Nhìn lại 30/4/1975: Thăm lại hình ảnh một thời bao cấp – BBC News

Share this post on:

01 Tháng 7 2006 (BBC)

Triển lãm nhận sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, Quỹ SIDA – Thụy Điển, Quỹ Ford và Dự án Tổng kết 20 năm Đổi mới do Viện Khoa học Xã hội VN chủ trì.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khai mạc triển lãm “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp 1975-1986”, với nhiều hình ảnh, hiện vật gốc về cuộc sống thời bao cấp ở Việt Nam.

Tại triển lãm, có các phần trưng bày về Cơ chế phân phối (hệ thống tem phiếu, cửa hàng lương thực, quầy hàng Tết), Quản lý xã hội và văn hóa , Không gian của một gia đình – một căn hộ tập thể…

Nhắc đến thời bao cấp là nhắc đến một thời kì rất nhiều khó khăn xuất phát từ tư duy chậm đổi mới tại Việt Nam.

Mặc dù chỉ mới 20 năm kể từ giai đoạn đổi mới bắt đầu, nhưng với nhiều học sinh trẻ hiện nay ở Việt Nam, cụm từ ‘thời bao cấp’ lại có thể chỉ gợi nên sự tò mò.

Xuất phát từ thực tế này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã hình thành ý tưởng và cùng phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức trưng bày các hiện vật, hình ảnh.

Ông Lưu Hùng, phó giám đốc bảo tàng Dân tộc, nói với BBC đây là một trong những lý do dẫn đến cuộc triển lãm:

Lưu Hùng: Việt Nam so với 20 năm đã thay đổi rất nhiều. Giai đoạn thời bao cấp 1975-1986, cộng với dư âm đến khoảng 1990, rất đáng ghi nhớ. Từ thời kì vô cùng khó khăn đó, đến các thành tựu kinh tế, văn hóa bây giờ thì càng thấy giá trị của những đổi mới ở Việt Nam.

Đặc biệt, lớp trẻ ra đời sau 1975 hầu như biết rất ít về thời kì gian khó của cha anh họ. Cuộc trưng bày này rất có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ để tìm hiểu một thời kì chưa xa nhưng rất có ý nghĩa trong lịch sử.

BBC:Đã sống qua thời bao cấp, khi ông nhìn lại các hiện vật, cảm giác của ông là thế nào?

Tôi nghĩ tại sao một thời kì khó khăn như thế, mà khi ấy chúng tôi vẫn sống, làm việc, phát triển được.

Tôi học nghiên cứu sinh tiến sĩ trong thời kì ấy. Khó khăn vô vàn nhưng chúng tôi vượt qua được hết. Bây giờ nhìn lại các hiện vật ngày xưa rất thân thiết, chúng tôi thấy cuộc sống hiện nay là rất quý giá.

BBC:Hiện vật nào trong cuộc trưng bày gần gũi với ông nhất, thưa ông?

Có thể nói là tất cả. Tôi đã từng đi xếp hàng mua gạo, mua thịt, xếp hàng mua túi hàng Tết khi Tết đến. Khi bút bi hết mực thì phải đi bơm. Những điều như thế vẫn còn rất mới đối với thế hệ của tôi.

BBC:Nếu tìm lý do vì sao người Việt Nam qua được thời kì ấy, thì theo ông, là nhờ đâu?

Tôi thấy người Việt Nam rất giỏi để thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn. Biết cách ứng xử, giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Tạm gọi là có một sở trường tìm ra lối thoát cho mình khi bị dồn đẩy vào tình thế khó khăn – trong chiến tranh cũng như trong thời bình.

Quý vị có những kỷ niệm gì về thời kì bao cấp ở Việt Nam, hãy chia sẻ với độc giả của BBC bằng cách gửi thư qua hộp tiện ích bên tay phải.

——————————————————–

Lưu Thu Hà
Thời bao cấp cũng là thời nhiều căn hộ bị bỏ hoang vì chủ nhân bị đuổi đi kinh tế mới, phải lén lút đi vượt biên, rồi sau đó trở thành trụ sở công an khu vực, với những anh công an áo vàng, ăn no, ca hát, chùi súng tối ngày, và thường lê la các nhà bà con trong khu vực, rao giảng về thiên đường với phần đông các chị em phụ nữ. Cũng có căn hộ trở thành quầy hàng nhu yếu phẩm, với mấy tủ hàng mẫu trống trải, với một thúng gạo trắng đầy ắp trên quầy nhưng cũng chỉ…làm mẫu;mấy anh chị nhân viên lúc nào cũng như lim dim ngủ, họ chỉ bận ngày có xe hàng về, khoai, sắn đổ ngổn ngang xuống nền nhà, hoặc các xọt rau, thùng cá khiêng vào làm nhớp nhúa cửa hàng, và nhất là lúc bà con ồn ào,tấp nập đến xếp hàng trình sổ. Dân tình ngao ngán, nếu như thế mãi thì cả nước sẽ có khác gì xa xuống hố, những khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”, “Khó khăn khắc phục” càng nghe càng đuối sức, tìm đâu ra thứ lao động “vinh quang” ngoài những ngày “ăn cơm nhà vác ngà voi” ở trên các công trường thủy lợi, đào kinh chỗ này làm cạn nước chỗ kia của những nghiên cứu gia…dư thiện chí mà thiếu khả năng.

Một ông sinh viên có thể khắc phục thiếu thốn để trở thành cử nhân, tiến sĩ; nhưng một cô thợ may không đủ chỉ, vải làm sao may được áo, quần ? Một chú thợ hàn mà không có điện, có khí đá, có sắt, có đũa hàn thì làm sao làm xong công việc? Bác tài xế không có xăng chạy xe thì làm sao giúp được bà bán rau, ông bán nông phẩm vận chuyển hàng ? Khắc phục là phấn đấu chứ đâu phải như phần! đông chấp nhận đói thì phải giỏi nhịn,lạnh thì phải giỏi vá víu,rồi cứ mơ tưởng, chờ đợi vào những lời hứa hẹn của những lãnh tụ thiên tài. Cũng may là phần đông dân Việt mình rất cần cù tháo vát, không cần thánh Gandi dẫn dắt họ cũng tự biết đấu tranh không bạo động, trong suốt thời kỳ bao cấp, song hành với nền kinh tế chỉ huy quốc doanh , người dân vẫn âm thầm giữ truyền thống phát triển một nền kinh tế thị trường “chui”.

Nhờ kiến thức và biết xử dụng đủ mọi thứ rác thải của chiến tranh, rác thải của đời sống, họ đã tái chế được nhôm, được sắt, được thuỷ tinh, được nhựa dẻo, được giấy tập,… để từ đó vẫn sản xuất ra nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu xã hội, nuôi sống được gia đình, và họ cũng không quản ngại áp dụng lại kỹ thuật lỗi thời dùng khí đốt từ than củi để biến cải những chiếc xe hơi chở hàng, những chiếc tàu đánh cá nhỏ không cần dùng đến qu! á nhiều xăng dầu. Thời kỳ gian khổ ấy đã cho thấy kinh tế “chui” đã sống, đã vươn lên, đã tác động thành “đổi mới”, và lần lần nền kinh tế chỉ huy bị nhận chìm. Bây giờ ở cả hai miền Nam và Bắc,tôi có niềm tin nhìn đất nước phát triển đồng đều hơn, từ đồng tiền của những con dân “lao động vinh quang” nơi xứ người gứi về giúp thân quyến trên đất mẹ, và nhất là dân trí Việt Nam đang hồi tỉnh,biết tung bay khắp nơi để học hỏi, biết “khắc chế độc tài” khiến những doanh nhân ngoại quốc không còn e ngại đầu tư và giúp cho Việt Nam phát triển. “Bao cấp” là vực xâu, là hố thẳm, “bao cấp” không cùng mặt bằng với quá khứ Việt Nam để so sánh với Việt Nam hôm nay và Việt Nam trong tương lai, dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi đổi mới, và không bao giờ để mất mãi chủ quyền.

Hoàng Thi
Ý kiến của bạn Quang Vinh cho rằng: Tất cả các ý kiến của những người trên diễn đàn về thời bao cấp là thù dai? là ý kiến của những người thấy khổ bỏ chạy?. Bạn đã sai; Theo tôi, tất cả ý kiến về thời bao cấp là nhớ dai, bởi vì khổ quá (khổ đến mức độ không có chổ nào để mà đói khổ thêm nữa). Cho nên, những kỹ niệm đau thương này trở thành những nỗi ám ảnh đối với những ai đã trải qua thời kỳ đen tối ấy. Và cũng thưa với bạn QV rằng, nếu ba triệu người không nhanh chân thoát khỏi “Nhà tù lớn” thì tôi e rằng, họ đã bị đảng CSVN đầu độc chủ nghĩa Marx -Lenin mất rồi, và ai ai cũng chỉ biết ca ngợi đảng như bạn thì làm sao có cái trang diễn đàn của BBC này nữa?.

Quang Vinh
Ý kiến của các bác trên BBC này về thời bao cấp toàn là những ý kiến thù dai, ý kiến của những người thấy khổ thì bỏ chạy.

Nhân dân trong nước bất kể già hay trẻ đều phản ánh trân quý những hình ảnh, những khó khăn trong thời kỳ này là để sàng lọc giá trị chịu đựng phấn đấu của mỗi con người trong XHCN, và từ đó phấn đấu tích cực để có những thay đổi mới, tạo ra những của cải, những cung cầu bức thiết như ngày hôm nay.

Phải ý thức đây là phương thức hữu hiệu để cải tạo xã hội, có những hình ảnh ghi lại thời bao cấp ta mới so sánh được đất nước ta đã tiến bộ thế nào, nhân dân ta đã thật sự bước đi trên đôi chân của mình, theo định hướng mà đảng dẫn đường chỉ lối.

Phong, Sydney
Tôi thấy diễn biến ở VN hết sức mâu thuẫn. Trong thời bao cấp nếu ai treo tấm bảng có nội dung như sao: “Bao cấp, đó là một thời bi tráng, cũng là một bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội” thì bảo đảm 100% người đó sẽ bị kệt tội là phản động, là ý nghĩ tàn dư của Mỹ ngụy.

Nay ban lãnh đạo lại tự treo nó lên vách làm triển lãm. Vậy thì tự nó nói lên điều gì? Hiển nhiên, nó phản ảnh sự sai lầm của đường lối Đảng suốt 10 năm sau thời hậu chiến.

Diễn biến về sau hy vọng là các thứ rào cản bởi ý thức hệ đựợc gỡ, thế hệ trẻ trong và ngoài nước bắt tay với nhau, lấy cái hay nhất, tốt nhất của thế giới áp dụng vào VN và từ đó đánh thức con rồng đã ngủ quên một thời gian quá dài không cần thiết.

Milu
Tôi thấy đâu cần phải triển lãm lại thời bao cấp cách đây hàng mấy chục năm để làm gì, chỉ cần triển lãm những hình ảnh hiện tại đang xảy ra trên đất nước cũng đủ để thấy “lạnh” cả xương sống! Nào là rác rến ngập đường ngập sông, đường xá bị tan nát do đào lấp, bụi bặm ô nhiễm khắp nơi. Mọi thứ điều mắc trừ mạng người thì rẻ, rẻ hơn cả chiếc xe máy mà giá trị thực của nó chưa tới 500usd.

Tuy không còn “bị” sống trong thời bao cấp nhưng đất nước với 80% là nông dân mấy ai được cầm chai nước ngọt hay bịch bánh snack để ăn? bao cấp hay kinh tế thị trường của CSVN chỉ khác nhau cái tên mà thôi!

Pham Hung, HCM
Có ai đã nhìn hình chụp trên một cách rõ ràng chưa. Đã gọi là “Một bài học đắt giá về quy luật phát triển của xã hội”. Đã gọi là một quy luật phát triển thì tất nhiên sẽ có đúng và sai. Vậy có ai đó đã dám tự nhận là mình chưa hề bị sai lầm không.

Đừng vội lên án thời kỳ mà hãy lên án những kẻ đã gây ra nguồn gốc của nó. Bạn có thích làm một điều gì mà lúc nào cũng phải lệ thuộc vào người khác không. Hãy tự suy nghĩ.

Nguyễn Văn Tính
Nói về thời bao cấp có nhiều người thường bào chữa đời sống thiếu thốn vì đất nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh dài, nhưng thực tế khi ấy ở miền Nam có rất nhiều phương tiện sản xuất, và nguyên vật liệu trở thành những thứ bất khiển dụng, uổng phí vô cùng. Thợ thuyền chuyên môn đành thất nghiệp, nhiều người cột trụ gia đình trong thành phần bị quản chế cải tạo, hoặc bị cưỡng bách đưa gia đình về những miền rừng hoang cỏ cháy để thực hiện chính sách dãn dân, chiến lược, và kinh tế mới.

Ngay như các nông phẩm, chỉ cần mấy tháng mỗi vụ mùa là có thu hoạch để giải quyết nạn đói, thế mà cả miền quê cũng vẫn bị thiếu ăn, lý do là chính sách thuế khoá vô lý, hạn chế ngành nghề khắc nghiệt, và kiểm soát, chặn b! ắt lương thực khắp mọi nơi để bao vây kinh tế dân thành thị. Nhiều thị dân bị mất nhà, mất cửa, mất hộ khẩu khi ấy vì nạn kinh tế mới, ra đi rồi chống chọi không nổi với bệnh tật, đói ăn khát uống lại tìm cách dắt díu nhau về thành phố nơi đã có kinh nghiệm sống, dù phải ngủ lay lất trên lề đường, tụ tập thành xóm bụi trong các nghĩa địa, con cái thì lêu lổng thất học, cha mẹ bất đắc dĩ thành các tay anh chị mánh mung, dù là có bà con, ruột thịt nhưng chẳng ai còn khả năng giúp đỡ ai khi ấy.

Viết đến đây tôi nhớ lại kinh tế gia Nguyễn Xuân Oánh, một thành viên trong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, người của chế độ cũ ở miền Nam có ảnh hưởng nhiều đến các ông “học trò Anh ngữ thế lực” của mình trong tư tưởng đổi mới kinh tế cho VN về sau này.

Năm 1977, khi tôi ngồi làm nghề vá lốp xe ở ngã ba Hoà Hưng và Lê Văn Duyệt, ngày nào cũng thấy ông ăn mặc đơn giản, tươm tất, lái chiếc xe gắn máy Suzuki đen cũ kỹ từ nhà phía Ngã Ba ông Tạ lên Sài Gòn, đôi lúc có chở theo bà vợ (TTH), tôi thấy vừa mến phục, vừa mủi lòng cho một người có quyền thế một thời mà không bỏ nước ra đi.

Mấy lần ông ghé nhờ tôi bơm bánh xe hoặc vá lốp, chùi bu-gi xe, ông ngồi bó gối chờ trên chiếc ghế xệp của tôi một cách bình dị, tôi không nghĩ lúc bấy gi! ờ ông nghèo đến thế, nhưng “gặp thời thế thế thời phải thế “. Theo tôi ông chẳng giúp CS đổi mới gì, chỉ là trả lại dân miền Bắc cách sinh hoạt trước 1954, và dân miền Nam cách sinh hoạt trước 1975 mà thôi. Ông cố vấn CS cách làm kinh tế, kiếm nhiều tiền thì họ nghe, chứ cố vấn về chính trị để nhân dân làm chủ họ thì rất khó.

Tran Long, LA, Hoa Kỳ
Tôi không dám tin là tôi và gia đình tôi đã từng sống qua thời kỳ “bao cấp tại VN”, nó là cơn ác mộng, và không ai tin là mình đã từng là nhân chứng lịch sử tại thời điểm đen tối đó tại VN. Nếu ai chưa từng sống qua thời kỳ đó, dù cho có đọc hàng ngàn tài liệu, giáo khoa và sách vở, khi nghiên cứu, tường trình sự thật về chủ nghĩa CS, độc giả sẻ trở nên thông cảm và hoàn toàn hiểu rõ nỗi ghê sợ và tại sao có nhiều người thức tỉnh và đâm ra chống đối chủ nghĩa này tới cùng.

Nó cũng gần giống kinh nghiệm như những nhân chứng sống trong chế độ Phát xít Hitler , CS stalin ,”cách mạng văn hóa” dưới thời Mao Trạch Đông tại Trung Quốc, hoặc CS Polpot tại Campuchia. Nếu ai đó không tin tôi, cứ tiếp xúc với người bạn, đồng sự người Âu Mỹ họ hoàn toàn mù mờ về những thời kỳ “đen tối” của chủ nghĩa CS, nhưng những nhân chứng người Cuba, Đông Âu, Nga, Trung quốc,VN… thì hoàn toàn hiểu rỏ và thông cảm lẫn nhau rất nhanh.

Tony Nguyễn, Hoa Kỳ
Thời kỳ bao cấp ai cũng có những kỷ niệm khó quên. Tôi xin kể hầu các bạn một chuyện thật, vui hay buồn tùy tâm các bạn. Trong thời kỳ này tôi chuyên vá sửa xe đạp ở đầu hẻm. Theo thường lệ mỗi buổi sáng chị B. (góa chồng, bốn con nhỏ) dắt xe đạp thồ (xe thồ cũng chỉ là xe đạp thường thôi nhưng thay hai đùm bằng đùm bạc đạn, dùng căm cỡ xe xích lô bự gần bằng cái đũa ăn cơm và niềng vành dùng loại khác, khoan lỗ lớn cho hợp với căm xe, giò dĩa xích líp cũng phải thay, vỏ thì xài sao vàng cho chắc ăn) ra chỗ tôi mượn bơm để chuẩn bị đạp xuống Hóc Môn, Bà Điểm gì đó chở rau về bán ở chợ “chồm hổm” trong xóm tôi.

Gọi là chợ “chồm hổm” có lẽ vì ai nấy đều ngồi như thế, trước mặt trải một tấm ni lông khoảng một thước vuông trên đó bày các món linh tinh: vài bó rau đậu, trái cây, vài con cá khô, vài miếng thịt heo, bò, gà sống vài con. Làm như vậy khi có động là “nhanh chân, cuốn gói, rút lẹ” không thì mất hết cả vốn chứ chẳng chơi. Bất ngờ vỏ xe của chị bị nổ một tiếng quá cỡ thợ mộc, một khúc bể bằng nửa gang tay làm tôi muốn tá hỏa. Chị bơm quá căng hay tại vỏ cũ? Thế là chị ngồi bệt xuống đất kêu trời, nước mắt ràn rụa: như dzầy là kể như húp cháo cả đám bữa nay rồi! Dùng một khúc ruột xe khác để nối khúc bị nổ là chuyện cơm bữa của tôi nhưng còn cái vỏ bị một lỗ “tổ chảng” như vậy phải làm sao.

Chị kêu trời là phải vì không có tiền mua vỏ ruột mới. Tôi đành phải lấy một khúc vỏ cũ, dùng dây cước câu cá may dính lại bên trong, độn một lớp ruột cho êm, bỏ ruột vào, dùng thêm dây thung ràng xe quấn chặt chỗ bể rồi bơm lên. Tôi nói cái này tạm thời thôi chứ không bảo đảm chút nào. Chị có chút vốn lận lưng tôi bảo để mai mốt trả cũng được. Trả liền thì khổ chị mà không lấy thì khổ tôi, thôi thì sẽ tính giá “hữu nghị” vậy, tức là sẽ lấy phân nửa sau đó. Sáng hôm sau, chị dắt xe ra rất sớm, trên tay cầm một vỏ sao vàng cáo cạnh, miệng cười đon đả bảo tôi thay cho chị vỏ mới. Chưa kịp hỏi chị đã nhanh nhẩu bảo may phước cái vỏ chú quấn không nổ dọc đường chứ không thì đổ nợ. Thì ra ông em ruột chị đạp xích lô “trúng mánh” nhờ chở đồ lậu cho một anh bộ đội. Thấy chị không tiền, ông em mua cho chị một cái mới. Giờ này, mặc dù chị không còn nữa nhưng nụ cười của chị hôm đó tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu tới nay: nó rạng rỡ, hạnh phúc một cách lạ kỳ mà tôi chưa từng thấy ai có.

Trương Thanh Phong, Sài Gòn
Những ai sống ở VN sau 30/04 chắc đã nghe bài Tình ĐĐMĐ của Trần Long Ẩn có đọan: Tổ quốc ơi…ta yêu người mãi mãi… Từ trận thắng hôm nay…ta xây lại bằng mười… Từ trận thắng hôm nay…ta xây lại đẹp hơn… Được hát lại như sau: Tổ quốc ơi…ăn khoai mì ngán quá… Từ Giải Phóng vô đây…ta ăn độn dài dài… Từ Giải Phóng vô đây…ta ăn độn bằng hai…

Giáo Phương
Với tôi thời bao cấp là thời phẩm giá của con người bị miếng ăn hành hạ, nhất là nghề giáo thật khó mà giấu được học trò sự nôn nóng, lo ra mỗi khi trường phân phối thịt cá, rau đậu, vì sợ bị chia thịt ôi, cá ươn, rau úng. Có lần tôi được trao nhiệm vụ đặc biệt là phân phối nước ngọt “con hươu” sản xuất trong Chợ Lớn cho trường, các thày cô không được đem chai về, họ phải mang chai ở nhà đến trường để sang qua.

Sau khi xong nhiệm vụ, tôi và một thư ký có nhiệm vụ hoàn trả chai, nhưng không biết tại sao tôi và cô thư ký thản nhiên ngửa cổ dốc mấy chai còn xót chút nước ngọt lên miệng,và ngay sau đó hai chúng tôi đều hoảng hốt, sợ có ai nhìn thấy sự đê tiện của mình. Hôm đó quá xấu hổ và giận với chính mình tôi lén đổ đi hai chai nước ngọt được phân phối, về nhà nói dối các con là “nước ngọt đó uống có hại mẹ không mua, để lãnh lương ba, mẹ dẫn các con ra quán uống” Bây giờ mỗi lần uống nước ngọt là tôi nhớ lại sự đê tiện của mình.

Nguyễn Chiến, Vũng Tàu
Nhân bài viết “ Giới nghiêm vô lối một cách tự làm nhỏ mình” của tác giả Hà Văn Thịnh, tôi xin kể thêm một câu chuyện như sau: Năm ngóai tôi ra Hà Nội chơi, nghỉ tại khách sạn Kim Liên, khoảng 12h xem ti vi xong, thấy đói bụng, định đi tìm một quán ăn nhưng không có. Tìm mãi không thấy, gặp được một anh lái xe ôm nhờ anh ấy chỉ cho tôi quán ăn, anh ta bảo anh qua bên kia đường, có mấy quán. Thực sự cảm ơn anh lái xe, nhưng qua đường rồi nhưng nhìn mãi không thấy ánh đèn điện đâu cả, quán cũng không thấy, đang tự nhủ ông lái xe này lừa mình rồi, thì nghe tiếng gọi í ới: Anh ơi vào đây ăn tối đi !

SageDang, Ho Chi Minh City
Hiện nay, tôi đang là một công chức nhà nước , công việc hằng ngày của tôi cũng giản đơn như hai chữ “Bao cấp” ..vâng,tôi đã và đang sống dưới hai từ “Bao cấp” mặc dù “thời kỳ Bao cấp” đã “đi qua”. Tôi đang được “Bao cấp tư tưởng”.Tôi đang được “Bao cấp tư duy” . Tôi đang được “Bao cấp cả trình độ chuyên môn” và hiện nay,sau bao nhiêu năm “cống hiến” cho công ty , tôi còn đang được “Bao cấp để vào hàng ngũ Đảng”.

Gửi vài dòng suy nghĩ của tôi cùng mọi người , không đả kích cũng không châm biếm, nhiều khi tôi thấy mình thật sự vớ vẩn và lạc đề , nhưng tôi mạo muội kính xin hỏi quý độc giả và tác giả bài viết rằng : ” Thời kỳ bao cấp đã qua chưa ?” Và với những suy nghĩ của mình , một lần nữa kính xin thứ lỗi cùng độc giả SVDH với kết luận của bạn – “Tôi chỉ tin những gì bà ngoại tôi người trần mắt thịt đã trải qua. Thế nên, ai mà ca ngợi khoảng thời gian cái gọi là thời bao cấp thì có vẻ thần kinh không ổn định.” – rằng, thần kinh tôi hoàn tòan ổn định và hai từ “Bao cấp” đã và đang nuôi sống cuộc đời tôi.

Văn Khoa, HCM
Ôi! hai chữ “bao cấp” nó ám ảnh tôi đến lúc chết mất. Tôi xin kể một câu chuyện có thật của gia đình tôi để mọi người cùng mếu với tôi nhé. Số là hồi đó gia đình tôi thuộc thành phần bần cố nông, bố tôi là công nhân nên được phân phối bo bo thay gạo. Một bữa, vì thương các con ăn bo bo nhiều ngán quá, mẹ tôi mới nghĩ ra là nhà còn một ít đậu đen, nên mẹ tôi mới đem trộn đậu đen với bo bo để nấu ăn trưa. Trưa đến, đói cồn cào, cả nhà khấp khởi sẽ có bữa ăn lạ miệng. Tôi là út, nhỏ nhất được bới cho một chén ăn trước, vừa nhai miếng đầu tiên, ôi! … đắng ngắt, không thể nuốt được. Thì ra, do mẹ tôi lấy hạt đu đủ để trong trạn bếp làm giống, do nó có màu đen giống đâu đen nên mẹ bị lầm. Bữa đó cả nhà nhịn đói. Nghĩ lại ngày đó, tôi lại muốn mếu. Và bây giờ thì tôi đã biết được ai đã gây nên nỗi khốn cùng đó. Rồi lịch sử sẽ phải xét lại, truy đến cùng những kẻ gây tội ác với dân tộc.

Cuti, Hà Nội
Gui Tony Nguyễn, Corte Madera, Hoa Kỳ Đúng như bạn nói, chế độ già quá rồi, Đảng già quá rồi. Chắc không còn hơi sức mấy mà làm khổ dân mình đâu. Còn nhớ năm 87-88 của thế kỷ trước, Đảng cộng sản Liên Xô vừa kỷ niệm 70 năm xong được hưởng thọ thêm vài năm nữa là “tịch” luôn. Chắc mấy chú Cộng sản Việt Nam cũng chỉ thọ được thế thôi. Chúc cho các chú nhanh nhanh về gặp ông anh Cả Liên Xô.

SVDH
Bà ngoại tôi thường nói: “Sống đến từng tuổi này, ngoại thấy sống dưới thời Lê Duẩn là khổ nhất!”. Nếu có trách thì trách nhà lãnh đạo “lỗi lạc” ấy. Vừa rồi đọc các bài phỏng vấn của ông Lê Kiên Thành (con trai ông Lê Duẩn) về ông Lê Duẩn, vừa đọc vừa có lửa cháy bừng bừng trong tâm can. Nếu lãnh đạo có tầm nhìn, quyết tâm thì dân đâu có khổ. Tôi chỉ tin những gì bà ngoại tôi người trần mắt thịt đã trải qua. Thế nên, ai mà ca ngợi khoảng thời gian cái gọi là thời bao cấp thì có vẻ thần kinh không ổn định.

Tony Nguyễn, Hoa Kỳ
Đọc thêm những ý kiến của các bạn mới thấy rằng nhiều người còn “te tua” hơn mình nữa. Còn bao nhiêu người không có cơ hội để nói ra cái oan nghiệt này? Cán bộ cao cấp có chế độ riêng, không phải xếp hàng thì làm sao cảm thông được nỗi nhọc nhằn của dân, đó là chưa kể tới những tiêu cực ẩn nấp đằng sau bao cấp: món hàng nào ngon lành thì các ông bà rỉ tai nhau ra chia chác trước, “đảng viên mua trước” làng nước mua sau thì chỉ còn lại toàn đồ “rởm”, rồi tiền bạc dính líu tới quốc doanh không hề công khai, minh bạch.

Tạo ra tai họa, đổ vạ xuống đầu dân rồi có người còn lên giọng dạy đời làm như đây là một bài học cần nhớ: tìm một lối thoát cho mình khi bị dồn vào tình thế khó khăn. Ai dồn toàn dân vào khó khăn? Lối nào thoát được trong thời kỳ đó? Tự thắt cổ ư? Nếu thực dân Pháp và Mỹ Ngụy dám làm được điều này mấy ông CS không còn đất đứng chứ đừng nói gì đến chuyện chiến thắng. Dân có sổ gạo mà còn ngắc ngoải nói chi đến bọn phản động, gián điệp không có làm sao chúng sống nổi. Oan khiên như vậy mà tổ chức triển lãm cho dân xem. Để làm gì?, “tự thú trước bình minh”, để răn đe hay là “khôn quá hóa dại”? Bằng cách nắm thóp những nhu cầu tối cần thiết của người dân lành để làm xói mòn, tiêu hao khả năng chống đối bất công, áp bức có từ ngàn xưa của cha ông ta thì Đảng ta quả là một tập hợp những thiên tài.

Vo Danh, Sài Gòn
Tôi xin đặt ra hai câu hỏi: 1. Thời bao cấp khốn khổ như thế do đâu mà có? 2. Tư duy đổi mới đã đưa đất nước Việt Nam đến được đâu? Một đảng phái có giỏi hay không thì hãy coi thành tích lãnh đạo đưa đất nước đạt được những gì so với thế giới chứ không phải chỉ tự hào chúng ta hôm nay tốt hơn chúng ta hôm qua. Tiến bộ phải so với các nước khác chứ sao lại chỉ đi so với mình trước đó. Đảng lãnh đạo có hiệu quả hay không thì mọi người hãy tự trả lời hai câu hỏi trên.

Phạm An Mo
Tôi có anh bạn, có ngày anh chạy ra đâu được một giấy giới thiệu của một cơ quan trong Thành Phố Hồ Chí Minh đến các Cửa Hàng Sách Quốc doanh để mua một bộ Lê Nin Toàn tập. Hai mươi hai cuốn 45 kg. Giá 45 đồng. Anh đón ‘cô ký Lân’ (mấy bà mua bán ve chai giấy in sách báo đồi truỵ ) mà ‘giải ‘ nó đi. Anh kiếm được chừng 5 đồng. Anh có bày cho tôi xin giấy giới thiệu …mua Bốn chục bộ. Lý do ghi trên giấy: “Làm quà cưới cho đám cưới Tập thể tại Nông trường Quốc doanh nơi có bốn ngàn Thanh niên xung phong … Tôi phải ‘ hợp đồng hai chiếc xe Lam -ba bánh, để chở về nhà …và nhờ cô Ký lân .Lương công nhân Nông trường của tôi khoản 44 đồng một tháng. Sau đó thì sợ, không dám. Thời bao cấp cũng có cái sướng như thế .

QYMM, TP. HCM
Nói về thời bao cấp thì có biết bao nhiêu chuyện phải nói! Tôi nhớ thời đó, vì ba tôi là thành phần “Ngụy”, đang “tập trung cải tạo” không biết khi nào về, mấy anh em tôi còn nhỏ, sống với má tôi, làm y tá ở bệnh viện một thị xã ở miền Trung. Vì má tôi là nhân viên của Bệnh viện, nên bà nhận được tem phiếu, nhưng chỉ riêng cho mình bà thôi, còn 4 anh em tôi thì không!

Khẩu phần cho 1 người trong 1 tháng ăn còn không đủ, lấy gì mà nuôi 4 đứa con với bà nội già nữa đây? Vậy là bà phải chạy đây chạy đó, mượn này 1 lon, mượn chỗ kia 1 nhúm bobo, cuối tháng bán máu trả nợ.

Nhà có gì bán được phải đem ra bán tất tật để kiếm cái ăn. Đi mua mùn cưa về để nấu ăn cũng phải xếp hàng, nộp tem phiếu từ tờ mờ sáng, mà phải quen biết lắm mới có thể kiếm được mùn cưa mịn, không quen biết thì chỉ được dăm bào thôi!

Đến năm 82 thì ba tôi “cải tạo” về. Không kiếm được gì để làm ăn hết (Nguỵ mà), đành phải đi lãnh bắp luộc, đạp xe 30 cây số để đi bán, nhưng phải đi từ tờ mờ sáng để tránh “thuế vụ”, những vị “hung thần” chính hiệu của chế độ!

Anh em tôi lớn lên, có học giỏi mấy cũng chịu thua, không thể vô đại học được, vì “lý lịch gia đình” có vấn đề. Có phải lỗi của tụi tôi vì “lỡ” làm con một người thua cuộc? Người Việt Nam với nhau mà đối xử vậy sao?

Năm Trai, Đồng Nai
Ôn lại cái thời bao cấp thì quả là có vô số chuyện để kể. Dưới đây là một câu chuyện thật về thuở ấu thơ của tôi.

Ở chỗ quê tôi vào những năm sau ngày giải phóng 30.4.1975 rất thiếu thốn, thậm chí người ta phải vào rừng để kiếm củ nần, củ nho mà ăn trừ bữa, mẹ tôi lúc ấy cứ luôn miệng kêu ca: “Mẹ bà chúng nó, chúng nó bảo là chúng nó giải phóng cho nhân dân khỏi bị đô hộ, áp bức, đem cuộc sống ấm no cho dân lành, vậy mà bây giờ nếu có được một bữa cơm trắng thì cũng như là ngày giỗ ông bà vậy!”

Tôi còn nhớ lúc ấy tôi cũng mới chỉ chưa đầy mười tuổi, thế nhưng đã phải vất vả sớm hôm phụ ba mẹ tôi làm lụng quần quất mới mong có cái ăn. Có lần ba tôi cùng với 3 anh em tôi đi đẩy củi ra huyện bán. Bán xong bốn cha con vào một cửa hàng gọi là cửa hàng ăn uống, vì ngày đó là ngày giỗ của bà nội tôi nên ba tôi bảo là hôm nay ba chiêu đãi các con một bữa. Ba tôi mua 4 phiếu hủ tíu, nói quí vị đừng cười kẻo tội cho bốn cha con chúng tôi, tôi còn nhớ trước khi vào cửa hàng ba tôi mua thêm 3 kí bún tươi để tận dụng nước lèo hủ tìu, vì phải ăn thêm đến 3 kí bún cho nên ba tôi phải xin thêm nước mắm, tôi thấy họ nhìn bốn cha con tôi với ánh mắt thương cảm hơn là khinh ghét. Mà lúc ấy chúng tôi cũng chẳng quan tâm đến họ làm gì, chúng tôi chỉ chú tâm đến “bữa tiệc” và chỉ thoáng chốc là hết sạch 4 tô hủ tíu và 3 kí bún. Khi bước ra tôi có nghe một câu nói của chị phục vụ: “khách ai cũng như mấy bố con ông chắc tụi tôi bị đuổi việc sớm!”.

Giờ nghĩ lại, ôi sao mà thương quá cho kiếp con người.

DTK, Sài Gòn
Năm 1975 tôi được 7 tuổi – có thể nói tôi đã cảm nhận được rất rất nhiều về sự thay đổi của xã hội cũng như con người trong thời kỳ đen tối ấy. Gia đình tôi có 9 anh chị em sống tại Sài gòn – tôi là người con thứ bảy trong nhà.

Năm 1975 tôi học lớp 3, tôi học sớm trước tuổi. Tôi là đứa bé chuyên đi mua lương thực và nhu yếu phẩm cho gia đình (vì trong gia đình có 2 CNV và 2 sinh viên) , còn những gia đình thuộc thành phần “xấu” thì họ phải tự chạy mua lương thực ở ‘ thị trường chợ đen’.

Nhiều bữa đang ngồi học trong lớp chợt nghe tiếng huyên náo là có lương thực là tôi đâm bổ ra khỏi lớp chạy ra cửa hàng lương thực hay nhu yếu phẩm (đường thịt đậu) để mua nếu không thì hết hay chỉ còn thứ ôi thiu thì ráng chịu.

Hàng xóm bạn bè của tôi dần bỏ xứ ra đi : kẻ kinh tế mới, người vượt biên bởi vì nếu còn ở lại thì chết đói là chắc chắn. Xóm ấp hoang tàn, những ngôi nhà không mái vô chủ ngày càng nhiều rồi cuối cùng gia đình chị hai rồi chị ba tôi cũng đi ‘ kinh tế mới’. Nhà gỡ mái và cửa vô rừng làm lều lán rồi cuối cùng ngay cả cô giáo chủ nhiệm lớp tôi cũng ra đi cả lóp tôi khóc sướt mướt và nghỉ hơn 1 tháng vì không có người dạy.

Người vượt biên đầu tiên trong trường là thầy giáo dạy môn Đạo Đức Cách Mạng! Nhiều lúc tôi thức trắng đêm tự hỏi tại sao?

Khi 9 tuổi tôi bắt đầu đi vào đời làm thuê lơ xe, cò mối, buôn hàng suốt 5 năm trời nhưng quyết không bỏ học. Tôi tiếp nhận cuộc đời như thế đó, đã là nhân chứng của biết bao cảnh đời khắp đất Sài gòn lúc đó. Nếu nói ra thì suốt 1 tháng ròng cũng chưa hết bởi vì tôi nhớ dai lắm.

Có một điều chung nhất tôi nhận ra là : cuộc sống bị xáo trộn thay đổi ngày càng bần cùng, không lối thoát trừ khi anh phải bỏ xứ, bỏ trốn vượt biên hoặc buông xuôi dòng chìm đắm. Chỉ có những gia đình là cán bộ miền bắc vào hay gia đình tập kết, gia đình cách mạng là còn tàm tạm. Càng nhớ tay tôi càng run bắn vì sự hãi hùng của thời gian đó.

Một độc giả
Chuyện dưới này tôi nghe một người bạn – lớn hơn tôi 10 tuổi kể lại. Anh ấy kể rằng sau giải phóng thì gia đình anh mấy lần bị chính quyền làm cho tan tác, vì mẹ anh thuê người mở xưởng sản xuất nhỏ và bị đấu tố là tư bản bốc lột ăn trên xương máu nhân dân. Lúc đó anh ấy còn rất bé, độ 10 tuổi thôi. Rốt cuộc, anh về ở với một người bà con.

Thời đấy, thêm một cái miệng ăn là điều không vui vẻ gì. Song gia đình người bà con này lại rất nể trọng anh, dù anh chỉ là thằng con nít. Bởi vì không như những “cái tàu há mồm” khác, anh đã biết làm ra tiền cho gia đình. Sau mỗi buổi học, cậu nhỏ tươi tỉnh đeo cặp sách đi xe đến địa phương khác. Lúc gặp các chú công an, chú nhỏ cười rất tươi, chào hỏi rất lễ phép. Nhưng không một ai khác có thể biết rằng chú nhỏ đang oằn lưng vì trên trong chiếc cặp sách ấy là một đống tăm xe đạp nặng trĩu.

Chú nhỏ đã đối phó với chính sách ngăn sông cấm chợ bằng kiểu ấy. Bán xong hàng, chú tha hồ có tiền và lại trở về. Một lần, chú khao cả lớp ăn kem. Đó là một chuyện động trời. Vì rằng không thể đứa nhỏ nào kiếm ra nhiều tiền để khao cả một đống bạn được. Tin mách lẻo tới tai bà hiệu trưởng, bà tra hỏi cu cậu. Nhưng cu cậu và các bạn chối phăng đi, bảo chúng cháu chỉ nhặt que kem thôi. Bà hiệu trưởng tin ngay vì chính bà cũng không tưởng tượng được một thằng bé nghèo khó lại có tiền khao cả lớp ăn kem. Thế là cậu nhỏ thoát nạn. Cậu nhỏ bây giờ đã khôn lớn và trở thành một người đàn ông giỏi giang và thành đạt. Chúc anh nhiều may mắn trong cuộc sống này.

Ta Đi Tới, Sài Gòn
Chúng tôi là những người trẻ tuổi nên “bao cấp” cũng không “được” trải qua nhiều, tôi có hỏi bố tôi: “Vì sao tổ quốc ta rừng vàng biển bạc, đất đai phì nhiêu mà trong những năm 1975-1985 Dân tộc Việt Nam súyt chết đói” bố tôi nói rằng do bao cấp, kinh tế tập chung theo kiểu “cha chung không ai khóc”. “Vậy là giai đọan đó không có ai nghĩ ra kinh tế thị trường như bây giờ à”? tôi hỏi lại, bố tôi nói: “thì con cứ tính đi sau 30/04/1975 những người lãnh đạo mới toàn là bần, cố nông một chữ bẻ đôi về kinh tế cũng không biết, họ tù nhiều chứ có học nhiều đâu mà làm kinh tế thì chuyện cả Dân tộc súyt chết đói có gì lạ” “nhưng đó chính là nguyên mẫu của chủ nghĩa cộng sản mà” vậy thì chủ nghĩa cộng sản là không tưởng à?” Đúng thế con ạ” bố tôi nói, trên đời này làm gì có “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu…”

Sau này con tôi cũng sẽ lại hỏi tôi: ” Bố ơi sao thời bố nhiều tiêu cực xã hội đến thế nào là tham nhũng, buôn bán phụ nữ, mua quan bán tước, học giả bằng thật…có lẽ tôi sẽ nói với con mình rằng: ” thời bố chỉ có một đảng cộng sản cầm quyền, nên chuyện độc tài, tham nhũng, thiếu dân chủ…thì có gì lạ hả con”.

Tu Huy, Hoa Kỳ
Bỗng tự nhiên, chúng ta lại thấy xuất hiện một cuộc triển lãm về thời bao cấp tại Hà Nội, không khác gì chế độ ở Việt Nam công nhận sự sai lầm trong việc tiến lên xã hội chủ nghĩa. Theo ý riêng tôi đây là một lối răn đe. Ngày nay ai cũng biết những người giầu có ở Việt Nam đa số là nằm trong số người có quyền có chức. Số người này cũng là những người đã từng sống qua thời kỳ bao cấp, hoặc thi hành chế độ bao cấp đó. Họ nắm bắt cơ hội mà vượt lên nhảy vào những địa vị lãnh đạo, họ bao che nhau, chia chác địa vị.

Ngày nay, họ trở nên giai cấp giầu có, là những tư bản, nên họ sợ rằng nếu một ngày nào đó có một phong trào “cách mạng bùng lên” như năm xưa, lấy lại những lý luận xã hội chủ nghĩa năm xưa (Cộng sản lối Stalin hay Mao) để mà phát động chiến dịch “đào tận rễ, trốc tận ngọn “ những bọn cường hào trọc phú, đã gây ra bất công xã hội. Như vậy nạn nhân sẽ chính là họ. Do đó, họ cho phép triển lãm những sự sai lầm kể trên, để chặn đứng những ý đồ của đám dân nghèo đang bi áp bức và bóc lột không thể có cương lĩnh và hậu thuẫn để khơi lại những bài bản “công bằng xã hội” theo lối Cộng Sản nữa. Hậu ý của cuộc triển lãm là vậy!

Dân chạy mánh
Nhà nước không ngại hồi tưởng lại những tệ hại thời bao cấp, thì tại sao tôi lại ngại không khoe ra những “tài tháo vát” của tôi, của đám anh em tôi thời bao cấp? Tôi cho đây là kinh nghiệm cần chia sẻ, nếu rủi như mai này đất nước mình đa đảng, mà có đảng cầm quyền lại áp dụng kiểu bao cấp để độc quyền thì còn biết cách mà xoay trở, yên trí đi luật lệ nào cũng có nhiều kẽ hở, nếu ta biết “mánh mung” để sống.

Thời bao cấp đối với tôi là thời dễ “mánh mung” hơn bây giờ, vợ tôi sáng nào lấp ló từ lò heo lậu bước ra là bụng cũng mang bầu, cô em vợ tôi ẵm con nhỏ ra khỏi nhà là trong bịch tã lót, trong bình thủy có giấu thuốc tây lậu, em rể tôi thì ngồi chế mấy bịch thuốc lá vấn, bệ rạc trên vệ đường, cạnh cái lon “ba by lắc”, và trông chừng cái chai bể dưới đường, nhưng ai cần mua xăng nó có xăng, ai cần mua sữa nó có sữa, thế mới tài.

Còn tôi lúc người ta có xe hơi đem lật ngửa lên trồng hành, thì tôi lại mua một cái, vì tôi có giấy chứng nhận là tài xế, công nhân viên của một công ty dược phẩm do ông cậu tôi cấp, tối nào cũng lái ra ngoại ô, đến điểm hẹn gạo lậu đem ở quê lên, tộng cho đầy trong các nệm xe, lọt về Sài Gòn là chia nhau bán, đổi chác với các dân giàu sống lay lất nhờ bán dần đồ đạc trong nhà cho mấy “bà con ở ngoải”.

Ông anh tôi ở Tây Ninh, cũng là dân tiếp tế cho thành phố, nhưng vất vả hơn nhiều, anh ta chạy được giấy làm nghề hàn gió đá, vài ngày lại vác hai bình gió đá tọng đầy gạo ra bến xe về Sài Gòn nói là mua khí đá, nhưng thực ra là chuyến về lại nhét vào trong đó nào viết chì, viết bi, giấy tập học trò, thuốc tây, thuốc lá, chén, muỗng nhôm …bất cứ thứ gì có thể nhét vừa bình gió đá có cái “nắp” đặc biệt ở dưới đáy.

Nhờ thế chúng tôi sống vất vả nhưng có da có thịt, có tiền hơn nhiều người trong suốt thời kỳ thiên hạ ăn bo bo, nghe ngóng BBC chờ đổi mới, mà lại còn tự mãn ít ra ta đây cũng biết làm gì cho Tổ Quốc!

Một ý kiến
Với người miền Bắc chắc là bình thường, vì họ khổ từ những năm 1954 cơ. Nhưng người miền Nam thì khác, cuộc sống tư bản đang sung túc nhộn nhịp tự nhiên phải chuyển qua XHCN- xếp hàng cả ngày khổ muốn chết. Lúc mới vào SG, các bác cán bộ nói oai lắm- nhất là mấy ông tập kết.

Nào là yên tâm đi cách mạng sẽ xây bằng năm bằng mười ngày nay. Nào ngờ chẳng có 5, 10 nào hết mà khổ hơn 5-10 lần. Mấy ông bà ủng hộ kháng chiến ở Bến Tre là thất vọng nhất. Theo kháng chiến, nuôi cơm bộ đội tưởng đâu tương lai rạng ngời, ai dè giải phóng xong cơm không có mà ăn phải ăn bo bo. Còn bây giờ-như tôi mới đọc báo- thì nông dân Bến Tre đi biểu tình đòi đất tùm lum. Thế đấy.

Căng Tin Phó
Qua bức hình “xếp hàng” trong triển lãm hình ảnh về thời bao cấp, tôi thấy còn chưa thật, làm gì thời ấy mà có áo quần, mũ nón tươm tất, màu sắc thanh lịch thế. Ít ra mỗi người phải kẹp bên nách, cầm trên tay một quyển sổ, vài tờ giấy chứng minh tùy theo đợt hàng bán ra, và nắm chặt cục tiền đếm sẵn. Gương mặt phải tỏ ra ngoan hiền, có sao mua vậy, đến lượt mà về không cũng phải vui.

Hà Tiên
Có thể nói thời bao cấp là thời kỳ nền tảng mà những người yên mến văn chương VN tự hào vì nó đã tác động cho nền văn học truyền khẩu dân gian phát triển vô cùng phong phú, có bạn nào còn nhớ câu vè gì mà tiếp theo là ” ….Đả đảo Nguyễn Cao Kỳ mua gì cũng có” không ? Không chừng bây giờ những thể loại văn chương phản kháng đó được đánh giá là văn chương cách mạng.

Minh Trí, Hà Nội
Đối với riêng tôi, việc nhắc lại thời bao cấp giữa bạn bè và gia đình có các lý do:

1) Nhắc lại những ấn tượng còn quá mãnh liệt. Những kỷ niệm hạnh phúc thì ít thôi, nhưng chúng tôi nhắc nhau nhiều về những đói khổ của thời đó với con mắt của người thời nay. Đói và thiếu thốn cùng với những dậy dỗ và ràng buộc xã hội khắt khe (như bố mẹ dùng roi đòn để dậy con) là những ấn tượng rất mạnh đối với trẻ em.

2) Nhắc đến đói khổ của thời đó để thấy mình đang hạnh phúc với hiện tại. Nghe gió tuyết rít ngoài cửa sổ mới thấy mình thật sung sướng nằm trong chăn ấm. Mặc dù những “ác mộng” quá khứ đó còn rất gần nhưng không quay trở lại đã là hạnh phúc lớn. Từ đó biết bằng lòng với cuộc sống hiện tại và đỡ bon chen với đời hơn. Cũng vậy, tôi biết phải nuôi và dậy con cái như thế nào cho chúng hạnh phúc hơn chúng tôi.

3) Nhắc để khỏi quên, để rồi sẽ chiêm nghiệm sau nhiều năm nữa mình tại thời điểm hiện tại có ấu trĩ hay hợm hĩnh như mình (và những người xung quanh) thời đó không (kiểu ếch ngồi đáy giếng). Có lẽ khác với vài người tham gia diễn đàn này (thường để đả kích, để hằn học) thì tôi luôn là người lạc quan và yêu đời. Tôi ghi nhận quá khứ nhưng vẫn chấp nhận nó, giống như con cái luôn chấp nhận bố mẹ mình. Quá khứ khổ đau dậy tôi tin rằng tương lai của dân tộc tôi và của các con tôi sẽ ngày càng tươi sáng hơn.

ADK, Hà Nội
Tôi là thế hệ trẻ, thời kỳ bao cấp, tôi còn nhỏ tuổi. Các kỷ niệm về bao cấp không có nhiều, nhưng chỉ được biết qua câu chuyện của gia đình.

Qua những kiến thức xã hội, tôi nhìn nhận về thời kỳ bao cấp và ảnh hưởng của thời kỳ này đến cuộc sống hiện nay như sau:

Chế độ bao cấp là một sai lầm trong chính sách kinh tế của đất nước sau thời kỳ chiến tranh. Chế độ bao cấp đã làm thoái hóa các lượng lực sản xuất của xã hội (theo cách nói của thuyết Mác) hay giảm hiệu quả và tiềm lực kinh tế Việt Nam sau chiến tranh. Chế độ bao cấp đã đem lại nhiều kỷ niệm chua xót cho người dân Việt Nam. Điều này thật là nặng nề đối với những người sống ở Miền Nam. Dù sao đi nữa, chế độ bao cấp cũng đã đi vào lịch sử, cũng đã là một phần của lịch sử Việt nam. Do vậy, mọi người sẽ không quên, nhưng hy vọng thế hệ tương lai sẽ không vấp phải sai lầm này.

Có một số cách so sánh chế độ bao cấp và những gì có được sau thời kỳ đổi mới như là một thành quả của chính sách quản lý kinh tế thành công. Tôi cho đây là một nhận định sai lầm. Không thể đánh giá cao một học sinh tiên tiến, trong khi 4 năm trước đó anh ta không lên được lớp,mà còn bị tụt xuống lớp dưới. Sự đánh giá như vậy là không phản ánh được bản chất của sự phát triển. Sự phát triển phải được so sánh với những nước xung quanh để biết được tốc độ phát triển của Việt Nam.

Một số bạn cho rằng thời kỳ bao cấp khó khăn cũng đã rèn luyện được phẩm chất công dân, làm nền tảng cho thành công sau này. Tôi nghĩ rằng nhận định này chưa hòan toàn đúng và phản ánh dầy đủ cuộc sống. Không biết các bạn có biết bao nhiêu gia đình đã tan nát, số phận của một số người đã bị tàn lụi do chế độ bao cấp, do cuộc sống khó khăn hay không? Sự đói rách đã làm tha hóa con người. Hơn nữa, nếu nói như các bạn đới sống no đủ, giàu có làm con người thiếu phẩm cách hay sao?

Tại sao, những nước giàu, trình độ dân trí cao, có nhiều người thành đạt và phát minh nhiều kỹ thuật phục vụ cuộc sống. Như vậy, không phải chỉ có đói nghèo mới tạo được phẩm chất tốt cho con người. Vấn đề chính là do giáo dục. Chỉ có giáo dục của xã hội và gia đình mới tạo nên phẩm chất tốt cho con người. Tóm lại, chế độ bao cấp là một hình ảnh xấu trong mắt của thế hệ thanh niên hiện nay. Hãy nhìn lại thời kỳ đó như một thời kỳ lịch sử, tránh lặp lại trong tương lai.


Những hình ảnh này đã cho thấy sự tai hại và ngu dốt của chế độ độc tài. Tôi đã lớn lên trong thời gian này và đã từng sống và trải qua những sự bất công vô lý của chế độ độc tài. Nhưng tuổi trẻ thời này không hề biết tự do , dân chủ là gì. Mà chỉ biết Đảng là trên hết. Sợ công an như là sợ cọp.

Nhìn lại thì mới biết là người Việt Nam đi sau người Phương Tây gần một thế kỷ. Bạn Thanh ạ: Bạn hình như không muốn thấy những sự vô tài vô năng của Đãng cộng sản. ĐCS biết rõ là độc tài sẽ làm cho đất nước nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng sao 30 năm thì ĐCS vẫn độc tài. Việt nam vẫn nghèo. Dân vẫn không có tự do. Tôi không thấy có thay đổi gì.

Tony Nguyễn, Corte Madera, Hoa Kỳ
Nhắc tới thời kỳ bao cấp ít ai không khỏi liên tưởng tới chuyện mang sổ lương thực ra xếp hàng để mua nhu yếu phẩm. Xếp hàng theo thứ tự là điều tốt nhưng thái độ của người bán hàng quốc doanh lại là thái độ của một nhà nước thu nhỏ: làm như bố thí, ban phát cho dân từng cái kim, sợi chỉ không bằng đó là chưa kể chất lượng món hàng, gạo thì ẩm mốc, đầy sạn, nước mắm thì mặn chát lưỡi thế mà không mua thì đừng.

Cân đong không đủ cũng đừng thắc mắc, nhân viên bán hàng chỉ cần trợn mắt là khỏi mua luôn. Đi mua chứ nào phải đi xin đâu. Lại còn gặp phải ông chủ tịch phường lâu lâu họp tổ dân phố lên giọng đấy Đảng và nhà nước quan tâm tới đời sống nhân dân đến thế là cùng. Ô hô, thà đừng quan tâm thì hay hơn!

Rõ ràng thời kỳ bao cấp là một giai đoạn đen tối của dân VN thế mà bây giờ các ông lại phơi ra cho dân thấy cái lỗi lầm nghiêm trọng của mình làm tôi có cảm tưởng những sai trái đó từ trên trời rơi xuống chứ không phải do các ông nặn ra. Thật là hiếm thấy chuyện “vạch áo cho người xem lưng” dưới chế độ XHCN. Phải chăng đây là tình trạng của một người quá già – gần đất xa trời – hóa lẫn, không còn sáng suốt nữa?

Noname, Hà Nội
Có câu nói đại ý rằng nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục tương lai sẽ trả lời anh bằng đại bác. Không biết cuộc triển lãm này của chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng gì đây.

Ngọc Trinh, Hà Nội
Thăm lại hình ảnh thời bao cấp mà tôi còn rơi nước mắt. Tôi vượt qua những năm đó bằng cách làm thêm nhiều việc như đan lên, bán kem. Nhớ kỷ niệm khi đưa con lúc ấy mớ ba tuổi về thăm mẹ, tự nhiên cháu khóc ré lên, quay lại hóa ra chàng ta bị kim đâm vào mũi, tay thì đang lấy len của bà cho vào túi.

Có lúc quẫn trí, tôi và bạn bè thường đùa nhau mình giả vờ đi móc túi cho công an đem về tù mà nuôi.

Phố Đêm, Sài Gòn
Chỉ có những người sống dưới chế độ CS VN đã quá quen với nếp sống môi trường xã hội chủ nghĩa. Hộ khẩu, sổ gạo, tem phiếu và tiêu chuẩn dính liền với kiếp sống con người và mộng tưởng đến ngày thế giới đại đồng cộng sản lúc đó con người đã hoàn toàn được giải phóng, thế giới này chỉ còn lại một màu đỏ và con người được sống cảnh thiên tiên….

Chỉ có người miền Nam VN mới được biết thế nào là Cộng sản sau năm 75, sau khi thiên đàng cộng sản sụp đổ tan hoang, đường hầm lên cõi thiên tiên không còn lối, những người lãnh đạo đã chấp nhận cởi trói, học hỏi, lần mò tìm về con đường cũ mà trước đây họ đã đạp đổ phá nát, nhờ đó mà cuộc sống lại bắt đầu hồi sinh, cây tàn rũ lá nay xinh tươi trở lại!

Con người héo gầy căn cỗi nay đã thấy đỏ da thắm thịt, thế là họ đã huênh hoang ca ngợi thành tích sáng tạo đổi mới. Nhờ có công lao lãnh đạo sáng suốt đưa dắt nhân dân trở lại con đường xưa cũ mà thành quả mới có ngày hôm nay.

Người dân miền nam VN thì chẳng thấy gì là mới hết, mà chỉ ngậm ngùi xót xa cay đắng nuối tiếc cho sự tụt hậu nhìn những nước như Hàn Quốc, Đài loan, Thái Lan trước năm 75 họ có gì hơn VN đâu? Giờ thì muốn theo kịp họ phải nói họ đứng lại chờ ta thêm vài chục năm nữa. Như vậy mới biết nhờ có chủ nghĩa cộng sản đổi mới nhân dân VN mói có được ngày hôm nay.

Du Tri, TP HCM
Nói vui thôi. XHCN là viết tắt của chữ Xếp Hàng Cả Ngày mà.

Nguyễn Nam, TP HCM
Dù có thành lập cả một viện bảo tàng cũng không thể diễn tả lại tất cả những gì đã xảy ra trong thời bao cấp. Ai sẽ trả lại cho dân chúng những năm tháng mà cuộc sống của con người không ra giống người?

Thanh
Có thể người Việt Nam họ biết nhìn nhận quá khứ sai lầm của mình để tiếp tục đi tiếp những bước đi hợp lý đưa đất nước phát triển. Nhưng cũng có những con người chẳng thấy được gì sau những thất bại của họ tại Việt Nam, rồi cứ ngồi đó tức giận mà chửi rủa thiên hạ rồi “cắn tùm lum” như những con chó dại.

Vậy chăng tôi cũng hy vọng các bạn cũng có một cuộc triển lãm ” Những sai lầm và thất bại của chúng tôi tại Việt Nam” hay ” sự thất bại và nổi nhục nhã của chế độ Bán nước”.

Lê Nam, Hà Nội
Quê hương tôi có ông cụ tên là Do, có một con trai duy nhất hy sinh trên chiến trường, chỉ để lại cho ông bố cô độc cải sổ gạo trợ cấp.

Ông cụ gầy yếu vì xót con và thiếu ăn, nên chậm chạp và mệt mỏi. Năm 1983 gì đó, cũng như bao nhiêu người khác, cụ phải rời nhà đi từ 4 giờ sáng để “chồng” sổ gạo, đợi mãi đến 11 giờ trưa, vừa mệt (Vì mùi người), vừa đói, cụ miên man ngáp một cái.

Dè đâu, ngáp mạnh quá, sái mất quai hàm… Mọi người đưa cụ đi chữa, nhưng do quá yếu cụ đã mất không lâu sau đó (bán ngày). Thế là hết, và không biết liệu bây giờ chính quyền Việt nam có phong cho cụ là liệt sỹ không nhỉ… Tội nghiệp cụ, do cơ chế cả…

Ẩn danh
Dân mình bây giờ cứ cười cái anh Bắc Hàn, đói nhe hết cả răng lại còn cứ kiên định lý tưởng với lại làm mình làm mẩy Chí Phèo. Nhưng ngẫm lại, hóa ra VN mình trước đây cũng chả khác cái anh Bắc Hàn bây giờ là bao. Bây giờ thì có khá hơn nhưng cũng còn bao cấp nhiều lắm.

Tuổi đôi mươi
Chẳng thà tốn công tốn của tạo ra thêm những “Triển lãm tội ác Mỹ Ngụy” còn có lý hơn là “Triển lãm tội ác bao cấp”, tôi cho là trơ trẽn, phản tác dụng với dân trí ngày nay.

Vương Hoa Hồng, HCM
Tôi sinh ra sau năm 1975 nhưng không có nghĩa là tôi hoàn toàn đứng ngoài thời kỳ bao cấp. tôi còn nhớ lúc tôi học lớp một, bắt đầu tập viết chữ và làm toán. Lúc đó vì viết bằng viết mực chấm, cứ liên tục phải chấm mực, nên bài tập viết hay bài tập toán của tôi dù làm đúng hay có nắn nót thì vẫn không bao giờ được điểm 10 vì lúc nào cũng bị chê là ‘lem nhem’.

Buồn cười nhất là khi xách lọ mực đi về, tuột mất đến nhà nhìn lại chỉ thấy mình đang xách cái nắp lọ mực thôi. Thế là chị em tôi lại phải lọ mọ pha lại lọ mực khác vì lọ mực pha sẵn lúc đó khá đắt so với tự mua hạt mực về pha.

Nhiêù lúc tôi thèm có được cây viết bi đến phát khóc mà cha mẹ nghèo quá, nhà lại đông anh ewm nên phải đến lớp ba tôi mới có được một cây. Tôi quý cây bút bi đó lắm, nâng niu như báu vật và xài cho tới tận lớp 5 vì hết mực lại đi bơm.

Có thể nói đó là thời kỳ nền tảng mà tôi rất yêu mến và tự hào vì đã giúp tôi trau dồi, rèn luyện bản thân để trở thành giáo viên đại học từ năm 25 tuổi.

Tôi nghĩ cái gì thành công đều phải trải qua thất bại thì thành công nới bền và rực rỡ. VN kể từ thời mở cửa đến giờ chưa hẳn là đã thành công rực rỡ nhưng thời bao cấp vẫn là một thời kỳ hết sức đáng trân trọng.

Tôi không quan tâm nhà nước VN có đánh bóng tên tuổi hay không hay có đồng sàng dị mộng với LHQ không nhưng tôi chắc chắn đó là thời mà chúng ta cần phải xem lại để rút ra những gì sai và những gì hữu ích cho dân VN, cho người VN và cho giới trẻ ngày nay có lối sống đúng đắn hơn.

Dinh Huong, Nuremberg, Đức
Tôi có cô bạn thân cũng được bố mẹ bàn giao tem phiếu sổ gạo từ lúc 8,9 tuổi. Sau một thời gian “nằm gai nếm mật” ở cửa hàng thực phẩm nó phát hiện ra có những quyển sổ gì màu nhiệm lắm, chỉ cần giơ lên là không phải xếp hàng.

Sau khi lân la hỏi ngọn nguồn, nó phụng phịu chạy về hỏi bố: “Sao bố không là thương binh liệt sỹ để con khỏi khổ” làm cả nhà được một trận cười vỡ bụng.

Nhưng con bé vốn sáng dạ, ngay tối hôm ấy nó để ý là quyễn sổ màu nhiệm ấy trông cũng không khác cái thẻ đoàn viên của chị nó là mấy. Thế là từ đó tuy bố nó không phải thương binh liệt sỹ, nhưng nó cũng chẳng mấy khi phải xếp hàng.

Thật may lên Thanh Xuân tôi mới quen nó, nếu không tuổi thơ tôi chẳng được gắn bó với cái cửa hàng thực phẩm Đặng Dung đến thế!

Người miền Đông
Theo tôi cuộc triển lãm này cho thấy ông Liên Hiệp Quốc cùng với mấy ông nước ngoài và mấy ông cai trị dân VN đang đồng sàng dị mộng. Một đàng thì muốn người dân VN ý thức rằng một cơ chế cai trị bao cấp thì đời sống nhân dân vô cùng cơ cực, một đàng lại muốn dân mình mê muội là nhờ đảng đổi mới mà hôm nay cuộc sống dễ thở hơn, mọi thứ vật chất đều khác hơn, tốt hơn, và sung túc hơn.

Mẹ tôi nói: “Mấy ông ấy không bao lại thì lúc bấy giờ dân đâu có thiếu thốn đến thế”. Tôi còn nhớ ở Sài Gòn khi ấy tôi học lớp một,nhiều hôm khoảng 8 rưỡi,9 giờ tối con cái thường phải thay bố mẹ đem sổ thực phẩm ra xếp hàng trước cửa hàng thực phẩm của phường chờ xe cá, xe rau về, khóm tổ nào cũng râm ran bà con gọi nhau đi mua thực phẩm.

Có hôm xe về gần nửa đêm, có đêm xe không về kịp, cá thì luôn bị ươn, rau thì thường bị úng. Hồi ấy con nít ít bị tù túng trong nhà, cha mẹ bận lao động, con cái bận xếp hàng, riết rồi khôn lấy gạch, lấy đá, lấy ống lon để xí chỗ, nhưng rồi cũng sinh đốn, đánh nhau, cãi nhau, nói tục, và nhái những bài ca cách mạng thành ngôn từ phản động.

Sáng đến trường thì một củ khoai không đủ no, trả bài thì không thuộc, nghe cô giảng thì ngủ gục. Bởi thế đổi mới 20 năm rồi mà vẫn ngu, cứ tưởng nhờ thế mới có vi tính, có TV màu, có điện thoại cầm tay, có xe Dream, có ăn có mặc … hơn người.

Thấm Lai
Sau ngay cái “đêm trước” nặng nề, khó thở… thì mặt trời đổi mới ló dạng. Người mừng rỡ thì nhiều, người lo lắng cũng không ít… Cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới có bao giờ đơn giản. Nhưng những kết quả tức thời đã đến thật ngoạn mục…

Địa phương tôi có một xưởng xà phòng, tên chính hiệu là “kem giặt”. Sản xuất từ nguyên liệu dầu rái, loại dầu lấy từ thân cây dầu trong rừng trộn nước tro. Sản phẩm làm ra có màu nâu đen, sền sệt, mùi ngai ngái. Đám trẻ ngày nay thấy nó chắc không dám sờ tay vào. Vậy mà sản xuất ra bao nhiêu, giao cho “thương nghiệp cấp ba” phân phối sạch…

Địa phương tôi cũng có một xí nghiệp nước giải khát, những chai “bia” xuất xưởng từ nước giếng, một ít cồn và khí CO2, nút chai thu nhặt từ lon sữa bò, đóng nút vội vã bằng “máy” nhấn cơ bắp. Hàng ra bao nhiêu tiêu thụ sạch…

Còn nữa, xí nghiệp thuốc lá, mỗi công nhân ngồi xe thuốc trên một “máy”. Cái “máy” bằng gỗ trông tựa cái ghế lót mông của mấy bà ngoài chợ. Sản phẩm ra bao nhiêu, giao cửa hàng thương nghiệp bán sạch… Và còn nhiều xí nghiệp nữa…

Khi bình minh đổi mới sắp đến, vị lãnh đạo địa phương phán với đám cán bộ trẻ chúng tôi: “Nông sản chúng ta thu mua không được vì giá nâng cao, hàng hóa các địa phương bạn có chất lượng tốt tràn về, giá lại rẻ, công nhân chúng ta sẽ thất nghiệp. Chúng ta sắp đói khổ đến nơi rồi…”!

Ngày ấy chúng tôi chia sẻ nỗi lo lắng cùng ông. Giờ thì ngẫm nghĩ, buồn cười quá, địa phương tôi ngày càng giàu lên. Cho nên có người nói chúng ta mà hòa nhập vào thế giới, vào WTO, công nhân chúng ta sẽ thất nghiệp, chúng ta sắp đói khổ đến nơi rồi… Tôi không còn tin như vậy nữa…

H Nga, Anh
Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi về thời kỳ bao cấp có lẽ là đi xếp hàng mua gạo và bánh mỳ. Trẻ con sáu bảy tuổi đã bị huy động đi xếp hàng để bố mẹ còn đi làm việc khác. Vì xếp gạch không có ai trông thì không yên tâm, dễ bị người khác quăng đi.

‘Ấn tượng’ xấu nhất có lẽ là vẻ mặt và giọng nói của các cô bán hàng gạo. Dường như các nhân viên đó hiểu rõ được tầm quan trọng của mình, nên cô nào cô nấy giọng cao hơn người thường vài quãng tám.

Còn khổ nhất có lẽ là cảnh con bé tám tuổi đẩy chiếc xe đạp trên có bao gạo gần hai chục cân từ cửa hàng về nhà. Loạng choạng tới nơi, chưa kịp khoe mẹ thì đã phải mếu vì bao gạo thủng, vơi đi gần nửa. May mà không ăn mấy bạt tai!

Ẩn danh
Với người Việt Nam chuyện ‘tố khổ’ luôn là cách để kết nối bạn bè, khiến câu chuyện trở nên thân thiết, gần gũi nhưng khi chính nhà nước đứng ra nhắc lại thời Bao Cấp nhằm ngầm tự khen bây giờ đã khá hơn nhiều, người ta dễ rơi vào tình trạng khen sự ngu dốt của chính hệ thống hồi đó.

Kể khổ do ngoại cảnh gây ra như thiên tai, chiến tranh thì dân tộc nào cũng có, nhưng gợi lại thời Bao Cấp ở Việt Nam không khiến người ta phải hỏi: Ai bảo lãnh đạo hồi ấy dốt nát đến như thế thì ráng mà chịu, kêu gì.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2006/06/printable/060620_baocap_trienlam