Chuyện Việt Nam Thứ Tư 17 tháng 01 năm 2024

Share this post on:

Quê Hương tổng hợp


50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai đã hành động như thế nào?

BBC News – 17/01/2024

Mao Trạch Đông gặp các "đồng chí" Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh vào năm 1973, một năm sau thì Trung Quốc đánh Hoàng Sa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Mao Trạch Đông gặp các “đồng chí” Lê Đức Thọ và Nguyễn Duy Trinh vào năm 1973, một năm sau thì Trung Quốc đánh Hoàng Sa 

Trung Quốc đã chuẩn bị gì cho Hải chiến Hoàng Sa 1974 mà họ gọi là “Tự vệ Phản kích Tây Sa”? Báo nhà nước Trung Quốc tiết lộ hành động của các lãnh đạo Bắc Kinh quanh thời điểm quan trọng này. 

Lúc 10 giờ sáng ngày 18/1/1974, khi Mao Trạch Đông còn chưa thức giấc, một văn bản đã được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc của ông. Đó là bản báo cáo do Thủ tướng Chu Ân Lai và Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh ký, tường trình tình hình Hoàng Sa và kế hoạch “bảo vệ” quần đảo này.

Liên tục trong một tuần trước đó, căng thẳng Hoàng Sa leo thang không chỉ trên bình diện ngoại giao mà cả trên thực địa.

Thức dậy, Mao vừa xem báo cáo, vừa “chìm sâu vào suy nghĩ”, trong đó là cả một đoạn sử về giằng co chủ quyền Hoàng Sa từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lập quốc cho tới những diễn biến vừa qua. Với Mao, quyết định lần này không chỉ có ý nghĩa với riêng Trung Quốc mà còn vì “ổn định thế cục thế giới”. 

Nghĩ đến đấy, Mao bèn cầm bút phê lên hai chữ: “Đồng ý”, đoạn nói: “Xem ra không đánh một trận thì không bảo vệ được quyền và lợi ích của Trung Quốc trên biển”.

Đó là cách tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả quá trình phê duyệt đề xuất đánh Hoàng Sa của Mao. 

Trang tuyên truyền của TQ ca ngợi Mao Trạch Đông đặt ra mục tiêu phát triển Hải quân Quân Giải phóng

Nguồn hình ảnh, GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh, 

Trang tuyên truyền của TQ ca ngợi Mao Trạch Đông đặt ra mục tiêu phát triển Hải quân Quân Giải phóng

Hải chiến Hoàng Sa là trận chiến với nước ngoài đầu tiên trong lịch sử hiện đại của hải quân Trung Quốc. Đó cũng là trận đánh cuối cùng do Mao Trạch Đông quyết định. 

Khi ấy Mao giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã 81 tuổi, độ tuổi mà ông tự trào là sắp phải “đi gặp Marx”.

Sau khi được Mao đồng ý, Chu Ân Lai cùng bộ sậu Quân ủy Trung ương lên phương án tác chiến. 

Sáng sớm ngày 19/1, tiểu tổ lãnh đạo được thành lập gồm 5 thành viên: Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Trần Tích Liên. Tô Chấn Hoa được bổ sung sau đó, thành ra 6 người. 

Theo đề xuất của Chu Ân Lai thì Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình đại diện đảng phụ trách chính, lập tức sang Bộ Tác chiến Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo.

Chu Ân Lai gọi điện cho Diệp Kiếm Anh, nói ngắn gọn: “Anh giữ quyền phụ trách. Hãy đến Bộ Tổng tham mưu để chỉ huy tác chiến.”

Đặng Tiểu Bình lúc bấy giờ vừa trở lại chính trường sau khi bị ép lao động cải tạo ở Giang Tây. Đặng là một trong những nạn nhân của Đại Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng.

Trưa cùng ngày, trận chiến chính thức nổ ra.

Câu nói của Chu Ân Lai với Diệp Kiếm Anh trong cuộc điện thoại ngày 19/1/1974

Theo tờ Nhân Dân nhật báo, trong lúc chiến sự diễn ra, không khí tại Bộ Tác chiến Bộ Tổng tham mưu “có phần căng thẳng”: trong khi Diệp Kiếm Anh không ngớt hỏi tình hình tiền tuyến thì Đặng Tiểu Bình hút thuốc “hết điếu này sang điếu khác”. 

Đến 2 giờ chiều, tin thắng trận báo về, Diệp được mô tả là đã phấn khích hô lên liên tiếp “đánh hay lắm”, còn Đặng hít sâu một hơi thuốc trước khi dập điếu rồi nói với Diệp: “Ta đi ăn cơm thôi”.

Sau thắng lợi ban đầu, Đặng và Diệp, với sự ủng hộ của Mao, lệnh Quân khu Quảng Châu đánh chiếm tiếp ba đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là San Hô), Hữu Nhật (Trung Quốc gọi là Cam Tuyền) và Quang Ảnh (Trung Quốc gọi là Kim Ngân). Lý do, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, là để “dạy cho quân xâm lược Nam Việt một bài học”.

Khoảng nửa năm sau Hải chiến Hoàng Sa, tháng 7/1974, Mao Trạch Đông được chẩn đoán mắc chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS), khiến cơ thể mất từ từ khả năng điều khiển vận động. Đó chỉ là một trong số nhiều bệnh mà Mao đã mang sẵn từ trước.

Sau khi Mao chết năm 1976, Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, dẫn dắt công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế của nước này. 

Tuy lập trường chính thức của Trung Quốc trong giai đoạn đó là “gác lại vấn đề chủ quyền, cùng nhau phát triển”, nhưng dưới thời Đặng, quân Trung Quốc và Việt Nam còn một lần nữa chạm trán trong Hải chiến Gạc Ma 1988.

Hải chiến Hoàng Sa 1974 đánh dấu một trong những bước quan trọng để từ đó Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược bành trướng trên Biển Đông.

Đây cũng là thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển hải quân của Trung Quốc thời hiện đại, từ chỗ “hầu như không có khả năng chiến đấu trên biển” trở thành một trong những lực lượng hải quân hàng đầu thế giới.


Thấy gì từ phiên tòa xét xử 100 người vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk?

Luật sư Đặng Đình Mạnh 

Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Washington, Mỹ

17/01/2024

Gần 100 bị cáo trong phiên xét xử lưu động tại tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam, với cáo buộc "khủng bố" sau vụ xả súng khiến chín người thiệt mạng ở Tây Nguyên.

Nguồn hình ảnh, Thông tấn xã Việt Nam/AFP/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Gần 100 bị cáo trong phiên xét xử lưu động tại tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam, với cáo buộc “khủng bố” sau vụ xả súng khiến chín người thiệt mạng ở Tây Nguyên

Phiên tòa xét xử vụ án nổ súng tấn công trụ sở chính quyền xã tại tỉnh Đắk Lắk một lần nữa khơi lại những mâu thuẫn tích tụ lâu nay ở Tây Nguyên. Áp dụng hình thức xét xử lưu động đối với phiên tòa này cũng là điều đáng nói.

Ngày 16/01/2023, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án nổ súng của đồng bào người Thượng tấn công vào trụ sở chính quyền xã vào trung tuần tháng 6/2023 ra xét xử lưu động theo thủ tục hình sự sơ thẩm. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Báo chí trong nước khi đưa tin phiên tòa đều gọi các bị cáo là “khủng bố”, tạo ra cái nhãn “có tội” cho tất cả những người này dù chưa hề có bản án có hiệu lực của tòa.

Theo dõi qua quá trình chính quyền trong nước tổ chức đàn áp người Thượng một cách có hệ thống kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua, dù không tán thành việc dùng bạo lực của một số bị cáo, nhưng tôi thấy rõ ràng hành vi tấn công của người Thượng là phản ứng từ sự dồn nén, phẫn uất quá lâu của họ, mà sự kiện ngày 11/06/2023 tựa như một sự tức nước vỡ bờ. 

Sự đàn áp của chính quyền với đồng bào người Thượng thể hiện rõ nét nhất qua hai lĩnh vực: tôn giáo và đất đai.

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/512xn/p06k4gvr.jpg

Chụp lại video, 

Người Thượng từ Việt Nam sang Thái tị nạn bị truy quét

Về tôn giáo và đất đai

Hiến pháp Việt Nam long trọng thừa nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng qua nhiều vụ án đàn áp tôn giáo mà người viết đã từng bào chữa với tư cách là luật sư, liên quan đến: Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Công giáo, Tin lành, Pháp Luân Công… nhất là sau những chuyến đi lên Tây Nguyên tham gia bào chữa trong nhiều vụ án, bao gồm cả vụ án sát hại linh mục Trần Văn Thanh, người viết càng có cơ sở để khẳng định rằng quyền tự do tôn giáo chưa bao giờ tồn tại ở Việt Nam. 

Có thể thấy chính quyền có chủ trương đàn áp tôn giáo một cách có hệ thống, rộng khắp trên toàn lãnh thổ và khốc liệt nhất là trên cao nguyên với đồng bào người Thượng. Nhiều linh mục Công giáo và mục sư Tin lành truyền giáo tại khu vực Tây Nguyên là nhân chứng của chuyện này.

Về đất đai, trước nay, vùng Tây Nguyên vẫn là nơi sinh sống truyền thống từ tổ tiên bao đời của người Thượng. Đến thời điểm sau năm 1975, chính quyền trong nước dần dần đưa dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào xâm chiếm đất đai của người Thượng. 

Đó là chưa kể chính quyền cũng ra tay cướp đoạt đất đai của họ. 

Gần đây nhất là việc cưỡng chiếm đất đai, nhà cửa của hàng chục hộ dân ở 2 xã Ea Ktur và Ea Tieu mà không hề bồi thường trong dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh và đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột. Việc thứ hai là chính quyền đã huy động cảnh sát cơ động đến để đàn áp, đánh đập, gây thương tích cho đồng bào người Thượng đang phản đối chính quyền cho xây dựng, xả thải vào hồ Ea M’tá.

Trước đó, đồng bào người Thượng đã từng xuống đường vào các năm 2001, 2004 và 2008 để phản đối một cách ôn hòa các chính sách chèn ép, đối xử bất bình đẳng với người dân tộc. Đổi lại, chính quyền đều tổ chức đàn áp đối với họ.

Cho nên, sự kiện một số đồng bào người Thượng phải sử dụng súng bắn vào trụ sở chính quyền vào tháng 6/2023 có thể là tiếng nói phản kháng, uất ức, tức nước vỡ bờ của họ đối với chính quyền mà thôi.

Về việc xét xử lưu động

Việc chính quyền đưa ra xét xử hình sự lưu động đối với 100 người Thượng tại Đắk Lắk vào ngày 16/1/2023 là một sự kiện hết sức đáng lên án, gây ngạc nhiên với công chúng hiểu biết về các hoạt động tư pháp nước nhà, nhất là trong bối cảnh hình thức xét xử này đã được ông Nguyễn Hòa Bình, khi còn là Chánh án TANDTC, đề nghị dừng thực thi từ năm 2018 vì mặt hạn chế của nó. 

Vì lẽ, xét xử lưu động là tàn tích xét xử man rợ, vô nhân đạo từ xa xưa để lại mà khi đó, việc xét xử không phải bằng một hội đồng xét xử mà hầu như bằng cả cộng đồng như bộ tộc cùng tham gia xét xử. Thậm chí, việc thi hành án được thực hiện ngay tại chỗ bằng cách đám đông ném đá trừng trị người bị xét xử.

Tuy luật về tố tụng hình sự Việt Nam chưa từng quy định thủ tục xét xử lưu động, nhưng nhiều tòa án đã tùy tiện quyết định việc xét xử lưu động các vụ án hình sự. Thậm chí, đã từng có bị cáo tự tử vì xấu hổ khi biết vụ án mình sẽ bị đưa ra xét xử theo thủ tục lưu động trước công chúng tại địa phương nơi người này sinh sống. 

Hơn nữa, thủ tục này cũng không bảo đảm một loạt nguyên tắc hình sự căn bản như “Suy đoán vô tội”, hoặc “Một người chỉ được xem là tội phạm khi có bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật”, hay “Nguyên tắc thẩm phán độc lập xét xử” và “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”… Vì lẽ, khi đưa ra xét xử, thì bị cáo vẫn chưa phải là tội phạm, do đó, trình bày hành vi của họ như một hành vi tội phạm ra trước mặt công chúng là bất hợp pháp và không chính đáng. Chưa kể rằng thái độ xét xử của hội đồng xét xử và phản ứng của công chúng qua diễn biến trong phiên tòa cũng sẽ tạo sự tác động qua lại, làm ảnh hưởng đến sự độc lập xét xử của thẩm phán, cũng như yêu cầu xét xử khách quan của hội đồng xét xử.

Ngoài ra, việc xét xử lưu động còn gây hậu quả kéo dài cho đến khi người bị xét xử đã thụ án xong, trở về địa phương, thì sự hòa nhập của họ với xã hội sẽ càng khó khăn với những định kiến trước đó của công chúng địa phương đối với họ qua phiên tòa lưu động.

Thế nên, đánh giá tổng quát, quyết định xét xử lưu động của chính quyền tỉnh Đắk Lắk không chỉ không chính đáng, mà còn vi phạm một loạt nguyên tắc hình sự cơ bản, trong đó có cả vấn đề phân biệt sắc tộc và là sự vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng. 

Tôi nghĩ rằng, thế giới văn minh cần lên án loại hình này của nền tư pháp trong nước.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cqv1n7287p3o

Lê Xuân Nghĩa – Muốn có hòa bình đúng nghĩa cần phải có lòng dũng cảm 

16/01/2024

– Ukraine, quốc gia chỉ có 42 triệu dân nhưng đang quyết chiến với Nga, quốc gia láng giềng với gần 150 triệu dân là cường quốc quân sự số 2 thế giới.

– Đài Loan chỉ gần 24 triệu dân, nhưng sẵn sàng nghênh chiến với Trung Quốc, cũng là quốc gia láng giềng và là siêu cường thứ 2 của thế giới.

– Israel thì chỉ chừng 10 triệu dân, nhưng ngay lập tức tấn công bất cứ láng giềng nào xâm phạm chủ quyền, giết hại người dân của họ. Dù cho các láng giềng đó có dân số cả vài trăm triệu người.

Vậy Ukraine, Đài Loan và Israel họ có yêu hòa bình không? Họ có cần hòa bình để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước cường thịnh không? Câu trả lời chắc chắn là có. 

Tại sao họ vẫn sẵn sàng chiến tranh, dù các quốc gia đó bé nhỏ so với kẻ thù láng giềng nhiều lần?

Theo tôi thì quan niệm hòa bình của họ phải là dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Không bị lệ thuộc và bắt nạt. Không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, dân tộc. Hòa bình đó mới thật là hòa bình đúng nghĩa. 

Còn nếu hòa bình mà dân tộc bị lệ thuộc, cương thổ bị chia cắt, chính trị bị bắt nạt thì hòa bình đó chỉ là dối trá và lừa gạt. Và như vậy thì phát triển, thịnh vượng có ý nghĩa gì?

Do đó, họ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu vì danh dự và nhân phẩm của dân tộc, vì sự toàn vẹn chủ quyền của quốc gia mà không hề sợ hãi.


VNCS: Sự kế thừa lãnh đạo trong đảng

Chủ Nhật, 01/14/2024 – 12:49 — nguyenvubinh 

Trong mấy ngày gần đây, thông tin về việc ông Nguyễn Phú Trọng phải nhập viện đã làm xôn xao cộng đồng mạng và dư luận xã hội. Với một vài lần đột quỵ trước đây, tuổi gần 80 và thời tiết trở lạnh, ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện dễ gây ra việc suy đoán tình trạng Ông sẽ khó qua khỏi, hoặc sức khỏe giảm sút trầm trọng. Cùng với việc đồn đoán về sức khỏe là việc đồn đoán về việc ai sẽ kế thừa ông Trọng nếu trường hợp xấu nhất đối với Tổng Bí thư xảy ra. Tìm hiểu về sự kế thừa lãnh đạo tối cao trong đảng trong trường hợp này cũng thật cần thiết.

Theo truyền thống, với các giai đoạn bình thường không có biến động, các Tổng Bí thư thường là người lựa chọn người kế vị mình. Sau đó bồi dưỡng, hoặc ít nhất là giới thiệu tế nhị ứng cử viên của mình trong một giai đoạn dài. Việc họp Bộ chính trị, họp trung ương thường là đồng thuận cao. Sự chuẩn bị thường là có một quá trình và có sự chủ động. Về mặt hình thức, các lãnh tụ cộng sản thường đề cao tính kế thừa, nhưng trên thực tế, đó là việc bào đảm ảnh hưởng và quyền lợi của bản thân sau khi rời khỏi ngôi cao nhất của đảng.

Trong những trường hợp bất thường, bao gồm việc Tổng bí thư qua đời đột ngột, hoặc hết nhiệm kỳ mà ảnh hưởng của Tổng Bí thư không bao trùm, uy tín không vượt trội, vấn đề lựa chọn lãnh đạo cao nhất khó khăn hơn. Tất nhiên, dù ảnh hưởng không tuyệt đối, uy tín không vượt trội thì ứng cử viên do Tổng Bí thư đưa ra vẫn có lợi thế hơn nhiều so với các ứng cử viên khác. Trường hợp Tổng Bí thư qua đời đột ngột thì lãnh đạo cao nhất là ứng cử viên nằm trong sự thỏa hiệp giữa các thế lực trong bộ chính trị. Thường là sự đi kèm, đánh đổi giữa các thế lực về các ứng viên còn lại trong bộ tứ gồm chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.

Một đặc trưng trong việc lựa chọn lãnh đạo cao nhất của đảng, chức vụ Tổng Bí thư cũng như tất cả các cuộc bầu bán của đảng từ trước tới nay, nó không hề được bầu cử dân chủ, ngay trong nội bộ đảng. Việc quyết định ai sẽ là người lãnh đạo cao nhất, cũng như các vị trí bộ Tứ chỉ do những người trong Bộ chính trị. Nếu là bầu cử dân chủ trong đảng (nội bộ), thì các ứng cử viên sẽ được tự do lựa chọn trong trung ương đảng, và sau đó sẽ có một cuộc bầu cử thực sự. Quy trình hiện nay là Bộ chính trị họp bàn, thỏa hiệp, thỏa thuận đưa ra các ứng cử viên đã được chấp thuận, trung ương đảng họp và cũng có bầu công khai, nhưng kết quả giống như quyết định của Bộ chính trị. Sau cùng, đại hội đảng là một màn biểu diễn hoàn toàn của cả Bộ chính trị và trung ương đảng.

Về bối cảnh hiện nay của việc kế thừa chức vụ Tổng Bí thư, rất đặc biệt và có lẽ chưa có tiền lệ. Đầu tiên, đó là chưa có sự chuẩn bị nào cho chức vụ này. Điều này xuất phát từ kinh nghiệm về ứng cử viên Tổng bí thư khóa trước, ông Trần Quốc Vượng. Tất cả đều tưởng đó là ứng cử viên do ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra để thay thế mình, nhưng hóa ra không phải. Đó lại là ứng viên để mọi người thấy rằng không thể thay ông Trọng bằng bất cứ ai, dù đó là người Tổng Bí thư giới thiệu. Tức là ông Trọng không muốn ai thay mình, và có lẽ Ông muốn làm Tổng Bí thư tới chết. Vậy nên nhiệm kỳ này, dù có tin đồn phong phanh về việc người này người kia được ông Trọng chú ý có thể thay thế mình, thì điều đó cũng không ai tin và khó thành sự thật.

Thứ hai, trong khi chưa có sự chuẩn bị kế thừa, các vị trí có thể thay thế Tổng Bí thư đều không có ai có năng lực và uy tín vượt trội, có thể gọi là cá mè một lứa. Hơn nữa, tuổi của các ứng cử viên sáng giá, trừ chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đều đã 65-66 tuổi, tức là ở ngưỡng quá tuổi, muốn ở lại phải là trường hợp đặc biệt. Như vậy, việc liên minh và thỏa hiệp cũng như đấu đá sẽ diễn ra vô cùng căng thẳng.

Thứ ba, trước đây, vị trí Tổng Bí thư thường là vị trí lãnh đạo chính trị, ít bổng lộc hơn các vị trí khác, thậm chí quyền lực cũng không tuyệt đối. Nhưng từ khi ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng công cuộc chống tham nhũng, ‘đốt lò” với ưu thế cá nhân tương đối trong sạch, thì quyền lực, quyền sinh quyền sát đã nằm trong tay Tổng Bí thư. Xu hướng tập trung quyền lực vào vị trí Tổng Bí thư, đã kích thích nhiều ứng cử viên đã có thừa bổng lộc và vây cánh, mơ ước ngôi cao nhất của đảng, cũng là của chế độ và đất nước.

 Hà Nội, ngày 15/01/2024

N.V.B