Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 07 tháng 5 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Share this post on:

Việt Nam muốn Mỹ ủng hộ ASEAN về vấn đề Biển Đông

Đối thoại Mỹ – ASEAN lần thứ 34 ngày 5/6/2021. Photo: VTCNews

Hôm 6/5, tại Đối thoại Mỹ-ASEAN, Việt Nam bày tỏ mong muốn Mỹ tiếp tục đóng vai trò xây dựng, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN đối với khu vực Biển Đông đang có tranh chấp chủ quyền.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng phát biểu trực tuyến tại Đối thoại rằng Việt Nam khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, và “mong muốn Mỹ tiếp tục đóng vai trò xây dựng, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác,” theo VietnamNet.

TTXVN cho biết Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị ASEAN và Mỹ cần tăng cường phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng tại khu vực thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì, thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật lệ, đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 6/5 cho biết Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Atul Keshap tham gia Đối thoại Mỹ-ASEAN thường niên lần thứ 34 và khẳng định rằng chính quyền Biden-Harris cam kết tái củng cố các mối quan hệ đối tác đa phương của Washington và vị trí trung tâm của ASEAN.

Hoa Kỳ đồng thời ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), mong muốn tăng cường hợp tác cùng ASEAN để giải quyết các thách thức đang đặt ra.

ASEAN và Mỹ khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới vốn tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn và còn diễn biến phức tạp, đáng quan ngại.

Mỹ nhấn mạnh ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông; hoan nghênh ASEAN phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin ở khu vực.

Cũng tại đối thoại này, Đại sứ Keshap nhấn mạnh tầm quan trọng của Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ, theo đó thúc đẩy sự minh bạch, chủ quyền và tăng trưởng toàn diện, và giúp giải quyết các thách thức xuyên biên giới trên lưu vực sông Mekong.

Mỹ đề nghị miễn thực thi luật tác quyền với vaccine COVID, Đức phản đối

Reuters

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tuyên bố Liên hiệp châu Âu sẵn lòng thảo luận về đề nghị miễn thực thi quyền sỡ hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19.

Đức ngày 6/5 bác đề nghị của Mỹ về việc miễn thực thi bảo vệ tác quyền đối với vaccine COVID-19, nói rằng hạn chế lớn nhất của việc sản xuất vaccine không phải là quyền sở hữu trí tuệ mà là gia tăng năng suất và đảm bảo chất lượng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/5 lên tiếng ủng hộ việc miễn thực thi luật tác quyền, đảo ngược lập trường của Mỹ, và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhanh chóng ủng hộ các cuộc thương thảo tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chính phủ Đức hậu thuẫn mục tiên cung cấp toàn cầu vaccine COVID-19, một nữ phát ngôn viên chính phủ nói, tuy nhiên vẫn theo lời bà, yếu tố chính trong việc sản xuất vaccine là năng suất và những tiêu chuẩn chất lượng chứ không phải chuyện tác quyền.

“Bảo vệ sở hữu trí tuệ là một nguồn lực của việc sáng chế và phải duy trì như thế trong tương lai,” nữ phát ngôn này nói.

Bà cho hay Đức ủng hộ sáng kiến COVAX nhằm đảm bảo ngày càng có nhiều người trên thế giới càng tốt tiếp cận được vaccine. Bà nói thêm là những cuộc thảo luận đang tiếp diễn tại WTO.

WTO vào tháng Tư năm nay loan báo trong số 700 triệu liều vaccine triển khai toàn thế giới, chỉ có 0,2% là tại các nước có thu nhập thấp. Một đợt lây nhiễm cao tại Ấn Độ, nước có dân số đông hàng thứ hai trên thế giới, đã nhấn mạnh đến điểm này.

Liên hiệp châu Âu sẵn lòng thảo luận về đề nghị miễn thực thi quyền sỡ hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tuyên bố ngày 6/5 trong lúc các công ty dược đang tranh đấu bảo vệ quyền lợi của họ

Tòa Đài Loan xem xét vụ kiện quan trọng về người bản địa

Hôm nay, tòa án cao nhất Đài Loan sẽ ra một phán quyết bước ngoặt về quyền của người bản địa. Vụ kiện này xoay quanh Talum Suqluman, một người đàn ông bộ tộc Bunun bị kết tội săn bắn trái phép vào năm 2015. Anh này đi săn cho người mẹ già của mình, như bộ tộc của anh đã làm trong nhiều thiên niên kỷ qua. Nhưng luật bảo tồn của Đài Loan nhìn chung cấm săn bắn. Tòa án Hiến pháp sẽ cân nhắc xem liệu luật này có vi phạm quyền của các cộng đồng bản địa hay không (người Bunun là một trong 16 nhóm được công nhận chính thức). Nếu bị coi là vi hiến, đạo luật có thể sẽ phải thay đổi để chấp nhận lối sống truyền thống của 2,5% dân số nước này.

Điều đó sẽ là sự ủng hộ cho lời hứa của tổng thống Thái Anh Văn, người kêu gọi sửa sai cho hàng thế kỷ “đau đớn và bị đối xử bất công” của người bản địa. Chính bà Thái có tổ tiên từ bộ tộc Paiwan còn người phát ngôn của bà, Kolas Yotaka, đến từ tộc Amis. Người bản địa đang ngày càng có chỗ đứng ở Đài Loan. Phán quyết hôm nay có thể giúp họ được chấp nhận nhiều hơn trong xã hội.

Phí vận chuyển tàu container tăng giúp các hãng vận tải biển thu lợi

Ngành vận tải container gặp khó từ trước đại dịch. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Hôm qua AP Moller-Maersk, hãng tàu container lớn nhất thế giới, báo cáo lợi nhuận quý đầu năm tốt nhất từ trước đến nay. Giám đốc Soren Skou nói lợi nhuận tốt nhờ giá cước tăng vọt, vốn tăng gấp ba lần trong năm qua, theo chỉ số vận chuyển container toàn cầu của Freightos. Ban đầu chúng được cho là chỉ một đốm sáng nhỏ. Người ta dự đoán nhu cầu vốn được tạo ra bởi sự bùng nổ mua hàng sau đại dịch sẽ giảm nhanh. Bên đó còn có việc container rỗng chất đống ở các cảng đến và sự kiện tắc nghẽn Kênh đào Suez bởi Ever Given hồi tháng 3 làm ảnh hưởng ngành vận tải biển.

Nhưng nhu cầu và giá cước vẫn có thể tăng cao hơn. Ngay cả khi các cảng của Mỹ hoạt động tối đa công suất, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có thừa mứa tồn kho hàng nhập khẩu. Và hầu hết người tiêu dùng vẫn chưa chi tiêu mạnh tay như mong đợi sau khi phong tỏa qua đi. Do đó không quá ngạc nhiên khi ông Skou dự đoán giá cước và lợi nhuận tiếp tục cao trong suốt năm 2021.

Số phận TNS Cộng hòa chống Trump Liz Cheney xem như an bài

Elise Stefanik đang thăng tiến nhanh hơn bao giờ hết trong Đảng Cộng hòa Mỹ. Là một nữ nghị sĩ 36 tuổi đến từ ngoại ô New York, bà Stefanik đắc cử lần đầu vào năm 2014 và đã từng bỏ phiếu khá trung dung. Dù có lý lịch chính trị ngắn, nhưng bà đã sẵn sàng thay thế Liz Cheney làm thành viên cao cấp thứ ba ở Hạ viện của đảng này, có lẽ vào tuần tới.

Nguyên nhân là gì? Đó là việc Cheney ngày càng phản đối việc Donald Trump khống chế đảng Cộng hòa. Tuần này, bà cảnh báo các đảng viên Cộng hòa đã phạm một sai lầm lịch sử khi nghe theo cáo buộc sai lệch của ông về gian lận bầu cử tổng thống hồi năm ngoái. Đảng “phải quyết định xem liệu chúng ta có chọn sự thật và trung thành với Hiến pháp hay không”, bà viết, khiến cựu tổng thống đăng đàn xả giận.

Điểm mạnh duy nhất của bà Stefanik là lòng trung thành vô giới hạn với ông Trump. Còn số phận của bà Cheney có vẻ như đã được quyết định, khi thủ lĩnh phe Cộng hòa Kevin McCarthy không còn ủng hộ bà. Ông hiểu cho tới nay Trump vẫn là thủ lĩnh.

Tổng thống Mexico gặp phó tổng thống Mỹ

Người nhập cư sẽ là chủ đề thảo luận chính khi tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador gặp online với phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vào hôm nay. Mỹ muốn Mexico tiếp tục hợp tác ngăn dòng người di cư từ Trung Mỹ. Cả hai nước cũng sẽ thảo luận về cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của di cư, bao gồm tham nhũng, nghèo đói, thiên tai và mất dân chủ.

Ông López Obrador muốn Mỹ ủng hộ ý tưởng mở rộng chương trình trồng cây quốc gia “Sembrando Vida” (“Gieo mầm cuộc sống”) của ông đến El Salvador, Guatemala và Honduras, bằng cách cung cấp thị thực lao động tạm thời và cuối cùng là quyền công dân cho những người tham gia. Nhưng chương trình này, mà theo ông sẽ tạo ra việc làm và giảm nghèo, đã bị một số người Mexico chỉ trích vì khiến người dân phá rừng để tiếp cận nguồn tiền. Ông López Obrador cũng có thể bị yêu cầu giải quyết các vấn đề trong nước đang khiến nhiều công dân nước ông phải di cư sang Mỹ.

Tranh cãi vì khác biệt văn hoá Mỹ-Trung

Reuters

Khách mời tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung, tại Bắc Kinh ngày 10/1/2019

Việc tái tục duyệt đơn xin visa tại các phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Trung Quốc tuần này khởi sự ‘chua chát’ sau khi cư dân mạng phản đối một đoạn tin đăng trên truyền thông xã hội của đại sứ quán Mỹ mà họ diễn giải là so sánh sinh viên Trung Quốc với chó.

Cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng Giêng năm ngoái cấm nhập cảnh hầu hết những người không phải công dân Mỹ từng có mặt tại Trung Quốc sau khi virus corona bùng phát.

Trên trang mạng Weibo hôm 5/5, bộ phận duyệt visa trong đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc hỏi sinh viên Trung Quốc còn chờ đợi gì nữa mà không nộp đơn xin visa sau khi chính quyền Joe Biden nới lỏng những hạn chế.

“Xuân đến, hoa nở. Bạn có giống chú chó này đang nóng lòng được ra ngoài vui đùa?” dòng tin của sứ quán bằng tiếng Hoa viết, kèm theo video chiếu cảnh một chú chó con hớn hở tìm cách leo qua hàng rào.

Dòng tin này gây phản ứng phẫn nộ từ một số người sử dụng Weibo vì họ cho là việc ví von này là không thích hợp. Dòng tin đã bị xoá bỏ sau đó.

“Phải chăng đây là lối châm biếm của Mỹ? Tôi tin là họ cố ý!” một cư dân mạng viết.

“Cơ bản chó trong văn hóa Mỹ mang ý nghĩa tích cực, nhưng theo văn hóa và thành ngữ Trung Quốc, chúng phần lớn mang ý nghĩa tiêu cực,” một người sử dụng mạng Weibo nói.

Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các cư dân mạng Trung Quốc nói rằng dòng tin ấy rõ ràng là kỳ thị.

Một phát ngôn viên của sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh sáng 6/5 cáo lỗi với bất cứ ai bị xúc phạm.

“Dòng tin trên mạng xã hội gây thắc mắc này chỉ nhằm mang ý nghĩa nhẹ nhàng, hài hước,” ông nói. “Chúng tôi gỡ bỏ ngay khi chúng tôi thấy nó không được tiếp nhận trong tinh thần mà chúng tôi dự kiến.”

Đây không phải là lần đầu tiên những bình luận liên hệ đến động vật gây nên những phản ứng tại Trung Quốc. Vào năm 2019, một kinh tế gia cao cấp tại Liên hiệp Ngân hàng Thụy Sĩ (UBS) bị cho nghỉ tạm thời sau khi bình luận của ông về loài heo tại Trung Quốc bị một số người xem là có ý phân biệt chủng tộc. Ông này sau đó được cho làm việc trở lại.

Việt Nam áp thuế thịt heo Mỹ, Quốc Hội cầu viện TT Biden

Ảnh minh họa : Đại diện Thương Mại Mỹ, bà Katherine Tai điều trần tại điện Capitol, Washington, Mỹ, ngày 28/04/2021. AP – Sarah Silbiger

Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng tại Hạ Viện Mỹ đề nghị chính quyền Biden tìm cách loại trừ các mức thuế quan của Việt Nam nhắm vào thịt heo Mỹ và xóa bỏ những hạn chế khác vào lúc Hà Nội đang cố tránh bị Washington cáo buộc thao túng tiền tệ, thúc đẩy xuất khẩu.

Theo hãng tin Bloomberg ngày 07/05/2021, trong một thư ngỏ gởi đến đại diện Thương Mại, bà Catherine Tai, bảy mươi hai nghị sĩ Quốc Hội, thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, phàn nàn rằng các nhà sản xuất thịt heo Mỹ vẫn khó khăn thâm nhập thị trường, bất chấp việc ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam đã bị trận dịch tả lợn châu Phi gây ra nhiều thiệt hại lớn.

Vẫn theo các nghị sĩ này, lượng thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam vẫn bị hạn chế bởi những hàng rào thuế quan và phi thuế quan, trong khi mà « các đối thủ cạnh tranh Liên Hiệp Châu Âu cũng như những nước có tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đều có những vị thế thuận lợi để tận dụng cơ hội to lớn này thông qua các hiệp định tự do mậu dịch đã ký với Việt Nam ».

Bloomberg nhắc lại, dịch tả lợn châu Phi lan rộng buộc Việt Nam phải tiêu hủy hai triệu con lợn và nhập khẩu thêm thịt từ các nước khác nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Năm 2020, Việt Nam tạm thời cắt giảm mức thuế nhập khẩu đông lạnh của Mỹ từ 15% xuống còn 10% và biện pháp này đã hết hiệu lực vào cuối năm 2020. Kết quả là thịt lợn Mỹ xuất sang Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 6 tháng cuối năm 2020.

Các nghị sĩ Mỹ cho rằng « năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn cho các nhà chăn nuôi lợn ở Mỹ do các hành động trả đũa thương mại từ các nước nhập khẩu chính của Mỹ » cũng như là những xáo trộn do đại dịch Covid-19 gây ra.

PublicitéTheo bộ Nông Nghiệp Việt Nam, nước này trong năm qua đã nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm chế biến bằng thịt lợn từ 475 doanh nghiệp Mỹ. Việt Nam khẳng định đang tiếp tục làm việc với các đối tác Mỹ nhằm tìm kiếm các giải pháp giúp cân bằng quan hệ thương mại đôi bên.

Tỷ lệ người Đài không muốn thống nhất với Trung Quốc gia tăng, giữ thế chủ đạo trong xã hội

Ảnh chụp tại Đài Loan (ảnh: Vernon Raineil Cenzon/Unsplash).

Lev Nachman, Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học California, đồng thời cũng là chuyên gia chính trị các vấn đề về Đài Loan đã phân tích trên Twitter về biểu đồ đường thăm dò nhu cầu thống nhất với Trung Quốc của người Đài Loan. Ông Nachman nói rằng bất kỳ bài báo nào hay thảo luận nào về chủ đề này cần phải biết rằng “người Đài loan không muốn thống nhất với Trung Quốc” và“ Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đe dọa thống trị Đài Loan bằng vũ lực”, Thời báo Tự Do Đài Loan cho hay.

Cụ thể, ông đã phân tích biểu đồ đường “Lập trường thống nhất của người dân Đài Loan từ tháng 12/1994 đến tháng 12/2020” do Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử Đại học Chính trị Quốc gia Đài Loan xuất bản. Theo đó, tỷ lệ “Thiên hướng độc lập” đã tăng từ 8,0% lên 25,8%, tỷ lệ “Độc lập Càng sớm càng tốt” tăng từ 3,1% lên 6,6%; tỷ lệ “thiên hướng thống nhất” giảm từ 15,6% xuống 5,6%, tỷ lệ “Thống nhất càng sớm càng tốt” giảm từ 15,6% xuống 5,6%; tỷ lệ “Giữ nguyên trạng thái rồi quyết định giảm từ 38,5% xuống 28,8%, tỷ lệ không phản hồi giảm từ 20,5% xuống 6,8%. 

Như vậy, tỷ lệ có thiên hướng độc lập đang giữ thế chủ đạo, khi đạt khoảng 32,4%, trong khi tỷ lệ có xu hướng đuộc thống nhất là 11,2% và giữ nguyên trạng thái hai bờ eo biển là 28,8%.

Về vấn đề này, ông Nachman nhấn mạnh điểm đầu tiên là người dân Đài Loan “không muốn” thống nhất với Trung Quốc, sở dĩ ông biết được điều này từ kết quả của các cuộc thăm dò do các nhà xã hội học tiến hành. Điểm thứ hai là ĐCSTQ thường xuyên đe dọa sẽ cai trị Đài Loan bằng vũ lực, liên tục đe dọa nắm quyền kiểm soát quân sự đối với Đài Loan.

“Bất kể là từ quan điểm của Hoa Kỳ hay Trung Quốc, bất kỳ bài báo nào bàn về chiến tranh hoặc xâm lược ít nhất cũng nên nhận ra hai điểm trên”. Tiến sĩ Nachman tiếp tục phân tích nói rằng một số bài báo đang kích động sự sợ hãi của dân chúng khi định hình Đài Loan là “vùng đất nguy hiểm”, và làm suy yếu khả năng lên tiếng của Đài Loan trước các phương tiện truyền thông chính thống.