Thời sự Thứ Năm 21/12/2023: *Israel buộc cư dân thành phố lớn nhất ở nam Gaza “sơ tán” *Pháp lý của cựu TT Trump ở Colorado có thể ‘hóa vàng’ *Ông Trump có thể làm tổng thống bất chấp các rắc rối pháp lý? *TT Đài Loan đề nghị hỗ trợ Bắc Kinh sau trận động đất ở Cam Túc. *TQ cảnh báo Philippines ở Biển Đông 

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp


Xung đột Cận Đông: Israel buộc cư dân thành phố lớn nhất ở nam Gaza “sơ tán”

Thanh Hà /RFI

21/12/2023

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm qua, 20/12/2023, dân cư tại một phần lớn Khan Younès, thành phố lớn nhất miền nam Gaza đã được lệnh sơ tán. Đây là nơi có tới hơn 110.000 người cư ngụ trước đợt tấn công hồi đầu tháng 10/2023. Trong hơn hai tháng qua, Khan Younès tiếp nhận thêm hơn 30.000 người Palestine ở các khu vực bắc Gaza tản cư về phía nam lánh nạn. 

Đống đổ nát ở Khan Younès, Gaza sau các vụ oanh kích của quân đội Israel, ngày 20/12/2023.

Đống đổ nát ở Khan Younès, Gaza sau các vụ oanh kích của quân đội Israel, ngày 20/12/2023. REUTERS – BASSAM MASOUD 

Hãng tin Pháp AFP trích dẫn tài liệu của văn phòng điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) cho biết quân đội Israel đã ra lệnh cho dân cư tại một khu vực tương đương với 1/5 diện tích của thành phố Khan Younès « sơ tán ngay lập tức ». Nhưng tài liệu của Liên Hiệp Quốc không đi sâu thêm vào chi tiết về « tầm mức quy mô của các chương trình sơ tán nói trên ».

Từ đầu chiến tranh Israel – Hamas, dân cư ở bắc Gaza được lệnh di tản về phía nam và những người Palestine tản cư được đưa vào 32 trại tị nạn ở nam Gaza. Từ đầu tuần (Thứ Hai 18/12/2023), quân đội Israel gia tăng các cuộc oanh kích nhắm vào Khan Younès.

Trong khi đó, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, một lần nữa cuộc bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về một « lệnh ngừng bắn ngay lập tức vì lý do nhân đạo » cho Gaza đã bị hoãn lại vào hôm qua. Các bên kỳ vọng Hội Đồng Bảo An họp lại vào ngày hôm nay và sẽ tìm ra đồng thuận về bản dự thảo nghị quyết do Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đề nghị.

Văn bản này tránh nêu đích danh Hamas mà chỉ lên án « tát cả mọi hành vi tấn công mù quáng nhắm vào thường dân », mọi « hành vi khủng bố », mọi vụ « bắt giữ con tin », đồng thời kêu gọi các bên liên quan « tạo mọi điều kiện đưa viện trợ nhân đạo » vào Gaza, bằng « đường thủy, đường bộ và đường hàng không ».

Theo giới quan sát, việc cuộc họp đã nhiều lần bị dời lại cho thấy các bên tiếp tục đàm phán gay go về « một thỏa thuận ngừng bắn vì lý do nhân đạo ». Mỹ hôm 08/12/2023 đã dùng quyền phủ quyết về vấn đề này. Washington muốn tránh để bị cô lập về quan điểm bảo vệ đồng minh Israel. Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tối qua một lần nữa bác bỏ mọi khả năng hưu chiến cho tới khi nào « tiêu diệt » được phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas.


Bất lợi pháp lý của cựu Tổng thống Trump ở Colorado có thể ‘hóa vàng’

BBC News – 21/12/2023

Donald Trump

Một trong những thách thức tòa án liên quan đến tư cách tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 đã giúp ông Donald Trump cuối cùng ‘hốt được vàng’.

Phán quyết của Tòa án Tối cao bang Colorado về việc loại cựu tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa khỏi danh sách ứng viên trong cuộc bỏ phiếu tổng thống sơ bộ lại là một thời khắc chưa có tiền lệ nữa trong nền chính trị Hoa Kỳ. 

Quyết định này tiếp tục xóa mờ lằn ranh giữa hệ thống chính trị và tư pháp của Mỹ, tạo ra xung đột hoàn toàn mới giữa chiến dịch tranh cử tổng thống và các tòa án.

Tuy nhiên, thất bại pháp lý mới nhất này hẳn sẽ không tác động nghiêm trọng đến việc ông Trump tranh cử trở lại Nhà Trắng – và ông đang tận dụng nó như một lợi thế chính trị.

Các nhà hoạt động đã đệ trình vụ kiện lên tòa án tại bang Colorado – gồm một nhóm giám sát theo chủ nghĩa tự do cùng với các cử tri độc lập và chống Trump trong Đảng Cộng hòa – có thể đang ăn mừng chiến thắng.

Thế nhưng, phản ứng cho đến nay từ các chính trị gia thuộc Đảng Dân chủ – những người sẽ đứng trước các cử tri vào năm sau và đang phối hợp để đánh bại Trump trong cuộc bầu cử – lại kể một câu chuyện khác.

Đây không phải là một cuộc chiến mà họ muốn.

Bang vụ khanh Colorado Jena Griswold – người đã từ chối hành động đơn phương để ngăn chặn ông Trump trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại bang này – đã công bố một bản phản hồi của bà trước quyết định của tòa án hôm thứ Tư 20/12, cho thấy thực ra không hề có sự hồ hởi nào.

“Quyết định này có thể bị kháng cáo,” bà nói. “Tôi sẽ dõi theo quyết định của tòa án, vốn sẽ được đưa ra vào thời điểm chứng nhận phiếu bầu.”

Một phần lý do khiến bà có vẻ lưỡng lự trong việc tham gia vào vụ việc – cũng như sự yên ắng từ các đảng viên Dân chủ khác – là viễn cảnh cuối cùng về thách thức pháp lý tại bang Colorado không mấy sáng sủa.

Đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cam kết sẽ gửi kháng cáo trực tiếp lên Tòa án Tối cao Mỹ liên quan đến quyết định này. Theo Samuel Issacharoff, Giáo sư luật hiến pháp tại Đại học New York, đơn kháng án sẽ gần như chắc chắn sẽ được thụ lý, đặc biệt xét trong trong bối cảnh các tòa án bang khác đã cân nhắc, hoặc bác bỏ, các vụ kiện tương tự.

“Tư cách ứng viên tổng thống quốc gia không thể được quyết định theo từng bang,” ông nói. “Điều này sẽ phá vỡ trật tự dân chủ.”

Tòa án Tối cao Mỹ hiện thời có thế đa số bảo thủ là 6:3. Và trong khi các thẩm phán, thậm chí có ba người do ông Trump bổ nhiệm, đã cho thấy sẵn sàng đưa ra phán quyết chống lại cựu tổng thống trong các vụ kiện trước đó, Giáo sư Issacharoff cho rằng họ sẽ cực kỳ lưỡng lự khi ở vào thế có thể bị coi là đang hạn chế các lựa chọn của cử tri trong cuộc bỏ phiếu.

Phe dân chủ cũng có thể quan ngại rằng các thách thức pháp lý – và phán quyết của bang Colorado – đóng vai trò là một trong những thông điệp trọng tâm trong chiến dịch của ông Trump, rằng giới tinh hoa lãnh đạo đang bị phong trào chính trị của ông ấy đe dọa và sẵn sàng lật đổ ý chí của nhân dân để giữ vững quyền lực.

Donald Trump

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Cựu Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với một số thách thức pháp lý trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 

Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump là Steven Cheung đã gọi phán quyết ở bang Colorado là “hoàn toàn sai lầm”. Ông nói đây là một dấu hiệu cho thấy phe Dân chủ đã mất niềm tin vào Tổng thống Joe Biden và “hiện đang làm tất cả để ngăn chặn việc cử tri Mỹ phế truất họ vào tháng 11 năm tới”.

Trong khi đó, các đối thủ trong Đảng Cộng hòa của Trump phần lớn ủng hộ ông như trong suốt các cuộc chiến pháp lý của cựu tổng thống Mỹ vào năm nay.

Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis, đã gọi quyết định ở bang Colorado là sự lạm dụng quyền lực. Ứng viên tổng thống Mỹ Vivek Ramaswamy nói ông sẽ gạch bỏ tên mình trong phiếu bầu sơ bộ tại bang này. 

Đảng Cộng hòa tại Colorado cũng đe dọa hủy bỏ hoàn toàn cuộc bỏ phiếu sơ bộ và chọn một ứng viên thông qua quy trình họp kín (caucus).

“Chúng tôi sẽ chiến thắng theo một cách đúng đắn,” cựu Thống đốc bang South Carolina, Nikki Haley, người có thể là đối thủ thách thức sát sườn nhất của ông Trump, tuyên bố. “Chúng tôi không muốn các thẩm phán bảo với chúng tôi rằng ai có thể hoặc không thể có mặt trên lá phiếu bầu.”

Phe Dân chủ có thể cảm thấy nản chí trước việc, ít ra là cho đến nay, ông Trump dường như đã tránh được cái giá phải trả về mặt chính trị và pháp lý cho vai trò của mình trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol.

Cựu Tổng thống Mỹ đã bị các công tố viên và một chưởng lý quận ở bang Georgia truy tố với các cáo buộc liên quan đến nỗ lực hai lần đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Thế nhưng, vẫn còn vài tháng nữa, nếu không muốn nói là còn lâu hơn, mới diễn ra các vụ xét xử này, vốn sẽ do các bồi thẩm đoàn chứ không phải thẩm phán quyết định. Và điều đó cho thấy công tố viên đặc biệt Jack Smith, người đang dẫn dắt vụ kiện liên bang, đã đưa ra các cáo buộc có phạm vi hạn chế và không trực tiếp dựa trên căn cứ chứng tỏ ông Trump đã dẫn đầu cuộc bạo loạn.

Quyết định do Tòa án Tối cao bang Colorado đưa ra có thể mang đến một khoảnh khắc ngoạn mục về tính trách nhiệm giải trình mà một số người chỉ trích Trump mong muốn, nhưng cũng chỉ có thể mang tính tạm thời. 

Và cuối cùng thì quan trọng là điều này có thể mang lại khả năng cao hơn cho vị cựu tổng thống Mỹ trở lại nắm quyền.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cxx3pzejpn9o

Ông Trump có làm tổng thống được chăng, bất chấp các rắc rối pháp lý? 

21/12/2023 

Reuters 

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Mỹ Trump tham dự một sự kiện tranh cử ở Waterloo, Iowa

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa và cựu Tổng thống Mỹ Trump tham dự một sự kiện tranh cử ở Waterloo, Iowa 

Ông Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa năm 2024, bị buộc tội trong bốn vụ án hình sự riêng biệt và có thể phải đối mặt với phiên tòa đầu tiên ngay sau tháng Ba.

Cựu tổng thống Mỹ không nhận tội trong tất cả các vụ án và các rắc rối pháp lý khó có thể ngăn cản ông giành lại chức vụ nếu đắc cử.

Ông Trump có hội đủ điều kiện làm Tổng thống dù bị truy tố hình sự?

Hiến pháp Hoa Kỳ đòi hỏi các tổng thống phải ít nhất 35 tuổi và là công dân Hoa Kỳ đã sống ở Mỹ 14 năm.

Quốc hội đã bổ sung một điều khoản trong Tu chính án thứ 14 sau nội chiến, cấm các quan chức nào tham gia ‘nổi dậy hoặc nổi loạn’ không được giữ chức vụ liên bang.

Tòa án Tối cao Colorado hôm 19/12 ra phán quyết rằng ông Trump không đủ tư cách xuất hiện trên lá phiếu bầu cử sơ bộ của tiểu bang này vì ông đã tham gia vào cuộc nổi loạn ngày 6/1/2021, khi những người ủng hộ ông tấn công Điện Capitol của Hoa Kỳ.

Ông Trump, người đã phủ nhận hành vi sai trái trong vụ việc 6/1/2021, cho biết ông sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, nơi có đa số bảo thủ 6-3 bao gồm ba người được ông bổ nhiệm.

Các tòa án đang bị chia rẽ về việc liệu điều khoản nổi loạn có áp dụng đối với ông Trump hay không. Phán quyết của Colorado đã đảo ngược quan điểm của thẩm phán tòa cấp dưới, người đồng ý rằng ông Trump đã tham gia vào cuộc nổi loạn nhưng nói rằng ông không phải là một ‘viên chức’ có thể bị loại theo Tu chính án đó.

Các thẩm phán ở một số bang, bao gồm Minnesota, Michigan và New Hampshire đã bác bỏ các vụ kiện tương tự như vụ kiện ở Colorado.

Ông Trump chưa chính thức bị buộc tội nổi loạn.

Nếu đắc cử, ông Trump có thể kết thúc các vụ án hình sự nhắm vào ông chăng?

Ông Trump đối mặt với hai vụ kiện liên bang, trong đó có một vụ cáo buộc ông tìm cách đảo ngược thất bại một cách phi pháp trong cuộc bầu cử năm 2020 trước đảng viên Dân chủ Joe Biden và một vụ khác về việc ông xử lý các tài liệu mật khi rời nhiệm sở. Cả hai vụ án đều do công tố viên đặc biệt Hoa Kỳ Jack Smith đưa ra.

Ông Trump không thể trực tiếp sa thải ông Smith nhưng có thể bổ nhiệm một tổng chưởng lý, người sẽ làm việc đó, mặc dù ông Smith chỉ có thể bị sa thải vì hành vi sai trái hoặc vì các lý do chính đáng khác.

Ông Trump cũng đã bị truy tố tại tòa án bang New York vì vụ trả tiền bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm trước khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 và tại Georgia vì nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử năm 2020.

Các tổng thống không có quyền sa thải các công tố viên của tiểu bang và ông Trump sẽ không có quyền chấm dứt các cuộc điều tra này.

Các rắc rối pháp lý của ông Trump có gây phương hại cho việc ông tái tranh cử?

Cho đến nay, ông Trump đã lợi dụng các vụ việc này để làm lợi cho mình, cho rằng chúng là một phần của âm mưu chính trị chống lại ông, và hồ sơ tài chính trong chiến dịch tranh cử của ông đã cho thấy số tiền quyên góp tăng vọt sau các bản cáo trạng nhắm vào ông.

Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào đầu tháng 12 cho thấy 52% cử tri tự nhận là đảng Cộng hòa sẽ bỏ phiếu cho ông Trump ngay cả khi ông bị bồi thẩm đoàn kết án trọng tội và 46% sẽ bỏ phiếu cho ông cho dù ông đang có án tù.

Khoảng 31% đảng viên Cộng hòa sẽ không bỏ phiếu cho ông nếu ông bị kết án và 39% sẽ không bỏ phiếu cho ông nếu ông thọ án tù. Những người còn lại nói rằng họ không biết họ sẽ làm gì.

Ông Trump có thể tự đặc xá cho mình không, nếu bị kết án?

Một khi được bầu làm tổng thống, ông Trump có thể tìm cách đặc xá cho chính mình nếu bị kết án trong cả hai vụ án liên bang. Tổng thống có quyền đặc xá rộng rãi, mặc dù các học giả pháp lý không nhất trí liệu việc tự ân xá có vi phạm hay không nguyên tắc cơ bản là không ai được làm thẩm phán cho vụ án của chính mình.

Câu hỏi này gần như chắc chắn sẽ được Tòa án Tối cao quyết định.

Ông Trump không có quyền ân xá cho chính mình trong các vụ án cấp tiểu bang. Ông vẫn có thể được bầu và tuyên thệ nhậm chức ngay cả khi bị kết án trong vụ ở New York hoặc Georgia.

Vụ án ở New York hiện được ấn định ngày 25/3. Vụ án ở Georgia dự kiến sẽ không diễn ra trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2024.

https://www.voatiengviet.com/a/7406786.html

Giữa căng thẳng leo thang, tổng thống Đài Loan đề nghị hỗ trợ Bắc Kinh sau trận động đất ở Cam Túc

Lý Ngôn – Lý Ngọc biên dịch

Giữa căng thẳng leo thang, tổng thống Đài Loan đề nghị hỗ trợ Bắc Kinh sau trận động đất ở Cam Túc

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến Thư viện Tổng thống Reagan ở Semi Valley, tiểu bang California, Mỹ, hôm 5/4/2023. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times) 

Một trận động đất đã xảy ra ở rìa phía bắc của cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng , khiến hơn 100 người thiệt mạng. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm thứ Ba (19/12) bày tỏ lời chia buồn và một lần nữa đề nghị hỗ trợ Bắc Kinh.

Căng thẳng giữa hai eo biển đang leo thang trong 4 năm qua, khi ĐCSTQ tiếp tục tìm cách thống nhất eo biển Đài Loan thông qua áp lực chính trị và quân sự. Đài Loan Dân chủ từ chối trở thành một phần “không thể thiếu” của Trung Quốc.

Nhưng sau trận động đất hôm thứ Hai (18/12) , bà Thái Anh Văn đã gạt bỏ việc chính quyền Trung Quốc tiếp tục khiêu khích Đài Loan và đưa ra một tuyên bố bằng tiếng Anh và tiếng Trung trên nền tảng mạng xã hội X để bày tỏ “lời chia buồn chân thành tới tất những người đã mất và người thân của họ trong trận động đất”.

“Một trận động đất mạnh đã xảy ra ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, gây thương vong và thiệt hại. Tôi xin gửi lời chia buồn tới những nạn nhân không may mắn và gia đình họ. Chúng tôi cũng sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ cần thiết”. Bà nói thêm: “Chúng tôi hy vọng công tác cứu hộ, khắc phục sau thiên tai sẽ diễn ra suôn sẻ và khu vực địa phương có thể trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất”.

Hôm thứ Hai (18/12), một trận động đất mạnh 6,2 độ Richter đã tấn công các tỉnh Cam Túc và Thanh Hải, khiến ít nhất 127 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Đường sá bị hư hại, đường dây điện và thông tin liên lạc bị gián đoạn, người dân phải đối mặt với thời tiết lạnh giá nghiêm trọng.

Theo Reuters, sở cứu hỏa Đài Loan cho biết đã thành lập đội tìm kiếm cứu nạn gồm 160 người, 4 chó và 13 tấn vật tư, sẵn sàng tới Trung Quốc khi cần thiết. Trung Quốc vẫn chưa trả lời liệu họ có cho phép bất kỳ đội cứu hộ nước ngoài nào vào nước này hay không.

Trận động đất được coi là tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong 9 năm qua. Vào tháng 8/2014, một trận động đất xảy ra ở tỉnh Vân Nam, khiến 617 người thiệt mạng.

Bản thân Đài Loan thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất. Bà Thái Anh Văn đã hơn một lần gửi lời chia buồn sau những thảm họa xảy ra ở Trung Quốc, kể cả sau trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên năm ngoái.

Năm 2008, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra ở Vấn Xuyên, Tứ Xuyên, Đài Loan cũng cử đội cứu hộ tới Trung Quốc. Trận động đất đã giết chết gần 70.000 người và gây thiệt hại trên diện rộng.

Bởi vì ĐCSTQ liên tục làm sai lệch thông tin nên dữ liệu được công bố luôn bị nghi ngờ.

Căng thẳng giữa hai eo biển tiếp tục leo thang

Đề xuất gửi viện trợ cho Bắc Kinh của bà Thái Anh Văn được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan vào tháng tới bị cáo buộc là có sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời, Bắc Kinh cũng tăng cường xâm nhập quân sự và khiêu khích Đài Loan. Đài Loan cho biết ít nhất hai khinh khí cầu của Trung Quốc đã bay qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan vào Chủ nhật (17/12).

Đây là lần thứ 2 trong tháng này, khinh khí cầu của Trung Quốc bay về phía Đài Loan, lần thứ nhất vào ngày 7/12.

Đài Loan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 13/1. Ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), đương kim phó Tổng thống của Đảng Dân Tiến, dự kiến ​​sẽ đắc cử. Ông Lai Ching-te, người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc luôn tìm kiếm “một Đài Loan độc lập”, cho biết ông hy vọng sẽ duy trì hòa bình và duy trì hiện trạng quan hệ giữa hai bờ eo biển.

Tháng trước, Trung Quốc đã cử 43 máy bay quân sự và 7 tàu chiến đến gây rối Đài Loan.


Kinh tế toàn cầu đã thoát suy thoái trong năm 2023

Chỉ cách đây một năm người ta vẫn cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ sớm rơi vào suy thoái. Nhưng rồi kinh tế Mỹ bùng nổ trong năm 2023, tăng trưởng với tốc độ năm đáng kinh ngạc là 5,2% trong quý 3. Và ngay cả khi không có suy thoái toàn cầu, lạm phát vẫn giảm trên toàn thế giới.

Tuy vậy, niềm vui tốt đẹp này không thể kéo dài. Nền tảng cho sự tăng trưởng hiện nay có vẻ không ổn định. Một lý do khiến nền kinh tế Mỹ hoạt động tốt hơn mong đợi là vì người tiêu dùng nước này đã chi tiêu số tiền họ tích lũy được trong đại dịch. Do đó, khi khoản tiền này vơi đi, lãi suất cao sẽ gây ảnh hưởng nặng nề, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Rắc rối cũng sẽ xuất hiện nếu lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài – với một điển hình là tình trạng phá sản của các doanh nghiệp đang gia tăng.

Nền kinh tế thế giới cũng đang được nâng đỡ bởi nguồn tài chính khổng lồ không bền vững. Nhìn chung, nợ chính phủ ở các nước giàu hiện nay tính theo tỷ trọng GDP đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ sau Chiến tranh Napoléon đầu thế kỷ 19..


Khoảng cách tiền lương thu hẹp ở các nước phát triển

Niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản được thiết kế để mang lại lợi ích cho người giàu và gây hại cho người lao động đã định hình thế giới quan của hàng triệu người trên thế giới. Nhưng nó có thể không đúng sự thật. Khoảng cách tiền lương đang thu hẹp trên khắp các nước phát triển. Ở Mỹ, thu nhập thực tế hàng tuần của nhân công thu nhập thấp đang tăng nhanh hơn những người có thu nhập cao nhất. Đâu là động lực của xu hướng này?

Các chính phủ đã mở hầu bao trong đại dịch Covid-19, trong khi Mỹ tiếp tục thâm hụt ngân sách lớn. Hệ quả là nhu cầu lao động vẫn ở mức cao. Hơn nữa, năng suất cao hơn trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi AI sẽ thúc đẩy nhu cầu việc làm trong các lĩnh vực mà AI không thật sự hữu dụng (ví dụ như lao động chân tay). Nhu cầu cao hơn trong khi nguồn cung thì hạn chế, được đánh dấu bởi tỉ lệ tăng dân số trong độ tuổi lao động chính xuống mức thấp chưa từng thấy ở các nước phát triển.

Thời kỳ hoàng kim hiện nay dành cho người lao động cổ cồn xanh vẫn còn ngắn ngủi và hoàn toàn có thể thay đổi. Nhưng ít nhiều nó đã chứng tỏ con đường tốt nhất dẫn tới thịnh vượng trong tương lai cho tất cả mọi người. Các chính phủ không nên thu hẹp, mà hãy chia đều miếng bánh.


Chủ nghĩa bảo hộ phi thi trường liệu có bền vững?

Đứt gãy chuỗi cung ứng, các mối đe dọa về an ninh quốc gia, quá trình chuyển đổi năng lượng và khủng hoảng chi phí sinh hoạt – tất cả gần đây đã thôi thúc các chính phủ phải hành động. Song chúng cũng thúc đẩy cái được nhiều người gọi là “kinh tế quê hương” (homeland economics), một hệ tư tưởng mang nặng tính bảo hộ và can thiệp do các nhà nước quản lý. Thị trường mở bị bỏ quên khi các chính phủ vứt bỏ các nguyên tắc đã làm cho thế giới trở nên giàu có.

Sự kết hợp giữa bảo hộ, chi tiêu và quy định có một cái giá không hề rẻ. Hóa đơn nợ công ngày một tăng của Mỹ có thể sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trước cuối thập niên này. Kinh tế quê hương cũng không quá hấp dẫn trước một thế giới thay đổi từng ngày. Quá trình chuyển đổi năng lượng và AI là quá lớn để các chính phủ có thể lập kế hoạch – ý tưởng cần được thử nghiệm bởi thị trường, không phải nhà nước.

Tin tốt là kinh tế quê hương sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính nó. Ví dụ, một Trung Quốc trì trệ và đàn áp có thể không còn giữ được lời hứa về sự thịnh vượng do nhà nước chỉ đạo. Dù tiềm ẩn những hứa hẹn, xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi cho thị trường tự do sẽ không dễ dàng.


Thị trường quản lý tài sản bùng nổ

Các công ty quản lý tài sản là điều hấp dẫn nhất ở Phố Wall. Với mức phí hàng năm khoảng 1% tài sản đầu tư, họ đang ngày càng tỏ ra hiệu quả trong việc giúp khách hàng phân bổ tài sản, giảm thiểu hóa đơn thuế và lập kế hoạch nghỉ hưu. Các công ty đang đổ xô vào mảng quản lý tài sản, nhờ tiềm năng to lớn khi thế giới ngày càng giàu có hơn. Ví dụ, năm ngoái ở Ấn Độ có 849.000 triệu phú đô la, gấp gần 23 lần so với năm 2000.

Sự bùng nổ này là tin tốt cho các công ty và cơ quan quản lý. Người đánh cược cũng được hưởng lợi. Các công ty quản lý tài sản có nhiệm vụ phụ trách toàn bộ và phải hành động vì lợi ích tốt nhất của khách hàng khi đưa ra lời khuyên tài chính. Họ không phải là những tay đánh cổ phiếu với tham vọng đánh bại thị trường (lợi nhuận chủ động thật ra cũng không thể đánh bại được lợi nhuận thụ động sau phí). Đối với những người muốn bảo tồn và phát triển tài sản cá nhân, các nhà quản lý tài sản là lựa chọn hàng đầu.


Tòa Tối cao Colorado ra phán quyết lịch sử loại ông Trump khỏi lá phiếu vì liên quan đến bạo loạn

Tòa án Tối cao tiểu bang Colorado 

Tòa án Tối cao Colorado ra phán quyết hôm thứ Ba 19/12 rằng cựu Tổng thống Donald Trump không đủ tiêu chuẩn đứng đầu Nhà Trắng, căn cứ vào một điều khoản của Hiến pháp Mỹ nói về tội phản loạn, và tòa loại ông khỏi cuộc bỏ phiếu tổng thống sơ bộ của bang.

Phán quyết này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Mục 3 của Tu chính án thứ 14 được sử dụng để loại một ứng cử viên tổng thống.

“Đa số các thẩm phán của tòa xác định rằng ông Trump không đủ tiêu chuẩn để giữ chức tổng thống theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14”, tòa nêu ra trong phán quyết của mình, đạt được với 4 thẩm phán bỏ phiếu thuận và 3 vị bỏ phiếu chống.

Tòa án cấp cao nhất của Colorado đã hủy bỏ phán quyết trước đây của một thẩm phán tòa án cấp quận hạt. Ở cấp này, vị thẩm phán xác định rằng ông Trump đã kích động một cuộc nổi loạn vì ông đóng vai trò trong vụ tấn công vào Điện Capitol hôm 6/1/2021, nhưng vẫn thẩm phán này cho rằng không thể cấm đưa tên ông vào lá phiếu vì không thể xác định là điều khoản của tu chính án có chủ định áp dụng cả với chức vụ tổng thống hay không.

Tòa án Tối cao của Colorado duy trì hiệu lực của phán quyết vừa đưa ra cho đến ngày 4/1/2024 hoặc cho đến khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết về vụ này.

Các luật sư của ông Trump tuyên bố sẽ kháng cáo ngay lập tức mọi phán quyết về “không đủ tiêu chuẩn” lên tòa án cao nhất của Mỹ, nơi đưa ra quyết định cuối cùng về các vấn đề bảo hiến.

“Tòa án Tối cao Colorado đã ra một phán quyết hoàn toàn sai lầm tối nay và chúng tôi sẽ nhanh chóng nộp đơn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đồng thời yêu cầu hoãn lại phán quyết hết sức phi dân chủ này”, phát ngôn viên cho ban tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, ra tuyên bố tối 19/12.

Ông Trump đã thua ở Colorado với khoảng cách 13 điểm phần trăm vào năm 2020 và không cần đến bang này để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới. Nhưng mối nguy đối với vị cựu tổng thống là ở chỗ sẽ có thêm nhiều tòa án và quan chức bầu cử làm theo Colorado và loại ông Trump khỏi cuộc bầu cử ở các bang mà ông buộc phải giành chiến thắng.

Các quan chức Colorado nói rằng vấn đề này phải được giải quyết xong trước ngày 5/1/2024, là hạn chót để bang in các lá phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ.

Trên toàn nước Mỹ, đã có hàng chục đơn kiện được nộp tới tòa nhằm loại bỏ ông Trump, căn cứ vào Mục 3 của Tu chính án 14. Điều khoản này có mục đích ngăn chặn những người thuộc Liên minh các bang miền Nam Hoa Kỳ trước đây quay trở lại tham gia chính quyền sau Nội chiến. Điều khoản này cấm bất cứ ai từng tuyên thệ “ủng hộ” Hiến pháp mà sau đó lại “tham gia nổi dậy hoặc bạo loạn” chống lại Hiến pháp, và điều khoản này mới chỉ được áp dụng một vài lần kể từ thập niên ngay sau Nội chiến.

Vụ tranh tụng ở Colorado vừa diễn ra là vụ đầu tiên mà bên nguyên đơn đã thắng. Sau phiên điều trần kéo dài một tuần hồi tháng 11, Thẩm phán cấp quận hạt Sarah B. Wallace xác định rằng ông Trump thực sự đã “tham gia nổi dậy” với việc ông kích động cuộc tấn công vào Điện Capitol hôm 6/1, đồng thời, phán quyết của bà thẩm phán rằng tên của ông được giữ lại trên lá phiếu là một phán quyết nặng về tính lý thuyết.

Các luật sư của ông Trump khi đó đã thuyết phục bà Wallace rằng vì từ ngữ trong Mục 3 đề cập đến “các viên chức của Hoa Kỳ” tuyên thệ “ủng hộ” Hiến pháp, nên điều khoản này không được áp dụng cho tổng thống, là chức vụ không được đưa vào danh sách “viên chức của Hoa Kỳ” ở những nơi khác trong tu chính án và lời thề của tổng thống là “gìn giữ và bảo vệ” Hiến pháp, chứ không phải là “ủng hộ”.

Điều khoản này cũng viết rằng các chức vụ được áp dụng bao gồm thượng nghị sĩ, dân biểu, đại cử tri bầu tổng thống và phó tổng thống, và tất cả những người khác “thuộc Hoa Kỳ”, nhưng không nêu tên tổng thống.

Tòa án tối cao của bang không đồng ý với phán quyết trước đây. Tòa ủng hộ các luật sư của 6 cử tri đảng Cộng hòa ở Colorado và các cử tri không thuộc đảng nào, những người này lập luận rằng các tác giả soạn ra tu chính án đã lo ngại việc các thành phần thuộc Liên minh miền Nam trước đây quay trở lại nắm quyền, do đó, hẳn là rất phi lý khi cho rằng các vị tác giả đó muốn cấm các thành phần đó giữ chức vụ ở các cấp thấp mà lại không tính đến ngăn chặn họ ở chức vụ cao nhất của đất nước.

Nguồn: VOA Tiếng Việt


Chính quyền Myanmar bị tố phạm tội ác chiến tranh trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy 

21/12/2023 Reuters 

Một nhà dân bị quân đội Myanmar phá hủy ở Daw Ngay Ku.

Một nhà dân bị quân đội Myanmar phá hủy ở Daw Ngay Ku. 

Quân đội Myanmar có thể đã thực hiện các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường và sử dụng bom chùm bị cấm trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy dân tộc thiểu số, tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hôm 21/12, đồng thời kêu gọi điều tra các cáo buộc tội ác chiến tranh, theo Reuters.

Chính quyền quân sự Myanmar đang phải đối mặt với thách thức chiến trường lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2021, với các cuộc tấn công phối hợp của các nhóm nổi dậy nhằm vào các đồn quân sự ở bang Shan, giáp biên giới Trung Quốc và ở bang Rakhine phía tây.

Một cuộc không kích của quân đội Myanmar ở bang Shan hồi đầu tháng này đã sử dụng những quả bom rất có thể là bom chùm, Tổ chức Ân xá cho biết trong một tuyên bố, trích dẫn bằng chứng được phân tích bởi nhà điều tra vũ khí của họ.

Theo Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA), một trong ba nhóm nổi dậy “Liên minh ba anh em”, vụ tấn công này đã khiến một người dân thiệt mạng và 5 người bị thương.

Thường dân ở Pauk Taw, bang Rakhine bị cướp bóc, bắt giữ tùy tiện, đối xử và tra tấn vô nhân đạo, tổ chức Ân xá cho biết khi trích dẫn các cuộc phỏng vấn với 10 thường dân.

Ông Matt Wells, giám đốc Chương trình Ứng phó Khủng hoảng của Tổ chức Ân xá, cho biết: “Quân đội Myanmar có lịch sử vấy máu về các cuộc tấn công bừa bãi gây hậu quả tàn khốc cho dân thường và phản ứng tàn bạo của họ trước một cuộc tấn công lớn của các nhóm vũ trang”.

Reuters không thể xác minh độc lập các tin tức này. Ông Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền, không đưa ra bình luận. Ông phủ nhận việc quân đội Myanmar nhắm mục tiêu vào dân thường trong các chiến dịch mà ông gọi là hành động hợp pháp chống lại “những kẻ khủng bố”.

Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 300.000 người đã chạy trốn khỏi cuộc giao tranh nổ ra vào cuối tháng 10, với hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa kể từ cuộc đảo chính.

Trong một tuyên bố được đưa ra trước báo cáo của Tổ chức Ân xá, liên minh cho biết quân đội thường xuyên đe dọa dân thường bao gồm việc bắt giữ tùy tiện, sử dụng lá chắn người và tra tấn.

Cũng hôm 21/12, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York cáo buộc một nhóm liên minh nổi dậy bắt cóc và cưỡng bức thường dân chạy trốn ở bang Shan gia nhập vào nhóm của họ.

Bà Elaine Pearson, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức này cho biết: “Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) đang vi phạm luật chiến tranh”.

MNDAA không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.


Trung Quốc cảnh báo Philippines về ‘tính toán sai lầm’ ở Biển Đông 

21/12/2023 

Reuters 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Philippines giải quyết những căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ giữa họ về vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại, cảnh báo rằng bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng sẽ khiến Bắc Kinh phải tự vệ và “kiên quyết đáp trả”.

Bắc Kinh và Manila cáo buộc nhau gay gắt trong những tháng gần đây về một loạt các vụ tranh chấp ở Biển Đông.

Philippines cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc cố tình va chạm với tàu bè của họ và sử dụng vòi rồng cũng như tia laser cấp quân sự để bắn vào tàu của họ, trong khi Trung Quốc cáo buộc Philippines xâm phạm lãnh thổ của họ.

Mối quan hệ giữa hai nước xấu đi trong năm nay trong lúc Manila tăng cường quan hệ quân sự với Nhật Bản và Hoa Kỳ, cựu cường quốc thuộc địa và đồng minh quốc phòng của nước này trong bảy thập kỷ.

Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương nói với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo trong cuộc điện đàm hôm 20/12 rằng: “Mối quan hệ Trung Quốc-Philippines đang ở ngã ba đường”.

“Ưu tiên hàng đầu là xử lý và kiểm soát hợp lý tình hình hàng hải hiện tại”.

Ông Vương được trích lời nói rằng nếu Philippines đánh giá sai hoặc thông đồng với các thế lực bên ngoài “có ý đồ xấu”, Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền lợi của mình và phản ứng kiên quyết.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 21/12 rằng yêu cầu thực hiện cuộc điện đàm này đến từ phía Philippines.

Phát biểu của ông Vương có thể làm gia tăng tranh chấp đã âm ỉ trong nhiều năm, với việc Philippines đẩy lùi điều mà họ coi là chiến dịch của Trung Quốc nhằm ngăn cản nước này tiếp cận nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Sự leo thang hướng tới một cuộc đối đầu vũ trang, dù khó có thể xảy ra, sẽ là một sự gia tăng nguy cơ đáng kể, với việc Mỹ bị ràng buộc bởi hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 là phải bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công, kể cả ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Manalo cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Vương, đồng thời nói thêm rằng cả hai “lưu ý tầm quan trọng của đối thoại”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/12 cho biết: “Quan điểm của Trung Quốc vẫn không thay đổi là các tranh chấp cần được giải quyết hợp lý thông qua đối thoại và tham vấn”.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, bao gồm việc mở rộng quyền tiếp cận của Hoa Kỳ tới các căn cứ quân sự của Philippines trong khi tìm kiếm sự đảm bảo về mức độ mà Washington sẽ bảo vệ đất nước của ông khỏi bị tấn công – những động thái đã khiến Trung Quốc khó chịu.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm 20/12 chỉ trích Trung Quốc và nói rằng “không có quốc gia nào trên thế giới” ủng hộ yêu sách hàng hải của Bắc Kinh. Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác đã lên án việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc đối đầu và ngăn chặn các tàu Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Philippines hôm 21/12 cho biết người đứng đầu quân đội của họ và tướng hàng đầu của Nhật Bản đã tổ chức các cuộc đàm phán về “các vấn đề an ninh khu vực cấp bách”, trong đó họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng liên minh để chống lại sự xâm lược, kể cả ở Biển Đông.

Tuyên bố của quân đội Philippines cho biết: “Cuộc gặp thể hiện cam kết của (quân đội Philippines) trong việc tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia có cùng chí hướng và thu hút sự ủng hộ cho việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cũng như một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.