Điểm tin thế giới ngàyThứ sáu 19 tháng 3 năm 2021 – Võ Thái Hà tóm lược

Share this post on:

Mỹ- Trung đấu khẩu gay gắt trong cuộc gặp đầu tiên dưới chính quyền Biden

Phái đoàn Trung Quốc (T) và Mỹ đấu khẩu gay gắt trong cuộc gặp đầu tiên tại Anchorage, Alaska, Hoa Kỳ, ngày 18/03/2021. AFP – FREDERIC J. BROWN

Trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Alaska, Hoa Kỳ, ngày hôm qua, 18/03/2021, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã đấu khẩu gay gắt, thể hiện sự bất đồng sâu rộng giữa hai nước.

Một sự kiện hy hữu : trước các phóng viên quốc tế, ngoại trưởng Antony Blinken trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh đe dọa trật tự và ổn định chung toàn cầu qua lối hành xử trấn áp, cưỡng chế, hù dọa trong các hồ sơ Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, và qua các vụ tấn công cyber nhắm vào Mỹ.

Đáp trả, nhân vật cao cấp nhất trong ngành ngoại giao Trung Quốc, ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cảnh cáo : Hoa Kỳ nên tránh can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và cần từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh.

Thông tín viên Eric de Salve từ San Fancisco tường thuật về không khí « giá lạnh » trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Alaska :

« Ngay từ đầu, cuộc thảo luận đã diễn ra không tốt đẹp. Trước ống kinh truyền hình, hai siêu cường đã lao vào một cuộc đấu khẩu. Lãnh đạo Ngoại Giao Hoa Kỳ trước hết nên bật những mối ‘quan ngại sâu sắc’ về tình cảnh của người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Tiếp đó, Antony Blinken đề cập thẳng thừng đến những chủ đề gây bất đồng như là Hồng Kông, Đài Loan và những đợt tấn công trên mạng nhắm vào Hoa Kỳ.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc lập tức đáp trả mạnh mẽ, lên án Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và có cách tiếp cận vấn đề trịch thượng ». Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh Mỹ không có quyền lên lớp cho Bắc Kinh về nhân quyền hay dân chủ và tốt hơn hết là Hoa Kỳ nên tập trung giải quyết những vấn đề kỳ thị trong nước, và ông trích dẫn thí dụ của phong trào đấu tranh của người Mỹ da đen Black Lives Matter.

Một hình ảnh khác cũng đáng ngạc nhiên không kém đó là khi các phóng viên được mời rời khỏi phòng họp, thì phía Bắc Kinh đã mỉa mai về quyền tự do báo chí ở Mỹ. Ngoại trưởng Blinken vội vàng mời báo giới quay lại phòng họp trước khi đáp lời phái đoàn ngoại giao Trung Quốc rằng ‘Hoa Kỳ không làm ngơ trước những vấn đề của mình, cũng không cố gắng làm như thể không có chuyện gì xảy ra, hay tìm cách che giấu những vấn đề đó đi’. Ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Cuối cùng ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Washington hãy từ bỏ lối suy nghĩ như thời chiến tranh lạnh. Đối thoại giữa lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ và Trung Quốc tại Alaska dự trù diễn ra trong hai ngày ». 

Mexico vào cuộc, ngăn chặn làn sóng di cư từ Nam Mỹ tới Hoa Kỳ

Lực lượng biên phòng Mỹ cố ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào biên giới nước Mỹ (ảnh: Youtube/The Hill).

Mexico được cho là đang chuẩn bị “củng cố đáng kể” nỗ lực ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp đang đi vào biên giới phía Nam của mình từ Guatemala khi họ trên đường di chuyển đến biên giới Mỹ-Mexico.

Nỗ lực này nhằm đối phó trực tiếp với cuộc khủng hoảng biên giới nổ ra dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

Mexico sẽ “triển khai các lực lượng an ninh để cắt giảm dòng người di cư, phần lớn trong số họ đến từ Trung Mỹ được gọi là Tam giác Bắc của Guatemala, El Salvador và Honduras…”, Reuters đưa tin. 

Reuters đưa tin vào tuần trước rằng, theo các quan chức chính phủ và các báo cáo, Mexico “lo lắng các chính sách tị nạn mới của chính quyền Mỹ đang kích động nhập cư bất hợp pháp và tạo ra hoạt động kinh doanh cho tội phạm có tổ chức”. 

Các chính sách của ông Biden đã tác động đáng kể đến tình hình biên giới khi hơn 100.000 người di cư đã bị bắt giữ vào tháng trước vì cố gắng nhập cảnh trái phép vào Mỹ, con số cao nhất trong tháng 2 kể từ năm 2006.

Quy mô của cuộc khủng hoảng bùng nổ trước truyền thông trong tuần này sau khi CBS News đưa tin rằng, có hơn 13.000 trẻ vị thành niên không có người đi kèm bị giam giữ tại Hoa Kỳ sau khi các quan chức cho biết vào đầu tuần rằng con số chỉ là hơn 4.200 một chút.

Mỹ quyết tâm chống nạn kỳ thị nhắm vào cộng đồng người châu Á

Ảnh minh họa :Thành viên một hiệp hội người gốc Hàn tại Atlanta kêu gọi chống hành vi hận thù người châu Á sau vụ nổ súng tại 3 phòng mát-xa, làm 8 người thiệt mạng. Ảnh ngày 18/03/2021. REUTERS – DUSTIN CHAMBERS

Nhiều chính khách Mỹ lên tiếng hôm 18/03/2021 sau vụ xả súng tại bang Georgia nhắm vào cộng đồng người châu Á làm 8 người chết. Dân biểu Steven Cohen của đảng Dân Chủ tuyên bố sẽ làm « tất cả để bảo vệ » những người châu Á sống tại Hoa Kỳ.

Tổng thống Biden cách nay hai ngày trên Twitter chia sẻ nỗi đau buồn to lớn của cộng đồng Á châu tại Mỹ và ông nhấn mạnh : những vụ tấn công gần đây nhắm vào cộng đồng này « phải chấm dứt ». Nhà Trắng và các cơ sở của chính quyền liên bang treo cờ rủ trong suốt tuần để tưởng niệm các nạn nhân.

Trong cuộc điều trần ngày 18/03/2021 về những hành vi sách nhiễu và kỳ thị nhắm vào người châu Á tại Hoa Kỳ dân biểu Steven Cohen tuyên bố Hạ Viện hoàn toàn « đoàn kết » với cộng đồng này và làm hết sức mình để bảo vệ những người Mỹ bị tấn công.

Hôm Thứ Ba, 16/0./2021 một thanh niên 21 tuổi, nổ súng tại ba phòng mát-xa do người châu Á quản lý ở thành phố Atlanta. Thủ phạm đã bị bắt và bị khởi tối về tội sát nhân. Cộng đồng người châu Á tại Mỹ bàng hoàng trước một vụ giết hại thường dân được cho là mang màu sắc kỳ thị.

Nhiều thành phố lớn như New York, Seattle, Chicago, San Francisco tăng cường các lực lượng cảnh sát tại những khu vực đông người châu Á cư ngụ. Theo tổ chức chống kỳ thị Stop AAPI Hate, trong năm vừa qua đã có trên 3.800 vụ tấn công nhắm vào người da vàng. Số hồ sơ kiện về các vụ kỳ thị nhắm vào người Á châu tại 16 thành phố lớn trên toàn quốc trong năm 2020 tăng 150 %.

Theo các tổ chức chống kỳ thị chủng tộc, một trong những lý do giải thích hiện tượng nói trên là tuyên bố của cựu tổng thống Donald Trump đã luôn gọi virus corona xuất phát từ Vũ Hán là virus Trung Quốc.

Tổng thống Nga Putin ‘thách đấu’ Joe Biden bằng tranh luận tay đôi

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông muốn thảo luận trực tiếp với Joe Biden

Tổng thống Nga Vladimir Putin thách Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc thảo luận trực tiếp.

Truyền thông Nga đưa tin ông Putin hôm 18/3 cho biết sẵn sàng nói chuyện với người đồng cấp Mỹ.

“Tôi sẽ không trì hoãn cuộc nói chuyện này. Chúng tôi sẵn sàng bất cứ lúc nào thuận tiện cho phía Mỹ,” ông Putin hồ hởi.

“Để không châm chọc từ xa như thế này, chúng ta có thể và chúng ta cần phải tiếp tục quan hệ với nhau”.

Ông Putin nói trên kênh truyền hình Rossiya-24: “Tôi muốn mời ông Biden tiếp tục cuộc tranh luận của chúng ta, nhưng với điều kiện là phải thực hiện một cách trực tiếp, như người ta nói, là tranh luận online.”

“Không trì hoãn nữa, mà tranh luận trực tuyến cởi mở. Tôi cho rằng điều đó sẽ rất thú vị đối với nhân dân Nga, nhân dân Mỹ và nhiều quốc gia khác”, ông Putin nói trên kênh truyền hình Rossiya-24.

Trước đó, trả lời đài ABC News, ông Biden nói ông nghĩ Putin là “kẻ giết người”.

Nga triệu hồi đại sứ từ Mỹ về, theo sau câu nói của Biden.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã trả lời rằng cuộc thảo luận Biden-Putin sẽ không xảy ra.

Trả lời ABC News ngày 17/3, ông Biden cũng nói Putin sẽ phải “trả giá” vì được cho là đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Mới đây, tình báo Mỹ nói có thể Tổng thống Putin đã chỉ đạo thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng theo hướng có lợi cho cựu Tổng thống Donald Trump và làm mất uy tín ông Joe Biden.

Bản báo cáo dài 15 trang do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia công bố hôm thứ Ba đã vạch ra những gì họ cho là “hoạt động gây ảnh hưởng” do Nga và Iran thúc đẩy.

Các cá nhân có liên hệ với Nga đã lan truyền những tuyên bố không có cơ sở về Tổng thống Biden trước cuộc bầu cử ngày 3/11, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng cho biết một chiến dịch thông tin sai lệch đã được tung ra nhằm làm suy yếu niềm tin vào toàn bộ quá trình bầu cử.

Nga đã bác bỏ cáo buộc này.

Quốc hội Úc đề nghị thu hồi hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng

Hình ảnh đồ họa cảng Darwin (ảnh: Từ video của NT Government)

Quốc hội Úc đã đưa ra một báo cáo khuyến nghị chính phủ nước này xem xét, thu hồi hợp đồng cho công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm, theo SCMP.

Cụ thể, một báo cáo của Ủy ban Quốc hội Úc về tăng trưởng thương mại và đầu tư khuyến nghị chính phủ xem xét lại hợp đồng thuê cảng Darwin có vi phạm Đạo luật Quan hệ Đối ngoại hay không.

Đạo luật Quan hệ Đối ngoại được thông qua hồi tháng 12/2020, cho phép chính phủ Úc chặn các thỏa thuận quốc tế của các trường đại học, hội đồng thành phố và chính quyền tiểu bang vì lý do an ninh và lợi ích của Úc.

Báo cáo cho biết: “Có những lo ngại nghiêm trọng liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp liên kết với Trung Quốc tài trợ cho các trường đại học và sở hữu hoặc cho thuê cơ sở hạ tầng chiến lược, trong đó có cảng Darwin”.

Báo cáo lưu ý: “Trước những căng thẳng đang diễn ra với Trung Quốc, việc để các doanh nghiệp nhà nước và liên kết với nhà nước của Trung Quốc tham gia vào các trường đại học, gồm Viện Khổng Tử và cơ sở hạ tầng chiến lược là một rủi ro an ninh quốc gia không thể chấp nhận được”.

Năm 2015, chính quyền lãnh thổ Bắc Australia cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin với giá 355 triệu USD. Landbridge nắm giữ 80% cổ phần tại tại cảng này, có toàn quyền kiểm soát hoạt động của cảng Darwin trong 99 năm.

Dân biểu Cộng hòa kêu gọi điều trần vì dòng người di cư tăng mạnh

Người di cư đang gia tăng mạnh ở biên giới phía Nam nước Mỹ sau khi ông Biden bước vào Tòa Bạch Ốc (ảnh: Từ video của Reuters)

The Hill đưa tin, một nhóm dân biểu Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang kêu gọi điều trần về dòng người di cư ở biên giới phía nam vì lo ngại rủi ro cho an ninh quốc gia.

“Tiểu ban nên lắng nghe trực tiếp từ quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa về những gì chính quyền Biden đang làm để giải quyết hoạt động tội phạm do chính sách cấp tiến của chính quyền gây ra”, Dân biểu Andy Biggs và Jim Jordan hôm 18/3 viết trong thư gửi Dân biểu Dân chủ Sheila Jackson Lee, lãnh đạo tiểu ban Tư pháp về Tội phạm, Khủng bố và An ninh Nội địa.

Bức thư này được 8 Dân biểu Đảng Cộng hòa khác ký tên.

Theo Cơ quan Tuần tra Biên giới Mỹ, có hơn 100.000 người bị giữ ở biên giới phía nam khi vượt biên vào Mỹ hồi tháng 2, tăng 28% so với tháng trước đó.

Nhoám Dân biểu Đảng Cộng hòa cho rằng số người di cư tăng có thể tác động đến khả năng thực thi pháp luật của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, bao gồm việc ứng phó với nạn buôn bán ma túy.

“Chính sách nhập cư của chính quyền Biden dẫn đến người di cư gia tăng dọc biên giới phía nam. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới hiện phải chuyển nguồn lực khỏi các nhiệm vụ ưu tiên và nhiệm vụ thực thi pháp luật để bảo đảm an ninh biên giới và ứng phó người nước ngoài bất hợp pháp”, hai dân biểu nêu thêm.