Damien Cave – Ba Tháng Sau Biden, Đến Lượt Tập Lôi Kéo Việt Nam

Share this post on:

30/12/2023

The New York Times | Ngày 12 tháng 12 năm 2023

Nguồn: https://www.nytimes.com/2023/12/12/world/asia/china-vietnam-xi-jinping.html.

Biên dịch: Phan Nguyễn Hiền Linh | Hiệu đính: Vân Phạm

https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/12/img7917-17023603439211973548329.jpeg?w=640

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn sự đảm bảo rằng đất nước quan trọng mang tính chiến lược này không ngả về Washington để chống Bắc Kinh, theo các nhà phân tích. 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đến Việt Nam vào thứ Ba trong một chuyến công du nước ngoài hiếm hoi nhằm tìm cách tăng cường quan hệ với nước láng giềng quan trọng, chỉ ba tháng sau khi Tổng thống Biden thăm Hà Nội với sứ mệnh tương tự.

Chỉ có một số ít quốc gia hiện nay được định vị một cách trung tâm hơn trong cuộc cạnh tranh cường quốc giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặt Việt Nam, với chiều dài lịch sử về sự độc lập tự chủ đầy kiên quyết, vào một thế “vừa nguy, vừa cơ”. Làm hài lòng hai người khổng lồ đồng nghĩa với sự tăng cường kinh tế mang tính chuyển đổi; nhưng chọc giận một trong hai có thể phải trả cái giá đắt.

“Đây là một vũ điệu rất chênh vênh cho chính quyền Việt Nam,” Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Honolulu, bình luận. “Họ phải nhảy trên một sợi dây rất mỏng, và sợi dây đó thậm chí ngày càng mỏng hơn.”

Ông Tập, theo các nhà phân tích, muốn kiểm tra ý định của Việt Nam, tìm kiếm sự tái đảm bảo rằng nước này không ngả về Hoa Kỳ để chống Trung Quốc sau khi Washington và Hà Nội nhất trí vào tháng Chín về một “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.”

Đó thường là cấp độ ngoại giao cao nhất mà Việt Nam thiết lập. Bắc Kinh đã đạt được cấp độ này với Hà Nội 15 năm trước, nhưng ông Tập đã gây áp lực cho Việt Nam tham gia một cấp cao hơn, đó là thứ mà Trung Quốc gọi là “cộng đồng chung vận mệnh.”

Ông đã giới thiệu thuật ngữ này vào khoảng một thập kỷ trước như một phần của kế hoạch nhằm tăng cường sự ủng hộ của khu vực và giảm bớt sự ngờ vực của những nước Đông Nam Á từng là các nước chư hầu của Trung Quốc. Nhiều quốc gia, bao gồm Campuchia, Lào và Myanmar đã ký, nhưng Việt Nam thì từ chối vì lo sợ điều này có thể được diễn giải như sự thừa nhận bá quyền của Trung Quốc.

Trong một bài viết bày tỏ quan điểm được đăng tải trên cơ quan báo chí nhà nước Việt Nam, ông Tập nói một “cộng đồng chia sẻ tương lai” có ý nghĩa quan trọng đối với hai quốc gia – một dấu hiệu, có lẽ, về cách diễn đạt được xem như là một sự nhượng bộ.

Những lo ngại của Hà Nội về tầm kiểm soát của Trung Quốc rõ ràng rất gay gắt trên Biển Đông, nơi mà tàu thuyền Việt Nam và Trung Quốc liên tục đụng độ từ những năm 1970 vì những tranh chấp chủ quyền đối với các đảo và trữ lượng dầu khí.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam, dự kiến sẽ thảo luận về tranh chấp lãnh thổ vào thứ Ba và thứ Tư trong bối cảnh họ đang tìm cách thống nhất một tuyên bố chung cho thấy có tiến triển ngoại giao.

Chương trình nghị sự dường như cũng bao gồm một dự án đường sắt vận chuyển hàng hóa gần biên giới Trung Quốc mà có thể nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cũng như khả năng hợp tác về khoáng sản đất hiếm, một chủ đề thu hút sự quan tâm lớn đối với Washington lẫn Bắc Kinh.

Việt Nam có nguồn dự trữ đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Trung Quốc thống trị trong hoạt động chế biến khoáng sản, kiểm soát giá cả đối với nhiều nguyên vật liệu quan trọng cho điện thoại thông minh, xe điện, vũ khí công nghệ cao và những nhu yếu phẩm khác.

Washington coi Việt Nam – và các đối tác khác có chuyên môn về khai thác mỏ, chẳng hạn như Úc – là nền tảng tiềm năng cho chuỗi cung ứng chuyển đổi có thể thay thế sự độc quyền của Trung Quốc.

Sau chuyến thăm của ông Biden, Nhà Trắng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam định lượng nguồn dự trữ và sẽ hợp tác kỹ thuật với nước này, một trong những dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất Hoa Kỳ xem đây là giải pháp thay thế chi phí thấp, ít rủi ro hơn đối với Trung Quốc.

Một số công ty bán dẫn của Hoa Kỳ cũng công bố đầu tư lớn vào Việt Nam.

Đối với ông Tập, bất cứ điều gì có thể làm phức tạp hoặc trì hoãn kế hoạch sản xuất đất hiếm hoặc vi mạch của Hoa Kỳ có thể được coi là một thắng lợi – đối với nền kinh tế đang bị bao vây của Trung Quốc và đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở quê nhà.

Lê Thu Hường, phó giám đốc Chương trình Châu Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết: “Chuyến thăm của Tập muốn thể hiện rằng Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.” Bà nói thêm rằng trong khi chuyến đi của ông là biểu hiện cho thấy sự gần gũi với Việt Nam, ông cũng đã “gửi một thông điệp tới khán giả Trung Quốc – rằng Bắc Kinh chưa ‘mất’ một quốc gia ngoại vi của nước này vào tay ‘phe phương Tây’”.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam dường như hiểu được nhu cầu của Trung Quốc trong việc thể hiện một hình ảnh về tình hữu nghị bền chặt. Trên các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam, các quan chức đã nhấn mạnh rằng đây là chuyến đi thứ ba của ông Tập tới Việt Nam, lưu ý rằng chưa có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khác đến thăm nhiều như vậy.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng bận rộn, và không chỉ có tổng thống. Tướng Charles A. Flynn, tư lệnh Quân đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã ba lần có các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Việt Nam trong bốn tháng qua, trong đó có chuyến thăm đến trụ sở Đảng Cộng sản ở Hà Nội.

Đối với Việt Nam, đất nước thường được ca ngợi với chính sách “ngoại giao cây tre” (gốc vững, cành uyển chuyển), mục tiêu là sự cân bằng. Việc chào đón nhà lãnh đạo Trung Quốc nhắc nhở Hoa Kỳ rằng Việt Nam không chịu ràng buộc bởi những khẩn cầu của Hoa Kỳ. Nhưng với Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập, nhà lãnh đạo quyết đoán nhất của nước này kể từ sau Mao Trạch Đông, việc đi quá xa theo mong muốn của Bắc Kinh có thể gây ra rủi ro lớn hơn, bao gồm cả khả năng xảy ra phản ứng dữ dội trong nước.

Biểu tình chống Trung Quốc nổ ra trên khắp Việt Nam vào năm 2014, sau khi tàu Trung Quốc và Việt Nam va chạm gần một giàn khoan dầu ở Biển Đông, và một lần nữa vào năm 2018, sau khi Hà Nội cho phép người nước ngoài thuê đất ở ba đặc khu kinh tế.

“Cho đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam đang làm rất tốt, hiểu rõ những thách thức cũng như cơ hội đến từ việc cạnh tranh giữa các cường quốc và tận dụng tối đa vị thế chiến lược của Việt Nam,” TS. Hường bình luận. “Điều này có thể được giữ vững như thế nào – đó lại là một câu hỏi khác.”

Phan Nguyễn Hiền Linh và TS. Vân Phạm lần lượt là cộng tác viên thử việc và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

https://dskbd.org/2023/12/30