Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 04 tháng 5 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Share this post on:

Sau khi bị chỉ trích, Tổng thống Biden nâng giới hạn người tị nạn lên 62.500 suất

04/05/2021 – Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu tại bang Georgia hôm 29/4/2021.

Hôm 3/5, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết ông đã hồi sinh kế hoạch tăng số người tị nạn trong năm nay lên 62.500 người sau khi xuất hiện làn sóng chỉ trích từ những người ủng hộ vì trước đó ông giới hạn số người tị nạn ở mức thấp trong lịch sử, theo Reuters.

Tổng thống Biden thuộc Ðảng Dân chủ chính thức đưa ra quyết định này chỉ hai tuần sau khi chính quyền của ông tuyên bố sẽ giữ giới hạn ở mức 15.000 mà tổng thống tiền nhiệm Đảng Cộng hòa Donald Trump đã đặt ra trước đó.

Trong một tuyên bố, ông Biden cho biết hành động của ông nhằm “xóa bỏ con số thấp lịch sử do chính quyền trước đó đặt ra là 15.000, cho rằng con số này chưa phản ánh các giá trị của nước Mỹ với tư cách là một quốc gia chào đón và giúp đỡ người tị nạn.”

Ông nói: “Điều quan trọng là phải thực hiện hành động này ngay hôm nay để xóa bỏ mọi nghi ngờ còn tồn tại trong tâm trí của những người tị nạn trên khắp thế giới, những người đã phải chịu đựng rất nhiều và đang nóng lòng chờ đợi cuộc sống mới của họ bắt đầu.”

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2021, Tổng thống Biden cam kết sẽ đẩy mạnh chương trình tiếp nhận người tị nạn nhưng sau đó đã khiến các đồng minh bất ngờ khi ông quyết định giữ giới hạn cũ vì lo ngại về các diễn biến bên ngoài chưa rõ ràng, trong bối cảnh số di dân vượt biên vào Hoa Kỳ từ biên giới Mexico tăng cao.

Theo một bản ghi nhớ do ông Biden ký, sẽ có 22.000 suất cho người tị nạn từ châu Phi, 6.000 từ Đông Á, 4.000 từ châu Âu và Trung Á, 5.000 từ nam Mỹ và vùng Caribe, và 13.000 từ Nam Á. Và còn có 12.500 suất khác chưa được phân bổ.

Ông Biden cho biết ông không chắc là Hoa Kỳ có thể đón nhận tất cả 62.500 người tị nạn trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào ngày 30/9/2021, cũng như đạt được mục tiêu 125.000 người nhập cư vào năm tới.

Tiết lộ điểm yếu của hàng không mẫu hạm Trung Quốc qua vụ tai nạn của phi công J-15

The Epoch Times đưa tin, vào ngày 26/4, Tân Hoa xã, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã đăng một bài báo để tưởng nhớ một phi công máy bay chiến đấu J-15 trên hàng không mẫu hạm của nước này, người đã chết trong một vụ tai nạn do hệ thống điều khiển điện tử của máy bay bị trục trặc khi hạ cánh; bài báo đã vô tình tiết lộ điểm yếu trong khả năng tác chiến của hàng không mẫu hạm Trung Quốc.

Luôn có những nghi ngờ về khả năng thực sự của các hàng không mẫu hạm Trung Quốc và việc đào tạo phi công J-15 trên tàu chiến này. Bản báo cáo chưa từng có này, dường như là một nỗ lực nhằm khôi phục niềm tin của công chúng, vì phương tiện truyền thông của ĐCSTQ hiếm khi công khai những vụ tai nạn liên quan đến quân đội như vậy.

Bài báo mô tả, “Vào ngày 27/4/2016, khi phi công Zhang Chao của J-15 đang hạ cánh, hệ thống điều khiển của máy bay phản lực đột nhiên gặp trục trặc khiến máy bay lao lên nhanh chóng. 4,4 giây sau, Zhang đã phóng ra khỏi buồng lái ở độ cao không đủ so với mặt đất để chiếc dù hoạt động, kết quả Zhang bị rơi và chết”.

Trung Quốc ban đầu muốn mua máy bay chiến đấu từ Nga để trang bị cho hàng không mẫu hạm nhưng không thể thương lượng một mức giá chấp nhận được. Sau đó, họ đã nhận được một nguyên mẫu Su-33, T-10K-7, từ Ukraine, vì vậy họ quyết định chế tạo máy bay chiến đấu J-15 của riêng mình bằng cách bắt chước nguyên mẫu Su-33.

Sau khi Zhang qua đời, phi công được ca tụng là “liệt sĩ” cấp quốc gia, nhưng thực ra anh ta là nạn nhân của âm mưu sao chép công nghệ mà chính quyền Trung Quốc đã đánh cắp.

Tân Hoa Xã cho rằng vụ tai nạn là do “hệ thống điều khiển bị trục trặc đột ngột”, điều này ít nhất chỉ ra rằng chiếc J-15 lẽ ra phải vượt qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn trước khi được chuyển giao cho quân đội một cách vội vàng. Các phi công của hàng không mẫu hạm Trung Quốc phải đặt tính mạng của họ vào tình thế nguy hiểm trong quá trình huấn luyện, và thực sự không công bằng khi họ bỏ mạng cuối cùng để trở thành “liệt sĩ” quốc gia.

Nhưng tính mạng và sự an toàn của các phi công dường như không phải là điều mà chế độ thực sự quan tâm, như được trình bày trong đoạn sau của bài báo của Tân Hoa Xã.

Bài báo có đoạn: “Năm 2017, đồng đội cũ của Zhang, Zhao Hongliang, đã nói rất nhiều trước bia mộ của Zhang: ‘Bạn có biết không? Mới tháng trước, J-15 đã đạt được bước đột phá về kỹ thuật khi cất cánh và hạ cánh vào ban đêm. ”” Bước đột phá kỹ thuật thực sự là tiêu điểm chính của tiêu đề và bài báo trên Tân Hoa xã.

Tiết lộ trình độ huấn luyện thực sự của phi công trên hàng không mẫu hạm

Theo Tân Hoa xã, Zhao từng là một trong những đồng đội không quân của Zhang. Khi Zhang được chọn vào đơn vị phi công máy bay chiến đấu trên hàng không mẫu hạm, Zhao không được chọn mà sau đó trở thành người hướng dẫn bay, tập trung vào việc phát triển “các kỹ năng quan trọng” của phi công hàng không mẫu hạm trong không chiến.

Đây chính là điểm đáng lưu ý, Zhao, ban đầu không đủ tư cách là phi công hàng không mẫu hạm, sau đó được giao nhiệm vụ huấn luyện phi công trên tàu chiến này. Tuy nhiên, Tân Hoa xã trong bài báo này tự hào rằng “Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên của ‘hàng không mẫu hạm kép’, và hệ thống đào tạo phi công máy bay chiến đấu trên tàu chiến này ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.”

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã tiết lộ về cơ bản hệ thống đào tạo của các phi công trên hàng không mẫu hạm Trung Quốc thực sự tốt như thế nào và có bao nhiêu rủi ro đối với những phi công đó. Bài báo kết luận bằng cách nói, “Nguyên nhân này cần những người không sợ chết.”

ĐCSTQ không coi trọng tính mạng con người, cố tình ép các phi công của họ vào những điều kiện huấn luyện có độ rủi ro cao. Còn những phi công trẻ đó, có đáng chết vì sự nghiệp của chế độ không?

Covid-19: VN ráo riết chống dịch, siết chặt việc cách ly

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe tại các khu vực lân cận Đà Nẵng hồi tháng 7/2020 (Ảnh minh họa)

Hàng loạt địa phương ở Việt Nam đã tăng cường các biện pháp chống dịch quyết liệt, giữa lúc các ca lây nhiễm cộng đồng đã quay trở lại.

Sáng nay, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 4 bệnh nhân Covid-19 mới, là 2 ca nhập cảnh và 2 ca lây nhiễm trong nước tại Đà Nẵng và Hà Nội.

Ngoài ra, tại Hà Nội vừa có thêm một ca nghi nhiễm, là chuyên gia Ấn Độ ở Times City và làm việc cho Công ty VinFast.

Người này nhập cảnh ngày 17/4, được cách ly tập trung tại khách sạn Cảnh Hưng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, đã xét nghiệm 2 lần (ngày 19 và 30/4), kết quả đều âm tính với Covid-19. Đến ngày 3/5, chuyên gia này đến Bệnh viện Vinmec làm xét nghiệm Covid và có kết quả dương tính.

Hiện ông đang được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, mẫu bệnh phẩm đã được chuyển đến CDC Hà Nội để tiếp tục xét nghiệm. Bước đầu xác nhận có sáu trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp này.

Vì ca mắc này, toàn thể cư dân của tòa nhà Park 10 được yêu cầu không rời khỏi tòa nhà từ 23h30 ngày 3/5. Những hộ dân ở tầng 24 không di chuyển khỏi tầng.

Cũng trong sáng nay, Bộ Y tế vừa gửi tin khẩn cho biết tạm thời chưa cho rời khỏi khu cách ly với những người đã cách ly tập trung dù đủ 14 ngày và có 2 xét nghiệm âm tính.

Theo đó, từ 0h ngày 4/5, dừng việc cho người ra khỏi khu cách ly và chờ tới khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Quyết định này được Bộ Y tế đưa sau khi thời gian gần đây có một số trường hợp hết thời gian cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với Covid-19, làm lây lan dịch trong cộng đồng.

Cụ thể, hôm 29/4, thanh niên 28 tuổi, từ Nhật Bản về được có kết quả dương tính Covid-19, dù đã hoàn thành 14 ngày cách ly tại Đà Nẵng với 3 lần xét nghiệm âm tính. Đến nay, Hà Nam đã xác định 19 trường hợp dương tính liên quan đến bệnh nhân này.

Ngày 2/5 ghi nhận một chuỗi lây nhiễm khác ở Vĩnh Phúc là từ nhóm 5 chuyên gia Trung Quốc. Nhóm này đến Sunny Club sau khi kết thúc cách ly tại khách sạn Yên Bái từ ngày 9 đến 23/4. Họ cũng được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, đều cho kết quả âm tính Covid-19. Sau khi hết thời gian cách ly, từ ngày 23/4 họ đi đến nhiều nơi như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…

Đến tối 3/5, có 7 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Đã Nẵng, Yên Bái, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Quảng Nam đã cho học sinh trên toàn địa bàn hoặc ở một số địa phương chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch Covid-19.

Đà Nẵng cấm các hoạt động tắm biển, massage và rạp phim từ ngày 4/5.

Tại Hà Nội, hôm 3/5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu từ 17 giờ cùng ngày, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo, quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè đến khi có chỉ đạo mới.

Tính từ 27/4 đến 4/5, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 37 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 7 tỉnh, thành phố gồm Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên, Đà Nẵng, Yên Bái. Theo đó, Việt Nam đang phải đối mặt với 4 ổ dịch có nguồn lây khác nhau.

Song song với các biện pháp phòng dịch, nhà chức trách Việt Nam cũng tăng cường kiểm soát biên giới để chống người nhập cảnh lậu, phạt nặng và truy tố hình sự các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Covid-19 : Ấn Độ vượt ngưỡng 20 triệu ca nhiễm, đối lập kêu gọi phong tỏa toàn quốc

Một phòng tiệc tạm thời được chuyển thành phòng điều trị Covid-19 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 27/4/2021. © MONEY SHARMA / AFP

Ấn Độ có thêm hơn 357.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên thành 20 triệu và có hơn 222.000 người chết kể từ đầu mùa dịch, theo số liệu ngày 04/05/2021.

Ông Rahul Gandhi, người đứng đầu phe đối lập, kêu gọi chính phủ ban hành phong tỏa toàn quốc để khống chế dịch tái bùng phát dữ dội chỉ từ hai tuần gần đây. Trên mạng Twitter, nghị sĩ đối lập thuộc đảng Quốc Đại cũng lên án « việc chính phủ Ấn Độ không hành động đang giết rất nhiều người dân vô tội ».

Thông tín viên Sébastien Farcis tường trình từ New Delhi :

« Chỉ sau 15 ngày Ấn Độ có thêm 5 triệu ca nhiễm Covid-19. Tốc độ tăng gấp 8 lần so với trong những tháng trước đó và số ca nhiễm được ghi nhận có lẽ còn thấp hơn nhiều so với thực tế : chỉ 1 trên 4 xét nghiệm Covid-19 được tiến hành có kết quả dương tính.

Điều này cho thấy có rất nhiều ca nhiễm bị bỏ qua. Ấn Độ ghi nhận khoảng 400.000 ca mới mỗi ngày. Có lẽ con số này phải cao gấp đôi nhưng Ấn Độ không có đủ khả năng xét nghiệm nhiều hơn.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu được cải thiện ở vùng Bombay, ổ dịch đầu tiên trong đợt thứ hai, nơi chiến đấu chống dịch từ một tháng nay. Ở New Delhi và Pendjab, số ca nhiễm cũng đã giảm, nhưng mức giảm còn thấp. Ngược lại, virus lây lan mạnh ở miền đông và miền nam nước này và hiện trở thành những ổ dịch mới. Ấn Độ sẽ còn phải đối mặt với nhiều tuần dài và khó khăn ».

Thủ tướng Úc rút đe dọa phạt tù nhưng vẫn không nhận người từ Ấn Độ về

Trước tình hình dịch ngoài tầm kiểm soát ở Ấn Độ, thủ tướng Úc Scott Morrison vẫn khẳng định « sẽ bảo vệ biên giới của chúng ta (Úc) trong suốt giai đoạn này ». Tuy nhiên, ngày 04/05, ông Morrison đã rút lại lời đe dọa phạt 5 năm tù bất kỳ ai tìm cách từ Ấn Độ trở về Úc, trong đó có việc trung chuyển ở nước thứ ba.

Theo AFP, trong số những công dân Úc bị kẹt ở Ấn Độ, có rất nhiều tuyển thủ khúc côn cầu tham gia giải thi đấu. Một cựu tuyển thủ, bị kẹt ở Maldives, viết trên mạng Twitter : « Nếu chính phủ của chúng ta lo cho sự an toàn của người dân Úc, thì họ đã cho chúng tôi về nhà. Thật hổ thẹn ! Ngài thủ tướng, tay ông đang nhuốm máu ».

Covid-19 tại Ấn Độ: Áp lực gia tăng lên thủ tướng Modi

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử ở thành phố Calcutta, ngày 07/03/2021. AP – Bikas Das

Hôm nay, 04/05/2021, theo các số liệu chính thức, số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ tính từ đầu mùa dịch đã vượt qua ngưỡng 20 triệu, vào lúc mà quốc gia đông dân thứ 2 thế giới ngày càng lún sâu vào khủng hoảng dịch tễ, cả nước thiếu ô-xy, các lò thiêu bị quá tải, bệnh viện không còn chỗ.            

Trước tình hình này, New Delhi đã phải cầu cứu quốc tế và người dân Ấn Độ ngày càng thấy rõ thủ tướng Narendra Modi không còn là một nhà lãnh đạo sáng suốt, một bậc hiền triết thông tuệ, mà là người chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra cơn sóng thần Covid-19 hiện nay.

Trong đợt dịch thứ nhất năm 2020, để chặn đứng sự lây lan của virus corona, ông Modi đã ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc suốt 2 tháng. Ông thông báo quyết định đó vào ngày 24/03/2020, trong lúc tại quốc gia 1,4 tỷ dân này chỉ mới có 415 ca nhiễm. Thủ tướng Modi cũng chẳng tham khảo ý kiến các chuyên gia để xem có đáng phong tỏa toàn quốc gắt gao như thế hay không. Đơn giản chỉ là vì ông muốn làm giống như các nước phương Tây lúc đó. Ấy là chưa kể lệnh phong tỏa được ban hành với hiệu lực ngay lập tức, người dân Ấn Độ chỉ có 4 tiếng đồng hồ để quay về tự nhốt mình trong nhà! Tổng cộng đã có đến 400 triệu người lao động thời vụ, mỗi năm vẫn rời nông thôn ra thành thị kiếm sống, ngày hôm trước ngày hôm sau bị mất việc, không có lương mà cũng không có phương tiện để trở về quê.

Mặc dù biện pháp này gây hậu quả nặng nề về mặt kinh tế, nhưng người dân Ấn Độ lúc đó cũng không trách cứ chính phủ Modi. Tuy nhiên, vấn đề là đến khi số ca nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ bắt đầu tăng đều đặn, vào tháng 09/2020 lên đến đỉnh của đợt dịch thứ nhất, với gần 100.000, thủ tướng Modi lại dỡ bỏ dần dần các hạn chế. Rồi ông còn liên tục nhấn mạnh đến “ngoại lệ Ấn Độ”: rất ít ca nhiễm và ca tử vong tính theo tỷ lệ dân số. Thủ tướng Modi còn lạc quan đến mức mà trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26/09/2020, ông đã thông báo “khả năng sản xuất vac-xin và khả năng cung ứng của Ấn Độ sẽ được huy động để giúp nhân loại chống cuộc khủng hoảng này”!

Các cử tri của thủ tướng Ấn Độ tuy vậy vẫn tin vào sự “sáng suốt” của “nhà hiền triết” Modi. Cho nên, đảng BJP của ông vào cuối tháng 11/2020 vẫn giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử cấp vùng ở bang Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ và là một trong những nơi có nhiều lao động thời vụ nhất. 

Nhưng uy tín của ông Modi có vẻ như không thể chống đỡ được trước đợt dịch thứ hai, như một cơn sóng thần đang nhấn chìm dần cả nước. Lần đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền năm 2014, thủ tướng Ấn Độ gặp khó khăn trên chính trường, thể hiện qua thất bại của đảng cầm quyền BJP tại bang Tây Bengal trong cuộc bầu cử ngày 02/05, cho dù đích thân ông Modi đã vận động hết mình trong chiến dịch tranh cử để cố chinh phục bang này, vào lúc mà đại dịch Covid-19 hoành hành ngày càng dữ dội.  

Theo thông tín viên của tờ Le Monde ở New Delhi ngày 04/05/2021, chính thái độ có vẻ như xa rời thực tế khiến ông Modi bị chỉ trích ngày càng nặng nề. Trên các mạng xã hội, ông bị lên án là “kiêu căng, tự mãn”, chính phủ của ông thì bị xem mà “mất định hướng”, “bất tài”. Nhất là khi bộ trưởng Y Tế Harsh Vardhan tuyên bố ngày 27/04 rằng Ấn Độ “được chuẩn bị tốt hơn cả về tinh thần lẫn vật chất so với đợt dịch đầu”, người dân lại càng phẫn nộ. 

Không những thế, thủ tướng Modi còn cho phép tổ chức hai sự kiện mà sau đó đã khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh thêm nữa: cuộc hành hương khổng lồ Kumbh Mela với hàng triệu người Hindu đứng sát với nhau bên bờ sông Hằng và các cuộc bầu cử địa phương ở 4 bang. Ông còn hào phóng phân phát vac-xin cho các nước láng giềng, mà không hề biết là nguy cơ khan hiếm thuốc tiêm chủng đang đe dọa Ấn Độ. 

Bất chấp khuyến cáo khẩn thiết của các chuyên gia, cho tới nay ông vẫn dứt khoát không ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế.

Ngay chính Liên đoàn công nghiệp Ấn Độ (CII) hôm Chủ Nhật vừa qua cũng đã kêu gọi chính phủ phải có hành động và “giảm thiểu hoạt động kinh tế” để chặn đứng lây lan của Covid-19. Trên thực tế, bất chấp thái độ của chính phủ trung ương, thủ đô New Delhi và bang Maharashtra, nơi có Bombay, thủ phủ kinh tế của Ấn Độ hiện đang bị phong tỏa. Nhiều bang khác thì đã giảm bớt các hoạt động kinh tế. 

Chính phủ Ấn Độ nay cũng đã bắt đầu chích ngừa Covid-19 cho toàn bộ người lớn ở nước này, nhưng vấn đề là nhiều bang đang thiếu vac-xin.  

Tóm lại, chính thủ tướng Modi đã khiến cho Ấn Độ, thay vì “cứu cả nhân loại”, nay phải trông chờ vào những bình ô-xy đến từ các nước. Với tổng số ca nhiễm nay đã vượt qua ngưỡng 20 triệu và số ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn cao nhất thế giới, áp lực càng gia tăng lên thủ tướng Modi.

Thêm bằng chứng củng cố khẳng định John Kerry ‘thông đồng’ với Iran

Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (ảnh: Chụp màn hình Youtube/The New York Times).

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ bênh vực ông John Kerry trước thông tin cho rằng cựu ngoại trưởng Mỹ bán đứng đồng minh Israel, tờ Washington Free Beacon đã đưa ra bằng chứng mới khẳng định việc ông Kerry thông đồng với Teheran là có thật, theo Western Journal.

Tuần trước, The New York Times đưa tin Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trong một đoạn băng bị rò rỉ rằng Kerry đã nói với ông rằng Israel đã thực hiện khoảng 200 cuộc tấn công vào các mục tiêu của Iran tại Syria.

Trước áp lực từ truyền thông và công chúng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng bênh vực ông Kerry.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Ned Price, nói: “Nếu bạn quay lại và xem báo chí đưa tin vào thời điểm đó, điều này [điều mà ông Kerry nói với Iran] chắc chắn không phải là bí mật và các chính phủ có liên quan đã nói về điều này một cách công khai trong hồ sơ”.

Còn Ngoại trưởng Antony Blinken thì nói rằng các cuộc tấn công của Israel ở Syria “tất cả đều được báo chí đưa tin vào thời điểm đó, vì vậy điều đó [điều mà ông Kerry nói] hoàn toàn vô nghĩa”.

Về phần mình, ông Kerry đã phủ nhận việc nói cho Iran biết Israel đang làm gì ở Syria.

“Tôi có thể nói với bạn rằng câu chuyện này và những cáo buộc này hoàn toàn là sai sự thật. Điều này chưa bao giờ xảy ra – kể cả khi tôi còn là Ngoại trưởng hay kể từ [sau thời gian] đó”, ông Kerry tweet hôm 27/2.

Tuy nhiên, trong một báo cáo được công bố hôm 29/4, Washington Free Beacon cho biết họ đã đưa cuốn băng cho một thực thể dịch thuật độc lập, kết quả là ông Zarif đã khẳng định trong cuốn bằng rằng ông Kerry là nguồn thông tin ban đầu. Điều này có nghĩa là ông Zarif không hề biết rằng Israel đã thực hiện các cuộc tấn công vào tài sản của Iran tại Syria cho tới khi được ông Kerry thông báo.

Phản ứng trước hành động thông đồng với Iran của ông Kerry, Dân biểu Cộng hòa Jim Banks của tiểu bang Indiana cho biết với scandal này, ông Kerry không thể tiếp tục làm đại diện cho Hoa Kỳ.

“John Kerry phải từ chức ngay lập tức”, ông Jim Banks nói. “Cuộc điều tra nên được hồi cứu”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Fox News, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng các giao dịch của Kerry với Iran đã gây thiệt hại cho nước Mỹ, bất kể ông ta đã nói với Teheran bao nhiêu thông tin nội bộ.

“John Kerry nợ người dân Mỹ một lời giải thích chính xác về những gì ông đã thảo luận với người Iran. Di sản của các chính sách Trung Đông của chính quyền Obama là thất bại. Cũng chính những người chủ trì những chính sách thất bại đó (Kerry, Wendy Sherman, Robert Malley và Jake Sullivan) giờ đã trở lại nắm quyền, và họ dường như hoàn toàn cam kết lặp lại những sai lầm trong quá khứ của mình”, ông Pompeo viết.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng, John Kerry cũng đã sử dụng các kênh cửa hậu này để làm suy yếu đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trong khu vực bằng cách thảo luận về các hoạt động quân sự của Israel ở Syria. Và hành động của Kerry có thể là mục tiêu chính sách nhất quán nhất của chính quyền Obama.

Pompeo cũng tin rằng hành động này của John Kerry là đặc trưng của chính quyền Obama và Biden, hai chính quyền coi thường ý nguyện của người dân, coi thường các giới hạn hiến pháp đối với thẩm quyền của họ và “phá hoại an ninh quốc gia của chúng ta, cũng như an ninh của các đồng minh của chúng ta”.