ĐCSVN đừng theo con đường thất bại của đảng UMNO Malaysia
24/10/2024
Toàn cảnh trung tâm thành phố Kuala Lumpur vào ban đêm
“… Bài học cho đảng UMNO thật cay đắng! Lẽ ra UMNO đã có thể chủ động dân chủ hóa cuối các năm 1990 và tự diễn biến thành một đảng dân chủ, như Quốc dân Đảng ở Đài Loan hay Golkar ở Indonesia, thừa nhận dân chủ mà không thừa nhận thất bại; nhưng UMNO đã tránh dân chủ hóa và thừa nhận thất bại mà không thừa nhận dân chủ. Cái giá khổng lồ thì nhân dân Malaysia phải chịu…”
Malaysia đã là thuộc địa của Anh, và như tất cả các cựu thuộc địa Anh khác, Malaysia đã quen với các cuộc bầu cử đa đảng cạnh tranh dù chưa công bằng. Malaysia là một nước xuất khẩu thiếc và cao su lớn và giàu nhất khu vực trước 1965 tương đương như Singapore, cao hơn của Việt Nam lúc đó hơn 2 lần, gần bằng Đài Loan, thậm chí lớn hơn của Hàn Quốc khi đó (MYS-2.876; KOR-1.917; THA-2.085; TWN-2.885; VNM-1.398, tính bằng $ 2011 ngang sức mua [3]). Đảng UMNO (United Malay National Organization-Tổ chức Dân tộc Malay Thống Nhất) và liên minh BN (Barisan Nasional-Mặt trận Quốc gia) do nó lãnh đạo đã nắm quyền suốt từ 1973 đến 2018. Chính sách kinh tế chuyển từ dựa vào xuất khẩu tài nguyên sang công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu rồi định hướng xuất khẩu mang lại sự tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục.
Năm 1981 khi Mahathir Mohamad lên nắm quyền làm thủ tướng ông đã có chính sách kinh tế thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nữa nhờ tận dụng đầu tư nước ngoài (FDI). Đầu những năm 1990 GDP/đầu người (ngang sức mua tính bằng $ 2011) đạt cỡ 10.000$ (tương đương với mức của Việt Nam hiện nay 2024). Đó là thời điểm chế độ độc đoán Malaysia lên đỉnh điểm (điểm B trên hình sức mạnh chế độ độc đoán).
Rồi khủng hoảng tài chính Á châu giáng xuống Malaysia 1997. Bản thân nhà nước không bị đòn nặng nhưng các khoản nợ bằng dollar của các doanh nghiệp tư nhân là nguyên nhân chính gây ra khó khăn kinh tế ở Malaysia. Suốt một năm khủng hoảng kinh tế, chính phủ vẫn vững vàng do theo đuổi các chính sách đối phó của phó thủ tướng Anwar. Đã có mâu thuẫn về cách đối phó với khủng hoảng giữa Thủ tướng Mahathir và phó và người được chỉ định kế vị của ông, Anwar Ibrahim. Giả như lúc đó, giống ở Indonesia láng giềng, Mahathir từ chức và trao quyền cho Anwar, thì lẽ ra giống như phó tổng thống Indonesia B. J. Habibie, Anwar đã có thể xúc tiến dân chủ hóa từ sức mạnh ở Malaysia. Đáng tiếc Mahathir không chọn thế, ông đã khăng khăng rằng chẳng hề có vấn đề gì với chính sách kinh tế của UMNO-BN cả, đổ lỗi cho bọn đầu cơ tiền tệ Do Thái muốn đánh gục Malaysia Muslim của ông. Không những thế ông cách mọi chức vụ của Anwar trong đảng và chính phủ ngày 2 tháng Chín 1998, rồi bỏ tù Anwar với cáo buộc tham nhũng và có hành vi tình dục sai trái ngày 20-9-1998. Chính việc bắt Anwar đã chia rẽ đảng UMNO, khiến cho sức mạnh chế độ dịch chuyển nhanh khỏi đỉnh điểm, từ điểm B hướng tới điểm C trên hình. Cuối 1998, các cuộc biểu tình dân chủ hóa to lớn đã nổ ra, dưới hình thức phong trào reformasi mà đòi hỏi chính của nó là mang lại công lý cho Anwar. Đảng đối lập Keadilan (Công lý) ra đời trong thời gian Anwar bị tù từ 1999 đến 2004.
“Vì thế, sự chia rẽ đảng [UMNO] công khai đã đi trước và theo nhiều cách đã đóng góp cho các tín hiệu báo điềm xấu mạnh và rõ nhất về sự suy sụp chế độ. Không giống ở Đài Loan và Hàn Quốc, các cuộc biểu tình dân chúng tăng lên đã khiến các cải cách dân chủ thành một vấn đề cân nhắc cấp bách được một chế độ độc đoán mới bị phân mảnh đối đầu.” [1. Chương 8]. Mâu thuẫn giữa hai lãnh tụ UMNO không phải là không hòa giải hay sửa chữa đươc. Lẽ ra UMNO nên thống nhất lại để dân chủ hóa, vì dù bị thất sủng Anwar vẫn muốn quay lại UMNO, nhưng đảng đã chối bỏ.
Thay cho việc tận dụng cửa sổ cơ hội để dân chủ hóa từ sức mạnh chế độ, UMNO đã chọn đàn áp; thay cho việc chế độ độc đoán Malaysia biến thành chế độ dân chủ với sự tự tin chiến thắng và sự tự tin ổn định thì chế độ đã rơi vào chế độ độc đoán cay đắng [1] và cả sự tự tin chiến thắng và sự tự tin ổn định của UMNO bị sứt mẻ nặng. UMNO lại dùng cách đàn áp để đối phó với đảng Công lý và các đảng đối lập khác. Nền kinh tế tăng chậm trong thập niên tiếp (1997: 13.345$/đầu người 2006 chỉ lên 16.354$/đầu người).
Năm 2003 Mahathir rời chính trường ở tuổi 78 và những người thay thế ông (Abdullah Badawi 2003-2009 rồi Najib Abdul Razak 2009-2018) đều là các lãnh đạo UMNO bất tài thậm chí tham nhũng (Abdul Razak dính líu đến vụ bê bối quỹ 1MDP bị thất thoát 4,5 tỷ $ với khỏng 1 tỷ $ được gửi vào các tài khoản của Razak).
Thấy vậy và tức Najib vì đã bỏ con trai mình khỏi các chức vụ lãnh đạo UMNO, Mahathir quay lại chính trường, nhưng lần này như ứng viên thủ tướng của Pakatan Rakyat đối lập. Mahathir đã đào ngũ thực sự, trong khi Anwar vẫn tiếp tục tiều tụy trong nhà tù lần thứ hai vì Najib vẫn dùng chính sách đàn áp chống lại Anwar và lại tống ông vào tù với những cáo buộc cũ trong năm 2015.
Pakatan Rakyat đã đánh bại UMNO-BN lần đầu tiên trong lịch sử, không phải vì tài ba của Mahathir mà vì nhân dân đã chán ghét UMNO đến tận cổ. Mahathir lại làm thủ tướng và hứa đãi bôi sẽ bàn giao cho Anwar, nhưng không biết bao giờ. Thay vì chọn thượng sách trong cửa sổ cơ hội, UMNO đã để tuột mất cơ hội, rơi vào 2 thập kỷ chế độ độc đoán cay đắng, và bị đánh bại trong hạ sách.
Rồi Anwar được ân xá và ra khỏi nhà tù tháng Năm 2018 và lãnh đạo đối lập đến bầu cử 2022, liên minh của ông thắng và Awar nhậm chức thủ tướng Malaysia ngày 22-11-2022 và hiện vẫn là thủ tướng Malaysia.
Mahathir Mohamad, sinh năm 1925, từng giữ chức Thủ tướng thứ tư và thứ bảy của Malaysia.
Anwar Ibrahim, sinh năm 1947, Thủ tướng thứ 10 và đương nhiệm của Malaysia kể từ năm 2022.
Tóm lại do tránh dân chủ hóa, UMNO đã thất bại thảm hại và đã bỏ lỡ cơ hội dân chủ hóa Malaysia từ sức mạnh. Nói như thế không có nghĩa là dân chủ hóa ở Malaysia đã hết hy vọng, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều và triển vọng vượt qua bẫy thu nhập trung bình cũng chẳng cao dù Malaysia là nước có thu nhập trung bình cao (xuất phát từ mức tương tự như Đài Loan, cao hơn Hàn Quốc trong 1965, đến 2022 GDP/đầu người của Malaysia đạt mức trung bình cao 26.629$ còn Hàn Quốc 41.321$ và Đài Loan 53.143$; Việt Nam 8.080$ [3]). Cái giá mà nhân dân Malaysia phải trả là khá cao, còn Việt Nam đã phải trả về mặt kinh tế thì khủng khiếp.
Bài học cho đảng UMNO thật cay đắng! Lẽ ra UMNO đã có thể chủ động dân chủ hóa cuối các năm 1990 và tự diễn biến thành một đảng dân chủ, như Quốc dân Đảng ở Đài Loan hay Golkar ở Indonesia, thừa nhận dân chủ mà không thừa nhận thất bại; nhưng UMNO đã tránh dân chủ hóa và thừa nhận thất bại mà không thừa nhận dân chủ. Cái giá khổng lồ thì nhân dân Malaysia phải chịu.
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang trong cửa sổ cơ hội để chủ động dân chủ hóa [1], [2]. Bài học thất bại của UMNO phải là sự cảnh báo nghiêm khắc cho ĐCSVN, và nếu họ nói tất cả vì nhân dân, thì cách tốt nhất là chủ động dân chủ hóa từ sức mạnh, và vẫn giữ được vai trò quan trọng trong một Việt Nam dân chủ để tránh cho nhân dân Việt Nam dù đã phải trả một cái giá khủng khiếp, lại sẽ phải tiếp tục trả một cái giá khổng lồ như nhân dân Malaysia phải chịu, do sự ngoan cố tránh dân chủ hóa của UMNO.
Nguyễn Quang A
Tài liệu tham khảo
[1] Dan Slater and Joseph Wong, From Development to Democracy, transformations of modern Asia, Princeton University Press, 2022.
[2] Nguyễn Quang A, các clip trước có tiêu đề “Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ” cũng như các bài viết liên quan.
[3] The Maddison Project Database 2023