BÌNH LUẬN
Đại-Dương
Các cuộc điều động lực lượng, thúc đẩy biện pháp ngoại giao, tăng tốc hoạt động tâm lý chiến của các quốc gia liên hệ trực tiếp cũng như gián tiếp đến vấn đề Eo biển Đài Loan khiến cho tình hình thế giới nóng lên từng giờ từng phút.
Các bên liên quan trực tiếp: Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn trong khi gián tiếp có Pháp, Anh, Úc, Ấn, Đông Nam Á.
Trung Quốc muốn thống nhất Đài Loan muộn lắm là vào năm 2049 bằng bất cứ phương tiện nào trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số cường quốc quân sự trên thế giới nói “không”.
Ai thắng ai cần xét trên nhiều phương diện quân sự, kinh tế, ngoại giao, chiến lược, chiến thuật.
Về chiến lược, chiến thuật
Bắc Kinh dựa vào yếu tố đã từng cai trị Đài Loan như một tỉnh duyên hải và bám vào Thông cáo Thượng Hải 1972 giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ để xác định chủ quyền. Trái lại, Đài Loan từng dưới sự cai trị của Hoà Lan, Nhật Bản và Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, đồng thời là một trong 5 hội viên của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từ năm 1946-1971. Hiện thời, đa số trong 23 triệu dân Đài Loan muốn thành một quốc gia riêng biệt. Sau năm 1945, Đài Loan và Trung Quốc có hai chính phủ đối chọi nhau đều tự nhận đại diện cho cả Trung Hoa Lục Địa và Đài Loan. Làm sao thống nhất được ý chí của dân chúng hai bên bờ Eo biển Đài Loan vẫn còn rất khó khăn?
Chiến lược dài hạn của Trung Quốc là xây dựng một quốc gia có khả năng thống trị toàn cầu nên áp dụng chiến thuật chia để trị. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đang dồn nỗ lực chia rẽ các cường quốc bằng cách sử dụng sức mạnh kinh tế thành vũ khí hữu hiệu mà không cần đổ máu.
Thu hồi Đài Loan sẽ giúp cho Trung Quốc có được một kho tàng kỹ thuật mà Bắc Kinh rất cần như các loại chip dùng cho cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư. Ngược lại, Hoa Kỳ, Châu Âu, Châu Úc, Ấn Độ không muốn Đài Loan lọt vào tay Trung Quốc vì sợ “hổ thêm vây”.
Tuyên truyền qua các mạng xã hội, mua chuộc báo chí, chính trị gia, giới nghiên cứu, giới học thuật phổ biến chính sách hoà bình và hợp tác tích cực của Trung Quốc trong các dự án “cùng có lợi”.
Vì thế, Hoa Kỳ, Châu Âu, Châu Úc, Ấn Độ, Nhật Bản đã và đang nỗ lực làm thất bại mưu đồ chiến lược, chiến thuật của Trung Quốc.
Về ngoại giao
Từ Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho tới Ngoại trưởng Vương Nghị và các Đại sứ khắp nơi đều hung hăng khi thể hiện “đường lối ngoại giao chiến lang” của Bắc Kinh cũng như khi đả phá chính sách ngoại giao của các quốc gia trên thế giới mà chưa phù hợp với đường lối, chủ trương của Trung Quốc.
Khi Dương Khiết Trì đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tại Alaska hôm 18/03/2021 bằng giọng nói và điệu bộ của một lãnh chúa khiến cho hình ảnh Trung Quốc lu mờ trước mắt thiên hạ.
Nhưng, chính sách ngoại giao kiểu “đại cường” của Bắc Kinh đang gặt hái nhiều quả đắng: (a) Một số báo chí lớn trên thế giới đã chê trách thẳng thừng kiểu trả lời cáo buộc kẻ cả của các nhà ngoại giao quyền thế Trung Quốc. (b) Quyền lực mềm của Bắc Kinh thông qua văn hoá như Viện Khổng Tử và Lớp học Khổng Tử hoạt động tại hơn một trăm quốc gia đã teo lại sau khi bị phát hiện là bộ phận tuyên truyền và gián điệp của Bắc Kinh. (c) Sáng kiến Vành đai và Con Đường (BRI) Bắc Kinh quảng bá rộng rãi, nhưng, nhiều quốc gia rơi vào “bẫy nợ”, giữa tháng 4/2021, Indonesia tuyên bố chấm dứt hợp tác BRI với Bắc Kinh. (d) Đầu tháng 1/2021 Bắc Kinh tuyên bố sản xuất Sinovac vì nhân loại sẽ tính “giá cả phải chăng” đối với các nước kém phát triển. Tập Cận Bình cam kết dành ra 2 tỷ USD cho Lục địa Châu Phi, đồng thời cung cấp cho các nước Mỹ Latinh và Caribe khoản vay 1 tỷ USD để mua vắc xin mà chưa rõ các điều kiện. Một số quốc gia đã mua và sử dụng trong khi nhiều chuyên gia quốc tế nghi ngờ sự hữu hiệu và an toàn do Bắc Kinh không minh bạch các giai đoạn thử nghiệm. Nhiều nước đã sử dụng Sinovac mà Ba Tây (Brazil) và Ba Lan đã tiêm chủng Sinovac, nhưng, đang có số tử vong cao trong khi các quốc gia tiêm chủng AstraZeneca của Anh Quốc, Moderna và Pfizer-BioNTech của Mỹ đã giảm, cũng như đã làm giảm tỉ lệ tử vong toàn cầu từ 3% xuống 2%. (2) Tổ chức Y tế Thế giới với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Ghebreyesus được Tập Cận Bình đưa lên cũng vẫn chưa dám công nhận SARS-CoV-2 không xuất phát từ Vũ Hán như mong đợi từ Bắc Kinh.
Sinovac chưa được tổ chức y tế nào trên thế giới công nhận. Tuy nó có thể vô hại, nhưng, không ngăn ngừa được tác hại của Virus Vũ Hán lên con người nên một số quốc gia đã trả hàng lại cho Bắc Kinh.
Bắc Kinh đe doạ, hối lộ mà không làm cho các quốc gia khác cảm thấy an ninh, đáng tin cậy và đất nước phát triển hài hoà đã phơi bày kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” khiến thế giới phải đề phòng.
Về kinh tế
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ vượt Hoa Kỳ vào năm 2028 vì đã mở cửa sản xuất từ lâu trong khi các quốc gia trên thế giới vẫn đóng kín, lúc mở để đối phó với Virus Vũ Hán và nhiều vụ bất ổn về tranh chấp chính trị, về con đường Xã hội Chủ nghĩa hay Tư bản Chủ nghĩa.
Tổng thống Donald đã sử dụng thuế khoá để kéo các Tập đoàn Mỹ và các nuớc khác chuyển hãng xưởng sản xuất về Hoa Kỳ làm gia tăng nạn thất nghiệp (quả bom nổ chậm) tại Trung Quốc. Đồng thời, do bị cấm cung cấp các loại chip (giữ vai trò quan trọng trong sản xuất) khiến cho Bắc Kinh mất lợi thế độc quyền chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều hãng xưởng của Hoa Kỳ và các nước khác phải trở về Hoa Kỳ hoặc chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.
Tổng thống Joe Biden còn trong tuần trăng mật 100 ngày đã chuẩn bị tăng thuế tài sản lên 43.4%, cao nhất toàn cầu có thể tạo ra các hiệu ứng: (1) Người giàu sợ bị thuế cao sẽ giảm tiền đầu tư. (2) Các hãng xưởng sẽ chuyển ra nước ngoài để tránh thuế mà bãi đáp tốt nhất là Trung Quốc. (3) Giới nghèo dựa vào thành công bước đầu để mở chiến dịch đòi gia tăng tiền trợ cấp khiến xã hội bất ổn. (4) Hoa Kỳ trở lại lệ thuộc vào cuỗi cung ứng của Trung Quốc. (5) Làn sóng nhập cư ồ ạt vẫn tiếp diễn dù cho Phó tổng thống Kamala Harris hứa sẽ viện trợ cho El Salvador, Guatemala và Honduras, đồng thời Hoa Thịnh Đốn dự trù cho phép nhập tịch hơn 11 triệu cư dân bất-hợp-pháp.
Kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden có thể tốn gần 2,000 tỷ USD trong khi vật liêu càn thiết chưa được sản xuất tại Mỹ nên phải dựa vào nguồn cung từ Trung Quốc. Như thế, Bắc Kinh sẽ hốt bạc còn Hoa Kỳ ôm nợ.
Kinh tế Trung Quốc phát triển và hiện đại nhờ Hoa Kỳ và Châu Âu cung ứng công nghệ tiên tiến và vốn đầu tư một cách vô tư nên Hoa Kỳ sẽ trở thành thị trường tiêu thụ tuyệt vời của Bắc Kinh.
Về quân sự
Cuộc chiến không khói súng như kinh tế, ngoại giao, chính trị tuy ồn ào mà chẳng thấy xác chết, tiếng bom đạn đinh tai nhức óc tạo nên nỗi khiếp sợ có thể đứng tim như trên phương tiện quân sự.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Nga không ngừng chạy đua vũ trang để khỏi mất lợi thế tác chiến khi chiến tranh bùng nổ trên Biển Đông Trung Hoa (ECS) và Biển Nam Trung Hoa (SCS).
Cuộc chiến Mỹ-Trung nếu xảy ra chỉ ở trên hai Biển Đông và Nam Trung Hoa nên Lực lượng Hải quân sẽ quyết định thắng bại.
Hải quân Trung Quốc hiện có 360 chiến hạm các loại so với 297 của Hoa Kỳ. Trong bài “Yes, China Has the World’s Largest Navy. That Matters Less Than You Might Think” trên The Diplom phân tích sâu hơn vào khả năng tác chiến thì cho thấy lợi thế nghiêng về phía Hoa Kỳ và đồng minh quân sự (Úc, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân, Thái Lan, Đại Hàn). Ngoài ra, Tân Gia Ba, Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam đã duy trì mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc với Hoa Kỳ trong khi Bắc Kinh chỉ có Bắc Triều Tiên và mới đây thêm Nga.
Hải quân Trung Quốc gồm có hai HKMH, một Tuần dương hạm, 32 Khu trục hạm, 49 Khinh hạm (Khu trục hạm nhỏ), 37 hộ tống hạm, 46 Tiềm thuỷ đỉnh diesel, sáu Tiềm thuỷ đỉnh nguyên tử tấn công, bốn Tiềm thuỷ đỉnh phi tiễn (missile) đạn đạo. Tổng cộng 121 chiến hạm, 56 tiềm thuỷ đỉnh. Từ cuối Thanh Triều, Hải quân Trung Quốc chỉ giao chiến với Nhật Bản ở ngoài cửa Sông Áp Lục (1894) đã bị đại bại. Nhân kỷ niệm 72 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc mà Bắc Kinh không thể trình làng một loại chiến hạm mới có thể do kế hoạch đóng chiếc HKMH thứ ba chưa vượt được rào cản kỹ thuật nguyên tử. Hải quân Nga chưa phải đối thủ của Mỹ trên hai Biển Đông và Nam Trung Hoa nên dù hợp tác với Trung Quốc cũng rất khó khăn trong hải chiến quốc tế.
Hải quân Hoa Kỳ gồm có 11 HKMH, 92 Tuần dương hạm và Khu trục hạm, 59 Chiến hạm nhỏ và Tiếp vận hạm, 50 Tiềm thuỷ đỉnh tấn công, 14 Tiềm thuỷ đỉnh phi tiễn đạn đạo, bốn Tiềm thuỷ đỉnh phi tiễn hành trình. Tổng cộng 162 chiến hạm và 68 tiềm thuỷ đỉnh. Hải Quân Mỹ đã chiến thắng Hải Quân Đức Quốc Xã và Đế quốc Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến. Lực lượng này thường xuyên thao dượt với các đồng minh và đối tác khắp thế giới nên khả năng phối hợp tác chiến được trau dồi đúng mức.
Dù được Hoa Kỳ bảo đảm an ninh, nhưng, Nhật Bản, Đại Hàn và Đài Loan ngày càng tự nâng cấp khả năng hải chiến để có thể phối hợp nhịp nhàng và hữu hiệu với Hoa Kỳ khi cần thiết.
Hiện tại, chưa có quốc gia ở Châu Á nào có đủ sức chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc.
Các quốc gia Đông Nam nằm trong vị thế bị Trung Quốc thống trị dễ dàng hơn các nước khác, nhưng, họ do dự khi phải chọn Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Họ cần suy nghĩ chín chắn trước khi quá trể.
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
China’s Military Has a Hidden Weakness (Diplomat)
Beijing’s Military-Heavy Approach to Taiwan Locks the US and China in a Security Dilemma (Diplomat)
The Domestic Politics of Suga’s China Stance (Diplomat)
EDITORIAL: Japan must not just follow U.S. lead in dealing with China (Asahi Shimbun)
China’s Xi calls for fairer world order as rivalry with U.S. Deepens (Japan Today)