Hubert Testard
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Vietnam: une longue marche vers la prospérité”, Asialyst, 20.9.2024
30/9/2024
TP. Hồ Chí Minh năm 2019. (Nguồn: Wikimedia Commons)
Hà Nội đã đặt mục tiêu gia nhập câu lạc bộ các nước phát triển vào năm 2045. Một dự án đầy tham vọng và đầy cạm bẫy, bởi Việt Nam không phải là Trung Quốc. Việt Nam đang bắt đầu già đi, bối cảnh quốc tế ít thuận lợi hơn, sự tàn phá của biến đổi khí hậu và ô nhiễm đang đe dọa sự bền vững của tăng trưởng, và Đảng Cộng sản vẫn không thay đổi.
Bị tàn phá bởi bốn thập kỷ chiến tranh, năm 1989, Việt Nam là quốc gia nghèo nhất trong 6 nước ASEAN 6. Trong vòng 35 năm, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 10 lần (theo số liệu hiện tại) và Việt Nam hiện cùng với Philippines là một trong hai quốc gia năng động nhất ở Đông Nam Á. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam được hưởng lợi phần lớn từ chiến lược tái triển khai bên ngoài Trung Quốc của các công ty đa quốc gia lớn và chiếm
một vị trí đặc biệt trong việc tổ chức lại chuỗi giá trị ở Châu Á. Việc quản lý đại dịch của Việt Nam thực dụng hơn Bắc Kinh, đã cho phép nền kinh tế hồi sinh từ năm 2022 trong khi nền kinh tế Trung Quốc đã phải hứng chịu cú sốc thứ hai.
Tuy nhiên, triển vọng bắt kịp của nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn không chắc chắn và phức tạp. Có rất nhiều trở ngại phải vượt qua để đạt được sự thịnh vượng.
Một cục diện chính trị mới đáng lo ngại
Kể từ ngày 18/7, Đảng Cộng sản Việt Nam có một lãnh đạo mới: Tô Lâm, đồng thời giữ chức Chủ tịch Nước từ tháng 5/2024. Tô Lâm là người đã chịu trách nhiệm về an ninh, một chức vụ mấu chốt kiểm soát các lực lượng an ninh và mật vụ. Điều này cho phép ông đàn áp những người bất đồng chính kiến và lãnh đạo một “chiến dịch chống tham nhũng” rộng lớn dẫn đến việc loại một nửa số ủy viên trung ương Đảng và một phần ba số ủy viên Bộ Chính trị được bổ nhiệm trong Đại hội năm 2021. Hai vụ từ chức ngoạn mục minh họa quy mô của chiến dịch này: của nguyên Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng vào tháng 3 và của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 4. Sáu trong số mười sáu thành viên của Bộ Chính trị hiện tại thuộc giới Công An. Tô Lâm đã hứa sẽ tiếp tục “chiến dịch chống tham nhũng” và sẽ làm mọi cách để củng cố quyền lực cho đến Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026.
Nếu như sự kiêm nhiệm các chức vụ mà Tô Lâm hưởng lợi không hẳn là mới mẻ thì nó cũng không hề phổ biến. Trong lịch sử, Việt Nam được lãnh đạo bởi bộ tứ lãnh đạo Đảng Cộng sản gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Đảng và Thủ tướng Chính phủ. Một cơ chế quản lý mang tính tập thể giúp phân biệt đất nước với nước láng giềng Trung Quốc nơi Tập Cận Bình ngự trị toàn diện.
Tô Lâm không có kinh nghiệm trực tiếp về các vấn đề kinh tế và quốc tế, và khuynh hướng đặt nặng vấn đề an ninh của ông có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt hiện diện trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Sự tập trung quyền lực mà ông ta đang dàn dựng có thể gây ra những hệ quả đối với quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền thương mại thế giới và đối với tình hình nhân quyền vốn đã xuống cấp trầm trọng ở đất nước này.
Việt Nam không phải là Trung Quốc
Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu nghiêm trọng, sự năng động của Việt Nam càng lộ rõ và đất nước này xuất hiện như một “Trung Quốc thu nhỏ mới”. Hình thể hai nước có những điểm tương đồng rõ ràng: trước hết là về mặt chính trị, với sự chi phối của hai đảng cộng sản nắm vững quyền lực; kinh tế, với ưu tiên hàng đầu là phát triển công nghiệp và vai trò lắp ráp cuối cùng các sản phẩm xuất khẩu sang các nước Phương Tây. Nhưng sự khác biệt cũng rất quan trọng và đáng được nhắc lại.
Nguồn: Ngân hàng thế giới
Cú sốc đại dịch chắc chắn đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng đã đè nặng lên tăng trưởng của Trung Quốc. Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế bởi các nhân tố cơ bản: tỷ lệ đầu tư chắc chắn rất cao (33% GDP), nhưng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc trước đây (47% năm 2011); động lực tăng dân số đã chậm lại ngay từ năm 2013 ở Việt Nam trong khi lợi thế về mặt dân số được duy trì ở Trung Quốc cho đến năm 2010; tốc độ đô thị hóa chậm hơn cho đến năm 2011 trong khi tiến trình đô thị hóa là một trong những thành tố chính của sự tăng trưởng ở Châu Á.
Nguồn: Ngân hàng thế giới
Ngoài các nhân tố sản xuất – tư bản và lao động – các nhà kinh tế tính toán cái được gọi là “năng suất tổng hợp” (với thuật ngữ viết tắt TFP trong tiếng Anh) tương ứng với phần tăng trưởng không thể giải thích được bằng sự tích lũy nguồn vốn con người hoặc tài chính – ngoài sức lao động, đó là phần xuất phát từ sự cảm hứng trong sự phát triển. Tuy nhiên, về điểm này, Trung Quốc đã làm tốt hơn Việt Nam trong bốn thập kỷ, với đóng góp của TFP từ năm 1970 đến năm 2013, cao hơn GDP bình quân 3 điểm GDP mỗi năm, trong khi đóng góp của TFP của Việt Nam đạt đỉnh 1,8 điểm GDP mỗi năm. TFP của Trung Quốc hiện đang có dấu hiệu suy yếu nghiêm trọng và Việt Nam đang bắt đầu khởi sắc hơn.
Trên bình diện lịch sử, một trong những nhân tố chính của sự khác biệt về năng suất là sự đổi mới, với điểm nhấn là nỗ lực nghiên cứu và phát triển. Trong lĩnh vực này, chi tiêu của Việt Nam tiến triển muộn. Chúng hiện ở mức dưới 0,5% GDP một chút, mức mà Trung Quốc đã đạt được cách đây 30 năm. Số lượng nhà nghiên cứu trên một triệu dân hiện nay bằng con số mà Trung Quốc đã có hai mươi năm trước. Việt Nam đã bắt đầu bắt kịp về đổi mới sáng tạo và đang ở vị trí khá tốt trong Chỉ số đổi mới toàn cầu do WIPO phát triển, ở vị trí thứ 46, ngay sau Thái Lan. Nhưng vẫn còn một chặng đường dài để trở thành một “nền kinh tế tri thức”. Chỉ một ví dụ: trong bảng xếp hạng nghìn trường đại học hàng đầu thế giới của Thượng Hải không có trường đại học Việt Nam nào, và trong bảng xếp hạng của Times Higher Education chỉ có hai trường nằm dưới vị trí thứ 600.
Tiến trình già hóa của dân số Việt Nam đã bắt đầu
Dân số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khoảng 10 triệu người cho đến năm 2050, đạt 110 triệu người theo các nhà dân số học của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, khả năng mắn đẻ đã bắt đầu giảm từ nhiều thập kỷ rồi và tỷ suất sinh (số con trên một phụ nữ) đã giảm xuống dưới ngưỡng tái sản sinh vào đầu thế kỷ này. Hiện tại nó đang ở mức 1,9 (rất gần với mức của Pháp) và sẽ tiếp tục giảm dần.
Nguồn: World Population Prospects Ấn bản 2024
Đồng thời, kì vọng sống đã tăng lên 20 năm kể từ năm 1970 và hiện nay đạt mức 75 tuổi. Dự kiến nó sẽ tăng thêm bốn năm nữa vào năm 2050. Sự kết hợp giữa một kì vọng sống cao hơn và một mức sinh thấp hơn sẽ làm giảm số trẻ em dưới 15 tuổi (từ tỷ lệ là một phần tư dân số Việt Nam hiện nay xuống còn 18% vào năm 2050), và số lượng người cao tuổi tăng mạnh. Những người trên 64 tuổi sẽ tăng từ 9% dân số Việt Nam hiện nay lên 22% vào năm 2050. Số lượng này sẽ vượt quá số trẻ em trong vòng 20 năm tới.
Tuy không đạt tới quy mô của cú sốc về mặt dân số mà Trung Quốc hiện đang trải qua, tình trạng suy giảm dân số ở Việt Nam đang đặt ra những vấn đề ngày càng gia tăng, dù là về sự cân bằng của hệ thống y tế, quản lý lương hưu hay phân bổ tài sản giữa những người đang hoạt động và không hoạt động. “Lợi tức dân số”, tương ứng với thời kỳ mà tỷ lệ người không hoạt động (trẻ em và người già) trong tổng dân số giảm, đã kết thúc khoảng mười năm trước và đang được thay thế bằng “gánh nặng dân số” ngày càng tăng.
Việt Nam đi trước Trung Quốc trong quyết định lùi tuổi nghỉ hưu, tăng từ 60 tuổi vào năm 2020 lên 62 tuổi vào năm 2028 đối với nam và từ 55 tuổi vào năm 2020 lên 60 tuổi vào năm 2035 đối với nữ. Nhưng vấn đề chính của hệ thống lương hưu Việt Nam là nó chỉ mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người lao động vì 2/3 số việc làm là phi chính thức. Do đó, việc phổ cập việc làm chính thức là vấn đề trọng tâm nhằm mang lại thu nhập chấp nhận được cho dân số ngày càng già của đất nước.
Biến đổi khí hậu: một sự hạn chế ngày càng tăng đối với việc bắt kịp kinh tế
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam chia sẻ với Bangladesh vị trí quốc gia đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt do có bờ biển dài cũng như vị trí của đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 1/5 dân số Việt Nam và là nơi chiếm một phần đáng kể tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam – 50% sản lượng lúa gạo, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây, theo một nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Pháp. Việt Nam cũng phải hứng chịu nhiều cơn bão tàn phá vùng ven biển theo định kỳ.
Do đó, chính sách khí hậu của Việt Nam tập trung mạnh mẽ vào nỗ lực thích ứng nhằm giảm thiểu tác động của lũ lụt và của sự xâm nhập nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), ngân sách dành cho chính sách thích ứng, từ năm 2016 đến năm 2020, chiếm không dưới 70% chi tiêu khí hậu của chính phủ và 90% chương trình do các tỉnh hỗ trợ. Những khoản chi tiêu này chiếm chưa đến 1% GDP của đất nước và được UNDP coi là không đủ.
Việt Nam đã muộn màng bắt tay vào việc thực hiện chính sách kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính, vốn đã tăng 440% từ năm 1990 đến năm 2022, lên tới 490 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2022[*] – con số của Pháp là 430 triệu tấn. Lượng phát thải bình quân đầu người đã tăng từ 1,6 lên 4,9 tấn trong giai đoạn này và cường độ carbon trong GDP của Việt Nam vẫn cao nhất trong 6 nước ASEAN.
Theo tổ chức Theo dõi Hành động Khí hậu/Climate Action Tracker, các cam kết mà Việt Nam đưa ra trong khuôn khổ các công ước về khí hậu là những hứa hẹn tương đối về việc “giảm mức tăng có thể thấy trước”, điều này sẽ không ngăn cản được sự gia tăng hơn nữa lượng phát thải của Vệt Nam từ 30 đến 40% từ nay đến năm 2035. Nhưng chính phủ đã đưa ra các cam kết chính trị dài hạn duy ý chí hơn nhiều, hướng tới mục tiêu không phát thải vào năm 2050, trước Trung Quốc 10 năm.
Hơn nữa, quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước đang tăng tốc. Từ năm 2017, Việt Nam đã có nỗ lực rất đáng kể trong việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nhờ chính sách giá điện rất thuận lợi cho các nguồn năng lượng này. Năm 2023, quốc gia này có 13 Gigawatt công suất năng lượng mặt trời và 6,5 GW năng lượng gió được lắp đặt, tương đương 70% tổng công suất năng lượng mặt trời và gió được lắp đặt ở ASEAN. Tiềm năng phát triển của các nguồn năng lượng này còn rất lớn. Một báo cáo do Global Energy Monitor công bố vào năm 2022 cho thấy Việt Nam có công suất 86 GW, chủ yếu là năng lượng gió.
Tuy nhiên, sản xuất điện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào than, với công suất lắp đặt 27 GW, cung cấp 47% mức tiêu thụ năng lượng của cả nước. Dự kiến, việc tăng công suất lắp đặt này sẽ đạt 30 GW vào năm 2030. Sau đó, việc loại bỏ dần dần than sẽ diễn ra từ năm 2030 đến năm 2050. Thỏa thuận mà Việt Nam đã ký với G7 về kế hoạch “chuyển đổi năng lượng công bằng” dự kiến đỉnh điểm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ xảy ra sớm hơn năm 2030 thay vì năm 2035, điều có vẻ rất tham vọng.
Nhìn chung, tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch đáp ứng 23% nhu cầu năng lượng vào năm 2023, so với 18% ở Trung Quốc, 9% ở Indonesia hoặc 8% ở Thái Lan. Do đó, Việt Nam dường như là quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Châu Á. Nhưng con đường còn phải đi là rất dài và độ tin cậy vào việc đạt được mục tiêu không carbon vào năm 2050 vẫn rất thấp.
Nhà vô địch về chính sách quốc tế hóa
Một trong những khác biệt nổi bật nhất giữa Hà Nội và Bắc Kinh liên quan đến chính sách quốc tế hóa. Trong khi Trung Quốc tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới bằng chương trình “Made in China 2025”, Việt Nam đã không ngừng tăng cường giao dịch với nước ngoài, thông qua việc mở cửa cho đầu tư quốc tế và một chính sách rất tích cực để thiết lập các hiệp định tự do thương mại. Tính theo tỷ lệ trong GDP, Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều gấp 5 lần so với nước láng giềng Trung Quốc.
Nguồn: Ngân hàng thế giới
Thành công trong xuất khẩu của Việt Nam dựa trên các hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác lớn của đất nước: Hoa Kỳ, Liên Minh châu Âu, ASEAN, Châu Á thông qua hai hiệp định khu vực lớn là Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối Tác Xuyên Đại Tây Dương Toàn diện và Tiến bộ (viết tắt CPTPP trong tiếng Anh). Việt Nam cũng đã biết đưa ra một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho các công ty đa quốc gia của Phương Tây, Châu Á hoặc thậm chí cả Trung Quốc, những công ty đang tìm cách rời khỏi Trung Quốc từ nhiều năm nay để thoát khỏi các lệnh trừng phạt thương mại của Phương Tây đang đánh vào nền xuất khẩu của Trung Quốc.
Việt Nam đã trở thành nước chủ nhà thứ hai thu hút đầu tư nước ngoài vào 5 nước ASEAN , chỉ sau Indonesia, nhưng rõ ràng hơn trước Malaysia, Thái Lan và Philippines. Các công ty đa quốc gia chính có mặt tại Việt Nam – Samsung, Unilever, Nestlé, Microsoft, Honda hay Foxconn thông qua công ty con ở Singapore – thể hiện sự đa dạng trong các lĩnh vực và quốc gia xuất xứ của các đầu tư nước ngoài. Với tư cách là một quốc gia, Singapore đã trở thành nhà đầu tư hàng đầu với gần 20% vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ.
Quá trình quốc tế hóa nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam tiềm ẩn ba loại rủi ro. Nó khiến đất nước phụ thuộc vào sức khỏe tốt của nền kinh tế toàn cầu, vốn đang có dấu hiệu suy yếu kể từ những cú sốc liên tiếp của Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine. Tình hình này khiến Việt Nam có thể gặp phải những hạn chế thương mại do các nước Phương Tây áp đặt, một rủi ro đặc biệt đáng kể với Hoa Kỳ. Do Hà Nội nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm trung gian từ Châu Á – lục địa Châu Á chiếm 82% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam – để xuất khẩu thành phẩm sang các nước phát triển – Châu Á chỉ chiếm 47% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hoa Kỳ nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam nhiều gấp 8 lần so với xuất khẩu sang Việt Nam, với thâm hụt thương mại gần 100 tỷ USD đã tăng gấp bốn lần trong vòng 10 năm. Giao dịch xuất khẩu sang Việt Nam của Châu Âu chỉ ở mức 15%. Sự mất cân bằng như vậy không thể tiếp tục vô thời hạn và chính quyền tiếp theo của Mỹ có thể, dù là Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, sẽ thắt chặt chính sách thương mại với Việt Nam.
Rủi ro thứ ba liên quan đến sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nước cho đến nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Các sản phẩm của Trung Quốc đều rất cần thiết để cung cấp cho các dây chuyền lắp ráp của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu trong nước – ví dụ, chúng chiếm phần lớn các tấm pin mặt trời được Việt Nam nhập khẩu – và Trung Quốc chiếm 1/3 lượng nhập khẩu của Việt Nam. Sự phụ thuộc này hạn chế khả năng xoay xở địa chính trị của Hà Nội, cho dù nó liên quan đến tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông hay việc xích lại gần với Hoa Kỳ, được minh họa bằng thỏa thuận “đối tác chiến lược toàn diện” được ký vào tháng 9 năm 2023 trong chuyến thăm Hà Nội của Joe Biden.
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tô Lâm ngay sau khi được bổ nhiệm làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 8 vừa rồi. Ông đã nhận được sự chào đón mang tính nghi lễ đặc biệt và chiều kích ý thức hệ của quan hệ đối tác Trung-Việt đã được nhấn mạnh trong nhiều dịp khác nhau. Việt Nam cũng đang giữ gìn mối quan hệ với Moscow. Hà Nội đã cố gắng tránh khẳng định quan điểm trong cuộc chiến ở Ukraine và đang lợi dụng các biện pháp trừng phạt của Phương Tây để phát triển quan hệ thương mại với Nga trong khi vẫn duy trì quan hệ đối tác quân sự. “Ngoại giao cây tre” mà Việt Nam tự hào nhằm nhấn mạnh sự linh hoạt trong việc quản lý các quan hệ quốc tế hiện đang nghiêng về trục chống Phương Tây do Trung Quốc dẫn đầu, điều làm tăng nguy cơ căng thẳng với Hoa Kỳ, hoặc thậm chí với Liên Minh Châu Âu trong 2025.
Về tác giả
Hubert Testard
Hubert Testard là chuyên gia về các vấn đề kinh tế quốc tế và Châu Á. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm ở các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore về ASEAN. Ông cũng đã từng tham gia vào việc xây dựng các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, dù là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Ông đã giảng dạy từ tám năm nay tại khoa Quan hệ Quốc Tế của trường Sciences Po về phân tích triển vọng của Châu Á. Ông là tác giả của cuốn sách có tựa đề “Đại dịch, sự chuyển động của thế giới/Pandémie, le basculement du monde”, được xuất bản vào tháng 3 năm 2021 bởi Editions de l’Aube, và ông đã đóng góp cho
tạp chí “Tạp chí Kinh tế và Tài chính/Revue économique et financière” số ra tháng 12 năm 2022 dành cho những hệ quả kinh tế và các khía cạnh tài chính của cuộc chiến ở Ukraine.
Nguồn: “Vietnam: une longue marche vers la prospérité”, Asialyst, 20.9.2024
Chú thích:
[*] Những dữ liệu này được lấy từ Báo cáo “EDGAR” năm 2023 do Ủy ban Châu Âu về phát thải khí nhà kính toàn cầu công bố.
http://www.phantichkinhte123.com/2024/09/viet-nam-cuoc-truong-chinh-tien-toi-su.html#more