Nguồn: Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), 02/11/2023.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Sau khi nổ ra vòng xung đột Palestine-Israel hiện tại, mặc cho trong nước mình đang diễn ra các hoạt động ủng hộ Palestine với mức độ ra sao, các nhà lãnh đạo nhiều nước Âu – Mỹ như Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã lần lượt đến thăm Israel để bày tỏ quan điểm ủng hộ vững chắc nước này. Đằng sau các cuộc viếng thăm đó vừa có nhân tố chính trị cấp quốc gia vừa có liên quan tới tầm ảnh hưởng to lớn của người Do Thái ở các nước này. Thậm chí còn có câu nói: “Mỹ kiểm soát thế giới, còn người Do Thái kiểm soát nước Mỹ”. Quả thật, sau gần 2.000 năm phiêu bạt, người Do Thái không chỉ thành lập đất nước của mình mà còn đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và các lĩnh vực khác. Thế nhưng với số dân chưa đến 16 triệu người, rốt cuộc họ có ảnh hưởng như thế nào ở các nước? Và ảnh hưởng này đã mang lại cho họ những gì?
“Kiểm soát nước Mỹ”?
“Tôi đến gặp các bạn không chỉ với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ mà còn với tư cách một người Do Thái.” Hôm 12/10, Ngoại trưởng Mỹ Blinken phát biểu như vậy tại Bộ Quốc phòng Israel khi ông đến thăm nước này. Sáu ngày sau, Tổng thống Mỹ Biden ngoài 80 tuổi, đến thăm Israel đang trong thời chiến. Biden vừa rời đi thì ngày 19/10 Thủ tướng Anh Sunak cũng tới Tel Aviv. Trước ngày Tổng thống Mỹ đến thăm Israel, Thủ tướng Đức Scholz cũng tuyên bố tại Tel Aviv rằng an ninh của Israel là “lợi ích quốc gia cao nhất” của Berlin. Sau đó, ngày 21 tháng 10, Thủ tướng Ý Meloni đến thăm Israel, và ngày 24 tháng 10, Tổng thống Pháp Macron đến thăm Tel Aviv. Tất cả đều bày tỏ sự ủng hộ việc Israel tấn công Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Palestine (Hamas).
Nếu lãnh đạo các nước Âu – Mỹ nói trên ủng hộ Israel vì mối quan hệ giữa các nước và thể hiện tầm ảnh hưởng quốc gia của Israel, thì hành động của một số trường đại học và công ty Mỹ cho thấy người Do Thái có “năng lượng” lớn đến mức nào ở Mỹ. Theo tin tức từ đài Al Jazeera của Qatar và các phương tiện truyền thông khác, sau khi nổ ra vòng xung đột Palestine-Israel hiện nay, một số sinh viên đại học ở Mỹ đã tổ chức biểu tình ủng hộ Palestine. Kết quả là các tập đoàn tài chính Do Thái liên tiếp thông báo họ sẽ đình chỉ hỗ trợ tài chính cho các trường đại học liên quan, nhằm gây áp lực lên nhà trường và sinh viên. Solomon, giáo sư môn luật kinh doanh tại Trường Luật Berkeley thuộc Đại học California viết bài đăng trên tờ Wall Street Journal kêu gọi các công ty không thuê số sinh viên tham gia biểu tình ủng hộ Palestine. Ba sinh viên Harvard đã bị công ty luật Winston & Strong huỷ cơ hội làm việc vì họ đã ký một tuyên bố lên án các chính sách của Israel. Ngoài ra, hãng MSNBC đã đình chỉ chức vụ của ba người dẫn chương trình là tín đồ Hồi giáo.
Tờ New Arab xuất bản ở London, Anh Quốc, đưa tin rằng kể từ khi thành lập nhà nước Israel, Mỹ luôn đóng vai trò là “người ủng hộ hoặc thậm chí là người bảo vệ sân trước hoặc sân sau” của Israel; điều đó có liên quan chặt chẽ với tầm ảnh hưởng, khả năng hoạt động và năng lượng của người Do Thái trên khắp thế giới. Muốn biết người Do Thái có ảnh hưởng lớn thế nào ở Mỹ, trước tiên hãy xem xét vài dữ liệu. Theo số liệu do tờ “The Times of Israel” công bố vào tháng 9 năm 2023, dân số Do Thái toàn cầu đã tăng lên 15,7 triệu người vào năm 2022, trong đó khoảng 6,3 triệu người sống ở Mỹ và 7,2 triệu người sống ở Israel. Chen Quangmeng [Trần Quảng Mãnh] giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Israel tại Đại học Ngoại quốc ngữ Tứ Xuyên cho biết, từ khi Israel thành lập năm 1948 đến khoảng năm 2010, số lượng người Do Thái ở Mỹ đều nhiều hơn ở Israel, đây là cơ sở quan trọng để người Do Thái phát huy ảnh hưởng ở Mỹ.
Trong nội các của chính phủ Biden, ngoại trừ Phó Tổng thống Harris, có 24 thành viên; nhiều người trong số họ có huyết thống Do Thái, gồm Bộ trưởng Tài chính Yellen, Bộ trưởng Tư pháp Garland, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mayorkas, và Chánh văn phòng Nhà Trắng Zintz. Ngoài ra, Quyền Thứ trưởng Ngoại giao thường trực Nuland, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao thường trực Sherman, Phó Giám đốc CIA Cohen, Giám đốc Tình báo Quốc gia Haines cũng là người Do Thái. Tổng số dân Mỹ xấp xỉ 330 triệu người, trong đó người Do Thái chiếm chưa đến 2% dân số, tuy nhiên tỷ lệ người Do Thái giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ Mỹ vượt xa tỷ lệ dân số.
Trong lĩnh vực kinh tế và tài chính, ảnh hưởng của người Do Thái mạnh hơn trong lĩnh vực chính trị. Trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ [còn gọi là Chiến tranh giành độc lập Mỹ, 1765-1783], người Do Thái Hayan Solomon từng tài trợ cho Quân đội Lục địa và tư vấn xây dựng hệ thống tài chính Mỹ. Nhiều người sáng lập các ngân hàng đầu tư và các Quỹ lớn ở Mỹ như Goldman Sachs, BlackRock, Citibank, v.v… là người Do Thái. Quan trọng hơn, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cơ quan quyết định chính sách tiền tệ của Mỹ, cũng được thành lập dưới sự thúc đẩy của chủ ngân hàng người Do Thái Paul Warburg. Trong lịch sử Fed, nhiều chủ tịch là người Do Thái, điều không chỉ phản ánh thành tựu của người Do Thái trong lĩnh vực kinh tế mà còn cho thấy tầm ảnh hưởng của dân tộc này đối với nền kinh tế Mỹ. Các ông trùm Do Thái đã tham gia vào hội đồng quản trị các trường tư thục như Harvard và Yale; thông qua những khoản quyên góp kếch sù, họ có tiếng nói lớn trong cả giới kinh doanh và giới học thuật, từ đó quyết định việc phân bổ các nguồn lực liên quan.
Ngoài ra, người Do Thái gần như kiểm soát dư luận Mỹ. Trong số các cơ quan truyền thông có ảnh hưởng nhất nước Mỹ, chủ tịch tờ New York Times, CEO của Warner Bros, Discovery (công ty mẹ của CNN) là người Do Thái, và người ra quyết sách của công ty mẹ của NBC và CBS cũng là người Do Thái.
Người Do Thái đạt được những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực như hàng không vũ trụ, năng lượng và khoáng sản, đổi mới công nghệ, chăm sóc y tế, du lịch và ăn uống tại Mỹ. Các doanh nhân nổi tiếng thế giới gốc Do Thái gồm Larry Page và Sergey Brin (đồng sáng lập Google), Steve Ballmer (cựu Giám đốc điều hành Microsoft), và Mark Zuckerberg (người sáng lập và điều hành Facebook). Sam Altman, CEO của công ty Open AI đang dẫn đầu làn sóng trí tuệ nhân tạo, cũng là người Do Thái. Ralph Lauren, Calvin Klein (người sáng lập CK), và Michael Kors (người sáng lập MK) trong ngành may mặc, và các nhà đồng sáng lập Costco, Home Depot và Macy’s trong ngành bán lẻ, đều là người Do Thái.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Global Times, giáo sư Ding Long [Đinh Long] tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải cho biết: trong giới chính trị, tỷ lệ người Do Thái trong số các nghị sĩ Quốc hội Mỹ là khoảng 9%, và họ đã xây dựng được một thế lực chính trị quan trọng như nhóm vận động hành lang của Israel. Đồng thời, các cựu tổng thống Mỹ như Trump và Clinton đều kết hôn với người Do Thái. Do chịu ảnh hưởng của con rể Kushner mà Trump lật đổ “Phương án hai nhà nước” [Palestine và Israel] và theo đuổi chính sách đối ngoại thiên vị Israel. Một phân tích của US News and World Report cho thấy kể từ Thế chiến II tới nay, Mỹ đã cung cấp hơn 260 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Israel.
Trần Quảng Mãnh nói với phóng viên Global Times rằng mặc dù cách nói người Do Thái “kiểm soát” nước Mỹ có phần khoa trương nhưng nó không hoàn toàn vô căn cứ. Trong dân chúng có cách nói hình ảnh rằng “Israel là bang thứ 51 của nước Mỹ”. Xét xu thế tổng quát, có thể trên một mức độ nhất định, cộng đồng Do Thái đang thao túng các quyết sách ngoại giao của Mỹ. Đinh Long cho rằng nói như vậy là khuếch đại. Do ảnh hưởng của người Do Thái, nhìn chung các nhiệm kỳ chính phủ Mỹ đều bênh vực Israel, nhưng lại không nhất nhất nghe theo lời khuyên của nhóm vận động hành lang Israel. “Nếu quả thật là người Do Thái nói gì [chính phủ Mỹ] cũng nghe theo thì trong quá khứ Mỹ đã không trở thành người hòa giải vấn đề Palestine-Israel, cũng không ủng hộ Hiệp định Oslo.”
Không thể coi thường sức mạnh của người Do Thái ở Anh, Pháp, Đức
Ngoài Mỹ ra, người Do Thái cũng có tiếng nói khá lớn ở Anh Quốc. Trong một lần trả lời phỏng vấn, khi nói về cuộc xung đột Palestine-Israel hiện nay, lúc nào thì nên bắt đầu đàm phán ngừng bắn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Jenrick phụ trách vấn đề nhập cư đã không ngần ngại nói rằng Anh Quốc không yêu cầu ngừng bắn vào thời điểm này. Ngoài việc nói theo quan điểm của chính phủ, vị Bộ trưởng vốn là nghị sĩ cấp cao của đảng Bảo thủ này, người gần đây mới chuyển từ kinh doanh sang chính trị, thực ra có xuất thân là người Do Thái.
Có hơn 310 nghìn người Do Thái ở Anh Quốc, là quốc gia có dân số Do Thái lớn thứ năm trên thế giới. Nhà sử học Do Thái Taylor từng nói rằng mặc dù người Do Thái chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng dân số Vương quốc Anh nhưng hiện tại họ chiếm 3% số ghế trong Hạ viện của Quốc hội và thậm chí từng được bầu làm Thủ tướng. Whitelaw, người từng giữ chức phó Thủ tướng trong chính phủ của Margaret Thatcher, từng có một “danh ngôn” vẫn còn được nhắc đến trong cộng đồng người Do Thái ở Anh: Trên chính trường Anh Quốc, người Do Thái đến từ Estonia còn nhiều hơn những người tốt nghiệp trường Eton College ở Anh.
Người Do Thái cũng có ảnh hưởng sâu sắc trong giới kinh doanh Anh Quốc. Ngay từ năm 2016, anh em nhà Reuben gốc Do Thái đã được tờ Sunday Times của Anh đánh giá là những người giàu nhất nước này với tài sản ròng hơn 13,1 tỷ bảng Anh, đứng đầu danh sách người giàu Anh Quốc. Theo thống kê năm 2014 của tờ Jewish Chronicle, trong top 100 người giàu nhất nước Anh, người Do Thái chiếm khoảng 20% với tổng tài sản lên tới hơn 67 tỷ bảng Anh.
Cũng không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của người Do Thái ở Đức, có thể thấy điều đó qua tin tức của một số phương tiện truyền thông Đức khi đưa tin về vòng xung đột Palestine-Israel hiện nay. Kể từ sau khi nổ ra xung đột, báo chí Đức hầu như đều chỉ nói về tình cảnh bi thảm của người Israel bị Hamas tấn công, nhưng lại ít nhắc đến thương vong lớn hơn do cuộc phản công của Israel vào Gaza gây nên. Đặc biệt mấy tờ như “Bild”, là các phương tiện truyền thông chủ yếu của Đức, rất ít khi đăng những tấm ảnh về sự đau khổ của người Palestine, nhưng ngày nào cũng công kích các tổ chức Palestine liên quan. Theo số liệu do tờ Times of Israel công bố vào tháng 9 năm nay, có khoảng 125 nghìn người Do Thái sống ở Đức, khiến nước này trở thành quốc gia có số lượng người Do Thái lớn thứ bảy bên ngoài Israel.
“Truyền thông và các chính trị gia Đức chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chính trị Mỹ và tư bản Do Thái”, nhiều nhân vật cấp cao trong giới chính trị và giới truyền thông Đức nói với phóng viên Global Times như vậy. Tập đoàn Axel Springer, một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất của Đức, có quan hệ với tư bản Do Thái. Tập đoàn này sở hữu tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước Đức là tờ “Bild”. Năm 2021, doanh thu của tập đoàn vượt quá 3,39 tỷ Euro. Tờ “Augsburg Allgemeine Zeitung” của Đức đưa tin, Tập đoàn tư bản tư nhân KKR của Mỹ là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Axel Springer. Hơn nữa những người sáng lập KKR, như Henry Kravis và George Roberts, đều xuất thân từ các gia đình Do Thái. KKR tích cực tham gia hoạt động trong lĩnh vực truyền thông Đức. Ngoài cổ phần trong Tập đoàn Axel Springer, KKR còn có cổ phần trong Pro7Sat1, một trong những tập đoàn truyền hình tư nhân lớn nhất nước Đức.
Trong lĩnh vực chính trị, tuần báo Der Spiegel của Đức từng đưa tin dưới tiêu đề “Hai hiệp hội hy vọng sẽ tác động đến chính sách Trung Đông của Đức như thế nào”. Theo đó, Hiệp hội người Do Thái ở Đức và Hiệp hội vì Israel đã thiết lập một mạng lưới chặt chẽ trong Bundestag (Nghị viện Liên bang) của Đức. Năm 2019, họ từng vận động Bundestag thông qua nghị quyết nói không với “Phong trào tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt” chống lại Israel. Năm 2018, Bundestag đã thông qua một tuyên ngôn phê bình chủ nghĩa bài Do Thái. Tờ Der Spiegel cho rằng tuyên ngôn này là công lao của Elio Adler, chủ tịch “Sáng kiến Giá trị Đức”. Tổ chức này được thành lập vào năm 2018 và đại diện cho “lập trường của người Do Thái ở Đức”.
Có khoảng 440 nghìn người Do Thái ở Pháp, quốc gia có số lượng người Do Thái lớn thứ ba sau Israel và Mỹ. Cơ quan cao nhất của Hiệp hội người Do Thái ở Pháp là Hội đồng đại diện các tổ chức Do Thái ở Pháp (CRIF), có nhiệm vụ chính thức đầu tiên là chống chủ nghĩa bài Do Thái. Tại bữa tối thường niên, chủ tịch CRIF đã liệt kê tổng số vụ bài Do Thái được ghi nhận trong năm và cảnh cáo giới tinh hoa chính trị có mặt tại bữa tối ấy, và họ không dám phản bác. Jean-Francois Gou Long, một chuyên gia người Pháp về các vấn đề quốc tế cho rằng với sự suy giảm của chủ nghĩa bài Do Thái và sự ác cảm đối với các chính sách của chính phủ Israel, chương trình nghị sự chính của CRIF là lấy “chủ nghĩa bài Do Thái tồn tại phổ biến” của Pháp làm chiêu bài để trở thành “đại sứ thứ hai” của Israel tại Pháp, nỗ lực giành được sự ủng hộ tuyệt đối của Pháp dành cho Israel. Các tổ chức khác như Cơ quan nhà nước cảnh giác chủ nghĩa bài Do Thái và Liên đoàn sinh viên Do Thái ở Pháp đều mạnh mẽ ủng hộ Israel.
Đối mặt với tranh cãi
Trần Quảng Mãnh cho biết, ngoại trừ một số nước, mức độ ảnh hưởng của người Do Thái đối với một quốc gia thường có quan hệ khá lớn với tỷ lệ người Do Thái trong tổng số dân quốc gia đó. Hiện nay, người Do Thái chủ yếu tập trung ở hai quốc gia là Israel và Mỹ, vì thế ở những quốc gia có ít người Do Thái thì ảnh hưởng của họ bị hạn chế. Đinh Long cho biết: sau khi thành lập nhà nước Israel, người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới được khuyến khích về nước; nhiều người Do Thái từ Iraq, Iran, Maroc và Ethiopia đã di cư đến Israel. Ở các quốc gia nêu trên, người Do Thái vẫn tồn tại như một nhóm thiểu số, địa vị xã hội không cao, cùng với sự di cư đi nước khác, ảnh hưởng của người Do Thái tại địa phương suy yếu dần.
Ảnh hưởng của người Do Thái ở một số nước châu Âu và châu Mỹ cũng khiến họ gặp tranh cãi. Trước đây, một tổ chức phi chính phủ của người Do Thái là “Liên đoàn Chống phỉ báng” từng làm một cuộc khảo sát, kết quả phát hiện thấy 39% người Mỹ được hỏi tin rằng người Do Thái trung thành với Israel hơn trung thành với Mỹ, và 20% cho rằng người Do Thái ở Mỹ “có quá nhiều quyền lực”. Một cuộc điều tra trước đây do cơ quan thăm dò dân ý Ipsos Group ở Pháp thực hiện cho thấy 56% người dân cho rằng “Người Do Thái có quyền lực rất lớn” hoặc “giàu có hơn người Pháp bình thường”, và 41% tin rằng “họ có mặt quá nhiều trên các phương tiện truyền thông”.
Sau ngày nổ ra cuộc xung đột Palestine-Israel hiện nay, tại nhiều nước Âu – Mỹ xuất hiện nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Palestine, khiến người Do Thái phải đối mặt với làn sóng áp lực dư luận mới. Một số đoàn thể Do Thái đã tổ chức các hoạt động phản đối Israel tấn công vào dân thường ở Gaza, đồng thời các vụ việc bài Do Thái ở một số nước Âu – Mỹ đã tăng lên. Ngày 26 tháng 10, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Darmanin khi trả lời phỏng vấn của phóng viên “Báo Tự do Dauphine” có nói rằng kể từ khi bùng nổ vòng xung đột Palestine-Israel cho tới nay, tổng cộng ở Pháp đã xảy ra 719 vụ việc bài Do Thái và 398 người liên quan đã bị bắt.
Theo Nghiên Cứu Quốc Tế