Triều đại của « đồ tể » Bachar Al Assad: Một trang sử nhuốm máu và nước mắt ở Syria

Share this post on:

Triều đại của Bachar Al Assad vừa chấm dứt sau khi bị lật đổ bởi lực lượng nổi dậy. Được mệnh danh là « đồ tể » của Syria, Bachar Al Assad để lại một trang sử nhuốm máu đỏ cho Syria sau hơn 20 chục năm cầm quyền. Trấn áp để cai trị, chế độ độc tài Syria có một danh sách dài các hành vi tàn ác nhất, từ việc sử dụng vũ khí hóa học, chính sách « làm mất tích », đến những cuộc tra tấn, hành quyết hàng loạt, những lạm dụng tình dục, nhắm vào phụ nữ và cả trẻ em.

Đăng ngày: 11/12/2024 – 12:35Sửa đổi ngày: 11/12/2024

An image of Syrian President Bashar Assad, riddled with bullets, is seen on the facade of the provincial government office in the aftermath of the opposition's takeover of Hama, Syria, Friday, Dec. 6,
Ảnh của cựu tổng thống Bachar Al Assad với nhiều lỗ đạn bắn, bên ngoài một văn phòng của chính phủ ở Hama, Syria, sau khi phiến quân kiểm soát thành phố này ngày 06/12/2024. AP – Omar Albam

Chi Phương

Bachar Al Assad là con thứ của cựu độc tài Hafez Al-Assad. Lẽ ra con trai cả của gia đình mới là người kế nhiệm chức tổng thống của cha, nhưng anh trai Bassel đã bỏ mạng trong một tai nạn xe hơi, nên ông Hafez buộc phải gọi con trai út Bachar về cai trị Syria. Bachar Al Assad chính thức được « bầu » làm tổng thống vào ngày 25/06/2000, sau khi Hafez Al Assad qua đời. Vì Bachar Al Assad có thời gian học và làm nghề bác sĩ chuyên khoa mắt, sống tại Luân Đôn, Anh Quốc, nên phương Tây ban đầu có ấn tượng tốt về vị tổng thống này. Trước cuộc can thiệp của Mỹ vào láng giềng Irak khiến Syria lo ngại, Bachar Al Assad đã tỏ ra thiện chí với phương Tây, cung cấp nguồn lực, cũng như tin tức tình báo, hỗ trợ các cuộc chiến chống khủng bố của Pháp và Mỹ.

Lúc đó phương Tây lo sợ rằng nếu chế độ Al Assad sụp đổ thì tổ chức khủng bố Daesh sẽ chiếm thế thượng phong và tổng thống Syria đã biết khai thác nỗi sợ này để bắt chẹt, coi mình là thành lũy duy nhất chống lại Nhà nước Hồi giáo, buộc thế giới phải “một là chọn tôi, hai là hỗn loạn”, được thể hiện trong bộ phim tài liệu trên kênh France 5 của đạo diễn Pháp Antoine Vitkine. Vì lẽ đó mà dường như Bachar có thể tự do cho phép mình lộng hành, với các cuộc trấn áp tàn bạo nhất, song song với sự yểm trợ của Nga và Iran, duy trì chế độ độc tài.

Bachar Al Assad đã làm gì để nhận được biệt danh « đồ tể » của Syria ? 

Ngay từ những cuộc biểu tình tự phát đầu tiên vào năm 2011 trong không khí của Mùa Xuân Ả Rập, những người trẻ phun sơn, vẽ lên tường dòng chữ : “Đến lượt ông rồi đấy, bác sĩ ạ”, ám chỉ tới Bachar Al Assad. Ngay lập tức, những người này bị cảnh sát bắt giữ, tra tấn, khiến cơn thịnh nộ của người Syria đòi quyền tự do ngày càng lớn mạnh. Những người chống đối chế độ ngày càng đông đảo. Bachar Al Assad quyết định cử quân đội, xả súng, tấn công vào chính người dân của mình, với lý do trấn áp những kẻ « bị nước ngoài lôi kéo », « những kẻ khủng bố ».

Nhiều quân nhân, sĩ quan không thể tuân theo các chỉ thị dã man từ giới cầm quyền, tách khỏi quân đội, tập hợp trong Quân đội Syria Tự Do. Phe đối lập ngày càng lớn mạnh và dần trang bị vũ khí. Cuộc nổi dậy của quần chúng dần trở thành cuộc nội chiến, với các cuộc giao tranh bằng vũ khí hạng nặng, các máy bay ném bom. Đến mùa hè năm 2011, Bachar đã mất quyền kiểm soát một nửa lãnh thổ Syria, những nước phương Tây như Pháp và Hoa Kỳ ủng hộ Assad cho rằng chế độ này đã kết thúc.

Từ vũ khí hóa học, đến những cuộc bỏ tù vô cớ, lạm dụng tình dục công khai

Thế nhưng, theo nhận định của Deutsche Welle« để làm suy yếu một cuộc cách mạng thì cần phải tạo ra một quỷ dữ ». Để bám trụ quyền lực, nhà độc tài Syria đã chứng minh sự tàn bạo khét tiếng của mình. Điển hình là cuộc tấn công bằng khí độc sarin ở Đông Ghouta vào ngày 21/08/2013, khiến ít nhất 1500 người bỏ mạng, bao gồm cả trẻ em. Phe nổi dậy cáo buộc chính phủ đứng sau vụ này, nhưng chế độ Al Assad phủ nhận.

Từ năm 2013 đến 2018, Đông Goutha cũng bị quân đội phong tỏa, bao vây, Các cuộc bắn phá liên lục, không chỉ nhắm vào các cơ sở dân sự mà vào cả bệnh viện. Người dân không thể tiếp cận nguồn lương thực, thuốc men và viện trợ nhân đạo, « sống trong điều kiện vô nhân đạo », đến khi chết đói, như báo cáo của Amnesty International.

Nhà tù, trại hành quyết hàng loạt của chế độ

Chế độ của Al Assad còn « nổi tiếng » với chính sách « làm mất tích » người dân, trong hơn chục năm nội chiến. Kể từ năm 2011, khi cuộc xung đột bắt đầu,.

Tổ chức Syrian Network for Human Rights (SNHR) cáo buộc chế độ Assad phải chịu trách nhiệm cho 135.706 vụ mất tích, bao gồm 3.691 trẻ em và 8.484 phụ nữ. Đó là những người bị chính quyền bắt đi và không ai biết tung tích sau đó.

Al Assad cũng nhắm vào nhân viên y tế, những người chỉ trích, những người bất đồng chính kiến, nhà báo và người biểu tình, cũng như gia đình và cộng sự của họ. Hầu hết các vụ mất tích được các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế báo cáo dường như đều có động cơ chính trị đằng sau.

Báo cáo của Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho biết trong hơn một thập kỷ, hơn 300 000 thường dân Syria đã bị giết hại, 13,5 triệu người phải đi tị nạn. Hàng triệu phụ nữ và trẻ em đã phải di dời, đến những khu vực khác ở trong nước, hoặc nước ngoài. Những người trở về thì phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ tùy tiện, tra tấn và “cưỡng bức mất tích”.

Những nhà giam ở Syria trở thành nỗi ám ảnh, không chỉ là « trại tập trung », mà là nơi « hành quyết hàng loạt ». Những tù nhân sống không bằng chết, bị tra tấn, bỏ đói, điều kiện vệ sinh tồi tệ nhất và dĩ nhiên không được chữa trị.

Quấy rối tình dục và lạm dụng tràn lan trong quá trình giam giữ mà cả nam và nữ giới đều là nạn nhân, theo những lời chứng mà nhiều tổ chức nhân quyền và Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền Châu Âu (ECCHR) thu được.

Sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh

Báo báo của trang Zero Impunity thì nhấn mạnh việc sử dụng bạo lực tình dục một cách có hệ thống, bao gồm cả việc hãm hiếp trẻ em, của chế độ Bachar Al Assad như một vũ khí chiến tranh, « để khủng bố người dân », chia rẽ cộng đồng và « trừng phạt gia đình » của những người tình nghi thuộc phe đối lập. Các hành vi này không chỉ được thực hiện tại các nhà tù, tại những trạm kiểm soát, cũng như những khu vực xung đột, cả ở những nơi công cộng, trước sự chứng kiến ​​​​của những người thân, để trấn áp, răn đe, đặc biệt là ở các vùng nổi dậy.

Chế độ Assad cũng cố tình che giấu thông tin về nơi ở, số phận và thậm chí là cái chết của những người bị giam giữ, từ chối quyền cơ bản của gia đình là được thương tiếc hoặc tổ chức tang lễ cho những người thân.

Cuộc nội chiến ở Syria đã đẩy chế độ Al Assad đến sát vực thẳm vào năm 2015, khi chính quyền chỉ kiểm soát được 10 % đất nước, quân đội kiệt quệ, kinh tế khủng hoảng, tỷ lệ nghèo đói gia tăng. Nếu như không có đồng minh Nga và Iran và lực lượng Hezbollah ở Liban, thì có lẽ Al Assad đã không thể tại vị lâu đến vậy. Trước yêu cầu hỗ trợ từ chính phủ Syria, máy bay phản lực của Nga đã ném bom xuống Syria, khẳng định rằng các mục tiêu là “những kẻ khủng bố”, giúp chính quyền Damas giành lại quyền kiểm soát hai phần ba lãnh thổ, và tiếp tục ách cai trị độc tài của nhà Al Assad.

Syria có bị quốc tế trừng phạt ?

Vào ngày 26/05/2021, ông Bachar Al Assad được « bầu lại » làm tổng thống cho nhiệm kỳ thứ tư, với kết quả không có gì bất ngờ, 95,1 % phiếu ủng hộ. Đây là nhiệm kỳ thứ hai kể từ sau cuộc nội chiến bắt đầu từ năm 2011, trong bối cảnh Syria phải đối mặt với nhiều trừng phạt quốc tế.

Luật Cesar được Quốc Hội Mỹ thông qua vào năm 2020 cấm tất cả các giao dịch tài chính với Syria để cô lập chế độ này vì các hành vi tàn bạo của chế độ cầm quyền. Vào ngày 15/11/2023, Pháp đã ra lệnh bắt giữ quốc tế đối với Bachar Al-Assad, vì những cáo buộc phạm tội chống lại loài người, khi sử dụng vũ khí hóa học tấn công vào thường dân. Một ngày sau đó, Tòa án Công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc cũng đã ra lệnh cho Syria chấm dứt các hành động tra tấn, dã man, hèn hạ, chống lại chính người dân của mình. 

Trước các báo cáo của nhiều tổ chức nhân quyền, sự lên án của quốc tế, chế độ độc tài có sự yểm trợ của Nga, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An, dùng quyền phủ quyết làm tê liệt các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc đưa ra các quyết định cứng rắn nhắm vào chính quyền Al Assad.

Bất chấp các tội ác chiến tranh, chống lại loài người được ghi nhận, chế độ do Bachar Al Assad lãnh đạo vẫn được cho gia nhập lại Liên đoàn Ả Rập vào năm 2023, khơi dậy những chỉ trích về việc bình thường hóa quan hệ với Damas

RFI tiếng Việt