Động đất ở Indonesia giết chết ít nhất 268 người, gồm nhiều trẻ em đang ở trường (VOA Tiếng Việt)

Share this post on:

22/11/2022 – Reuters

Một trong những ngôi nhà bị hư hại trong trận động đất ở Cianjur, Tây Java, Indonesia, vào ngày 21/11/2022.
Một trong những ngôi nhà bị hư hại trong trận động đất ở Cianjur, Tây Java, Indonesia, vào ngày 21/11/2022.

Một trận động đất xảy ra ở Tây Java của Indonesia giết chết ít nhất 268 người, trong đó có nhiều trẻ em, với 151 người vẫn mất tích, các quan chức cứu trợ thảm họa cho biết hôm thứ Ba 22/11, khi lực lượng cứu hộ đang đào bới những đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy để tìm kiếm những người sống sót.

Trận động đất nông 5,6 độ Richter xảy ra tại tỉnh đông dân nhất Indonesia vào chiều thứ Hai, gây thiệt hại đáng kể cho thị trấn Cianjur, cách thủ đô Jakarta khoảng 75 km về phía đông nam và chôn vùi ít nhất một ngôi làng trong trận lở đất.

Người đứng đầu cơ quan ứng phó với thiên tai Suharyanto nói với các phóng viên rằng hơn 1.000 người đã bị thương, 58.000 người phải di dời và 22.000 ngôi nhà bị hư hại.

Henri Alfiandi, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia (Basarnas), cho biết lở đất và địa hình gồ ghề đã cản trở nỗ lực cứu hộ hôm thứ Ba.

“Điều thách thức là khu vực bị ảnh hưởng đang lan rộng ra… Trước tiên là các con đường ở những ngôi làng này bị hư hại”, Alfiandi nói với các phóng viên.

Ông cho biết nhiều người trong số các nạn nhân là trẻ em đang ở trường học vào thời điểm xảy ra trận động đất.

Trong khi các trận động đất mạnh 6 hoặc 7 độ Richter tương đối phổ biến ở Indonesia, và thường là ở ngoài khơi, nơi có các đường đứt gãy chạy qua, thì trận động đất có cường độ thấp hơn hôm thứ Hai đã gây ra hậu quả nhiều chết người vì nó xảy ra trên đất liền và ở độ sâu tương đối nông.

Các quan chức cho biết nhiều người trong số các nạn nhân bị thiệt mạng khi các tòa nhà kém chất lượng sụp đổ, và tổng thống nước này đang kêu gọi các nỗ lực tái thiết bao gồm nhà ở chống động đất.

Tổng thống Joko Widodo đã đến Cianjur hôm thứ Ba để động viên lực lượng cứu hộ.

Ông nói: “Chỉ thị của tôi là ưu tiên sơ tán các nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát”.

Những người sống sót đã tập trung qua đêm tại một bãi đậu xe của bệnh viện Cianjur. Một số người bị thương được điều trị trong lều, những người khác được truyền dịch trên vỉa hè trong khi các nhân viên y tế khâu vết thương cho các bệnh nhân dưới ánh sáng của đèn pin.

“Mọi thứ sụp đổ bên dưới tôi và tôi bị đè bẹp bên dưới cháu này”, Cucu, một cư dân 48 tuổi, nói với Reuters.

“Hai con tôi sống sót, tôi đã đào các con lên… Hai người con khác tôi đã mang đến đây, và một người con vẫn mất tích”, bà nói trong nước mắt.

“Nhiều thi thể đang nằm trong khuôn viên bệnh viện, rất đông”, người thân của bà, Hesti, cho biết.

Tại một khu vực, một số nạn nhân cầm những tấm biển bằng bìa cứng để xin thức ăn và chỗ ở, khi những vật dụng khẩn cấp dường như vẫn chưa đến được với họ.

“CUỐN TRÔI HẾT”

Các quan chức ứng phó thảm họa nói họ sẽ tập trung nỗ lực vào một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Cugenang, khu vực bị sạt lở đất do trận động đất gây ra.

Các kênh tin tức truyền hình chiếu cảnh người dân đào đất bằng tay bằng cuốc, gậy, xà beng và các công cụ khác.

Zainuddin, một cư dân của Cugenang, nói với Reuters: “Ít nhất sáu người thân của tôi vẫn chưa được thông báo, ba người lớn và ba trẻ em”.

“Nếu chỉ là động đất, thì chỉ có nhà bị sập, nhưng đây còn tồi tệ hơn vì bị sạt lở. Trong khu dân cư này có tám ngôi nhà, tất cả đều bị vùi lấp và cuốn trôi hết”.

Giám đốc cảnh sát quốc gia Listyo Sigit Prabowo cho biết hơn 1.000 cảnh sát đã được triển khai để hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Các nỗ lực cứu hộ rất phức tạp do mất điện ở một số khu vực và 145 cơn dư chấn. Các quan chức cảnh báo nhiều trận lở đất có thể xảy ra trong những tuần tới.

“Hiện đang là mùa mưa ở Tây Java, cao điểm là vào tháng 12”, Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan thời tiết và địa vật lý, nói với các phóng viên. “Vì vậy, chúng tôi phải lường trước bất kỳ thảm họa nào có thể xảy ra sau đó, chẳng hạn như lở đất”.

Nằm dọc theo Vành đai lửa, một khu vực hoạt động địa chấn mạnh, nơi gặp nhau của các mảng khác nhau trên vỏ trái đất, Indonesia có lịch sử về những trận động đất kinh hoàng.

Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra ở miền bắc Indonesia đã gây ra sóng thần tấn công 14 quốc gia, khiến 226.000 người thiệt mạng.

https://www.voatiengviet.com/a/6845222.html