Thời sự Thứ Tư 11/10/2023: Tin vịt lan truyền về xung đột Israel-Hamas Hơn 3000 người chết sau 5 ngày xung đột *Do thái tìm thấy 1.500 xác của Hamas *Liệu Hizbullah có tham chiến? *Cộng hoà Hạ viện Mỹ đang chọn thay McCarthy *Triều Tiên đang cấp vũ khí cho Nga?

Share this post on:

Võ Thái hà tổng hợp


Tin vịt lan truyền trên mạng về xung đột Israel-Hamas 

11/10/2023 – Reuters 

Phi đạn của Israel được phóng từ Hệ thống phòng thủ phi đạn Vòm Sắt trên thành phố Netivot, miền nam Israel, ngày 8/10/2023, nhằm ngăn chặn rốc-kết bắn từ Dải Gaza.

Phi đạn của Israel được phóng từ Hệ thống phòng thủ phi đạn Vòm Sắt trên thành phố Netivot, miền nam Israel, ngày 8/10/2023, nhằm ngăn chặn rốc-kết bắn từ Dải Gaza. 

Sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel từ Gaza và sau phản ứng của Israel bằng các cuộc không kích, thông tin sai lệch đã lan truyền trên mạng trong khi hai bên vẫn tiếp tục giao tranh. 

Trong một sự kiện lớn như xung đột vũ trang, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ những tuyên bố gây hiểu lầm hoặc vô căn cứ, bao gồm cả hình ảnh chú thích sai hoặc tài liệu bị chỉnh sửa nhằm định hình nhận thức của công chúng.

Reuters đã kiểm tra thực tế một số tuyên bố được chia sẻ rộng rãi bằng tiếng Anh, tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập.

Chú thích sai 

Khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7/10, các chiến binh được hỗ trợ bởi phi đạn đã bay vào Israel trên những chiếc tàu lượn. Nhưng hàng nghìn người trên mạng xã hội cuối cùng đã xem những đoạn phim không liên quan quay cảnh lính dù Ai Cập nhảy dù qua Học viện Quân sự Ai Cập ở Cairo.

Một người dùng trên X chia sẻ đoạn clip này với chú thích: “Xem đây: Các tay súng Hamas đang dùng tàu lượn nhảy vào lễ hội âm nhạc của Israel và tiến hành một cuộc tấn công chết người rộng lớn.” 

Biden không hỗ trợ 8 tỷ đô la

Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngỏ ý với Israel “tất cả các phương tiện hỗ trợ thích hợp” và đang di chuyển các tàu quân sự và máy bay đến gần hơn.

Tuy nhiên, ông Biden không cho phép viện trợ quân sự trị giá 8 tỷ đô la cho Israel như một số người trên mạng đã tuyên bố sai sự thật. Tuyên bố này được gắn vào một hình ảnh đã được thay đổi trong một bản ghi nhớ của Tòa Bạch Ốc từ tháng 7 năm nay, trong đó ông Biden đã phê duyệt khoản viện trợ 400 triệu đô la cho Ukraine.

Phim cũ 

Lễ hội âm nhạc có hàng nghìn người tham dự ở khu định cư Reim của Israel là một trong những mục tiêu đầu tiên của các tay súng sau khi vượt qua hàng rào biên giới Gaza.

Tuy nhiên, lan truyền trên mạng xã hội ghi lại khoảnh khắc lễ hội bị tấn công là một đoạn video được quay trước đó ba ngày, cho thấy những người hâm mộ ca sĩ Hoa Kỳ Bruno Mars chạy vào sân hòa nhạc ở Tel Aviv để xem anh biểu diễn.

Tuyên bố sai: Những người Do thái Chính thống giáo ‘chạy trốn’ các tay súng

Một video khác được người dùng mạng xã hội đồn là cảnh quay người Do Thái chạy trốn khi còi báo động không kích vang lên ở Jerusalem không hề có liên quan đến các vụ đụng độ hiện nay.

Đoạn video lần đầu tiên xuất hiện trực tuyến ít nhất bốn ngày trước hôm 7 tháng 10. Một người nói trong đoạn clip bằng tiếng Do Thái mô tả cảnh tượng cho thấy cảnh những người Do Thái theo Chính thống giáo rời khỏi Bức tường phía Tây sau khi cầu nguyện.

‘Cô gái thất lạc’

Một đoạn video quay cảnh một cô gái trẻ với một người đàn ông nói tiếng Ả Rập đã được chia sẻ trên mạng với mô tả sai lệch là các chiến binh Hamas cùng một cô gái bị bắt cóc sau cuộc tấn công gây sốc.

Đoạn video có tựa đề “Cô gái thất lạc” bao gồm âm thanh của một người đàn ông nói bằng tiếng Ả Rập: “Bố mẹ cô là ai? Mẹ cô ở đâu, bố cô ở đâu, cô đến với ai?”

Có các vụ bắt cóc phụ nữ và trẻ em rồi đưa vào Gaza, theo Reuters, nhưng đoạn video trên đã được đăng trên TikTok vào ngày 8/9, gần một tháng trước vụ tấn công hôm 7/10.


Hơn 3000 người chết sau 5 ngày xung đột giữa Israel và Hamas trên dải Gaza và vùng lân cận

Minh Anh /RFI

11/10/2023

Cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas trên dải Gaza hôm nay, 11/10/2023 bước sang ngày thứ năm. Theo thống kê sơ bộ, hơn 3.000 người chết từ cả hai phía bao gồm cả thường dân, quân nhân Israel hay chiến binh Hamas.   

Dân Palestine cứu một bé gái khỏi một tòa nhà bị phá hủy trong một vụ oanh kích của Israel vào Gaza ngày 10/10/2023.

Dân Palestine cứu một bé gái khỏi một tòa nhà bị phá hủy trong một vụ oanh kích của Israel vào Gaza ngày 10/10/2023. AP – Fatima Shbair  

Reuters dẫn số liệu từ phía Israel khẳng định cuộc tấn công của phe Hamas cách nay năm ngày tính đến hôm nay đã làm cho hơn 1.200 người chết và 2.700 người khác bị thương. Chiến sự bùng nổ đã làm cho hơn 263 ngàn người sinh sống trên dải Gaza buộc phải di tản. 

Nhật báo Kinh tế Pháp Les Echos cho biết nhiều nước bắt đầu tổ chức hồi hương các công dân vào lúc quân đội Israel mở nhiều cuộc oanh kích mới vào dải Gaza trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư, nhắm vào hơn 200 mục tiêu tại một khu phố mà theo chính quyền Israel, dường như đã được phe Hamas dùng để tiến hành đợt tấn công chưa từng có.  

Tổng cộng, quân đội Israel từ hôm thứ Bảy đã « tiêu diệt » ít nhất 1.000 người Palestine có vũ trang xâm nhập vào Israel từ dải Gaza.

Theo thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem, ngoài việc oanh kích vào dải Gaza và phía nam Liban, quân đội Israel cũng đã đáp trả các vụ nã pháo từ Syria :

« Sau những vụ đụng đột ở biên giới Israel – Liban, nhất là sau loạt bắn rốc-kết và hành động đáp trả từ Israel, tình tiết mới ở đây là thêm một mặt trận được mở trong đêm qua, do có các quả đạn cối được bắn đi từ Syria. Ở đây một lần nữa, Israel đã oanh kích đáp trả. Ở phía nam, các vụ oanh kích của không quân và hải quân Israel vào dải Gaza, chủ yếu nhắm vào khu phố Al Furqan, phía bắc Gaza, ốc đảo của người Palestine, cũng như là khu phố Khan Younès ở phía nam. 

Có tin nói rằng nhà của gia đình Mohamed Deif, lãnh đạo chiến dịch quân sự của Hamas là mục tiêu tấn công. Nhưng không chỉ có thế, quân đội Israel cho biết nhiều sự cố xảy ra tại Israel, ít nhất có bốn người Palestine vũ trang, trong đó có một “người nhái biệt động” đã bị bắn hạ tại vùng ngoại vi của dải Gaza trong đêm qua. Rồi một vụ đụng độ ở vùng Đông Jerusalem, cảnh sát đã giết chết hai người ở khu phố Al Silwan. » 


Mỹ thảo luận với Israel và Ai Cập mở lối an toàn cho dân 

Cũng theo thông tín viên Michel Paul, Israel huy động ồ ạt một con số kỷ lục 360 ngàn quân dự bị. Các đội quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ ở dải Gaza.  

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, hôm qua, 10/10/2023 cho biết Hoa Kỳ đang thảo luận với Israel và Ai Cập về việc mở một lối thoát an toàn cho thường dân ở dải Gaza.

Ý định này của Mỹ được đưa ra vào lúc Ai Cập, ngày 10/10 thông báo đóng cửa biên giới Rafah, nối Ai Cập với phía nam dải Gaza trước các đợt oanh kích từ Israel nhắm vào vùng lãnh thổ này. 


Israel tuyên bố tìm thấy 1.500 thi thể thành viên Hamas

Israel tuyên bố tìm thấy 1.500 thi thể thành viên Hamas

Đạn pháo xếp cạnh một xe bọc thép. Lúc này, binh lính Israel đã chiếm lại được các vị trí gần biên giới với Gaza, ở miền nam Israel, ngày 9/10/2023. (Ảnh: Jack Guez/AFP qua Getty Images) 

Sáng thứ 3 (10/10), quân đội Israel cho biết họ đã giành được phần lớn quyền kiểm soát ở phía nam và “khôi phục hoàn toàn quyền kiểm soát” đối với biên giới.

Người phát ngôn quân đội Israel Richard Hecht cho biết 1.500 thi thể của những kẻ khủng bố Hamas đã được tìm thấy trên lãnh thổ Israel và dường như không có kẻ khủng bố Hamas nào tiến vào Israel kể từ tối thứ 2. 

“Khoảng 1.500 thi thể của các dân quân thuộc Hamas đã được tìm thấy ở Israel xung quanh Dải Gaza”, ông Hecht nói với các phóng viên. “Kể từ đêm qua, chúng tôi thấy rằng không có ai vào khu vực đó [biên giới]… nhưng việc xâm nhập vẫn có thể xảy ra”, ông Hecht nhấn mạnh.

Ông Hecht cho biết quân đội nước này đã tấn công hàng trăm mục tiêu của Hamas trong đêm, tại khu phố Rimal của Gaza, nơi đặt trụ sở nhiều bộ ngành và các tòa nhà chức năng của Hamas. Ông nói rằng người dân Palestine đã được thông báo sơ tán qua mạng xã hội, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Ông gợi ý rằng người Palestine nên cố gắng đi qua cửa khẩu Rafah để đến Ai Cập.

Hôm thứ 2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng cuộc tấn công ác liệt của Israel chống lại nhóm khủng bố Hamas ở Dải Gaza “chỉ mới bắt đầu”.

Ông Netanyahu đưa ra tuyên bố này trong một bài phát biểu được truyền hình toàn quốc khi Israel tiếp tục tiến hành các cuộc không kích dữ dội ở Gaza ngày thứ ba liên tiếp.

Ông nói: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu tấn công Hamas. Những gì chúng ta sẽ làm với kẻ thù trong những ngày tới sẽ còn khiến họ ghi nhớ qua nhiều thế hệ”. 

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/ntdvn_screenshot-2023-10-10-at-42618-pm.jpg

Sĩ quan cảnh sát đi lại bên ngoài một đồn cảnh sát mới bị phá hủy ở Sderot, Israel, ngày 8/10/2023. (Ảnh: Amir Levy/Getty Images) 

Hamas dọa hành quyết dân thường nếu Israel ném bom Gaza ‘mà không báo trước’

Thứ 2, Hamas tuyên bố họ sẽ bắt đầu hành quyết con tin Israel nếu nhà của dân thường ở Dải Gaza bị đánh bom.

Lữ đoàn Ezzedine al-Qassem – nhánh vũ trang của Hamas, bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố – nói với các hãng tin: “Mỗi khi người dân của chúng tôi bị nhắm mục tiêu mà không báo trước, thì chúng tôi sẽ hành quyết một trong những con tin dân sự”.

Nhóm này nói thêm rằng “kẻ thù [Israel] không hiểu ngôn ngữ của nhân loại và ngôn ngữ của đạo đức, vì vậy chúng tôi sẽ giải quyết chúng bằng ngôn ngữ mà chúng hiểu”.

Ông Abu Ubaida – người phát ngôn của Hamas – nói với Reuters rằng họ đảm bảo an toàn cho những người Israel bị bắt giữ. Nhưng để đáp lại mỗi vụ Israel ném bom vào một ngôi nhà dân sự mà không báo trước, họ sẽ bắt đầu hành quyết một dân thường Israel bị bắt giữ và phát sóng vụ hành quyết, ông nói.

Tuy nhiên, những gì ông Ubaida nói dường như mâu thuẫn với đoạn video quay cảnh thi thể của hàng trăm thường dân Israel nằm ngổn ngang trên các đường phố tại các thị trấn. Đoạn phim cũng cho thấy nhiều người Israel tại một bữa tiệc khiêu vũ ngoài trời bị bắn hạ; có thông tin cho rằng có tới 200 người chết trong vụ việc.

Hôm thứ 2, trước khi Hamas tuyên bố sẽ giết dân thường để trả đũa các cuộc tấn công không báo trước của Israel, ông Basem Naim – người đứng đầu bộ phận quan hệ chính trị và quốc tế của Hamas – nói với Sky News rằng những người bị bắt sẽ được đối xử “nhân đạo”. Ông cũng khẳng định rằng nhóm này đã không “giết bất kỳ dân thường nào” kể từ khi thực hiện cuộc tấn công vào cuối tuần trước.

Khi được Sky News hỏi về số lượng tù nhân Israel đang bị Hamas giam giữ, ông Naim không nói rõ. Tuy nhiên, ông khẳng định họ sẽ được đối xử một cách “nhân đạo, đúng đắn”. Thi thể dân thường sau các cuộc tấn công khủng bố của Hamas, ở thành phố Sderot, phía nam Israel, ngày 7/10/2023. (Ảnh: Baz Ratner / AFP qua Getty Images)

Israel thừa nhận họ đã mất cảnh giác trước cuộc tấn công của Hamas vào sáng 7/10, vì hôm đó trùng với ngày Sa-bát của người Do Thái và ngày lễ tôn giáo.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel Nir Dinar nhận định: “Đây là vụ 11/9 của chúng ta”. “Họ làm chúng ta ngạc nhiên và họ lao tới nhanh chóng từ nhiều nơi – cả từ trên không, trên mặt đất và trên biển”.

Ông Osama Hamdan – người đại diện của Hamas tại Lebanon – nói với Reuters rằng cuộc tấn công cho thấy người Palestine có sức mạnh ý chí để đạt được mục tiêu của mình, “bất chấp sức mạnh và năng lực quân sự của Israel”.

Xuân Hoa tổng hợp

https://onecms-res.cloudinary.com/image/upload/s--3CFNaybC--/c_fill,g_auto,h_468,w_830/fl_relative,g_south_east,l_one-cms:core:watermark:ap_data-1,w_0.1/f_auto,q_auto/v1/one-cms/core/aptopix_israel_palestinians_30462.jpg?itok=C56cxYxW

Tổng thống Joe Biden đã gọi cuộc tấn công của Hamas vào Israel – vụ việc đẫm máu nhất kể từ cuộc tấn công của Ai Cập và Syria cách đây 50 năm – là “độc ác.” Ông cũng xác nhận có công dân Mỹ trong số những người bị Hamas bắt làm con tin (ông ví nhóm này như Nhà nước Hồi giáo), đồng thời cho biết 14 người Mỹ đã thiệt mạng. Israel tuyên bố đã tấn công 200 mục tiêu ở Gaza trong đêm và thu hồi thi thể của 1.500 tay súng Hamas trên lãnh thổ của mình. Hamas cảnh báo sẽ bắt đầu hành quyết các con tin Israel nếu Israel tiếp tục ném bom mục tiêu dân sự ở Gaza mà không báo trước.

Người đứng đầu hoạt động nhân đạo của Liên Hợp Quốc, Volker Turk, đã lên án việc Israel phong tỏa Gaza, khiến khu vực này bị cắt nguồn cung cấp thực phẩm, điện và nhiên liệu. Ông Turk cho rằng luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm một cuộc “bao vây” gây nguy hiểm đến tính mạng dân thường; cũng như việc Hamas bắt cóc con tin từ Israel. Gần 200.000 người, tương đương 1/10 dân số Gaza, đã phải rời bỏ nhà cửa.


Israel chuẩn bị cho chiến tranh 

Quá trình chuẩn bị của Israel cho một cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza sẽ tăng tốc từ thứ Tư. Cho tới nay không kích đã tấn công hơn 2.000 mục tiêu ở Palestine; quân dự bị với xe thiết giáp đang đổ về các điểm tập trung. Và Lầu Năm Góc đã bắt đầu cung cấp thêm đạn dược từ đầu tuần này.

Khi quá trình chuẩn bị diễn ra, thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu và Benny Gantz, lãnh đạo phe đối lập, dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán để thành lập một chính phủ đoàn kết khẩn cấp, một mô hình tạm thời với các thành viên từ liên minh cầm quyền và phe đối lập. Cho đến nay, ông Netanyahu dường như đã từ chối những lời đề nghị có điều kiện từ ông Gantz, người muốn đảm bảo rằng quốc hội Israel sẽ không thông qua luật trong khi chính phủ khẩn cấp nắm quyền. Ông Gantz cũng gợi ý rằng kinh nghiệm quân sự là điều kiện bắt buộc để gia nhập “nội các chiến tranh” – điều mà nhiều thành viên trong liên minh cánh hữu của ông Netanyahu thiếu.

Con đường phía trước chắc chắn là nghiệt ngã. Đã có hơn 900 người Israel và 800 người Palestine thiệt mạng; một cuộc xâm lược vào Gaza sẽ có nghĩa là thương vong còn lớn hơn cho cả hai bên.


Liệu Hizbullah có tham chiến?

Những ngày sau cuộc chiến của Hamas với Israel, lo ngại về xung đột khu vực vẫn còn cao. Tên lửa và đạn pháo đã bay qua biên giới phía bắc của Israel theo cả hai hướng khi Hizbullah, lực lượng dân quân người Shia ở Lebanon được Iran hậu thuẫn, tấn công các vị trí của Israel ở Cao nguyên Golan.

Các nhà phân tích cho rằng đây chỉ đơn thuần là nỗ lực xoa dịu những kẻ cực đoan trong nội bộ Hizbullah, những người muốn tham chiến. Nhưng nhiều người Lebanon lo sợ một cuộc xung đột rộng hơn. Đường cao tốc ven biển đã bị tắc nghẽn do dòng ô tô đổ về miền bắc đất nước. Và, giống như Israel, Hizbullah đã cho tuyển quân hàng loạt. Môi trường xung đột dễ làm tăng nguy cơ mắc sai lầm – chính xác là điều đã gây ra cuộc chiến giữa Israel và Hizbullah năm 2006.

Hizbullah phải chứng minh rằng họ vẫn có sức chiến đấu ngang Hamas. Nhưng nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cần phải giữ Hizbullah toàn vẹn để đảm bảo còn nguyên khả năng răn đe Israel. Ông cũng đã cho phép các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nhà đàm phán hạt nhân của Iran và Mỹ. Để tối đa hóa sức nặng trên bàn đàm phán, ông có thể sẽ không muốn động tay chân quá nhiều.


Iran nói họ không đứng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/lanhtutoicaorian.jpg

Lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, hôm 10/10/2023. (Ảnh chụp màn hình video) 

Lãnh đạo tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei, hôm Thứ Ba (10/10) nói trên truyền hình, khẳng định Iran không liên quan tới cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm Thứ Bảy, nhưng ông ca ngợi cuộc tấn công này, và gọi sự kiện 7/10 là sự thất bại tình báo và quân sự “không thể khắc phục” của Israel, theo Reuters báo cáo.

“Chúng tôi hôn tay những người lên kế hoạch tấn công chế độ Zionist,” ông Khamenei, bày tỏ sự tán dương khi phát biểu trên truyền hình lần đầu tiên kể từ cuộc tấn công, mà ông ví đó như một trận động đất. “Trận động đất hủy diệt này đã phá hủy một số công trình quan trọng [ở Israel] và sẽ không thể sửa chữa dễ dàng… Hành động của chính chế độ Zionist là nguyên nhân gây ra thảm họa này.”

Theo Al Jazeera, cuộc tấn công hôm 7/10 của quân Hamas xảy ra sau một loạt sự kiện những người định cư Israel xâm phạm thô bạo Nhà thời Hồi giáo Al-Aqsa những ngày trước đó, và những vụ việc người Palestine bị giết hại trong vài tháng trở lại đây. Kênh thông tin này dẫn lời giải thích của quân Hamas rằng họ không coi những người Israel định cư tại khu vực biên giới với Gaza là dân thường, mà họ coi đó là những người tiếp tay cho kẻ chiếm đóng.

Sky News (Anh) phỏng vấn Basem Naim, người đứng đầu quan hệ quốc tế của Hamas. Ông Naim nói Iran không liên quan đến vụ tấn công hôm Thứ Bảy, và đó là hành động của người Palestine. Theo ông, người Palestine phải đứng lên đòi tự do vì hiện nay họ đang phải sống trong “một nhà tù” lớn trong sự kìm kẹp phi nhân tính 75 năm rồi. Ông cũng nói quân Hamas không tàn sát dân thường, mà gọi nạn nhân hôm 7/10 là “quân lính của Israel”.

Reuters đưa tin rằng Israel từ lâu đã cáo buộc các nhà lãnh đạo giáo sĩ của Iran đã kích động bạo lực bằng cách cung cấp vũ khí cho Hamas. Tehran, vốn không công nhận Israel, cũng xác nhận họ hỗ trợ về mặt tinh thần và tài chính cho nhóm kiểm soát Dải Gaza.

Ủng hộ chính nghĩa của người Palestine đã trở thành trụ cột của Cộng hòa Hồi giáo kể từ cuộc cách mạng năm 1979, và là cách mà quốc gia do người Shiite thống trị này tự khẳng định mình là một nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo.

Hoa Kỳ hôm Thứ Hai cáo buộc Iran đồng lõa trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel, nhưng nói thêm rằng họ không có thông tin tình báo hay bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định này. Tướng hàng đầu của Mỹ hôm Thứ Hai cảnh báo Iran không nên tham gia vào cuộc khủng hoảng này, nói rằng ông không muốn xung đột lan rộng.

Cũng vào hôm Thứ Ba, Israel cho hay quân đội của họ đã lập lại quyền kiểm soát biên giới Gaza, và đang gài mìn tại những nơi phiến quân đã lật đổ hàng rào trong cuộc tấn công đẫm máu vào Thứ Bảy tuần trước.

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei nói rằng một cuộc tấn công vào Gaza sẽ “gây ra một luồng giận dữ nặng nề hơn nhiều.” Theo ông, chế độ Zionist của Israel, những người theo đuổi chủ nghĩa Do Thái phục quốc ấy, kỳ thực mới chính là những kẻ tới xâm chiếm vùng đất này, và truyền thông phương Tây vẫn luôn miêu tả họ là nạn nhân.

“Chế độ chiếm đóng tìm cách thể hiện mình là nạn nhân để leo thang tội ác hơn nữa… đây là một tính toán sai lầm… Nó sẽ dẫn đến thảm họa thậm chí còn lớn hơn,” ông Khamenei nhận định.

Các kênh truyền hình Israel cho biết số người chết trong vụ tấn công của Hamas đã lên tới 900 người và ít nhất 2.600 người bị thương.

Bộ Y tế Gaza cho biết ít nhất 687 người Palestine đã thiệt mạng và 3.726 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel vào khu vực bị phong tỏa kể từ Thứ Bảy. Al Jazeera cho hay số người Palestine thiệt mạng đã vượt quá 770 người, và đã có hơn 4.000 người bị thương.

Nhật Tân


Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ Israel “tiêu diệt” Hamas

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/cuuttobama.jpg

Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫy tay chào khán giả vào thời điểm cuối bài phát biểu của ông với sinh viên Israel tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Jerusalem, Israel vào ngày 21 tháng 3 năm 2013. (Nguồn ảnh: Uriel Sinai/Getty Images) 

Cựu Tổng thống Barack Obama đã ủng hộ nỗ lực của Israel nhằm tiêu diệt nhóm khủng bố Palestine Hamas. Ông tuyên bố hôm thứ Hai (9/10) rằng Mỹ phải “sát cánh cùng đồng minh Israel, khi nước này tiêu diệt Hamas”.

Hamas đã phát động một cuộc tấn công khủng bố vào Israel từ Gaza vào cuối tuần qua vào ngày lễ Shemini Atzeret của người Do Thái, ngày cuối cùng của chu kỳ Ngày Thánh hàng năm.

Ông Obama nói trong một tuyên bố trực tuyến trên mạng xã hội X:

Tất cả người Mỹ nên kinh hoàng và phẫn nộ trước các cuộc tấn công khủng bố trắng trợn vào Israel và tàn sát thường dân vô tội. Chúng tôi đau buồn cho những người đã thiệt mạng, cầu nguyện cho sự trở về an toàn của những người bị bắt làm con tin và chúng tôi sát cánh cùng đồng minh của mình – Israel, khi họ tiêu diệt Hamas. Chúng tôi ủng hộ quyền tự vệ chống khủng bố của Israel, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực vì một nền hòa bình công bằng và lâu dài cho cả người Israel và người Palestine”.

Ông Michael Oren, cựu đại sứ Israel tại Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, khen ngợi phát biểu của cựu tổng thống.

“Cảm ơn cựu Tổng thống Barack Obama vì sự ủng hộ rõ ràng của ông dành cho đồng minh của Hoa Kỳ – Israel, trong thời khắc đen tối của chúng tôi, cảm ơn vì đã chia sẻ nỗi đau của chúng tôi và nhận ra sự cần thiết của chúng tôi trong việc tiêu diệt Hamas. Tiếng nói của ông tiếp thêm sức mạnh cho tất cả những người đứng về phía sự tử tế, nhân đạo và Công lý”, ông Oren viết trên Facebook.

Lòng biết ơn của ông Oren rất đáng chú ý, vì ông Obama thường cố gắng cô lập ông Oren trong nhiệm kỳ đầy gian khó của ông Oren với tư cách là đại diện của Israel tại Washington, D.C, ông Oren cũng từng đổ lỗi cho ông Obama về sự suy giảm quan hệ Mỹ-Israel.

Sự ủng hộ của ông Obama dành cho Israel cũng rất đáng chú ý, đặc biệt là khi ông Obama có thái độ thường xuyên thù địch với nhà nước Do Thái, đặc biệt là trong các cuộc xung đột của Israel với Hamas.

Năm 2014, ông Obama yêu cầu Israel ngừng bắn ngay lập tức sau khi phiến quân Hamas tấn công Israel bằng một loạt tên lửa lớn. Ông cũng từ chối cung cấp vũ khí quan trọng cho Israel và các nhà quan sát gọi đó là nỗ lực gây áp lực lên Israel. Vào năm sau đó, ông Obama đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran trước sự phản đối của Israel. Một số chính trị gia Mỹ, trong đó có cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là yếu kém, tạo điều kiện cho Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Năm 2016, Tổng thống Obama đã để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết – mà không có sự phủ quyết của Mỹ – tuyên bố sự hiện diện của Israel ở phía đông Jerusalem là bất hợp pháp, dù cho đây là trung tâm đức tin Do Thái.

Trong năm 2016, chính quyền Obama đã chuyển cho Iran 1,7 tỷ USD tiền mặt. Một năm sau đó, Palestine cũng nhận được từ Mỹ 221 triệu USD. Iran được cho là đã đang hậu thuẫn Hamas, là nguồn cung cấp tài chính lớn cho nhóm phiến quân người Palestine này kể từ khi nó được thành lập vào năm 1987.

Ông Obama cũng tạo “khoảng cách” giữa Mỹ và Israel, ông đã từ chối thăm Israel trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Khi đến thăm Israel trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Obama tuyên bố rằng thật không “công bằng” khi người Palestine không có nhà nước của riêng mình, ông phớt lờ thực tế là người Ả Rập Palestine đã được Liên Hợp Quốc trao quyền thành lập một nhà nước. Tuy nhiên họ đã chọn tấn công nhà nước Do Thái vào năm 1948 và gần như không có bất cứ động thái nào khác kể từ đó.

Có vẻ như cuộc tấn công tàn bạo của khủng bố Hamas – được ghi lại trong các cảnh quay trên mạng xã hội về bạo lực của những kẻ khủng bố Palestine đối với phụ nữ, trẻ em và người già – dường như đã thuyết phục ông Obama ủng hộ Israel thẳng thắn trong cuộc chiến của mình.

Theo báo cáo mới nhất, các cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và ít nhất 2.500 người bị thương. Trong khi, các cuộc không kích trả đũa của Israel vào Gaza cũng đã khiến ít nhất 900 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden xác nhận rằng 14 công dân Mỹ đã thiệt mạng trong các vụ tấn công. Ngoài ra, phiến quân khủng bố Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine đang bắt giữ hơn 100 con tin ở Gaza, trong đó có một số công dân Mỹ, chưa xác định số lượng.

Anh Nguyễn


Phe Cộng hoà ở Hạ viện Mỹ chọn ứng viên thay McCarthy

Vào thứ Tư, các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ sẽ cố gắng chọn một chủ tịch Hạ viện mới. Chức vụ này bị bỏ trống từ ngày 3 tháng 10, khi 8 thành viên nổi dậy của đảng Cộng hòa, cùng với tất cả các hạ nghị sĩ Dân chủ, bỏ phiếu lật đổ Kevin McCarthy trong một cuộc truất ngôi chưa từng có.

Chưa rõ ai sẽ kế nhiệm ông. Người chiến thắng cần 218 phiếu bầu; đảng Cộng hòa có 221 ghế. Có hai người đã tuyên bố tranh cử: Steve Scalise, lãnh đạo phe đa số bảo thủ trong Hạ viện; và Jim Jordan, người đồng sáng lập Freedom Caucus. Ông McCarthy dường như cũng quan tâm đến khả năng lấy lại vị trí của mình, và đang nhận được một số hỗ trợ.

Mục đích của cuộc bầu cử nội bộ vào thứ Tư là quyết định xem đảng Cộng hòa sẽ đưa ai ra để toàn thể Hạ viện bỏ phiếu. Người được đề cử sẽ được quyết định theo đa số đơn giản. Song cuộc bầu cử kéo dài của ông McCarthy hồi tháng 1 – trải qua 15 vòng bỏ phiếu – vẫn ám ảnh các đảng viên Cộng hòa. Do đó họ đặt mục tiêu có được nhất trí gần như tuyệt đối vào thứ Tư để đảm bảo bỏ phiếu suôn sẻ tại Hạ viện. Một viễn cảnh xa vời.


Lưu thông đường sắt tăng vọt ở biên giới chứng tỏ Triều Tiên đang cấp vũ khí cho Nga 

11/10/2023 

AP 

Cờ Triều Tiên và Nga tung bay tại một đưởng phố gần một nhà ga trong chuyến viếng thăm Vladivostok, Nga, của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 25/4/2019.

Cờ Triều Tiên và Nga tung bay tại một đưởng phố gần một nhà ga trong chuyến viếng thăm Vladivostok, Nga, của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 25/4/2019. 

Các bức ảnh vệ tinh gần đây cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ về giao thông đường sắt dọc biên giới Triều Tiên-Nga, cho thấy Triều Tiên đang cung cấp đạn dược cho Nga, theo một tổ chức nghiên cứu của Mỹ.

Suy đoán về kế hoạch khả thi của Triều Tiên nhằm nạp đầy kho đạn Nga đã cạn kiệt trong cuộc chiến kéo dài với Ukraine bùng lên vào tháng trước, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin và thăm các địa điểm quân sự quan trọng. Các quan chức nước ngoài nghi ngờ ông Kim đang tìm kiếm các công nghệ vũ khí phức tạp của Nga để đổi lấy đạn dược nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân của ông.

“Do ông Kim và ông Putin đã thảo luận về một số trao đổi và hợp tác quân sự tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của họ, sự gia tăng đáng kể về giao thông đường sắt có thể cho thấy Triều Tiên cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga”, Beyond Parallel, một trang web do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington điều hành, cho biết trong một phúc trình hôm 6/10.

“Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi các tấm bạt để che các thùng/container và thiết bị vận chuyển khiến không thể xác định chính xác những gì được nhìn thấy tại Cơ sở Đường sắt Tumangang” ở biên giới.

Phúc trình cho biết các hình ảnh vệ tinh tính đến ngày 5 tháng 10 đã ghi lại “mức độ giao thông đường sắt chở hàng ấn tượng và chưa từng có” tại Cơ sở Đường sắt Tumangang. Phúc trình nói các hình ảnh cho thấy khoảng 73 toa tàu trong khi việc xem xét các hình ảnh vệ tinh trước đó trong 5 năm qua cho thấy nhiều nhất có khoảng 20 toa tàu tại cơ sở này.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo rằng Triều Tiên và Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu họ tiếp tục thực hiện thỏa thuận chuyển giao vũ khí bị cho là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm mọi hoạt động buôn bán vũ khí liên quan đến Triều Tiên.

Kể từ năm ngoái, Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn dược, đạn pháo và phi đạn cho Nga, phần lớn trong số đó là các loại đạn dược thời Liên Xô. Các quan chức Hàn Quốc cho biết vũ khí Triều Tiên cung cấp cho Nga đã được sử dụng ở Ukraine.