Tin tức thế giới ngày Thứ tư 07 tháng 7 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp

Share this post on:

Singapore: ASEAN cần đẩy nhanh kế hoạch chấm dứt khủng hoảng Myanmar

Reuters

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang làm việc để xúc tiến kế hoạch đồng thuận 5 điểm mà các nhà lãnh đạo của khối này đã đạt được để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Ngoại trưởng Singapore cho biết hôm 6/7, theo Reuters.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết trong văn bản trả lời chất vấn của quốc hội: “Chúng tôi nhận thấy rằng việc thực hiện Thỏa thuận 5 điểm diễn ra chậm chạp và hơi đáng thất vọng.”

“Chúng tôi đang làm việc trong nội bộ khối ASEAN để xúc tiến kế hoạch này, chú tâm chấm dứt bạo lực, giảm thiểu khủng hoảng nhân đạo và đưa Myanmar trở lại con đường đàm phán trực tiếp với tất cả các bên liên quan nhằm hướng đến bình thường, hòa bình và ổn định lâu dài,” ông nói.

Vào tháng 4, ASEAN đã công bố nhất trí 5 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, mặc dù không thống nhất được khung thời gian.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2, với các cuộc biểu tình và giao tranh gần như diễn ra hàng ngày giữa quân đội và lực lượng dân quân mới thành lập.

Hồi tháng trước, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã kêu gọi ngừng vận chuyển vũ khí cho Myanmar và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử tháng 11, cũng như trả tự do cho những người bị giam giữ vì tham gia chính trị, bao gồm cả bà Suu Kyi.

Các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Việt Nam và Myanmar đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của LHQ, trong khi Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan bỏ phiếu trắng.

Myanmar: Bà Aung San Suu Kyi được tiêm đủ 2 liều vaccine khi số ca nhiễm Covid tăng vọt

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Hiện có rất ít thông tin hay hình ảnh về bà Aung San Suu Kyi

Nhà lãnh đạo bị lật đổ của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã được tiêm đủ 2 liều vaccine. Luật sư của bà đã xác nhận với BBC Miến Điện.

Thông tin xuất hiện trong bối cảnh Myanmar vẫn đang phải đối phó với tình hình số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, và sức ảnh hưởng lan tới tận Trung Quốc.

Các bệnh viện tại Myanmar bị ảnh hưởng nặng nề kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2 vừa qua, các nhân viên y tế đã xuống đường biểu tình.

Chỉ có 2,8% trong số 54 triệu người dân Myanmar được tiêm đủ 2 liều vaccine, và 3,5 triệu liều đã được sử dụng.

Hiện vẫn chưa rõ cựu lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, 76 tuổi đã được tiêm loại vaccine gì và thời điểm tiêm.

Hiện có rất ít thông tin hay hình ảnh về bà Aung San Suu Kyi, ngoại trừ khi bà ra hầu tòa lần đầu tiên sau khi chính quyền quân sự lật đổ và giam cầm.

Hôm qua, Myanmar ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục với 3.602 ca, tình hình tương tự cũng xảy ra tại thành phố Thụy Lệ của Trung Quốc với 15 ca trong cùng ngày.

Theo hãng tin AFP, Myanamar đang cố gắng đảm bảo có thêm nguồn cung vaccine sau khi nhận 1,5 triệu liều từ Ấn Độ và 500.000 liều từ Trung Quốc hồi đầu năm.

Cũng theo AFP thì các nhà hàng ở thủ đô Nay Pyi Taw đã bị cấm phục vụ thực khách tại chỗ, bắt đầu từ hôm qua, và sắp tới sẽ có thêm các lệnh hạn chế khác.

Thành phố Thụy Lệ của Trung Quốc hiện đã bị phong tỏa kể từ ngày thứ hai 5/7. Đây là lần phong tỏa thứ 2 trong vòng 4 tháng qua sau khi phát hiện có ca nhập cảnh từ Myanmar.

Khoảng 210.000 người dân của thành phố này đã được xét nghiệm Covid-19 trong nỗ lực nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.

Singapore: người đã tiêm Sinovac xem như chưa tiêm vaccine COVID-19

Reuters

Người dân Singapore tiêm vaccine COVID-19, ngày 18/6/2021.

Các quan chức Singapore cho biết những người đã tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc không được tính vào tổng số người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của nước này, vì cho rằng chưa có dữ liệu đầy đủ về tính hiệu quả của vaccine do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt là đối với biến thể Delta dễ lây lan, theo Reuters.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho biết: “Hiện chúng tôi không thực sự có cơ sở y tế, khoa học hoặc dữ liệu để xác định mức độ hiệu quả của Sinovac đối với mức độ lây nhiễm và các ca bệnh nặng do biến thể Delta”.

Biến thể Delta đã trở thành chủng COVID-19 phổ biến nhất ở Singapore kể từ khi một chuỗi lây nhiễm được xác định tại sân bay vào tháng 5. Chính phủ sau đó đã phải tái áp dụng các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn về tụ họp đông người và các hoạt động công cộng.

Chỉ những người đã tham gia chương trình tiêm chủng quốc gia, vốn đang sử dụng các mũi tiêm Moderna và Pfizer-BioNTech/Cominarty, mới được tính vào danh sách tiêm chủng của Singapore.

Hơn 3,7 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna, bao gồm khoảng 65% dân số Singapore và gần 2,2 triệu người đã tiêm đủ hai liều.

Singapore đặt mục tiêu 2/3 dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào khoảng ngày 9/8.

Mỹ rút đi để lại một Afghanistan tuyệt vọng

Việc quân đội Mỹ rút khỏi căn cứ quân sự lớn nhất của họ ở Afghanistan đã gần như khép lại một chiến dịch quân sự kéo dài hai thập niên qua. Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ ước tính tiến trình rút quân đã hoàn tất khoảng 90%, dù vẫn còn vài tuần nữa mới đến thời hạn. Cuộc rút lui khiến các bên khá bối rối. Ví dụ như cuộc rút quân khỏi sân bay Bagram, một khu phức hợp rộng 30 dặm vuông về phía bắc Kabul từng là trung tâm đầu não quân sự của Mỹ. Vị tướng Afghanistan nhận tiếp quản căn cứ này nói ông chỉ biết người Mỹ rút quân khi đêm xuống. Và điều này giúp những kẻ hôi của xông vào khu trại trước cả quân đội. Đáp lại Lầu Năm Góc phủ nhận việc rút quân lúc nửa đêm.

Hơn nữa, lực lượng quân đội Afghanistan mà Mỹ bỏ lại tỏ ra vô cùng mong manh. Họ đánh mất hàng chục quận mà hầu như không bắn nổi phát súng nào, chưa kể hơn 1.000 lính đã tháo chạy sang Tajikistan. Trong cơn tuyệt vọng, chính phủ Afghanistan kêu gọi huy động các lực lượng dân quân, mà thực tế chính là các lãnh chúa cũ. Các lực lượng này có thể níu chân Taliban, nhưng bản thân họ cũng có hồ sơ đáng lo ngại.

Các nước Đông Nam Á bị giảm triển vọng tăng trưởng vì covid

Từng có thời điểm đại dịch covid-19 hầu như bỏ qua Đông Nam Á Nhưng không còn nữa. Khu vực này đang phải trải qua làn sóng ca nhiễm thứ ba rất nghiêm trọng, kìm hãm tiến độ phục hồi kinh tế. Vì vậy các nhà kinh tế đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Malaysia, Philippines và Thái Lan, ba trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực.

Triển vọng du lịch tồi tệ là lý do chính khiến họ kéo giảm dự đoán của Thái Lan. Với tiêm chủng chậm chạp còn giường bệnh bị thiếu hụt, khách du lịch sẽ khó có thể đến đây nghỉ mát. Ngoài ra các hạn chế đại dịch cũng là một lực cản tăng trưởng. Vì nhiều cửa hàng phải đóng cửa, triển vọng của Malaysia trở nên u ám; tương tự là Philippines. Và mặc dù dự báo tăng trưởng được điều chỉnh tăng cho Indonesia, nước này lại đang ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày tăng 500% trong những tuần gần đây.

Rủi ro lớn nhất đối với các nền kinh tế Đông Nam Á có thể là việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, từ đó làm tăng giá đồng đô la và khiến các khoản nợ doanh nghiệp bằng đồng đô la trở nên đắt hơn. Do đó dự báo GDP có thể còn giảm nữa.

Nhìn lại thành công trong điều trị HIV/AIDS

Phải mất 15 năm kể từ khi bệnh AIDS xuất hiện các nhà khoa học mới tìm ra được các phương pháp điều trị hiệu quả đầu tiên cho căn bệnh này. Kể từ năm 1996 các loại thuốc antiretrovial (kháng virus), với khả năng phòng ngừa triệu chứng vĩnh viễn, đã trở thành tiêu chuẩn chữa bệnh (tuy nhiên vẫn chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn). Kết quả là AIDS dần dần lắng xuống, để từ nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người trẻ tuổi trở thành một chứng bệnh có thể kiểm soát được.

Ngày nay người ta có thể sống lâu với HIV. Dữ liệu về tỷ lệ tử vong của người Mỹ cho thấy điều đó. Phân tích được công bố tuần này trên tạp chí Annals of Internal Medicine đã so sánh tỉ lệ tử vong trong vòng 5 năm của 83.000 người có chữa trị lâm sàng HIV AIDS với dân số nói chung. Hồi đầu thiên niên kỷ khoảng cách là 11,1% giữa hai nhóm. Kể từ năm 2011 nó giảm xuống chỉ còn 2,7%.

Dĩ nhiên cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Và trọng tâm chủ yếu hiện nay là chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh nhân hơn. Dù thế nào, cũng thật đáng mừng rằng sự tiến bộ chậm rãi của khoa học đã có thể áp đảo một kẻ thù vô hình.

WHO khuyến nghị dùng thuốc viêm khớp của Roche, Sanofi để giảm tử vong do COVID

Reuters

Trụ sở nhà máy công ty dược Thụy Sĩ Roche tại Kaiseraugst, gần Basel, Thụy Sĩ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/7 khuyến nghị dùng hai loại thuốc trị viêm khớp Actemra của Roche và Kevzara của Sanofi kèm với corticosteroid cho bệnh nhân COVID sau khi dữ liệu từ khoảng 11.000 bệnh nhân cho thấy hai thuốc này giảm nguy cơ tử vong.

Một toán chuyên gia của WHO đánh giá các phương cách chữa trị đã kết luận rằng điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch với liệu pháp gọi là chất đối kháng thụ thể IL-6 giúp chặn đứng nhiễm trùng, “giảm nguy cơ tử vong và nhu cầu sử dụng máy thở.”

Theo phân tích của WHO, nguy cơ tử vong trong 28 ngày đối với bệnh nhân uống một trong hai loại thuốc viêm khớp vừa kể với corticosteroid chẳng hạn như dexamethasone là 21%, so với 25% nguy cơ nơi những người được chữa trị theo kiểu thông thường. Cứ 100 bệnh nhân như thế thì có thêm 4 người sống sót, WHO nói.

Nguy cơ tiến tới việc cần máy thở hay tử vong là 26% đối với những người uống một trong hai loại thuốc viêm khớp và corticosteroid, so với 33% những người được chữa trị thông thường. Theo WHO, điều này có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân như vậy thì sẽ có thêm 7 người sống sót không cần máy thở.

Cuộc phân tích dựa trên 10.930 bệnh nhân. Trong số này có 6.449 người được uống thuốc viêm khớp và 4.481 người được chữa trị thông thường hay bằng giả dược. Cuộc phân tích được đăng tải hôm 6/7 trên Tạp chí American Medical Association.

Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tuần trước đã cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc Actemra để chữa trị COVID-19.

Tuy nhiên việc trắc nghiệm thuốc Actemra và Kevzara cho bệnh nhân COVID gồm cả các cuộc thử nghiệm và sai sót, khi xuất hiện một vài trường hợp thất bại trong lúc các công ty bào chế tìm cách thử thuốc trên các nhóm bệnh nhân khác nhau.

WHO kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng cường khả năng tiếp cận với các loại thuốc như thế tại các nước thu nhập thấp hiện đang đối mặt với dịch bùng phát và các biến thể của COVID trong lúc chưa có đủ vaccine.

Phi cơ do thám Mỹ giảm hoạt động trên Biển Đông, chuyển sang biển Hoa Đông

Ảnh minh họa : Máy bay do thám Mỹ RQ-4 Global Hawk do Không Quân Mỹ công bố ngày 20/06/2019. AFP – HANDOUT

Theo South China Morning Post hôm nay 06/07/2021, Hoa Kỳ đã tiến hành 36 phi vụ thám sát trên Biển Đông trong tháng Sáu, chỉ bằng phân nửa so với tháng Năm. Một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng Washington đang tạm thời chuyển trọng tâm về biển Hoa Đông, với sự gia tăng đáng kể các chuyến bay do thám tại đây.

Trong số các phi cơ do thám cỡ lớn được gởi đến biển Hoa Đông, có máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3B, phi cơ thám sát điện tử RC-135U, máy bay trinh sát biển không người lái MQ-4C, drone trinh sát RQ-4.

Tổ chức South China Sea Strategic Situation Probing Initiative (Sáng kiến Thăm dò Tình hình Chiến lược Biển Đông/SCSPI) cho biết hôm 03/06 một chiếc RC-135U cất cánh từ một căn cứ ở Okinawa đã bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Một phi cơ chống tàu ngầm P-8A của Hải quân Mỹ cũng từ Okinawa bay xuyên qua eo biển Đài Loan từ bắc chí nam, lần đầu tiên kể từ khi loại phi cơ này được triển khai tại Tây Thái Bình Dương.

Think tank này còn ghi nhận lần đầu tiên một phi cơ vận tải chiến thuật cỡ lớn C-17A đã đưa ba thượng nghị sĩ Mỹ đến Đài Loan hôm 06/06 thay vì phi cơ dân sự như thường lệ, và cho rằng điều này đã gây căng thẳng tại eo biển. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên án « hành động khiêu khích chính trị rất xấu xa » và một ngày sau quân đội Trung Quốc tập trận đổ bộ tại bờ biển miền đông nam.

Nhật báo có trụ sở tại Hồng Kông nhắc lại hồi tháng trước, một tuần sau khi nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận tại Biển Đông, Bắc Kinh đã điều số lượng kỷ lục 28 chiến đấu cơ áp sát Đài Loan.

Hoạt động quân sự Mỹ giảm hẳn trên Biển Đông được cho là do Nga tập trận quy mô ngoài khơi Hawai hồi tháng Sáu, thu hút một phần lực lượng trính sát của Mỹ. Các quan chức Nga nói rằng đây là cuộc tập trận lớn nhất tại Thái Bình Dương kể từ thời chiến tranh lạnh.

Học giả Đức bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc

Học giả Đức bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh minh họa: Youtube/International news. India)

Theo trang SCMP, các công tố viên liên bang Đức đã bắt giữ và buộc tội một lãnh đạo một viện tư vấn chính sách, với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.

Người bị bắt được xác định là Klaus L., 75 tuổi. Các công tố viên liên bang cáo buộc học giả này tuồn thông tin mật của chính phủ Đức cho tình báo Trung Quốc.

Cơ quan công tố cho biết nghi phạm thu thập các thông tin mật “chủ yếu từ các đầu mối chính trị cấp cao mà ông ta quen biết thông qua viện nghiên cứu”. Giới chức Đức không công bố danh tính đầy đủ của nghi phạm, cũng như tên của viện tư vấn chính sách mà ông này làm lãnh đạo.

Các thông tin đó được gửi tới đầu mối Trung Quốc “trước hoặc sau mỗi chuyến thăm cấp nhà nước hoặc hội nghị đa quốc gia, cũng như về một số vấn đề nhất định”.

Thông cáo của cơ quan công tố cho biết: “Nghi phạm được đài thọ tới dự những cuộc họp cùng nhân viên tình báo Trung Quốc. Ông ta nhận một chương trình hỗ trợ và được trả phí”.

Tình báo Trung Quốc bắt liên lạc với nhà khoa học chính trị này trong một chuyến thăm tại Thượng Hải vào tháng 6/2010. Klaus L thường xuyên cung cấp thông tin cho phía Trung Quốc từ thời điểm này đến tháng 11/2019.

Giới chức Đức mô tả nghi phạm là một nhà khoa học “danh tiếng và có mạng lưới được xây dựng qua nhiều năm”. Ông này bị truy tố vào ngày 20/5 và bị bắt hôm 5/7.

Hàng loạt bê bối tình báo liên quan đến Trung Quốc thời gian qua khiến Đức và Liên minh Châu Âu (EU) xôn xao. Theo Noah Barkin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Marshall Đức, tình báo Trung Quốc rất nỗ lực tuyển mộ nguồn tin ở Đức trong vài năm qua.

Đầu năm 2020, các công tố viên Đức từng mở một cuộc điều tra quốc tế về nghi vấn đường dây gián điệp Trung Quốc gồm nhiều công dân Đức, ít nhất một nhà ngoại giao cấp cao và hai chuyên gia vận động chính sách. Gerhard Sabathil, cựu đại sứ EU tại Hàn Quốc, còn bị tình nghi hoạt động gián điệp, nhưng cơ quan công tố cuối cùng không đủ bằng chứng kết luận.

Tờ WELT năm 2019 còn dẫn tiết lộ từ cơ quan đối ngoại EU, khẳng định khoảng 250 gián điệp Trung Quốc và 200 gián điệp Nga đang hoạt động tại Brussels. Cựu lãnh đạo tình báo Đức Gerhard Schindler năm 2020 cũng cảnh báo mối đe dọa gián điệp từ Trung Quốc đang ngày một lớn. Theo ông, Berlin cần đối phó rủi ro bằng cách giảm “phụ thuộc chiến lược” vào Trung Quốc.

Indonesia báo động khi quá nhiều trẻ em chết do COVID-19

Tình hình dịch bệnh ở Indonesia (ảnh: Youtube/SCMP).

Số trẻ em mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 đang tăng mạnh ở Indonesia những tuần qua, trong bối cảnh hệ thống chăm sóc y tế ở nước này đã bên bờ sụp đổ.

Trên The Guardian, tiến sĩ Aman Pulungan, người đứng đầu hiệp hội nhi khoa Indonesia, cho biết có một quan niệm sai lầm là trẻ em không bị ảnh hưởng bởi Covid, tuy nhiên các ca bệnh đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ vị thành niên. Ông nói, số ca nhiễm hàng tuần được ghi nhận ở những người dưới 18 tuổi đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một tháng. Indonesia ghi nhận 11.872 trẻ em mắc Covid-19 tính từ 28/6 đến ngày 4/7. Tăng so với 2 tuần trước đó lần lượt là 7.329 và 5.255.

Các chuyên gia y tế cảnh báo những con số thống kê thấp hơn nhiều so với diễn biến dịch bệnh thực tế, bởi Indonesia có tỷ lệ xét nghiệm đặc biệt thấp, ở mức 49,4 xét nghiệm trên 1.000 dân.

Ông Pulugan nói: “Chúng ta đang ở tình thế rất tồi tệ, có thể gọi dịch bệnh là sóng thần. Người dân đưa trẻ em đi khắp nơi, nhưng chúng không được đeo khẩu trang”.

Tới ngày 5/7, ít nhất 556 trẻ em được xác nhận tử vong sau khi có kết quả dương tính với virus Corona, trong khi con số này chỉ là 340 vào cuối tháng 5.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, trẻ em chiếm ít nhất 12% số ca mắc Covid-19 ở Indonesia. Tuy nhiên, có nhiều ca dương tính khác không được ghi nhận.

Dino Satria, quan chức cấp cao thuộc tổ chức Cứu trợ Trẻ em Indonesia, cho biết số ca mắc Covid-19 ở trẻ em đang gia tăng cực kỳ đáng lo ngại và rằng “chưa có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm sẽ sớm giảm xuống nếu chương trình tiêm chủng không được đẩy mạnh”.

Indonesia ngày 6/7 thông báo có thêm 31.189 người mắc Covid-19, cùng 728 trường hợp tử vong. Đây là những thống kê cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tổng số ca nhiễm ở Indonesia đã nâng lên hơn 2,3 triệu ca, trong đó 61.868 trường hợp đã tử vong, số trường hợp hồi phục là hơn 1,9 triệu.

Hiện mới chỉ khoảng 14 triệu người Indonesia được tiêm đủ liều vắc-xin, tương đương 5,2% dân số.