Ai đứng sau sự sụp đổ của những “thần tượng” tại Trung Quốc?

Share this post on:

Chỉ có một siêu sao ở Trung Quốc, đó là Đảng Cộng sản.

Zhuoran Li – Ngày 17 tháng 12 năm 2021 

Nữ diễn viên kiêm đạo diễn Trung Quốc Vicki Zhao Wei tươi cười trong dịp chiếu phim “So Young” trong Liên hoan phim BFI London lần thứ 57 tại London, Vương quốc Anh, ngày 17 tháng 10 năm 2013. Depositphotos

Đối với những người từng hâm mộ các ngôi sao nổi tiếng (thần tượng) ở Trung Quốc, thì mùa hè 2021 là thời điểm đầy sóng gió. Ngày 18 tháng 8, Kris Wu , nam diễn viên kiêm ca sĩ người Canada gốc Hoa, từng là thành viên của nhóm nhạc K-pop nổi tiếng Exo, đã bị bắt và bị buộc tội “tấn công tình dục”. Vài ngày sau, nhà cầm quyền đã phạt nữ diễn viên trẻ người Trung Quốc Trịnh Sảng 299 triệu USD vì “trốn thuế”. Ngoài ra, vào cuối tháng 8, Triệu Vy, một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất Trung Quốc từ thập niên 1990, đã mất tích. Chỉ qua một đêm, các mạng xã hội, các trang web dành cho người hâm mộ cũng như các bộ phim và chương trình truyền hình của cô này đều biến mất không còn dấu vết.

Đây không phải là những trường hợp đơn lẻ; những người nổi tiếng này đã rơi vào một phong trào chính trị to lớn hơn. Trong suốt mùa hè năm 2021, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố “một cuộc đàn áp mạnh bạo” đối với những người nổi tiếng trên mạng. Chính phủ cáo buộc họ đã cổ vũ cho lối sống xa hoa và tạo ra sự hỗn loạn trên mạng. Ngày càng có thêm bằng chứng để các học giả kết luận việc đàn áp những người nổi tiếng là bước đầu trong chiến dịch “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình.

Những người nổi danh và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đại diện cho hai nguồn động viên khác nhau. Sự khác biệt đó đã dẫn đến sự mâu thuẫn giữa đảng và ngành giải trí. Công tác vận động quần chúng đã gắn liền bản sắc của ĐCSTQ; nó là “vũ khí bí mật” và là con đường tạo chiến thắng cho đảng này. Động viên đóng vai trò cơ bản để đạt chiến thắng của ĐCSTQ trong cuộc Nội chiến ở nước này. Trong đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã phát động “chiến tranh nhân dân” để chống lại COVID-19, nói lên vai trò quan trọng của công tác vận động quần chúng ngăn chặn đại dịch tại đây. Do đó, ĐCSTQ cẩn thận tự giữ cho mình  là nguồn động viên duy nhất và xóa đi mọi nỗ lực vận động khác, chẳng hạn như các tôn giáo, phong trào lao động hoặc các xã hội dân sự.

Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng những người nổi tiếng (minh tinh) như một phần trong nỗ lực vận động của mình. Một bài trong Nhân Dân Nhật Báo (cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ) giải thích rằng những người hâm mộ (fan) của các nhân vật nổi tiếng có “sức mạnh vận động và sức mạnh tổ chức” to lớn. “Khi được sử dụng một cách tích cực,” bài báo  viết tiếp, “nó có thể cung cấp một sức mạnh lớn không thể tưởng tượng được.”

Do đó, nhà cầm quyền đã đặt để những nhân vật nổi tiếng ở vị trí tiên phong và trung tâm trong quá trình vận động, đã tuyển mộ họ để chuyển đi những thông điệp tuyên truyền đến giới trẻ. Hàng năm, giới nổi tiếng đã trình diễn những bài hát yêu nước trong dịp Lễ hội Xuân của chương trình TV (CCTV), là chương trình truyền hình nổi tiếng nhất và có lẽ quan trọng nhất tại Trung Quốc, do đài truyền hình nhà nước tổ chức vào đêm giao thừa. “The Founding of An Army” (sự thành lập một đội quân), một bộ phim năm 2017 kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), với sự tham gia của xiao xian rou, những nhân vật nổi tiếng trong giới trẻ Trung Quốc, để thu hút chúng đến các rạp chiếu phim. Trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019, những nhân vật nổi tiếng đã lên án người biểu tình ở Hồng Kông và truyền tải thông điệp yêu nước đến giới hâm mộ. Những người hâm mộ này thậm chí còn thần tượng hóa nhà nước Trung Quốc, gọi tên bằng Brother China (Huynh Trung Quốc), và trở thành người nổi tiếng có ảnh hưởng nhất trên internet.

Tuy nhiên, giới nổi tiếng không chỉ đơn thuần là những người “lính” tốt trong bộ máy tuyên truyền của đảng CSTQ, mà họ đã trở thành kẻ thách thức sự độc quyền vận động của đảng khi họ tích cực tạo ảnh hưởng đến dư luận ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Vào năm 2013, một số nữ diễn viên nổi tiếng Trung Quốc đã sử dụng mạng xã hội để chỉ trích một cách tinh vi việc (nhà nước) kiểm duyệt tờ Tuần Báo Phía Nam (Southern Weekly) có trụ sở ở Quảng Đông nổi tiếng với xu hướng tự do và hài hước. Lý Băng Băng, một nữ diễn viên nổi tiếng, người từng xuất hiện trong các bộ phim của Hollywood, đã đăng bài “không có hơi ấm ở phương Nam” và “chờ đợi mùa xuân trong mùa đông lạnh giá”. Yao Chen, một nữ diễn viên nổi tiếng khác, đã trích dẫn lời của khôi nguyên giải Nobel Alexander Solzhenitsyn: “Một lời nói thật sẽ gây ảnh hưởng cho toàn thế giới”.

Ngoài ra, một khi chính quyền kiểm soát những người nổi tiếng, người hâm mộ thường đứng về phía thần tượng và chỉ trích chính phủ. Các fan (người hâm mộ) của Zheng Shuang đã chỉ trích gắt gao quyết định loại bỏ cô này ra khỏi mạng của chính phủ. Những người hâm mộ nam ca sĩ Kris Wu (thất sủng vì bị buộc tội tấn công tình dục) thậm chí còn lên kế hoạch phản đối vụ bắt giữ và dự tính giải thoát anh ta khỏi nhà tù. Vì vậy, việc đàn áp những người nổi tiếng là một nỗ lực “giết gà dọa khỉ” của nhà cầm quyền và cũng để nhắc nhở giới giải trí thực sự hiện đang có quyền lực. Như giáo sư Stanley Rosen của Đại học Nam California đã nói, cuộc đàn áp để chứng tỏ “không ai, dù giàu có hay nổi tiếng đến đâu, đều có thể thoát khỏi bị truy đuổi”.

Một lý do khác về sự đàn áp đến từ lĩnh vực ý thức hệ. ĐCSTQ coi tư tưởng phương Tây là mối đe dọa đối với Trung Quốc. Wang Huning, chuyên gia tư tưởng của đảng, trong cuốn sách đầu tiên của ông “Nước Mỹ chống lại nước Mỹ” đã vạch ra mối nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân như là một lực chia rẽ và làm xói mòn xã hội Mỹ. Do đó, Wang kết luận rằng sự xâm nhập của văn hóa phương Tây sẽ ăn mòn sự đoàn kết chính trị nội bộ và phá hủy nền tảng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, ĐCSTQ xem chủ nghĩa tự do (liberalism) của phương Tây là nguồn gốc gây bất ổn chính trị. Đảng coi sự lan rộng của chủ nghĩa tự do phương Tây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989. Nó cũng coi sự lan rộng của chủ nghĩa tự do trên toàn thế giới là lý do dẫn đến sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, các cuộc Cách mạng Màu và Mùa xuân Ả Rập.

ĐCSTQ tin rằng các nước phương Tây đang sử dụng ngành công nghiệp giải trí để thẩm nhập vào mặt trận tư tưởng của Trung Quốc. Họ cho rằng các “quốc gia thù địch” sử dụng sức mạnh tư bản (vốn) để kiểm soát ngành giải trí của Trung Quốc với kết quả là đã truyền bá “các giá trị phổ quát, chủ nghĩa tự do và tự do hóa hệ tư tưởng” qua phim ảnh và âm nhạc. Do đó, ĐCSTQ tin rằng cuộc trấn áp ngành công nghiệp giải trí là cuộc đấu tranh sinh tử để giành việc kiểm soát tuyệt đối về tư tưởng. Nếu ĐCSTQ không thành công, các thế lực thù địch Tây phương sẽ tiêu diệt Trung Quốc.

Hơn nữa, đảng CSTQ tin rằng cuộc trấn áp của họ là nhằm bảo vệ giới trẻ trong “cuộc chiến không khói súng” về ý thức hệ. ĐCSTQ xem giới nổi tiếng là những người có ảnh hưởng nguy hiểm đối với những người trẻ tuổi, vượt hẳn loa tuyên truyền của đảng. Đảng ưu tiên định hướng những người trẻ thành một tập thể lý tưởng. Tập Cận Bình đã nói rằng định hướng tư tưởng giới trẻ sẽ quyết định tương lai xã hội. Vì vậy, ông cho rằng thanh niên phải “yêu nước” (nghĩa là yêu Đảng, yêu Nhà nước và yêu Xã hội chủ nghĩa), chăm chỉ, cống hiến, hy sinh vì lợi ích lớn hơn của xã hội.

Ngành công nghiệp giải trí chủ yếu nhắm đến nhóm dân số trẻ và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình giá trị của giới này. ĐCSTQ cáo buộc những người nổi tiếng đã “ tẩy não giới trẻ ” và truyền bá các giá trị tiêu cực như “chủ nghĩa vô chính phủ, sự bá quyền, tôn thờ tiền bạc, chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa khoái lạc”. Vì vậy, việc đàn áp những người nổi tiếng là cần thiết nhằm “thiết lập định hướng tiêu chuẩn đúng đắn” cho giới trẻ.

Việc đàn áp những người nổi tiếng phản ảnh sự tiếp tục các phương pháp kiểm soát xã hội của ĐCSTQ. Một mặt, hành động này thể hiện sự độc quyền của đảng đối với việc vận động (quần chúng) và loại bỏ các phương thức thay thế khác trong việc tổ chức xã hội. Mặt khác, cuộc đàn áp cho thấy đảng sẽ không nới lỏng sự kìm kẹp đối với sự kiểm soát tối thượng về ý thức hệ. ĐCSTQ lo ngại rằng sự lan truyền của các hệ tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa – bao gồm cả văn hóa fandom (hâm mộ) – sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội.

Đặc biệt cảm ơn sự giúp đỡ và cố vấn của giáo sư Stanley Rosen, Đại học Nam California.

Zhuoran Li

Zhuoran Li là ứng viên MA về quan hệ quốc tế và là trợ lý nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS), Đại học Johns Hopkins. Tác phẩm của ông đã được đăng trên The Diplomat and the National Interest.

HD Press phỏng dịch theo The Diplomat

https://thediplomat.com/2021/12/whats-behind-chinas-crackdown-on-celebrities/