Nguyễn Đình Cống – Hưởng ứng phát biểu của ngài Tô Lâm và góp vài đề nghị

Share this post on:

16/10/2024

1. Giới thiệu: Về đối nội và đối ngoại

Với cương vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, ngài Tô Lâm đã có một vài phát biểu đáng chú ý về kỷ nguyên mới phát triển đất nước. Ông Nguyễn Quang A và một số người khác hy vọng rằng, đó sẽ là kỷ nguyên dân chủ hóa đất nước. Mà cách dân chủ hóa tốt nhất là từ trên xuống theo phương án thượng sách, nghĩa là chuyển dần từ độc tài toàn trị sang dân chủ hóa trong hòa bình, tránh bạo lực, có kế hoạch, có sự tham gia, đóng góp của lãnh đạo cao cấp Đảng cộng sản.

Tuy vậy, cũng còn nhiều người, dựa vào quá khứ của ngài Tô Lâm lúc còn làm lãnh đạo ở Bộ Công an, dưới thời của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tỏ ra nghi ngờ. Tôi cho rằng sự nghi ngờ là đúng, nhưng xin chớ vì nghi ngờ mà vội vàng khẳng định. Nghi ngờ là để xem thử lời nói có đi đôi với việc làm hay không, theo phương châm “Chớ vội tin vào lời nói mà hãy xem kỹ việc làm”. Phải chăng lúc còn ở Bộ Công an, ngài Tô Lâm phải làm theo ý chỉ đạo của cấp trên.

Với cương vị Chủ tich nước, ngài Tô Lâm, trong một thời gian ngắn đã đến nhiều nước, gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, phát biểu nhiều ý kiến rất đáng quan tâm. Những người nghi ngờ cho rằng ngài chủ tịch nói vậy nhưng chưa chắc đã thật lòng mà chỉ là để thực hiện việc đối ngoại mà thôi.

Tôi nghĩ hơi khác. Lãnh đạo một đất nước, ngoài việc đối nội phải chú ý tới đối ngoại, mà đối nội là chủ yếu, đối ngoại phải trên cơ sở phục vụ cho đối nội. Quan trọng của đối ngoại là tạo được niềm tin cậy của các nước bạn. Mà để có được tin cậy thì phải chân thành và trung thực. Với những cơ quan tình báo nhà nghề như của Mỹ và các nước tiên tiến, làm sao mà dối được họ khi nói một đàng làm một nẻo.

Đối ngoại thường phải đặt lùi lại, sau đối nội, hoặc cùng lắm là ngang bằng đối nội, giống như tiền nhân đã tổng kết: Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Chỉ những người vô minh mới đặt đối ngoại cao hơn, quan trọng hơn đối nội. Và nếu làm như thế vì một mưu đồ nào đó không trong sáng thì rất khó tránh khỏi sự sụp đổ tất yếu sẽ xảy ra.

Đối với ngài Tô Lâm, tôi theo phương châm “Kiên nhẫn chờ đợi”, có nghĩa là “Không vội tin vào lời nói mà phải xem kỹ việc làm”. Để làm tốt công việc cải cách đụng chạm đến thói quen và quyền lợi của một số người thì ngoài sự suy nghĩ, cân nhắc thật thấu đáo tình thế và tương quan lực lượng, còn phải lập kế hoạch hành động từng bước để tránh việc “Dục tốc bất đạt”. (Muốn làm nhanh sẽ không đạt).

2. Hưởng ứng lời phát biểu tại đại học Columbia

Tôi đã đọc bài phát biểu của ngài Tô Lâm ngày 23 tháng 9 tại trường đại học Columbia do báo Tuổi Trẻ cung cấp. Xin trích (nguyên văn hoặc tóm tắt) vài đoạn. (Khi độc giả đã đọc bài này rồi thì có thể bỏ qua gần như toàn bộ mục 2).

2.1- Mục 1- Về con đường của Việt Nam (tóm tắt)

ngài Tô Lâm viết: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”.

2.2- Quan hệ Việt – Mỹ (cho qua)

2.3- Tầm nhìn cho kỷ nguyên mới: Vì nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại” có các mục sau: (Bạn đọc nào đã xem bài phát biểu của ngài Tô Lâm có thể bỏ qua toàn bộ mục 2.3 này mà xem tiếp mục 2.4).

Một là, khẳng định và đề cao vai trò của tinh thần hàn gắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau (tóm tắt): Quan hệ hai nước có được ngày hôm nay là bởi Việt Nam và Mỹ đã không ngừng thúc đẩy quá trình hàn gắn, hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau. Trong đó, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau là quan trọng nhất. Với truyền thống nhân văn, hòa hiếu, khoan dung của dân tộc Việt Nam, chúng tôi đã rất chủ động trong các bước đi hàn gắn vết thương chiến tranh.

Hai là, coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại (nguyên văn): “Nhìn nhận một cách thẳng thắn, dẫu chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ, Việt Nam và Mỹ vẫn còn một số khác biệt quan điểm nhất định về vấn đề quyền con người trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo… Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã chọn đối thoại thay cho đối đầu. Không những vậy chúng ta còn đối thoại trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng”.

Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nếu các quốc gia đang có xung đột, tranh chấp thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế thì mọi vấn đề dù phức tạp đến mấy cũng sẽ có hướng giải quyết. Đối thoại cần trở thành cách hành xử phổ biến, là công cụ hữu ích và quan trọng hàng đầu cho nền văn minh của chúng ta”.

Ba là, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với cộng đồng quốc tế (tóm tắt): Vượt lên trên khuôn khổ song phương, hợp tác Việt Nam – Mỹ đã dần mang tầm khu vực và toàn cầu, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc…, qua đó đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới”.

Bốn là, luôn đặt Nhân dân ở vị trí trung tâm (toàn văn): “Quan hệ Việt Nam – Mỹ có được thành tựu hôm nay là bởi hai bên đều hành động theo lợi ích của người dân, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.

Trong xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam tiếp tục nêu cao lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo lập quốc của Mỹ cùng chia sẻ là xây dựng Nhà nước ‘của dân, do dân, vì dân’. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đạt được sau gần 100 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có gần 40 năm Đổi mới cũng bởi Đảng luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm kim chỉ nam và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành vô hạn với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử. Đó là tư tưởng văn minh, là giá trị phổ quát chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta thấy ASEAN và Liên Hiệp Quốc đều có tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm”.

Năm là, đoàn kết và hướng về tương lai (toàn văn)“Trong bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, nhân loại cần có tầm nhìn xa và sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Không một quốc gia đơn lẻ nào, dù mạnh đến đâu, có thể một mình xử lý những vấn đề chung của thời đại. Đó là cách tiếp cận và định hướng mà Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc đã nêu rõ.

Phương châm của Việt Nam là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Chúng tôi không quên quá khứ, nhưng không để quá khứ trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của hiện tại và tương lai. Điều này vừa kết tinh từ truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, vừa phản ánh lối ứng xử đã trở thành bản sắc trong đường lối đối ngoại của chúng tôi. Tôi tin tưởng rằng với cách tiếp cận đề cao đoàn kết quốc tế, hướng về tương lai, cũng như câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam – Mỹ, thế giới sẽ biến những điều không thể thành có thể, tiếp tục dựng xây một nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại”.

2.4- Phân tích nội dung mục 2.1 và 2.3

2.4.1-Về câu trong mục 2. I, đó là câu mà tôi cho là rất quan trọng, xin chép lại: “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”. Vậy trước hết xin chỉ ra xu thế chung của thế giới sau khi Liên xô và các nước Đông Âu tự sụp đổ trong khi đang xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa là xu thế nào? Có phải là xu thế XHCN hay không? Kỷ nguyên mới của Việt Nam có phải là tiếp tục xây dựng XHCN mà ngay cả cố TBT Nguyễn Phú Trọng cũng không biết đến bao giờ mới thấy được. Ông Trọng đã không thể thấy. Đến đời cháu chắt của ông chắc cũng không thấy được.

Cứ tạm tin là Mác nói đúng thì CNXH chỉ có thể xuất hiện khi Chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến mức cao nhất. Cho rằng có thể xây dựng CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản phải chăng là một sai lầm quá lớn của Lê nin.

2.4.2- Phân tich nội dung mục 2.3: Vì nền văn minh vững bền, tiến bộ cho toàn nhân loại”, có các nội dung sau:

Một là, hãy xem xét sự tôn trọng lẫn nhau. Quan trọng và có giá trị nhất là tôn trọng sự bất đồng. Tôn trọng trong đối ngoại chủ yếu xảy ra khi hai nước có chế độ chính trị khác nhau, Việt Nam theo cộng sản còn Mỹ không hề che giấu việc chống cộng. Họ chống cộng nhưng vẫn tôn trọng người tự chọn cho mình chủ nghĩa cộng sản để tôn thờ. Họ tôn trọng bạn hoàn toàn không có nghĩa họ công nhận bạn đúng hoặc tốt. Thí dụ, cạnh nhà bạn có người bị bệnh AIDS. Trước đây bạn xa lánh vì sợ bị lây nhiễm, nay thấy không phải thế nên bạn đi lại, chơi với họ, tôn trọng và giúp đỡ họ. Như vậy không có nghĩa bạn cho rằng họ là người tốt.

Về đối nội, sự tôn trọng chủ yếu xảy ra giữa những người có chính kiến, có tôn giáo khác nhau. Từ trước đến nay Đảng Cộng sản VN chủ trương độc quyền tư tưởng và chân lý, không chấp nhận và thẳng tay triệt hạ mọi bất đồng. Phải chăng từ bây giờ, trong kỷ nguyên mới, ngài Tô Lâm đã nhận ra, cần tôn trọng sự khác biệt vốn là bản chất của Tự nhiên, của Nhân loại, của Vũ trụ, mà chấp nhận phản biện của những người vốn yêu nước thương dân nhưng theo cách khác, có vài suy nghĩ khác.

Hai là, coi trọng và thúc đẩy văn hóa đối thoại. Việc này, từ năm 2018 ông trưởng ban tuyên giáo của Đảng đã đề ra, rất được hưởng ứng, nhưng chỉ nói mà không làm. Bây giờ, với kỷ nguyên mới, phải chăng ngài Tổng bí thư thấy rõ việc này là quan trọng cho đối ngoại. Thế còn đối nội, liệu nó có được xem là cần thiết hay không. Anh em, cha con trong một nhà không thể đối thoại, không chịu đối thoại với nhau mà lại đề cao việc đối thoại với láng giềng, thì làm sao người ta có thể chấp nhận, làm sao có thể làm cho người ta tin được.

Ba là, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Trách nhiệm này là cần, nhưng cần hơn là trách nhiệm với cộng đồng trong nước. Trách nhiệm này có hai phần chính, về đời sống vật chất và đời sống tinh thần.

Trong thời gian qua, Đảng có chăm lo đến đời sông vật chất, còn về đời sống tinh thần, mà quan trọng nhất là sự tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội sẽ được xem xét như thế nào. Liệu trong kỷ nguyên mới, lãnh đạo của Đảng sẽ có trách nhiệm gì.

Bốn là, luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm với việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Có lẽ đây là điều mà ngài Tô Lâm đặc biệt quan tâm. Đã từ lâu Đảng vẫn thường nói và viết như vậy. Nhưng nói chỉ để mà nói. Thực chất thì Đảng đã cướp quyền của dân. Phải chăng trong kỷ nguyên mới ngài Tô Lâm sẽ tìm cách trả quyền lại cho dân một cách dần dần, bằng con đường hòa bình dân chủ hóa đất nước, bằng cách để cho dân có được cuộc bầu cử Quộc hội thật sự dân chủ.

Năm là đoàn kết, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Quá khứ thuộc lịch sử. Vậy có nhất thiết phải gác lại toàn bộ lịch sử không. Tôi cho là không. Chỉ nên và cần gác lại quá khứ sai lầm, tạo ra đau khổ và thù hận. Nói gác lại quá khứ là cách nói vắn tắt. Đối ngoại cần gác lại quá khứ về chiến tranh, về hận thù giữa hai nước. Còn đối nội cần gác lại những sai lầm. Trong quá khứ đảng Cộng sản tuy đã có một số thành tích, nhưng cũng đã phạm phai một số sai lầm. Những sai lầm đã rõ ràng như sự tàn bạo trong cải cách ruộng đất, sự giáo điều trong hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp, sự cấm đoán phát triển kinh tế tư nhân v.v…

Bây giờ, trong kỷ nguyên mới, liệu có cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra thêm một số sai lầm cơ bản về đường lối, về phương pháp làm cách mạng vô sản hay không. Quan trọng nhất là đường lối, là chủ thuyết. Liệu đường lối và chủ thuyết mà Đảng đã chọn để lãnh đạo dân tộc đã thật sự hòa nhập với sự phát triển của xã hội văn minh hay chưa, đã là tối ưu cho dân tộc hay chưa. Ngài Tổng bí thư nhấn mạnh đến “kết tinh truyền thống nhân văn của dân tộc VN”. Phải chăng sự kết tinh đó thể hiện bởi câu “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” như đã được viết trong Bình Ngô đại cáo. Vậy làm sao để được yên dân thì phải suy nghĩ nghiêm túc.

3. Vài lời đề nghị

Gần đây, tôi đã viết và công bố bài “Góp ý với lãnh đạo đảng CSVN về việc chuẩn bị Đại hội đảng 14”. Dưới đây xin nhắc lại các ý kiến chính và có mở rộng.

3.1- Cần củng cố lòng tin

Lòng tin của dân là rất quan trọng. Mất lòng tin là mất tất cả. Điều mà lãnh đạo Đảng lo lắng là để mất sự lãnh đạo toàn diện nên chưa mặn mà với dân chủ hóa. Nhưng theo như nghiên cứu của ông Nguyễn Quang A và thực tế đã xảy ra ở một số nước như Mông Cổ, Ba Lan, Hungary, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore thì dân chủ hóa vẫn có thể bảo đảm cho sự cầm quyền của một đảng khi đảng đó chiếm được lòng tin của dân.

Một số nước do đảng Cộng sản lãnh đạo trước đây, sau khi dân chủ hóa đã có vài đảng viên được bầu làm tổng thống và nhiều đảng viên được bầu vào Quộc hội, đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền từng thời gian. Còn ở Singapore đảng Hành động nhân dân vẫn liên tục cầm quyền từ khi lập quốc, năm 1960 đến giở.

Hiện nay lòng tin của dân vào Đảng rất thấp, đó là một thực tế mà Đảng không muốn chút nào. Những biện pháp mà tuyên giáo cố sức thực hiện đã tỏ ra không có hiệu quả. Để củng cố lòng tin của dân các nhà lý luận của Đảng thừa biết cách làm, chỉ là họ không muốn làm một cách đường hoàng mà chỉ thích dùng thủ đoạn.

3.2- Nhìn thẳng vào sự thật

Thứ hai, xin ngài Tổng bí thư và toàn Ban Chấp hành trung ương cũng như toàn bộ đảng viên nhìn thẳng vào sự thật, chỉ nói sự thật và phải có hành động đi kèm và đúng như lời nói. Đại hội 6 có được đổi mới để cứu dân tộc thoát khỏi bế tắc chính là nhờ đã dám mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật.

Nhưng nói thì dễ, làm được lại khó. Khó nhất là bị vướng vào thói quen “Sức ỳ tâm lý”. Toàn đảng, toàn dân đã nghe rất quen tai rằng Đảng luôn sảng suốt, rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân giành hết thắng lợi vĩ đại này đến thẳng lợi vĩ đại khác. Bây giờ nói hơi khác đi, nhiều người không chịu được. Họ không hiểu rằng nghe lời khen thì sướng lỗ tai nhưng không có ích gì, nghe được lời chê đúng mới thực sự có ích.

Tôi đã xem tương đối kỹ nhiều báo cáo chính trị trong những đại hội Đảng gần đây và nhận ra rằng phần tình hình của báo cáo chỉ mới trình bày một phần sự thật. Mà một phần bánh mì vẫn là bánh mì, còn một phần sự thật nhiều khi là dối trá. Tuy vậy khi người ta cố tình chỉ trình bày một phần sự thật nhằm một mục đích nào đó thì có thể chắc chắn đó là dối trá.

Để tự nhìn ra sự thật có thể khó, phải tiến hành nghiên cứu khách quan, nhưng để biết được sự thật lại tương đối dễ vì có nhận xét rằng không gì dễ hơn là nói và nghe sự thật. Vấn đề quan trọng là lãnh đạo có muốn nghe hay không mà thôi. Nếu muốn nghe chỉ cần cho thực thi quyền của người dân đã viết rõ trong Hiến pháp. Đó là quyền tự do ngôn luận và tổ chức những buổi đối thoại với một số trí thức phản biện.

3.3- Phải thấy rõ tình hình đã thay đổi cơ bản

Đảng Cộng sản được lập ra là một đảng cách mạng mà nhiệm vụ, mục đích chủ yếu trước mắt là giành chính quyền. Việc đó đã thực hiện xong. Bây giờ đảng trở thành đảng cầm quyền để lãnh đạo việc xây dựng đất nước. Nhiệm vụ đã thay đổi thì đảng phải tự thay đổi theo để phù hợp với nhiệm vụ mới, nghĩa là phải thay đổi chính cương, điều lệ, tố chức và phương pháp công tác.

Được biết trong kỳ họp lần thứ mười 13 của BCHTW nhiệm kỳ 13, ngài Tổng bí thư có đưa dự kiến đổi mới điều lệ nhưng không được thông qua. Đó chỉ là sự chưa thành công chứ chưa phải thất bại như một số người đánh giá. Vì còn có đại hội. Tổng bí thư có thể đưa việc sửa đổi điều lệ ra đại hội. Khi được chấp nhận thì tổ chức soạn thảo và thông qua ở một đại hội bất thường sau đó. Nếu chuẩn bị kịp thì có thể tổ chức một nhóm nghiên cứu chuyên đề và có thể thông qua những văn khiện cần thiết ở ngay đại hội 14.

Hiện nay đảng cộng sản VN chủ yếu là một đảng cầm quyền. Nguyên là một đảng cách mạng phản đế nên Đảng còn có ít kinh nghiệm trong cầm quyền. Đảng rất nên tìm cách tham khảo, rút kinh nghiệm của đảng cầm quyền thành công nhất thế giới là đảng Hành động nhân dân của Singapore.

3.4- Phải tránh được vô minh

Vô minh là sự đánh giá sai sự thật, nhầm lẫn về bản chất. Hiện nay ở VN có một nhận thức vô minh nhưng được lan truyền rộng rãi và bám rễ chắc chắn vào rất nhiều người, ở mọi trình độ. Đó là sự nhầm lẫn giữa mục đích cơ bản và phương tiện để đạt mục đích đó. Mục đích cơ bản phải được xác định thật chính xác và phải kiên trì thực hiện cho bằng được. Phương tiện, nhiều khi cũng đóng vai trò mục đích, nhưng chỉ là mục đích tạm thời vì có đạt được nó mới có điều kiện thuận lợi phấn đấu cho mục đích cơ bản, nhưng trong lâu dài thì nó chỉ là phương tiện.

Phương tiện có thể thay đổi, không nhất thiết phải kiên trì. Người ta, thường sử dụng quen một phương tiện nào đó. Khi xuất hiện một phương tiện mới, có hiệu quả cao hơn thì người khôn ngoan biết dùng nó để thay thế phương tiện cũ, hoặc khi có đồng thời nhiều phương tiện khác nhau thì chọn phương tiện có hiệu quả cao nhất.

Mục đích cơ bản của Đảng gồm trong ba cụm từ: Xã hội Hòa bình, Dân quyền Tự do. Dân sinh Hạnh phúc. Ngoài ra thì tất cả những thứ còn lại như độc lập, thống nhất, giàu mạnh, chủ nghĩa xã hội, chủ thuyết Mác Lê, kinh tế tư nhân hay tập thể, độc tài toàn trị hay dân chủ đa nguyên, giáo dục nhồi sọ hay khai phóng, đạo Thiên chúa, đạo Phật hay đạo Hồi, thi đua yêu nước hay cạnh tranh v.v… Tất cả về lâu dài chỉ là phương tiện. Chọn được một phương tiện (thí dụ thi đua, mô hình XHCN), đã theo một thời gian, hơi quen rồi quyết tâm kiên trì chúng mà không chịu đổi mới khi biết nhiều người đã từ bỏ nó là rất vô minh, rất bảo thủ, có tác dụng xấu, kìm hãm xã hội.

3.5- Lời cuối

Những điều trên đây được trình bày với hy vọng ngài Tổng bí thư thực tâm muốn cải cách về chính trị, mà trước hết là dân chủ hóa đất nước. Còn nếu như ngài chỉ là một người mà việc làm không đi đôi với lời nói như một số người nghi ngờ thì rồi sự sụp đổ của Đảng trong tủi nhục sẽ không tránh khỏi khi mà lực lượng vũ trang của Đảng phân hóa, có một số đứng về phìa nhân dân và số đông không chịu tuân lệnh của Đảng để bắn vào những người tay không, trong đó có cha mẹ, anh em bạn bè, đồng bào của họ, giống như những gì đã xảy ra ở nước Rumani trước đây.

Nhưng khi ngài Tô Lâm thực tâm muốn cải cách chính trị để xây dựng một đảng vững mạnh và “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”, thì những điều trên đây cũng chỉ mới là một vài điều kiện cần. Để thực thi được, còn phải có thêm điều kiện đủ, là sự ủng hộ của đại đa số đại biểu dự đại hội 14.

Làm sao để có được sự ủng hộ này thì chắc ngài Tổng bí thư biết rõ. Chỉ e ngại, lỡ ra ngài không nhận được sự ủng hộ ấy. Lúc này đành phải chọn giải pháp tình thế, theo cách Lê-nin đã dùng để thành lập đảng Bôn-sê-vich ở đại hội lần hai, năm 1903 của đảng Lao động dân chủ xã hội Nga. Đảng Bôn-sê-vich sau đổi tên thành đảng Cộng sản Nga.

https://baotiengdan.com/2024/10/16/huong-ung-phat-bieu-cua-ngai-to-lam-va-gop-vai-de-nghi