Thủ tướng Anh nhắc nhở Trung Quốc: Chúng tôi tin tưởng Luật biển quốc tế
Theo tờ Epoch Times, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 21/5 cho biết việc đưa hàng không mẫu hạm hàng đầu của Anh, HMS Queen Elizabeth, tới châu Á sẽ cho các quốc gia như Trung Quốc thấy rằng Anh tin tưởng vào luật biển quốc tế.
Ông Johnson cũng cho biết nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm này, sẽ tương tác với hơn 40 quốc gia, trong lộ trình đi từ Địa Trung Hải, qua Ấn Độ Dương, đến Biển Đông, sau đó tới Nhật Bản, sẽ thể hiện giá trị của Anh cũng như khả năng quân sự của nước này.
Phát biểu với các đài truyền hình trên hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth ở Căn cứ Hải quân Portsmouth, miền nam nước Anh, Thủ tướng Johnson nói: “Một trong những điều chúng tôi sẽ làm rõ là chứng minh cho bạn bè của chúng tôi ở Trung Quốc rằng chúng tôi tin tưởng vào luật biển quốc tế và theo cách tự tin nhưng không đối đầu, chúng tôi sẽ chứng minh quan điểm đó.”
Ông Johnson nói thêm: “Chúng tôi không muốn chống lại bất kỳ ai, nhưng chúng tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh đóng một vai trò rất quan trọng, với những người bạn và đối tác, người Mỹ, người Hà Lan, người Úc, người Ấn Độ, rất nhiều người khác, trong việc duy trì quy tắc của luật pháp, hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào. “
HMS Queen Elizabeth là hàng không mẫu hạm hiện đại nhất của Anh. Con tàu được đóng trong với tham vọng đưa Hải quân Hoàng gia Anh trở lại thời hoàng kim. Con tàu chiến 65.000 tấn, trị giá 3 tỷ bảng Anh, dự định khởi hành đến viễn Đông vào sáng Chủ nhật (23/5) nhưng thời tiết xấu đã buộc hải quân Anh phải thay đổi kế hoạch và dự kiến sẽ rời đi vào tối 22/5.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn: Seoul sẽ không gia nhập ‘Bộ tứ’ để chống lại Bắc Kinh?
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Toà Bạch Ốc vào thứ Sáu (21/5) để tiến hành các cuộc đàm phán song phương về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Các chuyên gia Mỹ về các vấn đề Đông Á cho rằng, mục đích của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn là tái khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Seoul, và Seoul sẽ không vội cam kết tham gia vào hệ thống “đối thoại an ninh 4 bên” để đối đầu với Bắc Kinh, trang VOA cho hay.
Tổng thống Mỹ Biden nói với các phóng viên sau cuộc gặp với ông Moon Jae-in rằng hai nước sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến ổn định khu vực, chẳng hạn như duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông và duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, ông Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Ông cũng chỉ ra rằng lãnh đạo hai nước hứa sẽ hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Vào tối 21/5, Toà Bạch Ốc đã ra một tuyên bố chung giữa hai nước, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và Hàn Quốc phản đối mọi hoạt động đe dọa hoặc phá vỡ trật tự quốc tế, và sẽ hợp tác để duy trì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Seoul có thể không gia nhập “Bộ tứ” để chống lại Bắc Kinh
Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh, trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà ông Biden tiếp đón tại Toà Bạch Ốc. Sau khi ông Biden và ông Suga tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Mỹ và Nhật Bản đã ra tuyên bố chung phản đối những đề xuất và hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Một thời gian sau đó, một số phân tích và bình luận cho rằng Washington đang cố gắng thúc đẩy Seoul tham gia hệ thống “Đối thoại An ninh Bộ tứ” (QUAD) do Mỹ đứng đầu, hoặc hợp tác với 4 nước trong hệ thống để chống lại Bắc Kinh.
Tiến sĩ Richard Weitz, giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị và Quân sự tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn ở Washington, nói với VOA rằng ông không tin rằng Hàn Quốc sẽ tiến tới gia nhập hoặc tăng cường hợp tác với “ Bộ Tứ” theo bất cứ hướng nào.
Ông nói: “Tôi nghĩ trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn là tái khẳng định quan hệ đồng minh truyền thống. Washington hứa sẽ bảo vệ Hàn Quốc mà không yêu cầu Seoul trả thêm tiền; Hàn Quốc hứa đầu tư vào các ngành công nghệ cao của Mỹ”.
Tiến sĩ Weitz cũng tin rằng mặc dù ông Biden và Moon Jae-in có thể thảo luận riêng về các chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc trong khu vực, nhưng ông Moon “tránh các tuyên bố công khai và thực hiện bất kỳ hành động nào”.
Scott Harold, nhà nghiên cứu cấp cao tại RAND, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ, cũng tin rằng Hàn Quốc khó có thể tham gia vào “Bộ Tứ” nhưng sẽ tham gia hợp tác trong các vấn đề cụ thể.
Ma Zhao, giáo sư Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Washington ở St. Louis, tin rằng khi cạnh tranh Mỹ-Trung bộc lộ, các đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể áp dụng thái độ trì hoãn, chờ đợi. Giáo sư Zhao nói: “Họ sẽ không phản ứng tích cực và tự đưa mình vào vòng xoáy của sự cạnh tranh quyền lực lớn.”
Vị giáo sư này cũng cho biết ông không mong đợi bất kỳ bước đột phá nào trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Biden và Moon Jae-in; lý do là ông Moon hiện đã bước vào thời kỳ khó khăn của nhiệm kỳ tổng thống và ông ấy đang phải đối mặt với chiến dịch tái tranh cử vào năm 2022. Cách đây vài tháng, đảng của ông Moon đã thua trong một cuộc bầu cử quan trọng ở Seoul và Busan, hai thành phố lớn nhất Hàn Quốc.
Giáo sư Zhao tin rằng có thể hiểu được rằng khi ông Biden và Moon Jae-in gặp nhau, họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như thương mại Mỹ-Hàn, chia sẻ chi phí quốc phòng hay điều chỉnh khuôn khổ an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu.
Ông nói: “Trong thời chính quyền của Trump, tất cả những lĩnh vực này đã thay đổi.”
Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản, một tổ chức tư vấn của Washington, từng là chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Ông Klinger nói với VOA rằng trước khi ông Moon Jae-in lên nắm quyền, Washington đã cố gắng thuyết phục Hàn Quốc chỉ trích Bắc Kinh một cách công khai hơn, nhưng vô ích bởi vì Seoul lo lắng về việc xúc phạm đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ vẫn chưa nói chuyện được với lãnh đạo quân sự TQ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có nhiều nỗ lực thiết lập các cuộc hội đàm với phía Trung Quốcc nhưng tới nay vẫn chưa có phản hồi.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến nay vẫn chưa nói chuyện được với vị tướng hàng đầu của Trung Quốc dù đã có nhiều nỗ lực thiết lập các cuộc hội đàm, Reuters đưa tin, dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ ngày thứ Sáu.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng, với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột về mọi chuyện từ Đài Loan, hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc cho đến hoạt động quân sự của nước này ở Biển Đông.
Bất chấp những căng thẳng và lời lẽ gay gắt, các quan chức quân đội Mỹ từ lâu đã tìm cách duy trì đường dây liên lạc mở với những người tương nhiệm phía Trung Quốc để có thể chế ngự những vụ bùng phát căng thẳng tiềm năng hoặc đối phó với bất kì tai nạn nào.
“Không nghi ngờ gì, mối quan hệ quân sự đang căng thẳng. Khó mà biết được tình hình hiện thời phản ánh sự căng thẳng đó tới mức độ nào hay chỉ là sự cố chấp của Trung Quốc,” một quan chức quốc phòng Mỹ nói.
“Nhưng chúng tôi chắc chắn muốn có một cuộc đối thoại. Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm rằng chúng tôi có một cuộc đối thoại ở cấp độ thích hợp,” quan chức này, phát biểu trong điều kiện ẩn danh, nói thêm.
Reuters cho biết không thể liên lạc được ngay với đại sứ quán của Trung Quốc tại Washington để yêu cầu đưa ra bình luận.
Một quan chức Mỹ thứ hai nói đã có một cuộc tranh luận trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden về việc liệu Bộ trưởng Austin có nên hội đàm với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Hứa Kì Lượng, hay Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hay không.
Ông Hứa được xem là có nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Austin lẽ ra đã có dịp gặp ông Ngụy tại Singapore vào cuối tháng này trong một hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng trong khu vực, nhưng sự kiện bị hủy bỏ vì đại dịch COVID-19.
Những nỗ lực không thành công của Lầu Năm Góc trong việc chủ động giao tiếp với phía Trung Quốc được Financial Times đưa tin đầu tiên.
Cuối năm ngoái, các quan chức quốc phòng cao cấp của Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức các cuộc hội đàm về liên lạc trong thời điểm khủng hoảng.
Dù chưa có các cuộc hội đàm quân sự cao cấp nào kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1, các nhà ngoại giao cao cấp của hai nước đã gặp nhau tại Alaska vào tháng 3. Các cuộc hội đàm đó diễn ra trong bầu không khí đầy hiềm khích và không mang lại đột phá ngoại giao nào.
Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar nói bà Suu Kyi sẽ sớm xuất hiện
Nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi hiện trong tìnhh trạng sức khỏe tốt và sẽ ra tòa vào ngày thứ Hai, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing cho biết.
Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing nói nhà lãnh đạo bị truất quyền Aung San Suu Kyi vẫn khỏe mạnh ở nhà và sẽ ra tòa trong vài ngày tới, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông kể từ khi bà bị lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.
Bà Suu Kyi, được trao giải Nobel Hòa bình vì cuộc đấu tranh lâu dài của bà chống lại những nhà cầm quyền quân sự trước đây, là một trong số hơn 4.000 người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính, Reuters cho biết. Bà đối mặt với các cáo buộc từ sở hữu bất hợp pháp bộ đàm cho đến vi phạm luật bí mật nhà nước.
“Daw Aung San Suu Kyi hiện trong tình trạng sức khỏe tốt. Bà ấy đang ở nhà và khỏe mạnh. Bà ấy sẽ ra tòa trong vài ngày tới,” ông Min Aung Hlaing phát biểu qua video với đài truyền hình Phượng Hoàng đặt tại Hong Kong vào ngày 20 tháng 5, trong những trích đoạn được đăng tải vào ngày thứ Bảy.
Người phỏng vấn hỏi ông nghĩ gì về khả năng lãnh đạo đất nước của bà Suu Kyi, 75 tuổi, người được nhiều người ngưỡng mộ ở đất nước 53 triệu dân vì nỗ lực mang lại những cải cách dân chủ đã bị đứt đoạn bởi cuộc đảo chính.
“Bà ấy đã cố gắng hết sức,” ông Min Aung Hlaing trả lời.
Ông nhắc lại rằng quân đội chiếm quyền bởi vì phát hiện gian lận trong cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng vào tháng 11 – dù các cáo buộc của họ đã bị ủy ban bầu cử khi đó bác bỏ.
Ông nói quân đội sẽ tổ chức bầu cử và những thay đổi tiềm năng đối với hiến pháp đã được xác định và sẽ được thi hành nếu đó là “ý nguyện của người dân.”
Lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 815 người kể từ cuộc đảo chính, theo tổ chức hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Ông Min Aung Hlaing nói con số thực tế là khoảng 300 và 47 cảnh sát cũng đã thiệt mạng.
Đài MRTV do nhà nước điều hành cho biết một cảnh sát viên đã bị sát hại trong một cuộc tấn công của quân nổi dậy ở bang Kayah, miền đông nước này ngày thứ Sáu.
Ở bang Chin phía tây, các đối thủ của chính quyền quân sự cho biết họ đã giết ít nhất bốn thành viên của lực lượng an ninh vào ngày thứ Sáu và chôn họ bên vệ đường. Không thể xác minh độc lập tuyên bố của họ, Reuters nói.
Truyền thông Myanmar đưa tin một binh sĩ thiệt mạng trong một vụ nổ súng ở Yangon, trung tâm thương mại của đất nước, vào ngày thứ Bảy. Các vụ nổ bom đã được báo cáo ở đó, tại Pathein trong khu vực đồng bằng Irrawaddy và tại một khu giao thương gần biên giới với Trung Quốc.
Hai vaccine COVID-19 của Mỹ sẽ được mở rộng sản xuất ở Hàn Quốc
Reuters
Các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Moderna và Novavax Inc ngày thứ Bảy đã ký một thỏa thuận với chính phủ Hàn Quốc để sản xuất vaccine COVID-19 của họ, trong khi nước này đang chịu áp lực phải thu mua nhiều hơn vaccine do Mỹ sản xuất.
Các thỏa thuận đạt được một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí tạo dựng một quan hệ đối tác toàn diện về vaccine COVID-19 và Mỹ sẽ cung cấp vaccine cho 550.000 binh sĩ Hàn Quốc.
Ông Moon, người đang chịu áp lực liên quan đến đại dịch COVID-19, cũng nói rằng quan hệ đối tác vaccine sẽ kết hợp chuyên môn của Mỹ và năng lực sản xuất của Hàn Quốc.
Moderna, hãng dược phẩm có vaccine đã được chấp thuận tại Hàn Quốc ngày thứ Sáu, cho biết hôm thứ Bảy rằng vaccine của họ sẽ được sản xuất bởi công ty Samsung BiologicsCo Ltd và rằng họ dự định cung cấp những vaccine này cho các thị trường bên ngoài Mỹ bắt đầu từ quý ba năm 2021.
Hàn Quốc đã giành được quyền tiếp cận 40 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna, nước này nói thêm.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các lựa chọn để xác lập các cơ hội sản xuất địa phương tiềm năng ở Hàn Quốc,” Giám đốc điều hành của Moderna, Stéphane Bancel, nói trong một thông cáo báo chí.
Cũng trong ngày thứ Bảy, Novavax tái khẳng định quan hệ đối tác với công ty SK bioscience Co Ltd của Hàn Quốc để mở rộng sản xuất vaccine, bao gồm vaccine COVID-19 tiềm năng dựa trên protein của hãng phát triển dược phẩm Mỹ này.
Vào tháng 2, Novavax kí thỏa thuận cấp phép với nhà sản xuất này của Hàn Quốc để sản xuất 40 triệu liều vaccine COVID-19 cho nước này.
Moderna và Novavax công bố các thỏa thuận của họ trong các thông cáo báo chí riêng biệt, nói rằng bản ghi nhớ được kí bởi giám đốc điều hành của hai công ty và các đại diện của chính phủ.
Miến Điện : Hơn một trăm ngàn giáo viên bị đình chỉ công việc
Sinh viên và giảng viên các trường Đại học biểu tình, bãi khóa chống đảo chính quân sự tại Mandalay, Miến Điện, ngày 13/03/2021. AP
Reuters ngày 23/05/2021 dẫn lời nghiệp đoàn giáo viên Miến Điện cho biết hơn 125 ngàn giáo viên đã bị tập đoàn quân sự đình chỉ giảng dạy vì đã tham gia vào phong trào bất tuân dân sự, phản đối cuộc đảo chính của quân đội đảo chính hồi tháng 2/2021.
Theo giải thích của một vị lãnh đạo nghiệp đoàn với hãng tin Anh, nhưng xin ẩn danh vì lo sợ bị trả đũa, tổng cộng có đến 125.900 giảng viên đã bị đình chỉ công tác ngay hôm thứ Bảy, 22/5. Bản thân người này cũng đã bị nằm trong danh sách bị tập đoàn quân sự truy nã với tội danh kích động chống đối.
Số liệu thống kê các nay hai năm cho biết ngành giáo dục Miến Điện tuyển dụng đến 430 ngàn giáo viên. Tuy nhiên, vị lãnh đạo nghiệp đoàn, vốn dĩ cũng là một giáo viên, cho rằng « đây chỉ là những thông báo đe dọa để mọi người quay trở lại làm việc. Nếu tập đoàn quân sự thật sự muốn sa thải số người này, cả một hệ thống sẽ bị ngừng lại ». Vẫn theo người này, nếu ông quay lại làm việc, những cáo buộc nhắm vào ông cũng sẽ được giảm nhẹ.
Trước đó, chính quyền quân sự thông báo đình chỉ công tác của 19.500 giảng viên đại học. Thông báo đình chỉ công tác các giáo viên được đưa ra khi chỉ cách có vài ngày nữa là đến ngày khai giảng năm học mới. Nhiều giáo viên và phụ huynh đã tẩy chay ngày tựu trường, xem đấy như là một phần chiến dịch phản đối tập đoàn quân sự, đang làm tê liệt đất nước sau cuộc đảo chính, chấm dứt 10 năm dân chủ ngắn ngủi.
Reuters cho biết chưa thể liên lạc được với phát ngôn viên tập đoàn quân sự hay bộ Giáo dục để hỏi về thông tin này. Tuy nhiên, tờ Global New Light, hãng thông tấn của tập đoàn quân sự kêu gọi giáo viên và học sinh quay lại trường học, khởi động lại hệ thống giáo dục.
Publicité
Sáng sớm hôm nay, 23/05/2021, một cuộc giao tranh giữa quân đội Miến Điện và liên minh các nhóm dân tộc vũ trang, phản đối quân đội đảo chính đã nổ ra tại thị trấn Muse, gần biên giới với Trung Quốc, theo như tin tức từ truyền thông Miến Điện. Hiện chưa có thông tin gì về số thương vong.
Hậu ngừng bắn Israel-Palestine: Hamas tuyên bố chiến thắng, cảm ơn Iran
Hàng ngàn người Palestine bắt đầu trở về nhà ở Dải Gaza để kiểm tra thiệt hại trong khi người Israel cũng quay lại cuộc sống bình thường khi Israel và lực lượng vũ trang Hamas đạt được lệnh ngừng bắn sau 11 ngày giao tranh khốc liệt.
Các quan chức Palestine cho biết chi phí tái thiết lên tới hàng chục triệu USD. Hôm 21/5, thêm 5 thi thể được kéo ra khỏi đống đổ nát ở Gaza, nâng tổng số người chết lên 248 người, trong đó có 66 trẻ em, với hơn 1.900 người bị thương.
Phía quân đội Israel cho biết một binh sĩ Israel đã thiệt mạng cùng với 12 dân thường, trong đó có hai trẻ em và hàng trăm người bị thương.
Theo kênh Al Jazeera, khoảng 1.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, 700 ngôi nhà bị hư hại nghiêm trọng và 14.000 căn nhà khác bị hư hại một phần. Tuy cuộc chiến ở Gaza kết thúc nhưng căng thẳng vẫn gia tăng ở những nơi khác. Ở Đông Jerusalem, cảnh sát Israel đụng độ những người biểu tình hôm 21/5 tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, hai tuần sau khi một cuộc đối đầu tương tự làm bùng phát bạo lực.
Các cuộc đụng độ khác cũng nổ ra ở một số khu vực của Đông Jerusalem và tại điểm giao giữa Jerusalem và Bờ Tây, cảnh sát Israel cho biết hàng trăm sĩ quan và lực lượng biên phòng đã được huy động.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch không kích của Israel vào các nhóm vũ trang Palestine đã giết chết hơn 200 tay súng ở Gaza, trong đó có 25 chỉ huy cấp cao mà ông mô tả là một “thành công đặc biệt”.
Trong khi đó, phía Hamas cũng tuyên bố chiến thắng. Thủ lĩnh Ismail Haniya của lực lượng Hamas cho biết họ đã giáng một đòn đau và nghiêm trọng sẽ để lại dấu ấn sâu đậm đối với Israel, đồng thời cam kết khôi phục Gaza. Ông Haniya cũng cảm ơn Iran vì đã “cung cấp tiền và vũ khí” cho Hamas.