Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng 4, những người ở thế hệ thứ nhất và một rưỡi đều nhớ những ngày chạy giặc miền Bắc, nhớ “kinh tế mới”, nhớ “trại tập trung”, nhớ ” đánh tư sản mại bản”…; và nhớ sóng gió đại dương, nhớ hải tặc, nhớ hiếp dâm, nhớ những ngày dầm mình dưới biển hàng tháng để trốn khỏi bị hải tặc hiếp dâm ngoài hoang đảo, nhớ cảnh vợ, con gái bị hải tặc hiếp, chồng, cha chống cự thì bị đập chết quăng xác xuống biển…Sau 46 năm những hình ảnh kinh hoàng ngày cũ vẫn còn ám ảnh đối với người Việt tị nạn trong tâm tư bàng hoàng và đau xót… Nghe
Tất cả hình ảnh đó dường như đang xảy ra trong phút giây chúng ta đang sống. Tiếng súng như vẫn còn nghe. Ngọn lửa như vẫn còn đang nóng. Đứa bé nằm trên bụng mẹ ngậm núm vú lạnh tanh không còn một giọt sữa mà không biết mẹ mình đã chết từ lâu, trong một bức ảnh đăng trong một tờ báo Mỹ, nay đã 46 tuổi. Và chúng ta, những người Việt Nam may mắn còn sống sót, vẫn như em bé kia, đang ngậm nỗi buồn nơi đất khách. Dù tự an ủi bằng bao nhiêu bài thơ, bài hát chuyên chở niềm tin và hy vọng, bao nhiêu tuyên ngôn, tuyên cáo khẳng định lập trường thì giấc mơ Việt Nam về một buổi sáng đẹp trời cho dân tộc vẫn còn là một giấc mơ.
Trong 46 năm qua, nếu không có nhiều tỉ dollar hàng năm gởi về từ những người một thời đã bị chế độ nguyền rủa, trù ẻo để bị chết trôi, chết chìm trên biển Đông và bây giờ là khúc ruột ngàn dặm của chế độ thì nền kinh tế Việt Nam còn tệ hại đến mức nào. Ba triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cùi bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”. Nếu họ được giáo dục bằng hận thù giai cấp, bằng sắc máu đấu tranh như những người Cộng Sản thì nền kinh tế Việt Nam ngày nay có thể vẫn còn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia nghèo đói hàng năm của Liên Hiệp Quốc. Khi nhắc đến những đổi thay kinh tế tại Việt Nam, một yếu tố quan trọng khác cũng cần lưu ý là những cái mới đó thuộc về ai. Hãy bước ra đường hỏi người lái chiếc xe hơi đắt tiền kia ông là ai, bà là ai. Hãy bước vào trụ sở hội đồng bộ trưởng để hỏi các ông bà ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng, với cấp số lương mà một cán bộ cao cấp của chế độ đã từng than thở “Lãnh đạo Việt Nam là những người nghèo nhất” thì làm sao các ông, các bà có dư hàng trăm ngàn dollar để lo cho con sang Mỹ học. Sẽ không ai trả lời. Đơn giản bởi vì chẳng một kẻ cướp nào muốn thừa nhận mình là cướp, nhất là cướp từ những người cùng khổ nhất trong xã hội. Hãy bước ra đường hỏi người phu đang cong chiếc lưng hốt từng đống rác, bao nhiêu chiếc chổi đời đã quét xuống lưng ông. Hãy vào những con hẻm tối hỏi các em thanh niên nam nữ tuổi hai mươi đang bán á-phiện, ma túy, làm điếm trên những công viên tăm tối hay đang tự giết đời mình bằng những cuộc đua xe bạt mạng trên đường phố, hoài bão của các em về cuộc sống hôm qua, hôm nay và mai sau rồi sẽ ra sao. Họ có thể cũng không trả lời. Không phải họ không muốn nói nhưng như một Mục Sư làm công việc thiện nguyện tại Việt Nam đã viết: “Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay không biết định nghĩa của hai chữ hoài bão là gì”. Một dân tộc mà thế hệ hai mươi không có một hoài bão cho đời mình, dân tộc đó sẽ đi về đâu? Một dân tộc với 65 phần trăm tuổi trẻ nhưng không có một cơ hội để tiến thân, sống trong hoang phí, sống như những tử tù đang chờ chết thì tương lai của họ sẽ về đâu?
Đế quốc CS Liên Xô sụp đổ từ lâu nhưng trên đường phố Hà Nội vẫn còn treo khẩu hiệu “Chủ Nghĩa Mác-Lênin Vô Địch Muôn Năm” để mừng ngày đại hội đảng. Thật là chuyện mỉa mai, buồn cười và ngu xuẩn vượt thời gian. Hiểu được điều này chúng ta sẽ thấy tại sao các thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay không còn quan tâm đến trường học, không biết chọn một hướng đi cho đời mình. Làm sao các em có thể thấy hướng đi khi bị nhồi sọ bằng những lý thuyết viễn vông mà nhân loại đã xếp vào ngăn tủ từ bao nhiêu năm trước. Làm sao các em có thể thấy tương lai, hiểu được tình người, khi cả tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành bị nhào nặn bằng những tư tưởng hận thù giai cấp, bóc lột, đấu tranh. Chúng ta đều biết đến thảm trạng tại Việt Nam nhưng ai sẽ là những người chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước tòa án lương tâm của dân tộc Việt Nam sau này?
Đối với tuyệt đại đa số người Việt yêu chuộng tự do, câu trả lời rất dễ dàng. Thủ phạm đã gây ra những điêu linh tang tóc, nghèo nàn lạc hậu, làm mất nhân phẩm của người Việt, đầu độc các thệ trẻ Việt Nam, hủy diệt mọi mầm xanh đang cố gắng vươn lên của dân tộc, không ai khác hơn là giới lãnh đạo CSVN. Đảng CSVN sau 46 năm vẫn còn tiếp tục trấn áp nhân dân Việt Nam bởi vì, ngoài nhà tù và sân bắn, họ cũng đã được dung túng, bao che, thờ ơ và thỏa hiệp. Và những người đã thờ ơ, dung túng cho Cộng Sản trong 46 năm qua không ai khác hơn là những người Việt Nam có quyền hạn tinh thần, có trách nhiệm xã hội, có kiến thức văn hóa, có lương tâm tôn giáo nhưng đã vì quyền lợi cá nhân, tổ chức, tôn giáo riêng mà làm ngơ trước đau thương của đất nước.
Câu nói của ông Võ Văn Kiệt, ngày 30 tháng 4 “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” có lẽ là câu nói tích cực nhất mà chúng ta được nghe từ một người từng đóng vai trò lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam trong một thời gian dài sau 1975. Ông đã góp phần tạo nên một môi trường thảo luận những vấn đề sinh tử của đất nước mà trước đây không có được. Các thế hệ trẻ Việt Nam, qua những lời phát biểu của ông, có cơ hội biết đến một quãng lịch sử dân tộc đen tối do chính một trong những người chịu trách nhiệm lớn nhất của đảng và nhà nước trong giai đoạn đó kể ra. Con đường mà dân tộc đã trải qua trong suốt hơn 46 năm không phải là “con đường vinh quang” như các em đang học ở trường, những ngày mà cha chú các em đã sống không phải là “những ngày đẹp nhất dù mai sau đời vạn lần hơn”, nhưng là con đường nhuộm bằng máu và nước mắt, trong đó, “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt đã nhắc lại. Hòa giải hòa hợp là con đường hai chiều, là chiếc cầu nhiều nhịp phải dựa trên nền tảng bình đẳng, tự do, dân chủ. Không ai có quyền bắt người khác phải bơi qua sông để hòa giải với mình. Những người lính miền nam cần công lý chứ không cần thương xót.
Lý do bỏ nước ra đi thật đơn giản trong số hơn hai triệu người sau 30-4 -1975. Họ ra đi sau 1975 là vì tự do. Nếu Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Đông Nam Á không đóng cửa các trại tỵ nạn đầu thập niên 90 thì không chỉ 2 triệu mà có thể 4 triệu, 6 triệu hay nhiều hơn nữa đã bỏ xứ ra đi. Quê hương Việt Nam sau 1975 là quê hương để nhớ để thương chứ không phải để sống. Trong suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo trong bài viết Đừng Thêm Những Tháng Tư: “Một dân tộc mà lũ trẻ không biết mơ mộng và người già không biết sám hối, đó là một dân tộc bất hạnh. Hãy trân trọng sự sám hối.” và “Hòa giải là nguyện vọng cấp thiết của người Việt Nam dù trong hay ngoài nước”.
Đúng vậy, những ai có trách nhiệm cho điêu tàn, đổ nát, đói nghèo, lạc hậu, mất đất, mất biển phải sám hối trước tiên linh ông bà và xin lỗi trước nhân dân.
Trải qua một cuộc chiến dài với quá nhiều những hy sinh xương máu, chúng ta tin rằng không một người Việt Nam yêu nước nào không muốn sống trong cảnh hòa bình, không mong đất nước mình cường thịnh, hội nhập vào dòng phát triển của cộng đồng nhân loại. Không chỉ những người lính miền nam, người dân miền nam mà ngay cả những người lính miền bắc, người dân miền bắc, cũng chỉ mong có cơ hội được trở về căn nhà xưa, với ruộng lúa nương dâu, với cha mẹ già đang chờ đợi.
Cuối cùng, như các chúng ta thấy, không ai thương dân tộc Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Bên trong những vòng hoa chiến thắng, mặt trái của những tấm huân chương là máu thịt của hàng triệu người Việt Nam đổ xuống, là đói nghèo lạc hậu. Việt Nam phải vượt qua. Việt Nam phải thăng tiến. Nhưng chướng ngại lớn nhất trên con đường dẫn tới một tương tốt đẹp, tự do, dân chủ, giàu mạnh không phải vì thiếu hòa giải, hòa hợp mà quan trọng hơn vì cơ chế độc tài đảng trị như một bức tường đang chắn ngay trước lối đi lên.
Một khi cơ chế độc tài sụp đổ, hòa giải hòa hợp tự nhiên sẽ đến dù lúc đó chưa chắc còn cần thiết nữa.
Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết còn là ngày để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm nay. Mỗi người Việt Nam có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng CSVN. Tương lai dân tộc không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng CSVN. Sinh mệnh dân tộc Việt Nam do chính nhân dân Việt Nam quyết định. Và do đó, con đường chung để đến một điểm hẹn lịch sử huy hoàng cho con cháu, chính là con đường dân tộc dân chủ và không có một con đường nào khác.