Đăng ngày: 10/02/2025 – 12:32Nghe – 09:35 – RFI tiếng Việt
Việt Nam tinh giản bộ máy Nhà nước xuống còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, trong đó có 6 bộ mới. Cơ cấu, tổ chức mới của bộ máy sẽ được Quốc Hội thông qua trong kỳ họp bất thường từ ngày 12-18/02/2025. Truyền thông nước ngoài đánh giá một bước đi “táo bạo” của chính quyền Việt Nam trước những thách thức kinh tế mới. Giới chuyên gia và quan sát quốc tế cũng nhận thấy quyền lực cá nhân ngày càng lớn của tổng bí thư Tô Lâm trong đợt cải cách này.
“Cuộc cách mạng tinh gọn” được tổng bí thư Tô Lâm phát động cuối năm 2024, mà theo hãng tin Reuters, một trong những nguyên nhân là sự bất mãn ngày càng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài về tình trạng trì trệ trong phê duyệt dự án, ít nhiều liên quan đến công cuộc “đốt lò” của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Trang DW của Đức ngày 17/12/2024 lưu ý “cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy” không phải là chuyện chưa từng có, ví dụ từ 36 bộ trong những năm 1990 đã bị giảm xuống còn 22 cho đến năm 2021, nhưng lần này diễn ra chỉ khoảng một năm trước Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Tô Lâm được cho là hy vọng tiếp tục giữ chức tổng bí thư và “có ý định đưa những người thân cận vào các vị trí chủ chốt”, theo nhận định của nhà cựu ngoại giao Mỹ David Brown.
Ngoài ra, khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 07/02/2025, giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé tại Viện IRSEM, Trường Quân Sự Pháp, còn lưu ý đến ảnh hưởng ngày càng lớn của an ninh trong bộ máy Nhà nước mới : Không một bộ nào liên quan đến an ninh bị thay đổi hay sáp nhập.
RFI : Tổng bí thư Tô Lâm đã thành công trong một cải cách lớn mà người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng không làm được : tinh gọn bộ máy hành chính, được coi là Cuộc « Đổi mới lần 2 », một cơ hội cho đất nước. Quá trình này có tầm quan trọng như thế nào cho những tham vọng phát triển của Việt Nam ?
Benoît de Tréglodé :
Trước tiên, tôi thấy đây là một cuộc cải cách rất quan trọng để suy ngẫm lại về vị trí của Nhà nước, tinh gọn bộ máy mà như chúng ta biết là ở Việt Nam vẫn khá nặng nề, cồng kềnh, đôi khi cực kỳ kém hiệu quả và theo cách nào đó, vẫn dung dưỡng từ bên trong nạn tham nhũng lan tràn toàn bộ xã hội Việt Nam. Do đó, cuộc cải cách lần này, do ông Tô Lâm thúc đẩy, phần nào đó cũng giống như cuộc cải cách do người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng tiến hành trong cuộc chiến chống tham nhũng với công cuộc “đốt lò”.
Dân thường, người trần mắt thịt chỉ có thể hoan nghênh cuộc cải cách này, được coi là tốt cho tiến trình hiện đại hóa đất nước. Giống như ông Nguyễn Phú Trọng với cuộc chiến chống tham nhũng, ông Tô Lâm hiện giờ có thể giải thích rằng tinh gọn bộ máy Nhà nước để giúp đất nước đối phó với những thách thức kinh tế phía trước. Nhưng cần phải nhớ rằng ẩn sau những phát biểu hùng hồn đó, công cuộc cải cách cũng thường phục vụ cho những mục tiêu khác.
Khi tôi còn sống ở Việt Nam, với những người bạn Việt, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng nền hành chính ở Việt Nam là kiểu kết hợp nào đó giữa chính quyền Liên Xô và chính quyền Pháp. Đó là lời nói đùa khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi. Người ta thừa biết hầu hết các vị trí lớn trong chính quyền là phải bỏ tiền ra mua và tình trạng này tạo ra các hành vi tham nhũng để thu lại lợi nhuận từ “vốn đầu tư”. Có thể thấy căn bệnh cố hữu vẫn còn đó trong hệ thống và bộ máy hành chính Việt Nam.
- Đọc thêm : Chống tham nhũng trên thượng tầng : Việt Nam không để tác động đến lực hút đầu tư nước ngoài
Bây giờ, cùng nhìn xem quá trình tinh giản này có ý nghĩa như nào ? Những bộ nào bị biến mất hoặc bị sáp nhập ? Không đi sâu vào chi tiết nhưng điều thú vị là người ta thấy những bộ bị xóa hoặc bị sáp nhập đều liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, kế hoạch, phát triển, thương mại – những cơ quan tạo ra mối liên hệ lâu dài với đầu tư nước ngoài, với sự phát triển kinh tế của đất nước… Song song đó, những bộ không hề bị động tới trong đợt tinh giản lần này đều liên quan đến an ninh, như bộ Quốc Phòng và nhất là bộ Công An, hoàn toàn nằm ngoài và thậm chí còn là bên thắng lớn trong cuộc cải cách hành chính này.
Do đó, cũng cần nhớ rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này cũng là một hành động chính trị mạnh mẽ của ông Tô Lâm để củng cố quyền lực, chỉ vài tháng sau khi ông giữ chức tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Và điều này không hề dễ dàng và đẹp đẽ như những lời hoa mỹ được đưa ra.
RFI : Liệu thông qua cuộc cách mạng tin gọn bộ máy Nhà nước lần này, có thể thấy được thành công và quyền lực cá nhân của tổng bí thư hiện nay ?
Benoît de Tréglodé : Cần phải uyển chuyển trong kiểu phân tích như này. Chương trình tinh giản bộ máy hành chính mà ông Tô Lâm mong muốn được dựa trên một số nhu cầu nhất định để bộ máy Nhà nước có thể chuẩn bị cho những thách thức kinh tế trong những năm tới. Đó là một thực tế.
Thứ hai, quá trình tinh giản lần này là một cuộc cải cách lớn, diễn ra ngay năm trước kỳ Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam, theo dự kiến là tháng 01/2026. Như tôi đã nói, đợt tái tổ chức này còn củng cố hơn nữa ảnh hưởng của các cơ quan an ninh trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, qua đó, tổng bí thư Tô Lâm cũng thấy cơ hội để giữ vững quyền lực, để tách những đối thủ tiềm tàng có thể có quanh ông trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội đảng sắp tới. Điều này cũng củng cố cho việc, mà tôi tin từ nhiều năm qua, rằng mục tiêu của ông Tô Lâm là tiếp tục giữ chức tổng bí thư sau đại hội tới. Và để làm được điều đó, phải chắc chắn là ít bị tranh cãi ngay trong bộ máy Nhà nước.
RFI : Tháng 08/2024, tổng bí thư Tô Lâm phát biểu : “Không vì đẩy mạnh chống tham nhũng mà cản trở phát triển kinh tế”. Liệu có phải đây sẽ là hai chương trình lớn của ông trước kỳ Đại hội đảng sắp tới ?
Benoît de Tréglodé : Cần phải đặt lịch sử của đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986 trong đúng bối cảnh. “Câu thần chú” của đảng để có thể tiếp tục tính chính đáng và củng cố uy tín của đảng trong dân từ hơn 30 năm qua là thúc đẩy toàn bộ người dân Việt Nam làm giàu. Tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam với hơn 100 triệu dân, đã thực sự bùng nổ từ 20 năm qua và đã giúp đảng chính trị duy nhất ở Việt Nam củng cố quyền lực và cũng giúp duy trì những chỉ trích khá nhẹ nhàng trong xã hội.
Chúng ta thấy rõ điều này. Theo những cuộc thăm dò dư luận mới nhất được tiến hành ở các nước trong vùng, đa số người Việt cho rằng sự cởi mở hơn về chính trị – thường được gọi là “dân chủ” – không phải là một yêu cầu thực sự hiện nay và những gì đang diễn ra trong nước dưới sự lãnh đạo của đảng có thể mang lại sự thịnh vượng cho Việt Nam và tiếp tục quá trình phát triển của đất nước. Có thể thấy là có một thách thức lớn liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ mới này, được coi là nhiệm vụ chính của đảng. Đảng hiểu rõ điều này từ hơn 30 năm qua. Không có chuyện tách rời các mục tiêu chính trị, ý thức hệ với sứ mệnh theo đuổi sự phát triển kinh tế của đất nước và đấu tranh chống nạn tham nhũng trầm trọng. Ông Tô Lâm đã nói rõ mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2025 là 8%, sau khi đạt được hơn 7% năm 2024. Mục tiêu kinh tế đầy tham vọng này, đó cũng là thách thức rất lớn cho đất nước và người dân. Và như thường lệ, đảng tự cho mình là người bảo đảm tốt nhất để có thể theo đuổi các mục tiêu đó.
Phải nhắc lại là không có sự tuyệt giao giữa sứ mệnh của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nặng về tư tưởng hơn và sứ mệnh của ông Tô Lâm, thực dụng hơn. Cho dù không thường xuyên hòa hợp với người tiền nhiệm, ông Tô Lâm vẫn được ông Nguyễn Phú Trọng ủng hộ và dần dần đưa vào vị trí người kế nhiệm tương lai. Chúng ta không quên là ông Tô Lâm, trước khi ông Trọng qua đời khoảng 8 tháng, đã nắm quyền kiểm soát Tiểu ban nhân sự, cũng như ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Những sự kiện đó là một quá trình diễn ra từ từ, không có sự đoạn tuyệt rõ ràng. Và những gì mà ông Tô Lâm đang làm hiện nay với chương trình tinh gọn bộ máy Nhà nước, cũng không nên coi đó là một sự đoạn tuyệt nào đó với công việc của người tiền nhiệm, mà ngược lại, đó là sự củng cố quyền lực, khá được cá nhân hóa, và sự xác nhận tham vọng của ông Tô Lâm để có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước với một bộ máy an ninh được tăng cường vào thời điểm ngay trước Đại hội sắp tới của đảng Cộng sản Việt Nam.
RFI : Với tất cả những diễn biến hiện nay, liệu chúng ta có chứng kiến những sự kiện bất ngờ khác từ nay đến lúc diễn ra đại hội đảng vào đầu năm 2026 ?
Benoît de Tréglodé : Vấn đề đối với các nhà nghiên cứu hoặc nhà quan sát là hiếm khi đoán trước được về điểm này, rất khó hình dung ra điều không thể tưởng tượng được. Nhưng rõ ràng là cuộc cải cách hành chính lớn hiện nay ở Việt Nam – ngoài những khó khăn có thể gây ra cho các công chức bị mất việc – được Trung Quốc ủng hộ rất rộng rãi. Bắc Kinh coi đó là một cuộc cách mạng đi đúng hướng và là một cuộc cải cách hữu ích để củng cố sức mạnh của đảng Cộng sản Việt Nam, giúp đảng duy trì vững chắc quyền lực.
Xin nhắc lại là tình hình hiện nay không phải là đoạn tuyệt hay một kiểu sự kiện bất ngờ diễn ra phá vỡ đà tiến mà ngược lại, đó là sự củng cố an toàn, được kiểm soát chặt chẽ của bộ máy Nhà nước xung quanh một nhân vật chuyên chế đang tự khẳng định theo cách này. Chúng ta nhớ đến vụ tai tiếng năm 2021, khi ông Tô Lâm còn ở bộ Công An, ăn tối trong một nhà hàng nổi tiếng ở Luân Đôn (Anh) với miếng bít tết dát vàng có giá cắt cổ. Vụ việc này được lan truyền và đưa tin rộng rãi ở Việt Nam. Thế nhưng qua đó cũng gửi đi một thông điệp đến người dân rằng có một người đứng trên mọi chỉ trích. Nhân vật quyền lực đó sẽ dẫn dắt Việt Nam trong kỉ nguyên tăng trưởng mới.
Điều thực sự quan trọng cần phải nhấn mạnh một lần nữa ở đây là điều mà chúng ta chứng kiến không phải là thời kỳ đoạn tuyệt, mà ngược lại, chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn củng cố và tập trung quyền lực.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện IRSEM, Trường Quân sự Pháp.
6 bộ mới : Bộ Tài Chính, trên cơ sở hợp nhất bộ Kế Hoạch và Đầu Tư và bộ Tài Chính ; Bộ Xây Dựng, trên cơ sở hợp nhất bộ Xây Dựng và bộ Giao Thông Vận Tải ; Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường, trên cơ sở hợp nhất bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và bộ Tài Nguyên Môi Trường ; Bộ Khoa Học và Công Nghệ, trên cơ sở hợp nhất bộ Khoa Học và Công Nghệ và bộ Thông Tin và Truyền Thông ; Bộ Nội Vụ, trên cơ sở hợp nhất bộ Nội Vụ và bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội ; Bộ Dân Tộc và Tôn Giáo trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Dân tộc.
Duy trì 8 bộ : bộ Quốc Phòng, bộ Công An, bộ Tư Pháp, bộ Công Thương, bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, bộ Ngoại Giao, bộ Giáo Dục và Đào Tạo, bộ Y Tế.
Và 3 cơ quan ngang bộ : Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.