27/02/2024
Giáo sư Trần Huy Bích. Nguồn ảnh: Blog Trần Huy Bích
1. Trưởng ban văn nghệ trường Chu Văn An
Người viết gặp anh Trần Huy Bích cuối năm 1956, niên khóa 56 – 57, khi anh cùng với Ban Văn nghệ trường Chu Văn An đi các lớp để nói về tờ Đặc san Xuân của trường, và khuyến khích mọi người viết cho đặc san. Khi tờ báo in xong, tôi gặp lại anh lần thứ nhì. Anh đến lớp tôi để tuyên dương anh Nguyễn Gia Phái về bài thơ “Chu Văn An mến yêu” được đăng trên tờ Đặc san Nhựa Sống. Bài thơ của một học sinh đệ lục nói về kỷ niệm và mộng ước dưới mái trường. Tôi còn nhớ 4 câu:
Ôi! Chu Văn An, Chu Văn An
Em nghe thoang thoảng hương thời gian.
Ngày sau ai chớ lờ quên nhé,
Trong mái trường đây mộng chứa chan.
Tôi chỉ gặp anh Bích hai lần, vì đó là năm cuối cùng của anh ở Chu Văn An.
2. Hiệu Trưởng trường Trung học tư thục Thăng Long
Năm 1964 tôi gặp lại anh Trần Huy Bích ở Đà Lạt. Lúc đó anh là Hiệu Trưởng trường Trung học tư thục Thăng Long. Trường mới được anh mua lại của ông Chử Bá Anh, trước đó có tên là trường Hiếu Học. Gặp lại nhau cũng vào đầu niên khóa, nên anh kéo tôi vào phụ trách những giờ sử địa cho mấy lớp đệ nhất cấp. Từ trường Hiếu Học đổi thành Thăng Long, tôi đoán thầy Bích muốn theo gương của các ông Hoàng Minh Giám, Đặng Thái Mai và Võ Nguyên Giáp trong việc thành lập trường Thăng Long ở Hà Nội vào giữa thập niên 1930. Đi dạy được hơn một tháng, tôi thân với mấy người thân của thầy Bích:
Thứ nhất là ông Nguyễn Ngọc Hướng, thầy Bích đem từ Sài Gòn lên để làm Giám Học. Tuy là bạn thân, nhưng tính chất hai người khác nhau. Thầy Bích khiêm cung, nói năng để ý từng lời, còn ông Hướng đẹp trai, bay bướm, ăn mặc chải chuốt và rất điệu, chẳng hạn đi đâu phải mặc vest thì ông luôn ra đường mới biểu diễn thắt ca vát với cái nút rất đẹp. (Tôi học ông, nhưng mình thiếu chất bay bướm nên thắt không ra sao). Một buổi chiều, tôi với ông đứng trong sân trường cạnh đường Hai Bà Trưng nhìn theo cô gái áo dài tha thướt với chiếc áo len xanh lục, ông thốt lên: Đẹp mà quyến rũ như thế thì mình sống sao được!
Tôi cười nói: Đà Lạt nhiều giai nhân nhìn hoa là hoa rơi. Tôi sợ ông phải từ giã Thăng Long sớm.
Thứ nhì là hai ông thầy trẻ: Trần Ngọc Hoàn và Trần Công Ngà, cũng từ Sài Gòn lên. Cả hai đẹp trai, rất bay bướm và phá phách, vẫn còn nguyên chất thứ ba, sau quỉ và ma. Ngà thường hay lên nhà tôi. Có lần, tôi và Ngà đi chơi vào phía đồi núi phía sau nhà tôi ở cuối đường Huyền Trân. Trên đường về, đi qua một khu rẫy rộng, thấy một vạt, người ta mới trồng mấy chục cây chanh, Ngà vào nhổ một cây, nói: Nhiều quá, lấy bớt một cây, đem về trồng ở vạt đất phía dưới nhà ông. Một lần khác, Ngà đi vespa đem đến cho tôi một chậu hoàng lan, cười nói là hôm qua đi qua một biệt thự trên đường Lý Thái Tổ thấy họ có cả trăm chậu lan, nên đến đêm mượn chiếc xe này tới lấy bớt một chậu.
Thứ ba là chú tiểu Lê Mạnh Thát, tu ở chùa Linh Sơn, mới 20 tuổi đã thông làu Hán tự, Anh và Pháp ngữ. Chú đang học lớp sư phạm triết ở Đại học Đà Lạt và thầy Bích mời chú dạy Pháp văn cho mấy lớp đệ nhất cấp. Với chú Thát, tôi nhớ nhất là mỗi lần lên chùa chơi, chuyện trò qua giờ cơm là chú đứng dậy nói: Đi ăn cơm. Tôi theo chú xuống nhà ăn. Lần nào chú cũng lấy ra một liễn cơm, 2 bát canh, mỗi bát một trái su su nhỏ, lớn thì nửa trái, thỉnh thoảng có một đĩa nhỏ bắp cải xào hay một đĩa chao. Tôi đã ăn nhiều lần và bữa ăn nhà chùa chỉ có thế. Có lần tôi tới chú buổi chiều, chuyện trò tới khuya. Khi về chú đi với tôi ra sân, rồi đứng lại giữa sân chùa nói nữa trong khi sương đêm bao phủ mờ mịt. Trên đường về, đi trong sương dọc theo đường Yersin với rừng thông, tôi có cảm tưởng mình là hiệp khách mới từ giã một nhà sư cao thủ ở chùa Thiếu Lâm trên Thiếu Thất. Mười năm sau, khi du học ở Mỹ về, chú thành Đại Đức Trí Siêu Lê Mạnh Thát, không là cao thủ võ lâm nhưng là đại cao thủ văn lâm.
Cuối cùng là thầy Trần Huy Bích. Thầy Bích cho tôi một kỷ niệm nhớ đời là trong tháng đầu đi dạy, tôi chỉ mặc chiếc áo len dài tay, một buổi sáng tới trường, thầy Bích đã cởi chiếc áo vest dạ màu xám nhạt khoác vào người tôi. Từ đó, tôi có dáng dấp mới của người mặc áo vest. Chiếc áo ấy đã ở với tôi lâu dài. Sau này mỗi lần đi phép về Đà Lạt, tôi lại mặc áo vest dạ xám để đi phố hay vào cà phê Tùng. Có một điểm đặc biệt là trong thời gian cả niên khóa, tôi không thấy thầy Bích uống cà phê. Tôi đã vào cà phê Tùng với ông Hướng, với Trần Công Ngà, với Trần Ngọc Hoàn, nhưng chưa bao giờ tới cà phê Tùng với thầy Bích. Trong niên khóa, thỉnh thoảng có dịp đông đủ mấy người thân vào buổi tối, Thầy Bích thường mời mọi người đi ăn chè ở quán chè đầu đường Đoàn Thị Điểm và Duy Tân của cô con gái ông bà chủ nhà hàng Bắc Hương. Quán lúc nào cũng đông khách, vì có nhiều loại chè và cô chủ quán là một giai nhân của phố thị, một vưu vật của thế gian mà ông Nguyễn Ngọc Hướng rất sợ bị hóa kiếp. Tôi chỉ sống với trường Thăng Long niên khóa 64-65. Năm 1965, ông Hiệu Trưởng Trần Huy Bích và ông Giám Học Nguyễn Ngọc Hướng về Sài Gòn, trao trường cho giáo sư Đàm Quang Hưng xử lý thường vụ.
3. Du học Hoa Kỳ
Đầu năm 1986 tôi vượt biên, đến Mỹ năm 1987. Đầu năm 1989 từ Chicago, tôi qua nam California dự cuộc họp với một số văn nghệ sĩ để thành lập Hội Văn nghệ sĩ Việt Nam Tự Do. Tại đây, tôi gặp lại thầy Trần Huy Bích. Thầy chở tôi đi Bolsa ăn phở, để vào túi tôi mấy trăm và đưa cho tôi một bản tài liệu 6 trang ghi danh sách những lãnh tụ Cộng sản Trung Hoa từ trước cho tới 1989 và danh sách các tỉnh, khu tự trị và một số đô thị quan trọng, trong đó ông đã đối chiếu lối phiên âm Pinyin để chuyển sang âm Hán Việt. Thí dụ Dengxiaoping (âm pinyin) thành Đặng Tiểu Bình (âm Hán Việt). Thầy Bích cho biết là ông tới địa điểm họp không phải để dự họp mà mục đích là để phổ biến bản tài liệu. Từ đó, tôi với thầy Bích thường liên lạc với nhau bằng điện thoại rồi bằng email, và tôi biết, sau khi rời trường Thăng Long về Sài Gòn, năm 1967 ông động viên vào trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 25, rồi được chuyển lên dạy ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Năm 1969, ông được học bổng du học Hoa Kỳ trong chương trình đào tạo giảng viên có bằng Master của trường Võ Bị. Sau khi lấy Master, ông được học bổng để học tiếp và ông đã lấy bằng Tiến sĩ về Chính trị Đối chiếu tại University of Texas, Austin.
Trong thời gian dài, qua chuyện trò, tôi chỉ biết ông làm ở thư viện đại học Nam California. Bây giờ qua bài “Giáo sư Trần Huy Bích, người nặng tình với non sông và chữ nghĩa” của nhà văn Vương Trùng Dương, tôi mới biết rõ, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, ông Bích đã chuyên về giáo dục và thư viện với những chức vụ:
– Phó Giám Đốc, phụ trách chương trình hướng dẫn và huấn nghiệp dành cho sinh viên ngoại quốc tại Pasedena City College, Pasedena, California.
– Quản Thủ Thư Viện trong chương trình A.S.I.A của hệ thống thư viện công cộng, California.
– Phụ tá Quản Thủ Thư Viện, phụ trách các tài liệu về giáo dục và về Á Châu Học và Trung Hoa Học tại thư viện Đại Học UCLA (1989 – 2001) và Đại học USC từ 2002 cho đến khi về hưu năm 2007.
4. Hai sáng kiến
Trong thập niên 1990, tôi biết rõ hai việc của giáo sư Trần Huy Bích:
Thứ nhất, về tương giao cá nhân, ông đã có sáng kiến rất đẹp là cuối năm dịch thơ Đường, gửi chúc tết bạn bè. Mỗi năm tôi đều nhận được mấy bài, tập hợp thành một tập thơ Đường của Từ Mai Trần Huy Bích mà bây giờ tôi vẫn thường đọc lại. Cũng trong thời gian này ông lấy bút hiệu là Từ Mai. Khi tôi hỏi ý nghĩa, ông cho biết là bút hiệu Từ Mai đã được lấy từ mấy câu thơ trong bài Âm Vi Diệu của nhà thơ, nhà khoa học Vô Ngã Phạm Khắc Hàm:
Mười năm vách Bích Nham
Tham thiền trước sư tổ
Sư tùy duyên hóa độ
Truyền dạy: Quán vô tâm
Từ đấy ngàn năm vách lắng tai
Lời kinh vi diệu thấm linh đài
Tình thương từng giọt rơi trên đá
Thành đóa hoa Từ năm cánh Mai.
Trong số những bài thơ ông gửi, có hai bài ông ghi chú:
1. Bài Trừ Tịch của Đặng Đức Siêu với ghi chú: Thơ Đặng Đức Siêu (1750 – 1810) thất truyền hai câu 5-6. Đông Hồ đề nghị hai câu tạm thay. Trần Huy Bích chép lại tặng các thân hữu:
Tháng lụn, năm cùng, sự chẳng cùng
Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông
Chi lan tiệc cũ hương man mác
Đào lý vườn xưa tuyết lạnh lùng
Đất có bâng khuâng chờ hội ngộ
Trời như thao thức đợi tao phùng
Gà kêu, pháo nổ, năm canh trót
Mừng cội mai già gặp chúa đông.
2. Bài Tặc Bình Hậu, Tống Nhân Bắc Quy của Tư Không Thự, ông kèm thêm một bài thơ của Nguyễn Du với ghi chú: Nhân lúc năm Ngọ sắp chuyển sang năm Mùi, thành thật mong ước tất cả chúng ta cùng sớm được đọc lại câu của Nguyễn Du: Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long.
Tản Lĩnh, Lô Giang tuế tuế đồng
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung
(Lô Tản ngàn năm vẫn núi sông
Bạc đầu nay lại thấy Thăng Long
Nền xưa tan biến lề thông lộ
Thành mới chôn chìm dấu cựu cung)
Thứ nhì, về việc chung, giáo sư Trần Huy Bích và giáo sư Đỗ Quý Toàn ở Canada có sáng kiến khởi thảo Bản nhận định về tình hình đất nước của trí thức, chuyên viên và sinh viên hải ngoại. Sau khi tham khảo các vị trí thức trong nhiều ngành – nhà văn, giáo sư, nghiên cứu, chính trị và tầng lớp trẻ, Bản nhận định được đúc kết và gửi tới nhiều giới, nhiều người để vận động những vị đó ghi tên vào danh sách tán trợ bản văn.
Xin tóm tắt nội dung Bản nhận định.
Bản nhận định gồm 3 phần:
A. Số phận trí thức và vận mạng dân tộc
Nhận định rằng dưới chế độ chủ trương chính trị lãnh đạo và định tiêu chuẩn dùng người là Hồng hơn Chuyên, trí thức và chuyên viên không có điều kiện để đảm nhận vai trò trí thức đối với dân tộc. Từ đó, trí thức và chuyên viên có mấy lựa chọn:
– Một là bỏ nước ra đi, sang các nước tư bản.
– Hai là lên tiếng theo thiên chức của mình và bị đàn áp, bỏ tù.
– Ba là cúi mặt để sống theo chế độ, thành phần này là số đông, chấp nhận làm theo sự lãnh đạo của chính trị với những cán bộ ít học và độc đoán.
Kết quả là đất nước và trí thức chìm theo sự thất bại của nền chính trị độc tài.
B. Trách nhiệm của trí thức
Nhận định rằng để có thể đưa dân tộc ra khỏi số phận trên, tầng lớp trí thức và chuyên viên có nhiệm vụ cùng toàn dân thúc đẩy chuyển hóa chế độ: Từ thể chế độc tài sang chế độ dân chủ. Kêu gọi tầng lớp trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh tích cực đòi lại các quyền tự do dân chủ.
C. Tuyên dương những việc làm can đảm của những tổ chức và cá nhân trong nước:
– Hội Đồng Giám Mục Công Giáo cùng nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã đề nghị “Tránh đồng hóa tổ quốc với xã hội chủ nghĩa”.
– Hòa Thượng Huyền Quang, quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã yêu cầu nhà nước ngưng đàn áp tôn giáo và kêu gọi trả tự do cho các tu sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức bị giam giữ không lý do chính đáng.
– Nhiều trí thức thuộc các viện đại học và các cơ quan nghiên cứu đã từ bỏ đảng Cộng sản. Giáo sư Phan Đình Diệu và Nguyễn Mộng Giao đã yêu cầu đảng bỏ ý thức hệ Mac-xit cùng trả các quyền tự do căn bản cho dân chúng.
– Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và giáo sư Đoàn Viết Hoạt đã đề nghị những chương trình cụ thể để đảng chuyển hóa từ tình trạng độc tài sang thể chế dân chủ.
Bản nhận định về tình hình đất nước của trí thức, chuyên viên và sinh viên hải ngoại đã được giáo sư Toàn Phong gửi tới ba đài phát thanh BBC, VOA và Tiếng Nói Tự Do Từ Mạc Tư Khoa để yêu cầu 3 đài đọc về Việt Nam vào đầu năm Quý Dậu (1993).
5. Ông thầy văn chương
Từ ngày đến Mỹ, tôi thường viết bài cho một số tạp chí như Văn Nghệ Tiền Phong (Virginia), Lửa Việt (Canada), Thời Luận (California), Ngày Mới (Chicago)… Trong một số bài viết tôi cần đề cập đến một vấn đề trong văn chương Việt Nam hay Trung Hoa, nhưng tôi chỉ nhớ chút ít về vấn đề đó lại không có sách để tham khảo, tôi thường gọi hỏi thầy Trần Huy Bích và được ông giải đáp tường tận. Hỏi ông rất nhiều lần, nhưng ở đây tôi xin ghi lại hai trường hợp sau:
Thứ nhất, cuối thập niên 1990, trong một bài viết về sự giải phóng phụ nữ Việt Nam ở thập niên 1930, tôi cần dùng bài thơ: Chàng như mây mùa thu – Thiếp như khói trong lò.
Nhưng tôi chỉ nhớ hai câu trên, còn quên hai câu sau. Tôi cần biết tường tận bài thơ: Thơ Trung Hoa hay Việt. Thơ Việt thì ai là tác giả, còn thơ Tàu thì ai dịch. Tôi hỏi hai người bạn có bằng cử nhân Việt Hán, một ở Chicago, một ở Washington D.C.. Ông ở Chicago trả lời là thơ của Ngân Giang và hai câu sau là:
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tít mù.
Ông ở Washington quả quyết là thơ Đường do Đông Hồ dịch.
Tôi email hỏi thầy Bích, thầy trả lời: Bài thơ đó là của Quách Phác, một nhà thơ đời Tấn. Người dịch có thể là Đông Hồ hoặc Ngân Giang. Lời thơ dịch rất gọn và trang nhã, chứng tỏ người dịch là một nhà thơ có tài tầm cỡ Đông Hồ hoặc Ngân Giang. Hai câu sau của thầy Bích là:
Cao thấp tuy có khác
Một thả cũng tuyệt mù.
Thứ nhì, đầu năm 2020, sau khi nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam huy động 3000 Cảnh sát cơ động tới bao vây thôn Hoành và phanh thây cụ Lê Đình Kình, một đảng viên kỳ cựu, vì cụ đã lãnh đạo dân làng chống lại việc quân đội nhân dân cướp đất trồng trọt của làng, tôi viết bài Đòn thù của Đảng Cộng sản. Đoạn kết tôi dùng 4 câu thơ của Quang Dũng:
Chót vót cây cao hồ dễ im
Sông sâu hồ dễ đã im lìm
Cây cao chờ đợi giờ giông tố
Sông đợi mùa dâng sóng nước lên.
và ghi lại lời của Giang Đông nói với tôi trong nhà tù Suối Máu năm 1977 là 4 câu đó đã bật ra khi Quang Dũng ngồi sửa xe đạp bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Rồi tới năm 1982, tôi cũng nghe nhà văn Hoàng Quốc Hải nói gần như thế. Tôi gửi thầy Bích bài Đòn thù của đảng Cộng sản. Ngày hôm sau thầy Bích email cho biết là xuất xứ 4 câu thơ của Quang Dũng không phải như vậy. Đó là 4 câu cuối cùng của bài thơ có tên là Buồn êm ấm mà Quang Dũng đã làm năm 1947 ở vùng kháng chiến. Và ông ghi lại cho cả bài như sau:
Có những đêm trường buông gối chăn
Giận mình êm ấm chán tình nhân
Tủi hờn với cả lời săn sóc
Của những người lo tới phận mình
Vi vút nỗi mình ai thấu nhẽ
Chao ơi tri kỷ ở ngàn phương
Đêm đêm gió cuốn từng cơn nhớ
Từng trận sầu tư lướt thướt đường
Giọt giọt mưa rơi ngoài mái lạnh
Trong này hơi gối với hơi chăn
Sầu xưa muôn dặm buồn êm ấm
Nghe từng giọt nước thấu năm canh
Nhỏ bé chao ơi lời dịu ngọt
Lòng buồn nghi cả đến tình yêu
Từ độ sa vào hồ nước mắt
Cánh bằng muôn dặm cũng chìm theo
Không biết ngày mai trời có xanh
Đường xa xa nắng có mông mênh
Đêm đêm mơ thấy làm khăn gói
Để sớm mai rồi vẫn quẩn quanh
Chót vót cây cao hồ dễ im
Sông sâu hồ dễ đã im lìm
Cây cao chừng đợi giờ giông tố
Sông đợi mùa dâng sóng nước lên.
(1947)
Tôi cho ông biết tôi có tập thơ Quang Dũng do Hồng Lĩnh xuất bản ở California năm 1992, nhưng không có bài Buồn êm ấm, và đành chịu không sửa được, vì khi gửi bài cho ông tôi cũng đã gửi luôn cho mấy trang mạng.
Mới đây, nhân việc trả lời câu hỏi của tôi về bài thơ Mười Hai tháng Sáu của nhà thơ Vũ Hoàng Chương, thầy Bích gửi cho tôi email của một người bạn ở Canada hỏi thầy về 1 câu thơ và email của thầy trả lời ông bạn đó. Xin ghi lại đây như trường hợp thứ ba:
“Email của người bạn ở Canada: Tôi đang dịch một tài liệu sang tiếng Anh, gặp cái câu này “cầm bằng chẳng đậu những ngày còn xanh”, tôi thật không hiểu ý nghĩa và xuất xứ, xin nhờ anh chỉ giúp giùm.
Email trả lời của thầy Bích: Nhiều phần câu anh hỏi là một câu trong truyện Kiều. Chính xác hơn là câu số 680, ở đoạn Kiều trình bày với cha sau khi Vương ông đập đầu vào tường để tự tử vì quá đau xót. Nguyên văn câu ấy, theo tất cả các bản Kiều mà tôi có, như sau:
Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh
Trong tài liệu anh đưa ra, câu ấy được chép là:
Cầm bằng chẳng đậu những ngày còn xanh.
“Chẳng đậu” hay “chẳng đỗ” nghĩa cũng như nhau. “Cầm bằng” hay “cầm như” cũng thế. Nhưng trong một câu thơ 8 chữ có 2 chữ chép sai (1/4) nên đã khiến anh không nhận ra đó là một câu trong Truyện Kiều.
Từ chỗ bị giam được cho về một cách tạm thời, hay tin con gái phải bán mình, Vương ông vô cùng đau xót:
Thương tình con trẻ cha già
Nhìn nàng ông những máu sa ruột rầu
Nuôi con những ước về sau
Trao tơ phải lứa, gieo cầu đáng nơi.
Trời làm chi cực bấy trời!
Này ai vu thác cho người hợp tan.
Búa rìu bao quản thân tàn,
Nỡ đày đọa trẻ càng oan khốc già.
Một lần sau trước cũng là,
Thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau.
Theo lời như chảy dòng châu,
Liều mình ông đã gieo đầu tường vôi.
Sau khi cả nhà hoảng hồn coi giữ, không để ông đập đầu vào tường lần nữa, Kiều trình bày với cha, ý chính như sau:
Cỗi xuân tuổi hạc càng cao,
Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.
…………
Thà rằng liều một thân con,
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.
Phận sao đành vậy cũng vầy,
Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh.
(Cha đã cao tuổi nhưng vẫn là người gánh vác gia đình. Hy sinh một con, mất một bông hoa, nhưng cây vẫn còn xanh lá. Xin hãy coi con như bông hoa không “đỗ” [không đậu], bị thui chột ngay từ khi còn là mầm non).
Đó là câu nói vô cùng xót xa của người con gái hiếu thảo, hy sinh thân mình để cứu cả gia đình.
Hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim giảng như sau: Cũng ví như lúc còn thơ ấu không nuôi được.
Học giả HS Thông dịch sang tiếng Anh như sau: Think [of] me a blossom nipped when budding green.
Dịch giả Michael Counsell, từng sống ở Việt Nam trước 1975 và yêu văn học, văn chương Việt Nam, dịch là: Please think of me as though a child who died while I was small”
Đọc email này, tôi rất vui nghĩ đến ông bạn đồng môn ở xa, vì từ bao lâu nay, tôi nghĩ chỉ mình tôi là học trò xa của thầy Bích, không ngờ thầy có thêm một người nữa ở Canada.
6. Nhà văn hóa
Theo dõi mấy chục năm về những bài viết và những hoạt động của giáo sư Trần Huy Bích, chúng tôi có một nhận định giáo sư là một nhà văn hóa dân tộc tiêu biểu trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.
– Khi còn ở trong nước, năm 1983 hay 84, tôi đã nghe bài tường thuật buổi thuyết trình của giáo sư Bích về nhà thơ Vũ Hoàng Chương của đài VOA. Tôi rất vui khi nghe lại giọng nói của ông sau nhiều năm với những lời ca ngợi của bản tường thuật.
– Khi đến Mỹ năm 1987, qua những bài tường thuật của báo Người Việt và Thời Luận về những hoạt động của ông ở nam California, tôi biết ông cùng nhiều nhà giáo di tản qua Mỹ đã thành lập Hội Giáo Chức Nam California. Tôi không biết những chi tiết về chương trình hoạt động của Hội, nhưng hiểu là Hội Giáo Chức thì phải làm những việc về giáo dục và văn hóa trong cộng đồng.
– Cũng qua nhật báo Thời Luận của nhà văn Đỗ Tiến Đức, tôi biết giáo sư Bích đã là người giới thiệu nhiều tác phẩm mới trong những buổi ra mắt tác phẩm.
– Mới đây, qua bài “Giáo Sư Trần Huy Bích, người nặng tình với non sông và chữ nghĩa” của nhà văn Vương Trùng Dương, tôi mới biết rõ hơn về những tổ chức và những việc làm của ông. Xin phép ông Vương Trùng Dương được trích lại một số đoạn như sau:
“Viện Việt Học (Institute of Vietnamese Studies) thành lập năm 2000, Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, Viện Trưởng sáng lập, mời ông gia nhập Ban Giảng Huấn của Viện Việt Học và giữ nhiệm vụ Phụ Tá Viện Trưởng.
Sau khi giáo sư Nguyễn Đình Hòa tạ thế, Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch đổi nhiệm vụ ông thành Phó Viện Trưởng phụ trách học vụ trong các năm 2001 – 2002 và hai lần tổ chức lớp “Đại cương về Văn Học Việt Nam”. Giáo sư Đoàn Khoách phụ trách phần văn học chữ Hán, các giáo sư Nguyễn Sỹ Tế và Lưu Trung Khảo phụ trách văn chương quốc âm qua các thời, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phụ trách văn học và văn chương miền Nam, giáo sư Trần Lam Giang phụ trách phần văn chương cách mạng, Giáo sư Trần Huy Bích phụ trách văn chương bình dân (ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích) và sơ lược về văn học Việt Nam trong thời gian đất nước chia đôi.
Năm 2003, ông xin Giáo sư Trần Ngọc Ninh rút khỏi chức Phó Viện Trưởng. Giáo sư Ninh đồng ý, sau khi yêu cầu ông giới thiệu giáo sư Phạm Lệ Hương trông coi thư viện. Tuy từ chức Phó Viện Trưởng, ông vẫn giữ vai trò giảng viên của Viện Việt Học.
Ông tích cực hỗ trợ Ban đại diện các trung tâm Việt ngữ miền Nam California và Hội Giáo Chức Việt Nam California trong cương vị cố vấn. Mỗi tháng ông thường dành buổi chiều cuối tuần tiếp xúc những sinh viên trẻ với những câu hỏi về văn học, văn hóa Việt Nam. Ông là bậc thức giả, thông thạo nhiều ngoại ngữ nên hướng dẫn giúp cho giới trẻ Việt Nam lớn lên ở hải ngoại hiểu biết tường tận về văn học, văn hóa, lịch sử và nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 2016, ông thực hiện blogspot Trần Từ Mai (bút hiệu của ông), đến nay đã phổ biến hơn 120 bài viết của ông và bạn văn. Hơn thập niên qua, ông là diễn giả trong những lần ra mắt sách, rất tiếc những bài này không phổ biến trên blogspot của ông và trên internet.
Trong các khóa Huấn luyện và tu nghiệp Sư Phạm tổ chức vào dịp Hè thường niên của Ban đại diện các trung tâm Việt ngữ miền Nam California cho các thầy, cô dạy tiếng Việt ở các trường, trung tâm Việt ngữ, ông được mời thuyết trình những đề tài về văn hóa và bảo tồn tiếng Việt.
Từ Mai Trần Huy Bích là nhà giáo, nhà văn hóa qua nhiều thập kỷ, ông viết về các bậc tiền nhân văn hóa nước nhà, sưu tầm nhiều áng văn bất hủ, trong đó nhiều bài chữ Nho của các cụ Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Đức Siêu…, dịch ra quốc ngữ gọn và trong sáng để lưu lại hậu thế.”
Theo chúng tôi, giáo sư Trần Huy Bích còn thực hiện một việc có tiềm lực tác động vào văn hóa là góp ý, thúc đẩy những thân hữu đang viết sách. Xin ghi lại một số trường hợp như sau:
– Trường hợp gần nhất là đối với người viết. Mấy năm đầu thập niên 1990, tôi đọc và viết về 4 con rồng nhỏ Á châu là Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Sau khi xuất bản tập đầu “Cách mạng kinh tế Đại Hàn” thì đụng phải sự khủng hoảng tài chánh Đông Nam Á năm 1997, tôi phải dừng lại việc xuất bản tập thứ nhì “Cách mạng kinh tế Đài Loan”. Khi cuộc khủng hoảng tài chánh đi qua, tôi nhờ giáo sư Bích, lúc đó làm ở thư viện đại học nam California, tìm cho những bài viết của những kinh tế gia viết về phương cách Đài Loan đã thực hiện để giữ cho kinh tế Đài Loan được ổn định. Chỉ hơn một tuần, tôi nhận được một sấp bài ông copy từ những tạp chí kinh tế trong đó gồm những bài tôi ghi tên và những bài ông tìm thêm. Nhờ những bài ông gửi, tôi đã học được nhiều để viết thêm chương Đài Loan vượt thoát khủng hoảng tài chánh một cách đầy đủ và dễ dàng.
– Những trường hợp khác đã trải rộng tính chất tác động của giáo sư Bích mà tôi thấy là tôi có ba tập sách thì cả ba đều có tên ông:
– Cuốn Tuyển tập Hà Sĩ Phu do Tạp chí Thế Kỷ 21 và Phong trào Nhân quyền cho Việt Nam năm 2000, xuất bản năm 1996. Trong lời cảm tạ viết: Phong trào Nhân Quyền cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xin chân thành cảm tạ đài VNCR, giáo sư Trần Huy Bích, giáo sư Đỗ Quý Toàn và các anh Triết, Long, Thái cùng bằng hữu xa gần đã khích lệ và yểm trợ chúng tôi trong việc hoàn thành tác phẩm: Tuyển tập Hà Sĩ Phu.
– Cuốn Trí thức Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – Sự phân hóa – Đại Đế Quang Trung của ông Hồ Văn Quang, xuất bản năm 1998. Trong lời nói đầu đã viết: Tôi thành thật cảm ơn giáo sư Phạm Cao Dương, giáo sư Trần Huy Bích (đang giảng dạy môn sử tại Đại Học UCI) rà soát lại những gì tôi còn sai sót khi nhận xét về tầng lớp trí thức cuối thế kỷ 18.
– Tập truyện Ở cuối hai con đường của Phạm Tín An Ninh xuất bản năm 2008, giáo sư Trần Huy Bích đã viết lời giới thiệu.
Xin ghi thêm một trường hợp nữa nói lên sự nhiệt thành trợ giúp thân hữu về chuyện văn chương chữ nghĩa của giáo sư Trần Huy Bích. Tôi có người bạn là Chu Tấn, xuất bản tuyển tập Tấc lòng non nước năm 2018. Tập sách quá dày nên phải in thành hai tập. Tập I gồm những bài về văn hóa và tập II gồm những bài về chính trị. Khi ra mắt sách, Chu Tấn không nhờ được bạn văn nào giới thiệu tập I, vì nội dung viết về tư tưởng Đông Tây quá khó. Nghe Chu Tấn than thở, tôi email nhờ giáo sư Bích giúp Chu Tấn và được ông hoan hỷ nhận lời. Ông phải đọc tập sách dày gần 500 trang trong khi ngày ra mắt sách chỉ còn hai tuần, nhưng ông đã giúp hết lòng nên buổi ra mắt tác phẩm đã đạt kết quả tốt đẹp. Sau buổi ra mắt sách, Chu Tấn nói với tôi là giáo sư Bích đã giới thiệu Tấc lòng non nước như giáo sư giảng bài, ngôn ngữ tuôn chảy, trong sáng. Đúng là bậc thầy văn chương.
Trên đây là những trường hợp tôi biết, còn trong sự tương giao rộng lớn và với uy tín, tôi chắc giáo sư Bích còn yểm trợ và tác động đến nhiều người mà tôi không biết.
Kết
Từ những điều hiểu biết về những hoạt động văn hóa của giáo sư Trần Huy Bích ở California, chúng tôi có mấy suy nghĩ sau đây:
1. Sau 30 tháng 4 năm 1975, những người Việt thoát khỏi Việt Nam, đa số quy tụ ở California, trong đó có nhiều nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ … và những vị này đã sớm tạo dựng được một giòng văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt ở California. Giòng văn hóa này phát triển ngày càng phong phú theo sự ổn định đời sống của những người di tản. Thực cảnh này rất rõ, vì chúng tôi vượt biên đến Mỹ năm 1987 và đã sống qua nhiều thành phố lớn đông người Việt như Chicago (Illinois), Hardford (Connecticut), New Orleans (Louisiana) và Boston (Massachusetts), nhưng không đâu người Việt tạo dựng được những cơ sở giáo dục, văn hóa, báo chí như Nam Bắc California. Từ đó, California đã trở thành thủ đô văn hóa, chính trị, kinh tế của người Việt.
2. Những nhà văn hóa, giáo dục thuộc thế hệ thứ nhất đã ra đi gần hết. May thay, chúng ta còn những vị như giáo sư Trần Huy Bích, giáo sư Đỗ Quý Toàn.. , nhưng các vị cũng đã trên 80. Mới đây tôi hỏi giáo sư Bích là thế hệ thứ nhì, thứ ba có được người nào thông cả Việt Học lẫn Mỹ Học để nối tiếp các ông, giáo sư Bích trả lời là học giả Nguyễn Duy Chính. Chỉ có được một người. Điều đó là tất nhiên, vì Mỹ Học thì có nhiều tiến sĩ đủ các ngành, nhưng Việt Học mà đạt được mức uyên thâm, quảng bác như giáo sư Bích và giáo sư Toàn thì rất khó. Nhưng chúng ta có cái may là thế hệ thứ nhất đã tạo dựng được những cơ sở văn hóa, giáo dục để duy trì và phát huy giòng văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt ở California. Vì thế mới có chuyện những người trẻ ở thế hệ thứ ba như các cô giáo Phạm Từ Ái (dạy tiếng Việt tại trường De Mille và Warner Middle School) và cô Đặng Quỳnh Hương (dạy tiếng Việt ở trường De Mille) đã đến cầu giáo sư Trần Huy Bích giảng giải bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi cho các thầy cô dạy tiếng Việt để họ có thể giảng lại cho các em học sinh. (Buổi thuyết trình về Bình Ngô Đại Cáo tại Viện Việt Học ngày 16/12/2023 – trên mạng Nhân Văn Nghệ Thuật – Tiếng Thời Gian). Từ đó, chúng ta có thể hy vọng là những người trẻ như các cô Phạm Từ Ái và Đặng Quỳnh Hương sẽ tự đào luyện nâng cao trình độ Việt Học để trở thành những bậc thầy tinh thông văn hóa dân tộc.
3. Từ nhu cầu Việt Học trên đây, chúng tôi cầu mong giáo sư Trần Huy Bích, giáo sư Đỗ Quý Toàn thu thập những công trình viết của mình in thành những tuyển tập, mục đích gần là để giúp thế hệ trẻ hiểu được những vấn đề văn chương, văn hóa Việt, còn xa là để làm phong phú cho giòng văn hóa dân tộc của cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Khoảng mười lăm hay hai mươi năm nữa, các cô Từ Ái và Quỳnh Hương không thể tìm được giáo sư Bích và giáo sư Toàn để hỏi chuyện Việt Nam, nhưng các cô có thể hỏi trong sách của hai ông để lại.
Việt Dương