khi vung tiền cho các công ty bất động sản vay, và không thể thu hồi. Chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu thì vô cùng bi đát. Hoàn cảnh hiện tại, nếu tập đoàn nào đầu tư vào Việt Nam thì họ phải liều lĩnh lắm”. Anh A.N. nói với phóng viên VNTB.
________________
Tham khảo:
(1). https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-khong-quoc-gia-nao-co-the-phat-trien-neu-van-giu-tu-duy-cu-20240116224948365.htm
(2). https://vnexpress.net/viet-nam-gac-lai-qua-khu-vuot-qua-khac-biet-de-bien-thu-thanh-ban-4701758.html
Gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản phá sản, ngừng kinh doanh trong năm 2023
RFA – 20/01/2024
Ảnh minh họa: Các tòa nhà cao tầng nhìn từ phía sông Sài Gòn.
Reuters
Có gần 5.000 doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2023.
Đó là thông tin do đại diện Bộ Xây dựng cho truyền thông hay trong ngày 20/1.
Trong đó, có 1.286 doanh nghiệp phá sản, giải thể, tăng 7,7%, và 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 47,4%, so với cùng kỳ năm trước.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho biết bất động sản là ngành duy nhất có số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất trong năm 2023, chỉ khoảng 4.725 doanh nghiệp, giảm khoảng 45% so với cùng kỳ.
VARS xác nhận bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.
Trong báo cáo của mình, VARS nêu rằng: “Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ hoặc lợi nhuận có thể giảm tới 80 – 90% so với cùng kỳ các năm trước”.
Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do trong năm 2023 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đối đầu với ba khó khăn, thách thức lớn. Đó là vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên…
Cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân, công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.
Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng, không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án, phải giãn tiến độ, dừng triển khai.
Vụ bạo động ở Đắk Lắk: không có án tử hình nào như trong cáo trạng đề nghị
Dã Quỳ /SGN – 21 tháng 1, 2024
Ảnh chụp qua màn hình TTXVN
Sau 5 ngày sơ thẩm vụ khủng bố tại Đắk Lắk, Hội đồng xét xử (HĐXX) của CSVN đã tuyên phạt 10 người với mức án tù chung thân, 5 người cùng 20 năm tù; các những bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 9 tháng đến 19 năm tù giam.
Có 53 người bị buộc phạm tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; 45 người phạm tội Khủng bố; 1 người (Lê Văn Nghĩa) phạm tội Tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép; 1 người khác là Y Cing Byă phạm tội Che giấu tội phạm.
Mức án cao nhất là tù chung thân đối với 10 người, đều là sắc tộc thiểu số; gồm: Y Sôl Niê, H Wuễn Êban, Y Thô Ayun, Y Chanh Niê, Y Jũ Niê, Y Tim Niê, Y Chun Niê, Nay Yên, Y Nơt Siu và Y Giốp Mlô. Được biết Ông Y Sôl Niê, người bị cáo buộc có vai trò “chỉ huy, cầm đầu, lôi kéo và chỉ đạo” cuộc tấn công, hiện đang ở Hoa Kỳ và là một công dân Mỹ. Ông này bị tuyên án tù chung thân vắng mặt.
Ngoài ông Y Sôl Niê, một số công dân Hoa Kỳ khác cũng được cho là có liên quan, và đã bị xét xử vắng mặt do hiện đang không ở Việt Nam, trong đó ông Y Mut Mlô -bị cho là chủ mưu.
Riêng các ông Y Pho Niê, Y Diơh Kbuôr, Y Jôl Arul, Y Dăr Kbuôr, Y Khing Liêng bị mức án 20 năm tù giam.
Đây là vụ xử gọi là lưu động, công khai trước quần chúng nhân dân, nhưng an ninh được xiết chặt, chỉ có những thành phần quần chúng được chọn lựa mới tham dự. Phiên toà công khai nhưng không có bất kỳ hình ảnh hay video nào được phát đi, ngoài truyền thông chính của công an.
Nói với RFA, bà H Biap Krong, một nhà hoạt động nhân quyền người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk, cho biết:
“Từ năm 1980 cho đến bây giờ, đa số người Thượng khi bị đàn áp và bị cáo buộc dưới những tội danh như phá hoại chính sách đại đoàn kết của nhà nước, thì những hoạt động của họ lại không nằm trong bản án.
Nhưng toàn bộ những người bị đem ra xét xử bởi toà án, thì các cáo buộc của họ rất giống nhau, từ trước tới giờ rồi. Nó giống như một bài văn học đi học lại, chẳng hạn như là bị lôi kéo, bị xúi giục bởi các thế lực bên ngoài. Đây không còn là điều lạ lẫm đối với những người theo dõi tình hình ở Tây Nguyên.”
Nhà hoạt động có hàng chục năm kinh nghiệm theo dõi tình hình nhân quyền ở Tây Nguyên cũng cho biết, bản thân người Thượng hiểu rõ cái giá phải trả nếu bị bắt, cho nên sẽ không thể dễ dàng bị lôi kéo để thực hiện những hành động mạo hiểm như vậy, bà nói thêm:
“Đối với người Thượng, khi bị đưa ra xét xử thì các bản án mà nhà nước Việt Nam, và cụ thể là tại chính quyền Đắk Lắk ở Tây Nguyên, thì họ thường bị kết tội với những án tù rất lâu năm, từ 6 năm đến 17 năm.
Cho nên họ không thể nào đánh đổi cái cuộc sống, và an ninh của họ để mà nghe cái lời xúi giục từ bên ngoài. Bởi vì họ đủ biết rằng nếu họ nghe lời xúi giục từ bên ngoài thì họ sẽ phải đối mặt với những bản án lâu như vậy.”
Vụ án trước đó, xảy ra vào rạng sáng ngày 11/6/2023, hai nhóm tổng cộng chừng 40 người có trang bị súng đạn, dao đã tấn công vào trụ sở UBND Ea Tiêu và Eatur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Vụ tấn công khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 4 công an, 2 cán bộ xã và 3 người dân được nói mà thành phần mật báo của công an.
Trao quà Xuân cho thương phế binh VNCH, bị bắt và tra khảo
Y Nguyên /SGN
21 tháng 1, 2024
Lm Trương Hoàng Vũ và các quý ông TPB-VNCH (Ảnh Amen)
Tin từ ban tổ chức chương trình Tri Ân Thương Phế Binh – Việt Nam Cộng Hoà (TPB-VNCH) cho hay, hoạt động trao quà Xuân 2024, tuy âm thầm nhưng luôn gặp sự theo dõi, kèm cặp của an ninh địa phương.
Thậm chí, có người TPB sau khi nhận được quà thì bị công an khu vực cùng an ninh đến nhà, hạch hỏi, đe dọa. Vẫn không hiểu tại sao chính quyền CSVN lại áp dụng phương thức này, với những người già yếu và hoàn toàn không có sức phản kháng.
Một trong những câu chuyện được kể lại, là vào lúc 8g sáng ngày 29 Tháng Mười Hai, 2023, khi các Thiện Nguyện Viên (TNV) của chương trình Tri Ân TPB -VNCH đang Trao Quà Xuân 2024 cho những TPB đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long tại một quán nước ven đường, thì ngay lập tức bị an ninh theo dõi. Một nữ TNV bị đưa về đồn công an tỉnh Vĩnh Long để tra khảo.
Tường thuật lại việc này, những người có mặt tại sự việc kể một người phụ nữ lẻ loi giữa vòng vây của hơn chục an ninh thường phục lẫn sắc phục, từ công an tỉnh đến dân phố thay nhau tra hỏi như một tội phạm nguy hiểm với một nội dung xoay quanh: “Phát tiền cho mấy ông này với mục đích gì”? “Tiền ở đâu mà có? Ai sai đi làm? Có tổ chức nào đứng sau?”,…
TNV trả lời: “Tất cả những thông tin này đều đã có trên mạng xã hội, các ông cứ vào đó xem và kiểm tra, có cả số điện thoại của Lm. Trương Hoàng Vũ và địa chỉ của ông ấy trên mạng xã hội, các ông cứ điện thoại cho Lm. Vũ hoặc đến tận nơi đó mà tra hỏi… còn chúng tôi chỉ giúp Lm. Vũ thôi đi trao quà thôi!”
Khi không hỏi được gì hơn thì họ thu giữ tất cả những vật dụng trên người, bắt nữ TNV này cởi áo khoác và giầy vớ, lục tung tất cả những thứ trong túi xách, thu giữ tiền bạc, điện thoại và kiểm tra các cuộc gọi và tin nhắn.
Cuối ngày, an ninh bắt chị TNV này làm bản cam kết không được về tỉnh Vĩnh Long để “phát” tiền cho các ông TPB nữa, trước khi trả lại số tiền và đồ đạc họ thu giữ và quay phim chụp ảnh làm chứng cứ điều tra cho lần tới.
Sau hơn 12 tiếng đồng hồ, đến 21g30 thì an ninh thả TNV ra để cho họ trở về lại Sài Gòn. Nhiều tỉnh khác, cũng có dấu hiệu sách nhiễu người đi tặng quà Xuân cho TPB, nhưng là trực tiếp với các ông nhận quà. Do bị khủng bố bởi an ninh, nên còn vài tỉnh nhỏ miền Tây chưa tiếp cận được để trao tận tay quà Xuân 2024. Ban tổ chức nói sẽ liên lạc với các TPB để tìm một cách thức khác để chuyển, nhằm tránh rắc rối cho quý ông cũng như những TNV.
Hành trình trao quà Xuân rất vất vả, vì vừa phải kín đáo, vừa phải đúng người. Những người thực hiện nói, trước khi trao quà Xuân, các TNV đều phải gọi điện thoại trực tiếp để xác minh danh tánh của TPB còn sống hay đã mất.
Đa số các TPB đều cao niên và việc trao đổi thông tin gặp nhiều khó khăn.
Danh sách các TPB sống rải rác ở nhiều tỉnh, trải dài từ huyện này sang huyện nọ, nên các TNV không thể nán lại lâu để có thể thăm hỏi từng người, đến từng nhà, kể cả lý do an toàn, vì thế đành phải hẹn các ông ra đầu đường hoặc bệnh viện, trạm xá, cây xăng, chùa chiền… rồi vội vã hỏi thăm vài lời, trao đến món quà ân tình, ghi vội tấm hình kỷ niệm và nhanh chóng chia tay để đến địa chỉ mới.
Chứng kiến những cơ thể không còn nguyên vẹn, người cụt tay, kẻ mất chân, người mù mắ, nhưng kiên nhẫn ngồi chờ đợi tại điểm hẹn, thật không khỏi xót xa.
Món quà hằng năm tuy nhỏ bé, nhưng chất chứa bao ân tình của người trao cũng như kẻ nhận. Người trao gửi có thể là đồng đội, chiến hữu đã một thời sát cánh bên nhau trong binh đao khói lửa, cũng có thể là người thấy mình còn mang nợ các chiến sĩ đã một thời bảo vệ sự bình yên cho gia đình họ trong chiến tranh.
Người nhận bị bỏ lại sau gần nửa thế kỷ cảm thấy ấm lòng vì biết rằng mình không bị lãng quên.
Số lượng TPB ghi danh vào chương trình của chúng tôi hiện tại hơn 5,000 người còn sống từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau. Mỗi phần quà được gửi đến chỉ là 3 triệu VND/người, nhưng còn nhiều người, nên tổng kinh phí là một con số lớn, vì thế Ban tổ chức vẫn tiếp tục mời gọi sự chung tay của mọi người, cùng góp sức thể hiện tinh thần tri ân đến các TPB hiện đang còn lại.
XEM THÊM
Vụ án Trần Hùng, theo Dân Trí Việt Nam
Cựu Cục phó Trần Hùng: “Không ai mua chuộc được tôi”
Thứ hai, 22/01/2024 – 17:52
(Dân trí) – Tại phiên xét xử chiều 22/1, cựu Cục phó Trần Hùng phủ nhận cáo buộc nhận hối lộ và khẳng định “trong 10 năm tôi công tác không ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi”.
Đường đi của 300 triệu đồng
Chiều 22/1, phiên xét xử phúc thẩm vụ buôn bán sách giáo khoa giả liên quan đến bị cáo Trần Hùng, cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường), bước sang phần xét hỏi.
Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét hỏi các bị cáo để làm rõ cáo buộc cựu Cục phó Trần Hùng nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Tại tòa, bị cáo Lê Việt Phương (cựu Đội phó Quản lý thị trường số 17 Hà Nội) khai, vào tháng 7/2020 phát hiện kho sách lậu của Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm giám đốc.
Trong quá trình thụ lý vụ việc, Phương đã thông báo cho Thuận về những sai phạm tại công ty này.
Sau đó, Phương nghe từ ông Trần Hùng 2 cuộc điện thoại nói xử lý nhẹ vụ việc nên đã làm theo. Do thời gian đã lâu nên bị cáo không nhớ rõ nội dung từng cuộc gọi.
Bị cáo Phương khẳng định, ngoài Trần Hùng không có thêm ai tác động xử lý nhẹ vụ việc phát hiện sách lậu của Công ty Phú Hưng Phát.
Sau khi xử lý giảm nhẹ cho Công ty Phú Hưng Phát, Phương nhận được 310 triệu đồng tiền “cảm ơn” của Cao Thị Bích Thuận.
Số tiền này bị cáo mua đồ đạc, chi tiêu cá nhân và đem về nhà.
Bị cáo Cao Thị Minh Thuận khai, vào tháng 7/2020, Lê Việt Phương kiểm tra kho sách của Công ty Phú Hưng Phát.
Tại buổi kiểm tra có sự tham gia của ông Trần Hùng. Sau đó, Thuận liên lạc với bị cáo Hùng để xin giảm nhẹ vụ việc.
Tại tòa, Cao Thị Minh Thuận khẳng định không gặp trực tiếp bị cáo Trần Hùng nhưng có nhắn tin, gọi điện nhiều lần vào các ngày 10, 14 và 15/7/2020 để xin giảm nhẹ.
HĐXX hỏi: – Trong các cuộc gọi có nhờ vả, xin xỏ Trần Hùng không?
Bị cáo trả lời: – Cuộc điện thoại đầu tiên bị cáo xin Trần Hùng giảm nhẹ. Đến cuộc điện thoại hôm 14/7/2020 thì Trần Hùng nói Lê Việt Phương đang giúp nên mọi việc cứ nhờ Phương.
Theo lời khai của Thuận, trưa 14/7/2020, Thuận đưa cho Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, 300 triệu đồng và dặn đưa cho Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) để chuyển cho ông Trần Hùng.
Số tiền 300 triệu đồng đưa cho Trần Hùng gồm 4 cọc tiền 500.000 đồng và 5 cọc tiền 200.000 đồng.
“Bị cáo không trực tiếp chứng kiến Hải đưa tiền cho Trần Hùng nhưng sau đó vụ việc đã được giải quyết (chỉ bị xử phạt hành chính)”, Thuận khai.
Đối chất tại tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, ngày 15/7/2020 đã đưa cho Nguyễn Duy Hải 300 triệu đồng. Số tiền này để Hải đưa cho bị cáo Trần Hùng.
“Bị cáo và Hải chơi với nhau ngoài xã hội. Hải hay đi săn tìm các cơ sở vi phạm để báo các cơ quan chức năng”, Hà khai về mối quan hệ với Nguyễn Duy Hải.
Cựu Cục phó khẳng định không nhận hối lộ
Sau phần lời khai của Lê Việt Phương, Cao Thị Minh Thuận và Nguyễn Mạnh Hà, bị cáo Trần Hùng khẳng định những lời khai này hoàn toàn không chính xác.
“Trong 10 năm tôi công tác không ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được tôi”, ông Hùng nói và khẳng định không chỉ đạo, tác động Lê Việt Phương xử lý nhẹ vụ việc của Công ty Phú Hưng Phát.
Cựu Cục phó trình bày, quy định của ngành quản lý thị trường thì tất cả mọi việc do cục trưởng phụ trách và chỉ đạo trực tiếp.
Cục trưởng phân cho đội trưởng nào thì đội đấy đi kiểm tra còn đội phó có trách nhiệm thực hiện.
Ông Trần Hùng quả quyết vụ buôn lậu sách liên quan Cao Thị Minh Thuận đủ căn cứ xử lý hình sự. Sau khi biết nhóm của Thuận chỉ bị xử phạt hành chính, bị cáo đã đề nghị phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Ông Hùng cũng khẳng định không biết Cao Thị Minh Thuận là ai, lần gặp Thuận duy nhất là tại buổi khám kho sách của Công ty Phú Hưng Phát diễn ra vào tháng 7/2020.
Sau khi phát hiện ra kho sách lậu của Công ty Phú Hưng Phát, Thuận gọi điện, nhắn tin xin gặp nhưng ông Hùng không đồng ý.
Cựu Cục phó cũng khai không biết Nguyễn Duy Hải là ai và không nhận tiền từ Hải.
Ông Hùng khai, ngày 14/7/2020, Hải hẹn gặp ông tại một quán cà phê. Tại buổi gặp này, Hải chỉ khen ông Hùng khám phá ra vụ sách lậu lớn, không đề cập đến việc giúp đỡ Công ty Phú Hưng Phát.
Đến trưa 15/7/2020, Hải tiếp tục lên phòng làm việc của ông Hùng. Thời điểm đó trong phòng còn hai người khác. Sau đó, Hải để quên chiếc túi màu đen nên ông Hùng bảo đồng nghiệp gọi Hải quay lại lấy chiếc túi cầm về.