RFA
14/8/2024
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
Fb Nguyễn Chí Tuyến
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) vào ngày 14/8, tức một ngày trước phiên dự kiến xét xử sơ thẩm nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước,” ra thông cáo báo chí kêu gọi Nhà nước Việt Nam phóng thích ông và xoá bỏ mọi cáo buộc chống lại ông.
Ông Nguyễn Chí Tuyến (còn được gọi là Anh Chí), 50 tuổi, bị Công an thành phố Hà Nội bắt ngày 29/2 năm nay. Thành viên nổi bật của phong trào No-U (nói không với đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông) bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố theo điểm b và c của khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự quy định hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân” và “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.”
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội thông báo đưa ông ra xét xử công khai tại trụ sở của tòa ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai vào sáng 15/8 và ông đối mặt với mức án từ 5 năm đến 12 năm tù giam nếu bị kết tội.
Trong thông cáo báo chí, HRW dẫn lời của bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức này:
“Chính quyền Việt Nam đã nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông bày tỏ quan điểm mà họ không thích.” và “Chính phủ nên ngừng bỏ tù những người chỉ trích ôn hòa, bãi bỏ luật hình sự hà khắc và chấm dứt hành vi vi phạm có hệ thống các quyền cơ bản.”
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) nhấn mạnh việc chính quyền Việt Nam đưa Nguyễn Chí Tuyến ra xét xử ngay sao khi Tô Lâm, người đứng đầu ngành công an trong tám năm qua, trở thành Tổng Bí thư đảng cầm quyền và Chủ tịch nước. Dưới sự điều hành khét tiếng của ông này, Công an Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 269 người chỉ vì đã thực hiện các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ một cách ôn hòa.
“Chính phủ Việt Nam sẽ vẫn sa lầy trong sự áp bức chừng nào họ còn tiếp tục giam giữ những người bất đồng chính kiến như Nguyễn Chí Tuyến, những người dám nói lên suy nghĩ của mình,” bà Gossman nói và kêu gọi:
“Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam không nên có bất kỳ ảo tưởng nào khi đối phó với chính phủ vi phạm nhân quyền này.”
Ông Phil Robertson, giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á (Asia Human Rights and Labor Advocates- AHRLA) thì cho rằng Nguyễn Chí Tuyến là một trong số người hoạt động dám nói lên sự thật mà Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Đại tướng Tô Lâm lo sợ, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những kẻ tay sai của ông ta trong Bộ Công an quyết tâm cầm tù ông dài hạn.
Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do ngày 14/8, chuyên gia về nhân quyền Việt Nam dự báo:
“Trong một vụ án có động cơ chính trị như thế này, sẽ không có công lý, mà chỉ có nước mắt và sự tức giận khi một công dân có nguyên tắc khác lại bị bỏ tù vì thực hiện quyền của mình.”
Ông nhận xét Nguyễn Chí Tuyến được nhiều người dân Việt Nam kính trọng vì đạo đức và bản lĩnh của ông và việc đàn áp ông không làm điều đó giảm đi.
“Ông hành động vì lợi ích của toàn thể dân chúng. Đó là lý do mà Đảng Cộng sản cầm quyền tấn công ông bằng những cáo buộc nguỵ tạo vì họ biết rằng họ không thể cạnh tranh với ông về mặt đạo đức.
Trong khi Đại tướng Tô Lâm đang ăn bít tết dát vàng tại một nhà hàng sang trọng ở London bằng tiền thuế của nhân dân, Anh Chí đã lên tiếng và đứng lên vì lợi ích của người dân Việt Nam bình thường. Tướng Tô Lâm mới là người phải vào tù, chứ không phải Nguyễn Chí Tuyến.”
Luật sư nói cáo buộc của Viện Kiểm sát không có cơ sở
Theo cáo trạng của vụ án, vào khoảng tháng 8/2018, sau khi nghỉ việc ở Nhà xuất bản Thế giới, ông Nguyễn Chí Tuyến lập kênh Youtube mang tên Anh Chí Râu Đen để chia sẻ ý kiến cá nhân trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, trong đó có 5 video clip bị cơ quan an ninh thành phố Hà Nội đề nghị Sở Thông tin-Truyền thông giám định nội dung.
Ông bị truy tố về hai video clip có tên “Vụ áp phe 155 triệu bảng Anh và chuyển đổi tên” và “Chống tham nhũng: làm sao để cán bộ không thể, không dám, không cần, không muốn?” phát trên trang Youtube cá nhân năm 2021. Trong video thứ nhất, ông nói về việc Chủ tịch hãng hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo tặng trường Oxford của Anh số tiền 155 triệu bảng, còn ở video thứ hai, ông bình luận về các biện pháp chống tham nhũng, trong đó có nói đa đảng sẽ hạn chế tham nhũng.
Ông không bị truy tố về ba video còn lại có tên “Trịnh Xuân Thanh đã được đưa trở lại Đức hay chưa: Phải hiểu cách làm của cộng sản,” “Các bạn nghĩ gì về phiên toà xét xử vụ Đồng Tâm,” và Bò dát vàng nổ vang thế giới” cho dù những video này mang tính nhạy cảm hơn.
Video thứ nhất nói về vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc cựu cán bộ dầu khí Trịnh Xuân Thanh từ Đức, còn video thứ hai nói về việc 3.000 cảnh sát cơ động tấn công vào xã Đồng Tâm vào sáng sớm ngày 09/1/2020 và bắn chết đảng viên kỳ cựu Lê Đình Kình, và trong video thứ ba bình luận về việc Đại tướng Tô Lâm ăn món bò dát vàng ở một tiệm ăn sang trọng ở thủ đô London khi tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự một hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu năm 2021.
Gia đình ông Nguyễn Chí Tuyến đã thuê bốn luật sư Nguyễn Hà Luân, Phạm Lệ Quyên, Nguyễn Thị Trang, và Lê Đình Việt bào chữa cho ông trong phiên toà sắp tới. Tất cả bốn luật sư đã đến trại tạm giam và gặp thân chủ để bàn về việc bào chữa.
Một trong bốn luật sư nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Bình luận trong hai video, ông Tuyến đã nói rõ đó là quan điểm cá nhân của mình, và người xem cũng có thể đưa ra quan điểm của họ trong phần bình luận.
Việc thân chủ của tôi phát biểu về hai vấn đề chống tham nhũng và vụ VietJet tặng tiền là quan điểm cá nhân của ông ấy, có thể không đúng thậm chí trái chiều với nhiều người khác hay tổ chức nào đó, nhưng không thể quy thành tội bịa đặt, gây hoang mang, hoặc gây chiến tranh tâm lý như Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội nêu trong cáo trạng.
Do vậy, tôi cho rằng thân chủ của tôi vô tội và cần được trả tự do ngay tại toà.”
Vị luật sư này cũng cho biết trong quá trình làm việc, thân chủ của ông không nói có bị tra tấn hay đối xử tàn nhẫn hay không.
Còn trong Facebook của luật sư Lê Đình Việt, ông cho biết thân chủ của mình có đơn đề nghị toà án triệu tập người giám định của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để đối chất về hai video clip mà ông bị cáo buộc có hành vi phạm tội. Nhà hoạt động này cũng có đơn đề nghị Trại tạm giam cho nhận Hiến pháp để làm cơ sở bào chữa nhưng đến nay chưa được giải quyết.
HRW kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến
14/08/2024
VOA Tiếng Việt
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.
Hôm 14/8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ kêu gọi chính quyền Việt Nam lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Chí Tuyến.
HRW đưa ra lời kêu gọi trên chỉ một ngày trước khi diễn ra phiên tòa xét xử ông Tuyến tại Hà Nội theo dự kiến là vào ngày 15/8.
“Nhà cầm quyền Việt Nam nhắm vào Nguyễn Chí Tuyến vì ông đã bày tỏ quan điểm trái ý họ”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của tổ chức HRW bày tỏ ý kiến trong thông cáo. “Chính quyền Việt Nam cần ngừng bỏ tù những người lên tiếng chỉ trích ôn hòa, sửa đổi các điều luật hình sự hà khắc, và chấm dứt vi phạm một cách có hệ thống các quyền cơ bản”.
“Chính quyền Việt Nam sẽ vẫn bị kẹt trong thế đàn áp nếu cứ tiếp tục bắt giữ những người bất đồng chính kiến dám nói lên suy nghĩ của mình như ông Nguyễn Chí Tuyến”, bà Gossman nhận định.
“Các đối tác thương mại và các nhà tài trợ quốc tế không nên có bất kỳ ảo tưởng nào khi giao dịch với chính quyền vi phạm nhân quyền này”, vị đại diện của HRW đưa ra lời kêu gọi.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về tuyên bố trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Trong nhiều dịp khác nhau, bộ này và các quan chức Việt Nam vẫn thường nói rằng chính quyền của đất nước này tôn trọng và bảo đảm các quyền con người cơ bản, những người bị bắt bớ, phải nhận án tù đều là những người vi phạm pháp luật, không phải vì họ thực thi các quyền tự do.
Công an bắt ông Nguyễn Chí Tuyến vào ngày 29/2/2024 ở Hà Nội vì ông chỉ trích chính quyền trên mạng xã hội. Ông bị khởi tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Theo HRW, ông Nguyễn Chí Tuyến (còn được gọi là Anh Chí), 50 tuổi, là một nhà vận động nhân quyền đã sử dụng YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác để bình luận về các vấn đề xã hội và chính trị. Kênh YouTube chính của ông, Anh Chí Râu Đen, đăng hơn 1.600 đoạn video và có 98.000 người đăng ký trong khi kênh YouTube AC Media của ông, có hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký.