Bình luận, Lịch sử, Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa

Ngày Quân Lực 19-6 (Thái Hóa Lộc)

0 Comments
Nghe âm thanh do Đỗ Hiếu đọc

Thái Hóa Lộc,

Thứ Bảy, ngày 19 tháng 6 năm 2021 Cộng đồng và những cựu quân nhân Việt Nam cộng Hòa tưởng niệm lần thứ 56 Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Ngược dòng thời gian, Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, 1965, là ngày chính phủ quân nhân tại miền Nam Việt Nam ra mắt lần đầu tiên trước quốc dân và quốc tế, một năm rưỡi sau khi chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào ngày 2 Tháng Mười Một, năm 1963. Sau hơn một năm trời các sĩ quan cao cấp quân đội VNCH thay nhau cầm quyền, với những cuộc phản đảo chánh, chỉnh lý, và biểu tình chống đối của các thành phần tôn giáo và sinh viên liên tiếp xảy ra trong nước, Hội Ðồng Quân Lực – mà trước đó được gọi là Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng – gồm các tướng lãnh, trao quyền cai trị đất nước về cho các chính trị gia vào ngày 5 Tháng Năm, năm 1965, với một chính phủ dân sự dưới quyền Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát. Ðiều không may là phe dân sự tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, dù gồm nhiều chính trị gia nổi tiếng, nhiều chuyên gia lỗi lạc, và nhiều nhà khoa bảng từ ngoại quốc trở về, không thể nào vừa điều hành đất nước một cách hữu hiệu vừa bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ trước các cuộc tấn công liên tiếp của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt với ngụy danh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Ngày 19 Tháng Sáu, 1965, trong một buổi lễ ra mắt được long trọng tổ chức tại thủ đô Sài Gòn, các thành phần trong Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhận trách nhiệm làm thành phần tiền phương của quân, dân miền Nam Việt Nam trong vai trò chỉ huy QLVNCH bảo vệ đất nước và điều khiển chính phủ, thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa, và giáo dục để xây dựng miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường, mặc dù đất nước đang có chiến tranh. Trong vai trò mới, QLVNCH ở hậu phương thì lo xây dựng nền độc lập, tự do và dân chủ, diệt trừ những mầm mống nằm vùng bạo loạn, và phát triển kinh tế, ngoài tiền tuyến thì chỉ huy quân đội ngăn chống những đợt sóng xâm lăng của Cộng Sản ngày càng mãnh liệt từ miền Bắc tràn vào. Nhưng giới lãnh đạo quân sự tại miền Nam Việt Nam, tức QLVHCH, vì ý thức rằng cuộc chiến đấu tự vệ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản từ ngoài Bắc vào không phải là một cuộc chiến đơn thuần về quân sự mà là một trận chiến phối hợp giữa các mặt trận quân sự và chính trị cũng như kinh tế, đồng thời còn cảnh giác cao độ về vai trò sinh tử của một chế độ tự do, dân chủ tại miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh một mất, một còn với phe Cộng Sản Quốc Tế, đã phải tìm cách chuyển đổi chế độ hội đồng quân nhân cầm quyền hiện có sang một thể chế dân chủ hợp hiến và hợp pháp mới mong nâng cao uy tín của VNCH trên trường quốc tế.

Từ 1966 tới 1967, mặc dù chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng ác liệt trên khắp các mặt trận tại miền Nam Việt Nam – với sự can dự trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng Ðồng Minh như Nam Hàn, Úc, New Zealand, và Thái Lan – chính quyền miền Nam Việt Nam dưới quyền của các tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, với sự hỗ trợ của chính phủ, dân chúng, quyết tâm tổ chức các cuộc tuyển cử tự do để thành lập Ðệ Nhị Cộng Hòa thay thế cho Ðệ Nhất Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã cáo chung hồi năm 1963.

Chính quyền Quốc Gia Việt Nam cùng hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, chỉ tồn tại có 21 năm ngắn ngủi, từ 1954 tới 1975, nhưng chế độ VNCH đã để lại một di sản dài lâu trong lòng người dân Việt Nam mà không thời kỳ nào trong lịch sử cận đại và hiện đại của nước nhà có thể sánh được. Nhưng đã là công dân VNCH trong suốt thời kỳ lịch sử đó, không ai lại không biết rằng cuộc sinh tồn của đất nước luôn luôn phải được đánh đổi bằng xương máu của chính người dân miền Nam Việt Nam, trong đó các chiến sĩ QLVNCH, mà tiền thân là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, luôn phải đứng mũi, chịu sào. Đó là vì miền Nam Việt Nam không hề có được cái may mắn như Nam Hàn, là nước luôn được Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc hỗ trợ trong cuộc Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953) và dài dài cho đến ngày nay nên không hề bị Cộng Sản Bắc Hàn thôn tính, hoặc Tây Đức, là nước có được sự đồng tâm nhất trí che chở và bảo bọc của ba cường quốc Tây Phương – Hoa Kỳ, Anh, và Pháp – cho đến ngày Cộng Sản Đông Đức sụp đổ và sát nhập vào Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức để trở thành Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay.

Vận nước điêu linh, cuối cùng rồi thì QLVNCH đã phải buông súng tan hàng vì người bạn Đồng Minh Mỹ bỏ rơi nửa chừng, người lính VNCH đã kiên cường chiến đấu trong suốt thời gian đất nước tồn tại, với những chiến thắng lẫy lừng từ Trận Mậu Thân 1968, cuộc hành quân Toàn Thắng 43 sang Cambodia năm 1970, cuộc chiến đấu tại An Lộc, Kon Tum, và Cổ Thành Quảng Trị hồi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, trận chiếm lại ngọn đồi Thường Đức từ tay Cộng Quân năm 1973, và chiến thắng Xuân Lộc vào mùa Xuân 1975, mùa Xuân cuối cùng của dân tộc Việt Nam. Ngay cả lúc chiến bại, người lính VNCH lúc nào cũng anh dũng, hiên ngang, như một Nguyễn Đình Bảo tại Charlie năm 1970, một Nguyễn Văn Đương trên ngọn Đồi Máu Hạ Lào năm 1971, và một Ngụy Văn Thà anh dũng ở lại chết theo tàu trong trận hải chiến chống các lực lượng Trung Cộng xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Đó là chưa kể những cuộc tuẫn tiết của các Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và Nguyễn Khoa Nam cùng các Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, và Lê Nguyên Vỹ, cùng với Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, cũng như cuộc chiến đấu kiên cường cho đến lúc phải hy sinh của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung Tá Cảnh Sát Lê Phó sau đó. Rồi khi cuộc chiến chấm dứt, các chiến sĩ QLVNCH kẻ thì hy sinh ngoài mặt trận, người thì mất đi một phần thân thể, kẻ thì chịu cảnh tù đày, người thì chết thảm trên đường vượt biên, vượt biển đi tìm tự do, để rồi tất cả ngày nay ai cũng đều cùng chung số phận của những kẻ đánh mất quê hương, sống đời lưu vong nơi quê hương thứ hai và luôn mang tâm trạng “nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia…”

Tưởng niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6 sau 36 năm không ngoài mục đích ghi nhớ một quân lực hùng mạnh với 172 vị tướng lãnh chỉ huy hơn 1 triệu 3 trăm năm chục ngàn quan binh thuộc cấp đã phải tan hàng vì vận nước và thế lực bên ngoài. Những ưu tư của thế hệ đi trước, những người trực tiếp liên quan đến cuộc chiến về Ngày Quân Lực có còn tiếp tục và còn ý nghĩa như ngày Quốc Hận 30-4 khi những người này đã nằm xuống! Ý nghĩa của sự hy sinh bảo vệ của tự do Miền Nam, sự an toàn cho cuộc sống người dân của người lính Việt Nam Cộng Hòa có còn được nhắc đến để ghi ơn, nếu một mai Ngày Quân Lực 19-6 đi vào quên lãng. Sau 46 năm từ ngày biến cố 30 tháng 4, người dân Việt lưu lạc đi tìm cuộc sống tự do trên khắp thế giới nhưng họ đã không quên đất nước và quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nhất là những cựu quân nhân, họ còn lại nhiều thứ không thể quên được; đó là chiến trường và chiến hữu còn sót lại trong kiếp tàn phế của thương phế binh. Họ đã trở thành công dân hạng hai dưới chế độ Cộng Sản. Do đó, Ngày Quân Lực 19 tháng 6 không chỉ một nhóm người, một số đoàn thể cựu quân nhân tổ chức vinh danh hào quang của quá khứ, chung vui chén rượu chung trà mà nên nghĩ đến đồng đội và chiến hữu thiếu may mắn. Những người cựu quân nhân còn sống đã từng nhận lãnh trách nhiệm chỉ huy cần nhận định rõ hơn vai trò hiện tại của mình: Danh dự – Tổ Quốc – Trách Nhiệm có thật xứng đáng để thế hệ nối tiếp bước tới của những gì để lại? 46 năm Quốc hận trôi qua và 56 năm chuyển mình trong tập thể quân đội để có Ngày Quân Lực 19 tháng 6. Nhưng những gì đã và đang xảy ra, những người cùng chung màu cờ sắc áo từ binh chủng đến quân trường, tình trạng chia rẽ đã không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng. Chương trình Xây Dựng Tượng Đài Cổ Thành Quảng Trị ở thủ đô tỵ nạn là một bằng chứng. Bởi đâu và vì đâu? Ý nghĩa của Ngày Quân Lực thực sự có còn cần thiết để tưởng niệm, biết ơn trong khi chúng ta là một bãi mìn phá hủy di sản tốt đẹp của Ngày Quân Lực.  

Ngày Quân Lực 19 tháng 6 đã gần tới trong sự thao thức chung của những người lính Việt Nam Cộng Hòa… Chúng ta cùng cầu nguyện những linh hồn tử sĩ đã hy sinh, những niên trưởng đã nằm xuống nơi đất khách quê người để mọi người gạt bỏ tự ái riêng tư, phe phái cùng ngồi lại với nhau trong tinh thần đoàn kết. Có như vậy Ngày Quân Lực mới có ý nghĩa và tồn tại.

Tags from the story:
Written By

thoisu 02