Mỹ ủng hộ đình chỉ bảo hộ sáng chế vac-xin ngừa Covid-19
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ tòa Bạch Ốc, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 05/05/2021. © AP – Evan Vucci
Chính quyền Mỹ ngày 05/05/2021 thông báo ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các loại vac-xin ngừa Covid-19. Đây là một quyết định có ý nghĩa trong bối cảnh các nước nghèo đang thiếu nghiêm trọng vac-xin, được cho là loại « vũ khí » quý giá duy nhất để có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve cho biết thêm chi tiết:
« Ở những hoàn cảnh khác thường thì cần có những biện pháp đặc biệt », bộ trưởng Thương Mại của tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh. Bà Catherine Tai phát biểu : « Chính quyền Hoa Kỳ rất tin tưởng vào việc phải bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch lần này, Washington ủng hộ việc đình chỉ bảo hộ các phát minh, sáng chế liên quan đến Covid-19 ».
Việc đình chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc chủ yếu vào Mỹ, quốc gia sáng chế ra hai loại vac-xin đầu tiên ngừa virus corona : vac-xin của Pfizer và Moderna, và cũng là nhà cung cấp tài chính chủ yếu cho công tác nghiên cứu. Thế nhưng, chính Tổ Chức Thương Mại Thế Giới lại là định chế đề ra các cách thức đình chỉ. Chính quyền Mỹ cũng hứa gây tác động trong nội bộ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới để có thể đạt được mục đích này.
Đề nghị tạm ngừng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vac-xin ngừa Covid-19 đã được Ấn Độ và Nam Phi đưa ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới từ hồi tháng 10/2020. Vào cuối tháng Tư vừa qua, trong một cuộc điện đàm, tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã đề cập đến chủ đề này.
Cuối cùng, giờ đây, việc đình chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc chủ yếu vào chính ngành công nghiệp dược phẩm. Hôm thứ Ba, chủ tịch – tổng giám đốc của tập đoàn Pfizer đã nói : « Chia sẻ các bằng sáng chế sẽ là một sai lầm ». Lý do chủ yếu mà ông đưa ra là bằng sáng chế bảo đảm nguồn tài chính cho công tác nghiên cứu vốn dĩ rất tốn kém mới có thể cho phép tìm ra vac-xin. »
Bà Katherine Tai: Mỹ-Trung sẽ sớm đánh giá thỏa thuận thương mại giai đoạn 1
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (ảnh: Từ video của Yahoo Finance)
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai hôm thứ Tư (5/5) cho biết bà hy vọng sẽ cùng với các quan chức Trung Quốc đánh giá việc thực hiện thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” giữa hai nước trong một tương lai gần, theo Nikkei.
Phát biểu trong một sự kiện trực tuyến của Financial Times, Tai nói rằng bà tôn trọng yêu cầu về tính liên tiếp trong chính sách thương mại Mỹ-Trung, bao gồm cả thỏa thuận thương mại được thực hiện vào năm ngoái bởi chính quyền tiền nhiệm.
Đại diện thương mại Mỹ cho biết bà chưa có bất kỳ liên hệ chính thức nào với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đã đàm phán thỏa thuận giai đoạn 1, hoặc với bất kỳ quan chức hàng đầu nào khác của Trung Quốc. Tuy nhiên, bà hy vọng việc này sẽ diễn ra “trong tương lai gần”.
Khi được hỏi liệu mức thuế quan của Hoa Kỳ đối với khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt có được chính quyền của Joe Biden dỡ bỏ trong thời gian tới hay không, bà Tai cho biết nhiều điều sẽ phụ thuộc vào các cuộc đối thoại với các quan chức Trung Quốc và “tính hiệu quả” của Thỏa thuận giai đoạn 1.
Cựu TT Trump đã khởi động cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2018. Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, với yêu cầu Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong hai năm.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng thỏa thuận giai đoạn 1 của Bắc Kinh tới nay còn rất hạn chế, một phần do ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có khởi động các cuộc đàm phán thương mại tự do với Đài Loan hay không, bà Tai nói rằng bất kỳ cam kết thương mại và kinh tế nào với Đài Loan đều phải được phối hợp với các mục tiêu chính sách khác của chính quyền Biden, cả đối ngoại và đối nội.
Aung San Suu Kyi tiếp tục hầu tòa
Bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến trước cuộc đảo chính tháng 2, hôm nay sẽ ra hầu tòa. Bà bị buộc sáu tội danh. Phiên tòa hôm nay, có thể là online, bao gồm một cáo buộc nghiêm trọng nhất: vi phạm đạo luật bí mật nhà nước, với bản án 14 năm tù. Dù không có bằng chứng, nhưng chính quyền lập luận rằng bà Suu Kyi thắng cử nhờ gian lận, và hứa sẽ tổ chức bầu cử lại sau khi vãn hồi trật tự.
Nhưng các tướng đã tạo ra hỗn loạn. Cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội đã dập tắt phần lớn biểu tình ở thành phố, nhưng lại khiến một số người Miến chuyển từ biểu tình sang cầm vũ khí. Đã có nhiều nhóm vũ trang thường dân tấn công giết chết các thành viên của lực lượng an ninh. Và những ngày gần đây đã có ít nhất một chục quả bom phát nổ ở các thành phố Myanmar. Trong khi đó, quân đội vẫn phải đối đầu với các nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số ở các vùng ngoại vi của đất nước, khiến hàng chục nghìn người phải di tản. Xung đột sẽ còn kéo dài.
Facebook gia hạn lệnh cấm Trump
Hôm qua, Ban Giám sát của Facebook, được thành lập như một “tòa án tối cao” xem xét các vấn đề nội dung, đã ra quyết định xem Donald Trump có nên bị cấm khỏi Facebook và Instagram hay không. Hồi tháng 1, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã đình chỉ tài khoản của ông Trump sau khi tổng thống đăng bài ca ngợi những kẻ nổi loạn ở Điện Capitol. Facebook đã chuyển quyết định của mình lên Ban Giám sát, nhằm có một cuộc thẩm tra độc lập. Cụ thể, ban quyết định tiếp tục cấm ông Trump và yêu cầu Facebook xem xét lại quyết định của mình trong vòng sáu tháng để xác định xem liệu nguy cơ bạo lực đã giảm hay chưa.
Quyết định này bị theo dõi sát sao như một bài kiểm tra về thẩm quyền và tác động của Ban Giám sát. Nhưng trường hợp này cần thiết có giám sát như vậy trong bối cảnh Facebook có quyền lực lớn để chặn hay trao quyền cho người dùng trực tuyến. Nếu không có Facebook, Twitter hay YouTube (cả hai đều đã chặn ông Trump), ông sẽ khó truyền đi tiếng nói của mình.
Bài toán khó về lạm phát và lãi suất của ngân hàng trung ương Anh
Người tiêu dùng Anh đã quay lại cửa hàng và lấp đầy các quán rượu kể từ khi hoạt động ăn uống ngoài trời được cho phép từ tháng trước. Theo cách nói của hãng tư vấn Oxford Economics, người tiêu dùng đang “thèm khát” được chi tiêu. Các công ty cũng chi. Đợt Siêu Khấu trừ thuế mới sẽ giúp họ rảnh tay hướng tới các kế hoạch đầu tư tương lai.
Tuy nhiên, tất cả tin tốt lành này khiến Ngân hàng Anh thấy khó xử. Lạm phát hiện thấp hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng nhưng được dự đoán vượt mục tiêu vào cuối năm nay. Hôm nay ngân hàng sẽ cân nhắc các bước tiếp theo của họ. Lãi suất khó tăng từ mức 0,1%, song các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ quyết định giảm tốc độ mua trái phiếu của chương trình nới lỏng định lượng. Dù gần đây có nhiều tin tốt, nhưng nền kinh tế vẫn được cho là ở dưới quy mô tiền đại dịch vào cuối năm nay.
Chính quyền Biden đổ lỗi khủng hoảng biên giới cho Trump
Thư ký báo chí Toà Bạch Ốc Jen Psaki (ảnh: Youtube/Yahoo Finance).
Hôm 4/5, Thư ký Báo chí Toà Bạch Ốc Jen Psaki đã mở đầu cuộc họp báo của mình bằng một cuộc tấn công dữ dội vào chính quyền Trump, đổ lỗi cho họ về cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Nam của Hoa Kỳ, theo Daily Wire.
Bà Psaki tuyên bố “các chính sách phá hoại và hỗn loạn” của chính quyền Trump là nguyên nhân gây ra “dòng người di cư ở biên giới” và dòng người này bắt đầu dưới thời chính quyền Trump và đã “trầm trọng hơn” bởi họ.
Bà Psaki nói: “Tôi muốn cung cấp một bản cập nhật ngắn gọn về tình hình ở biên giới phía Nam của chúng ta; sau 4 năm của một hệ thống nhập cư bắt nguồn từ các chính sách phá hoại và hỗn loạn, Tổng thống Biden đang đương đầu với thách thức và đang xây dựng một hệ thống nhập cư công bằng, trật tự và nhân đạo. Đó là mục tiêu của chúng tôi”.
Bà Psaki tiếp tục: “Sau khi nhậm chức, chính quyền của chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào hành động để giải quyết dòng người di cư ở biên giới, một vấn đề đã bắt đầu và ngày càng trầm trọng hơn dưới thời chính quyền Trump”.
Trái ngược với nỗ lực của bà Psaki trong việc đổ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng biên giới cho chính quyền Trump, nhà báo Chrissy Clark của Daily Wire, người gần đây đã đến thăm biên giới phía Nam, cho biết:
“Vào tháng 3, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) đã bắt giữ hơn 172.000 người di cư đang cố gắng vượt biên vào Hoa Kỳ, đây là mức gia tăng lớn nhất về lượng người vượt biên trái phép trong hai thập kỷ. Các nhân viên Tuần tra Biên giới mà chúng tôi đã nói chuyện trong thời gian dài nói với The Daily Wire rằng sự gia tăng lượng người di cư bắt đầu vào ngày 20 tháng 1 – ngày Tổng thống Joe Biden được nhậm chức”.
Nhà báo Clark cho biết thêm: “Những người có mặt tại biên giới xác nhận với The Daily Wire rằng hàng trăm người di cư đang bị nhét vào các cơ sở giam giữ chỉ dành cho vài chục người. Một thành phố lều bạt khổng lồ [đã xuất hiện] ở Donna, Texas, nơi có hàng nghìn hàng nghìn người di cư đang cư trú. Cơ sở [giam giữ người di cư] đang bùng nổ với nhiều hoạt động và các kế hoạch đang được thực hiện để mở rộng thành phố lều bạt hơn nữa”.
Cộng hoà xem xét chia tay Facebook sau khi giữ nguyên lệnh cấm tài khoản của cựu TT Trump
Ảnh: Youtube/DKN.TV.
Một ủy ban giám sát của Facebook ngày 5/5 tuyên bố giữ nguyên quyết định đóng tài khoản Facebook và Instagram của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Reuters. Quyết định được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu của một ban giám sát gồm 19 thành viên, gồm các luật sư, học giả, nhà báo và nhà hoạt động từ khắp nơi trên thế giới.
Facebook đã nhanh chóng đóng tài khoản của cựu Tổng thống Trump ít giờ sau khi xảy ra vụ người biểu tình xâm phạm Điện Capitol hôm 6/1.
Trước khi nhóm giám sát của Facebook đưa ra kết luận, ông Trump hôm 4/5 đã lập một website riêng để chia sẻ thông điệp. Người theo dõi có thể chia sẻ lại những bài đăng từ website này lên Facebook hoặc Twitter.
Các thành viên đảng viên Dân chủ , bao gồm Dân biểu Adam Schiff , Ilhan Omar đã ca ngợi quyết định của Facebook.
Dân biểu Adam Schiff viết trên Twitter: “Trump sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho bản thân bất kể nguy hiểm cho đất nước chúng ta…. Và cho đến khi ông ta dừng lại, Facebook phải cấm ông ta. Có thể nói là mãi mãi.”
Dân biểu Omar, trong khi đó, phản ứng với lệnh cấm bằng cách chỉ đăng các biểu tượng cảm xúc cười.
Trong khi đó các thành viên Đảng Cộng hoà sau đó đã chỉ trích Facebook và Ban Giám sát.
Cựu chánh văn phòng Toà Bạch Ốc, Mark Meadows nói với” America Newsroom” rằng: “Đó là một ngày buồn cho nước Mỹ. Đó là một ngày buồn cho Facebook vì tôi có thể nói với bạn, một số đại biểu Quốc hội hiện đang xem xét: Họ chia tay Facebook” . Ông Meadows cũng cho biết có hai tiêu chuẩn khác nhau trên nền tảng này, một cho Donald Trump và một cho một số người khác.
“Quyết định” này thật vô lý “, nhà bình luận bảo thủ Ben Shapiro viết trên Twitter .
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn, tiểu bang Tennessee, trong một tuyên bố cho biết: “Quyết định duy trì lệnh cấm của Facebook đối với Tổng thống Donald Trump là cực kỳ đáng thất vọng. Rõ ràng là Mark Zuckerberg tự xem mình là trọng tài của quyền tự do ngôn luận”.
Lãnh đạo Đảng Cộng hoà tại Hạ viện, Dân biểu McCarthy trên Twitter viết rằng : “Facebook quan tâm đến việc hành động như một Super PAC của Đảng Dân chủ hơn là một nền tảng cho tự do ngôn luận và tranh luận cởi mở . “Nếu họ có thể cấm Tổng thống Trump, thì cũng có thể cấm tất cả các tiếng nói bảo thủ tiếp theo”.
Cựu thống đốc Nam Carolina Nikki Haley, được coi là ứng cử viên tổng thống năm 2024, cũng chỉ trích Big Tech.“Facebook và Twitter cấm một cựu Tổng thống Mỹ, tuy nhiên, một số nhà độc tài, khủng bố và những kẻ xấu nhất thế giới vẫn có nền tảng”.
Bà Haley viết trên Twitter . “Đây là một tiêu chuẩn kép và đó là lý do tại sao hầu hết người Mỹ không tin tưởng vào các công ty công nghệ lớn”.
Các công ty Thái Lan tổ chức tua du lịch đi Mỹ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19
Ảnh: Youtube/DKN.TV.
Các công ty du lịch ở Thái Lan đang bán các “tua du lịch sang Mỹ để tiêm vắc-xin” ngừa Covid-19, giữa lúc một số người giàu có Thái Lan đang mất kiên nhẫn khi phải chờ đợi thêm một tháng nữa trước khi chương trình tiêm chủng đại trà được xúc tiến tại nước này, The Straistimes cho hay.
Công ty du lịch Unithai Trip ở Bangkok có các gói du lịch từ 75.000 baht đến 200.000 baht (khoảng 2.400 USD đến 6.400 USD) cho các chuyến du hành đến San Francisco, Los Angeles và New York, giá cả tùy thuộc vào khoảng thời gian giữa hai liều vắc-xin.
Chủ công ty Unithai Trip, Rachphol Yamsaeng, nói với Reuters: “Johnson & Johnson chỉ cần tiêm một mũi, nhưng 90% khách muốn được tiêm vắc-xin Pfizer”. Ông cho biết dự kiến một nhóm sẽ lên đường vào tuần tới.
My Journey Travel cung cấp một chuyến đi 10 ngày đến San Francisco để tiêm ngừa vắc-xin Johnson & Johnson. Công ty cho biết họ đã nhận được hàng trăm cú điện thoại trong ba ngày.
Theo Reuters, các tour du lịch tiêm vắc-xin có thể là cơ hội làm ăn béo bở cho các công ty du lịch Thái Lan vốn gặp khó khăn trong đại dịch.
Một phát ngôn viên của đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok từ chối bình luận ngay trong lúc này, nhưng trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê du lịch để chăm sóc y tế là lý do chính đáng.
Hoa Kỳ không phải là điểm đến duy nhất đối với người Thái. Một công ty khác, Udachi, quảng cáo một tua du lịch tiêm vắc-xin mà họ đặt tên là “VACCation ở Nga”. Tua kéo dài 23 ngày, khách được tiêm vắc-xin Sputnik V với giá lên tới 210.000 baht (khoảng 6.700 USD).
Chương trình tiêm chủng quy mô lớn tại Thái Lan sẽ bắt đầu vào tháng 6 sắp tới, sử dụng vắc-xin AstraZeneca sản xuất ở địa phương.
Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Thái Lan gây ra số ca nhiễm chiếm tới hơn phân nửa trong tổng số 74.900 ca nhiễm trong nước, trong đó có 318 ca tử vong.