Written By

G I A Đ Ì N H
Gã ngồi bó gối một mình sau sân trại, nơi chẳng có một ai, bất động như một pho tượng đất.
Những người tù khác, vào giờ nghỉ sau bữa cơm chiều, không có thói quen như gã. Họ, hoặc lang thang từng nhóm nhỏ ở sân trước, hoặc tụ tập bên hông nhà giam, nơi lát nữa họ sẽ bị tống vào. Chẳng ai buồn để ý đến gã. Cảnh hoàng hôn trong lòng chảo giữa trùng điệp núi non và rừng già, ngày lại ngày vẫn thế, có gì mà ngắm.
Đã thành lệ, kể từ khi tới trại này, cơm chiều xong là gã ra ngồi đúng một chỗ ấy. Nhìn cái cung cách gã ngồi , người không biết gã có thể nghĩ gã đang thiền. Tôi biết gã chẳng thiền thiếc gì hết. Thậm chí gã còn chẳng biết thiền là cái quái gì nữa kia.
Gã buồn. Và chỉ có thế.
Trong tù, buồn là lẽ thường. Quyền tự do cuối cùng của người tù. Không ở đâu tù bị cấm buồn cả.
Mùa hè ở vùng núi những đám mây hoàng hôn bay rất chậm. Chúng không bay mà gắn chặt vào nền trời như một họa tiết tầm thường của một bức tranh tự nhiên chủ nghĩa. Một cách từ từ, không thấy được, những đám mây biến mầu theo vạt nắng cuối cùng đang nhạt nhòa, teo tóp ở phương xa tít tắp.
– Hắn ra dại rồi!
Những người tù đã từng ở cùng với gã nói thế. Những người không biết gã thì nói:
– Ra dại gì, khôn như rận.
Những người thường mua bán đổi chác với gã, biết tính gã riết róng thế nào khi mà cả. Con người câm lặng, cậy răng không được một lời, mỗi khi có tù mới lên trại là tỉnh như sáo. Thấy ai có đồ mới, đồ tốt, áo hoặc quần, là gã gạ mua gạ đổi. Mua được rồi, đổi được rồi, gặp cái tốt hơn, đẹp hơn, là gã lại tối mắt, lại gạ đổi tiếp. Tất nhiên, đổi thì phải các thêm chút đỉnh, cũng bằng hiện vật, tính ra chẳng có lợi gì, nhưng gã đã thích thì phải đổi bằng được. Rồi gã tích cóp tất tật những đồ tập tàng ấy trong một cái hòm, thỉnh thoảng gặp hôm nắng ráo thì lôi ra phơi rồi gấp lại cẩn thận, bỏ vào hòm, khoá lại.
– Không biết hắn ta gom của làm gì? Chờ đến ngày được tha thì mang về chắc? – người ta đặt câu hỏi, rồi tự trả lời – Rõ khùng.
Trong đám tù chính trị mang “số lẻ” , gã không phải nhân vật đặc biệt. Tầm thước, lưng hơi gù, với bộ mặt xương xẩu, lưỡng quyền cao, gã giống người miền núi hơn người miền xuôi. Nếu có một đặc điểm thì đó là sự ở bẩn. Gã ít tắm, ít thay quần áo. Người gã bốc mùi. Không ai muốn chơi với gã.
Tiếng là ít lời, nhưng thỉnh thoảng gã cũng la cà đến chỗ tôi. Ấy là khi gã có một thắc mắc không biết hỏi ai:
– Ông này, trẻ vượt quá tuổi 16 là chiều cao chững lại, phải không?
– Không hẳn thế. Ở tuổi ấy trẻ không cao nhanh như trước, nhưng vẫn còn cao thêm.
– Vậy hả? Thằng cháu lớn nhà tôi năm nay mười tám rồi đấy.
Ấy là gã băn khoăn về cái quần hay cái áo gã vừa mua hoặc vừa “chác” . Không phải cho gã, mà cho mấy đứa con gã.
Chuyện gia đình của gã đầu đuôi thế này.
Một tối khuya, không phải ở trại này, mà ở trại khác, nơi chúng tôi vừa rời bỏ nửa năm trước, khi những người tù trong phòng giam đã ngáy vang, gã mới lồm cồm bò sang chiếu tôi:
– Ta làm một ken chứ, ông?
Tôi nhỏm dậy. Khi một người tù rủ người tù khác cùng ăn hoặc cùng hút, anh ta là người bao. Thuốc lào ở trại giam bao giờ cũng là của hiếm. Chẳng ai chối từ khi có người mời.
Tôi hút. Gã hút. Chúng tôi cùng lơ mơ.
Rồi gã thì thào :
– Này, ông ạ, lại sắp chuyển trại đấy.
Tôi lờ đờ nhìn gã:
– Ai bảo?
– Cánh tự giác. Trên Ban đang sắp hồ sơ. Mới sáng nay thôi. Rộn rịp lắm.
– Tôi không nghe nói gì.
– Xì, ông có nghe ai đâu mà thấy.
– Hả?
– Tù đồn ầm lên kìa. Tù mà đã đồn thì thường là đúng đấy, ông ạ.
Tôi dửng dưng :
– Thì đã sao ! Trại nào chẳng là trại. Ở đâu chẳng là tù.
– Thì cũng phải biết trước mà chuẩn bị chứ.
– Mà chuẩn bị cái gì kia?
Gã nguýt tôi, lầm lầm bò về chỗ.
Tôi ở tù đã tới năm thứ tám, gã năm thứ mười hai. Trong tám năm tôi chuyển trại năm lần. Hai lần chuyển trại đầu tôi còn cảm thấy lo lắng, còn cảm thấy bồn chồn. Những lần sau tôi mặc, muốn ra sao thì ra. Như lời trong bài hát Ý “Que sera, sera” (Muốn ra sao thì ra).
Nhưng tâm lý người tù nói chung lại không thế.
Khi ở đã yên chỗ, anh tù chẳng muốn một sự thay đổi nào hết, cho dù cái trại mà anh ta sẽ tới có khi còn dễ chịu hơn cái trại anh ta đang ở. Điều đáng lo, hay nói cho đúng, điều đáng bực mình, là mỗi lần chuyển trại, bao giờ cũng đột ngột, người tù thường bị mất cái gì đó trong những đồ vật mà nội quy cấm giữ, từ những vật nguy hiểm có thể dùng cho cuộc trốn trại như cái cưa sắt, cái giũa, cho tới những vật vô hại như con dao tự tạo để vót tăm hoặc cắt móng tay. Tôi cũng có vài thứ cần phải giấu, nhưng tôi đã tập được cách giấu chúng hàng ngày, chuyển trại có đột ngột mấy cũng chẳng mất.
Hôm sau, quả như gã nói, tin một số tù sẽ bị chuyển đi đã lan ra toàn trại.
Những người tù vẫn đi lao động như thường lệ, nhưng nhìn họ trên sân trại trong giờ điểm danh sáng tôi thấy mặt họ đổi khác. Cái nhìn của họ chăm chú hơn, dáo dác hơn, thậm chí họ không giấu được vẻ băn khoăn, lo lắng. Trong giờ lao động vắng hẳn những tiếng cười, những câu pha trò, vốn rất cần thiết cho đời tù, thiếu chúng thì cảnh giam cầm hết năm này qua năm khác sẽ trở thành không chịu đựng nổi.
Cái tâm trạng bồn chồn trong gã phải là gấp đôi, gấp ba người khác. Cái sự tan đàn xẻ nghé của gia đình gã, gồm gã và hai thằng “con”, làm gã suy nghĩ đến nẫu lòng.
Tôi phải ra ngoài lề câu chuyện một chút để giải thích thế nào là một gia đình trong cái xã hội tù của chúng tôi. Thật ra, chẳng có gia đình nào hết, theo nghĩa đen. Nghĩa là hiếm khi nào có một gia đình, tức là cả nhà, vào tù. Thảng hoặc có trường hợp hai cha con bị kết án tù trong cùng một vụ, nhưng người ta chẳng bao giờ cho họ ở chung, thế nào cũng bị xé lẻ, mỗi người một trại. Gia đình mà tôi nói đây là một thứ thế phẩm, chỉ xuất hiện trong sự thiếu thốn tình cảm đặc biệt của những con người bị tách rời khỏi đời sống bình thường. Những con người này, một cách vô thức, tự tìm đến nhau, hai hoặc ba người, có khi đông hơn. Trong cảnh sống tách biệt với xã hội, họ cảm thấy hạnh phúc được làm thành viên của một gia đình thật.
Thường cứ hết ngày là gia đình gã tụ họp. Trong bữa cơm chiều, hai đứa con gã từ khu nhà “số chẵn” bưng cơm chạy sang với bố. Đó là hai thằng nhóc còi cọc, đen đủi, không rõ bị “tập trung cải tạo” vì tội gì, chỉ biết cả hai thuộc tầng lớp “lính vét”, tức lưu manh hạng bét.
Hôm ấy, sau cái ngày mà tin chuyển trại được lan ra toàn trại, ba bố con gã châu đầu trong bữa ăn, mặt mũi rầu rầu. Gã “chác” được mấy con trạch kho, hi vọng hai đứa con vui được bữa tươi, nhưng chẳng đứa nào cho gã một nụ cười.
– Các thứ tao chuẩn bị cho chúng bay đây, nhớ mang về. Hai bộ quần áo này, mới cả đấy, mỗi đứa một bộ. Nếu phúc tổ hai đứa được ở cùng nhau thì thằng lớn trông thằng bé. Đói cho sạch, rách cho thơm, nghe không?
Hai đứa chớp mắt liên hồi.
– Ăn đi, mặc tao! – gã vung tay đưa cái bát men ra xa, từ chối con trạch to nhất mà thằng mắt lé, thằng lớn, gắp trả lại cho người bố – Bụng dạ tao kém, quá một thí là Tào Tháo đuổi. Chúng bay ăn đi. Tội nghiệp, không có tao rồi khổ đấy, các con ạ.
– Bố !
Thằng bé, mặt rỗ, nhõng nhẽo kêu lên. Bố nó vừa động tới đề tài mà cả ba lảng tránh từ đầu bữa, nước mắt nó đã vòng quanh, giọng ướt nhèo.
– Sư mày, đừng có ngủ nhè chè thiu. Tao dặn chúng bay phải sẵn sàng, thế thôi. Người ta đồn, chứ chưa chắc đã có gì. Bố con mình, ơn trời, biết đâu lại vẫn được ở với nhau. Có điều tao cứ phải sắp sẵn, kẻo đùng một cái trở tay không kịp.
– Bố lên xin Ban, cho bố ở với chúng con.
Thằng bé đưa tay lên quệt ngang, cả mắt lẫn miệng.
– Chuyện Nhà nước, kêu với xin cái gì ? Mà đã biết ai ở, ai đi.
– Nếu chuyển cả “số chẵn” lẫn “số lẻ” thì có khi bố con mình vẫn gần nhau được, bố ạ – thằng lớn nói, nhưng đó là giọng tự trấn tĩnh của đứa trẻ muốn tỏ ra mình người lớn, chẳng có bao nhiêu quả quyết – Người ta nói hồ sơ trên Ban soạn đến cả một com-măng-ca chở mới hết. Có dễ chuyển cả trại đấy, nghe nói để trại này để cho tù trong Nam ra.
– Ông ấy còn bảo nay mai sẽ có đợt tha lớn – thằng bé nói.
– Xì, có mà đến tết Công Gô – gã gắt – Chớ hi vọng để rồi lại thất vọng.
– Bố ơi…
– Gì? Bố chỉ dặn chúng bay: liệu mà lo lấy thân.
Thằng bé đặt bát xuống. Môi dưới trề ra, miệng méo xệch, nó nấc lên.
Gã, giọng nghẹn ngào:
– Nhớ lấy, các con ạ, chẳng ai lo cho chúng bay được như bố đâu. Chúng bay có ra trước thì lên thăm bố một thí.
Tôi vội quay mặt đi khi bắt gặp cái liếc của gã. Trong tù nhà nào nhà nấy thông thống, nếu như ta coi một manh chiếu cá nhân là một nhà, không kể khi tù đông, chiếu trải chờm lên nhau. Việc người ta mình không muốn biết cũng thành biết.
Ở trại nào cũng có những gia đình như gia đình gã. Không nhiều lắm, nhưng không hiếm.
Sự hình thành những gia đình như thế hoàn toàn do ngẫu nhiên. Như trong một dung dịch đã đạt tới mức đậm đặc nào đó, một tinh thể lang thang trên đường vô định ngẫu nhiên gặp một tinh thể khác, hai cái bám vào nhau, rồi trên đường đi chúng gặp tinh thể thứ ba, cũng đang lang thang như chúng, nhập vào, và thế là sự kết tủa bắt đầu.
Tôi biết gã từ khi gã ở một trại miền trung du chuyển tới. Người ta kể: gã bị đi cải tạo vì một tội hỡi ơi, đâu như gã dám gọi lãnh tụ tối cao bằng hắn ta hay bằng thằng chi đó trong một câu chuyện ba hoa chích choè giữa chợ thì phải. Cộng vào đó, hồi kháng chiến chín năm hắn lại đi dân vệ. Tức là đã có một tội sẵn để cộng thêm.
Chẳng bao giờ gã hé răng với ai chuyện vì sao gã vào tù. Cũng chẳng phải gã muốn giấu. Chẳng qua trong tù không ai có thói quen kể những chuyện như vậy. Gã không phải là người duy nhất bị đi tù vì một tội hỡi ơi. Những người như thế có mà ối, người ta nói thế, và họ nói không sai. Nói ra cái sự hỡi ôi ấy chẳng bõ người ta cười.
Trong trại gã chẳng chơi với ai. Mọi người cũng không ưa tính khí lạnh nhạt của gã. Nếu gã là một người tù có máu mặt, chắc gã sẽ bị buộc tội cao ngạo, khinh khỉnh. Nhưng gã không phải thứ đó. Địa vị của gã trong làng tù không hơn loại “vét đĩa” là bao nhiêu.
Tôi là người duy nhất được gã dành cho một chút cảm tình. Thỉnh thoảng chạm trán nhau gã còn cho tôi một nụ cười thay lời chào. Hẳn trong lòng gã vẫn còn lại một chút kính trọng của người nông dân dành cho kẻ sĩ.
Nhưng tính nết gã thay đổi hẳn sau khi gã có gia đình. Gã trở nên xởi lởi. Với mọi người, gã chào hỏi, gã mỉm cười, gã giúp đỡ khi có ai cần được giúp đỡ.
Trại Tân Lập là một trại xôi đỗ, tù chính trị được giam chung với tù hình sự, tuy trong những nhà giam khác nhau. Cái sự chung đụng như thế không phải ở trại nào cũng có. Tù chính trị ở đây phần đông là người nông thôn, trước kia có thời gian đi lính ngắn hoặc dài, bảo chính đoàn có, bảo an có, dân vệ có, mấy ông chánh trương trùm trưởng từ các xứ đạo miền biển, cộng thêm mấy ông hội tề ấm ớ thời kháng chiến chống Pháp. Lạc vào số này là dăm ông công chức chính quyền cũ, vài thanh niên tác giả của mấy bài thơ dạng vè, hoặc trong ăn nói có điều thất thố. Tất tật những người này, xét cho cùng, chẳng chính trị chính em gì sất. Tù chính trị đích thực không có, theo cách nhìn của tôi. Tuy là người lớn, đám tù được gọi là chính trị này toàn tiêu thời giờ vào những chuyện ngồi lê đôi mách, đến nỗi nghe lỏm chuyện các vị đám tù hình sự phải kêu lên :”Thế mà là “số lẻ” cơ đấy! Như đàn bà”.
Đang thời chiến tranh, tù phải đi sơ tán ra rừng từ sáng sớm, làm công việc đan tranh. Đan cho ai không biết, hay là để bán, nhưng tù cứ đan và đan, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Tranh thành phẩm được chất lên xe tải kìn kìn chở đi. Đồn rằng để xây dựng các trại mới.
Giờ nghỉ trưa, các “ông cán bộ” châu đầu tán gẫu, thì đám “số lẻ” với “số chẵn” thuộc các đội đi sơ tán cũng trà trộn với nhau mà tán gẫu như họ.
Gã nhặt được thằng út của gã trong giờ giải lao một buổi trưa. Hôm ấy, gã gặp may. Gã tóm được gần chỗ làm cả một ổ nhái, nếu có thể gọi những con nhái quần cư trong một hố nước giữa rừng là một ổ. Đang say sưa tận hưởng những đùi nhái vàng thơm phức thì gã bắt gặp giữa đám lá rừng một cặp mắt gắn chặt vào miệng gã.
Gã vẫy tay. Từ trong bụi rậm bước ra một thằng bé gày còm, xanh lướt.
– Lại đây ! – gã gọi.
Thằng bé lẳng lặng nhìn gã, khịt mũi mấy cái, rồi rụt rè tiến lại gần đống lửa.
– Này, ăn đi.
Gã đưa cho nó một con. Thằng bé vồ lấy, ngồi xổm xuống bên gã, nhai ngấu nghiến.
– Con nữa nhá ?
Nó nhanh nhảu gật đầu.
– Mày người đâu ta?
Nó lí nhí:
– Con Nam Định.
Gã gật gù:
– Vậy là cùng quê với tao. “Tắc” đều chứ ?
Nó lắc.
– Bố mẹ đâu ?
– Chết hết rồi- nó nói khẽ.
Gã nhìn nó, thở dài. Xâu nhái bất động trong tay gã. Thằng bé rụt rè nhích lại gần, rụt rè tuốt thêm con nữa.
Cũng như thằng bé, gã chẳng còn ai. Gã ở tù đến năm thứ ba thì vợ chết do thương hàn. Gã ở tù đến năm thứ bảy thì đứa con trai chết đuối. Gã ở tù đến năm thứ chín thì đứa con gái lớn chết nốt, không rõ bệnh gì. Thỉnh thoảng lắm gã cũng nghĩ tới cái xã hội ở ngoài kia, nơi gã còn họ hàng thân thuộc, còn hàng xóm láng giềng.
Gã buồn. Có được tha gã cũng chẳng biết đi đâu. Ngôi nhà của gã đã bị ông anh dỡ đi để làm thêm hai chái nhà ông ấy. Đất thổ cư ông anh bán cho hàng xóm, bảo để lấy tiền nuôi đứa con gái út còn sống. Ông ta không “tắc” cho gã lấy một lần. Đứa con gái út chẳng ngó ngàng tới gã, chẳng đi thăm gã lấy một lần. Khi gã vào tù nó còn quá nhỏ, có lẽ nó không còn nhớ mặt bố. May mà ông anh gã hiếm hoi thương nó như con ruột, người ta kể vậy. Ông anh không chờ gã trở về. Ông muốn gã không có mặt trên đời. Vì có thằng em là gã, lý lịch ông ta không được trong sạch. Tóm lại, gã không còn đâu để mà về, không còn ai để mà thương mà nhớ.
Những chi tiết này về sau tôi một mới biết, trong một lần gã quá buồn, chỉ còn mình tôi là người chịu chuyện để cho gã trút bầu tâm sự.
Thằng bé trở thành con nuôi gã từ đó.
“Thằng bé này vậy mà tốt bụng, ông ạ” – gã nhận xét. Khi gã tỏ ý muốn nhận nó làm con nuôi thì nó ra điều kiện : nếu gã nhận nó thì phải nhận thêm thằng em kết nghĩa của nó, ốm o như một con mèo hen. Thằng bé này cũng là một tên “dạt vòm” như nó sau vụ bố mẹ bỏ nhau, mỗi người lập một gia đình mới. Trở thành nhân khẩu thừa ở cả nhà bố lẫn nhà mẹ, thằng bé đi theo bọn “cắc cùng kinh”, bọn “bè ngắn”, “bè dài”,chuyến ngắn chuyến d22 tức bọn ăn cắp phụ tùng xe đạp, bọn ăn cắp trên tàu hoả chuyến ngắn chuyến dài.
Ấy là, như tôi đã nói, tự gã ra kể tôi mới biết. Chứ tôi không tò mò. Trong tù tò mò bị coi là một thói quen xấu Kẻ tò mò dễ bị ngờ là ăng-ten.
– Hai thằng này tiếng là “số chẵn” mà ngoan, ông ạ. Nhất là thằng nhớn. Lắm lúc tôi nghĩ: đây là ông trời thương bù cho tôi đây. Thằng cả nhà tôi nếu còn sống thì vừa bằng nó.
Quan sát từ bên ngoài các gia đình thế phẩm, tôi thấy trong gia đình nào cũng vậy, các thành viên của chúng đều phải dùng đến một cố gắng nào đó để tạo ra cái bề ngoài thân ái, vì cố gắng đó, những mối quan hệ trở nên không thật, ta vẫn thấy tính chất giả tạo, tính chất gượng ép của chúng. Nhưng gia đình gã khác. Cách đối xử của gã với hai đứa con rất thoải mái, hai đứa trẻ đối với gã cũng vậy. Cứ như thể do một tình cờ ba bố con ruột nhà gã được gặp nhau, được sống bên nhau.
Gã chăm bẵm hai đứa lắm. Gã nhịn ăn nhịn mặc sắm sửa cho chúng đủ thứ. Chủ nhật, tù được tắm ở các bể nước trong trại, gã tha cả hai đứa ra, kỳ cọ cho đến sạch bong. Cả hai đứa dưới mắt gã chẳng hề là hai tên “số chẵn”, hai tên ăn cắp vặt. Chúng cũng chưa một lần tỏ ra là những tên ăn cắp, mặc dầu những người tù “số lẻ” rất cảnh giác mỗi khi hai đứa bước vào phòng, ít nhất thì cũng trong thời gian đầu hình thành cái gia đình trái khoáy này. Trước đó, không có sự lộn xộn như vậy. Người bên “số lẻ” lập gia đình với người “số lẻ”, bên “số chẵn” với người bên “số chẵn”. Những “sĩ quan”, chỉ bên “số chẵn” mới có, cho rằng quan hệ với bọn “số lẻ” chẳng mang lại điều gì tốt đẹp. Quan hệ với “số lẻ” dễ bị Ban Giám thị chú ý. Người ta không muốn đám “số chẵn” dù sao vẫn còn là “bạn của nhân dân” bị ảnh hưởng tư tưởng lũ ”kẻ thù của nhân dân”.
Cái buổi sáng chuyển trại tôi đang nói tới diễn ra không đột ngột.
Sau những ngày tù mù không biết ai ở ai đi, từ đêm trước người ta đã biết được chính xác: tất cả tù “số lẻ” sẽ bị chuyển đi hết, chỉ một số có tên trong đợt tha sắp tới mới ở lại. Nhưng cũng chỉ biết trước được vừa đúng một đêm thôi, nhờ cánh “tự giác” nghe ngóng được nói lại.
Người quan tâm hơn cả tới chuyện kẻ ở người đi, dĩ nhiên là gã. Mặt gã hốc hác hẳn đi, như người lâm bệnh. Ít lo lắng hơn gã, nhưng cũng rất quan tâm, là mấy anh “số lẻ” chuyên mua bán đổi chác. Những nhà buôn trời sinh này không hề đau khổ khi rơi vào tù. Ở đây, cũng như ở bất cứ đâu, miễn có nhiều người sống chung, là họ như cá ở trong nước – thản nhiên sống, thản nhiên đi lại, mua mua bán bán trong cái môi trường tuyệt vời cho nền thương mại tư nhân, là cái không thể có ở bên ngoài nhà tù. Sự chuyển trại làm họ lo lắng. Không thể không đau xót cho những khoản nợ chắc chắn không còn có thể đòi. Các con nợ, thường ở bên “số chẵn”, không giấu vẻ vui mừng – chuyến này có mà đòi ông Thiên Lôi! Tù chính trị bất đắc dĩ mới phải vay nợ, mua chịu.
Hầu như cả trại thức suốt đêm. Không ai ngủ được.
Nằm ở chiếu bên, gã vắt tay lên trán, nhìn chòng chọc lên mái nhà, không nói một lời. Từ nhà giam bên cạnh vẳng đến tiếng ghi-ta bập bùng. Mấy người “số lẻ” có thú trà lá nổi lửa. Ngày mai đi khỏi đây rồi, họ không cần giữ nội quy nữa. Lính gác ngó vào thấy họ tụ tập quanh bàn trà cũng mặc. Lửa đóm in bóng họ lên tường.
Tôi thiếp đi được một lúc. Tỉnh dậy, tôi thấy gã ngồi bất động.
– Mấy giờ rồi? – tôi hỏi.
Gã không trả lời.
– Sắp sáng rồi, hả?
Gã lặng im.
Tôi không ngủ lại được nữa.
Trời vừa tang tảng có tiếng xe tải nổ máy xa xa, từ phía khu Ban giám thị. Tiếng xe lớn dần. Giờ chuyển trại mà người ta không hề chờ đợi với đủ mọi âu lo đã đến. Tù lục tục dậy. Thì ra những người mà tôi tuởng vẫn ngủ yên, suốt đêm chỉ lơ mơ . Đồ đạc đã được sắp xếp đâu vào đấy. Khi cán bộ quản giáo mở cửa thì ai nấy đã trong tư thế sẵn sàng.
Viên quản giáo nói lớn:
– Sắp xếp đồ đoàn! Chuyển trại!
Những người tù nhao nhao:
– Báo cáo ông quản giáo! Đi đâu ạ?
– Trại mới có tốt bằng trại ta đây không ạ?
– Đang ở yên, lại chuyển đi. Chán mớ đời.
Viên quản giáo quát:
– Có câm cái miệng không nào? Đồ đoàn lên vai. Xếp hàng trật tự vào!
Chẳng còn gì để mà sắp xếp – đồ đạc của người tù có nhiều nhặn gì cho cam.
Xếp hàng hai, chúng tôi co ro bước ra khỏi cửa. Trời mới chỉ hơi rạng, còn nhọ mặt người. Buổi sáng ở miền núi thường lạnh, như thể trời vào đông, mặc dầu chưa sang thu.
Viên quản giáo và mấy người lính đứng hai bên cửa phòng, lẩm nhẩm đếm tù. Tôi đặc biệt không ưa viên quản giáo này. Hắn còn trẻ, mới ngoài hai mươi, khá điển trai, quần áo lúc nào cũng phẳng phiu, mặt lúc nào cũng vác lên, vẻ ông cụ non. Khi nói chuyện với những người tù già, kể cả những người bằng tuổi ông nội hắn, hắn không bao giờ nhìn thẳng vào mặt họ, mà nhìn đi chỗ khác, như thể không phải hắn đang đối thoại với họ, mà là trong lúc này đầu óc hắn còn đang bận với những điều quan trọng, hắn chiếu cố nghe họ bằng một tai. Ấy là chưa kể cái thói quen chung của đám quản giáo, tù già đến mấy cũng gọi bằng “anh”, nghe chướng không chịu được.
Tay nải khoác vai, ông bố tội nghiệp của cái gia đình tan vỡ đi bên tôi, mặt hoá đá. Gã cố tình không nhìn về phía mấy ngôi nhà giam tù hình sự, nơi những khung cửa đen ngòm đã thấy lố nhố mặt người – đó là đám hình sự dậy sớm để xem cuộc chuyển trại, một trò vui không phải trả tiền.
Khi đám tù “số lẻ” đã đứng bên hai chiếc xe tải sẽ chở họ đi, tôi nghe những người tù có thâm niên cao, mặt trang nghiêm, trao đổi với nhau bằng giọng thì thào về cái trại mà họ đoán sẽ bị chuyển đến. Trong đời tù họ đã đi qua nhiều trại, họ có kinh nghiệm hơn hẳn tù thường về những cuộc di chuyển, căn cứ những động thái không rõ rệt của cán bộ trại, những lời bình luận của đám tự giác. Trong cuộc sống ở trại giam giữa rừng, giữa những người coi tù và những người tù có một điểm chung: cả hai đều , vì hoàn cảnh bắt buộc mới phải sống ở nơi khỉ ho cò gáy thế này. Cho nên, nếu vì tình thương mà một tay quản giáo khuyên một tay tự giác phải chuẩn bị quần áo ấm thì chắc chắn cuộc di chuyển sẽ nhằm phía Bắc, nơi có nhiều sương muối và gió bấc.
Chúng tôi ra tới bên hai xe tải thì ở đó đã có mặt bá quan văn võ từ Ban Giám thị trở xuống, với những tập tài liệu cầm tay. Mấy anh tài và ét, cũng là công an cả, nhưng không phải công an coi tù, đứng cách ra một quãng, hút thuốc lá, vẻ mặt thờ ơ.
Đúng vào lúc điểm danh lần cuối trước khi cho tù lên xe thì một sự kiện không ngờ đã xảy ra.
Từ phía nhà giam tù hình sự, một tiếng gào lạc giọng bay ra:
– “Bô.ô.ô.ố.ố…ơ.ơ.i!”. “Bô.ô.ô.ố.ố…ơ.ơ.i! Bô ô ố!”.
Đó là tiếng của đứa con út của gã, cái con mèo hen của gã.
Rồi tiếng gào thứ hai, trầm hơn một chút, của thằng lớn, nhưng thảm thiết không kém:
– “Bô.ô.ô.ố.ố…ơ.ơ.i!”, “Bô.ô.ô.ố.ố…ơ.ơ.i!”.
Như để tiếp sức cho hai đứa con gã, bất thình lình cả mấy nhà giam những người tù “số chẵn” nhất loạt gào lên:
– “Bô.ô.ô.ố.ố…ơ.ơ.i!”
– “Bô.ô.ô.ố.ố…ơ.ơ.i!”
– “Bô.ô.ô.ố.ố…ơ.ơ.i!”
Cái tiếng gào não nuột thoát ra từ bằng ấy cổ họng cùng một lúc làm tôi lạnh toát cả người.
Đứng bên tôi, mặt người cha của cái gia đình vá víu tái nhợt, toàn thân gã run bắn, như trong cơn sốt rét. Gã, vẫn như khi vừa ra khỏi phòng giam, cố không nhìn về phía nhà giam tù hình sự, nơi có những đứa con mà gã sắp phải chia lìa. Từng thớ thịt của gã đang rung lên từng cơn theo tiếng gào từ phía những nhà giam “số chẵn” bay ra.
Thế rồi, không thể chống nổi chính mình, gã tuột phăng cái tay nải trên vai, lao đi như một mũi tên bứt khỏi dây cung, chạy một mạch về phía những tiếng gọi.
Viên quản giáo trẻ hoảng hốt lao theo. Chạy sau anh ta là mấy người lính gác, nhưng họ không sao đuổi kịp gã trên quãng đường không quá trăm mét trên sân trại.
Tôi thấy gã lao thẳng tới một khung cửa sổ rồi dán chặt vào đấy – chắc gã luồn hai tay vào trong để ôm choàng hai đứa con.
Tôi nhìn thấy những người đuổi theo vây quanh gã, dùng sức lôi gã ra, nhưng gã bám cứng, không sao gỡ nổi.
Đoạn, viên quản giáo trẻ đứng thẳng lên, phẩy tay với những người kia, ra chiều thôi, không cần lôi gã ra nữa, mặc gã làm gì thì làm. Rồi hắn ta cúi xuống, nói với gã điều gì đó.
Đến lúc ấy mấy người lính gác mới rời khung cửa, lững thững vác súng đi ngược lại.
Viên giám thị già, có gương mặt khắc khổ và nghiêm nghị của một viên kế toán, giận dữ đi về phía viên quản giáo. Hai người gặp nhau ở gần nhà giam, chụm đầu bàn tán. Rồi cả hai lẳng lặng quay lại phía xe tải.
Đáp lại cái nhìn dò hỏi của tôi, viên quản giáo trẻ nói khẽ:
– Để cho anh ta chia tay với hai thằng bé một lát.
Tôi ngạc nhiên nhìn hắn, nhưng hắn quay đi. Giọng hắn không giống thường ngày. Trong một thoáng, tôi thấy mắt hắn hơi ướt. Mà cũng có thể tôi nhìn nhầm.
Viết thêm: Chuyến chuyển trại hôm ấy bị chậm lại gần nửa giờ. Cuối cùng, gã tự rời khung cửa sổ, lảo đảo quay lại với chúng tôi. Không một người lính nào đi theo gã. Viên quản giáo trẻ dìu gã lên xe, nhặt cái tay nải đặt vào lòng gã. Khi xe nổ máy, viên quản giáo trẻ thận trọng nhìn quanh rồi vỗ nhẹ mấy cái vào vai gã trong một cử chỉ an ủi.
Vũ Thư Hiên
Facebook,
Related News
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trả lời Bộ Ngoại giao Mỹ
Y Nguyên /SGN – 26/5/2023Ngày 19 Tháng Năm 2023, tại chùa Từ Hiếu, vào lúc 10 giờ, phái đoàn Ủy hội Tự do Tôn...
Việt Nam: Trung ương 7, Những dấu hiệu tàn cuộc – Trần Đông A
Trần Đông A 18/5/2023Câu chuyện ông Trọng muốn đẩy ông Chính về vườn không mới và cũng chẳng có gì gây sốc. Hội nghị hai ngày...
Thư mời tham dự hội nghị trực tuyến tường trình kết quả và phổ biến PHÁN QUYẾT CỦA TÒA CÔNG LÝ VIỆT NAM
LIÊN MINH VÌ DÂN CHỦ CHO VIỆT NAMtrân trọng kính mời quý vị tham dự cuộc hội nghị trực tuyến nhằm tường trình kết quả và...
Tuyên bố chung về ngày 30 tháng 4 lần thứ 48 của người Việt trong và ngoài nước
Dạng PDFhttps://thoisu-doisong.com/wp-content/uploads/2023/05/Tuyen-bo-chung-Final-nhan-QH-30-4-lan-thu-48.pdf
Antony Blinken và Sách lược ngoại giao “vì bè vì đảng” chứ không “vì nước vì dân” của Đảng CSVN
Đào Tăng Dực22/4/2023Trong một thể chế chính trị đa nguyên đa đảng, có sự cạnh tranh công khai và công bằng giữa các lực...
Những công trình của Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Chính Trị Tại Hải Ngoại
Phạm Bá Hoa22/4/2023Ước tính, cứ 2 người đến bến bờ tự do, có 1 người chết mất xác!Với lá Thư này, tôi tổng lược...