Bài 7 và 8
Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?
Bài 7. Giáo dục văn hóa XHCN
February 10, 2022
Văn hóa và giáo dục bao giờ cũng đi kèm với nhau như hình với bóng. Văn hóa là linh hồn của dân tộc, là cái khung làm chuẩn mực[1] cho sự ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với xã hội. Còn giáo dục thì dạy con người tuân theo các chuẩn mưc và tiến đến con người kiểu mẫu mà văn hóa và triết lý giáo dục hoặc lịch sử đã vạch ra.
Trong các nước tư bản, tự do, với quan điểm phục vụ quyền lợi tổ quốc trên hết thì triết lý giáo dục đều hướng đến việc đào tạo con người tự do, độc lập, nhân bản, sáng tạo, đạo đức[2]. Trên quan điểm này, chính quyền cộng sản chưa có một triết lý giáo dục tương xứng để phục vụ Đất Nước[3].
Dù cụm từ “triết lý giáo dục” chưa được đề cập trong các văn kiện của Đảng hay chính sách của nhà Nước[4], song Hồ chí Minh đã định hướng cho mục tiêu giáo dục là đào tạo con người kiểu mẫu (personne modele) như sau.
Con người kiểu mẫu của xã hội mới là cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng (Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư),
Con người kiểu mẫu của lịch sử XHCN dạy cho thiếu nhi trong sách giáo khoa thì có rất nhiều mẫu anh hùng thí dụ như anh hùng Lê Văn Tám 10 tuổi và trong lịch sử xưa thì đảng cộng sản mới thêm gương anh hùng của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) dùng khổ nhục kế để tránh cho đất nước một cuộc chinh chiến.
Con người kiểu mẫu là gương soi phản chiếu các đức tính trên tức đời sống văn hóa tinh thần của xã hội chủ nghĩa.
Lý thuyết giáo dục xã hội chủ nghĩa
Mục tiêu : Xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Dựa trên chủ nghĩa Mác-Lê, Hồ Chí Minh nói giáo dục hướng tới xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giáo dục là vì con người, cho con người và hướng tới việc xây dựng con người mới – con người xã hội chủ nghĩa.
Học để làm gì[5]? Làm cán bộ
Hồ Chí Minh giải thích:
“Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại … phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà[6]”. “Học để sửa chữa tư tưởng”.
Học để tu công đạo đức cách mạng,
Học để sửa chữa tư tưởng: Hăng hái theo cách mạng,
Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng,
Học để tin tưởng: Tin tưởng vào Đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân, vào tương lai cách mạng”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Minh Hạc nhắc lại lời Hồ Chí Minh: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phục sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”
Đào tạo ra con người nào? Cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng
Qua các thời đại ở Việt Nam, câu trả lời là:
Thời quân chủ: Học để thành kẻ sĩ (người có học thức và đạo đức) và làm quan,
Thời Pháp đô hộ: Học để làm công chức,
Thời Việt Nam Cộng Hòa: Học để trở thành một công dân tự do phục vụ tổ quốc.
Thời Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Học để làm cán bộ trung với đảng hiếu với dân.
Cán bộ là gì? Là con người kiểu mẫu của xã hội chủ nghĩa
Cán bộ là người kiểu mẫu mới thay thế người kiểu mẫu của văn hóa xưa là sĩ phu[7], được Hồ Chí Minh giải thích như sau:
“cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn.
“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
“Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy cán bộ là cái gốc của mọi công việc“.
Với “văn hóa mới”, cộng sản xây dựng một con người mới, rèn luyện, giáo dục con người xã hội chủ nghĩa để trở thành cán bộ có đạo đức cách mạng (cần, kiệm, liêm, chính), phục tùng Đảng, phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, làm trụ cột chống đỡ ngôi nhà xã hội chủ nghĩa. “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”.
Trong di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hồ Chí Minh cho rằng, đối với cán bộ cách mạng thì đạo đức như là gốc của cây, nguồn của sông, là cái căn bản của một con người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. Đó là lý do đưa đến quan niệm trồng người của Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”.
Huấn luyện cán bộ
Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục và công tác cán bộ, Ông coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà Nước nên phải coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Ông nói rõ:
Mục đích giáo dục là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Vị trí, vai trò đặc biệt của cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Giáo dục phải:” huấn luyện được đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên đủ phẩm chất, năng lực, đủ “đức”, đủ “tài” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị có đức, có tài”.
Lời chỉ đạo ‘cán bộ vừa hồng vừa chuyên” và chỉ thị “hồng hơn chuyên” chỉ rõ cho mọi người đi học phải biết giai cấp cán bộ có hai đẳng cấp:
Hồng (đỏ) là cán bộ cộng sản có đảng tịch,
Chuyên là cán bộ chuyên viên không “hồng”.
Chế độ Hồng hơn Chuyên
Muốn trở thành cán bộ lãnh đạo, điều khiển một cơ quan thì phải là người cộng sản có đảng tịch tức là “hồng”, còn người tài giỏi, bằng cấp cao chỉ được làm dưới quyền một cán bộ “hồng”. Vì vậy mà chúng ta thấy rõ hai điều sau:
Tất cả các vị trí lãnh đạo từ nhỏ đến lớn đều do các cán bộ “hồng” nắm giữ,
Không ngạc nhiên thấy nhiều cán bộ dốt nát nhưng rất “hồng” lãnh đạo đất nước, thí dụ điển hình là thủ tướng Đỗ Mười xuất thân là người hoạn lợn ( thiến heo) chưa học hết tiểu học. Nhiều câu ca dao, câu vè của dân gian mô tả chế độ “hồng hơn chuyên” áp dụng cho ông Đỗ Mười như sau.
Giỏi a đồng chí Đỗ Mười,
Lớp ba chưa đỗ đã ngồi bí thư
Bất kể hoạn lợn, chăn trâu,
Hễ cứ vào đảng ở lâu làm trùm.
Năm đồng đổi lấy một xu,
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy.
Văn Hay Chữ Tốt, không bằng học Dốt mà lắm Quyền
—
[1] Chuẩn mực : tổng số những mong đợi, yêu cầu qui tắc, giáo lý… định hướng cho tín đồ tuân thủ
[2] Mỗi quốc gia tân tiến đều có một triết lý giáo dục nhằm đào tạo con người như thế nào để phục vụ cho chính bản thân và đất nước.Thí dụ triết lý giáo dục của Phần Lan là “lòng tin – bình đẳng – hợp tác”, nêu cao phương châm dạy để học chứ không đề cao thi cử. Triết lý giáo dục của Hoa Kỳ là “tự chủ – tự do” tạo ra sự đa dạng về nhân tài, phồn thịnh về thành quả cho nền kinh tế. Còn ngành giáo dục Nhật Bản được xây dựng trên triết lý “con người và đạo đức”, đề cao tuyệt đối tính kỷ luật và tinh thần tự lập.
Lùi về lịch sử, trước năm 1975, triết lý giáo dục của miền Nam Việt Nam được ghi vào hiến pháp là “nhân bản, dân tộc, khai phóng”:
– Nhân bản lấy con người làm trung tâm quan trọng nhất, giáo dục con người hoàn thiện từ trong suy nghĩ, cho đến lời nói và việc làm;lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không như là phương tiện công cụ phục vụ cho một mực tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái nào.
– Dân tộc. Phát triển tinh thần quốc gia, hiểu biết hoàn cảnh xã hội, lịch sử, môi trường sống của người dân, bảo tồn truyền thống tốt đẹp…
– Khai phóng. Mở mang làm cho tốt đẹp hơn trên căn bản tự do tiếp nhận kiến thức mới, tinh thần dân chủ, giá trị văn hóa nhân loại không bị giam hãm trong một trường phái triết học, một tôn giáo, một tín ngưỡng nào. Còn Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có triết lý, có đường lối giáo dục không?
[3] Nếu đặt Đảng cộng sản trên tổ quốc, với khẩu hiệu : « Còn Đảng thì ta còn », « Mất Đảng là mất hết », « Mất nước còn hơn mất Đảng », đứng trên quan điểm này thì Việt Nam xã hội chủ nghĩa chưa có chính sách giáo dục rõ ràng.
[4] Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề giáo dục của Quốc hội ngày 3 tháng 11 năm 2020:” Cái quan trọng giáo dục chỉ là một bộ phận của quản trị đất nước, mà quản trị đất nước đã được định sẵn tôn thờ chủ nghĩa Mác Lenin, thế còn nói gì nữa. Đã là giáo dục thì phải là khai phóng tự do, chấp nhận những quan điểm trái ngược, ở Việt Nam không làm được cái đó. Thành ra có thể làm được gì thì họ cứ làm, chứ còn ngay bây giờ mà đặt ra vấn đề triết lý giáo dục, thì tôi cho rằng không thực tiễn chút nào hết, bởi vì không làm được.”
[5] Theo UNESCO: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”.
[6] Lời chỉ day của Hồ Chí Minh khi đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc Trung Ương tháng 9/1949
[7] Sĩ phu 士夫 : Người đàn ông có học, đàn ông trí thức
Bài 8. Những điều cổ quái
March 11, 2022
Những điều cổ quái là những điều kỳ dị của giáo dục XHCN như:
Chế độ lý lịch
Thầy giáo kiểu mẫu XHCN
Con người kiểu mẫu trong sách giáo khoa: Lê Văn Tám
Con người kiểu mẫu trong lịch sử: Mạc Đăng Dung
Sửa đổi lich sử
Chế độ lý lịch
Ai đã sống dưới chế độ cộng sản đều biết rõ vai trò tối quan trọng của lý lịch gia cảnh trong việc đi học đại học, thi đỗ, xin việc làm … Chế độ lý lịch có mục đích:
Dành ưu tiên học đại học và thi đỗ cho con cháu của đảng viên cộng sản nên mới có câu ca dao: học tài thi lý lịch và câu vè trong dân gian:
Trăm năm Kìêu vẫn là Kìều
Muốn đậu tốt nghiệp phải liều… copy
Lãnh đạo cũng thế còn gì
Học hành ôn luyện làm gì cực thân?
Thật thà nên chẳng có phần
U mê dốt nát nên thần, nên quan.
Thanh lọc các con em của người chống đối chế độ và của quan chức cũ Việt Nam cộng hòa để trở thành cán bộ “chuyên” thừa hành. Vì có quy tắc ưu tiên bần cố nông, ưu tiên con cán bộ cao cấp nên một số học sinh phải nói láo về lý lịch như câu ca dao : “Nói thật ăn cháo, Nói láo ăn cơm”, “Học tài thi lý lịch”….
Trong hồi ký “Cọng rêu dưới đáy ao”, Võ Văn Trực kể chuyện chính quyền, đoàn thể buộc người ta phải hy sinh mọi lợi ích riêng tư, dành tất cả cho tập thể. Con người muốn cho riêng mình thì buộc phải che giấu, nói dối (lý lịch gia đình, các mối quan hệ xã hội, báo cáo láo thành tích, những lo toan cho cá nhân, gia đình mình…).
Đi học, đi làm đều theo lý lịch ưu tiên cho con cháu đảng viên
Thầy giáo kiểu mẫu XHCN
Xưa kia với quan niệm “Tôn sư, trọng Đạo”, thầy giáo là con người kiểu mẫu, là sĩ phu đạo đức được kính nể như Chu Văn An, Võ Trường Toản[1] làm gương cho học trò noi theo. Còn trong văn hóa XHCN, thày giáo làm người mẫu như thế nào?
Thầy giáo phải dạy theo:
« Một chương trình-một bộ sách giáo khoa duy nhất[2] ».
Giáo dục ý thức hệ Mác Lê là trọng tâm, trẻ từ mẫu giáo đã ca những bài hát chính trị, kết hợp thành đoàn để phục vụ Đảng; những người soạn sách giáo khoa bất cứ môn học nào cũng cố lồng chính trị vào, coi đó là một thành tích.
Nội dung chương trình được kiểm soát chặt chẽ và ràng buộc vào bộ sách giáo khoa duy nhất và bộ sách giáo khoa trở thành « pháp lệnh ». Phương pháp dạy là truyền đạt một chiều, nặng tính áp đặt, cả thầy và trò chỉ được chấp nhận một cách diễn giải chính thống, người dạy cứ dạy, người học cứ học, thí dụ, trong môn sử, dù biết rằng đó là nhân vật hư cấu dùng để tuyên truyền, thầy giáo vẫn phải dạy như một sự kiện thật lịch sử.
Học sinh từ mẫu giáo trở lên đã được đoàn ngũ hóa, sinh hoạt có tính cách chính trị, lớn lên thì học trở thành cán bộ… Những người soạn sách giáo khoa bất cứ môn học nào cũng cố lồng chính trị vào.
Thầy giáo sống như thế nào?
Lúc hành nghề, thầy giáo chỉ nói lại những điều trong bộ sách giáo khoa chính thống duy nhất. Dạy khác đi là phải trả giá. Như vậy là thầy giáo tốt theo Hồ Chí Minh : « Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng lên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy tốt là những anh hùng vô danh”.
Cộng với đời sống tinh thần giảng dạy không có ý kiến, đời sống vật chất của “anh hùng vô danh”, “kỹ sư tâm hồn” rất là vất vả, được trả lương không đủ sống, khiến họ phải đi làm thêm. Do đó nhiều cảnh dở khóc, dở cười, đã xẩy ra như những câu ca dao, câu vè mô tả dưới đây.
Thầy giáo lương lãnh ba đồng,
Làm sao sống nổi mà không đi thồ,
Nhiều thầy phải đạp xích lô,
Làm sao xây dựng tiền đồ học sinh ?
Nhất y nhì dược
Tạm được Bách khoa.
Sư phạm bỏ qua,
Nông lâm xếp xó.
Chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm[3]
Muốn sang thì lấy thợ điện
Muốn diện thì lấy thợ may,
Ăn mày thì lấy thầy giáo.
—
[1] Để kiểm chứng xem có đúng là vua Hàm Nghi không, người Pháp dẫn ông thày cũ của vua Hàm Nghi đến, nhìn cử chỉ lễ phép của vua đối với thày cũ mà Pháp biết đúng là vua thực
[2]Tất cả sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đều do Bộ giáo dục và đào tạo biên soạn cho NXB giáo dục Việt Nam ấn hành
[3] Trong thang giá trị xã hội xưa, ông thầy giáo đứng dưới vua và trên thân phụ (quân sư phụ). Từ khi Pháp sang, trong thang giá trị mới về xã hội nghề nghiệp thì thầy giáo đứng dưới nhiều nghề nghiệp khác nên mới có câu :
Dưa leo chấm với cá kèo
Chuột chạy cùng sào mới học Nọt-man (sư phạm).
Tuy học ra kiếm tiền ít, nhưng xã hội trước năm 1945 vẫn tôn sư trọng đạo nên người học Sư Phạm đã trả lời:
Dưa leo chấm cá thòi lòi
Con em nhà nòi, mới học Nọt-man.
Lạp Chúc Nguyễn Huy
* Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn
Trước năm 1975:
Giảng dạy tại Đại Học Cao Đài Tây Ninh và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.
1981-1992:
Làm nghiên cứu trong Dept Anthropologie, Đại Học Laval, Québec, Canada.