Vann Phan – 19/6/2023
Tình “đồng minh” Việt-Mỹ thời Ðệ Nhất Cộng Hòa.
Có thể nói rằng, so sánh với các quân đội khác trên toàn thế giới thời cận đại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong gần hết thời gian có cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), là lực lượng quân sự duy nhất mang trên vai hai trọng trách cùng một lúc: bảo vệ an ninh quốc gia và quản trị guồng máy hành chánh đất nước.
Việc thực hiện cùng một lúc hai nhiệm vụ nặng nề này, tức là việc các thành viên thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vừa đánh giặc vừa trị nước, có vẻ như đã đặt chế độ quân nhân (military regime) tại Miền Nam Việt Nam vào vị thế của những chế độ quân phiệt (militarism, militaristic regime) cùng thời hay sau này trên khắp thế giới, đặc biệt là tại những quốc gia kém mở mang ở Nam Mỹ (Argentina [Á Căn Ðình], Brazil [Ba Tây], Chile [Chí Lợi], El Salvadore, Haiti, Nicaragua, Panama, Peru…), Á Châu (Bangladesh [Ðông Hồi cũ], Indonesia [Nam Dương], Iraq, Myanmar [Miến Ðiện cũ], Nam Hàn, Pakistan [Hồi Quốc], Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…) hay Phi Châu (Algeria, Cộng Hòa Trung Phi, Congo-Brazaville và Congo-Kinshasa, Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Libya, Niger, Nigeria, Somalia, Sudan, Uganda…), và ngay cả tại những quốc gia không Cộng Sản và tân tiến ở Âu Châu như Hy Lạp (1967-1974), Bồ Ðào Nha (1926-1974) và Tây Ban Nha (1923-1975).
Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Dù Miền Nam Việt Nam luôn nằm trong tình trạng chiến tranh – đất nước đã được Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Nguyễn Ðình Thuần thời Ðệ Nhất Cộng Hòa tuyên bố nằm trong “tình trang lâm nguy” từ năm 1963 – chế độ quân nhân dưới quyền các sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đem lại nhiều tự do, dân chủ hơn cho người dân so với các quốc gia cùng thời nằm dưới các chế độ quân phiệt trên toàn thế giới và vẫn được đại đa số dân chúng kính trọng và thương yêu, đi đâu theo đó, từ trong nước ra tới hải ngoại. Còn nếu có một số thành phần dân chúng tại Việt Nam Cộng Hòa lên tiếng chỉ trích quân đội này trong nhiệm vụ vừa chiến đấu vừa cai trị đất nước thì đó cũng chỉ là chuyện bình thường trong một quốc gia thực sự có tự do, dân chủ.
Riêng trong hoàn cảnh đặc biệt của Miền Nam Việt Nam, những lời chỉ trích nào nhắm vào tập thể chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà không nằm trong các quyền tự do, dân chủ hiển nhiên kia của dân chúng thì đều phát xuất từ luận điệu tuyên truyền của phe Cộng Sản -mà vào lúc đó đang là kẻ thù nỗ lực thôn tính Miền Nam tự do – hay từ những lời chỉ trích đầy ác ý và mang tính đạo đức giả của phe tả trên toàn thế giới chỉ mong sao Cộng Sản sớm chiến thắng tại Việt Nam rồi hậu quả ra sao thì cũng mặc kệ, bởi vì chính dân chúng Miền Nam Việt Nam, chứ không phải họ, là kẻ phải hứng chịu tai họa – như thực tế đã chứng minh từ hơn ba thập niên qua – trong khi về phần họ thì bất quá chỉ việc chịu khó lên báo, lên đài đặng biểu tỏ lòng ăn, năn hối hận qua quýt cho việc làm xuẩn động của mình trước kia là xong (như Joan Baez – và cả Jane Fonda nữa – đã làm, chứ John F. Kerry thì chưa).
Bài viết sau đây có mục đích làm sáng tỏ chính nghĩa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong suốt giai đoạn lịch sử bi tráng vừa qua của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, khẳng định rằng chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa là nhu cầu tất yếu của lịch sử, là lẽ sống còn của một đất nước đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình và chỉ là một hiện tượng tạm thời chứ không mang tính lâu dài. Và dĩ nhiên là chế độ quân nhân lãnh đạo tại Miền Nam Việt Nam không hề là chế độ quân trị (military rule) hay chế độ quân phiệt (militarism).
Vai trò vừa quân sự vừa hành chánh của Quân Lực Việt Nam có tự bao giờ?
Những người Miền Nam Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại, trước và sau năm 1975, vẫn coi ngày 19 Tháng Sáu năm 1965, Ngày Quân Lực của Miền Nam Việt Nam, là ngày tập thể chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chính thức đảm nhiệm vai trò lịch sử điều khiển đất nước và chỉ huy nỗ lực chiến đấu tự vệ của Miền Nam tự do chống lại cuộc chiến tranh thôn tính của Cộng Sản Bắc Việt, có Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Miền Nam Việt Nam hỗ trợ. Sự thực thì thời điểm kể trên không phải là ngày quân đội bắt đầu đảm đương cùng một lúc cả nhiệm vụ quân sự lẫn vai trò hành chánh tại Miền Nam Việt Nam mà chỉ là ngày mà tập thể chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa chính thức lên nắm giữ vai trò đó qua buổi lễ ra mắt trước quốc dân và quốc tế Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ Tịch) và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (do Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ Tịch) tại thủ đô Sài Gòn. (Trước đó, vào ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát đã ra tuyên cáo “long trọng trao trả lại cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo quốc gia đã được Hội Ðồng Quân Lực ủy thác” cho chính quyền dân sự dưới quyền lãnh đạo của hai vị chiếu theo Quyết Ðịnh Số 4 ngày 16 Tháng Hai năm 1965, tức là cách đó ba tháng.)
Cái ngày mà giới quân nhân trong quân đội bắt đầu đảm đương cả nhiệm vụ quân sự lẫn vai trò hành chánh tại Miền Nam Việt Nam thật ra đã xảy ra từ sáu, bảy năm trước đó, dưới thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, sau khi Cộng Sản Bắc Việt chính thức cho ra đời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 20 Tháng Mười Hai năm 1960, đặng làm bình phong che đậy việc chính họ đưa quân vào đánh chiếm Miền Nam Việt Nam để đặt miền đất tự do này dưới quyền cai trị độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam. Trước tình hình các lực lượng Việt Cộng (Mặt Trận Giải Phóng) ngày càng gia tăng các vụ ám sát viên chức xã, ấp rồi đánh chiếm các làng mạc và cả các quận lỵ tại Miền Nam Việt Nam, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, trong vai trò Tổng Tư Lệnh Quân Ðội chiếu theo Hiến Pháp Ðệ Nhất Cộng Hòa, đã phải thay thế các chức vụ Quận Trưởng và Tỉnh Trưởng tại những vùng chiến sự đang sôi động do các viên chức dân sự (ngạch Phó Ðốc Sự Hành Chánh trở lên) đảm nhận sang cho các sĩ quan quân đội, với các sĩ quan cấp Ðại Úy đảm nhiệm chức vụ Quận Trưởng và sĩ quan cấp Tá làm Tỉnh Trưởng.
(Vị đại úy quận trưởng danh tiếng nhất thời đó là Ðại Úy Bùi Thụ, quận trưởng Quế Sơn tại Quảng Nam, đã tử trận sau khi ông tình nguyện ở lại tử thủ với vị đại úy quận trưởng kế nhiệm trong đêm Việt Cộng tấn công tràn ngập quận lỵ Quế Sơn vào đầu năm 1962, chỉ mấy tháng trước khi chính vị tổng tư lệnh quân đội bị quân đảo chánh hạ sát). Phải biết rằng Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu rất cảnh giác trong chuyện trao cho giới quân nhân quyền hành lớn trong một đất nước mà hai nhà lãnh đạo này đang muốn chuyển đổi từ một quốc gia bất an về chính trị sau năm 1954 để trở thành một nền dân chủ trẻ trung tại Ðông Nam Á. Nhưng chuyện chính quyền Ngô Ðình Diệm đã phải chấp nhận giao quyền hành chính và quân sự cho giới quân nhân cho thấy vai trò của quân đội từ những năm đầu thập niên 1960 đã trở nên vô cùng thiết yếu cho sự sống còn của Miền Nam tự do giữa lúc các lực lượng Cộng Sản từ Miền Bắc đang gia tăng nỗ lực thôn tính Miền Nam. (1)
Mới cách đó ít lâu thôi, vào năm 1955, chính Ðại Tá Dương Văn Minh, vị anh hùng Rừng Sát, đã là một đại biểu sáng chói của tập thể chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong vai trò bảo quốc an dân, đánh dẹp nội loạn để bảo vệ chính quyền tự do, dân chủ còn non trẻ của Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm qua cơn nội loạn trong buổi giao thời lúc chính quyền Miền Nam Việt Nam vừa mới được hình thành sau Hiệp Ðịnh Geneva năm 1954.
Cuộc đảo chánh chống chính quyền của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu vào ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963 do Trung Tướng Dương Văn (Big) Minh và các tướng lãnh trong Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng thực hiện – có sự yểm trợ của chính quyền Kennedy từ Hoa Kỳ thông qua Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam – và những năm tháng sau đó có thể được coi là thời điểm duy nhất mà Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã tóm thâu mọi quyền hành chánh và quân sự vào trong tay họ và đặt Miền Nam Việt Nam dưới một chế độ quân trị (milirary rule) mang tính cách quân phiệt (militarist) trong ý nghĩa đầy đủ nhất. Tình thế hỗn quân, hỗn quan lúc bấy giờ tại Miền Nam Việt Nam (đảo chánh và chỉnh lý liên tiếp ngay bên trong hàng ngũ các tướng lãnh đã lật đổ Tổng Thống Diệm, với quyền lãnh đạo phe quân nhân cầm quyền từ tay Trung Tướng Dương Văn Minh chuyển sang Trung Tướng Nguyễn Khánh rồi sau cùng là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu) cộng với các cuộc tấn công dồn dập về mặt chính trị (Cộng Sản xúi giục dân chúng biểu tình gây rối loạn trên đường phố, tại các học đường và trong các chùa chiền…) và quân sự (với những vụ ám sát các viên chức xã, ấp cùng những cuộc tấn công tràn ngập các tiền đồn hẻo lánh, xã ấp riêng rẽ và cả những quận lỵ và tỉnh lỵ phòng thủ yếu kém…) là động cơ chính yếu buộc Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa phải nắm quyền cả về mặt quân sự lẫn mặt hành chánh.
Tình “đồng minh” Việt-Mỹ thời Ðệ Nhị Cộng Hòa.
Nhưng sau thời gian xáo trộn và náo loạn ngoài ý muốn của tất cả các thành phần quân sự cũng như dân sự tại Miền Nam Việt Nam, Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, ít nhất cũng đã một lần, chứng tỏ thiện chí muốn trao trả quyền hành lại cho phe dân sự để dành thì giờ chiến đấu chống cuộc xâm chiếm Miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt từ Hà Nội (mà vào lúc đó đã trở thành công khai với việc Cộng Sản Bắc Việt thiết lập Ðường Mòn Hồ Chí Minh chạy dọc theo sườn phía Tây của dãy Trường Sơn đặng đưa người và vũ khí xâm nhập vào Nam, yểm trợ tối đa cho các lực lượng du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mở những cuộc tấn công quy mô vào các làng mạc và thành thị tại Miền Nam Việt Nam). Ðó là vào ngày 5 Tháng Năm năm 1965 khi Hội Ðồng Quân Lực (trước đó là Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng) dưới quyền các tướng lãnh trong Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã trao quyền cai trị đất nước về cho các chính trị gia thuộc phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam với một chính phủ dân sự dưới quyền Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát. Ðiều không may là phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, dù gồm nhiều chính trị gia nổi tiếng, nhiều chuyên gia lỗi lạc và nhiều nhà khoa bảng từ ngoại quốc trở về, đã không thể nào vừa điều hành đất nước một cách hữu hiệu vừa bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, bởi vì tình trạng “thù trong, giặc ngoài” chẳng những đã không giảm bớt mà ngày một gia tăng, với tình hình an ninh đất nước lúc đó được mô tả là hết sức nguy ngập khi cường độ tấn công, phá hoại của Cộng quân tại các địa phương đã gia tăng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền và các lực lượng quân sự tại chỗ. Việc gì phải đến, đã đến. Sau mới ba tháng đứng ra “lèo lái con thuyền quốc gia” mà không xong, vào ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, phe dân sự, dưới quyền của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát, đành phải ra tuyên cáo trao trả lại quyền cai trị đất nước cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. (2)
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong vai trò lãnh đạo đất nước chiến đấu chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược
Sau khi được trao quyền, vào ngày 12 Tháng Sáu năm 1963, trong một cuộc họp quy tụ tất cả những tướng lãnh đang nắm các trọng trách trong quân đội từ cấp tổng tham mưu trưởng, tư lệnh các Vùng Chiến Thuật cho đến các tư lệnh quân, binh chủng, Hội Ðồng Quân Lực đã đề cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (tương đương tổng thống), và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức vụ chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tương đương thủ tướng).
Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, trong vai trò mới được giao, đã tiến hành thiết lập thể chế và các cơ cấu quốc gia cùng lập nên một Nội Các Chiến Tranh để thực hiện việc tiếp tục cuộc chiến đấu chống Cộng Sản xâm lược và phát triển đất nước.
Ngày 19 Tháng Sáu năm 1965, trong một buổi lễ ra mắt được long trọng tổ chức tại thủ đô Sài Gòn, các thành phần trong Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, nhận trách nhiệm làm thành phần tiền phương của quân, dân Miền Nam Việt Nam trong vai trò chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ đất nước và điều khiển chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục để xây dựng Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường có thể sánh vai cùng các quốc gia khác trong cộng đồng thế giới.
Trong vai trò mới, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở hậu phương thì lo xây dựng nền độc lập, tự do và dân chủ, diệt trừ những mầm mống nằm vùng bạo loạn và phát triển kinh tế, ngoài tiền tuyến thì chỉ huy quân đội ngăn chống những đợt sóng xâm lăng của Cộng Sản ngày càng mãnh liệt từ Miền Bắc tràn vào. Như vậy, ngày 19 Tháng Sáu năm 1965 là ngày đánh dấu sự kiện Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đứng lên gánh vác trách nhiệm lớn là bảo vệ nền tự do và độc lập của Miền Nam Việt Nam đồng thời làm tiền đồn ngăn chặn làn sóng Cộng Sản tại Ðông Nam Á.
Nhưng giới lãnh đạo quân sự tại Miền Nam Việt Nam, tức Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì ý thức cao độ rằng cuộc chiến đấu tự vệ chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Cộng Sản từ ngoài Bắc vào không phải là một cuộc chiến đơn thuần về quân sự mà là một trận chiến phối hợp giữa các mặt trận quân sự và chính trị cũng như kinh tế, đồng thời còn cảnh giác cao độ về vai trò sinh tử của một chế độ tự do, dân chủ tại Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh một mất, một còn với phe Cộng Sản quốc tế, đã phải tìm cách chuyển đổi chế độ hội đồng quân nhân cầm quyền (military junta) hiện có sang một thể chế dân chủ hợp hiến và hợp pháp mới mong nâng cao uy tín của Việt Nam Cộng Hòa trên trường quốc tế.
Từ 1966 tới 1967, mặc dù chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra vô cùng ác liệt trên khắp các mặt trận tại Miền Nam Việt Nam – với sự can dự trực tiếp của quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng Ðồng Minh như Ðại Hàn, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan, và Thái Lan – chính quyền Miền Nam Việt Nam dưới quyền của các tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, với sự hỗ trợ của chính phủ, dân chúng và quân đội Ðồng Minh Hoa Kỳ, quyết tâm tổ chức các cuộc tuyển cử tự do để thành lập nền Ðệ Nhị Cộng Hòa thay thế cho nền Ðệ Nhất Cộng Hòa của cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã cáo chung sau cuộc đảo chánh đẫm máu năm 1963.
Với các chủ trương và đường lối đúng đắn đó, lần lượt các cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Hội và Hội Ðồng Tỉnh, Thành được mở trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa để bầu ra, trước hết, một Quốc Hội, rồi sau đó là một vị tổng thống dân cử đầu tiên của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa. Trong nền Ðệ Nhị Cộng Hòa của Miền Nam Việt Nam, mặc dù các chức vụ quan trọng như tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh cảnh sát, đại biểu chính phủ tại các vùng chiến thuật, tỉnh trưởng và quận trưởng,… đều do giới quân nhân nắm giữ, nhưng nhờ có bộ mặt dân sự hợp pháp và hợp hiến, nước Việt Nam Cộng Hòa mới thời hậu Tổng Thống Diệm đã lần lượt có được sự thừa nhận của nhiều quốc gia thân hữu trên trường quốc tế, trong đó phải kể tới một số nước Ả Rập mà tiêu biểu là Vương Quốc Ả Rập Saudi kiên quyết chống Cộng ở Trung Ðông.
Tháng Mười Một năm 1967, sau khi đắc cử vào chức vụ tổng thống đầu tiên của Ðệ Nhị Cộng Hòa, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, trong vai trò tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội, tiếp tục cho tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm hàng năm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu với những cuộc diễn binh của tất cả các đơn vị và quân, binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để biểu dương sức mạnh và ý chí quyết thắng của dân chúng Miền Nam Việt Nam chống lại cuộc xâm lược kéo dài của Cộng Sản Bắc Việt. Trong khi đó, tiến trình dân chủ hóa Miền Nam Việt Nam vẫn đều đặn diễn ra, với những cuộc bầu cử từ tổng thống cùng phó tổng thống và các đại biểu lưỡng viện Quốc Hội cho tới các nghị viên hội đồng thành phố và tỉnh trên toàn cõi Miền Nam Việt Nam. Cho dù Miền Nam Việt Nam vẫn đang đắm chìm trong khói lửa chiến chinh – với những trận chiến ác liệt như chiến dịch bắc phạt của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa (1966-1967), cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Cộng Sản (1968), cuộc hành quân đánh sang Căm Bốt của Quân Ðoàn 3 (1970), cuộc hành quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đánh sang Hạ Lào (1971), cuộc tổng tấn công của Cộng Sản vào Mùa Hè Ðỏ Lửa (1972), cuộc không tập và phong tỏa Bắc Việt của Hoa Kỳ vào Giáng Sinh 1972… và với những biến cố chính trị lớn lao như cuộc Hòa Ðàm Ba Lê (1968-1972), việc ký kết Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973, cuộc trao trả tù binh các bên lâm chiến (1973), những vụ Cộng Sản lấn đất, giành dân, vi phạm hiệp Ðịnh Ba Lê mà cao điểm là cuộc tấn công đánh chiếm Phước Long (1974)… tiến trình dân chủ hóa Miền Nam Việt Nam đã diễn ra khá tốt đẹp dưới quyền lãnh đạo của một chính quyền mà đa số các giới chức cao cấp đều là sĩ quan hiện dịch trong quân đội hoặc có gốc gác nhà binh. Mấy ai có thể tưởng nghĩ được rằng, vào năm tồn tại cuối cùng của mình là 1975, guồng máy chính quyền Miền Nam Việt Nam, tuy do các “chính trị gia” gốc quân nhân lãnh đạo, lại có thể bao gồm một quốc hội với sự hiện diện của không ít các nghị sĩ và dân biểu đối lập (như Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Ðôn, Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Nguyễn Hữu Chung, Lý Quý Chung, Kiều Mộng Thu,…) và vô số các đảng phái cũng như chính trị gia đối lập (cỡ Linh Mục Trần Hữu Thanh, LM Chân Tín, LM Nguyễn Ngọc Lan, và nhà báo Ngô Công Ðức,…) ngày đêm chỉ trích và “mắng mỏ” từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho tới Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và phụ tá an ninh tổng thống là Trung Tướng Ðặng Văn Quang?
Bước thăng trầm của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Ðến đây, thiết tưởng cũng nên nhắc lại đôi chút lịch sử của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày tập thể này được thành lập cho tới khi bị khai tử một cách tức tưởi vào Tháng Tư năm 1975, là lúc quân Cộng Sản Bắc Việt đạt chiến thắng sau cùng trong cuộc đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa từ Bến Hải tới Cà Mau, một mưu đồ dài hạn mà đảng Cộng Sản Việt Nam cùng phe Cộng Sản Quốc Tế đã hoạch định từ năm 1954. (3)
Vào ngày 8 Tháng Ba năm 1949, sau khi Thỏa Hiệp Élysée được ký kết giữa chính phủ Pháp và đại diện Quốc Gia Việt Nam, nước Việt Nam tự do trẻ trung dưới quyền lãnh đạo của Quốc Trưởng Bảo Ðại được Pháp công nhận là một quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp (Union Francaise), và một lực lượng quân đội chính phủ được thành lập sau đó để chiến đấu bên cạnh Quân Ðội Liên Hiệp Pháp chống lại các lực lượng Cộng Sản Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh và các đồng chí như Phạm Văn Ðồng và Võ Nguyên Giáp. Lực lượng mới được thành lập này mang danh xưng Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam và, vào giai đoạn đầu, được đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan Pháp cũng như Việt Nam có quốc tịch Pháp, nổi bật nhất là Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh.
Năm 1952, các lực lượng thuộc Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam gồm có tới 6 tiểu đoàn nhưng chưa hề đóng vai trò đáng kể nào trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và các lực lượng Việt Minh Cộng Sản. Người Pháp chỉ nhờ quân đội này làm lực lượng phòng thủ diện địa để cho quân đội Liên Hiệp Pháp rảnh tay mở các cuộc hành quân chống đánh Việt Minh. Cụ thể, lực lượng quân sự non trẻ này đã được dùng để bảo vệ “Chiến Tuyến De Lattre” ở Bắc Việt trong thời gian quân đội Pháp được tạm thời đưa sang tham gia cuộc Chiến Tranh Cao Ly (Hàn Quốc) dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc do nước đàn anh của Pháp là Mỹ cầm đầu trong những năm đầu thập niên 1950.
Ðến năm 1954, lần đầu tiên, lực lượng Nhảy Dù trong Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam đã tham gia cùng với quân đội Liên Hiệp Pháp trong nỗ lực bảo vệ chiến tuyến Ðiện Biên Phủ. Trung Úy Phạm Văn Phú là một trong các sĩ quan ưu tú của lực lượng Quân Ðội Quốc Gia tham dự các trận chiến vô cùng ác liệt tại đây, từng bị bắt làm tù binh rồi được trả về sau Hiệp Ðịnh Geneva 1954.
Vào ngày 26 Tháng Mười năm 1956, chính phủ Ngô Ðình Diệm khởi sự tái tổ chức các lực lượng thuộc Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam, và quân đội này mang danh xưng mới là Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Các lực lượng chiến đấu trên không và trên biển được gọi là Không Quân Việt Nam và Hải Quân Việt Nam. Trong những năm tháng đầu của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, đối tượng giao tranh của quân đội này là các lực lượng du kích thuộc Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, một tổ chức bung xung được Cộng Sản Bắc Việt dựng lên để làm công cụ tiến hành chiến tranh lật đổ chính quyền Ngô Ðình Diệm và đánh chiếm Miền Nam tự do bằng vũ lực cho ra cái điều là chính dân chúng tại Miền Nam Việt Nam đã tự mình nổi dậy chống lại chính phủ của Tổng Thống Diệm – mà Cộng Sản vẫn coi là bù nhìn của Mỹ – chứ không phải là do quân Cộng Sản từ ngoài Bắc tiến vào tấn công, vì làm như vậy là vi phạm nặng nề Hiệp Ðịnh Genève 1954 về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Ðông Dương” mà chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt) của ông Hồ chí Minh đã ký kết.
Dưới thời Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy, nhiều cố vấn quân sự và một số đáng kể kinh viện và quân viện của Hoa Kỳ đã được đổ vào Miền Nam Việt Nam để yểm trợ cho chính phủ và Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực tiểu trừ du kích quân Cộng Sản. Vào mùa Hè năm 1963, trong thời gian có cuộc khủng hoảng Phật Giáo (gây ra do chính quyền địa phương tại Miền Trung cấm Phật tử treo cờ nhân Ngày Phật Ðản), chính phủ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa đã bị báo chí quốc tế chỉ trích là đã dùng quân đội để tăng cường cho các lực lượng cảnh sát dẹp bỏ các cuộc biểu tình và tấn công vào các chùa chiền Phật Giáo tại Miền Nam Việt Nam mà chính quyền cho là nơi dung chứa các cán bộ Cộng Sản nằm vùng.
Ngày 1 Tháng Mười Một năm 1963, Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền lãnh đạo của Trung Tướng Dương Văn (Big) Minh và các tướng lãnh thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, được sự hỗ trợ của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã mở cuộc đảo chánh quân sự để lật đổ và và sát hại Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cùng bào đệ là Cố Vấn Ngô Ðình Nhu. Sau cuộc đảo chánh, Tướng Minh và Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam Cộng Hòa, nắm quyền chỉ huy cả hành chánh lẫn quân sự tại Miền Nam Việt Nam.
Những xáo trộn chính trị xảy ra tại Miền Nam Việt Nam sau cuộc đảo chánh và lật đổ Tổng Thống Diệm đã làm lung lay gần như tận gốc rễ cấu trúc xã hội tại Miền Nam Việt Nam sau chín năm dài miền đất này được sống trong ổn định về kinh tế và tương đối an ninh vì chính quyền cũng như quân đội còn đang kiểm soát được đất nước. Giờ đây, nương vào những xáo trộn này, Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam liền gia tăng các cuộc tấn công, phá hoại tại Miền Nam Việt Nam, khởi đầu là những vụ tấn công vào các đồn bót và tiền đồn hẻo lánh tại các vùng quê, kèm theo là những vụ ám sát các viên chức xã, ấp, sau lan dần tới việc Cộng quân dùng những đơn vị lớn đánh úp hoặc chiếm đóng các quận lỵ (Chi Khu) và tỉnh lỵ (Tiểu khu) trên bốn vùng chiến thuật của Miền Nam Việt Nam. Các cuộc đảo chánh và phản đảo chánh – mà Tướng Nguyễn Khánh gọi là “chỉnh lý” – cùng những cuộc biểu tình “hoan hô, đả đảo” do các giáo phái và các phe nhóm chính trị khác nhau – hầu hết đều có sự giật dây của Cộng Sản để thủ lợi – liên tục xảy ra khiến tình hình quân sự tại Miền Nam Việt Nam ngày càng suy đồi, kéo theo nạn kinh tế khủng hoảng, vật giá gia tăng không kềm chế nổi, giáo dục học đường chểnh mảng, thế đạo ngã nghiêng, nhân tâm ly tán… Vào cuối năm 1964, tức là chỉ một năm sau cuộc đảo chánh, Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa, đang nắm quyền điều khiển guồng máy hành chánh và quân sự trong nước, cũng đã thật sự phải đối diện với nguy cơ sụp đổ trước các cuộc tấn công gia tăng ác liệt của Cộng quân. Các bản tin chiến sự cho hay Cộng quân, lợi dụng tình trạng hỗn quan, hỗn quân tại Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, đã gia tăng các cuộc tấn công lấn chiếm trên toàn quốc, khiến cho lãnh thổ quốc gia tại Miền Nam Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, với nhịp độ thất thủ có lúc lên đến chóng mặt là mỗi tuần mất đi một quận lỵ và mỗi tháng mất đi một tỉnh lỵ.
Tháng Ba năm 1965, trước nguy cơ chẳng sớm thì muộn Miền Nam Việt Nam có thể mất vào tay Cộng Sản, chính quyền của Tổng Thống Lyndon Johnson, nhân vật kế nhiệm Tổng Thống Kennedy bị ám sát hồi Tháng Mười Một năm 1963, đã phải quyết định “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh tại Việt Nam bằng cách đổ hằng trăm nghìn quân Mỹ vào Miền Nam Việt Nam, thiết lập các căn cứ quân sự, đồn bót, phi trường và hải cảng trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa và mở những cuộc hành quân lớn “lùng và diệt” các lực lượng du kích địa phương và chính quy xâm nhập từ Miền Bắc vào Miền Nam. Các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, Không Vận, Bộ Binh, Không Quân và Hải Quân Mỹ cùng quân đội các nước đồng minh khác như Ðại Hàn Dân Quốc, Úc Ðại Lợi, Tân Tây Lan… tham gia chiến đấu chống lại Cộng quân. Vào lúc cao điểm của cuộc chiến, tổng số quân nhân Mỹ phục vụ trên các chiến trường tại Việt Nam lên tới 500,000 người. Với hằng trăm cuộc hành quân tiễu trừ Cộng sản lớn, nhỏ từ cao nguyên xuống đồng bằng và từ Khu Phi Quân Sự (DMZ) giáp Sông Bến Hải ở phía Bắc cho đến vùng kênh rạch ở Cà Mau, Bộ Tư Lệnh Quân Ðội Hoa Kỳ tại Việt Nam, trên thực tế, hoàn toàn nắm quyền kiểm soát cuộc chiến tranh chống Cộng, và vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trở nên thứ yếu.
Kể từ cuối năm 1965 trở đi, nhờ sự kiện Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có được chính danh sau khi được chính phủ dân sự của Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát chính thức trao quyền cai trị đất nước và điều khiển quân đội (ngay trước Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu), mọi xáo trộn chính trị trong nước lần lượt qua đi và quân đội Miền Nam Việt Nam khởi sự phục hồi lại phần lớn năng lực đã mất để có thể nới rộng vai trò chống du kích sang vai trò căn bản là bảo vệ lãnh thổ trước các cuộc tấn công quấy rối và lấn đất, giành dân của Cộng quân. Dần dà, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã có đủ khả năng mở các cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng trên bốn vùng chiến thuật song song với các lực lượng Hoa Kỳ và Ðồng Minh đang có mặt trên khắp các chiến trường.
Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, chủ tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia.
Nhưng vai trò của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ nổi bật trở lại sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 khi hàng chục sư đoàn Cộng quân gồm bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt và quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đồng loạt mở cuộc “tổng tấn công, tổng nổi dậy” bất ngờ trong thời gian hưu chiến nhân dịp Tết, đánh vào nhiều tỉnh lỵ và thành phố tại Miền Nam Việt Nam, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế. Nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đứng vững và lần lượt tái chiếm hết những phần đất bị Cộng quân tạm chiếm, kể cả cố đô Huế, và xóa tên nhiều đại đơn vị của Cộng quân. Cũng kể từ năm 1968, Miền Nam Việt Nam khởi sư tổng động viên nhân lực tham gia quân đội, khiến cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đạt tới mức có sẵn 1 triệu binh sĩ chiến đấu dưới cờ vào năm 1972.
Quân đội này lại còn hùng mạnh hơn lên khi đồng minh Hoa Kỳ quyết định tăng cường võ trang các chiến cụ tối tân cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để họ có thể tự mình chiến đấu bảo vệ Miền Nam Việt Nam đặng quân Mỹ có thể yên lòng và có thêm chính danh mà rút về nước trong một chiến lược mới được gọi là kế hoạch “Việt Nam Hóa” chiến tranh (Vietnamization of the war) do Tổng Thống Richard Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia lúc bấy giờ là Tiến Sĩ Henry Kissinger đề xướng. (4) Chính nhờ công cuộc “Việt Nam Hóa” chiến tranh này mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày càng có đủ khả năng chiến đấu hữu hiệu chống các lực lượng thuộc Quân Ðội Nhân Dân của Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập vào Miền Nam cũng như các lực lượng địa phương của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Trên thực tế, vào thời điểm này, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã thực hiện nhiều gấp ba lần các cuộc hành quân so với thời gian quân đội Hoa Kỳ và Ðồng Minh đảm nhiệm vai trò chính trong các chiến dịch tấn công Cộng quân trước đây, mặc dù các cuộc hành quân do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải trông cậy nhiều vào hỏa lực yểm trợ của phi pháo từ các phản lực chiến đấu cơ và từ những trực thăng võ trang Hoa Kỳ.
Tháng Năm năm 1970, các lực lượng thuộc Quân Ðoàn 3 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiến thắng lớn trong cuộc hành quân “Toàn Thắng 43,” vượt biên tấn công vào Căm Bốt, phá hủy nhiều kho vũ khí, đạn dược và lương thực cùng thuốc men của các lực lượng Cộng Sản từ Miền Bắc đưa vào cất giấu tại vùng biên giới Việt-Miên nhằm tiếp trợ cho nỗ lực chiến tranh đánh chiếm Miền Nam Việt Nam của họ. Một cuộc hành quân quy mô khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào Tháng Giêng năm 1971, mệnh danh Lam Sơn 719, tấn công thẳng vào hệ thống Ðường Mòn Hồ Chí Minh ngay dưới Khu Phi Quân Sự và trên Ðường Số 9 tại Nam Lào, tuy phải chịu nhiều tổn thất nhân mạng do gặp địch kháng cự mạnh, vẫn hoàn thành mục tiêu phá vỡ hệ thống hậu cần tiếp tế cho các lực lượng Cộng Sản đang mở các cuộc tấn công phá hoại tại Miền Nam Việt Nam. Ðiều hiển nhiên là các thành tựu này của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã khiến cho các lực lượng Cộng quân đang tham chiến bắt đầu nao núng, và họ thấy cần phải có thêm thời gian để tái bổ sung quân số cũng như tiếp liệu cho các lực lượng đang dần dần bị kiệt quệ của họ. Hệ quả chính trị trông thấy của các chiến thắng quân sự mới do Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tạo nên là giới lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội đã phải khởi sự đàm phán nghiêm chỉnh hơn trong cuộc Hòa Ðàm Ba Lê lúc đó đang diễn tiến tại thủ đô của Pháp nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Năm 1972, Tướng Võ nguyên Giáp của Cộng Sản Bắc Việt mở cuộc tấn công lớn trong “Mùa Hè Ðỏ Lửa” – mà người Mỹ gọi là “Cuộc Tấn Công Mùa Lễ Phục Sinh” (Easter Offensive)- cuộc tấn công toàn diện đầu tiên do tất cả các đại đơn vị thiện chiến của Cộng Sản Bắc Việt và các lực lượng du kích địa phương phối hợp thực hiện đánh vào các quận lỵ và tỉnh lỵ có tầm vóc quan trọng về mặt chiến lược tại Miền Nam Việt Nam. Cuộc tổng tấn công này phối hợp các đợt xung kích của bộ binh, pháo binh và, lần đầu tiên, dùng tới chiến xa tiến công ào ạt vào các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên khắp bốn Quân Khu. Trong giai đoạn đầu, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì yếu tố bất ngờ, đã phải chịu tổn thất khá nặng nề, nhưng vẫn giữ vững được hầu hết các phòng tuyến trên toàn lãnh thổ. Cộng quân chiếm được phần lớn tỉnh địa đầu giới tuyến Quảng Trị và một số khu vực dọc theo vùng biên giới với Lào và Căm Bốt.
Sau cùng, nhờ sự yểm trợ bằng phi pháo và hải pháo hùng hậu của Hoa Kỳ cũng như nhờ sức chiến đấu kiên cường và anh dũng của các đơn vị tinh nhuệ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại các mặt trận từ An Lộc (ở Vùng 3 Chiến Thuật) cho tới Quảng Trị (thuộc Vùng 1 Chiến Thuật) và Kon Tum (tại Vùng 2 Chiến Thuật), cuộc tổng công kích mùa Hè 1972 của Cộng quân đã bị bẻ gãy. Các cuộc phản công của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là tại các mặt trận An Lộc ở phía Tây Bắc thủ đô Sài Gòn và tại Cổ Thành Quảng Trị ở phía Nam Khu Phi Quân Sự – với việc Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa dựng ngọn cờ vàng ba sọc đỏ chiến thắng nơi đây cũng ngoạn mục và hùng tráng không kém gì cảnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ dựng lá cờ sao và sọc trên đảo Iwo Jima của Nhật hồi Thế Chiến 2- đã đánh bật được các lực lượng Cộng Sản ra khỏi những vị trí mà họ đã vây hãm hoặc cố thủ.
Cho tới đầu năm 1974, Hoa Kỳ hầu như đã rút hết các lực lượng chiến đấu của họ ra khỏi Miền Nam Việt Nam, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ nay đã phải đơn độc chiến đấu cho sự sống còn của Miền Nam Việt Nam trong khi các lực lượng Cộng Sản vẫn tiếp tục nhận được những khoản viện trợ dồi dào về vũ khí, đạn dược và tiếp liệu từ các nước đàn anh Trung Quốc và Liên Xô để kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng Hòa mặc dù họ đã hạ bút ký tên vào bản Hiệp Ðịnh Ba Lê, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Miền Nam Việt Nam.
Mùa Thu năm 1974, Tổng Thống Richard Nixon đã phải từ chức vì vụ tai tiếng chính trị Watergate, và Tổng Thống Gerald Ford lên thay. Nóng lòng muốn rút chân ra khỏi Việt Nam, Quốc Hội Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát khởi sự cắt bớt các khoản viện trợ quân sự và kinh tế dành cho Việt Nam Cộng Hòa, từ 1 tỷ đô-la mỗi năm xuống còn 700 triệu đô-la. Lịch sử coi sự sup đổ của Sài Gòn vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975 là hậu quả của việc Hoa Kỳ giảm thiểu rồi cắt đứt quân viện và kinh viện cho Việt Nam Cộng Hòa. Không có viện trợ của Hoa Kỳ, Miền Nam Việt Nam cảm thấy, về mặt tiếp vận và tài chánh, không thể nào tiếp tục cuộc chiến tranh để đánh bại quân Cộng Sản xâm lược được. Hơn nữa, chính phủ mới của Tổng Thống Ford đã không giữ vững lời cam kết do Tổng Thống Nixon đưa ra hồi còn tại vị là Hoa Kỳ sẽ “trả đũa mạnh mẽ” nếu Cộng quân vi phạm Hiệp Ðịnh Ba Lê mà tái tục cuộc tấn công vào Việt Nam Cộng Hòa. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc cắt giảm rồi chấn dứt viện trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam Cộng Hòa, chính yếu là vũ khí và đạn dược cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục chiến đấu, đã khuyến khích các nhà lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội tiến hành cuộc tổng tấn công sau cùng để đánh chiếm toàn bộ Miền Nam Việt Nam. (5)
Ðầu năm 1975, sau khi Hoa Kỳ đã hầu như hoàn toàn kết thúc việc can thiệp vào và giúp đỡ cho chính phủ và các lực lượng quân sự Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản Bắc Việt đã quyết định mở cuộc tổng tấn công sau cùng để thanh toán một mục tiêu mà họ đã tiên liệu là thế nào cũng rơi vào tay họ trước tình trạng nước đồng minh chính yếu của Miền Nam Việt Nam, sau hơn một thập niên can dự vào cuộc Chiến Tranh Việt Nam (mất đi 58,000 chiến binh và hao tổn đến hằng trăm tỷ Mỹ kim), đã tiêu tan hết mọi ý chí chiến đấu để chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Trước đó, vào Tháng Tư năm 1974, để dò phản ứng của Hoa Kỳ sau khi Hiệp Ðịnh Ba Lê 1973 được ký kết, Cộng quân đã mở cuộc vây hãm và tràn ngập căn cứ Tống Lê Chân nằm gần biên giới Căm Bốt do lực lượng Biệt Ðộng Quân của Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ, và quả nhiên, không thấy chính phủ Ford tại Washington phản ứng gì ngoài những lời phản đối chiếu lệ. Trong bước kế tới, vào Tháng Chạp năm 1974, các lực lượng Cộng Sản đã tập trung bao vây và tràn ngập tỉnh Phước Long tại Quân Khu 3. Sau khi Phước Long bị đánh chiếm mà vẫn không thấy phản ứng trả đũa nào của Hoa Kỳ, vào Tháng Giêng năm 1975, các nhà lãnh đạo Cộng Sản tại Hà Nội liền mạnh dạn tung ra chiến dịch tổng tấn công sau cùng vào Miền Nam Việt Nam – mà họ gọi là “Chiến Dịch Hồ Chí Minh” – để kết thúc cuộc chiến, giành phần thắng lợi về phía họ.
Các lực lượng Cộng Sản đã lần lượt đánh chiếm Ban Mê Thuột ở Vùng 2 Chiến Thuật, tràn xuống Khánh Hòa-Nha Trang ở vùng duyên hải, rồi ngược lên phía Bắc đánh chiếm Huế và Ðà Nẵng tại Vùng 1 Chiến Thuật. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mất tinh thần vì rõ ràng là đã bị Ðồng Minh bỏ rơi nửa chừng, cứ tiếp tục lui binh mãi về hướng thủ đô Sài Gòn ở phía Nam, thuộc Vùng 3 Chiến Thuật, và chỉ kháng cự bằng một trận đánh quan trọng tại Xuân Lộc, nơi đây Sư Ðoàn 18 Bộ Binh dưới quyền Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, cùng với các lực lượng Nhảy Dù và Biệt Ðộng Quân, đã bẻ gãy tất cả các mũi dùi tấn công của Cộng quân và gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng cho quân tấn công. Các cấp chỉ huy quân sự Cộng Sản đành phải lặng lẽ rời bỏ mặt trận này, đi vòng về phía Tây qua vùng giáp ranh giữa Quân Khu 2 và Quân Khu 3 mà tiến xuống phía Nam đặng thực hiện kế hoạch bao vây thủ đô Sài Gòn.
Trận chiến dứt điểm thủ đô của Miền Nam tự do không kéo dài như các quan sát viên quân sự từng dự đoán, bởi vì các nhà lãnh đạo Cộng Sản từ Hà Nội kéo vào đã khéo léo phối hợp các nỗ lực quân sự với những đòn chính trị có tính cách vừa dụ dỗ những thành phần nhẹ dạ và thân Cộng vừa ly gián các lực lượng của người Quốc Gia chân chính vẫn muốn chiến đấu tới cùng trong một trận sống mái với Cộng Sản rồi ra sao thì ra, trong đó phải kể tới những đơn vị lớn thuộc các quân, binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là Sư Ðoàn Nhảy Dù tinh nhuệ và bách chiến, bách thắng của Miền Nam Việt Nam. Trận đánh đáng kể nhất chỉ là một cuộc pháo kích bằng hỏa tiễn 122 ly và đại pháo của Cộng quân vào Căn Cứ Không Quân Tân Sơn Nhứt và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào sáng ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Buổi trưa cùng ngày, sau khi Tổng Thống Dương Văn Minh – lên kế nhiệm Tổng Thống Trần Văn Hương, nhà lãnh đạo luống tuổi từng thay thế Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và bỏ nước đi lưu vong vào chiều ngày 21 Tháng Tư, 1975 – công bố lệnh đầu hàng không điều kiện trước các lực lượng Cộng Sản và Sài Gòn chính thức rơi vào tay Cộng quân, hầu như toàn thể Vùng 4 Chiến Thuật dưới quyền của vị tư lệnh Quân Khu 4, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, vẫn còn nguyên vẹn, vì Cộng quân không có đủ lực lượng để tiến vào nơi đây. Các danh tướng và cấp chỉ huy ưu tú của Quân Lực Việt Nam Việt Nam Cộng Hòa như Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, và Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn,… đều tự vẫn hoặc vẫn chiến đấu cho tới lúc bị địch bắt và xử tử để chứng tỏ khí phách anh hùng của hàng ngũ sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chủ trương “thành mất thì chết theo thành,” một truyền thống mà trong lịch sử cận đại của Việt Nam, Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản và Tổng Ðốc Hoàng Diệu đã nêu gương sáng sau khi sáu tỉnh Nam Kỳ và Thành Hà Nội rơi vào tay quân xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ 19. (6)
Sau hơn hai thập niên chiến đấu kiên cường, Việt Nam Cộng Hòa và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì bị Hoa Kỳ bỏ rơi nửa chừng, đành phải bại trận một cách tức tưởi vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975 trước những nhà chinh phục Cộng Sản từ Miền Bắc tiến vào. Cái chết của Miền Nam Việt Nam và cái chết của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là hậu quả tất yếu của một cuộc chiến tranh trong đó cả hai bên lâm chiến đều không ai có đủ điều kiện – quân sự, kinh tế và chính trị – một mình đứng ra đảm đương cuộc chiến mà phải nhờ đến các thế lực bên ngoài. Rồi khi một trong hai bên nào đó thình lình bị đồng minh bỏ rơi – như trường hợp của Việt Nam Cộng Hòa – thì kẻ bị bỏ rơi đương nhiên phải thua trận.
Chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa không phải là chế độ quân phiệt, Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu phải được tôn vinh
Mỹ-Kissinger và VC-Lê Ðức Thọ: bạn và thù?
Như đã tình bày ở trên, chế độ quân nhân tại Miền Nam Việt Nam, thoạt tiên tuy do các thành phần sĩ quan cao cấp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa giữ vai trò lãnh đạo, đã khác biệt gần như hoàn toàn với các chế độ quân phiệt đương thời trên toàn thế giới. Các lý do sau đây làm sáng tỏ nhận định này:
– Chế độ quân phiệt tồn tại mà không cần lý do chính đáng, phần lớn là do các lãnh tụ quân phiệt tự tạo nên lý do tồn tại, như viện cớ phải bành trướng thế lực trên trường quốc tế (trường hợp quân phiệt Nhật Bản trước và trong Ðệ Nhị Thế Chiến), chống xu hướng Cộng Sản (trường hợp Hy Lạp, Thái Lan và Indonesia thời Suharto), chống phiến quân tả phái (trường hợp Chile, El Salvador, Nicaragua…), hoặc chống tất cả các khuynh hướng đối lập (trường hợp Pakistan, Ai Cập, Libya, Myanmar…).
Chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa không tự phát sinh mà ra đời do những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước. Ngay như cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hồi năm 1963 để đưa Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng lên cầm quyền, dù vẫn bị coi là tai hại cho nền độc lập của đất nước (vì do Mỹ giật dây) và làm suy yếu nỗ lực chiến đấu chống Cộng, vẫn có thể biện minh được vì chế độ của Ông Diệm có khuynh hướng kỳ thị Phật Giáo và không chịu triệt để đi theo đường lối của Hoa Kỳ là nước đang cung cấp kinh viện và quân viện cho Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
– Chế độ quân phiệt thường tự mình gây ra chiến tranh chống nước khác hoặc chống lại chính nhân dân của đất nước mình. Ðó là trường hợp của quân phiệt Nhật Bản trước và trong Ðệ Nhị Thế Chiến (dưới thời Thủ Tướng Hideki Tojo [Ðông Ðiều]) và các chế độ quân phiệt tại Chile hay Myanmar khi chính quyền do các hội đồng quân nhân tại các nước đó gây chiến tranh chống lại các dân tộc khác hay chống lại chính dân chúng của mình mà họ gọi là loạn quân hay quân nổi dậy. Trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa là nạn nhân cuộc xâm lấn của Cộng Sản từ miền Bắc, và chế độ quân nhân tại đây chẳng những không đánh lại chính nhân dân mình mà, trái lại, còn hy sinh xương máu để bảo vệ cuộc sống tự do và thanh bình của dân chúng, cho nên người lính Cộng Hòa luôn được đa số dân chúng – những thành phần không bị Cộng Sản mê hoặc – ủng hộ và đi theo (trong các cuộc di tản hoặc chạy loạn) cho đến khi bị địch pháo kích chết thì thôi.
– Chế độ quân phiệt tồn tại mãi cho tới khi nào bị dân chúng trong nước hoặc các thế lực ngoại bang dẹp bỏ mới kết thúc. Ðiều này đúng cho hầu hết các chế độ quân nhân tại Nam Mỹ, Ðông Nam Á và Phi Châu. Chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa, được khai sinh từ ngày lật đổ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hồi năm 1963 và tái lập vào ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu năm 1965, đã tự ý trao quyền cho một thể chế dân sự hoặc xuyên qua các tuyên cáo và quyết định (như Quyết Ðịnh Số 4 ngày 16 Tháng Hai năm 1965 của hội Ðồng Quân Lực trao quyền quản trị hành chánh quốc gia lại cho phe dân sự tại Miền Nam Việt Nam) hoặc qua các cuộc bầu cử tổng thống, Quốc Hội và các hội đồng tỉnh, thành tại Miền Nam Việt Nam thời Ðệ Nhị Cộng Hòa.
– Các thành phần lãnh đạo của những chế độ quân phiệt thường lạm quyền, tham nhũng và gây nhiều tội ác chống lại dân chúng cho nên sau khi các chế độ này sụp đổ thì các lãnh tụ của chế độ thường bị các chế độ kế tiếp hay chính dân chúng tại các quốc gia đó xử tội. Ðó là trường hợp của nhà độc tài Suharto bên Indonesia và Pinochet ở Chile. Riêng chế độ quân nhân tại Miền Nam Việt Nam, vì xuất thân từ dân chúng mà ra, đã không hề gây tội ác nào với dân chúng, nếu không nói được là họ đã xả thân chăm lo bảo vệ hạnh phúc của dân chúng. Nền Ðệ Nhị Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam tuy cũng mang tiếng là có những thành phần tham nhũng, nhưng mức độ tham nhũng đó chẳng có gì đáng kể một khi đem so với các chế độ quân phiệt hay độc tài đương thời tại những nơi khác, từ Á Châu cho tới Mỹ Châu La-tinh và Phi Châu, đừng nói gì đến chuyện đem so sánh với mức độ tham nhũng của các viên chức chế độ Cộng Sản tại Việt Nam bây giờ.
Ðiều độc đáo và quan trọng nhất là chế độ quân nhân tại Việt Nam Cộng Hòa có lý do hết sức chính đáng để tồn tại, dù chỉ trong ngắn hạn, trong khi các chế độ quân nhân và quân phiệt cũng như các chế độ độc tài, độc đảng tại những nơi khác thì không. Ngoại trừ Nam Hàn là nước đang gặp hiểm họa bị xâm lấn một lần nữa từ phía Cộng Sản Bắc Hàn – chứ không thực sự bị xâm lấn kể từ sau khi cuộc Chiến Tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 và sau khi quân đội Mỹ đã lập nên tuyến thép ngăn chặn Cộng Sản Bắc Hàn ngay tại phía Nam vĩ tuyến 38 – không có một chế độ quân nhân hay quân phiệt nào tại các nơi khác trên thế giới phải đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược cấp bách mang tính quy mô và được nửa kia của thế giới hết lòng cổ xúy và yểm trợ. Các chế độ quân phiệt tại Thái Lan, Indonesia, Chile, El Salvadore, Nicaragua… bất quá chỉ bị phiến quân và quân nổi dậy đe dọa mà thôi -mà lý do chính yếu của các cuộc nổi dậy tại những nơi đó đôi khi lại nảy sinh từ chính sự hiện hữu của các chế độ độc tài, áp bức đó, vì thế, khi các chế độ đó thôi không hiện hữu thì những cuộc bạo loạn tại các nơi đó cũng tự dưng mất đi. Ðó là chưa kể những chế độ độc tài (dictatorship) tại những nơi như Phi Luật Tân – thời Ferdinand Marcos – là nơi mà chính quyền chỉ cần viện cớ là đất nước đang bị bị phiến quân Cộng Sản (Huks) đe dọa thôi cũng đủ cho chính quyền ra lệnh thiết quân luật, ngưng thi hành mọi quyền tự do, dân chủ trong nước, và cai trị dài dài bằng sắc lệnh.
Nghĩ cho cùng, chế độ quân nhân tại Miền Nam Việt Nam trong thời điểm có cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam của Ðảng Cộng Sản Việt Nam từ miền Bắc là chế độ nếu không hoàn toàn chính đáng trên danh nghĩa thì cũng là một sự cần thiết của lịch sử. Phải biết rằng, xuyên suốt lịch sử Việt Nam, hầu như tất cả các chế độ cai trị ban đầu của các triều đại có trước các nền Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam – từ thời các Vua Hùng dựng nước (với các Lạc hầu, Lạc tướng), thời Trưng Nữ Vương, các triều đại của Ngô Vương Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lê Ðại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Lợi, Nguyễn Quang Trung, và Nguyễn Gia Long – đều là những chế độ quân nhân, ít nhất cũng dưới thời các vị vua khai sáng triều đại để dựng nước hoặc để giành lại độc lập cho Việt Nam khỏi tay kẻ thù phương Bắc là Trung Hoa. Và dĩ nhiên là các đấng tiên vương của Việt Nam đều không hề là những thành phần quân phiệt mà chính là những vị anh hùng hết sức xứng đáng được toàn dân muôn đời ngưỡng mộ và tôn thờ. Vì thế, nếu cuộc chiến tranh bảo vệ nền tự do, dân chủ tại Miền Nam Việt Nam trước đây được coi là chính đáng thì không có lý do gì mà người Việt Quốc Gia, từ trong nước lẫn ở hải ngoại, lại quên đi Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu hằng năm. Ngày mai đây, khi Việt Nam trở thành một đất nước thật sự có tự do dân chủ, khi lịch sử cận đại và hiện đại của Việt Nam được viết lại một cách nghiêm chỉnh, và khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng được đánh giá đúng mức, Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu phải được coi là một trong những ngày kỷ niệm huy hoàng cả trong quân sử lẫn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, không ai hoặc không một thế lực nào có thể làm khác đi được.
Ghi chú:
(1) Ngay từ dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, bên cạnh các Tòa Ðại Biểu Chính Phủ tại Trung Nguyên Trung Phần, Cao Nguyên Trung Phần và Nam Phần Việt Nam do các nhân vật dân sự cầm đầu, vị tổng tư lệnh Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa (kiêm bộ trưởng Quốc Phòng) cũng đã phải chỉ định các tướng lãnh quân đội làm tư lệnh các Quân Khu liên hệ tại các vùng để trực tiếp điều hành công cuộc bảo vệ trị an trước nguy cơ Cộng Sản Bắc Việt quyết tâm thôn tính Miền Nam tự do sau khi cuộc tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đất nước được dự trù mở ra tại Bắc và Nam Việt Nam vào năm 1956 đã không được thực hiện. Trên thực tế, Tổng Thống Diệm đã giao toàn quyền quyết định về quân sự cho các vị tư lệnh Quân Khu liên hệ vì ông biết rõ các nhân vật dân sự trong chính phủ không đủ khả năng thi hành sứ mạng này.
(2) Bản Tuyên Cáo của quốc trưởng, chủ tịch Hội Ðồng Quốc Gia Lập Pháp và thủ tướng chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, được công bố ngày 11 Tháng Sáu năm 1965, có đoạn viết:
“Sau khi duyệt lại tình trạng ngày một khẩn trương của đất nước, sau khi đã xét lại và xác nhận rằng: những cơ cấu và thể chế Quốc Gia hiện tại không còn phù hợp với tình thế… Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa, Hội Ðồng Quốc Gia Lập Pháp, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa đồng thanh quyết định long trọng trao trả lại cho Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm và quyền lãnh đạo quốc gia đã được Hội Ðồng Quân Lực ủy thác cho chúng tôi… Yêu cầu toàn thể đồng bào các giới không phân biệt giai tầng, địa phương, đảng phái và tôn giáo, ủng hộ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong việc lãnh đạo toàn Quân và toàn Dân đúng theo tinh thần của Cách Mạng 1.11.1963.”
(3) Ðặc biệt, đánh chiếm cho được Miền Nam Việt Nam để tóm thâu toàn bộ quyền hành trên giải giang sơn kéo dài từ Ải Nam Quan tới Mũi Cà Mau vẫn là giấc mộng và là tham vọng lớn lao mà lãnh tụ Cộng Sản Hồ chí Minh đã ấp ủ lúc sinh thời – khiến ông phải hấp tấp ra lệnh quân chính quy Cộng Sản từ miền Bắc xâm nhập vào phối hợp với Mặt Trận Giải Phóng trong Nam mở cuộc tổng tấn công, tổng nổi dậy không thành vào dịp tết Mậu Thân năm 1968, những mong thôn tính được Miền Nam Việt Nam trước khi “về với Marx và Lenin,” nhưng mãi cho đến khi ông mất vào năm 1969, giấc mộng và tham vọng đó vẫn chưa thực hiện được. Sau này, khi lịch sử được viết lại, thì cuộc Chiến Tranh Việt Nam – hay cuộc “kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” của đảng Cộng Sản Việt Nam – không thể được coi là một cuộc chiến tranh “ý thức hệ” mà chỉ là một cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm tại Việt Nam nhân danh các lý tưởng ngoại lai, không hơn gì cuộc Nam-Bắc phân tranh thời Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn trong hai thế kỷ 16 và 17. Trong cuộc xung đột Quốc-Cộng tại Việt Nam vừa qua, người Miền Nam tuy có chiến đấu để bảo vệ tự do, dân chủ, nhưng cuộc chiến đấu đó vẫn mang tính thụ động (vì chỉ thu hẹp trong phạm vi Miền Nam Việt Nam mà thôi, và cũng là vì có sự khuyến khích và yểm trợ của Hoa Kỳ là cường quốc lãnh đạo Thế Giới Tự Do), trong khi người Cộng Sản miền Bắc thì chỉ dùng cái “thiên đường Cộng Sản” làm mồi nhử để mê hoặc người khác đặng chiếm quyền cho phe nhóm của mình – là đảng Cộng Sản – chứ họ chẳng hề có lý tưởng nào hết – như chuyện bỏ ngang xương nền kinh tế Cộng Sản mà theo lối làm ăn tư bản bây giờ đã cho thấy rõ. Bất quá, cái lý tưởng mà họ nghĩ là họ có chẳng qua chỉ là sự lầm mê mà, vào lúc sinh thời, cả Chủ Tịch Hồ Chí Minh lẫn Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng cũng thừa khôn lanh mà rõ biết hết cả rồi nhưng không đủ can đảm nhìn nhận để quay trở lại khi sự sai lầm đã đi quá xa và đã có quá nhiều xương máu và tàn phá xảy ra cho dân tộc và đất nước vì sự sai lầm đó.
(4) Theo các số liệu chính thức, sau khi công cuộc “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” hoàn tất vào cuối năm 1973, Hoa Kỳ đã cung cấp cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 640,000 khẩu súng trường M-16, 34,000 súng phóng lựu M-79, 40,000 máy truyền tin, 20,000 xe vận tải và 56 chiến xa hạng trung M-48. Không Lực Việt Nam Cộng Hòa nhận được 200 khu trục và oanh tạc chiến đấu cơ, bao gồm khu trục cơ A-1 Skyraider, oanh tạc cơ A-37 và phản lực chiến đấu cơ F-5 cùng với 30 phi cơ võ trang AC-47 và 6.000 vận tải cơ -trong số đó mộ số được biến cải thành phi cơ “Hỏa Long” như AC-119 và AC-123- cộng với 500 trực thăng các loại cùng một số phi cơ thám thính gồm loại OV-10 Bronco và các “máy bay bà già“L-19. (Vào lúc cao điểm của cuộc Chiến Tranh Việt Nam, khi có khoảng 500,000 binh sĩ Mỹ tham chiến tại Miền Nam Việt Nam, các lực lượng Hoa Kỳ đã sử dụng tới 3,000 trực thăng đủ loại). Mặc dù số lượng vũ khí nhận được có vẻ lớn lao như thế, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, về mặt trang bị, vẫn còn kém thua quân đội Hoa Kỳ nhiều lắm, và nhất là quân số bị thiếu hụt so với quân số của Cộng Sản Bắc Việt là đạo quân đông đảo đứng vào hàng thứ 5 trên thế giới lúc bấy giờ – chưa kể số quân du kích của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vẫn cùng họ tham gia tấn công tại Miền Nam Việt Nam. (Wikipedia, June 8, 2007).
(5) Tháng Mười Hai năm 1974, sau khi Hoa Kỳ đã hoàn tất việc rút lui về mặt quân sự ra khỏi Miền Nam Việt Nam, Tổng Bí Thư Lê Duẩn của Ðảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố: “Bọn Mỹ đã rút đi… đây là biến chuyển đánh dấu thời cơ của chúng ta.”
(6) Trong cuộc chiến đấu để bảo vệ tự do, dân chủ cho Miền Nam Việt Nam, các chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã cống hiến cho đất nước những hy sinh vô cùng to lớn và cao cả mà cho tới nay vẫn chưa có gì đền đáp nổi. Theo các con số phỏng định, vào lúc kết thúc cuộc Chiến Tranh Việt Nam (1960-1975), Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có 250,000 chiến sĩ bỏ mình và Quân Ðội Hoa Kỳ có 58,000 quân nhân hy sinh. Không có con số chính thức cho biết có bao nhiêu chiến binh Cộng Sản đã tử trận trong cuộc chiến, mặc dù con số này ít nhất cũng phải cao hơn gấp ba lần con số tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa, bởi vì họ thường phải hứng chịu hỏa lực ghê gớm của các lực lượng Ðồng Minh và Việt Nam Cộng Hòa, trong đó phải kể tới những cuộc giội bom trải thảm của các pháo đài bay chiến lược B-52, và cũng vì các cấp chỉ huy của họ, kể cả danh Tướng Võ Nguyên Giáp, vẫn ưa dùng chiến thuật biển người có tính cách thí quân trong những cuộc tấn công. (Wikipedia, June 8, 2007)