Nhà đầu tư Trung Quốc ‘dồn’ 135 tỷ pound mua cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp… của Anh
Theo một cuộc điều tra của Sunday Times, quy mô đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Điều tra cho thấy 40% trong số 200 khoản đầu tư đã được phát hiện kể từ năm 2019 trong bối cảnh mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư số tiền lên tới 135 tỷ bảng Anh để mua các doanh nghiệp, trường học, tài sản và cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh. Trong số 135 tỷ bảng Anh này, ít nhất 44 tỷ bảng đến từ các thực thể thuộc sở hữu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tuy nhiên, tờ Sunday Times cũng lưu ý rằng giá trị của “hàng chục các khoản đầu tư” là không thể xác định. Do đó quy mô thực sự của việc Trung Quốc xâm nhập vào Anh có thể cao hơn nhiều so với mức 135 tỷ bảng Anh đã được tờ báo này xác định.
Trong điều tra, các công ty hoặc nhà đầu tư từ Trung Quốc được tiết lộ đã sở hữu cổ phần trong các dự án cơ sở hạ tầng như Thames Water, sân bay Heathrow và Mạng lưới điện của Vương quốc Anh. Người Trung Quốc cũng đã mua khoảng 57 tỷ bảng Anh cổ phiếu trong các công ty FTSE 100 (100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London) cũng như tài sản trị giá 10 tỷ bảng trên khắp nước Anh.
Cựu lãnh đạo đảng Tory, Duncan Smith, nhận xét: “Ngày nay, bằng chứng này cho thấy mức độ nguy hiểm trong việc tiến tới sự kiểm soát của Trung Quốc trong các khía cạnh quan trọng trong hoạt động kinh doanh của chúng ta”.
Ông nói thêm: “Trung Quốc đặt ra mối đe dọa chiến lược lớn nhất, duy nhất đối với Vương quốc Anh và thế giới tự do và chúng ta phải đảm bảo mình hiểu chính xác cách Trung Quốc bắt đầu kiểm soát cơ bản các khu vực quan trọng của các nền kinh tế, không chỉ ở Anh mà còn ở nước ngoài”.
Người sáng lập và chủ tịch tổ chức nhân quyền Hồng Kông Watch, Benedict Rogers, mô tả kết quả cuộc điều tra này là “cực kỳ đáng báo động”. Ông nói: “Đây chính là lý do tại sao chúng ta cần khẩn cấp tách rời, chấm dứt sự phụ thuộc chiến lược và tháo gỡ khỏi nanh vuốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ông Rogers cho biết thêm: “Để cho [việc phụ thuộc vào ĐCSTQ] tiếp tục là điều ngu ngốc và vô cùng nguy hiểm”.
17 trường công lập, theo cách nói của Anh là thuộc sở hữu tư nhân chứ không phải nhà nước, cũng được xác định đã nhận đầu tư từ Trung Quốc. Theo Breitbart, một cuộc điều tra vào tháng 2 cho thấy các trường học ở Anh đang giới thiệu cho học sinh phiên bản về một Trung Quốc đã được “tẩy sạch”. Thậm chí, một trường còn công khai thừa nhận rằng mục đích ĐCSTQ đầu tư vào giáo dục Anh là để tuyên truyền cho sáng kiến toàn cầu Một vành đai, Một con đường của nó.
Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Brexit Nigel Farage cho biết “Về bản chất, đây không khác gì việc ĐCSTQ tiếp quản một phần khu vực giáo dục tư nhân của Anh”.
Các trường đại học ở Anh cũng bị giám sát chặt chẽ hơn khi hợp tác với chính quyền Trung Quốc để phát triển công nghệ vũ khí. Vụ bê bối đã khiến cơ quan tình báo nước ngoài MI6 của Anh mở cuộc điều tra đối với “một số trường đại học danh tiếng nhất trong nước” vì có thể vi phạm luật an ninh quốc gia.
Ước tính khoảng 200 viện sĩ Anh cũng được cho là đang bị điều tra vì cáo buộc chia sẻ bí mật công nghệ quân sự với Trung Quốc
Bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh về các vấn đề như hành động tàn bạo nhân quyền ở Tân Cương và vi phạm Tuyên bố chung Sino-Anh về Hồng Kông, Thủ tướng Boris Johnson được cho là vẫn đang tích cực tìm kiếm một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Bắc Kinh.
Phải chăng Anh Quốc đang bị đè nặng dưới áp lực của Bắc Kinh sau khi rời Liên Âu?