Các đập ở thượng lưu đe dọa kinh tế và an ninh lương thực của khu vực Mekong

Share this post on:

(Upstream Dams Threaten the Economy and the Security of the Mekong Region)

Murray Hiebert – Bình Yên Đông lược dịch

ISEAS Perspective – 22 March 2021.

Ảnh chụp ngày 8 tháng 2 năm 2020 cho thây ngư dân giăng lưới trên sông Mekong ở gần Luang Prabang cạnh vị trí của đập được chấp thuận.  Những nhà môi trường đã chỉ trích Lào vì tiến hành kế hoạch cho “đập tàn phá” khác trên sông Mekong, một thủy lộ đã bị bóp nghẹt bởi các dự án thủy điện. [Ảnh: Aidan Jones/AFP]

Tóm lược

Mười một đập thủy điện của Trung Hoa xây trên thượng lưu Mekong giữ lại những lượng nước khổng lồ trong 2 năm qua, gây thiệt hại mùa màng và làm giảm số cá đánh được, và đe dọa cuộc sống của 60 triệu người sống ở hạ lưu: a) Việc trữ khối lượng nước khổng lồ ở phía sau các đập đã khiến cho hồ Tone Sap khát nước và tàn phá hầu hết nơi sinh sản phong phú nhất của Cambodia; b) Các đập của Trung Hoa ở thượng lưu giữ nước và phù sa đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trồng lúa phì nhiêu nhất của Việt Nam, bị ngập bởi nước biển từ Biển Đông.

Trung Hoa đã tài trợ ½ trong 60 đập của Lào trên các phụ lưu sông Mekong và 2 đập trên dòng chánh.  Điều nầy đẩy mức nợ của quốc gia không có bờ biển đến khoảng 17 tỉ USD trong năm 2019, gần tương đương với tổng sản lượng quốc gia (GDP) của nước nầy.  Năm 2020, khó khăn trong việc trả nợ khiến chánh phủ Lào phải chuyển một phần lớn công ty phân phối điện cho một công ty lưới điện quốc doanh của Trung Hoa.

Bắc Kinh từ lâu chú trọng đến việc đưa các tàu chở hàng lớn xuống Mekong tới lãnh thổ Lào và Thái Lan.  Để thực hiện điều nầy họ phải phá nổ các ghềnh đá khổng lồ trong sông, điều mà các nhà môi trường Thái Lan chống đối.  Lúc đầu, Bangkok tạm ngưng đề nghị của dự án, nhưng sau đó đã hủy bỏ vì lo ngại rằng nó sẽ cho Bắc Kinh quá nhiều ảnh hưởng chiến lược và kinh tế vào lục địa Đông Nam Á.

Phần giới thiệu

Hạn hán đã xảy ra trong mùa mưa 2019, khi sông Mekong xuống đến mức thấp nhất trong ½ thế kỷ, tàn phá cuộc sống của nông dân và ngư dân sống dọc theo hạ lưu Mekong trong các quốc gia Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.  Lúc đầu, người ta nghĩ rằng mực nước tụt giảm chủ yếu là vì lượng mưa ít bất thường do hệ thống thời tiết El Nino gây ra.

Chỉ trong tháng 4, các quốc gia nầy mới biết nguyên nhân chủ yếu của hạn hán khi một hãng nghiên cứu Hoa Kỳ công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy các đập Trung Hoa ở thượng lưu Mekong giữ lại những lượng nước lớn lao vào lúc các nước láng giềng ở phía nam đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tàn khốc [1].  Trung Hoa nói rằng họ cũng có lượng mưa thấp nhưng trên thực tế họ có mức nước trên trung bình dọc theo 4.300 km sông.

Trung Hoa bác bỏ kết quả của Eyes on Earth và có vẻ không làm gì, nếu có, để xả nước từ các hồ chứa nước, gây ra hạn hán thảm khốc lần thứ hai ở hạ lưu Mekong trong năm 2020.  Hai năm hạn hán nầy, có lúc làm cho mực nước sông thấp hơn mức bình thường đến 3 m ở trạm thủy học ở Thái Lan gần biên giới Trung Hoa nhất, gây thiệt hại lớn lao cho cuộc sống của 60 triệu người sống dọc theo hay gần hạ lưu Mekong.

Việc tài trợ và xây cất các đập ở Lào của Bắc Kinh cũng có ảnh hưởng kinh tế.  Gánh nặng nợ nần của công ty quốc doanh Điện lực Lào (Electricite du Laos (EDL)) trong năm 2020 đã đạt đến khoảng 8 tỉ USD, gần 50% GDP của Lào [2].  Sự sụt giảm nhanh chóng của thu nhập của chánh phủ theo sau đại dịch Covid-19 gây khó khăn thêm trong việc trả nợ của công ty, khiến Lào phải phân phối một phần của EDL vào một thực thể mới trong đó một công ty lưới điện Trung Hoa có cổ phần lớn [3].  Nó đánh dấu trường hợp được biết đầu tiên ở Đông Nam Á (ĐNA) trong đó một quốc gia sập “bẫy nợ” của Trung Hoa và đã chuyển cổ phần của một công ty then chốt để trả nợ của quốc gia.

Vì Mekong quan trọng như thế đối với đời sống kinh tế ở lục địa ĐNA và tây Trung Hoa, các nhà phân tích đã bắt đầu xem sông như một điểm nóng sắp tới giữa Bắc Kinh và các láng giềng phía nam, giống như Biển Đông.  Điều nầy khiến cho Hoa Kỳ lên tiếng với một số hành động của Trung Hoa và hợp lực với Nhật Bản và Australia trong việc cung cấp nhiều loại viện trợ và nâng cao khả năng cho các quốc gia hạ lưu Mekong.

Ảnh hưởng môi trường

Trung Hoa đã xây 11 đập thủy điện trên con sông dài thứ 12th trên thế giới trong lãnh thổ của họ có khả năng chứa số nước của Vịnh Chesapeake ở Hoa Kỳ, hay khoảng 18.000 tỉ gallons [4].  Chín đập khác đang được thiết kế.  Các tổ hợp của Trung Hoa cũng ở trong các giai đoạn khác nhau, từ quy hoạch đến tài trợ và/hay xây cất, cho khoảng ½ của 11 đập dự trù trên dòng chánh ở Lào và Cambodia.  Các đập trong 2 quốc gia nầy sẽ có một ảnh hưởng lớn hơn các đập ở Trung Hoa vì Mekong trong các quốc gia nầy cung cấp khoảng 4/5 nước và phù sa ở hạ lưu.

Các đập được Trung Hoa xây hay tài trợ tạo lo sợ ở hạ lưu.  Chúng không những ảnh hưởng dòng nước mà còn ngăn cản sự di chuyển của cá và làm giảm lượng phù sa mà nông dân và ngư dân dựa vào dọc theo hạ lưu Mekong.  Trong mùa khô, trên 40% nước trong Mekong đến từ tuyết tan và nước chảy tràn ở Trung Hoa bắt đầu từ vùng núi non tuyết phủ ở Tây Tạng [5].

Nước từ Trung Hoa rất quan trọng để sản xuất lúa trong các quốc gia ở hạ lưu Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam, nhất là trong những lúc ít mưa.  Điều nầy rất đúng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở miền nam Việt Nam, sản xuất ½ số lúa và gần ¾ trái cây và rau cải của quốc gia.  Nước ngọt từ Trung Hoa giúp vùng đất thấp nầy chống lại sự xâm nhập của nước mặn từ Biển Đông.  Sản lượng lúa ở Thái Lan và Việt Nam, 2 trong số các nước xuất cảng lớn nhất thế giới, giảm rõ rệt trong năm 2019 và 2020 [6].

Phù sa trong sông, khoảng ½ từ Trung Hoa, cũng quan trọng trong việc bảo vệ ĐBSCL chống lại sự tấn công của biển.  Nhưng hầu hết phù sa nay bị các đập ngăn chận.  Lượng phù sa giảm từ 60 triệu tấn trong năm 2003 còn 10 triệu tấn trong năm 2009 ở Chiang Saen, bắc Thái Lan [7] và được dự đoán sẽ ngăn chận 96% tất cả phù sa nếu tất cả các đập đề nghị được hoàn tất [8].  Sự mất mất phù sa cũng làm cho bờ sông và khu vực Mekong đói chất dinh dưỡng để sản xuất hoa màu, gây thiệt hại hàng tỉ USD [9].

Các đập của Trung Hoa cũng ngăn chận việc di chuyển của cá giữa thượng và hạ lưu sông, cản trở việc sinh sản và làm số cá ở hạ lưu tụt giảm.  Sự di chuyển sút giảm của cá nầy sẽ gây cho các láng giềng ở phía nam của Trung Hoa một thiệt hại trên 16 tỉ USD từ nay đến năm 2042 [10].

Lào trong “bẫy nợ”

Lào đã xây 60 đập thủy điện trên các phụ lưu của Mekong và 2 trên dòng chánh để thúc đẩy kinh tế của quốc gia núi non và không có bờ biển.  Vientiane đang dự trù thêm 8 đập trên dòng chánh mặc dù Thái Lan và Việt Nam than phiền về ảnh hưởng môi trường ở nước họ.  Hầu hết điện do Lào sản xuất được xuất cảng sang Thái Lan, nơi nhu cầu đã giảm rõ rệt do hậu quả của đại dịch.

Trung Hoa đã tài trợ và/hay xây khoảng ½ số đập dọc theo Mekong và các phụ lưu.  Ngân hàng Xuất-Nhập cảng Trung Hoa và Ngân hàng Phát triển Trung Hoa đã cung cấp các khoản nợ hàng tỉ USD cho các đập ở Lào, và các công ty như Công ty Sinohydro và Điện Trung Hoa đã xây nhiều đập nầy.

Các kế hoạch cho các đập thủy điện của Vientiane đã tạo nên những căng thẳng với các láng giềng ở hạ lưu.  Trước khi xây đập Xayaburi trị giá 3,5 tỉ USD, đập đầu tiên trên dòng chánh của Lào, trong năm 2011, chánh phủ hứa tham vấn với các láng giềng qua tiến trình của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một tổ chức liên chánh phủ được thiết kế để khuyến khích phát triển khả chấp và cùng quản lý sông.  Nhưng năm sau, Lào ký một hợp đồng với một công ty Thái và bắt đầu xây cất, mặc dù Việt Nam chống đối [11].

Tình trạng cũng tương tự ở đập Don Sahong gần biên giới Cambodia.  Lào đã đồng ý với các láng giềng để nghiên cứu ảnh hưởng trước khi bắt đầu xây cất, nhưng 2 tháng sau, Vientiane loan báo việc xây cất sẽ bắt đầu.  Thái Lan, Cambodia và Việt Nam yêu cầu thêm thời gian để hoàn tất việc nghiên cứu, nhưng Lào tiến hành việc xây cất.

Một số kế hoạch của Lào bắt đầu gặp chống đối mạnh mẽ từ các tổ chức xã hội dân sự và dân làng ở Thái Lan, là nước mua hầu hết điện sản xuất ở Lào.  Những nhóm nầy phản đối ảnh hưởng của các đập đối với việc di chuyển của cá và dòng phù sa ở hạ lưu.  Chánh phủ Thái đã hoãn quyết định để ký một thỏa thuận mua điện từ đập Pak Beng khi nhận ra rằng họ đã ước tính quá cao nhu cầu điện của quốc gia đến năm 2036 [12].

Lào quyết tâm tiến hành, cho dù nợ nần ngoại quốc – hầu hết liên quan đến các khoản nợ từ Trung Hoa cho các đập – đang trở nên không khả chấp.  Nợ nần ngoại quốc của Lào vào năm 2019 đã đạt gần 17 tỉ USD, ít hơn GDP một chút, trong số đó trên 10 tỉ là nợ công.  Trung Hoa chiếm gần ½ tất cả nợ ngoại quốc của Lào [13].  Nợ của EDL, đóng một vai trò quan trọng trong nhiều dự án thủy điện, vào khoảng 8 tỉ, trên 40% GDP [14].

Vào tháng 9 năm 2020, Lào thành lập một công ty mới từ EDL, gọi là Công ty Dẫn điện EDL (EDL Transmission Company (EDL-T)) chịu trách nhiệm cho lưới điện của quốc gia.  Rồi sau đó chuyển khoảng 90% cổ phần của công ty mới cho công ty quốc doanh Trung Hoa, Công ty Lưới Điện Nam Trung Hoa (China Southern Power Grid Co.).  Công ty trả bao nhiêu cho cổ phần không được loan báo và cũng không rõ nếu công ty mới được thành lập sẽ nhận một số nợ của chánh phủ Lào.  Các viên chức EDL nhấn mạnh rằng việc chuyển giao không làm mất chủ quyền vì, họ nói, công ty Trung Hoa là một công ty điều hành tiện ích chuyên nghiệp [15].

Tháng tiếp theo, EDL, vẫn còn chịu áp lực trả nợ, bán khoảng ¼ cổ phần trên Chứng khoán Lào trong Công ty Phát điện Công cộng EDL (EDL-Generation Public Company) cho một công ty xây cất nổi tiếng của Lào hoạt động trong thành phần năng lượng [16].  Chánh phủ Lào đang cứu xét để bán một cổ phần riêng biệt trong dự án thủy điện Nam Ngum 3 cho các nhà đầu tư khác, có thể gồm Điện lực Nam Trung Hoa (China Southern Power), một công ty của Thái Lan và một công ty của Lào [17].

Sự di chuyển của cá bị đe dọa

Khoảng ½ dân số của Cambodia sinh sống bằng cách canh tác trên các đồng lụt do Mekong và phụ lưu Tonle Sap tạo nên, hay đánh cá dọc theo 2 con sông [18].  Khi mưa mùa hàng năm bắt đầu khoảng tháng 5, một lượng nước khổng lồ chảy vào Tonle Sap khiến hồ Tonle Sap phình ra gấp 5 lần diện tích trong mùa khô.  Khi mưa giảm bớt vào cuối năm, sông Tonle Sap đảo ngược dòng chảy và tháo nước trong hồ trở lại Mekong.

Chu kỳ tự nhiên hàng năm nầy đóng một vai trò quan trọng trong việc di chuyển và sinh sản của cá, một tiến trình đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán gần đây và việc giữ nước phía sau các đập ở Trung Hoa.  Ngư dân dọc theo Tonle Sap, nguồn cá nội địa lớn nhất thế giới cung cấp khoảng ¾ chất đạm của quốc gia, báo cáo rằng số cá họ bắt được trong năm 2019 giảm khoảng 80% hay nhiều hơn [19].

Trung Hoa cũng là một nhà đầu tư và xây đập quan trọng ở Cambodia.  Đập Hạ Sesan 2, trong đó công ty Trung Hoa có đa số cố phần, được cho là có ảnh hưởng môi trường quá khổ.  Một tổ chức môi trường của Hoa Kỳ nghiên cứu đập cho chánh phủ Cambodia kết luận rằng nó là “đập tàn phá nhất trong lưu vực sông Mekong” [20].  Đập, khánh thành trong năm 2018, được cho là sẽ ngăn chận việc di chuyển của cá mà hàng triệu người dựa vào để sinh sống.

Gần 80.000 người sống ở phía trên đập Hạ Sesan 2 sẽ mất việc tiếp cận đến di ngư mà họ dựa vào để sinh sống [21].  Nhưng một dân số lớn hơn sẽ bị mất chất đạm và lợi tức vì đập sẽ ngăn chận sự di chuyển của cá giữa các phụ lưu Sesan và Srepok và Mekong và Tole Sap để sinh sản [22].

Nghiên cứu năm 2012 của Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Academy of Sciences) cho thấy rằng trên 1 triệu tấn cá nước ngọt được bắt mỗi năm trong các đồng lụt của Cambodia và Việt Nam.  Các tác giả ước tính rằng số cá sẽ giảm khoảng 9,3% vì đập Hạ Sesan 2.  Họ nhận thấy rằng Mekong có khoảng 900 loại cá, trong số đó khoảng 100 loại sẽ bị đập ngăn cản lối di chuyển của chúng [23].

Một đập khác, Sambor, được thiết kế bởi Công ty Lưới Điện Nam Trung Hoa, sẽ “thảm khốc” hơn đối với di ngư, theo một nghiên cứu năm 2017 của Viện Di sản Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Heritage Institute).  Các tác giả nói rằng nó sẽ tạo nên một chướng ngại khiến cá không thể đi từ hồ Tonle Sap đến các nơi sinh sản ở thượng lưu.  Đập sẽ ngăn chận khoảng 60% phù sa cung cấp thực phẩm cần thiết để duy trì cá, và có đến 80% các loại di ngư sẽ bị “nguy hiễm” vì đập [24].

Thái Lan hạn chế ảnh hưởng an ninh của Trung Hoa

Nhiều thập niên trước, sau khi Thái Lan hủy bỏ việc xây đập thủy điện ở trong nước dưới áp lực của xã hội dân sự, họ bắt đầu nhìn sang Lào để trám vào khoảng trống năng lượng.  Các công ty Thái cho Lào tín dụng để xây đập và các công ty xây cất giúp thiết kế và xây nhiều đập.  Nhưng Bangkok bắt đầu rút việc trợ giúp các đập ở Lào sau khi một đập bị vỡ ở hạ Lào.  Dưới áp lực của xã hội dân sự, Thái Lan trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận mua điện của đập Pak Beng sau khi nhận ra rằng các giới chức đã ước tính quá cao nhu cầu điện của quốc gia, và vì chi phí của việc sản xuất điện gió và mặt trời đã tụt giảm rõ rệt.

Bắc Kinh từ lâu đã muốn đưa các tàu chở hàng lớn có trọng tải đến 500 tấn xuống Mekong từ phía nam Trung Hoa ít nhất đến Luang Prabang ở Lào.  Nhưng điều đó đòi hỏi phá nổ một số ghếnh thác khổng lồ và nạo vét sông ở gần Chiang Saen, mà các nhà môi trường Thái Lan phản đối kịch liệt vì nó ảnh hưởng đến sinh thái của sông và gây nguy hại cho an ninh lương thực của người dân dọc theo sông.  Giới chức Thái tạm ngưng dự án trong năm 2017 và 3 năm sau đã hủy bỏ hoàn toàn [25].

Sau khi những người buôn bán ma túy giết 13 thủy thủ trong cuộc tấn công 2 tàu chở hàng trên sông Mekong trong lãnh thổ Thái một thập niên trước, Trung Hoa đã gởi các tàu cảnh sát võ trang xuống Mekong qua Myanmar và Lào mỗi tháng.  Các tàu nầy đến khúc sông của Thái, ở đó chúng gặp các tàu tuần của Thái trước khi trở lại Trung Hoa [26].  Bắc Kinh đã gây áp lực với Bangkok để cho phép các tàu tuần của Trung Hoa đi xa hơn nhưng Thái Lan không chấp thuận vì lo ngại rằng điều nầy sẽ cho phép Trung Hoa nới rộng tầm kinh tế và chiến lược sâu vào lục địa ĐNA.

Các đập gây nguy hiểm cho ĐBSCL phì nhiêu của Việt Nam

ĐBSCL ở miền nam Việt Nam, nơi có khoảng 22 triệu người sinh sống, hỗ trợ cho những vùng canh tác giàu có nhất thế giới.  Cánh đồng thấp, gần bằng Denmark, được tạo thành bởi phù sa của sông, một số đến từ Himalayas.  Đồng bằng trồng 3 vụ lúa mỗi năm, đã biến Việt Nam thành một quốc gia xuất cảng gạo quan trọng.  Nhưng đồng bằng chỉ cao hơn mực nước biển một chút và dễ tổn thương với sự xâm nhập của nước mặn.

Vì các đặc tính độc đáo của đồng bằng, nó đang ở trong tình trạng dễ tổn thương.  Các đập mà Trung Hoa, Lào và Cambodia đang xây ở thượng lưu ngăn chận nước, giữ phù sa và ngăn cản việc di chuyển của cá.  Các quốc gia ở hạ lưu thường nhận khoảng 40% nước từ trung Hoa trong mùa khô và 18% trong mùa mưa, nhưng các tỉ lệ nầy đã giảm nhiều vì các đập ở thượng lưu [27].

Sau năm 2020, phù sa đến ĐBSCL ở Việt Nam được ước tính chỉ bằng khoảng 1/3 của mức trong năm 2007 [28].  Các đập cũng ngăn chận sự di chuyển của cá và được dự đoán sẽ làm giảm lợi tức của thủy sản trong các quốc gia ở phía nam Trung Hoa đến 22,6 tỉ USD trong 24 năm, theo một nghiên cứu năm 2018 [29].

Kết luận

Tương lai vật chất, sinh thái và kinh tế của Mekong đang bị đe dọa bởi các đập ở thượng lưu.  Để cho Mekong được lành mạnh và sống còn đòi hỏi Trung Hoa và các láng giềng ĐNA phải tìm cách để chia sẻ nước, cá và phù sa của sông.  Điều nầy cũng sẽ bảo đảm rằng Mekong không trở thành một điểm chớp an ninh như Biển Đông.

Bắc Kinh có thể giảm nhẹ đe dọa hạn hán ở hạ lưu bằng cách cung cấp thêm tin tức về số nước họ chứa ở phía sau các đập và đồng ý xả thêm nước trong mùa mưa.  Số nước nầy rất cần để canh tác ở hạ lưu, nhưng cũng để cứu kỹ nghệ đánh cá ở Tonle Sap, và giữ cho ĐBSCL khỏi bị ngập dưới nước mặn.

Cộng đồng quốc tế, kể cả Hoa Kỳ và Nhật Bản, có thể giúp quốc gia không có bờ biển Lào xây dựng tương lai kinh tế mà không phải xây thêm các đập thủy điện tốn kém và gây nguy hại môi trường.  Nếu Lào nhắm đến các trang trại gió và mặt trời, các láng giềng Thái Lan và Việt Nam sẽ sẳn sàng mua thêm điện để thúc đẩy kinh tế của họ.

Sơ lược về tác giả

Murray Hiebert là tác giả của quyển sách Under Beijing’s Shadow: Southeast Asia’s China Challenge (Dưới Bóng của Bắc Kinh: Thách thức Trung Hoa của Đông Nam Á), xuất bản trong tháng 8 năm 2020, từ đó bài viết nầy được rút ra.  Ông là hội viên kỳ cựu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DC.

Chú thích

 [1]     Kay Johnson, Chinese Dams Held Back Mekong Waters During Drought, Study Finds, Reuters, 13 April 2020, https://www.reuters.com/article/us-mekong-river/chinese-dams-held-back-mekong-waters-during-drought-study-finds-idUSKCN21V0U7.

[2]      John Reed, Laos Faces Sovereign Default As Forex Reserves Dip Below $1 Billion, Financial Times, 3 September 2020, https://www.ft.com/content/dc3f5981-4fd9-4e3a-9824-5b9ddf70735e.

[3]      Keith Zhao and Kay Johnson, Taking Power – Chinese Firm to Run Laos Electric Grid Amid Default Warnings, Reuters, 15 September 2020, https://www.reuters.com/article/china-laos/exclusive-taking-power-chinese-firm-to-run-laos-electric-grid-amid-default-warnings-idUSKBN25V15G.

[4]      Brian Eyler, How China Turned Off the Tap on the Mekong River, Stimson Center, 13 April 2020, https://www.stimson.org/2020/new-evidence-how-china-turned-off-the-mekong-tap; Facts & Figures: Chesapeake Bay Program, https://www.chesapeake.net/discover/facts.

[5]      Eyler, How China Turned Off the Tap on the Mekong River.

[6]      Tomoya Onishi and Marimi Kishimoto, Rice Prices Hit 6-year High as Thailand and Vietnam Face Drought, NikkeiAsia, 31 March 2020, https://asia.nikkei.com/Business/Markets/Commodities/Rice-prices-hit-6-year-high-as-Thailand-and-Vietnam-face-drought.

[7]      T. Piman and S. Manish, Case Study on Sediment in the Mekong River Basin: Current State and Future Trends, Stockholm Environment Institute, 4 November 2017, https://www.sei.org/publications/sediment-mekong-river.

[8]      Mekong River Commission, The Council Study: The Study on Sustainable Management and Development of the Mekong River Including Impacts of Mainstream Hydropower Projects (Phnom Penh: Mekong River Commission, 2017), p. 7, https://mrmekong.org/assets/Publications/Council-Study/Council-study-Reports-discipline/180207-Macroeconomic-Assessment-Report-final-5-MG-2.pdf.

[9]      Flood and Drought, Mekong River Commission, https://www.mrmekong.org/topics/floo-and-drought (accessed August 20, 2019).

[10]   Mekong River Commission, The Council Study, p 7.

[11]   MRC Vietnam Condemns Thai Company’s Contract to Build Xayaburi Dam, Thanh Nien News, 24 April 2012, http://www.thanhniennews.com/politics/mrc-vietnam-condemns-thai-companys-contract-to-build-xayaburi-dam-7641.html.

[12]   Thailand Delays Decision on Power Purchase from Pak Beng Dam, Open Development Mekong, 13 March 2018, https://opendevelopmentmekong.net/news/thailand-delays-decision-on-power-purchase-from-pak-beng-dam.

[13]   World Bank Group, Lao PDR Economic Monitor: Building a Resilient Health System, June 2020, http://pubdocs.worldbank.org/en/962271591369090988/Lao-Economic-Monitor-June-2020-final.pdf, p 26.

[14]   Keith Barney and Kanya Souksakoun, Credit Crunch: Chinese Infrastructure Lending and Laos Sovereign Debt, Asia Pacific Policy Studies, 2021:1-20, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/app5.318.

[15]   Zhao and Johnson, Taking Power – Chinese Firm to Run Laos Electric Grid Amid Default Warnings.

[16]   Barney and Souksakoun, Credit Crunch: Chinese Infrastructure Lending and Lao Sovereign Debt, p 10.

[17]   Barney and Souksakoun, Credit Crunch: Chinese Infrastructure Lending and Lao Sovereign Debt, p 11.

[18]   Brian Eyler, Last Days of the Mighty Mekong, Zed Books, 2019, p 220.

[19]   Shashank Bengali, ‘No Fish’: How Dams and Climate Change Are Choking Asia’s Great Lake, Los Angeles Times, 20 January 2020, https://www.latimes.com/world-nation/story/2020-01-20/how-climate-change-and-dams-threaten-one-of-the-worlds-great-lakes.

[20]   National Heritage Institute, Cambodia (Sambor), December 2017, https://n-h-i.org/programs/restoring-natural-functions-in-developed-river-basins/mekong-river-basin/cambodia-sambor.

[21]   Soth Koemseun, Lower Sesan II Dam Opens, Phnom Penh Post, 18 December 2018, https://www.phnompenhpost.com/national/lower-sesan-ii-dam-opens.

[22]   Phak Seangly and Daphne Chen, Seasan Dam Goes Online, while PM Dismisses Environmental Concerns, 26 September 2017, https://www.phnompenhpost.com/national/sesan-dam-goes-online-while-pm-dismisses-environmental-concerns.

[23]   Guy Ziv, Eric Baran, So Nam, Ignacio Rodriguez-Iturbe and Simon A. Levin, Trading-off Fish Biodiversity, Food Security, and Hydropower in the Mekong River Basin, Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 10 April 2012, https://www.pnas.org/content/109/15/5609.

[24]   National Heritage Institute, Cambodia (Sambor), December 2017.

[25]   Andrew Stone, Chinese Firm Fails to Convince Locals Over Mekong Blasting, The Third Pole, 29 January 2019, https://www.thethirdpole.net/en/regional-cooperation/mekong-blasting.

[26]   Michael Sullivan, China Reshapes The Vital Mekong River to Power Its Expansion, National Public Radio, 6 October 2018, https://www.npr.org/2018/10/06/639280566/china-reshapes-the-vital-mekong-river-to-power-its-expansion.

[27]   Mekong: Climate Change Adaptation Strategy and Action Plan, Mekong River Commission, November 2017, p 19, http://mrcmekong.org/assets/Publications/MASAP-book-28-Aug 18.pdf; Peter T. Adamson, Ian D. Rutherford, Murray C. Pell and Iwona A. Conlan, The Hydrology of the Mekong River, The Mekong River, pp 53-76, 2009, https://www.researchgate.net/publication/279971517_The_Hydrology_of_the_Mekong_River.

[28]   Short Technical Note: Mekong Sediment From the Mekong River Commission Study, p. 8, https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Mekong-sediment-from-the-MRC-Council-Study-Technical-notedocx.pdf.

[29]   The Council Study: The Study on the Sustainable Management and Development of the Mekong River Basin, Including Impacts of Mainstream Hydropower Projects (Final Report), Mekong River Commission, December 2017, https://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Council-Study/Macro-economic-assessment-report_Council-Study.pdf. see also https://www.researchgate.net/publication/279971517_The_Hydrology_of_the_Mekong_River.