Cập nhật 4 giờ trước

Một nhóm nghiên cứu ở Nhật Bản cho biết, trong số 4 bệnh nhân được cấy ghép loại tế bào gốc đặc biệt để chữa trị chấn thương tủy sống, 2 người đã có dấu hiệu phục hồi chức năng vận động.
Hôm thứ Sáu, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Keio và các tổ chức liên quan cho biết đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới mà phương pháp điều trị sử dụng tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) giúp cải thiện triệu chứng của bệnh nhân bị chấn thương tủy sống.
Trong nghiên cứu lâm sàng này, nhóm trên đã cấy 2 triệu tế bào gốc iPSC cho 4 bệnh nhân bị mất khả năng vận động và cảm giác do chấn thương tủy sống, sau đó đánh giá mức độ phục hồi chức năng vận động một năm sau khi cấy ghép.
Họ cho biết một người đàn ông lớn tuổi – bị thương trong một vụ tai nạn – đã có thể tự đứng mà không cần hỗ trợ, đồng thời bắt đầu tập đi. Điểm chức năng vận động của ông đã tăng từ mức A, mức thấp nhất, lên mức D trong thang điểm từ A đến E.
Điểm chức năng vận động của một bệnh nhân khác cũng tăng hai bậc lên mức C. Dù vẫn chưa thể đứng dậy, người này đã có thể tự ăn uống. Hai bệnh nhân còn lại không cho thấy có dấu hiệu cải thiện chức năng vận động.
Các nhà nghiên cứu cho hay, cả 4 bệnh nhân đều không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về sức khỏe sau khi được điều trị.
Nhìn chung, bệnh nhân bị chấn thương tủy sống đôi khi có thể cải thiện chức năng vận động nhờ phục hồi chức năng, nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó có thể phục hồi được hai bậc từ mức A, mức thấp nhất.
Các nhà nghiên cứu khẳng định đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới ghi nhận bệnh nhân chấn thương tủy sống phục hồi chức năng vận động nhờ sử dụng liệu pháp iPSC.