Tin tức thế giới ngày Thứ năm 27 tháng 01 năm 2022 – Võ Thái Hà tổng hợp
Fed đảo chiều chính sách tiền tệ: tăng lãi suất và ngừng chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp vào tháng Ba
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu sau khi Tổng thống Joe Biden đề cử ông tiếp tục làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Fed trong một sự kiện tại Tòa Bạch Ốc hôm 22/11/2021. (Ảnh: Jim Watson / AFP qua Getty Images)
Trong cuộc họp báo trực tuyến gần đây, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed), ông Jerome Powell cho biết Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản của đồng USD trong cuộc họp định kỳ của Fed vào tháng Ba tới đây.
Theo tin từ Reuters, ngày 26/1 vừa qua, trong một cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết họ có khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng Ba. Fed cũng tái khẳng định kế hoạch ngừng việc mua trái phiếu vào tháng Ba. Ông Jerome Powell cam kết một cuộc chiến bền vững để chế ngự lạm phát.
Theo kỳ vọng của các nhà kinh tế, Fed có thể tăng lãi suất ít nhất 4 lần trong năm 2022, tuy nhiên các bước lãi suất tăng sẽ khá nhỏ và được thực thi theo lộ trình. Mặc dù vậy, việc Fed tăng lãi suất ngay trong quý 1/2022 đã sớm hơn nhiều so với các tuyên bố của Fed hồi đầu năm 2021, khi đó các quan chức của Fed không thừa nhận rằng lạm phát là vấn đề dài hạn của nền kinh tế, họ thậm chí dự định sẽ tăng lãi suất vào đầu năm 2023.
Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ đã xuất hiện kể từ tháng 2/2021 và kéo dài cho tới nay. Hàng loạt các chính trị gia của Mỹ, chuyên gia kinh tế thừa nhận rằng họ có ‘sai lầm’ trong nhận định về lạm phát. Lạm phát đã không tồn tại chỉ vì đứt gãy chuỗi cung ứng đẩy giá hàng hoá và năng lượng lên cao. Thực tế, các khó khăn từ nguồn cung là dài hạn, thêm vào đó, các xung đột địa chính trị gia tăng khiến dự trữ tăng trong khi nguồn cung co hẹp lại đã tác động sâu, rộng và lâu dài tới lạm phát. Chưa kể, chính sách tiền giá rẻ trong 4 thập kỷ không thể không có mặt trái. Lạm phát giá bất động sản và thị trường tài sản tài chính đã ngấm dần sang lạm phát tiêu dùng; dù rất chậm.
Phản ứng chính sách của Fed về lạm phát, nhìn lại lịch sử, có phần dè dặt và chậm chạp. Theo số liệu từ trang Trading Economics, trong 25 năm qua, chưa bao giờ khoảng cách lãi suất cơ bản và lạm phát của Mỹ lại lớn như bây giờ, ở mức 7%. Sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, khoảng cách lớn nhất giữa lãi suất cơ bản của Fed và lạm phát của nền kinh tế chỉ là 4,5%. Tương quan giữa lãi suất cơ bản của Fed và lạm phát của nền kinh tế Mỹ trong 25 năm qua; hiện tại hai chỉ số này có khoảng cách lớn nhất trong lịch sử và Fed không thể không tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát (Nguồn: Trading Economics)
Với mục tiêu đưa lạm phát về mức kế hoạch 2%, Fed buộc phải xoay chiều chính sách tiền tệ sớm hơn dự định. Bắt đầu từ tháng 2/2022, Fed sẽ tăng lượng nắm giữ chứng khoán kho bạc nhà nước lên ít nhất 20 tỷ USD và mua chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp giảm ở mức 10 tỷ USD mỗi tháng.
Fed bắt đầu chính sách giảm quy mô bảng cân đối kế toán, hiện đã tăng gấp đôi sau 2 năm, ở mức 8,9 nghìn tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, Fed dự định giảm lượng chứng khoán nắm giữ theo thời gian bằng cách điều chỉnh số tiền tái đầu tư cho các khoản thanh toán gốc nhận được từ chứng khoán được giữ trong Tài khoản Thị trường hệ thống Mở (SOMA).
Việc Fed tăng lãi suất, giảm nắm giữ tài sản tài chính (trái phiếu khu vực tư nhân), giảm dòng tiền bơm vào hệ thống dự báo sẽ tác động tới thị trường tài sản tài chính. Tuy nhiên, với các bước thắt chặt tiền tệ từ từ, thận trọng, các tác động với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thứ cấp, dòng tiền đầu tư gián tiếp khắp toàn cầu có thể chưa rõ nét; nhưng về cơ bản, thị trường tài sản tài chính Mỹ và toàn cầu 2022 sẽ khó khăn hơn trước các phản ứng chính sách của Fed và của các nền kinh tế lớn khác.
Thủ tướng Campuchia: Nếu có tiến bộ, chính quyền quân sự Myanmar được hoan nghênh tại ASEAN – Reuters
Ông Hun Sen, Thủ tướng Campuchia, hồi tháng 11/2021 (ảnh tư liệu).
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Ba 25/1 xác nhận rằng ông đã mời người đứng đầu tập đoàn quân sự cầm quyền ở Myanmar tham dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với điều kiện ông ta phải đạt được tiến bộ trong việc thực thi kế hoạch hòa bình mà ông ta đã đồng ý vào năm ngoái.
Ông Hun Sen, chủ tịch ASEAN, cho biết ông sẽ nói chuyện với thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing vào ngày 26/1. Ông Hun Sen lưu ý rằng kể từ cuộc họp ngày 7/1 giữa hai ông ở Myanmar, nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi đã bị kết án 4 năm tù giam, và máy bay quân sự đã được triển khai hoạt động.
Ông Min Aung Hlaing cầm đầu một cuộc đảo chính ở Myanmar hồi năm ngoái và ASEAN đã thực hiện một động thái bất ngờ khi cấm chính quyền của ông ta tham gia các cuộc họp quan trọng do không tuân thủ “bản kế hoạch đồng thuận” gồm 5 điểm của ASEAN, trong đó có việc chấm dứt thù địch và cho phép đối thoại.
“Ông (Hun Sen) nói rằng ông đã mời Ngài Min Aung Hlaing tham dự hội nghị cấp cao ASEAN nếu có tiến bộ trong việc thực hiện 5 điểm đã nhất trí”, một tuyên bố trên trang Facebook của ông Hun Sen cho biết tóm tắt về cuộc điện đàm của ông với Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob.
“Nhưng nếu không có tiến bộ, ông ấy phải cử một đại diện phi chính trị đến dự các cuộc họp của ASEAN”, vẫn theo tuyên bố.
Với tư cách là chủ tịch mới của ASEAN, Campuchia thể hiện rằng họ muốn chìa tay ra chứ không phải là cô lập chính quyền quân sự ở Myanmar, nhưng ông Hun Sen đã bị một số nhà lãnh đạo ASEAN, bao gồm cả Malaysia, Indonesia và Singapore, gây áp lực là không được nhượng bộ về kế hoạch 5 điểm đã được cả Liên Hiệp Quốc lẫn Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Việc lật đổ chính phủ được bầu của bà Suu Kyi ở Myanmar là một bước lùi đối với ASEAN và những nỗ lực của ASEAN để thể hiện họ là một khối hội nhập và đáng tin cậy.
Chuyến thăm Myanmar của ông Hun Sen gây lo ngại trong khối rằng nó làm cho người ta nghĩ ASEAN có lẽ đã công nhận các tướng lĩnh Myanmar, những người đã điều hành một cuộc đàn áp đẫm máu đối với các lực lượng ủng hộ dân chủ.
Các rạn nứt đã lộ ra trong vấn đề Myanmar và ông Hun Sen hồi tuần trước đã công kích Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, gọi ông ấy là kẻ kiêu ngạo vì đã bày tỏ lo ngại về việc ông Hun Sen gặp thủ lĩnh quân đội Myanmar.
Bản kế hoạch đồng thuận của ASEAN bao gồm việc ngăn chặn các hành vi tấn công và cho phép một đặc phái viên của ASEAN được tiếp xúc đầy đủ với tất cả các bên trong cuộc xung đột.
Nhà lãnh đạo Malaysia Ismail Sabri nói với ông Hun Sen rằng cần phải xuống thang tình hình Myanmar và trả tự do cho bà Suu Kyi và tất cả các tù nhân chính trị, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia.
(Reuters)
Thủ tướng Anh nhất quyết không từ chức
Thủ tướng Anh Boris Johnson vào hôm thứ Tư tuyên bố ông sẽ không từ chức, dù bê bối tiệc tùng ở Phố Downing của ông ngày càng nghiêm trọng. “Tôi sẽ không làm vậy,” ông phản đối trong buổi chất vấn thủ tướng hàng tuần của quốc hội. Bê bối của thủ tướng bao gồm những bữa tiệc giữa lúc cả nước phong tỏa chống dịch, trong đó có một buổi tiệc pho mát và rượu nhân dịp Giáng sinh, một buổi uống rượu trong vườn và tiệc sinh nhật của chính thủ tướng.
Bản báo cáo điều tra sắp công bố của tổng thư ký bộ phận công chức Sue Gray sẽ không hề dễ chịu cho đảng Bảo thủ. Tệ hơn nữa, vào hôm thứ Ba, Cảnh sát Thủ đô London thông báo họ sẽ mở một cuộc điều tra hình sự về các bữa tiệc, sau khi có được thông tin do bà Gray cung cấp. Ông Johnson tiếp tục giữ nguyên quan điểm.
Kinh tế Mỹ đi qua 2021 đầy ấn tượng
Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái. Dĩ nhiên nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Song số liệu GDP quý 4/2021 được công bố vào thứ Năm này nhiều khả năng không cho thấy như vậy. Đó là vì thời điểm ấy omicron chưa hoành hành. Nền kinh tế được cho là đã tăng trưởng với tốc độ năm khoảng 5%, từ mức 2,3% của quý 3. Nhìn tổng thể năm 2021, tốc độ tăng trưởng được dự báo là 5,7%.
Tăng trưởng GDP sẽ chậm lại trong năm 2022; các nhà phân tích dự đoán tăng 3,7%. Nhưng dù sao thì nền kinh tế cũng ở trong tình trạng tốt hơn. Lạm phát sẽ ở mức vừa phải khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu tăng lãi suất từ tháng Ba. Nhiều người sẽ tìm việc trở lại khi đại dịch qua đi, giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động. Nhìn chung nền kinh tế Mỹ đã phục hồi đáng kể sau cú sốc của hai năm qua, dù tốc độ ấn tượng có suy giảm.
Honduras lần đầu có nữ tổng thống
Có thể nói lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống hôm thứ Năm của Xiomara Castro là một khoảnh khắc hy vọng cho Honduras và cả Trung Mỹ. Bà Castro nói về việc xây dựng lại nền dân chủ, chi tiêu nhiều hơn và tạo việc làm. Bà cam kết giải quyết nạn tham nhũng và buôn bán ma túy đã xâm nhập vào các cấp cao nhất của đất nước. (Chính anh trai của tổng thống sắp mãn nhiệm đang ngồi tù ở Mỹ vì tội buôn lậu ma tuý). Chính phủ Mỹ muốn hỗ trợ một đồng minh tiềm năng, đặc biệt khi nước này tìm cách ngăn chặn làn sóng người di cư đi về hướng bắc.
Nhưng con đường phía trước rất chông gai. Giải cứu các thể chế và loại bỏ những nhóm lợi ích đã bám rễ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Dù bà Castro thắng áp đảo, lễ nhậm chức của bà đang bị lu mờ bởi cuộc nổi loạn của một số thành viên đảng bà trong quốc hội. Cụ thể, đến nay đảng Libre của Castro đã trục xuất 18 người vì ủng hộ một ứng viên khác, khiến đảng chỉ còn thế thiểu số. Nữ tổng thống đầu tiên của Honduras có một chặng đường dài phía trước.
Mỹ – Trung Quốc đáp trả nhau bằng việc hủy các chuyến bay dân dụng
Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ (Department of Transportation – DOT) vào cuối tuần rồi đã thông báo đình chỉ 44 chuyến bay đến Trung Quốc, do các hãng vận tải Trung Quốc khai thác từ ngày 30 Tháng Một đến cuối Tháng Ba, như một cách đáp trả lại 44 lần hủy các chuyến bay đến Hoa Kỳ trước đó, theo quyết định của Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (Civil Aviation Administration of China – CAAC) .
Việc hạn chế tạm thời các chuyến bay này được áp dụng đối với các hãng hàng không Air China Ltd., China Eastern Airlines Corp., China Southern Airlines Co. và Xiamen Airlines Co. Hầu hết các chuyến bay bị đình chỉ khởi hành từ Sân bay Quốc tế Los Angeles (LAX), theo tin từ tờ Routes.
Tranh chấp được suy đoán có thể bắt nguồn từ quy tắc “ngắt mạch” (circuit-breaker rule) của CAAC, về việc ngừng bay một tuyến hàng không trong hai tuần, nếu đội kiểm tra COVID-19 ở sân bay Trung Quốc tìm thấy từ năm đến chín hành khách xét nghiệm có dương tính với COVID-19 sau khi đến. Việc đình chỉ sẽ kéo dài đến bốn tuần, nếu có hơn 10 hành khách xét nghiệm dương tính.
Dựa vào chính sách này, CAAC đã hủy 44 chuyến bay đến Hoa Kỳ do American, Delta và United Airlines khai thác. Theo tuyên bố vào hôm Thứ Sáu, 22 Tháng Một, Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ – DOT đã gọi quy định này là không công bằng, vì những hành khách ban đầu có thể xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên chuyến bay của họ, có thể tìm thấy kết quả dương tính trong bảy ngày sau khi họ đến. DOT cho biết các hãng vận chuyển của Hoa Kỳ tuân theo các quy định của Trung Quốc “không thể bị phạt nếu hành khách, sau khi đến, và đi xét nghiệm có dương tính với COVID-19″.
DOT nói thêm rằng họ đã nhiều lần đưa ra phản đối với chính phủ Trung Quốc về vấn đề này nhưng việc Trung Quốc vẫn giữ nguyên quyết định bảo lưu “quyền thực hiện hành động trong tương lai nếu chúng tôi cho là thích hợp”, điều này có thể có nghĩa là trong tương lai, cơ quan kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc có thể sẽ ra thêm nhiều quyết định hủy bỏ các chuyến bay. Theo nhận định của CNN, thì tất cả các chuyến bay bị hủy bỏ, đều thuộc về các hãng hàng không Hoa Kỳ.
“Chúng tôi nhận thấy rằng các hành động gần đây của CAAC làm ảnh hưởng đến hoạt động của Delta, American và United… là bất lợi cho lợi ích công cộng và chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có biện pháp đáp ứng tương xứng”, DOT cho biết. “Các hành động đơn phương của CAAC chống lại các hãng hàng không được nêu tên của Hoa Kỳ là không phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận [dịch vụ hàng không Hoa Kỳ-Trung Quốc] và dựa trên các trường hợp hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của các phương tiện vận chuyển”.
DOT cho biết họ muốn tìm ra một giải pháp, nêu rõ: “Mục tiêu quan trọng của chúng tôi không phải là tình trạng này kéo dài mà là một môi trường được cải thiện, trong đó các hãng vận tải của cả hai bên sẽ có thể thực hiện đầy đủ các quyền song phương của họ”.
Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ ‘bắt nạt’ vì các vụ hủy bỏ gần đây, theo nguồn từ Bloomberg. Một người phát ngôn nhấn mạnh rằng các chính sách COVID-19 của họ có hiệu quả, nói rằng Hoa Kỳ không “tôn trọng khoa học”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao của Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói với các phóng viên hôm Thứ Hai, theo Bloomberg: “Đó là vô trách nhiệm và không hợp lý”.
Tranh chấp mới nhất đã bổ sung vào danh sách các vấn đề kinh tế và địa chính trị đang ngày càng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, bao gồm các câu chuyện về gián điệp kinh tế, sự đe dọa của nền dân chủ ở Hong Kong, ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và căng thẳng bùng phát giữa Trung Quốc và Đài Loan, cùng những thứ khác.
Đầu tuần này, 52 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan, buộc hòn đảo độc lập này phải đưa máy bay phản lực, cảnh báo vô tuyến và tên lửa phòng thủ để giải tán cuộc xâm nhập. Cuộc phô trương lực lượng diễn ra sau khi cuộc tập trận Mỹ-Nhật gần Okinawa kết thúc, theo South China Morning Post.
Đài Loan: Không có quan chức nào của đảo dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh
Đài Loan dự Olympic Mùa đông 2018 ở Hàn Quốc với tên “Đài Bắc Trung Hoa” (ảnh tư liệu).
Chính phủ Đài Loan nói hôm thứ Ba 25/1 rằng đảo này sẽ không cử bất kỳ quan chức nào tới Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh nhưng các vận động viên của họ sẽ tham gia bình thường, đồng thời chính phủ Đài Loan kêu gọi Trung Quốc không sử dụng vấn đề chính trị để “can thiệp” vào sự kiện thể thao này hoặc “khinh thường” hòn đảo.
Đài Loan thi đấu trong hầu hết các sự kiện thể thao, kể cả Thế vận hội, với tên gọi “Đài Bắc Trung Hoa” vì Bắc Kinh đòi phải như vậy. Bắc Kinh coi Đài Loan có chính quyền dân chủ là một thành phần trong “một nước Trung Quốc” và là lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc.
Quan hệ Đài-Trung đã suy yếu mạnh trong khoảng hai năm qua khi Bắc Kinh tăng cường sức ép quân sự và ngoại giao để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình, bao gồm cả việc Trung Quốc thường xuyên điều không quân bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, và Đài Loan báo cáo trong tuần này rằng đã xảy ra thêm các cuộc xâm nhập với số lượng máy bay khá lớn.
Trong một tuyên bố, Hội đồng của Đài Loan về hoạch định chính sách đối với Trung Quốc cho biết các vận động viên của hòn đảo sẽ thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông như thường. Theo ủy ban Olympic Đài Loan, ít nhất 4 người đã vượt qua vòng loại.
“Ngoài ra, xét đến số lượng người tham gia khá ít và tiền lệ trước đó là các quan chức của phía chúng tôi vẫn thường vắng mặt nên sẽ không có đại diện chính thức nào được cử đi”, hội đồng nói thêm.
Ủy ban Olympic của Đài Loan sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc và xử lý các vấn đề liên quan đến Thế vận hội, hội đồng cho biết.
“Chúng tôi kêu gọi các nhà tổ chức năm nay tuân thủ ‘Hiến chương Olympic’ và không sử dụng các yếu tố chính trị để can thiệp vào cuộc thi đấu cũng như trấn áp và khinh thường đoàn của chúng tôi. Các đơn vị chính phủ liên quan cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp khác nhau”, hội đồng nói thêm nhưng không đi và chi tiết.
Giới hữu trách ở Đài Bắc lo ngại rằng Bắc Kinh có thể “hạ cấp” vị thế của Đài Loan bằng cách xếp các vận động viên của họ ngang hàng với những vận động viên đến từ “đặc khu hành chính” Hong Kong của Trung Quốc tại lễ khai mạc, một quan chức cấp cao của Đài Loan nắm vấn đề này nói với Reuters.
Không có quan chức Đài Loan nào tham dự Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008, mặc dù ba chính trị gia cấp cao đã tham dự. Bộ trưởng Kỹ thuật số Audrey Tang dự kiến tham dự Thế vận hội Tokyo năm ngoái, nhưng chuyến đi của bà bị hủy do lo ngại về COVID-19.
(Reuters)
Nga tiếp tục dồn quân đến vùng biên giới với Ukraina
Quân đội Nga tập dượt xe tăng bọc thép ở miền nam Rostov, Nga, 26/01/2022. REUTERS – SERGEY PIVOVAROV
Trong khi cuộc đàm phán Nga – Ukraina diễn ra tại Paris với sự trung gian hòa giải của Pháp và Đức, tình hình biên giới Ukraina vẫn chưa hạ nhiệt. Nga tiếp tục dồn quân về phía biên giới với Ukraina và thông báo các cuộc tập trận ngay sát Ukraina.
RFI hôm qua 26/01/2022 trích dẫn thông tin của CNN theo đó thông tin mới nhất của Tình báo quốc phòng Ukraina cho thấy hiện giờ có khoảng 137.000 quân Nga ở biên giới với Ukraina, trong đó có cả các lực lượng Hải quân và Không quân. Nhiều đơn vị quân đội Nga đã được điều thêm về phía biên giới Ukraina, nhất là vùng Belgorod, phía bắc Karkiv và miền tây vùng Briansk. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều xe tải quân sự và xe tăng ở cách biên giới Ukraina chỉ 13 km.
Theo hình ảnh từ kênh Zvezda của bộ Quốc Phòng Nga, các chiến đấu cơ SU-35 xuất phát từ vùng Viễn Đông Nga đã hạ cánh xuống nhiều sân bay của Belarus. Các cuộc diễn tập chung giữa Nga và Belarus sẽ chính thức bắt đầu tại Belarus vào ngày 10/02. Tuy nhiên, các cuộc tập trận đã bắt đầu ở miền nam nước Nga, tại khu vực Rostov trên sông Don, gần Donbass đang có xung đột, cũng như ở bán đảo Crimée đã bị Nga đã sáp nhập hồi năm 2014, với sự tham gia của các chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và 6.000 quân nhân. Ngoài ra, còn có các cuộc luyện tập của Hải quân Nga ở Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.
Màn phô diễn lực lượng của Matxcơva gây ấn tượng mạnh. Cho dù nhận định rằng đó là mối đe dọa đối với Ukraina, nhưng ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kouleba, hôm qua vẫn cho rằng quân số của các lực lượng này của Nga vẫn không đủ để tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các vùng biên giới Ukraina.
Tây phương tăng cường cung cấp trang thiết bị quân sự cho Ukraina
Theo báo Le Parisien ngày 26/01, sau Mỹ và Anh, đến lượt chính phủ CH Séc thông qua việc cung cấp 4.000 đầu đạn cho Kiev để giúp Ukraina đối phó với nguy cơ bị Nga tấn công. Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng CH Séc hôm qua cho biết số đầu đạn nói trên trị giá 36,6 triệu couronne (1,5 triệu euro) và sẽ được bàn giao cho Kiev trong những ngày sắp tới, nhưng không nêu rõ ngày cụ thể. Nhìn sang Đức, Berlin thông báo sẽ viện trợ cho Ukraina 5.000 mũ sắt. Thông báo của Berlin đã bị thị trưởng Kiev, Vitali Klitschko chỉ trích, gọi đó hoàn toàn là « một trò đùa » của chính phủ Olaf Scholz.
Trong khi đó, AFP cho biết đại diện chính của các phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina hôm nay 27/01 đề nghị Matxcơva trang bị vũ khí để đối phó với Kiev. Về phía Nga, hôm qua, một lãnh đạo cấp cao của đảng cầm quyền, Nước Nga Thống Nhất, cũng đã kêu gọi nhà chức trách chuyển giao vũ khí cho các phe nhóm ly khai thân nói trên, đặc biệt là hai nước Cộng hòa tự xưng Donesk và Lougansk.
Áp lực gia tăng đối với tập đoàn quân sự khi các tập đoàn lớn rút khỏi Miến Điện
Nhân viên của tập đoàn năng lượng Total thảo luận về việc đo lường đường ống dẫn khí đốt tại Miến Điện, ngày 28/11/2003 Pascale TROUILLAUD AFP/File
Quyết định của tập đoàn năng lượng Woodside của Úc rút khỏi Miến Điện tiếp theo sau các tập đoàn quốc tế khác như Total và Chevron đang làm dấy lên những lời kêu gọi các ngân hàng quốc tế nên ngưng làm ăn với Miến Điện và các chính phủ nên ban hành thêm các trừng phạt nhằm ngăn chận nguồn tài chính cho tập đoàn quân sự.
Trước việc quân đội Miến Điện gia tăng đàn áp phong trào phản đối đảo chính quân sự cách đây gần đúng một năm, khiến tổng cộng khoảng 1.400 thường dân thiệt mạng, các tổ chức phi chính phủ vẫn duy trì áp lực lên các tập đoàn quốc tế để buộc họ ngưng các hoạt động ở nước này.
Cho tới khi có thông báo của Total ngày 21/01, rất ít tập đoàn rút ra khỏi Miến Điện. Công ty viễn thông Telenor của Na Uy là một trong số hiếm hoi các tập đoàn quốc tế đã quyết định ngay từ tháng 7 bán chi nhánh đang làm ăn rất khấm khá của họ ở Miến Điện cho một công ty Liban bị nghi là có liên hệ với chính quyền quân sự. Nhưng cho tới nay việc mua bán này chưa hoàn tất.
Vào giữa tháng 2, Telenor cũng vừa thông báo sẽ nhượng lại cho đối tác Singapore các hoạt động trong lĩnh vực chi trả bằng điện thoại di động Wave Money.
Sau đó, ngày 21/01, đến lượt tập đoàn dầu khí Total của Pháp và Chevron của Mỹ, rồi hôm nay là Woodside của Úc thông báo rút khỏi Miến Điện, cả ba đều là đối tác khai thác mỏ khí đốt Yadana ngoài khơi Miến Điện, để cung cấp điện cho nhu cầu sử dụng trong nước và cung cấp điện cho nước láng giềng Thái Lan.
Ngày 21/01, khi thông báo rút khỏi dự án khí đốt Yadana, ngoài lý do tình hình nhân quyền ở Miến Điện ngày càng tồi tệ, tập đoàn Total nêu thêm lý do là vì họ không thể ngăn chận việc những món tiền mà họ trả chạy vào tài khoản của Công ty Dầu khí Miến Điện (MOGE), một công ty do nhà nước sở hữu. Quân đội Miến Điện vẫn được hưởng thu nhập từ mỏ khí Yadana thông qua cổ phần của MOGE.
Trong thông báo nói trên, tập đoàn Total cũng cho biết họ đã yêu cầu chính phủ Pháp ban hành các trừng phạt chuyên biệt để làm sao những khoản tiền mà họ trả thông qua đối tác Thái Lan được đặt vào tài khoản do một bên thứ ba tạm thời nắm giữ (escrow account). Nhưng họ đã không tìm được cách nào để làm điều đó.
Những người chống đảo chính ở Miến Điện dầu sao cảm thấy phấn khởi vì có vẻ như Total ủng hộ các trừng phạt nhắm vào MOGE, điều mà họ yêu cầu từ lâu, vì đây là cách để ngăn chận nguồn cung cấp tài chính cho tập đoàn quân sự.
Họ cũng yêu cầu các tập đoàn dầu khí khác như của Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản ngưng mọi chi trả cho chính quyền quân sự bằng bất cứ hình thức nào.
Trong một tuyên bố về việc các tập đoàn dầu khí quốc tế rút khỏi Miến Điện, ông Paul Donowitz, một lãnh đạo của tổ chức Myanmar for Global Witness, kêu gọi Hoa Kỳ, Pháp và các nước khác nên nghe theo những tiếng nói của xã hội dân sự ở Miến Điện và chấm dứt việc chi trả các khoản tiền lớn từ việc khai thác khí đốt cho tập đoàn quân sự “tàn ác”.
Các tài liệu do tổ chức Justice for Myanmar công bố tháng 12 vừa qua cho thấy là các khoản tiền từ mỏ khí đốt Yetagun, do tập đoàn Malasyia Petronas khai thác, được trả cho tập đoàn quân sự qua một tài khoản của ngân hàng nhà nước Foreign Trade Bank của Miến Điện đặt tại chi nhánh Singapore của ngân hàng Malaysian CIMB. Cho nên tổ chức Justice for Myanmar kêu gọi các ngân hàng quốc tế ngưng chi trả cho chính quyền quân sự Miến Điện, đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ ban hàng trừng phạt nhắm vào cả các ngân hàng nhà nước của Miến Điện, trong đó có Foreign Trade Bank.
Thứ trưởng Mỹ: Ông Tập không vui nếu Nga-Ukraine xung đột khi Olympic diễn ra
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (ảnh: Từ video của Harvard Kennedy School’s Institute of Politics)
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Wendy Sherman, cho biết, Olympic Mùa đông Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến quyết định Nga tấn công Ukraine, đồng thời cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không vui nếu Nga và Ukraine xung đột trong khi Olympic đang diễn ra.
Bà Sherman nói, bà không biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có đưa ra quyết định xâm lược Ukraine hay không, nhưng những dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công có thể xảy ra từ nay đến giữa tháng Hai.
Bà Sherman nói: “Tất cả chúng ta đều biết rằng lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào ngày 4 tháng 2, và Tổng thống Putin được mong đợi sẽ có mặt ở đó. Tôi nghĩ rằng có lẽ Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không vui, nếu ông Putin chọn thời điểm đó để xâm lược Ukraine. Vì vậy, điều đó có thể ảnh hưởng đến thời gian và suy nghĩ của ông ấy [Putin]”.
Hôm thứ Ba (25/1), Tổng thống Putin đã lên tiếng về việc Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh với lý do chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Ông Putin nói rằng, ông phản đối “chính trị hóa thể thao”.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã cảnh báo Nga về các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nếu nước này xâm lược Ukraine.
Hiện Nga đang duy trì khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine.
Thứ trưởng Sherman cho biết, Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho tất cả các loại kịch bản, bao gồm cả kịch bản Nga thực hiện “cuộc xâm lược toàn diện” Ukraine.
Tân TT Honduras nói muốn duy trì quan hệ với Đài Loan
Tân Tổng thống Honduras, bà Xiomara Castro (ảnh: Từ video của CNN)
Sau cuộc gặp với phó tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức, Tổng thống mới đắc cử của Honduras, bà Xiomara Castro, hôm thứ Tư (26/1) cho biết đất nước bà rất biết ơn sự ủng hộ của Đài Loan và hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ này.
Honduras là một trong 14 quốc gia còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Castro đã đưa ra ý tưởng từ chuyển quan hệ từ Đài Bắc sang Bắc Kinh.
Trong các bình luận với truyền thông Đài Loan sau cuộc gặp với Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, bà Castro đã cảm ơn Đài Loan.
Bà nói trong một video clip do Hãng thông tấn Trung ương chính thức của Đài Loan thực hiện:
“Người dân Honduras luôn biết ơn người dân Đài Loan vì sự ủng hộ mà họ đã luôn dành cho chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau trong nhiều năm và hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ này”.
Ông Lại đã đăng một bức ảnh trên Twitter về việc ông gặp Castro kèm dòng chữ: “Rất vinh dự được tham dự buổi lễ chuyển giao quyền lực vào ngày mai, và giúp tăng cường tình hữu nghị giữa các nước dân chủ của chúng ta”.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cũng sẽ đến dự lễ nhậm chức của bà Castro, có khả năng ông Lại sẽ gặp bà Harris, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters rằng sẽ không có một cuộc gặp chính thức giữa hai người.
Vào tháng 11, khi cuộc bầu cử tổng thống Honduras sắp diễn ra, một phái đoàn Hoa Kỳ đến thăm Honduras đã nói rõ rằng họ muốn quốc gia Trung Mỹ này duy trì quan hệ với Đài Loan.
XEM THÊM
Tưởng Năng Tiến – Bữa Cơm Chiều 29
Dường như tôi không hợp lắm với không khí gia đình, nhất là cảnh gia đình xum họp hay đầm ấm. Ngay lúc thiếu thời, vào những chiều giáp Tết, thay vì quanh quẩn ở nhà – phụ cha lau chùi lư hương; giúp mẹ bầy biện mâm cơm cúng cuối năm – tôi hay lặng lẽ tìm lên một ngọn đồi cao nào đó (lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang) với tâm cảm của một … kẻ giang hồ, đang trên bước đường phiêu bạt.
Ôi! Tưởng gì chứ chuyện “phiêu bạt” thì nào có khó chi, khi sinh trưởng trong một đất nước chiến tranh và ly loạn. Muốn là được liền thôi. Trời – đôi khi – cũng chiều lòng người, và chiều tới nơi tới chốn!
Ts. Phạm Đình Bá – Tưởng tượng, định hình và đam mê – Gia Nã Đại, ngày 27, tháng Giêng, 2022
https://docs.google.com/document/d/1vnRxrWywy0gjiU1mhA-_q2tdXXSzik3RNsxpEPcYufY/edit?usp=sharing
Anh Chị Nam và Vi thân,
Bây giờ là chỉ vài ngày trước giao thừa của năm Nhâm Dần. Đầu thư xin chúc các bạn có cơ hội để đoàn tụ với gia đình và người thân vào cuối năm. Mong các bạn đón Tết với nhiều bánh mứt với tâm hồn bình an, thanh thản và cảm giác vui vẻ và hạnh phúc. Năm mới sẽ đến với may mắn và may mắn sẽ kéo dài và xảy ra như cơm bữa!
Như đã bàn trong cuộc họp trước, các yếu tố vận hành khi chúng ta làm việc chung là tưởng tượng, định hình và đam mê. Chúng ta có tuổi trẻ trải dài trước mặt. Chúng ta là những người dấn thân cho một trật tự xã hội mới. Đam mê là sức mạnh của “người xe tăng” trên Quảng trường Thiên An Môn bên Trung Quốc chống độc tài tàn bạo năm nào. Anh ấy là một người thường với lương tâm và lòng tin vào lẽ phải phi thường. Bởi từ đó, Anh ấy có can đảm và tính liều mạng vô vàng để ngăn chận một đoàn xe tăng của bạo quyền Trung cộng khi đảng của chúng ra lệnh để xe tăng dày xéo lên thân thể những người dân xuống đường.
Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ cộng sản – Chu Sơn
Chúng tôi xin giới thiệu ở đây tài liệu – chứng từ do nhà thơ Chu Sơn gửi tới. Độc giả của Diễn Đàn hẳn đã quen thuộc với nhà thơ, nhà hoạt động trong phong trào đô thị Miền Nam trong những năm 60-70. Và sau 1975 ông từng đăng trên Diễn Đàn cũng như trên nhiều báo mạng khác nhiều bài thơ, bút ký, luận chiến… trên nhiều chủ đề văn hoá, lịch sử… chẳng hạn như “cuộc nói chuyện dài với đứa văn nô”, “Thảm sát Tết Mậu Thân”, cuộc trò chuyện trên núi Truồi; nhà rường ở Huế…
Tuy ông tự nhận là người ngoại đạo, nhưng lại rất quen thuộc và hiểu rõ Phật Giáo Việt Nam. Chứng từ này không phải là tài liệu duy nhất ông viết trên chủ đề Phật Giáo, nhưng có lẽ với khoảng cách thời gian, chủ đề đã được phát triển bao quát nhiều mặt trong một thời gian dài từ 1975 tới nay, như mục lục dưới đây cho thấy.
Bản PDF:
https://drive.google.com/file/d/1pQci7ch9EfOoTyqEjHO3UnkwxACi3O4X/view?usp=sharing
Nguyễn Quý Đại – Nhâm Dần Chúa Tể Lên Ngôi – 25/01/2022 – Trời sanh hùm chẳng có vây
Hùm mà có cánh hùm bay lên trời
Năm Tân Sửu cũng như năm Canh Tý xảy ra quá nhiều khổ đau cho nhân loại vì dịch bệnh cúm Vũ Hán. Chúng ta hy vọng năm Nhâm Dần đến các nhà khoa học thế giới khống chế được dịch bệnh, để nhân loại có đời sống thăng hoa trở lại. Theo thời gian có sự liên hệ 12 cung Hoàng Đạo cần phải nói đến Ngũ Hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Người Tây phương tính theo chu kỳ sao Jupter (木星 Mộc tinh) quay quanh mặt trời là 12 năm. Mỗi năm nó xuất hiện ở một phương vị nhất định, nơi đó do một trong 12 con giáp đang trấn giữ. Mười hai con vật được gọi là 12 địa chi tượng trưng cho chu kỳ một năm. Trong số các con giáp này mỗi con vật đại diện 2 giờ đồng hồ trong một ngày 24 tiếng. Con rồng là con vật thần thoại và Tý, Dần, Tỵ, và Thân là những con vật sống hoang dã và thường tránh gặp con người. Bảy con còn lại là gia súc, theo chu kỳ 12 năm thì lại mang tên con vật cũ. Những năm Dần đi qua: 1914, 1926, 1938, 1950, 1962, 1974, 1986, 1998, 2010, 2022…
Thời sự Việt Nam – 27/01/2022
Sớ Táo quân trước năm Nhâm Dần – Nguyễn Ngọc Chính
THẦN TÁO SÀI GÒN
CUNG KIẾN NGỌC HOÀNG
CUỐI NĂM BÁO CÁO
KHÔNG DÁM NÓI LÁO!
__________
Thần vốn cầm tinh con trâu
Nhìn chung năm ngoái thật rầu, bất yên
Một năm dịch bệnh triền miên
Nổi lên cùng khắp mọi miền, mọi nơi.
Hiếu Chân – Kiều hối và trục lợi người Việt xa quê – 26/01/2022
Gặp phải sự phản kháng của dư luận, nhà cầm quyền đã phải tổ chức những “chuyến bay giải cứu”, mà hành khách phải mua “combo” trọn gói từ giá vé máy bay đến chi phí kiểm tra y tế và chi phí cách ly tập trung. Tuy được quảng bá rầm rộ là một “hoạt động nhân đạo” nhưng thực tế, những chuyến bay “giải cứu” này có giá trên trời, từ hơn $2,000 đến $5,000 mỗi hành khách, tức là cao gấp bốn đến tám lần mức giá vé máy bay thông thường. Để được “giải cứu”, người về còn phải trải qua rất nhiều thủ tục hết sức nhiêu khê và phi lý, chẳng hạn như phải xin được giấy đồng ý tiếp nhận của chính quyền địa phương nơi mình về, phải tới đại sứ quán xin xác nhận bản sao thẻ tiêm chủng, phải ghi danh với cơ quan ngoại giao và chờ đợi được sắp xếp chuyến bay.
Tin tức thế giới ngày Thứ năm 27 tháng 01 năm 2022 – Võ Thái Hà tổng hợp
Tầm nhìn Châu Âu sai lầm của Macron – Nguồn: Francis J. Gavin and Alina Polyakova, Macron’s Flawed Vision for Europe, Foreign Affairs, 19/01/2022. Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Ngay cả những ý tưởng tồi cũng có thể đem lại kết quả tốt. Vào những năm 1960, de Gaulle, trong lúc chê bai một NATO do Mỹ lãnh đạo và chủ trương tìm kiếm quyền tự chủ, đã thúc đẩy liên minh phương Tây thực hiện một cuộc tự vấn nghiêm túc để xem xét lại sứ mệnh, mục đích, và chính sách của mình. Báo cáo Harmel năm 1967 đã khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản của NATO và thúc đẩy tổ chức này đi theo cách tiếp cận hợp tác hơn đối với các vấn đề an ninh. Điều đó đã củng cố liên minh và giúp phương Tây thắng thế trong Chiến tranh Lạnh. Nếu lời kêu gọi tự chủ của Macron và cuộc rà soát chiến lược hiện tại của NATO tạo ra kết quả tương tự, thì Châu Âu và Mỹ nên biết ơn ông ấy, điều mà một thế hệ trước đó đáng lẽ nên làm với de Gaulle.
Hợp tác “lưng tựa lưng” Trung-Nga cuối cùng có thể tan vỡ? – VOA Hoa ngữ – An Liên biên dịch – 27/01/2022
Kadri Liik, nhà nghiên cứu chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, cho rằng sự việc ở Kazakhstan không phải là “thay đổi cục diện hình thế” đối với quan hệ Trung-Nga. Bà cho rằng trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ không “ngang nhiên” thách thức vị thế an ninh của Nga ở Trung Á.
Bà nói: “Tôi không nghĩ Trung Quốc quan tâm nhiều đến việc đóng vai trò quân sự và an ninh ở Trung Á. Trung Quốc hiện đang quan tâm nhiều hơn đến Biển Đông, Đài Loan, v.v., và Trung Á không nằm trong lợi ích trực tiếp của họ. Có thể, một vài thập niên tới (sự quan tâm như vậy) sẽ tăng lên”.