BBC News – 01/8/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Chủ tịch Tập muốn hiện đại hóa hơn nữa Quân Giải phóng Nhân dân, năm nay đã 96 tuổi
Trước dịp kỷ niệm 96 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (1-8, gọi tắt là Ngày Bát Nhất), một loạt tướng Trung Quốc được thăng quân hàm.
Cuối tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản phụ trách các lực lượng vũ trang, bổ nhiệm các cấp chỉ huy mới của Bộ Tư lệnh Tên lửa, gồm vũ khí hạt nhân.
Phó Tư lệnh Hải quân Vương Hậu Bân (Wang Houbin) lên làm tân Tư lệnh Lực lượng tên lửa, còn tướng Từ Tây Thịnh (Xu Xisheng) trở thành chính ủy mới của lực lượng này.
Cả hai đều được thăng lên quân hàm cao nhất của Quân Giải phóng là thượng tướng, vì Trung Quốc từ lâu nay không phong đại tướng.
Điều đáng chú ý là tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), tư lệnh lực lượng tên lửa bị mất chức có thể đang bị điều tra.
Một số báo châu Á cho rằng cả ông Lý và một số cấp chỉ huy cũ đã bị dính vào án tham nhũng, chỉ dấu cho thấy lực lượng mang tính chiến lược của Trung Quốc cũng không tránh khỏi “suy thoái” đạo đức. Nhu cầu “tẩy sạch” toàn bộ lực lượng phụ trách cả các tên lửa hạt nhân của Trung Quốc khiến Đảng Cộng sản phải đưa hai trung tướng ở những đơn vị khác về nắm bộ tư lệnh lên lửa.
Ông Vương từng là phó, rồi tư lệnh Hải quân Quân giải Phóng, còn ông Từ từng làm tư lệnh Khu vực Chiến tranh phương Nam.
Hiện đại hóa không hề dễ
Các báo trong vùng nói dịp 96 năm là lúc Quân Giải phóng nhìn lại chính mình.
Nguồn hình ảnh, AFP
Chụp lại hình ảnh,
Authorities said China’s military had been “severely humiliated” by a stand-up comedian’s joke
Những phúc trình nội bộ của Trung Quốc từ 2022 cho thấy tình hình là việc cắt giảm bộ binh (trên hai triệu quân, ngân sách trên 200 tỷ USD/năm) không đi cùng nhịp với việc tăng cường sức chiến đấu của các quân binh chủng hiện đại như Hải quân, Tên lửa.
Trung Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển đồng bộ năng lực chiến tranh hiện đại, được hiểu như là sự phối hợp nhịp nhàng của tên lửa, hải quân và không quân, với trọng tâm sức mạnh tập trung vào hàng không mẫu hạm.
Một bài trên báo Ấn Độ gần đây cho rằng Hải quân Quân Giải phóng (PLA Navy) đang thiếu nhiều phi công cho những chiến đấu cơ tác chiến từ hàng không mẫu hạm.
Tác giả NC Bipindra viết trên EurasiaTimes rằng Trung Quốc đang kêu gọi cả những thanh niên nam và nữ tốt nghiệp đại học ngành công nghệ gia nhập đội ngũ phi công.
Dù Trung Quốc đã chế ra phi cơ J-5 chuyên đóng trên hàng không mẫu hạm, việc bay thử và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu còn gặp không ít vấn đề. Một trong số đó là tổ chức quân đội, tính giải trình yếu, dẫn tới công tác huấn luyện kém và “mở đường cho tham nhũng”, bài báo viết.
Trả lời BBC News (31/07), Lyle Morris, một chuyên gia về an ninh và chính sách ngoại giao ở Viện Asia Society Policy Institute đánh giá việc thay tư lệnh tên lửa là rất quan trọng, vì “nhiệm vụ chưa hoàn thành, và ông Tập còn lo ngại về nạn tham nhũng, cùng sự trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản. Đây là những điều chưa đạt được.”.
Chưa kể công nghệ vũ khí của Trung Quốc bị “tiếng xấu” sau một loạt sự cố ở nước ngoài.
Tác giả NC Bipindra người Ấn Độ viết rằng các hợp đồng bán tàu chiến, chiến đấu cơ cho bạn hàng ở Nam Á đang bị đặt câu hỏi.
Ví dụ tàu ngầm lớp Minh (Ming-class Type 035G submarines – Trung Quốc đặt hệ số cho tàu chiến, tàu ngầm theo tên các triều đại phong kiến) của Bangladesh mà Trung Quốc sản xuất, đều “gặp vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng và chờ sửa chữa.
Hai chiếc mà Bangladesh đặt tên là BNS Nobojatra và BNS Joyjatra, thuộc loại hàng mới ra lò năm 2017 mà đã hỏng hóc, tương tự như một tàu frigate (Type 053H3) cũng do Trung Quốc chế tạo, đang bị hỏng cả hệ thống điều khiển vũ khí, gây đau đầu cho Hải quân Bangladesh.
Nguồn hình ảnh, AFP
Chụp lại hình ảnh,
Một khu trục hạm Type 052D của TQ
Cùng lúc, Pakistan gặp vấn đề với loạt phi cơ JF-17 và drone nhãn hiệu Wing Loong II của Trung Quốc.
Nepal vừa phải ngưng hoạt động sáu chiếu máy bay “Made in China” vì bảo hành quá tệ.
Có đánh nổi Đài Loan hay không?
Một trong những mục tiêu Chủ tịch Tập đặt ra cho Quân Giải phóng là tăng cường tính chiến đấu để sẵn sàng “thu hồi Đài Loan”.
Mặc dù báo chí quốc tế liên tục đăng tin về các chuyến bay, các cuộc thử bao vây đường biển của Trung Quốc với đảo Đài Loan, giới chuyên gia không tin rằng một cuộc tấn công thủy bộ không quân hỗn hợp có thể xảy ra sớm.
Trang Foreign Policy hôm 13/04 vừa công bố một điều tra dư luận của 354 nhà quan sát quân sự, cho biết không ai trong số họ nghĩ Trung Quốc đổ bộ đánh Đài Loan vào năm 2024.
FP cho rằng chỉ có 23,75 % khả năng Bắc Kinh mở cuộc tấn công trực diện nhằm vào Đài Loan trong năm tới.
Một trong những lý do mà các nhà phân tích quân sự đã nêu là tinh thần chiến đấu của “đội quân con một” ở Trung Quốc không cao và khả năng phối hợp liên binh chủng cho một cuộc đổ bộ mang tính thế kỷ là chưa trong tầm tay của Quân Giải phóng.
Tác giả NC Bipindra cũng nêu vấn đề “ý chí chiến đấu thấp” của quân Trung Quốc, qua vụ một số quân nhân Trung Quốc bị thiệt mạng trong trận “đấu gậy và đá” với quân Ấn Độ ở đỉnh Galwan, Hymalaya tháng 6/2020.
Sau đó, trong trận đấu nhau giành đỉnh Ladash, quân chính quy TQ đã bỏ chạy trước sức tấn công khôn ngoan và dũng cảm của lính sơn cước thuộc lực lượng địa phương của Ấn Độ.
Ngày Bát Nhất là lễ kỷ niệm thành lập quân đội Trung Quốc cộng sản 1/08/1927 sau Khởi nghĩa Nam Xương dưới sự chỉ huy của Hạ Long và Chu Ân Lai, lãnh đạo các đơn vị công nông chống lại bộ đội Quốc Dân Đảng.