Quê Hương tổng hợp
Bắt ông trùm đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý từ Campuchia vào Việt Nam
RFA
30/11/2023
Tang vật vụ án
NLĐ
Ông trùm đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý từ Campuchia vào Việt Nam Nguyễn Thanh Cường cùng đồng phạm vừa bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt tạm giam.
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 30/11, từ nguồn tin của Công an TPHCM.
Cụ thể, theo đại diện Phòng tham mưu Công an TP.HCM, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thanh Cường (26 tuổi, ngụ tỉnh An Giang), Bùi Thúy Vy (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Nguyễn Đình Trúc Phương (39 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Lê Thanh Tâm (22 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước), Phạm Văn Học (35 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) để điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và mua bán trái phép chất ma túy.
Viện Kiểm sát nhân dân quận Tân Phú đã phê chuẩn các quyết định, lệnh trên.
Công an cho biết, giữa tháng 10/2023, Công an quận Tân Phú bắt quả tang Vy cùng đồng bọn có hành vi mua bán ma túy. Đường dây này do Nguyễn Thanh Cường cầm đầu, làm đầu mối nhận, vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam bán lại cho các đại lý thứ cấp.
Nhóm của Cường thường ship “hàng” bằng dịch vụ giao hàng công nghệ.
Khám xét nơi ở của Cường cùng đồng phạm, công an thu giữ hơn 35kg ma túy. Ngoài ra, trong lúc khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Quốc Việt (bạn trai của Vy), công an thu giữ một khẩu súng cùng tám viên đạn.
Bi hài chuyện ” Đèn cù” về cái tên thẻ
Mạc Văn Trang
19/11/2023
Đó là chuyện Quốc hội họp bàn nát ra, rồi quyết định đổi tên “Thẻ Căn cước Công dân” vừa mới làm, sẽ đổi thành tên “THẺ CĂN CƯỚC“. Chuyện tên cái Thẻ tưởng nhỏ, nhưng nó phản ánh toàn bộ cung cách quản lý Nhà nước của CHXHCNVN.
Hầu như từ ngày “cách mạng” đến nay, mọi cái đều theo quy luật “đèn cù”, tít mù nó chạy vòng quanh rồi lại về cái ban đầu!
Ví dụ cái tên Thẻ căn cước là vui nhất:
– Thời Pháp thuộc, trước 1945 gọi là THẺ CĂN CƯỚC
– 1946, VNDCCH gọi là THẺ CÔNG DÂN
– 1957, VNDCCH đổi thành GIẤY CHỨNG MINH
– 1964, VNDCCH lại đổi là GIẤY CHỨNG MINH/ GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC
– 1976, CHXHCNVN đổi là GIẤY CHỨNG MINH NHÂN DÂN
– 1999, CHXHCNVN …… CHỨNG MINH NHÂN DÂN (9 số)
– 2012, CHXHCNVN …….CHỨNG MINH NHÂN DÂN (12 số)
– 2014,CHXHCNVN……..THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
– TỪ 11/2023, CHXHCNVN… THẺ CĂN CƯỚC.
(Đáng chú ý: Thời VN Cộng hoà 1955-1975 vẫn giữ tên THẺ CĂN CƯỚC).
Thế là cái tên THẺ CĂN CƯỚC từ thời Pháp thuộc, thời VN Cộng hoà, sau gần một thế kỷ chạy lòng vòng tốn bao nhiêu trí não, họp hành, giấy mực, tiền bạc của “chế độ mới” lại được “trả lại tên cho em”!
Như vậy cũng có cái vui, là những cái gì người Pháp hay Việt Nam Cộng hoà đã dùng mà thấy đúng, tốt thì nay cứ lấy mà dùng, không “Tự ái cách mạng”, đừng SỢ MẤT LẬP TRƯỜNG nữa nhé. Quốc hội chấp nhận việc nhỏ này, nhưng tỏ ra có tiến bộ.
Vậy thì dùng Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hoà “DÂNTỘC, NHÂN BẢN, KHAI PHÓNG” đúng quá, có gì phải lăn tăn. Mấy ông Bộ trưởng giáo dục cứ ấp úng “Triết lý giáo dục là Nghị quyết của Đảng”…
Mà Quốc hội mau quay lại thực hiện Hiến pháp 1946 của VNDCCH là hợp lý, hợp tình; hay mạnh dạn hơn, tiến tới tham khảo dùng Hiến pháp VNCH khỏi phải đi lòng vòng!
Mà người Việt dùng cái của người Việt sao lại e ngại, mà đi sao chép của Tây, của Tàu? Lạ thật đấy! Vì sao có chuyện “đèn cù” như trên là một đề tài khoa học Nhà nước hấp dẫn, đáng nghiên cứu.
Đó có phải vì, những cái gì thời Pháp, thời đầu VNDCCH hay VNCH đặt ra đều do các quan chức trong bộ máy nhà nước được đào tạo bài bản, họ thạo Hán Việt, tiếng Pháp, họ nghĩ cái gì, làm cái gì đều theo chuẩn mực quốc gia, quốc tế và làm việc cẩn trọng.
Còn khi quan chức là “công- nông” lên nắm quyền, ít học lại thích ra oai; càng dốt càng “dám nghĩ, dám làm liều”! Làm liều mà không phải chịu trách nhiệm nên tha hồ nghĩ bậy, làm bậy. “Tân quan tân chính sách”, ông nào lên lãnh đạo một đơn vị dù to hay nhỏ, nhất định là phải tổ chức lại, đổi tên cái này cái nọ.
Chuyện lớn như đổi tên nước, thay Hiến pháp, thay Luật, tách nhập tỉnh, tách nhập các Bộ, cứ làm như chơi. Nghĩ lại kinh hãi quá!
Nói ngay Bộ Giáo dục của tôi. Thời trước là Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, rồi nhập làm một, gọi là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên thế giới không biết có nước nào có cái tên Bộ như vậy?
Viện Khoa học giáo dục thời BT Nguyễn Văn Huyên được xây dựng rất công phu, bài bản; đến thời BT Nguyễn Thiện Nhân đổi luôn thành Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục; trong viện chuyển các Ban nghiên cứu thành các Trung tâm; cán bộ nghiên cứu đưa đi các nơi loạn hết cả lên. Sau mấy năm, cán bộ Viện đấu tranh mãi, lại tái lập Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Nhưng cán bộ nghiên cứu đầu đàn đã tan rã hết cả!
Các đơn vị nghiên cứu khoa học mà cứ tách nhập, xáo trộn xoành xoạch thì còn mong làm được cái gì ra hồn!
29/11/2023
MVT
Nguyễn Mỹ Khanh – Trả lại tên cho em
Hồi bé tí tui được dạy vầy:
– Cái gì có động cơ, chạy trên đường/ mặt đất là XE.
– Cái gì có động cơ, chạy trên sông, biển là TÀU.
– Cái gì có động cơ chạy trên không là MÁY BAY.
Cho nên kêu “xe lửa” chứ không kêu “tàu lửa”.
Kêu “máy bay” chứ không kêu “tàu bay”.
Xài từ “nhà ga” cho máy bay và “ga xe lửa” cho xe lửa.
Về quy mô nhà ga, ga lớn hơn bến, và có mái che toàn bộ.
Từ “bến tàu”, “bến xe”, chỉ quy mô nhỏ, không có mái che vững chắc cho toàn bộ diện tích rộng. (Tuy nhiên gần đây nhiều bến xe phát triển lớn rộng gần bằng nhà ga, không biết có bị đổi tên thành “nhà ga xe buýt” hay “cảng hàng xe” gì không).
Cho nên xài từ “ga tàu thủy” vừa dài vừa dư từ, vừa sai quy mô. Tàu đương nhiên là có thủy để chạy trên đó rồi.
Bến tàu khác với nhà ga về khái niệm và quy mô rất xa, cho nên đậu 1.000 chiếc du thuyền vẫn là “bến du thuyền” chứ không phải “Nhà ga du thuyền”.
Khi hiểu khái niệm sai hoặc dùng từ sai, tức là nhận biết chân tướng sự vật hiện tượng không chính xác, dẫn tới ứng xử, xử lý, quản lý lộn tùng phèo.
Nhưng nguy hiểm hơn là tự cho mình là chuẩn mực rồi bắt khắp nơi áp dụng theo, kiểu nội xâm này thực sự gây áp bức trong lòng.
Hy vọng sau “căn cước”, thì em “ga tàu thủy” được trả lại tên gọi cũ là “bến tàu”.
Hồi nhỏ tui được dạy vậy nhớ vậy.
Xin các cao nhân chỉ giáo thêm.
Xin cám ơn!
Nguyễn Mỹ Khanh 29.11.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Hà Nội ô nhiễm không khí tệ thứ 2 thế giới
Xếp hạng 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu theo dữ liệu từ IQAir. (Ảnh: iqair.com)
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất từ đầu mùa khi chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở ngưỡng rất xấu và nguy hại. Ứng dụng AirVisual xếp Hà Nội ô nhiễm thứ hai thế giới trong sáng ngày 29/11.
Sáng ngày 29/11, bầu trời Hà Nội bị bao phủ lớp không khí mù đặc. Lúc 9h, điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hiển thị chỉ số AQI là 215, mức rất xấu.
Đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất ở Hà Nội đã diễn ra hơn một tuần qua với xu hướng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cơ quan này cảnh báo việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe đến mọi người dân.
Trong khi đó, theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, 7 trạm hiển thị AQI ở mức xấu và không có trạm mức tốt.
Số liệu của các tổ chức quốc tế cho thấy chất lượng không khí của Hà Nội còn tệ hơn.
Theo Đại sứ quán Mỹ, có 7 trạm đo cho kết quả ở mức rất nguy hại cho sức khỏe. Đặc biệt, điểm đo ở Trường quốc tế Liên Hợp Quốc (quận Tây Hồ) sáng nay có AQI là 299, tiệm cận mức nguy hiểm.
Hệ thống tổng hợp thiết bị quan trắc chất lượng không khí Pam Air cũng ghi nhận nhiều nơi có chất lượng không khí ở mức nguy hiểm – mức cảnh báo ô nhiễm cao nhất.
Đặc biệt điểm đo tại quận Cầu Giấy, chỉ số AQI là 424 – ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người. Cùng lúc, IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ xếp sau Lahore (Pakistan).
Cùng với Hà Nội, sáng ngày 29/11, ô nhiễm không khí tiếp tục bao trùm các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ với mức độ ô nhiễm từ xấu đến rất xấu.
Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ dự báo, ngày hôm nay 30/11, ô nhiễm không khí vẫn còn tiếp tục ở Hà Nội. Từ 1/12, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, chất lượng không khí có thể cải thiện.
Nguy cơ từ loại bụi được coi là tử thần
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM 2,5 – loại bụi được coi là tử thần trong không khí vì kích thước siêu nhỏ, có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi cũng như đi trực tiếp vào máu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi PM2,5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.
Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống. Một nghiên cứu do quỹ Mirinda and Billgate tài trợ cho thấy, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 người chết do ô nhiễm không khí.
Các nghiên cứu trong nước cũng chỉ ra trong các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do hô hấp, tim mạch tăng mạnh.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường vừa có văn bản đề nghị các Sở TN&MT nhanh chóng tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm người có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.
Cục cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất công nghiệp).
Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.
Khánh Vi
Phá vỡ đường dây sản xuất “sỉ và lẻ” các loại bằng đại học, giấy phép lái xe
Lê Thiệt/SGN
29/11/2023
Các đối tượng bị bắt giữ. Ảnh: CA
Đương nhiên nó là bằng giả (thì mới bán “sỉ và lẻ”) từ cử nhân cho đến thạc sĩ, không rõ có bằng tiến sĩ không. Còn giấy phép lái xe thì muốn lái xe nào có bằng xe đó.
Ngoài các loại giấy tờ trên, người ta còn làm cả căn cước công dân nữa. Chắc tính thay công an cấp cho người nào có nhu cầu.
Nghe nói đường dây này có từ lâu rồi, giờ mới bị xóa, nên dư luận mới đồn rằng công an “nuôi cho mập rồi thịt để lấy thành tích”, chứ đâu có tệ đến nỗi chúng hoạt động gần như công khai mà không phát hiện ra.
Người đàng hoàng bỏ ra 4, 5 năm trời mài đũng quần ở giảng đường đại học, tốn cả mấy trăm triệu tiền học phí, tiền ăn, tiền ở,… mới lấy được cái bằng để ra ngoài chạy xe grab. Còn dân có tiền, hay “con ông cháu cha” thì cứ đàn đúm suốt ngày rồi khi cần cái bằng nộp vào làm thủ tục thăng tiến thì chỉ bỏ ra từ 1.5 đến 2 triệu đồng mỗi cái bằng là xong.
Bây giờ bằng giả nhiều như lá rụng, bị phát hiện nhiều quá nên công an mới “lập chuyên án” bắt một đám nho nhỏ “làm quà” cho thiên hạ, chứ không làm lại bị mang tiếng.
Thế nên có người nói “xui cho đám này bị chọn làm con chốt thí”. Con “chốt thí” sa lưới đầu tiên là Vũ Anh Nghiệp (41 tuổi), bị bắt khi trên đường đi giao giấy tở giả cho khách hàng. Thế là hết chối vì tang chứng vật chứng đầy đủ.
Đương nhiên là chỉ vài lời thẩm vấn, cộng thêm vài động tác “massage cơ thể” của công an là Nghiệp khai toẹt đám đồng bọn đang ẩn mình. Thế là Nguyễn Toàn Trung (35 tuổi), Nguyễn Mạnh Liêm (32 tuổi), và Võ Đình Phụng (cùng 41 tuổi) sa lưới.
Công an lấy lời khai 1 đối tượng. Ảnh: CA
Khám xét nơi ở của đám này, công an thu giữ gần 300 giấy tờ giả như thẻ căn cước công dân, giấy phép lái xe, bằng thạc sĩ, bằng đại học, giấy chứng nhận chuyên môn phương tiện thủy nội địa… và nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả.
Tại công an, các đối tượng khai nhận nhóm hoạt động do Hùng (chưa rõ lai lịch) làm trưởng nhóm. Thông qua ứng dụng Line trên mạng xã hội, Hùng chuyển các file phôi văn bằng, giấy tờ đã có sẵn chữ ký và mộc đỏ.
Trung và Liêm có nhiệm vụ nạp thông tin khách hàng theo đơn đặt hàng, chỉnh sửa bằng nhu liệu Corel và Photoshop sao cho giống thật nhất.
Sau đó in màu, chuyển cho Phụng và Nghiệp đi giao hàng cho khách. Trung và Liêm có tay nghề làm con dấu giả, giấy tờ giả nên được trả lương từ 30 – 40 triệu đồng/tháng. Tính ra gấp 3, 4 lần lương công nhân rồi thì “ngu sao không làm?”
Hai tên này cũng vừa ra khám về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, nhưng chưa tởn, tiếp tục hành nghề.
Còn hai tên Phụng và Nghiệp vô công rỗi nghề, được phân công đi giao hàng, nhận 200 ngàn đồng/đơn.
Trung bình mỗi tháng nhóm này sản xuất 300 giấy tờ, văn bằng giả các loại, bán với giá 1.5 – 2.5 triệu đồng tùy từng loại. Tính ra, một tháng Hùng thu không dưới 500 triệu đồng, chi tiền lương cho đám đàn em chừng 100 triệu, các chi phí khác chừng 50 triệu, thì hắn bỏ túi ngon lành 350 – 400 triệu đồng/tháng!
Theo công an, Trung và Liêm từng có tiền án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, vừa chấp hành xong án phạt tù.
Còn tên Hùng thì lặn mất tăm. Mà cũng chưa chắc đó là tên thiệt của tên đầu sỏ của đường dây làm giấy tờ giả này.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm 11,7% trong 11 tháng qua
RFA
30/11/2023
Người dân thu hoạch cà phê (HMH)
Công thương
Việt Nam xuất khẩu hơn 1,51 triệu tấn cà phê trong 11 tháng qua, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 3,47 tỷ USD, giảm 1,9%.
Tờ Business Recorder loan tin trên trong ngày 29/11 dẫn nguồn từ một báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Cụ thể, doanh thu xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đã giảm 1,9% xuống còn 3,47 tỷ USD trong giai đoạn này.
Cùng thông tin trên, tờ Công thương cho biết, sau tám tháng tăng liên tiếp, giá cà phê xuất khẩu của VN trung bình trong nửa đầu tháng 11/2023 quay đầu giảm, đạt 3.148 USD/tấn, giảm 12,6% so với mức trung bình cả tháng 10/2023.
Trước đó, theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chốt ngày giao dịch 22/11, giá hai mặt hàng cà phê cùng khởi sắc trở lại. Trong đó, giá Arabica tăng 0,3% và giá Robusta cao hơn 1,33% so với tham chiếu.
Dự kiến niên vụ cà phê 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam giảm 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Nhiều nông dân tại nhiều tỉnh, thành đã và đang đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái. Do nguồn cung sụt giảm, giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau.