Webinar: Trung Quốc xâm nhập đá Ba Đầu: chiến lược và truyền thông của các bên
19 Tháng Tư, 2021
By US Vietnam Review
Thời gian: Thứ 7, ngày 24 tháng 4, 2021, lúc 9h30 sáng (Giờ Việt Nam), tức thứ 6, ngày 23 tháng 4, lúc 7h30 tối, giờ bờ Tây nước Mỹ.
Link đăng ký: tại đây.
Diễn giả:
1. Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông và phản ứng của Việt Nam”
Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TpHCM, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Tài Chính TpHCM.
2. “Một số vấn đề ẩn giấu đằng sau sự kiện đá Ba Đầu”
Thạc sỹ Hoàng Việt, Giảng viên Trường Đại học Luật TpHCM
Dẫn chương trình: TS. Nguyễn Lương Hải Khôi, Đại học Oregon
Gần đây, dư luận Việt Nam và thế giới quan tâm nhiều về sự kiện Trung Quốc xâm nhập đá Ba Đầu ở Trường Sa.
Những hoạt động truyền thông về sự kiện này của các nước liên quan như Philippines, Trung Quốc, Việt Nam không đơn giản là đưa thông tin đến cho độc giả, mà hơn thế nữa, là một phần trên bàn cờ chính trị của mỗi nước.
Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ, Đại học Oregon, mời Thạc sỹ Hoàng Việt, Giảng viên Trường Đại học Luật TpHCM và Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương, Nghiên cứu viên cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TpHCM, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Tài Chính TpHCM, vốn có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, thảo luận về sự kiện đá Ba Đầu.
TIN VẮN:
Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Nga đã điều máy bay chiến đấu đến Crimea và tới các căn cứ gần Ukraine, nơi đang có hơn 80.000 quân Nga. Điều này đánh dấu đợt triển khai quân sự lớn nhất trong khu vực kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi trừng phạt kinh tế mới nhằm ngăn chặn “leo thang thêm”.
Johnson & Johnson cho biết sẽ tiếp tục triển khai vắc-xin covid-19 ở châu Âu sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phán quyết lợi ích tiêm chủng là vượt trội so với rủi ro. Cơ quan này cũng yêu cầu Johnson & Johnson phải bổ sung cảnh báo về cục máu đông hiếm gặp lên nhãn vắc-xin. Trước đó họ đã đưa ra yêu cầu tương tự cho AstraZeneca. EMA phát hiện rằng các trường hợp đông máu xảy ra ở những người dưới 60 tuổi, chủ yếu là phụ nữ. Gần đây, Mỹ đã cho dừng triển khai vắc-xin Johnson & Johnson vì lo ngại tương tự.
Tỷ lệ thất nghiệp của Anh giảm xuống 4,9% trong ba tháng tính đến cuối tháng 2, mức giảm nhẹ từ 5% của quý kết thúc vào tháng 1. Việc làm được nâng đỡ bởi chương trình trả lương hộ của chính phủ, theo đó hỗ trợ gần 5 triệu việc làm. Nhưng không phải mọi thứ đều sáng sủa, khi có tới 56.000 người mất việc trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3.
Một nhóm các nhà lãnh đạo nhà thờ đã kêu gọi tẩy chay Home Depot, một chuỗi cửa hàng sửa nhà có trụ sở tại Georgia, vì cho rằng công ty đã không làm đủ để phản đối luật bỏ phiếu mới của bang. Các lãnh đạo nhà thờ đã họp với các doanh nghiệp khác trong tiểu bang về luật này, mà họ cho là phân biệt đối xử với cử tri da đen. Thống đốc đảng Cộng hòa Brian Kemp tweet rằng cuộc tẩy chay là “hoàn toàn vô lý”.
Canadian National Railway đề nghị mua Kansas City Southern với giá 33,7 tỷ đô la, cao hơn 21% so với con số mà họ đưa ra hồi tháng trước. Động thái này có khả năng mở màn cho một cuộc chiến đấu giá mua công ty Mỹ, vốn đang thống trị ngành vận tải đường sắt xuyên biên giới với Mexico. Chuỗi cung ứng phục hồi và căng thẳng thương mại hạ nhiệt đã khiến Kansas City Southern trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn.
TIÊU ĐIỂM
Mỹ tổng hợp các luật đối phó Trung Quốc
Phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm nay sẽ tập trung vào một loạt các thách thức Mỹ phải đối mặt khi Trung Quốc trỗi dậy. Trong chương trình nghị sự là “Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược 2021”, một dự luật dài 281 trang được lưỡng đảng ủng hộ. Nó bao gồm các dự luật được coi là “những luật quan trọng nhất” trong chiến lược đối phó Trung Quốc, bao gồm hơn 1 tỷ đô la cho an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương, 300 triệu đô la cho “Quỹ Phản kháng Ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm chống lại tác động xấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên toàn cầu,” cũng như thiết lập một vị trí mới trong Bộ Ngoại giao với nhiệm vụ giám sát “ảnh hưởng quá mức [của Trung Quốc]” tại Liên Hợp Quốc.
Một số người tại Quốc hội nói dự luật có rất ít nội dung mới. Nhưng nó có thể sẽ được sửa đổi để thêm các ý tưởng mới của một số thượng nghị sĩ. Cho đến thời điểm dự luật được bỏ phiếu ở Thượng viện, mọi thượng nghị sĩ muốn được tiếng “cứng rắn với Trung Quốc” đều sẽ ít nhất có một bài phát biểu về nó.
Nửa triệu người Nga đăng ký biểu tình ủng hộ Navalny
Tính mạng của Alexei Navalny đang treo lơ lửng trong một bệnh xá nhà tù. Phong trào chính trị của ông đang đối diện nguy cơ bị xóa sổ. Nhưng nhóm của ông chưa bỏ cuộc. Hôm nay, họ đã kêu gọi một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Hơn 460.000 người đã đăng ký biểu tình ủng hộ ông Navalny, người đã tuyệt thực ba tuần nay.
Cuộc biểu tình được lên kế hoạch để trùng với bài phát biểu toàn quốc của Vladimir Putin vào hôm nay. Không rõ tổng thống sẽ nói gì. Nhưng rõ ràng ông đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát chương trình nghị sự chính trị, vốn đã bị chi phối bởi cuộc chiến dai dẳng của ông Navalny.
Chiến lược của ông Putin có thể liên quan đến kinh tế, chính trị và quân sự. Điện Kremlin hiện đang triển khai quân đội ở biên giới Ukraine và ở Crimea, lãnh thổ Ukraine mà Nga sáp nhập hồi năm 2014. Rõ ràng ông Putin muốn thế giới quên đi ông Navalny. Các cuộc biểu tình hôm nay sẽ khiến kế hoạch của Putin thất bại.
EU sắp công bố tiêu chuẩn phân loại xanh
Hôm nay Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ công bố bản dự thảo thứ hai về đề xuất của họ cho một “tiêu chuẩn phân loại” xanh. Hệ thống phân loại này có nhiệm vụ xác định các hoạt động kinh tế nào được coi là bền vững trong các lĩnh vực phát thải cao. Nó là một phần của Thỏa thuận Xanh của EU, bao gồm các quy tắc ngăn chặn “rửa xanh” (greenwashing) — tức các hoạt động tiếp thị mang danh thân thiện với môi trường nhưng trên thực tế là không — và bơm thêm tiền vào các dự án thân thiện với khí hậu.
Tuy nhiên, các bản dự thảo rò rỉ về tiêu chuẩn phân loại mới cho thấy các quyết định quan trọng về phân loại nhà máy điện hạt nhân và khí đốt tự nhiên sẽ bị trì hoãn cho đến cuối năm nay. Các nước thành viên đã vận động hành lang tích cực cho việc này. Một số, bao gồm Ba Lan, muốn khí tự nhiên được coi là xanh. Những nước khác, chẳng hạn như Pháp, cũng yêu cầu điều tương tự đối với năng lượng hạt nhân.
Đây là một vấn đề rất quan trọng. Đến năm 2023, các công ty lớn sẽ phải công bố thông tin về cam kết xanh của họ theo tiêu chuẩn phân loại mới; những công ty không xanh có thể bị nhà đầu tư ngoảnh mặt. Do vậy EU cần nhanh chóng quy định rõ cái gì là xanh.
Tổng thống Chad đột ngột qua đời
Bỗng nhiên các đài truyền hình Chad bị gián đoạn bởi một nhóm quân nhân. Họ lên TV để thông báo Tổng thống Idriss Déby đã “trút hơi thở cuối cùng.” Ông Déby, người lên nắm quyền trong một cuộc nổi dậy vũ trang cách đây 30 năm, đã chết theo cách tương tự: được cho vì vết thương khi đi thăm tiền tuyến của cuộc chiến đấu chống phiến quân xâm nhập vốn bắt đầu từ ngày 11 tháng 4. Đó là ngày bầu cử của Chad, khi kết quả cho thấy ông Déby tiếp tục tại vị.
Dưới thời ông Déby, nổi loạn ở Chad diễn ra còn nhiều hơn bầu cử tự do. Dù vậy, ông là bạn của Mỹ và Pháp, những nước đã coi ông như đồng minh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến ở khu vực Sahel. Trong một tuyên bố sau khi ông Déby qua đời, nước Pháp thương tiếc “một người bạn dũng cảm.”
Có lẽ họ sẽ yên tâm vì nhân vật kế vị chính là con trai ông. Mahamat Idriss Déby, vị tướng đứng đầu hội đồng quân sự, đã bất chấp hiến pháp một cách trắng trợn khi tuyên bố sẽ điều hành đất nước trong 18 tháng tới.
Ra mắt sách “I am a Girl from Africa”
Elizabeth Nyamayaro chỉ mới 8 tuổi khi lần đầu biết tới Liên Hợp Quốc. Hạn hán tàn phá ngôi làng của cô ở Zimbabwe và Nyamayaro đã cận kề cái chết khi UNICEF, cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc về trẻ em, đem thực phẩm đến cứu giúp. Khi được nhận bát cháo ấm và nước uống từ nhân viên cứu trợ, cô nguyện cống hiến cuộc đời mình cho công việc nhân đạo.
Trong “Tôi là một cô gái đến từ Châu Phi”, một cuốn hồi ký được xuất bản hôm qua, Nyamayaro, hiện 30 tuổi, mô tả cuộc đời và sự nghiệp của cô kể từ thời điểm đó. Học tại Harare và London, cô đã làm việc cho Ngân hàng Thế giới, WHO, UNAIDS và UN Women. Năm 2014, cô khởi động HeForShe, một sáng kiến khuyến khích nam giới cam kết chấm dứt bất bình đẳng giới. “Tôi được nuôi dạy là hãy sống phù hợp với giá trị châu Phi và triết học ubuntu,” cô viết, “nghĩa là khi nâng đỡ người khác, chính chúng ta cũng được nâng đỡ”.
Báo cáo: Trung Quốc và Myanmar đàn áp tôn giáo nghiêm trọng nhất
Hình minh họa biểu tình Myanmar chụp từ video của The Straits Times.
Theo một báo cáo của một tổ chức từ thiện do Vatican tài trợ, các vụ vi phạm tự do tôn giáo ngày càng gia tăng và cuộc đàn áp diễn ra ở hơn 25 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar là những quốc gia ghi nhận tình trạng này tồi tệ nhất, Reuters.
Báo cáo Tự do Tôn giáo trên Thế giới năm 2019-2020, được phát hành hôm thứ Ba 20/3, dài 800 trang do Aid to the Church in Need International, một tổ chức từ thiện Công giáo trên toàn thế giới nghiên cứu về các vi phạm quyền tự do của tất cả các tôn giáo.
Báo cáo mới nhất đã đưa 26 quốc gia vào danh mục “màu đỏ” biểu thị tồn tại cuộc bức hại tôn giáo, so với 21 quốc gia được báo cáo cách đây hai năm.
Ngoài ra, 36 quốc gia vào danh mục “màu da cam” biểu thị sự phân biệt đối xử, so với con số 17 quốc gia vào hai năm trước.
Báo cáo cho biết:
“Đã có sự gia tăng đáng kể về mức độ nghiêm trọng của các cuộc đàn áp và bắt bớ có động cơ tôn giáo”.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc và Myanmar là hai quốc gia đàn áp tôn giáo nghiêm trọng nhất.
Theo báo cáo, “Bộ máy đàn áp do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xây dựng trong những năm gần đây… được tinh chỉnh, lan rộng và công nghệ tinh vi”.
Các vi phạm nghiêm trọng nhất là cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương. Báo cáo mô tả, các hành động đàn áp tàn bạo đến mức độ ngày càng nhiều các chuyên gia mô tả đó là tội diệt chủng.
Ngoài ra, các tín đồ Công giáo ở Trung Quốc “tiếp tục bị sách nhiễu và bắt giữ”. Năm ngoái, Reuters đưa tin rằng hai nữ tu làm việc tại cơ quan truyền giáo của Vatican ở Hồng Kông đã bị bắt khi họ về thăm nhà ở đại lục.
Chính quyền Trung Quốc đang tăng cường sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt đối với những người thờ phượng các tôn giáo khác nhau.
Còn tại Myanmar, báo cáo cho biết người Hồi giáo Rohingya “là nạn nhân của những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây”.
Năm ngoái, Tòa án Công lý Quốc tế đã yêu cầu Myanmar thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người Rohingya khỏi nạn diệt chủng.
Báo cáo cho biết châu Phi sẽ là “chiến trường tiếp theo chống lại các tín đồ Hồi giáo”.
Khẳng định ‘không chống Trung’, EU tuyên bố tăng cường ảnh hưởng Ấn Độ – Thái Bình Dương
Hội thảo bàn tròn giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2020 tại Bruxelle (ảnh: European Union/newsroom.consilium.europa).
Reuters đưa tin, hôm thứ Hai (19/4), Liên minh châu Âu đã quyết định tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong mọi lĩnh vực từ an ninh đến y tế để bảo vệ lợi ích của mình và chống lại sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc, mặc dù khối này khẳng định rằng chiến lược của họ không chống lại Bắc Kinh.
Dẫn đầu là Pháp, Đức và Hà Lan, đây là những nước đầu tiên đặt ra những cách thức để làm sâu sắc hơn quan hệ của họ với các quốc gia như là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Giới quan sát cho rằng, liên minh gồm 27 thành viên đang muốn sử dụng một kế hoạch để cho Bắc Kinh thấy rằng họ đang chống lại sự lây lan của chủ nghĩa độc tài.
Các thành viên của khối “cho rằng EU cần củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện và các hành động của mình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương… dựa trên việc thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng EU cho biết trong một tuyên bố. Đồng thời, các nhà ngoại giao châu Âu tuyên bố rằng kế hoạch này không phải là “chống – Trung”.
Một tài liệu 10 trang sẽ được đưa ra theo sau một chiến lược chi tiết hơn vào tháng 9, các bộ trưởng ngoại giao đã đồng ý tại một cuộc họp video, nói rằng họ sẽ tìm cách làm việc với “Các đối tác cùng chí hướng” để duy trì các quyền cơ bản ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Kế hoạch này có thể có nghĩa là một hồ sơ ngoại giao EU mức độ cao hơn về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhiều nhân sự cũng như nhiều đầu tư của EU hơn trong khu vực và có thể là sự hiện diện an ninh lớn hơn như điều tàu qua Biển Đông hoặc đưa người châu Âu vào các cuộc tuần tra của Úc, mặc dù tất cả các chi tiết của kế hoạch vẫn chưa được thống nhất.
Mặc dù không đề cập chi tiết đến Trung Quốc, nhưng ngôn ngữ trong tuyên bố của EU là tín hiệu ủng hộ chính quyền Mỹ trong cách tiếp cận với Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng Bắc Kinh đang theo đuổi hiện đại hóa công nghệ và quân sự, những điều này đe dọa phương Tây và các đối tác thương mại của họ ở châu Á.
Các nhà ngoại giao EU cho biết các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương muốn EU tích cực hơn trong khu vực để giữ cho thương mại cởi mở và đảm bảo rằng họ không đứng trước sự lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington, khi quan hệ của hai bên này đang chuyển hướng sang đối đầu.
Tuyên bố của EU, theo sau kế hoạch tương tự của cựu thành viên EU là Anh, được đưa ra sau khi châu Âu tỏ thái độ cứng rắn chống lại Trung Quốc về cuộc đàn áp an ninh ở Hồng Kông, cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và đại dịch Covid-19, lần đầu tiên nhắm thẳng vào Trung Quốc.
“Khối EU sẽ phát triển hơn nữa quan hệ đối tác và tăng cường hiệp đồng với các đối tác chung và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng”, tuyên bố của EU cho biết.
“Điều này sẽ bao gồm việc ứng phó với các thách thức đối với an ninh quốc tế, bao gồm cả an ninh hàng hải”.
Hiện vẫn chưa rõ EU sẵn sàng tiếp tục đảm bảo an ninh đến đâu. Tuy nhiên, khối này đang đói nguồn thương mại mới và nhận thấy Ấn Độ – Thái Bình Dương là nơi có tiềm năng.
Khối cũng liệt kê cam kết tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do với Australia, Indonesia và New Zealand. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã cảnh báo về việc EU sẽ bỏ lỡ, sau khi Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương khác ký kết thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới từ năm 2022.
Văn kiện của EU cũng cho biết khối này muốn ký một hiệp ước đầu tư với Trung Quốc mà cả hai bên đã đồng ý về nguyên tắc vào cuối năm 2020.