Thời sự Thứ Ba 19/12/2023: *Mỹ cung cấp cho Israel mọi vũ khí cần thiết. *Israel tấn công Gaza, Houthi tấn công Biển Đỏ. *Mỹ chống hoạt động khai thác đáy biển của TQ. *2023: Một năm sóng gió trên chính trường Trung Quốc *Động đất ở Trung Quốc: Hơn 100 người thiệt mạng. *Vatican chấp nhận ban phép lành cho các cặp đồng tính. *Mỹ thành lập liên minh chống lại khủng bố tàu buôn ở Hồng Hải

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp

Gaza: Mỹ sẵn sàng tiếp tục cung cấp cho Israel mọi vũ khí cần thiết

Thùy Dương /RFI

19/12/2023

Công du Israel hôm qua, 18/12/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã khẳng định với thủ tướng Benjamin Netanyahu là Washington sẵn sàng tiếp tục cung cấp cho Israel những loại vũ khí mà Tel Aviv cần, kể cả các loại đạn dược quan trọng, xe chiến thuật và hệ thống phòng không. 

U.S. Secretary of Defense Lloyd Austin and Israeli Defense Minister Yoav Gallant meet, amid the ongoing conflict between Israel and the Palestinian Islamist group Hamas, in Tel Aviv, Israel December 1

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin (P) và đồng nhiệm Israel Yoav Gallant (T) họp tại Tel Aviv, Israel, ngày 18/12/2023. REUTERS – PHIL STEWART 

Theo Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với đồng nhiệm Israel Yoav Gallant, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố Hamas là một « nhóm khủng bố cuồng tín » và cần làm mọi cách để ngăn cản lực lượng này tiến hành các vụ tấn công mới nhắm vào Israel. Thế nhưng, trong bối cảnh Israel ngày càng bị quốc tế chỉ trích về các vụ oanh kích khốc liệt gây nhiều thiệt hại nhân mạng cho thường dân ở dải Gaza, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng lưu ý Tel Aviv về việc bảo vệ thường dân và hướng đến việc giảm các cuộc giao tranh cường độ cao ở Gaza.

Còn tại Liên Hiệp Quốc, theo dự kiến ban đầu, hôm qua Hội Đồng Bảo An bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột ở dải Gaza và để hàng cứu trợ được đưa đến vùng lãnh thổ này, thế nhưng cuộc họp đã được dời lại đến hôm nay, 19/12. Sau khi dự thảo nghị quyết lần trước bị Mỹ phủ quyết, Hội đồng Bảo An lần này muốn bảo đảm là văn bản sẽ được các thành viên nhất trí ủng hộ.

Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten tường trình :

Việc hoãn cuộc bỏ phiếu chắc chắn có nghĩa là đến tối hôm qua khả năng Mỹ lại phủ quyết vẫn có thể xảy ra, nên các nhà ngoại giao không mạo hiểm đệ trình dự thảo nghị quyết lên Hội Đồng Bảo An. 

Có thể có hai điểm quan trọng dễ bị phản đối. Thứ nhất là từ ngữ mô tả việc đình chiến cần phải có để tiến hành viện trợ nhân đạo quy mô và hiệu quả, nhưng Hoa Kỳ vốn dị ứng với cụm từ « ngưng bắn ». Theo các tin đồn thì dường như nước soạn dự thảo nghị quyết, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã thay đổi cụm từ « chấm dứt khẩn cấp và lâu dài cuộc xung đột » thành cụm từ « đình chiến » để Mỹ, đồng minh của Israel, dễ chấp nhận hơn. 

Trái lại, việc văn bản không đề cập đến Hamas sẽ là một vấn đề đối với Washington. Khối các nước Ả Rập, ngay từ khi xung đột bắt đầu bùng phát đã lên án công khai các hành động khủng bố của Hamas hôm 07/10, nhưng nay dứt khoát từ chối gọi tổ chức này là « phong trào khủng bố » và xem Hamas là một lực lượng chính trị. 

Văn bản dự thảo nghị quyết đặc biệt kêu gọi tiến hành viện trợ « bằng đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không » sau 2 tháng dải Gaza bị phong tỏa hoàn toàn. Cuộc bỏ phiếu có thể được tổ chức chiều nay. 

Israel tấn công Gaza, Houthi thề tấn công Biển Đỏ nhiều hơn 

19/12/2023 

Reuters 

Người Palestine tập trung tại địa điểm Israel tấn công một ngôi nhà ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 19/12/2023.

Người Palestine tập trung tại địa điểm Israel tấn công một ngôi nhà ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 19/12/2023. 

Israel tiếp tục tấn công Dải Gaza vốn đã tan hoang vào thứ Ba 19/12 trong khi phong trào Houthi thân Palestine ở Yemen tuyên bố sẽ thách thức sứ mệnh hải quân do Mỹ đứng đầu và tiếp tục tấn công các mục tiêu bên phía Israel ở Biển Đỏ.

Theo một thống kê của người Palestine, chiến dịch của Israel nhằm tiêu diệt các chiến binh Hamas sau vụ thảm sát ngày 7/10 đã khiến vùng đất ven biển trở thành đống đổ nát, gây ra nạn đói và tình trạng vô gia cư trên diện rộng, đồng thời giết chết gần 20.000 người Gaza.

Dù chịu áp lực của nước ngoài nhằm tránh giết hại những người vô tội, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng cuộc chiến sẽ không dừng lại cho đến khi 129 con tin còn lại được giải thoát và Hamas bị tiêu diệt, sau khi các chiến binh của tổ chức này sát hại 1.200 người Israel.

Cuộc xung đột đã lan rộng ra ngoài Gaza sang tới Biển Đỏ, nơi nhóm Houthi của Yemen có liên kết với Iran đã tấn công các tàu thuyền bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái. Tình trạng này dẫn đến việc lập ra một hoạt động hải quân đa quốc gia để bảo vệ dòng chảy thương mại trong khu vực, nhưng Houthis tuyên bố họ vẫn sẽ tiếp tục tấn công.

“Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi về vấn đề Palestine, cho dù liên minh hải quân có được thành lập hay không”, quan chức của Houthi, Mohammed Abdulsalam, nói với Reuters và cho biết chỉ có các tàu của Israel hoặc những người đi đến Israel mới bị nhắm mục tiêu.

“Lập trường ủng hộ Palestine và Dải Gaza của chúng tôi sẽ được duy trì cho đến khi kết thúc cuộc bao vây, thực phẩm và thuốc men được chuyển đến, đồng thời sự ủng hộ của chúng tôi đối với người dân Palestine bị áp bức sẽ vẫn tiếp tục”.

Thông báo về hoạt động hải quân, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho hay tại Bahrain rằng các cuộc tuần tra chung sẽ được tổ chức ở phía nam Biển Đỏ và Vịnh Aden, bao quanh tuyến đường vận chuyển lớn trên toàn cầu. Ông nói: “Đây là một thách thức quốc tế đòi hỏi phải có hành động tập thể”.

Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Anh cho biết hôm 19/12 rằng họ đã nhận được thông tin về một vụ dường như có những kẻ tìm cách lên một con tàu cách thành phố cảng Aden của Yemen 27 kilomet về phía Tây, đồng thời nói thêm rằng cuộc tấn công đã không thành công và tất cả thủy thủ đoàn đều an toàn.

Một số công ty vận tải hàng hóa đang chuyển tuyến trên khắp châu Phi.

Tại Gaza, những vụ phóng tên lửa mới nhất của Israel đã bắn trúng khu vực Rafah ở miền nam, nơi hàng trăm ngàn người tị nạn Palestine tập trung trong những tuần gần đây, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, theo các quan chức y tế địa phương.

Trong số những người thiệt mạng có nhà báo người Palestine Adel Zurub và một số người nhà của ông, các bác sĩ cho biết, nâng số nhà báo Palestine thiệt mạng lên 97 người, theo văn phòng truyền thông chính quyền do Hamas điều hành.

Người phát ngôn Bộ Y tế Gaza Ashraf Al-Qidra nói với Reuters rằng một cuộc tấn công khác đã giết chết 13 người và làm bị thương khoảng 75 người ở Jabalia thuộc miền bắc.

Israel nói rằng họ cảnh báo trước về các cuộc tấn công để dân thường có thể đi lánh nạn và cáo buộc Hamas ẩn náu trong các khu dân cư.

Người dân cho hay, trong cuộc chiến trên bộ, xe tăng đã tiến sâu hơn vào thành phố Khan Younis ở miền nam và pháo kích vào khu chợ nhưng vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Israel mất 132 binh sĩ trong cuộc chiến.

Hàng ngàn chiến binh Hamas, đóng trong mạng lưới đường hầm, đang tiến hành chiến tranh du kích chống lại binh lính Israel.

Quân đội Israel nói trong một tuyên bố: “IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) đang tiếp tục hoạt động chống lại cơ sở hạ tầng và hoạt động khủng bố của Hamas ở Dải Gaza”.

Bộ Y tế Gaza cho biết hôm 18/12 rằng 19.453 người Palestine đã thiệt mạng và 52.286 người bị thương kể từ ngày 7/10.

Hoa Kỳ lên kế hoạch hành động chống hoạt động khai thác dưới đáy biển của Trung Quốc

Liên Thành

19/12/2023

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/12/anh-man-hinh-2023-12-18-luc-074145.png

Ảnh minh họa. 

Mới đây, trong lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, hơn 30 nhà lập pháp đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đầu tư vào khai thác dưới đáy biển, cho rằng điều đó có thể củng cố sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với vị trí thống trị về tài nguyên của các khoáng sản quan trọng.

Khai thác dưới đáy biển là quá trình khai thác và thu hồi các trầm tích và khoáng chất dưới nước từ đáy biển, và khai thác dưới biển sâu bao gồm các hoạt động khai thác ở độ sâu lớn hơn 200 mét. Đáy biển chứa các khoáng chất quan trọng như coban, đồng, niken và các nguyên tố đất hiếm khác.

Giới truyền thông tin rằng bức thư này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thống trị của Trung Quốc đối với 95% chuỗi cung ứng toàn cầu của các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng, và khả năng xử lý của nước này có thể “chuyển những vật liệu này thành thành phẩm quan trọng đối với hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ”.

Các nhà lập pháp cảnh báo: “Chúng ta không thể cho phép Bắc Kinh chiếm giữ và khai thác tài nguyên dưới biển, điều mà họ gọi là ‘biên giới mới của cạnh tranh quốc tế’. Chúng ta phải khám phá mọi con đường để củng cố chuỗi cung ứng đất hiếm và khoáng sản quan trọng của mình”.

Bức thư chỉ ra rằng, sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc đối với ngành này dựa trên những vi phạm về môi trường và nhân quyền, “bao gồm các cuộc tấn công vào công nhân cơ sở, ô nhiễm nước, hủy hoại hệ sinh thái và điều kiện làm việc không an toàn”.

Năm nay, Bắc Kinh đã ban hành một loạt hạn chế xuất khẩu đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng nhằm nỗ lực thắt chặt kiểm soát chúng. 

Vào tháng 11, Bắc Kinh đã thực hiện kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Vào tháng 7, họ công bố lệnh cấm xuất khẩu gali và gecmani, hai kim loại quý hiếm được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn.

Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Theo dữ liệu do Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ tổng hợp, sản lượng mỏ đất hiếm của Trung Quốc chiếm 70% sản lượng mỏ đất hiếm toàn cầu vào năm 2022, tăng từ mức 59% vào năm 2021. 

Theo Liên minh Nguyên liệu thô Quan trọng, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng gali của thế giới và 60% sản lượng gecmani toàn cầu.

Khi các công ty Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động khai thác lithium ở nước ngoài, Bắc Kinh cũng đã củng cố vị thế thống trị của mình trong chuỗi cung ứng lithium toàn cầu.

Các nhà lập pháp trích dẫn Chiến lược an ninh quốc gia để giải quyết các rủi ro trong chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, nhắc nhở Ngũ Giác Đài về việc “đánh giá và lập kế hoạch khai thác dưới đáy biển như một phương tiện mới để cạnh tranh với Trung Quốc về lợi thế tài nguyên và an ninh”, cũng như cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng quốc phòng Hoa Kỳ.

Sau đó, các nhà lập pháp yêu cầu Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin về việc sử dụng và đánh giá các khối đa kim loại dưới biển sâu trong Chương trình Dự trữ Quốc phòng.

Các nhà lập pháp cảnh báo: “Chúng ta không đủ khả năng để nhượng lại một nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng khác cho Trung Quốc. Hoa Kỳ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, nên làm việc với các đồng minh, đối tác và ngành công nghiệp để bảo đảm rằng Bắc Kinh không có quyền kiểm soát tài sản biển sâu một cách tự do.

Đáy biển sâu chứa các nốt đa kim nhỏ giàu mangan, coban, đồng, niken và các nguyên tố đất hiếm. Những trầm tích này được tìm thấy ở vùng biển quốc tế, thường cách bờ hàng trăm đến hàng nghìn km, ở độ sâu từ 200 mét trở lên.

Khai thác dưới biển sâu được quản lý bởi Cơ quan đáy biển quốc tế, được thành lập năm 1994 theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Cơ quan đáy biển quốc tế có thể cấp giấy phép thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển cho các quốc gia tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, Trung Quốc đã nhận được 5 trong tổng số 31 giấy phép thăm dò biển sâu của Cơ quan đáy biển quốc tế, là mức cao nhất trong số tất cả các quốc gia.

Theo Washington Post, khi các giấy phép này có hiệu lực vào năm 2025, Bắc Kinh sẽ có độc quyền nạo vét hơn 147 nghìn km vuông đáy biển quốc tế, chiếm 17% tổng diện tích hiện được cấp phép.

Tờ báo cho hay: “Bắc Kinh đang gây áp lực lên Cơ quan đáy biển quốc tế nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định của mình để các quy định có thể được thông qua vào năm 2025 hoặc sớm hơn. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Cơ quan đáy biển quốc tế bỏ lỡ thời hạn vào đầu năm nay để thiết lập khung pháp lý”.

Hoa Kỳ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, vì vậy nước này không thể tài trợ cho các công ty Hoa Kỳ xin giấy phép từ Cơ quan đáy biển quốc tế để khám phá hoặc khai thác tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển bên ngoài Hoa Kỳ.

Tình hình Chính trị Mỹ trong năm trước bầu cử

Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm ngoái, nền chính trị Mỹ dường như đã sẵn sàng cho một pha “cài đặt lại” trong năm 2023. Tổng thống Joe Biden đánh bại mọi dự đoán khi tiếp tục nắm Thượng viện và chỉ thua sít sao ở Hạ viện. Các đảng viên Dân chủ của ông, từng lo lắng về vị tổng thống già nua và không được ưa chuộng, trên thực tế đã hợp nhất và chọn ông làm ứng viên của đảng, tin rằng chiến lược mô tả các ứng viên Cộng hòa như “những kẻ cực đoan MAGA” có thể sẽ phát huy tác dụng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Tuy nhiên, Donald Trump đã quay lại. Từng có lúc Ron DeSantis, thống đốc Florida, vươn lên như ứng viên tiềm năng nhất của phe Cộng hòa. Nhưng kể từ đó tỉ lệ ủng hộ của ông lao không phanh, mở đường cho cựu tổng thống Trump. Với mỗi bản cáo trạng, ông Trump lại có thêm ủng hộ trong đảng Cộng hòa. Ông đang tiến rất gần tới đề cử của đảng mình.

2023: Một năm sóng gió trên chính trường Trung Quốc

Tập Cận Bình vừa trải qua năm đầu nhiệm kỳ với nhiều trắc trở. Ngay sau khi ông chiến thắng tại Đại hội 20 và tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư vào cuối năm 2022, biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố để phản đối chính sách hà khắc “zero-covid” của ông. Và việc vội vàng từ bỏ chiến lược này sau đó đã khiến số người chết tăng vọt. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc bất ngờ gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản chao đảo, trong khi chính quyền địa phương phải vật lộn với hàng núi nợ nần. Nền chính trị bí ẩn của Trung Quốc cũng có bước chuyển biến bất thường, khi lần lượt bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng bị miễn nhiệm chỉ chưa đầy một năm sau khi nhậm chức. Đến cuối năm 2023, các nhà quan sát lại càng thêm bối rối khi Đảng Cộng sản không triệu tập hội nghị trung ương 3, vốn là hội nghị bàn về chiến lược kinh tế.

Trong khi đó, căng thẳng với Mỹ bùng lên sau vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào tháng 2. Cuộc gặp hồi tháng trước giữa ông Tập và tổng thống Joe Biden —lần đầu tiên sau một năm — đã mang lại sự nhẹ nhõm phần nào. Nhưng nó có thể không kéo dài lâu.

Một năm được và mất của cánh hữu châu Âu

Người châu Âu bắt đầu năm mới một cách nhẹ nhõm khi tình trạng thiếu khí đốt do chiến tranh ở Ukraine đã không gây ra hậu quả nặng nề. Tuy vậy, cái lạnh vẫn đến với họ khi cuộc xung đột tiếp diễn không hồi kết. Việc ủng hộ Ukraine luôn chiếm sóng các hội nghị thượng đỉnh EU, và đến cuối năm thì khối này đã đồng ý mở đàm phán gia nhập chính thức cho Ukraine và Moldova, vốn cũng đang bị Nga đe dọa. Ngoài ra, EU còn cấp tư cách ứng cử viên cho Georgia.

Một số cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm nay xoay quanh câu hỏi liệu phe cực hữu theo chủ nghĩa dân túy có chuyển từ hình ảnh đối lập chuyên gây rối sang thực sự nắm quyền hay không. Ở Tây Ban Nha, một liên minh cánh hữu gồm có đảng dân túy Vox đã bất ngờ không giành được quyền lực vào tháng 7, trong khi ở Ba Lan, đảng Công lý và Luật pháp đã bị cử tri đào thải sau 8 năm cầm quyền. Nhưng bất ngờ lớn nhất là khi Geert Wilders, một chính trị gia chuyên công kích Hồi giáo, về nhất trong cuộc bầu cử ở Hà Lan hôm 22/11. Vai trò tương lai của ông – có lẽ là thủ tướng – sẽ là vấn đề của năm 2024.

Các động lực chính trị ở Trung Đông đã thay đổi

Đầu năm 2023, nhiều nhà quan sát cho rằng xung đột Israel-Palestine, một vấn đề cốt lõi ở thế giới Ả Rập, đã trở thành di sản của quá khứ. Nhưng không, cuộc chiến bùng nổ ở Gaza trong hai tháng gần đây đã gây xáo trộn chính trị trong khu vực, buộc các nhà lãnh đạo Ả Rập phải hạ nhiệt mối quan hệ đang nồng ấm với Israel và làm gia tăng khoảng cách giữa công chúng và các chính phủ hoàng gia. Đối với người Saudi, việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ phải chờ đợi: giờ đây họ muốn có một cái giá cao hơn để thiết lập quan hệ song phương. Ai Cập và Jordan sẽ bắt đầu năm mới đầy lo lắng. Người dân hai nước này vốn đã tức giận về khủng hoảng kinh tế, và hoàn cảnh khó khăn của người Palestine rất có thể sẽ châm dầu vào lửa.

Song tình hình không nghiêm trọng như một số nhận định. Các nước vùng Vịnh sẽ không cắt đứt quan hệ với Israel, cũng như tình trạng hòa hoãn với Iran mà họ đã tạo dựng từ đầu năm 2023. Iran đang phô trương sức mạnh ở nước ngoài, nhưng hệ thống của họ vẫn đang mục nát từ bên trong. Vấn đề Palestine quay lại chương trình nghị sự của Trung Đông, nhưng khu vực này đã thay đổi rất nhiều.

Trung Quốc tiến hành thử nghiệm tàu khoan siêu sâu đầu tiên trên biển 

18/12/2023 

Reuters 

Tàu khoan Mengxiang của Trung Quốc. Photo X People's Daily China.

Tàu khoan Mengxiang của Trung Quốc. Photo X People’s Daily China. 

Trung Quốc sẽ tiến hành thử nghiệm trên biển đối với tàu khoan nghiên cứu đại dương đầu tiên của mình vào ngày 22/12.

Tàu này có khả năng khoan ở độ sâu hơn 10.000 mét, và đây được coi là một bước quan trọng nhằm tăng cường khả năng thăm dò dầu khí ở vùng biển sâu của đất nước, theo Reuters.

Đây là tàu đầu tiên của Trung Quốc có khả năng nghiên cứu và khoan ở vùng nước cực sâu, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 18/12. Tàu này có thể di chuyển 15.000 hải lý (27.780 km) và hoạt động trong 120 ngày liên tục mà không cần quay trở lại cảng. Tàu này cũng có thể khoan sâu tới 11.000 mét dưới mực nước biển.

Theo truyền thông nhà nước, tàu Mộng Tưởng (Mengxiang), có nghĩa là “giấc mơ” trong tiếng Hoa, có thể di chuyển ở bất kỳ vùng biển nào ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Chưa có thông tin chi tiết nào được đưa ra về địa điểm diễn ra cuộc thử nghiệm trên biển này.

Các cuộc thử nghiệm trên biển của tàu Mộng Tưởng diễn ra khi căng thẳng gia tăng ở Biển Đông giàu tài nguyên và sau khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết cuối tuần qua rằng nước ông có thể bắt đầu các dự án thăm dò năng lượng mới ở tuyến đường thủy đang tranh chấp.

Trung Quốc và Philippines đã có những cáo buộc lẫn nhau về các vụ chạm trán tàu bè liên tục ở Biển Đông.

Vào tháng 3, Trung Quốc và Philippines đã nối lại các cuộc thảo luận về việc cùng khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, nơi có độ sâu trung bình hơn 1.200 mét (3.900 feet). Nhưng ông Marcos cho biết hôm 16/12 rằng “có rất ít tiến bộ” được thực hiện.

Động đất kinh hoàng ở Trung Quốc : Hơn 100 người thiệt mạng

Phan Minh /RFI

19/12/2023

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát của những ngôi nhà bị sập sau trận động đất kinh hoàng trong đêm qua, 18/12/2023, tại miền tây bắc Trung Quốc, khiến ít nhất 126 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Riêng ở tỉnh Cam Túc, chính quyền địa phương ghi nhận 113 người thiệt mạng và hơn 530 người bị thương tính đến sáng hôm nay 19/12/2023. 

Rescue workers conduct search and rescue operations at Kangdiao village following the earthquake in Jishishan county, Gansu province, China December 19, 2023.

Cứu nạn tại tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, ngày 19/12/2023, sau trận động đất trong đêm. via REUTERS – CHINA DAILY 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

Những đống đổ nát của những ngôi nhà được dọn dẹp bởi lực lượng cứu hộ trong trang phục huỳnh quang, tương phản với màu đen của đêm lạnh giá ở vùng chân núi Tây Tạng vào mùa đông. Trung Quốc sáng nay thức dậy với những hình ảnh được truyền thông Nhà nước và mạng xã hội đăng tải, cho thấy người dân giật mình thức dậy và hoảng hốt lao xuống cầu thang trong bộ áo khoác để thoát khỏi những ngôi nhà rung chuyển, nhiều người thậm chí vẫn còn mặc đồ ngủ. Lửa được đốt trong sân hoặc trên những con phố để sưởi ấm cho các nạn nhân lạnh cóng.

Một sinh viên năm thứ nhất trường đại học Nông Nghiệp ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc, cho biết qua điện thoại là cả ký túc xá của anh vẫn còn bàng hoàng. Anh kể : « Khoảng nửa đêm, vào lúc chúng tôi chuẩn bị đi ngủ, tôi cảm thấy giường bắt đầu rung lắc. Tôi cứ tưởng là người bạn ở giường phía trên trằn trọc và liên tục trở mình rất mạnh. Sau đó, điện thoại của chúng tôi nhận được những cảnh báo. Tất cả chúng tôi nhanh chóng mặc quần áo và lao xuống tầng dưới. Có một sân bóng rổ ngay dưới ký túc xá. Chúng tôi xuống đó và đứng chờ. »

Chủ tịch Trung Quốc hôm nay đã ra chỉ thị huy động tối đa lực lượng cứu hộ và nhanh chóng tìm nơi tạm trú cho các nạn nhân. Các tòa nhà, đường sá và các công trình thủy lực đều bị hư hại do trận động đất cùng với gần 150 dư chấn xảy ra sau đó.

Vatican chấp nhận ban phép lành cho các cặp đồng tính

Phan Minh /RFI

19/12/2023

Vatican hôm qua, 18/12/2023, đã chính thức bật đèn xanh cho việc ban phép lành cho các cặp đồng tính và những cặp sống “bất hợp lệ” khác, theo quan điểm của Giáo hội, như các cặp tái hôn hay sống không hôn thú. Tuy nhiên, Tòa Thánh nhấn mạnh việc ban phép lành phải được thực hiện bên ngoài các nghi lễ Công Giáo. 

Le pape François sur la place Saint Pierre de Rome, le 22 novembre 2023.

Giáo hoàng Phanxicô tại Roma, Ý, ngày 22/11/2023. REUTERS – GUGLIELMO MANGIAPANE  

Từ Roma, thông tín viên Éric Senanque giải thích :

Cụ thể là kể từ giờ, một linh mục hoặc một giám mục có thể ban phép lành cho các cặp đồng tính. Nghi thức này có thể được thực hiện nhân một cuộc hành hương, một cuộc gặp gỡ cá nhân với một chức sắc cao cấp, nhân chuyến viếng thăm một thánh địa, hoặc thậm chí nhân những buổi cầu nguyện theo nhóm.

Tuy nhiên, Vatican nêu rõ là hình thức ban phép lành này “không được ấn định như là một nghi lễ bởi các hàng giáo phẩm, để không gây nhầm lẫn với việc ban phép lành của bí tích hôn phối”.

Do vậy, không có văn bản chính thức nào dành cho loại nghi thức này và Vatican cũng không muốn đặt ra một tiêu chuẩn nào cả. Chính vị chức sắc cử hành buổi lễ sẽ tự chọn lời lẽ phù hợp. Vatican gợi ý rằng phép lành dành cho những cặp này có thể là dưới hình thức một lời cầu nguyện ngắn như “cầu xin bình an, sức khỏe, tinh thần kiên nhẫn, đối thoại và tương trợ lẫn nhau”.

Cuối cùng, để được hưởng nghi thức này, các cặp đồng tính không cần phải đáp ứng bất cứ tiêu chí nào. Tài liệu của Bộ Giáo lý Đức tin nêu rõ rằng những người này “không phải đáp ứng các đòi hỏi về đức hạnh nào”.