Nước mắt trước cơn mưa – Larry Engelmann (Phần 1)

Share this post on:

 Gồm 4 phần – Nguyễn Bá Trạc dịch.

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.

Lời Mở Đầu Của Người Dịch

Cuốn sách này được mệnh danh là một “sử liệu khẩu vấn về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.” Nguyên tác Anh ngữ, xuất bản bởi nhà Oxford University Press, gồm ba phần:

-Phần thứ nhất: Phỏng vấn người Mỹ

-Phần thứ hai: Phỏng vấn người Việt

-Phần thứ ba: Những câu chuyện sau cuộc chiến

Trước khi đi vào các phần chính, sẽ có lời mở đầu của tác giả. Bài này trình bày tổng quát bối cảnh nhằm dẫn vào những câu chuyện phát biểu trong cuốn sách. Sau cuốn sách là lời cảm tạ của tác giả. Bài này cho biết ít nhiều về điều kiện, phương pháp làm việc, đồng thời cũng cung cấp một danh sách những người tác giả đã phỏng vấn.

Ngoài ra, cũng lưu ý vấn đề thời gian:

-Các cuộc phỏng vấn bắt đầu từ mùa Xuân 1985, mười năm sau biến cố miền Nam sụp đổ.

-Nguyên tác xuất bản năm 1990.

-Bản dịch Việt ngữ khởi từ tháng 2/1993, hoàn tất tháng 8/1993.

Khi bản dịch được sửa chữa trong tháng hai và tháng ba 1995, dự định xuất bản vào tháng tư 1995: Ấy là vừa đúng hai mươi năm sau biến cố.

Trong hai mươi năm qua, với nhiều sự kiện quan trọng đã xảy ra, do đó chúng tôi có ghi thêm vài trang Hậu Từ và cung cấp trong sách một số tài liệu phụ đính nhằm cập nhật và bổ túc tư liệu cho độc giả.

Về phương pháp dịch thuật: Nói chung, là dịch toàn bộ và cố theo sát nguyên tác.

Cuốn sách tổng cộng hai mươi chương. Có chương chỉ một chuyện, một người kể. Có chương tám chuyện, tám người kể. Trong nguyên bản, chuyện dài nhất 21 trang, ngắn nhất 11 dòng. Với 71 chuyện do 65 người kể, 6 người lập lại hai lần: Các câu chuyện thường liên hệ nhau, hoặc lập lại một số tình tiết giống nhau, qua những cái nhìn đôi khi khác nhau.

-Những người phát biểu được phân loại theo chủng tộc Việt hay Mỹ, theo nghề nghiệp, vai trò, công tác phụ trách, quân đội hay thường dân, kẻ thắng người bại, người lớn hay trẻ con. Mỗi người có một cách sử dụng ngôn ngữ, cách diễn tả. Cách dùng ngôn ngữ trong nguyên bản tiếng Anh giúp độc giả hiểu cá tính, trình độ văn hóa, có nhiều yếu tố hơn trong việc lượng giá về người phát biểu, lời phát biểu. Trong bản dịch Việt ngữ, người dịch có quan tâm đến điều này, nhưng mặc dù cố gắng, vẫn e tính đặc thù mất bớt.

Mặt khác, về những người Việt: Đa số được hỏi và trả lời bằng tiếng Việt, rồi chuyển sang Anh ngữ. Nay, một lần nữa lại được chuyển về Việt ngữ. Với hai lần chuyển dịch, lần này lại phải tôn trọng nguyên tác tiếng Anh, nên cũng e bài viết không được suông sẻ theo tinh thần Việt ngữ. Nhưng nếu phải chọn việc phóng tác để đọc theo tinh thần Việt ngữ hoặc giữ cách diễn tả trong nguyên tác là cách diễn tả ý tưởng của người Mỹ, người dịch nghiêng về cách thứ hai.

Dẫu vậy, cũng có một vài thay đổi nhỏ:

Theo nguyên bản, hầu hết chỉ để tên người được phỏng vấn. Trong bản Việt ngữ, có mở ngoặc, ghi thêm chức vụ, nếu nội dung bài viết nói đến. Theo nguyên bản, những địa danh Việt Nam, tên người Việt không đánh dấu. Trong bản Việt ngữ, chúng tôi có bỏ dấu tiếng Việt nếu biết chắc chắn. Những gì không biết, người dịch để trống theo bản Anh văn.

Mặc dù không đặt trọng tâm vào việc tìm tài liệu ghi chú, tuy nhiên bất cứ lúc nào có thể, người dịch ghi chú thêm để làm rõ nghĩa. Một vài ghi chú có lẽ không cần thiết đối với một số độc giả, nhưng có thể cần thiết cho một số độc giả khác.

Vào năm 1993, lúc bản dịch này được đăng tải từng kỳ trên một số tạp chí và nhật báo ở Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, người dịch đã nhận được nhiều lời phê bình, thảo luận, góp ý. Người dịch nhân đây xin được cảm tạ quý vị: Nhờ thế đã có thể sửa chữa thêm trước khi xuất bản quyển sách này.

Khả năng Anh ngữ của người dịch vẫn còn có nhiều giới hạn, ngoài ra, việc chọn chữ tương đồng trong Việt ngữ cũng vụng về.

Chúng tôi mong mỏi và thâm tạ mọi lời chỉ giáo để nếu có dịp tái bản, quyển sách dịch này sẽ được hoàn hảo hơn.

Nguyễn Bá Trạc

PART 1

CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG TỪ ĐÀ NẴNG

JAN Wollett

 (Nữ Trưởng Tiếp Viên Hàng Không)

“Tại sao họ bắn? Chúng tôi là những người bạn tốt”

Ngày 29/3/1975 đáng lẽ nhân viên khách sạn Sài Gòn phải đánh thức tôi dậy lúc 5 giờ sáng . Tôi là tiếp viên trưởng của một chuyến bay khứ hồi ra Đà Nẵng . Nhưng 5 giờ sáng hôm ấy không có ai đánh thức tôi dậy. Khoảng 6 giờ sáng mới có điện thoại của Val Witherspool, một nữ tiếp viên khác. Cô ấy bảo: “Chị xuống ngay phòng đợi khách sạn trong vòng 5 phút.” Khoác bộ đồng phục, tôi lập tức chạy xuống cầu thang. Ông Ed Daly và Val đang chờ tôi ở dưới nhà. Bruce Dunning, làm việc cho hãng tin CBS cũng đã có mặt. Tôi bảo Bruce: “Bọn này phải ra Đà Nẵng”. Anh ta nói: ’’Có tin thành phố này rơi vào tay Bắc Việt rồi” Tôi nói: “Nếu thành phố này đã mất thì chúng tôi đâu có đi” Bruce yêu cầu được đi theo chuyến bay. Ông Daly bảo: “Muốn đi thì đi. Có mặt ở phi trường Tân Sơn Nhất trong vòng một giờ đồng hồ nữa.”

Bruce tập họp Mike Marriotte, chuyên viên quay phim và Mai Văn Đức, chuyên viên âm thanh, rồi chở họ ra phi trường. Chúng tôi bước lên chiếc World Airway Boeing 727. Là tiếp viên trưởng, tôi được thông báo là sẽ có một hay hai tiếp viên người Việt đi thông dịch, sẽ có binh sĩ bảo vệ để đương đầu với đám đông. Hôm trước, chúng tôi đã gặp khó khăn ở Đà Nẵng, và chúng tôi cũng sẽ phải mang theo nước ngọt, nước cam, bánh mì săng-uých cho hành khách.

Vừa vào phi cơ, tôi nói với Val và Atsako Okuka, một nữ tiếp viên khác: “Các bạn hãy xem xét ngay mọi thứ.” Chúng tôi thấy không có đồ ăn thức uống. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho biết một cái gì bất thường đang xẩy ra…Không nước ngọt, không nước  cam, không bánh mì, không đồ ăn thức uống trên phi cơ. Cũng không có tiếp viên người Việt, cũng chẳng có binh sĩ bảo vệ nào hết.

Chúng tôi thảo luận xem có nên bay ra hay không. Lúc ấy Daly và phi hành đoàn đã lên phi cơ rồi. Dunning và toán làm tin CBS cũng vậy. Hai nhân viên cơ quan  USAID leo lên. Họ trấn an chúng tôi là mọi việc ở Đà Nẵng cũng tốt thôi, không cần gì đến binh sĩ bảo vệ.

Lúc đó 8 giờ sáng, quá muộn so với giờ ấn định máy bay cất cánh. Ông Daly quyết định cứ đi Đà Nẵng để đón một số người tỵ nạn gồm đàn bà và trẻ em mà khỏi cần đến binh lính hộ tống hay thông dịch viên.

Chuyến bay ra khá êm. Chúng tôi mang theo một nhà báo người Anh và một người nữa của hãng tin UPI. Trong chuyến bay chúng tôi chuyện trò thân mật với nhau.

Phi cơ bắt đầu đổi cao độ để hạ xuống Đà Nẵng. Theo kế hoạch, sau chúng tôi 20 phút sẽ có một chuyến World Airway 727 khác do Don McDaniel lái. Sau anh ta, lại một chuyến 727 nữa do Dave Wanio điều khiển. Chúng tôi dự tính sẽ đậu từ 10 đến 15 phút để lấy khách rồi cất cánh, để chuyến thứ hai, rồi thứ ba đáp xuống. Với cách ấy chúng tôi có thể đem đi được 3 chuyến trong vòng dưới một tiếng đồng hồ.

Nhưng khi hạ cánh có một cái gì rất lạ lùng.

Không hề thấy một bóng người.

Không một ai, cả phi trường hoàn toàn hoang vắng. Đột nhiên trong lúc phi cơ đang “chạy taxi” trên đường vào bến, đoàn người chợt xuất hiện. Họ chạy ào ra từ những nhà chứa máy bay, Hàng ngàn con người-tôi nói đúng nghĩa là hàng ngàn con người đua nhau chạy đến chúng tôi- Họ chạy bộ, chạy xe gắn máy, chạy xe thùng, xe Jeep, xe hơi, xe đạp…Họ chạy đến phía chúng tôi bằng bất cứ phương tiện nào họ kiếm được.

Chúng tôi đã có một kế hoạch là ông Daly và Joe Hrezo, trưởng trạm của hãng World Airways sẽ ra khỏi phi cơ. Họ sẽ lo việc sắp hàng hành khách ở lối vào cầu thang phía sau. Tôi sẽ đứng ở phía trước phi cơ, Atsaco ở giữa còn Val đứng ở khoảng sau.

Chúng tôi cho phi cơ chậm lại. Lúc ấy tôi đang đứng trong phòng lái nhìn ra cửa sổ trước, chợt thấy có điều kỳ lạ. Một nhóm người lái chiếc xe vận tải nhỏ đuổi bên cạnh chiếc tàu bay. Một người đàn ông nhảy khỏi xe, chạy đến trước chúng tôi. Tôi nhìn về phía anh ta, lúc ấy chúng tôi đang đi chậm, anh ta rút một khẩu súng lục, bắn vào chúng tôi.

Đột nhiên tôi có cái cảm giác kinh dị y như đang đứng giữa khung cảnh của một phim cao bồi. Tôi đã nghĩ rằng: “Tại sao họ bắn chúng tôi? Chúng tôi là những người bạn tốt!”

Chúng tôi cho tàu chạy khỏi người đàn ông có súng và đi chậm lại ở phía xa. Bây giờ tôi bắt đầu chờ người khách đầu tiên lên phi cơ. Chúng tôi dự tính sẽ cho họ ngồi vào ghế, bắt đầu từ những hàng trước, lần lượt đến phía sau, sẽ sắp đặt họ trong vòng trật tự.

Rồi những người lính bắt đầu lên.

Họ chạy xồng xộc với cặp mắt man dại. Chừng chín người lính đã lên, tôi xếp họ ngồi vào ghế. Rồi người thứ mười lên, nhưng hắn không chịu ngồi. Hắn bị kích động, cứ chạy lên chạy xuống la lớn bằng tiếng Anh: “Bay đi! Bay đi! Bay đi! Chúng nó sắp pháo kích vào phi trường kìa!” Hắn cứ la hét như thế mãi. Tôi nắm lấy hắn, tôi cũng hét lên: “Im mồm, tôi bảo ông ngồi đâu thì ông ngồi xuống đó.” Tôi đẩy hắn xuống ghế.

Nhưng có điều lạ: rất ít người lên phi cơ. Vì vậy tôi nghĩ cần phải ra sau xem có chuyện gì…Tôi thấy Daly dưới chân cầu thang đang bị dằn xé. Áo ông rách vụn. Joe Hrezo biến đâu mất. Val đang cố giúp Daly lôi người lên cầu thang trong lúc tàu bay cứ tiếp tục chạy trên phi đạo. Còn dưới chân thang, hàng tram người tuyệt vọng, điên cuồng, la hét cố bấu víu lấy Val và Daly. Đoàn người tiến đến không ngừng. Họ từ khắp phía, chạy đến cầu thang không ngớt. Tôi leo xuống. Daly ở dưới thang, ông cố lập trật tự bằng khẩu súng lục vung lên trời. Val cố giúp những người đang leo qua cạnh cầu thang. Một gia đình 5 người chạy đến phía tôi cầu cứu. Đó là bà mẹ, ông bố, hai đứa con nhỏ, một trẻ sơ sinh còn ẵm trên tay mẹ. Tôi có thể nhìn rõ nét sợ hãi trên khuôn mặt khi họ cố chạy đến phía tôi. Tôi quay lại định nắm tay người mẹ kéo lên. Trước khi tôi kịp nắm tay bà, một người đàn ông đứng sau đã nổ súng vào 5 người này. Họ ngã gục cả xuống, đám đông đạp ngay lên xác họ. Cái hình ảnh cuối mà tôi thấy là họ biến mất dưới chân đám đông. Chỉ vài tiếng nổ lớn, họ biến mất, tất cả những người ấy. Còn gã đàn ông vừa bắn xong đã đạp ngay lên thân họ để leo tới cầu thang. Hắn đè lên mọi người, chạy vào lòng phi cơ. Tất cả mọi thứ quá sức hỗn loạn điên cuồng. Tôi còn nhớ vào giây phút điên dại ấy, tôi nghĩ: “Chốc nữa sẽ tính chuyện này”, tôi tiếp tục kéo người lên phi cơ. Chợt cảm thấy một người đàn bà đang níu tôi từ phía hông cầu thang, bà nắm cánh tay tôi, cố lọt lên bực thang. Tôi muốn giúp bà ta nhưng cũng sợ bị rơi tuột khỏi thành cầu. Tôi bèn quay lại nắm cánh tay người đàn bà, kéo qua thành cầu. Nhưng một người đàn ông ở phía sau đã níu lấy, giựt bà khỏi tay tôi. Khi bà rơi xuống, người đàn ông kia đạp ngay lên lưng, lên đầu người đàn bà để leo lên thang. Hắn dùng người đàn bà như một hòn đá kê. Daly nhìn thấy chuyện xảy ra. Liền khi gã đàn ông tung được  chân qua thành cầu, Daly nắm khẩu súng đập một cú vào đầu gã. Tôi nhớ lúc ấy đột nhiên tôi thấy vòi máu vọt ra, gã đàn ông rơi xuống, người ta đạp lên hắn. Tôi nhớ tôi đã nghĩ: “Đáng kiếp”. Gã đàn ông này biến mất dưới bàn chân dày xéo của đám đông.

Lúc ấy người đổ ùn ùn vào phi cơ, tôi chạy trở vào xem Atsatko có xếp nổi chỗ ngồi không. Cô nắm lấy tay tôi, bảo: “Đại úy Ken Healy đang cần chị”. Tôi đến phòng lái gõ cửa. Cửa mở, Đại úy Healy bảo: “Joe Hrezo đã lạc khỏi phi cơ. Khi nào hắn trở lại được cho biết .” Tôi đáp: “OK.” Chuyện xảy ra là Joe và thông tín viên người Anh đã bị đám đông kéo tuột khỏi tàu, không trở vào được nữa. Chúng tôi lạc mất cả hai người. Joe tự chạy tới đài kiểm soát không lưu, người kiểm soát viên cho anh ta vào. Sau đó Joe liên lạc được với máy bay. Ken Healy cho biết chúng tôi sẽ “chạy taxi” đi rà trên đường vào bãi và yêu cầu Joe phóng ra khi máy bay tới gần . Chúng tôi sẽ không dừng một giây nào. Liền khi Joe lọt vào phi cơ, chúng tôi sẽ cất cánh. Đại úy Ken Healy bảo: “Khi thấy chắc chắn Joe vào phi cơ rồi, gõ lên cánh cửa cho tôi hay”. Tôi đi sau, bảo Val: ” Val, canh chừng cầu thang, thấy Joe vào thì giơ tay, tôi sẽ ra hiệu cho Ken biết”

Trong khi đợi phi cơ chạy qua đài kiểm soát, người ta tiếp tục ào tới. Chúng tôi ấn họ xuống, 5, 6 người một ghế. Trong lúc làm việc, tôi nhớ là đã tự hỏi: “Thế còn đàn bà, trẻ con đâu hết?” Hóa ra, mọi hành khách đều là binh sĩ. Sau đó, tôi đếm chỉ có 11 người đàn bà và trẻ con. Tất cả chỉ có thế! Còn lại đều là binh sĩ…

Mọi người ngồi trên ghế với những bộ mặt căng thẳng. Gã khùng vẫn tiếp tục la lối: “Bay đi! Bay đi! Bay đi!”

Khi tàu đến gần đài kiểm soát. Daly vẫn còn đâu đó dưới cầu thang để kéo người vào. Tàu chạy rà qua đài kiểm soát được một lát, Val quay người lại, giơ tay lên. Tôi gõ vào cửa phòng lái. Phi cơ bắt đầu rồ máy. Chúng tôi gia tăng vận tốc. Gã khùng lúc trước la lối đòi bay, bây giờ sợ hãi thét lên: “Ối! Ối! tàu bay đang cất cánh trên cỏ.”

Thật ra, chúng tôi chạy để cất cánh từ phi đạo, lối vào bãi đậu, và Ken đã rồ máy để cảnh cáo người ta tránh ra, nếu không chúng tôi sẽ cán qua mà chạy.

Phi cơ leo lên cỏ vì đã vào cuối đường bến, không còn cách nào trở lại được. Chúng  tôi cứ tăng tốc lực bay vượt lên, do đó đã đụng phải một chiếc xe và một cọc hàng rào gây hư hỏng cho  cánh phi cơ. Nhưng hư hỏng  trầm trọng nhất là do đạn và lựu đạn ném vào một bên cánh. Ở trong phi cơ, chúng tôi không thấy được hư hại, không rõ tình trạng thế nào. Nhưng đại úy Ken Healy biết rất rõ.

Dầu thế, chúng tôi vẫn phải bay lên. Phải thoát khỏi Đà Nẵng. Chưa một giây phút nào tôi nghĩ là không thể thoát. Không ai có thì giờ để nghĩ những điều như vậy giữa cơn rối loạn. Sau  này tôi khám phá được suýt chút nữa chúng tôi đã không thoát. Đáng lẽ chúng tôi đã mất mạng vì các hư hỏng của phi cơ. Với 358 con người ở lòng tàu, còn lại 60 người khác trong khoang chở hàng, có cả người mắc trên bánh xe. Chiếc máy bay này thật sự chỉ dùng để chở có 133 hành khách thôi.

Sau này Ken Healy gởi cho hãng Boeing những con số thống kê liên hệ đến chuyến bay. Người ta cho chạy điện toán rồi bảo chúng tôi: Theo cách tính của họ, phi cơ chẳng thể nào cất cánh. Vậy mà chúng tôi đã cất cánh được. Sau Ken cũng gởi cho Boeing một điện tín khác, nói: “Quý ông quả đã chế được một cái tàu bay tốt hết xảy.”

Sau khi cất cánh, tôi bắt đầu đếm hành khách. Tôi chú ý một người ngồi ghế trước, mặt tái xanh, bị thương nặng, ruột đổ lòng thòng. Tôi dùng tay nhét đại ruột vào, giật cái khăn trên cổ một người nào đó quấn quanh bụng ông ta lại. Tôi kéo thùng cứu thương xuống. Thuốc men mất đâu cả từ Sài Gòn. Chúng tôi không có bất cứ một vật dụng y khoa nào trên tàu. Trống trơn. Không thuốc men bông băng gì. Sau khi tạm ổn thỏa với người đàn ông ghế trước, tôi nhìn ra lối đi, thấy một người khác đang bò lết đến bên tôi. Tôi nhận ra gã, đầu bê bết máu. Máu vấy đầy mặt. Chính là gã đàn ông đã kéo người đàn bà ra khỏi tay tôi. Đó là gã đàn ông bị Daly nện với khẩu súng lục. Lần sau chót tôi thấy hình ảnh người đàn bà bị nghiến trên mặt đất. Cũng lần sau chót tôi thấy gã đàn ông này bị đám đông đạp lên. Vậy mà sao gã cũng lết được vào phi cơ? Bây giờ gã đang bò. Tôi nhớ đó là lần duy nhất trong ngày tôi đã cầu nguyện, tôi cầu: “Lạy chúa. Xin đừng để cho gã này tiến lại gần con”. Gã cứ lồm cồm lết đến. Gã nắm lấy ống quần tôi. Gã nhìn lên tôi. Gã chỉ nói: “Xin cứu tôi”

Thế là tôi nắm đại một người, kéo khỏi ghế, tôi giúp gã ngồi vào ghế. Đầu gã nứt, tôi có thể nhìn thấy bên trong máu lầy nhầy. Không có gì để cầm máu cả. Tôi biết nếu tôi không giúp cho máu cầm lại, gã sẽ chết ngay trên tay tôi. Một người lính ngồi bên cạnh mặc cái áo tác xạ. Tôi xé toạc cái áo, bốc một nắm mạt cưa  nhét vào vết thương. Tôi cứ nhồi mãi mạt cưa vào để chận vòi máu. Chắc chắn giới Y khoa Mỹ sẽ giật mình với phương pháp này, nhưng nó đã tỏ ra hữu hiệu. Tôi giật lấy cái sơ mi của một người khác, buộc quanh đầu gã để giữ mạt cưa lại…

Gã được bình yên suốt chuyến bay. Gã thật mạnh, không bị bất tỉnh lần nào. Tôi đi về phía sau lần nữa, thấy Val, Daly và Joe Hrezo đang cố kéo một người đàn ông mắc kẹt trong cầu thang sau. Cửa máy bay sau không đóng được. Người ấy bị kẹt trong thang, gẫy chân. Sau cùng họ lôi được người này ra, mang vào trong phi cơ. Val và tôi cố bó cái chân gẫy với một miếng gỗ – Lúc ấy Joe bảo tôi rằng thông tín viên người Anh không trở lại được. Anh ta bước ra phi đạo Đà Nẵng để thu hình đám đông, rồi vô phương trở vào phi cơ trong lúc rối loạn. Anh ta còn ở trong đài kiểm soát. Ken Healy hứa sẽ có một chiếc trực thăng Air America đến đón. Về sau, anh ta cũng đã trở vào được Cam Ranh. Val, Atsako và tôi tiếp tục cấp cứu cho mọi người trên tàu. Việc này chiếm hết thì giờ và tôi đoán là khi đã bay được một giờ đồng hồ thì chúng tôi mới bắt đầu nhìn đến các hành khách khác không bị thương. Tôi thấy vẻ kinh sợ trên mặt họ. Cuối cùng, họ nhận thức được họ đã làm những gì. Họ bắt đầu hỏi “Còn những chuyến bay khác nữa không?”

Chúng tôi trấn an bằng cách nói thác: “Còn chứ, còn nhiều chuyến nữa.” Những người này bây giờ đã hiểu ý nghĩa việc bắn giết đồng bào để leo vào chuyến bay. Bây giờ họ ân hận. Đành nói dối thôi, chứ chúng tôi cũng biết sẽ không còn chuyến nào ra Đà Nẵng nữa. Đây là chuyến chót. Những người đi sau không ra nữa. Ken Healy đã liên lạc với Don McDaniel của chuyến 727 kế, bảo anh ta đợi chúng tôi ở Phan Rang, và bảo anh ta điện cho Dave Wanio quay lại Sàigòn để sửa soạn việc hạ cánh khẩn cấp. Tàu chúng tôi hư hỏng nặng, Ken không dám chắc bánh xe buông xuống được khi chúng tôi xuống Sàigòn. Tôi hiểu điều đó có nghĩa gì.

Trong lúc ấy, phi cơ nóng kinh khủng mặc dù thang máy bay phía sau vẫn hạ xuống, cửa sau vẫn mở trống hốc. Người ta không thể thở nổi trong máy bay với chừng ấy con người – chúng tôi nhờ Đức, chuyên viên âm thanh của CBS luôn luôn nhắc nhở bằng tiếng Việt trên máy phát thanh là “Yêu cầu đừng hút thuốc.” Hành khách tuyệt đối cấm hút thuốc, và nếu có người hút thuốc là hỏa hoạn sẽ xảy ra lập tức.

Sau công tác cứu thương cho hành khách, tôi nhận ra trên máy bay không có gì cho họ uống. Nhưng có một ngăn nước đá đã chảy, bây giờ đầy nước lạnh. Tôi bảo Bruce Dunning xé tấm màn ra từng miếng vải vuông nhỏ, nhúng nước. Tôi lấy những mảnh vải ướt, đi lên đi xuống chuyển cho hành khách tạm thời lau mặt. Người nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Tôi bảo Val và Atsako làm một cái gì để nâng tinh thần những người này. Sau những gì họ đã làm với chính các bè bạn, chiến hữu họ, sự xúc động đang chậm chạp kéo đến dày vò họ. Họ đã bỏ gia đình. Họ đã giành giật, bắn giết nhau để lấn vào tàu. Bây giờ cơn náo loạn biến mất, nhận thức về cái ghê tởm đã xảy ra đang ngấm dần.

Vì thế, chúng tôi đi quanh, nói chuyện, vỗ vai, chùi mặt mày, lau tay, cố làm một vài điều giúp họ thoải mái đôi chút.

Lúc ấy, tôi cũng chết khát. Daly đến bên, mở áo sơ mi ló ra cho thấy một chai coca. Ông bảo “ra phòng lái.” Tôi đi ra phòng lái, ngồi xuống ghế quan sát viên, Daly tiến đến với một chai coca. Ông mở nút đưa tôi. Tôi nhớ tôi đưa chai coca lên miệng, nhưng nước cứ trào khỏi cằm, chảy xuống bộ đồng phục. Tôi không nuốt nổi. Chúng tôi chuyền cái chai coca độc nhất quanh phòng lái. Một lần nữa, Ken Healy nói với tôi về các hư hỏng của chiếc tàu bay. Ông bảo không dám chắc cái bánh xe mũi có thể buông xuống được, nếu nó xuống được, chưa chắc sẽ chịu đựng được thân tàu. Ông báo động: phải sẵn sàng đối phó bất cứ điều gì khi hạ cánh xuống Sàigòn.

Tôi trở lại khoang hành khách, phục vụ loanh quanh. Chợt mọi người đều xúc động nhìn qua phía trái. Chúng tôi đã bay đến Phan Rang. Don McDaniel và phi hành đoàn đang bay ở cao độ 35,000 bộ, họ đang chờ chúng tôi. Cuối cùng họ thấy một chấm đen ở phía dưới, họ nhận ra chúng tôi và đang bay xuống phía chúng tôi. Chúng tôi nhìn ra cửa sổ. Ngoài kia, tương phản với bầu trời xanh tuyệt vời, trên đám mây trắng nõn là chiếc tàu bay World 727 xinh đẹp màu đỏ và trắng. Một cảm giác sảng khoái đột nhiên chạy qua khắp chiếc tàu, và lúc ấy tôi biết cái cảm giác này cũng đi suốt qua tôi. Chúng tôi biết một chiếc phi cơ chị em đã tìm ra chúng tôi. Chúng tôi sẽ an toàn vì cô chị chúng tôi nay đang hộ tống chúng tôi trở về bình an.

Thế là anh chàng Don McDaniel lái chiếc tàu bay của anh ta lượn quanh chiếc tàu bay chúng tôi để lượng giá những hư hỏng. Anh ta gọi Ken Healy, bảo “’Hình như có một xác chết lủng lẳng trên bánh xe của bạn.” Ken đã hỏi anh ta về việc đó. Một người bị cán khi bánh xe lùi lại. Nhưng cái chết của người này đã cứu mạng sống của tám người khác dưới guồng bánh xe vì xác chết đã cản cần máy lại, không làm cho bánh xe lùi thêm nữa.

Như vậy lúc đó chúng tôi biết sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề gây ra bởi bánh xe. Các cửa khoang chở đồ mở toang, cầu thang sau còn treo thòng xuống, cửa sau cũng mở trống, vành xếp của cánh máy bay bị đạn bắn sẽ không hoạt động khi hạ cánh. Chúng tôi đang ở tình trạng khó khăn nghiêm trọng.

Phi cơ tiếp tục bay về Sàigòn.

Tôi nói với Val “vào phòng rửa mặt,” ở đây tôi nói cho Val biết những cái trục trặc của tàu bay. Lúc hạ cánh, tôi sẽ ngồi hàng ghế trên, Val sẽ ngồi sau khoang phi cơ. Tôi bảo không biết chúng tôi thoát được không. Tôi dặn dò vài điều nhắn cho gia đình tôi trong trường hợp Val sống sót và nếu tôi không thoát được. Tôi bảo “Hãy cho gia đình tôi biết mọi sự cũng ổn thôi. Tôi đã không hề sợ hãi gì. “Tôi không khóc. Cô cũng vậy. Người ta không có thì giờ dành cho xúc cảm, mà hiển nhiên đây là lúc đầy cảm xúc, nhưng người ta đành phải giấu đi thôi.

Thế rồi phút cuối cùng của chuyến bay phải đến. Từ sau thân tàu, tôi bắt đầu đi lên, và đây là lúc một hành động tự phát xuất hiện. Một người đàn ông trao vào tay tôi khẩu M.16. Anh không nói tiếng Anh, tôi không nói được tiếng Việt, tôi không rõ anh ta muốn gì. Nhưng rồi tôi hiểu: anh muốn tôi hãy nhận lấy khẩu súng của anh. Vì thế tôi khoác cái khẩu súng khốn nạn lên vai, trong lúc bước đi, người ta bắt đầu trao thêm cho tôi mọi thứ khác. Khi đến phòng lái, trên vai tôi đã có vài khẩu M.16 lủng lẳng, một băng đầy đạn, một nắm đạn rời. Một vài người đã trao một hay hai viên, vài người khác trao cho tôi nhiều hơn, tôi còn có hai khẩu súng lục treo trên ngón tay. Chính lúc ấy – khi tôi đang nắm những viên đạn nhỏ và những thứ vũ khí trong tay – đột nhiên một cảm giác rõ rệt bừng ra – cuộc chiến của những người này đã chấm dứt. Họ không muốn súng đạn hay bất cứ gì nữa. Điều ấy thực chua chát: chính họ cũng đã ở cuối đường.

Khi tôi gần đến phòng lái, một gã khùng đặt một quả lựu đạn lên trên các thứ trong tay tôi. Tôi nhìn xuống, tự nghĩ “Trời ơi – một quả lựu đạn!” Phản ứng bản năng tôi là định xoay người, ném xuống phía sau máy bay. Nhưng tôi sợ nó đụng cầu thang phát nổ, tôi nghĩ “Chúa-ơi-tôi-sẽ-làm-gì-với-những-thứ-này?” Tôi đi về phòng lái, đá cửa. Charlie Stewart, kỹ sư chuyến bay mở ra. Tôi nói với anh: “Charlie, cầm lấy mấy cái này!” Tôi chưa bao giờ từng chạm tay đến một quả lựu đạn. Charlie cầm lấy. Anh ta và Mike Marriott vội tìm băng keo quấn lại. Họ quấn băng keo quanh quả lựu đạn, và mọi thứ tôi mang vào. Nếu lỡ có gì phát nổ, họ muốn bọc bớt lại càng nhiều càng tốt.

Đã đến lúc hạ xuống Sàigòn. Tôi gọi Mike Marriott tới bên cửa hông, chỉ cho anh cách mở cửa khẩn cấp và cách bung cầu tuột. Thông thường, đó là việc của Atsako, nhưng cô là tiếp viên mới, tiếng Anh không thạo, không chắc cô sẽ đối phó được trường họp khẩn cấp. Cho nên tôi muốn có một người đàn ông ngồi đấy.

Lúc tôi đang ngồi ở ghế trên với Bruce Dunning thì Daly từ phòng lái bước ra, ông yêu cầu Bruce xuống phía sau tàu. Ông muốn Bruce mang các phim ảnh quay được ở Đà Nẵng ra phía sau, nếu không ai sống sót thì các phim ảnh vẫn phải được bảo toàn. Tất cả đều cảm thấy mãnh liệt: Nếu chúng tôi không thoát, thế giới vẫn cần phải biết những gì xảy ra hôm ấy.

Daly đến, ngồi xuống cạnh tôi. Ông hỏi tôi có biết gì tình trạng chiếc máy bay không. Tôi nói biết. Ông hỏi tôi có sợ không. Tôi nói “Không, tôi không sợ chết.” Ông choàng cánh tay ôm tôi, nói “Cô bảnh lắm. Tôi sẽ đãi cô nhậu một chầu nếu mình thoát ở Sàigòn.” Tôi nói “Ông Daly, nếu sống sót, xin ông mua cho tôi một két bia.” Ông ta cười.

Rồi Daly lại bảo tôi “Những người này không hề biết súng của tôi trống rỗng.” Ông đã bắn hết đạn trong lúc cố duy trì trật tự ở cầu thang máy bay tại Đà Nẵng. Ông bảo “Tôi sẽ giữ khẩu súng để kiểm soát họ khi hạ cánh, như thế cô sẽ có thì giờ mở cửa và bung cầu tuột.” Tôi đáp “Tốt lắm.”

Chúng tôi bắt đầu một cuộc hạ cánh khá dài để xuống Sàigòn. Phi cơ bay hơi nhanh, tất nhiên không nên bay nhanh như vậy để hạ cánh, nhưng chúng tôi không điều chỉnh được vành xếp ở cánh. Và tôi ngồi ở cái ghế đặt ngay vị trí bánh xe mũi, ngồi đấy, tôi có thể cảm thấy bánh mũi có hạ xuống không? Có chống được thân tàu hay không? Rồi tôi cảm thấy bánh xe chính chạm phi đạo, tôi thấy phi trường bay vượt qua. Tôi cố chờ để cảm thấy cái bánh xe mũi hạ xuống mặt đường. Nhưng Ken đã giữ cho mũi máy bay cách khoảng mặt đất thật lâu. Tôi không hiểu làm thế nào anh đã giữ được như thế. Bỗng tôi thấy các toà nhà vút qua. Tàu chúng tôi đang chạy ngay trên phi đạo. Tôi hiểu bánh mũi đã hạ và chịu đựng được. Thế mà tôi không cảm thấy nó hạ xuống lúc nào. Ken đã khéo léo điều khiển chiếc 727 đáp xuống Sàigòn một cách nhẹ nhàng như thế. Rồi phi cơ cứ vùn vụt chạy trên phi đạo, vì chúng tôi không thể ngừng. Cảm ơn Thượng Đế, Sàigòn có được cái phi đạo dài 14,000 bộ! Bốn chiếc xe cứu hỏa chạy nhanh, kèm bên chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi quẹo qua đường vào bến. Phi cơ ngừng, không tỏ dấu hiệu rõ rệt nào là có sự nguy khốn cả. Tôi nhảy ra, mở cửa, nhưng không bung cầu cấp cứu. Joe Hrezo đã đứng trên mặt đất, hẳn anh ta đã chạy xuống bằng thang sau. Cùng một lúc, Joe và tôi la lên: “Xe tải thương, cáng cứu thương! Chúng tôi cần xe tải thương, cáng cứu thương.”

Người ta mang cầu thang đến cửa trước. Mọi người bên trong ngồi im lặng. Qua máy phóng thanh, Đức nhắc đi nhắc lại: “Ngồi yên, đừng di chuyển.” Không ai nhúc nhích. Sau đó chúng tôi bắt đầu chuyển người ra. Tôi nhớ có một người đàn ông châm một điếu thuốc. Ngay khi anh ta tới cửa trước, tôi yêu cầu anh không được hút thuốc vì có xăng. Anh ta ném điếu thuốc, dí chân lên điếu thuốc cháy đỏ. Tôi thấy anh ta đi chân không. Tôi nghĩ “Chúa ơi, thế thì đau lắm.” Nhưng anh không cảm thấy. Không ai trên tàu còn cảm thấy gì nữa.

Hầu hết hành khách được lùa sang một bên. Cáng tải thương mang vào tàu, họ khiêng người đàn ông với vết thương nặng trên đầu, rồi khiêng người đàn ông bị đổ ruột. Khi mọi người ra hết, chúng tôi bắt đầu kiểm điểm. Val và tôi bước qua lối đi, nhặt nhạnh súng, đạn, những quả lựu đạn bỏ lại trên ghế. Tôi nhận ra chúng nặng quá sức. Tôi bảo Val “Thôi kệ – Bỏ lại – sẽ có người khác đến lo chuyện ấy.”

Tôi và Val rời tàu. Chúng tôi là hai người cuối cùng rời tàu. Nhìn những chỗ hư hỏng của chiếc máy bay, chúng tôi sợ hãi khi thấy những mảng kim khí đã toác ra. Chúng tôi cũng sợ hãi nhìn những lỗ đạn trên cánh. Lúc ấy tôi nói với Val “Thật đáng ngạc nhiên là chiếc phi cơ này đã có thể bay được.”

Val và tôi được đón đến ban phi vụ, rồi đến khách sạn Caravelle. Người ta đưa chúng tôi tới văn phòng ông Daly, nơi đây thông tín viên NBC đang phỏng vấn tất cả mọi người. Tôi ngồi trên chiếc ghế dài uống bia trong lúc họ quay phim.

Trong phòng bên, vài chục phóng viên khác đang chờ. Họ đều muốn phỏng vấn chúng tôi. Tôi hỏi Daly “Chúng ta nên nói gì?” Ông ấy bảo: “Cứ nói sự thật.”

Daly đưa tất cả chúng tôi đi ăn tối hôm ấy. Khi về lại khách sạn, tôi tắm rất lâu. Tôi nằm xuống giường, nhưng không ngủ được. Tôi cứ nhìn thấy mãi hình ảnh những người buổi sáng hôm ấy ở Đà Nẵng. Tôi thấy người đàn bà bị đẩy đạp đến chết. Tôi có thể thấy cả quần áo của bà ta và cái xác máu me nát bấy. Tôi thấy gia đình năm mạng người bị bắn từ sau lưng ngã gục xuống. Rồi người đàn ông bò lồm cồm ở lối đi trên máy bay, lết đến bên tôi. Tôi nhận ra suốt đêm tôi sẽ không thể ngủ được. Tôi nhỏm dậy, ra ngồi ở bàn viết. Tôi nghĩ có lẽ tôi có thể viết lại. Tôi đã cố. Tôi viết được đôi chút. Nhưng thật khổ, chuyện ấy quá lớn đối với chữ nghĩa. Tôi không biết viết thế nào về câu chuyện đã xảy ra.

Thời gian trôi. Tôi mất ý niệm về thời gian. Chợt chuông điện thoại reo. Tôi bốc máy trả lời. Điện thoại viên bảo có một cú điện thoại viễn liên quốc tế. Tôi nhìn đồng hồ, nhận ra đã 7 giờ sáng. Rồi giọng một người đàn bà, nói trong điện thoại từ một đài phát thanh ở Los Angeles. Bà ta muốn phỏng vấn tôi. Bà đã xem cuốn phim CBS về chuyến bay Đà Nẵng trong mục tin tức. Thế là tôi kể cho bà nghe tất cả những gì đã xảy ra. Cuối cuộc phỏng vấn, bà ta nói một câu ngu ngốc nhất. Chưa bao giờ trong suốt đời tôi nghe ai có thể nói một câu ngu ngốc thế. Bà ta bảo: “Cô Wollett, nghe chừng cô còn buồn bực lắm!” Tôi không thể tin được sự ngây ngô như thế trong nhận xét của bà ta. Lúc ấy, biết bao ý nghĩ diễn ra trong trí. Nhưng tôi chỉ còn có thể nói: “Thưa bà, hãy đặt vấn đề như thế này: Đây không phải là câu chuyện mà người ta có thể chứng kiến mỗi ngày.”

Bà ta nói “Thôi, cảm ơn, cô Wollett. Nhân tiện, xin chúc cô một lễ Phục sinh vui vẻ.” Đến lúc ấy, tôi mới nhận ra: đó là ngày chủ nhật mùa lễ Phục sinh.

“…Đây không phải là câu chuyện mà người ta có thể chứng kiến mỗi ngày…”

Nước Mắt Trước Cơn Mưa,

Joe Hrezo

JOE HREZO

 (Trưởng Trạm Hàng không)

“Chỉ sung sướng vì còn sống sót.”

Tôi là quản lý trạm World Airways ở căn cứ không quân Clark, Phi Luật Tân vào năm 1975. Tôi thi hành bất cứ công tác đặc biệt nào mà xếp Ed Daly muốn. Vì vậy khi một chiếc 727 của chúng tôi ở Việt Nam bị đạn, tôi nhận cú điện thoại bảo phải liên lạc với chủ tịch Philippines Airlines, cố thuê chiếc phản lực cơ Sydney Hawker 125. Tôi đoán hẳn Ed Daly có quen biết lớn với ông chủ tịch. Daly muốn thuê cái phản lực nhỏ này để chở một bộ phận thay thế cho phi cơ 727 ở Sàigòn. Tôi điện thoại nói chuyện với mấy người bên sở điều hành.

Họ đồng ý chuyến bay. Tôi gặp người trong căn cứ Clark, lấy được phép cho chiếc phản lực 125 hạ cánh. Chiếc máy bay đến Clark lúc 11 giờ đêm. Rồi tôi và cái bộ phận nặng 25 cân Anh kia bay đi Sàigòn trên chiếc máy bay này, đến Sàigòn khoảng 2 giờ sáng.

Khi đến nơi, tôi đoán có lẽ họ đã bắt đầu xài mấy chiếc phi cơ 727 để tải người từ Đà Nẵng vào rồi. Vụ này cũng ổn thôi. Vì vậy có hôm tôi đã leo lên làm một chuyến. Không lộn xộn gì. Ngày kế, tôi lại đi, có cả hộ tống bên toà Đại sứ đi cùng. Lúc hạ xuống Đà Nẵng vừa đến trạm Air America thì đám người ngợm khốn khổ tràn đến. Chúng tôi cho tàu bay vòng Iại, thả cầu, hai gã hộ tống bự con bước xuống, bắt đầu cho người lên. Người ta xô đẩy chen lấn, khi tàu đã đầy ứ họ còn cứ cố chui vào. Lính hộ tống có lựu đạn cay, đem ra xài. Chỉ báo hại bọn tôi hơn là cho đám dân: gió thổi ngược. Nhưng rồi cũng xong, bốc được người là chúng tôi về.

Nhưng hôm ấy khi toà đại sứ nghe Daly nói ông ta sẽ đi nữa thì họ bắt đầu nạo ông ta.

Daly đã đòi gặp Đại sứ Graham Martin từ 10 hôm rồi. Cuối cùng Martin mới chịu tiếp, có tôi đi cùng với Daly. Râu ria 3 ngày không cạo, Daly đội một cái mũ cao bồi tổ bố. Bước vào một cái, câu đầu tiên ông ta nói: “Bây giờ ông có thể tắt mấy cái máy ghi âm khốn nạn của ông đi!” ông Đại sứ bảo “Ô kê! Không có cái máy nào bật lên cả.” Daly nói: “Tôi chỉ cần thông báo trong vòng một, hai ngày là có thể gặp các giáo hoàng, quốc trưởng, tướng tá, vậy mà sao ông bắt tôi phải đợi đến mười bữa mới được gặp?” Daly sùng lắm. Ông ta bảo Đại sứ là Sàigòn sẽ sụp đổ trong vòng hai tuần lễ, còn Đại sứ thì cứ bảo “không, không đúng”. Daly hỏi thế ông định làm cái trò gì đây, bởi vì ông nên nói thẳng cho mọi người rõ tình hình đang xảy ra làm sao, hơn là cứ quanh co che đậy. Daly nói – tôi giật mình khi nghe ông ta nói – với ông Đại sứ khốn khổ: “Thứ người như ông chỉ là thứ đứng bán xe phế thải! Không hơn không kém!” Tôi bị lâm vào tình trạng như vậy. Hai ông này kiểm soát mọi thứ, Daly nắm được tiền, còn tôi cứ ngồi đực mặt mà nghe.

Ông Đại sứ không hẳn là người thô lỗ. Ông là tay ngoại giao. Nhưng Daly la lối lung tung. Tôi phải nói ông Đại sứ khá lịch thiệp, nhưng ông ấy cũng chẳng có thể nói gì được nữa? Tôi chắc ông ta đã cố làm những gì tốt nhất mà ông ấy tin rằng ông phải làm. Nhưng tôi cũng chẳng rõ thế nào. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn không lấy được phép bay ra Đà Nẵng.

Daly bảo: “Đi như thường. Cho chúng biết bọn mình làm việc như thế nào.” Chúng tôi sẽ lấy cả ba cái máy bay rồi đi. Ông ta bảo “Rồi, cậu với tớ biến. Mình sẽ tổ chức vụ này.” Nhưng tôi nghĩ là toà Đại sứ đã nói ông đừng đi, vì không an toàn!”.

Khi làm việc cho Daly, người ta không ngủ được nhiều. Ông ta thích thức khuya dậy sớm. Vì vậy hôm sau mới tinh mơ đã có người đánh thức tôi dậy. Không nhớ ai. Họ nói Daly đang chờ. Phải sẵn sàng tất cả mấy phi hành đoàn trong vòng năm phút. Khi gặp Daly ông ta cộc lốc nói “Đi!” Thế là đi.

Tôi ngồi phía sau với Daly, Bruce Dunning và Mike Marriott. Daly ngồi trên cái ghế bên cạnh cửa, nói chuyện với họ. Daly nói “Tốt – Bọn mình sẽ ra ngoài ấy. Đến bến của Air America, Joe, cậu và tớ sẽ nhảy ra tổ chức công việc.” Tôi từ chối thế quái nào được?

Chúng tôi ra ngoài ấy, hạ cánh, phi trường rất yên. Nhưng ngay khi máy bay vừa chậm Iại, người ta đổ ra từ khắp phía. Bỗng nghe Daly bảo “Ô kê! Tớ lên nói Ken hạ cầu, mình sẽ ra.” Mẹ kiếp. Tàu bay dừng. Cầu hạ. Nghĩ là đã đến lúc rồi đây nên tôi nhảy ra. Nhưng ngay sau đó tôi thấy cái cầu rút lên, tàu bay tiếp tục lăn bánh. Khi rút cầu, Ken Healy quay tàu ra phi đạo, đánh một vòng rồi trở đầu Iại. Nhưng đó chính là lúc người ta bắt đầu ào đến. Một thằng cha đứng bắn vào máy bay. Tôi thấy Ken lệch tay lái sang một bên, làm như sắp cán lên hắn. Không biết tại sao mà cha này không bị đụng. Tôi có nhét một khẩu 38 ngắn nòng trong người. Nhưng tôi tính thầm: Nếu tôi nổ cha này thì tôi sẽ bị chơi lại văng cứt. Nên tôi giữ êm khẩu súng dưới áo.

Có một xe tải chở đầy ắp người chạy rượt bên cạnh máy bay. Đứng dưới đất một mình, tôi chứng kiến mọi sự, sợ vãi đái. Cả đám người ào ào chạy bên tôi, vài trăm mạng. Một xe jeep nữa đầy người chạy tới, một cha cầm khẩu M16 lăm lăm ria tưới vào. Cái xe jeep lật lộn vòng, người văng túa ra hết. Vậy là tôi cố thu mình tìm cách đi thoát về phía đài kiểm soát không lưu, vì chẳng cách nào lọt vào lại tàu bay được nữa. Nếu tôi là Ken Healy tôi đã cất cánh vọt rồi. Nhưng anh ta cũng không vọt nổi. Trên phi đạo, xe cộ ngổn ngang. Không lối chạy. Do đó anh ta mới cho tàu xuống cuối phi đạo, từ đó quay một vòng 180 độ phía xa tuốt dưới đường bay. Lúc ấy tôi lọt vào đài không lưu rồi, mấy người Việt Nam ở đấy cho tôi vào. Vào thì ô kê thôi! Liên lạc được với Ken trên điện đài, tôi bảo “Ê, Ken, tui sẽ chui ra chỗ bến Air America. Nhắm nổi không?” Anh ta nói “Ô kê! Canh chừng? Khi đến lưng cầu tôi sẽ xoay một vòng. Vừa dứt, phải lọt vào tàu bay ngay!”

May phúc, tôi vào lọt. Anh ta không dừng, cho phi cơ chạy taxi rề rề. Tôi thấy rõ Daly đang quật vào đầu người ta với khẩu súng và đá bọn đó. Lúc này phần tôi có ai bám lấy tôi cũng không cảm thấy gì. Chi có mỗi một chuyện là phải chui vào lại cái tàu bay. Nghĩ có mỗi một chuyện ấy thôi! Cuối cùng tôi lọt. Vừa khi tôi lên được, Ken rú máy. Máy bay bốc lên với cây cầu thang còn thả tòn ten. Tôi hãy còn đeo ở bực thứ hai. Daly đứng trên tôi một bực khi máy bay cất cánh.

Tôi biết khi tàu rú máy có vài người đeo lấy tôi. Tôi biết tôi đá một người văng ra, nhưng lúc ấy máy bay chưa cất lên. Phải chi lúc ấy máy bay đã cất cánh!

Nhìn lên tôi thấy Mike Marriott đang quay phim trên đầu cầu thang. Nhìn xuống tôi thấy mấy cái tàu thủy ở cảng Đà Nẵng bấy giờ bé tí, giống như đồ chơi. Phải nói suốt lúc ấy tôi sợ vãi cứt. Có một cha mắc kẹt vào cầu thang. Cầu này có một trục rút, không biết sao cha này lọt vào, nửa người trong tàu bay, cẳng thòi ra. Chúng tôi cố tìm cách lôi hắn, không nhớ cuối cùng khi kéo hắn ra được thì tàu bay đã lên đến cao độ nào. Chúng tôi cố rút cầu lên nhưng vô phương. Tôi rút thắt lưng, Daly cũng vậy, chúng tôi lấy thắt lưng buộc cái thành cầu vào nắm cửa. Vào đến trong tàu thì cảnh tượng hết tin nổi. Mỗi hàng ghế nhồi nhét bốn, năm, sáu người. La liệt, đa số đàn ông cả.

Thiệt khoan khoái hết sức là tôi trở vào được trong tàu bay. Mấy bà tiếp viên làm việc hết xẩy. Nhiều người trên đầu bị quật nặng, được mấy bà săn sóc chu đáo. Tôi đi vào phòng máy bảo Ken “Cảm ơn nhiều.” Anh ta nói “’Tất nhiên tôi sung sướng được thấy lại ông!” Lúc ấy Daly ở đó. Daly không tin nổi số người trên tàu. Phần lớn là binh sĩ. Ông ta nói “Nhìn bọn lính khốn kiếp. Nhìn đống súng kìa. Mong không có quả lựu đạn nào bung ra nhé?” Bấy giờ lựu đạn lăn long lóc trên sàn. Daly gọi người thu mang vào phòng lái. Chỉ một chốc, phòng lái đầy súng đạn.

Ken lo sốt vó vì tàu bay mất xăng. \/ì thế tôi biết anh ta cố vào Phan Rang. Nhưng khi bắt đầu đổi cao độ xuống Phan Rang thì họ gọi cho biết là không “an toàn.” Nhưng ai bảo đảm được chuyện đổ xăng. Bạn biết mấy cái chữ “thân thiện, bất thân thiện,’” “’an toàn, bất an toàn”” chứ? Nói cách khác, có thể xăng nhớt ở Phan Rang đã vào tay địch quân rồi. Họ không dám chắc. Vì thế Ken bảo “vô Sàigòn.” Tụi tôi bèn bay vào Sàigòn.

Tụi tôi bàn nhau về mấy cái bánh xe để hạ cánh. Chẳng ai biết rõ là chịu nổi hay không vì khi lui tàu bay, bánh bị lọt hố. Điều động bánh xe cũng không được vì có một cha đã lọt trong gầm bánh xe rồi.

Nhưng rồi cũng hạ cánh xong. Chưa bao giờ tôi thấy lính đông như thế. Đông hơn cả mặt trận. Họ vây lấy cái tàu bay.

Tôi ra phía sau lấy lại cái thắt lưng. Nó đã tự tuột ra từ hồi nào. Tôi khiêng một người mắc kẹt trong thang với cái cẳng nát. Giao cha này cho lính rồi cùng mọi người về khách sạn nơi Daly ở.

Đêm ấy trong phòng ăn khách sạn, lúc Daly đang nói chuyện với các phóng viên thì ở đằng sau, người ta cứ nói chuyện ồn ào. Vì vậy Daly đứng đậy nói “Xin quý vị lưu ý.” Ông ta rút khẩu súng đập lên mặt bàn, bảo “Tôi muốn quý vị lưu ý cho – hoặc là có kẻ ăn đạn ở đây – ngay bây giờ!” Mọi người im phắc. Vài phóng viên bỏ ra ngoài. Tôi muốn nói với bạn thế này: Ed Daly là một người đầy cá tính. Nhiều người không ưa ông, nhưng ông vẫn làm bất cứ cái gì ông muốn. Bất cứ khi nào ông thích. Và ông ta làm được việc. Ông không sợ nói thẳng những gì ông nghĩ. Ông có thể làm tổn thương nhiều người, nhưng ông ta không hại ai cả. Nếu bạn có lập trường tốt, bạn giữ vững lập trường, ông ta kính trọng bạn. Tôi đã đối xử với ông ta như vậy, phải, tôi làm như vậy.

Nhưng mà thôi, đêm hôm ấy tôi sung sướng là hãy còn sống sót. Chỉ sung sướng vì hãy còn sống sót. Vì vậy lát sau tôi băng qua bên kia đường vào một quán nhậu, kiếm một cô bạn gái để vui chơi chút đỉnh.

NMTCM / P1NM / C1 / JH

Nước Mắt Trước Cơn Mưa, Mike Marito

MIKE MARITO 

(Chuyên Viên Quay Phim)

“Ngập cứt?”

.

Tôi là chuyên viên thu hình của chuyến bay cuối cùng ra Đà Nẵng hôm ấy. Bruce Dunning, Mai văn Đức và tôi đã xin được phép đi với Ed Daly. Khi chúng tôi hỏi để xin theo, ông ta bảo “Tất nhiên là được, càng đông càng vui.”

Khi chúng tôi sắp hạ xuống Đà Nẵng, hai hàng phi đạo dưới ấy hoàn toàn trống trải, không một bóng người. Không có gì trên đường bay hay đường vào bến cả. Hình như, cũng không có ai lai vãng ở các khoang chứa máy bay. Mọi sự có vẻ trái hẳn với các nguồn tin chúng tôi nghe nói là Đà Nẵng sắp sụp đổ.

Chúng tôi dự liệu gặp cảnh hỗn loạn và một đám động giận dữ, nhưng từ trên máy bay chúng tôi nhìn thấy Đà Nẵng và các con đường trong phố đều êm. Nên chúng tôi hạ cánh. Khi tàu bay từ phi đạo vưa quẹo vào đường bến thì đột nhiên người ta ùa ra từ các nhà chứa máy bay. Phi trường Đà Nẵng bấy giờ là một căn cứ không quân khổng lồ trong thời chiến, từ các nhà chứa máy bay của căn cứ khổng lồ ấy, chắc phải đến 20,000 con người chợt hiện ra và ùa tới máy bay chúng tôi. Họ ngồi trên xe jeep, xe gắn máy, thiết vận xa, họ dùng mọi thứ xe tư nhân – mọi phương tiện xe cộ mà loài người đang sử dụng – họ chạy đến chúng tôi. Chúng tôi dừng lại một lúc giữa hai phi đạo – Tôi cho máy thu hình chạy. Trước khi thấy đám người này, chúng tôi định ra khỏi phi cơ. Nhưng chợt tôi có cảm giác ruột gan quặn thắt – cái cảm giác của những người làm tin chiến trường. Tôi tự bảo “Đừng, đừng ra khỏi tàu bay.” Những người này đang hoảng hốt. Bất cứ người nào nhỏ con đến đâu nhưng khi hoảng hốt, họ mạnh hơn mình nhiều. Tôi đem máy quay phim ra phía cầu thang sau, đứng đấy thu hình. Trong lúc phi cơ còn di chuyển, người đã chạy ùa lên thang. Chắc có người đã leo qua bên hông cầu, bẻ cong lại, nên cầu thang không rút lên được nữa. Trong khi tôi đang quay, họ bắt đầu bắn lẫn nhau. Họ nổ súng loạn xạ từ phía sau để chen lại gần máy bay. Lúc đó, tôi ngoảnh lại bảo Bruce “Mẹ kiếp, bọn mình ngập cứt rồil”

Chúng tôi chạy rà quanh phi trường. Cuối cùng Daly quyết định ông ta nói: “’Bay mẹ nó khỏi đây đi.” Lúc ấy chúng tôi bắt đầu cất cánh từ ngay cuối đường bến. Chúng tôi đụng một cái xe khi bắt đầu bốc lên. Mấy bánh xe bên trái tông phải một cái xe jeep. Lúc đầu tôi tưởng là chiếc máy bay vẫn còn chạy rà rà vì tôi còn đứng trên thang tàu bay. Chợt nghe máy rú tôi mới nghĩ “Mẹ kiếp, mình hãy còn đứng trên thang.” Tôi không muốn bay khỏi mấy bực thang chút nào. Lúc ấy có năm người Việt Nam đứng ở những bực dưới. Khi mũi tàu chống lên, lực bay và vận tốc bắt đầu bung mấy người ra. Một người cố bám được một lát, nhưng khi tàu bay lên khoảng cao độ 600 feet, anh ta buông tay bay như lính dù. Tôi chứng kiến anh ta bắn vụt ra không trung. Không thể tin được!

Lúc ấy ý nghĩ chạy qua đầu tôi là: “Phải sống sót trong vụ này, phải thu tất cả hình ảnh vào phim. Đây là giây phút khởi đầu của sự sụp đổ một quốc gia. Quốc gia này đã cáo chung. Đây là lịch sử, ngay đây, bây giờ. Phải ghi lấy lịch sử này bất kể cá nhân tôi đang cảm thấy như thế nào.” Tôi rời cầu thang, thu hình qua cửa sổ máy bay. Suốt lúc bay về, tôi mang nỗi hoài nghi – một nỗi hoài nghi hết sức mạnh mẽ, tôi muốn nói: Không cách gì chúng tôi có thể hạ cánh được. Phi công của chúng tôi, Ken Healy không điều động được mấy cái bánh xe để hạ, họ bảo có một cái xác người vướng trên ổ bánh xe. Cánh máy bay và mấy cái vành xếp đã hỏng, xăng của chúng tôi tiếp tục cạn.

Tôi ngồi trong khu dọn ăn phía sau. Tôi không có ghế ngồi. Lính tráng trên phi cơ đều có súng M16, và súng lục 45. Tôi tính: dẫu máy bay không bị rơi, vẫn có thể xảy ra chuyện những người lính này cướp máy bay đòi sang nước khác. Chúng tôi thực lo ngại chuyện ấy suốt buổi. Nên sau, chúng tôi tìm cách nói với họ: “Này quý bạn, mấy thứ này có thể bất ngờ gây tai nạn – Quý bạn có thể giao cho chúng tôi chăng?” Đức và tôi đi quạnh nhặt nhạnh các vũ khí và những quả lựu đạn. Chúng tôi dùng băng keo quấn lựu đạn để giữ chặt kíp Iại, rồi bỏ ra phía sau phi cơ.

Chúng tôi hạ cánh xuống Sàigòn an toàn. Mỗi khi có trục trặc, cảnh sát luôn luôn tìm tụi quay phim – Nên chúng tôi một lần nữa, dự liệu trước việc này. Chúng tôi trao hết phim cho Bruce Dunning để ạnh ta giấu dưới áo khi chúng tôi ra khỏi phi cơ. Họ không biết là có một thông tín viên mạng phim thoát ra. Tụi tôi làm kiểu này hoài. Chúng tôi sẽ gây chú ý cho cảnh sát bằng những dàn máy móc quay phim để họ bu đến, rồi người thông tín viên chuồn đi. Quả nhiên cảnh sát Sàigòn giữ Đức và tôi một lúc – Nhưng Bruce đã lặng lẽ bước, như không biết gì đến chúng tôi. Anh ta mạng được mấy cuốn phim đi thoát.

Chúng tôi được hai giải thưởng với bộ phim ấy. Câu lạc bộ báo chí nước ngoài một giải, Hiệp hội nhiếp ảnh viên báo chí quốc gia một giải nữa. Đến bây giờ – Tôi vẫn không thực sự tưởng tượng nổi những chuyện ấy là một cơn ác mộng – nhưng cho đến bây giờ, mỗi khi nhìn thấy bất cứ cái gì nhắc nhở tới Việt Nam, lập tức tôi thấy hiện ra các hình ảnh trong hồi tưởng như một làn chớp. Bất cứ lúc nào thấy cái gì dính dáng đến Việt Nam tôi lại thấy làn chớp ấy. Nó trong suốt như pha lê trong trí tôi. Suốt đời, tôi sẽ không bao giờ có thể quên.

NMTCM / P1NM / C1 / MM

Nước Mắt Trước Cơn Mưa, Susan McDonald

SUSAN McDONALD

580244_10151992920081953_576839680_n

Susan McDonald

(Nữ Y Tá Cô Nhi Viện)

“Chỉ là những tấm hình của lũ trẻ con.”

Tôi là nữ y tá, tốt nghiệp đại học Coretto Heights ở Denver năm 1970, sau đó làm việc ở Kentucky khoảng ba năm. Bấy giờ mỗi đêm truyền hình đều chiếu về chiến tranh Việt Nam. Tôi theo dõi thường thấy cảnh trẻ con bị bắn. Vì quan tâm đến việc săn sóc trẻ, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện xin sang Việt Nam làm việc.

Tôi viết thư cho một số địa chỉ để tìm tin tức việc làm tại Việt Nam. Bấy giờ một trong những người tôi viết thư hỏi là Rosemary Taylor, một phụ nữ người Úc làm việc tại Việt Nam từ 1968. Rosemary chú ý đến việc săn sóc trẻ vô thừa nhận và tìm các gia đình nhận nuôi những đứa trẻ này. Bà đã phục vụ tại một viện nuôi trẻ vô gia cư ở Phù Mỹ. Sau bà tự lập nên những trung tâm riêng để săn sóc trẻ mồ côi và trẻ vô thừa nhận. Bà hoạt động qua các cơ quan Việt Nam, qua Toà Đại sứ các nước để tìm các gia đình nhận nuôi những đứa trẻ này. Rosemary trả lời thư, nói rằng có lẽ tôi sẽ hữu ích trong việc làm với trẻ mồ côi. Hãng Air France cấp cho tôi một vé máy bay đi Việt Nam, đổi lại tôi thỏa thuận là ngày trở về sẽ đi kèm với năm đứa trẻ rời Việt Nam. Ngày trở về được để trống.

Tôi chưa đến Á châu bao giờ. Thật ra, tôi chưa rời Hoa Kỳ bao giờ. Lần này đi New York, rồi bay sang Paris. Tôi ở lại Paris vài ngày với mấy người bạn, rồi sang Sài Gòn.

Tôi không được chuấn bị trước về cuộc sống ở đấy. Tôi lớn lên ở Hoa Kỳ, một xứ sở sung túc, phương tiện độc nhất để làm quen với những gì khác hơn Hoa Kỳ chỉ là vô tuyến truyền hình. Nhưng truyền hình không chuyển đạt được cái sự thực nào khác ngoài khuôn khổ kinh nghiệm của tôi tại Hoa Kỳ. Nhớ lại lúc mới đến Việt Nam tôi đã bị tràn ngập bởi những ấn tượng đầu tiên về sự nghèo khó. Nhìn những căn nhà lụp xụp dọc bờ sông Sài Gòn, tôi cứ hỏi có thật con người ta sống trong những căn nhà như thế hay không. Sau này tôi nhìn mọi vật với một ánh sáng khác. Tuy nhiên cái ấn tượng đầu như thế. Nó chỉ đặt trên mỗi một ý tưởng: Đây đúng là một xứ sở hết sức nghèo nàn, ở xứ này người ta sống dọc bờ sông, dòng sông này cũng được dùng làm cống thoát rác.

Tôi ở ngay Sài Gòn, làm cho một viện cô nhi tên gọi “Thiên Đường Mới.” Trước là một biệt thự của người Pháp, nay trở thành nhà trẻ. Khi tôi đến, hãy còn hai y tá người Pháp làm việc ở đấy. Họ muốn đổi đi làm với những nhóm ty nạn khác nên tôi đến thay thế. Họ chỉ ở lại có hai tuần sau khi tôi đến. Trong nhà có chừng năm mươi trẻ vào tuổi biết đi chập chững. Đây là nhà trẻ thứ hai hoặc thứ ba cùng loại do Rosemary lập ra. Một nhà nữa dành cho trẻ lớn hơn. Một nhà khác cho trẻ sơ sinh. Sau này chúng tôi cũng săn sóc cả những trẻ sơ sinh trong nhà trẻ của chúng tôi.

Tôi yêu thích công việc của tôi. Không lúc nào tôi cảm thấy nhớ nhà vì trẻ con luôn luôn luẩn quẩn quanh tôi như trong một đại gia đình. Tôi không bị trở ngại ngôn ngữ, vì với lứa tuổi chập chững, các trẻ này cũng chỉ như mọi trẻ khác cùng tuổi ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Một trong những công việc tôi phụ trách là mua sắm đồ ăn. Tôi mua các thứ ngoài chợ, bỏ vào máy xay, nghiền ra thành đồ ãn trẻ, chúng tôi không được tiếp viện đồ ăn trẻ thứ của Mỹ, nên cứ mua cà rốt, các thứ rau trái khác và thịt để bỏ vào máy xay. Lúc đầu tôi mua thịt gà, tôi quen ở Mỹ thịt gà là rẻ nhất, tôi tưởng ở Việt Nam cũng vậy, sau mới biết thịt gà rất đắt, cá và tôm hùm lại rẻ hơn. Tôi phải học mới biết mua thứ gì rẻ để tiết kiệm. Người ta cũng cho đồ ăn, có hôm họ cho vài thùng mận, suốt mấy ngày ấy chúng tôi dùng mận, có hôm họ cho vài thùng mứt, suốt mấy ngày ấy chúng tôi dùng mứt.

Tôi làm quen với tất cả những chuyện này, không có trở ngại nào đáng kể. Dưới miệt Hậu Giang, có mấy cô nhi viện khác, chúng tôi cũng hay lái xe xuống chở đồ tiếp tế và thuốc men cho họ. Ở các cô nhi viện này, nhiều trẻ chỉ mất cha hoặc mẹ, con cái được gửi vào đấy nhờ nuôi hộ. Đối với những trẻ này chúng tôi không làm gì nhiều ngoại trừ chích ngừa, cung cấp áo quần hoặc cho bất cứ đồ tiếp tế nào khác chúng tôi có. Khi săn sóc đám trẻ này, chúng tôi dự liệu sẽ có ngày cha hoặc mẹ chúng lãnh con về lại, nên tất nhiên chúng tôi không lo việc tìm các gia đình nhận làm con nuôi. Thực tế ra, trẻ em nào còn bất cứ một người bà con – như anh em họ, cô dì, chú bác – đều không được cho làm con nuôi – Chúng tôi giữ hồ sơ trẻ chu đáo, không tạo vấn đề cho các gia đình nhận con nuôi, các đứa trẻ được cho làm con nuôi đều là trẻ bị bỏ rơi, trẻ vô thừa nhận, các dữ kiện về trẻ vô thừa nhận đều được đăng tải cẩn thận trên báo để xem có thân nhân tìm kiếm không.

Vào thời gian này, quân đội Mỹ đã rút ở hầu hết các nơi, nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn. Lính tráng, quân xa vẫn là cảnh tượng hàng ngày trên đường phố. Mười một giờ tối giới nghiêm, không ai được ra ngoài. Đêm đêm có pháo kích, chúng tôi đều nghe tiếng nổ. Nhưng vào năm 1973, không có dấu hiệu gì cho thấy chung cuộc xứ này đã đến, thời gian đã dứt, hay bất cứ cái gì như vậy. Tôi ở đấy, thực tế là sống với thời gian vô hạn định, chưa bao giờ nghĩ một ngày nào trong tương lai sẽ rời đi. Tôi yêu thích việc tôi làm, tôi được người Việt đối xử tử tế, chúng tôi mướn người Việt làm nhân viên trông coi cô nhi, họ là các phụ nữ trẻ gọi là “y tá dưỡng mẫu.” Cứ một y tá dưỡng mẫu phụ trách năm trẻ, trừ khi trẻ đau yếu hoặc cần có sự săn sóc đặc biệt, thì một y tá dưỡng mẫu coi một trẻ.

Có nhiều trẻ bị sứt hàm ếch, sứt môi, sứt vòm miệng bị bỏ vô thừa nhận. Tôi không biết tại sao, có thể vì cha mẹ chúng cảm thấy bất lực trong việc đương đầu với sự tật nguyền, hoặc vì tin dị đoan gì, không rõ, nhưng chúng tôi có rất nhiều trẻ như thế, chúng dễ bị nhiễm bệnh hô hấp, trừ khi được cho ăn, cho bú chậm rãi. Vì chúng nuốt đồ ăn khó khăn, chúng tôi muốn chắc chắn chúng không bị nghẽn đồ ăn trong phổi, nên chúng tôi cắt đặt: cứ một y tá dưỡng mẫu phụ trách một em loại này.

Những trẻ này khi được nhận làm con nuôi ở ngoại quốc, sẽ được giải phẫu chỉnh hình. Một trong những lý do khiến tôi muốn trở thành bác sĩ – hiện tôi đang theo học y khoa – là vì tôi muốn giúp các trẻ em bị sứt vòm miệng. Tôi hy vọng kỹ thuật giải phẫu chỉnh hình sẽ dễ dàng hơn và sẽ giúp thay đổi cuộc đời những em bé ấy.

Chúng tôi gửi các em được nhận làm con nuôi đi ngoại quốc khá thường xuyên. Việc này tạo ra những khó khăn tình cảm. Tôi rất buồn khi trẻ ra đi, nhưng chúng tôi biết một mái gia đình thương yêu các em sẽ là điều tốt nhất cho các em. Tôi đã đưa nhiều trẻ ra máy bay. Việc này cũng tạo khó khăn cho cả các nhân viên coi trẻ, vì có sự gắn bó giữa họ và những đứa bé, nhất là đối với các em đã ở lâu với chúng tôi.

Những gia đình muốn nhận nuôi cô nhi phải làm thủ tục qua một cơ quan, cơ quan này sẽ nghiên cứu gia đình ấy, cơ quan chúng tôi đặt tại Boulder, Colorado. Họ cần bảo đảm rằng những gia đình nhận nuôi cô nhi phải có khả năng săn sóc trẻ, cũng phải được bảo đảm rằng cộng đồng địa phương sẽ chấp nhận đứa trẻ, các nước Mỹ, Úc, Thụy Điển, Đức, Phần Lan, Pháp, Bỉ, Gia Nã Đại, Anh, Ý, Thụy Sĩ, Lục Xâm Bảo đều đã nhận cô nhi Việt Nam.

Khoảng cuối 1974, nhiều thay đổi bi đát bắt đầu xảy ra. Thoạt tiên, việc tiếp liệu mỗi lúc một khó. Rồi giờ giới nghiêm càng lúc càng sớm hơn. Nhưng không một ai báo cho chúng tôi biết chiến tranh sắp chấm dứt. Không một ai bảo chúng tôi đóng cửa cô nhi viện.

Việc gửi trẻ ra khỏi xứ bắt đầu lôi thôi, các bộ trưởng chính phủ làm việc với chúng tôi hình như thay đổi mỗi ngày, các bộ trưởng mới không biết gì những thủ tục thông thường, cứ thế, chúng tôi luôn luôn phải làm việc với những người mới, còn những người trước đã cũng làm việc, bây giờ đều rời xứ cả. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về việc gửi trẻ em đi bằng máy bay phản lực của World Airways. Rồi sau đó, cũng gặp nhiều phiền phức giấy tờ về việc cho trẻ rời xứ bằng không vận cô nhi của không quân Mỹ, chiếc C-5A. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thu xếp được giấy phép cho các em có thông hành lên chuyến bay. Tôi nhớ chúng tôi đã gửi 230 cô nhi của chúng tôi lên chuyến C-5A ấy.

Mười lăm phút trước chuyến C-5A này, có vài em đã được gửi đi Úc. Tôi ở tại nhà để trông coi việc sắp xếp cho các em được đi đúng chuyến. Tôi không ra phi trường Tân Sơn Nhất, Rosemary phụ trách việc ấy. Khi bà ở phi trường về, tôi nhớ bà ấy bảo C-5A là một cái máy bay thật lớn. Đáng Iẽ trẻ được gửi đi bằng máy bay Nightingale, loại máy bay tiếp vận y tế quân đội, loại này có giường cũi cho trẻ, nhưng rồi chúng được gửi đi bằng chiếc C-5A là loại máy bay vận tải khổng lồ, việc này làm Rosemary 10 ngại. Thế là chỉ vài phút sau khi bà ấy về, tôi nhận được cú điện thoại từ bệnh viện Cơ Đốc. Người đàn bà bên kia đầu giây nói “Cô có thể gọi các nhân viên coi trẻ lại đây không? Trẻ em của cô bị thương, sắp mang vào.”

Chúng tôi nhảy vội lên taxi, chiếc Renault hai màu vàng và xanh, chạy vào bệnh viện. Trên đường không ai nói một lời, chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra. Suốt buổi, tôi nghĩ ngợi: “Tàu bay đụng? Tàu bay rơi? Trục trặc lúc cất cánh? Chuyện gì xảy ra vậy?”’

Khi chúng tôi đến bịnh viện, họ bắt đầu chở trẻ vào, đứa sống, đứa chết. Đủ thứ phương tiện chuyên chở được đem ra sử dụng: vận tải, xe cứu thương, xe Jeep, xe tư nhân, còi hụ inh ỏi khắp nơi.

Có lẽ cái xúc động này là xúc động mãnh liệt nhất của suốt đời tôi, chiếc máy bay rơi nát, có những người bạn tôi bỏ mình. Những người lớn, những trẻ con mà tôi đã săn sóc để gửi lên chuyến bay, cũng chết. Tôi nhìn những thân thể nhỏ bé đầy thương tích như nhìn thấy một cơn ác mộng.

Tôi không định danh được nhiều trẻ. Nhiều đứa không nhận ra được nữa. Tôi có mở một hai bao đựng xác, nhưng cảnh tượng không chịu nổi. Nên tôi ngừng. Trên chuyến bay cũng có một số thư ký bên văn phòng tùy viên quân sự, vài người chết. Tôi bèn đi dọc các phòng trong bịnh viện tìm xem ai còn sống, còn nhận được ai không.

Trong khung cảnh Việt Nam bấy giờ, việc máy bay rớt không phải là việc bất thường. Những nhân viên làm trong nhà trẻ có thể nhận một cú điện thoại rồi người ta báo cho biết chồng bà ấy chết, hay con bà ấy chết, chúng tôi đã nhìn thấy quá nhiều quan tài, chúng tôi thấy xe tải chở áo quan đi qua mỗi ngày, cho nên việc máy bay rớt gần như phù hợp vào tất cả các chuyện khác xảy ra trong khung cảnh chung quanh chúng tôi. Nếu chuyện này xảy ra trong một xứ sở hoà bình, có lẽ nó sẽ khác. Vài em trong nhà trẻ chúng tôi hãy còn sống. Một bé gái mà tôi săn sóc từ lâu bị nứt sọ, gãy xương hông. Tôi tìm thấy bé gái này trong nhà thương ngày hôm sau, con bé không biết tí gì về tình trạng thương tích của nó. Tôi sung sướng tràn trề khi tìm ra con bé, nỗi sung sướng trộn lẫn với những xúc động của sự chết chóc. Những ngày sau nữa, tôi cũng tìm thấy thêm vài em khác thuộc nhà trẻ chúng tôi còn sống sót sau vụ máy bay rớt này.

Rất nhiều người có mặt ở nhà thương sau khi xảy ra vụ rớt máy bay. Nhiều nhân viên bên toà đại sứ và bên USAID đề nghị cho chúng tôi dùng xe chở trẻ em về Iại nhà trẻ, chúng tôi ở nhà thương cho đến khuya để kiểm điểm đám trẻ đồng thời giúp những em tiếp tục chuyến bay xuất ngoại.

Tôi không rõ lúc ấy tâm thần tôi có đủ bình tĩnh để quyết định tình trạng sức khỏe của đám trẻ không. Khi tìm thấy những em còn thở là tôi đã đủ sung sướng lắm. Tôi chú ý đến những thương tích bên ngoài, những vết cắt… nhưng không đủ sức xem kỹ những trẻ còn sống sót.

Nhiều em phải đi ngay hôm sau trên chuyến bay thuê của hãng Pan Am. Những em còn thương tích khá nặng cũng vẫn được gửi đi vì người ta đã tìm được cho các em một mái gia đình.

Vào cuối tuần lễ thứ nhất của tháng tư, chúng tôi biết giờ cuối cùng đã điểm. Toà đại sứ đã lưu ý đến việc di tản công dân Mỹ ra khỏi nước. Nhưng tôi không thể rời bọn trẻ mà đi. Không ai thay thế việc điều hành nhà trẻ. Không ai nắm vững việc ăn uống và các thứ tiếp liệu mà bọn trẻ cần, còn nhân viên nhà trẻ thì không ở vào địa vị có thể chu toàn tất cả những trách nhiệm này.

Vì vậy tôi ở lại cho đến khi biết chắc chắn mọi phương tiện di tản lũ trẻ thu xếp xong. Tôi ra đi ngày 26 tháng tư. Hai ngày trước, nhân viên bên toà Đại sứ đến bảo một chuyến bay đã sẵn sàng. Khi chúng tôi sửa soạn đi, họ quay lại bảo chuyến bay đã đình chỉ, cùng một chuyện như vậy lại xảy ra ngày 25. Nhưng rồi đến 26, chúng tôi thực mới rời đi được với Iũ trẻ. Đó cũng là ngày cuối cùng của các cô nhi viện.

Chúng tôi đi bằng vận tải cơ C-141. Ra phi trường bằng xe buýt do toà Đại sứ cấp. Tôi nhớ hôm ấy rất nóng, chúng tôi phải cố giữ để lũ trẻ không bị ráo nước. Tôi mang theo một số chai nước cho trẻ uống. Tôi bị xúc động mạnh vào giây phút chia tay với những người Việt Nam mà tôi quen biết và đã mến yêu. Khi tôi rời viện cô nhi, các nhân viên giữ trẻ vẫn ở đấy, họ phải ở lại đấy cho đến khi tất cả các trẻ ra đi – có người đi với chúng tôi một quãng đường dài nhất mà họ có thể đi được: họ giúp chúng tôi lên máy bay, rồi họ ở lại. Họ rất bình tĩnh về những gì có thể xảy ra cho họ sau này. Họ không có vẻ gì rối loạn lúc ấy cả.

Chừng 250 trẻ em đã đi với chúng tôi, các em ấy là các trẻ ở trong ba ngôi nhà của chúng tôi, cũng có mười bốn người lớn trên chuyến bay. Tôi ngồi trên sàn phía sau máy bay với các em bé sơ sinh.

Những cánh cửa của chiếc máy bay C-141 giống như một cái vỏ sò vĩ đại. Tôi không cảm thấy sợ hãi khi những cánh cửa bắt đầu đóng lại. Chúng tôi có một số thùng trong máy bay, cứ hai em đặt trong một thùng. Bọn trẻ cần được chú ý nên lúc ấy chúng chiếm hết ý nghĩ của tôi. Nhưng khi cánh cửa đóng lại, tôi nhớ đến vài người bạn đã rời máy bay. Doreen Beckett, người Úc, đã trở về nhà cô nhi, cô ấy ở lại với Rosemary và với Ilse Ewald, người Đức, cả ba ở lại để xem xét chuyện nhà cửa, chuyện trả lương cho nhân viên, họ cũng cần vài lá thư giới thiệu mà họ có thể dùng đến trong tương lai. \/ì vậy họ không đi chuyến bay chúng tôi. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho họ. Tôi nghĩ đến họ khi các cánh cửa đóng xuống. Nhiều cảm giác trộn lẫn trong tôi giây phút ấy. Rosemary, Doreen và Ilse cuối cùng đã rời được trong ngày chót của tháng tư, từ sân thượng toà đại sứ bằng máy bay trực thăng.

Tôi thực tình yêu mến Việt Nam. Tôi yêu mến những người bạn mà tôi đã làm việc chung tại các nước. Ra đi như thế thực bất ngờ – thực là một sự chấm dứt đột ngột do những quyết định từ bên ngoài. Tôi bỗng nhiên nhận ra rằng: thế là hết, thế là chấm dứt tất cả những công việc mà tôi đã làm. Và sẽ còn lâu lắm, rất lâu nữa tôi mới được gặp lại các bạn của tôi, nếu còn có thể được gặp lại họ. Sẽ lâu lắm, tôi không còn nhìn thấy Việt Nam nữa.

Chúng tôi bay đến căn cứ không quân Clark ở Phi Luật tân. Thật nhẹ người khi hạ cánh xuống. Những cánh cửa vỏ sò mở ra, tôi thấy một hàng dài người, một hàng người kéo dài vô tận, họ đứng đón đấy để săn sóc lũ trẻ con, cứ một người lo một đứa. Một bác sĩ đến bên tôi, hỏi: “Em nào đau yếu nhất ở đây?” Ông ta yêu cầu các báo cáo y khoa về bọn trẻ – Đã lâu lắm mới thấy có những việc như vậy. Tôi hầu như quên những chuyện như thế. Tôi đã ở tại một xứ sở, nơi những đứa trẻ trong các cô nhi viện xa xôi hẻo lánh chết dần mòn mỗi ngày, không lạ lùng gì khi các loại bệnh dịch xảy ra, triệt hạ cả cô nhi viện – và ông bác sĩ này lại nói rằng “Đêm qua, suýt nữa chúng tôi mất đi một đứa trẻ.” Tôi nhớ tôi đã lặng người vì sự quan tâm ấy. Đây, họ có những người săn sóc trẻ, có những chiếc xe cứu thương để chở những đứa đau ốm vào bịnh viện. Những em trong điều kiện sức khoẻ khả quan được đưa đến các phòng tập thể dục, có nệm trải trên sàn. Ở đấy có hàng dãy kệ đầy ắp đồ ăn trẻ con đặt trong cao ốc.

Đêm đầu, chúng tôi ngủ trong phòng tập thể dục. Mọi thứ tổ chức chu đáo. Mỗi ngày quân đội sắp xếp cho sáu mươi em đi Mỹ bằng máy bay C-141 có ghế ngồi, cứ hai em có một người coi sóc đi kèm. Tôi ở Phi Luật Tân chừng bảy ngày. Khi nhóm cuối cùng ra đi, tôi đi cùng với chúng.

Trở lại Mỹ, một thế giới khác hẳn, có một vụ kiện gì đó ở California về chuyện trẻ mồ côi bị bắt khỏi tay các bà mẹ trong cơn hoang mang hoảng sợ. Tôi cảm thấy tức giận về chuyện này, vì lẽ nó không đúng sự thật. Vài người bảo những đứa trẻ chúng tôi mang đi là những đứa trẻ bị bắt cóc! Khó có những chuyện như thế! Tôi biết rõ còn bao nhiêu trẻ mồ côi bị bỏ lại Việt Nam (hơn 24,000 em trong các cô nhi viện, hơn 150,000 em đang được các gia đình Việt Nam trông coi). Trong thực tế, quả có những người đàn bà, vào những ngày cuối cùng, đã đến tận cổng cô nhi viện đem con đi cho. Nhưng các nhân viên hành chánh của chúng tôi, là người Việt, đã ra nói chuyện với họ, trấn an họ rằng Cộng sản sẽ không giết hại trẻ con, chúng tôi đã yêu cầu họ mang con về.

Phải một thời gian rất lâu tôi mới phục hồi lại được sự nhạy cảm khi trở về Mỹ. Tôi nhớ lúc nhìn mặt trời lặn, lúc nhìn các phong cảnh đẹp đẽ hoặc bất cứ cái gì đẹp đẽ, tôi nghĩ “Chà, thật là đẹp.” Nhưng tôi không cảm thấy sung sướng, tôi cũng chẳng cảm thấy buồn rầu. Tôi chỉ cảm thấy một thứ tẻ nhạt tái tê.

Cuộc sống của tôi thay đổi thảm hại từ khi rời Việt Nam. Tôi đưa vài đứa bé đi Âu châu. Tôi ở lại với một gia đình tại Anh trong thời gian ngắn. Rồi tôi đi Pháp, ở nhà một người đã mất vợ và 2 đứa con trong chuyến bay C-5A bị rơi. Sau đó tôi đi thăm Ilse ở Đức, rồi đi thăm những đứa bé được nhận làm con nuôi ở đây và ở Phần Lan.

Tôi nhớ có một lúc trên tàu lửa, tại một nơi nào đó ở Âu châu, nhìn thấy một nông dân đang cày ruộng, tôi nghĩ “Không phải xứ nào cũng lâm vào chiến cuộc.” Tôi cứ phải luôn luôn nhắc nhở mình rằng hoàn cảnh Việt Nam không phải là hoàn cảnh ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Nhưng tôi vẫn còn mơ những giấc mơ về chuyến C-5A bị rớt. Trong cơn mơ, một người bạn đến bên tôi nói: “Chuyến bay bị rớt và bọn trẻ con ở trong ấy”. Rồi tôi thấy tôi ở nơi máy bay rớt. Trong giấc mơ tôi chạy lại cái máy bay. Không gian chung quanh máy bay phủ đầy những miếng giấy nhỏ bé như bông tuyết. Trước khi bước vào máy bay, tôi chụp lấy một miếng giấy nhỏ bay lượn trong không trung. Trên miếng giấy là hình ảnh một đứa bé. Rồi trong giấc mơ, tôi đã quay sang những người khác ở chỗ máy bay rớt, tôi reo lớn: “Không sao cả. Không đứa bé nào ở trong máy bay cả, chỉ có những tấm hình, chỉ là những tấm hình của lũ trẻ con.”

… NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA,

PETE Mc CLOSKEY

(Dân Biểu Hoa Kỳ)

“Này, ông bạn, tôi sẽ kể ông nghe cho hết đầu đuôi công việc.”

Chuyến đi Đông dương của phái đoàn quốc hội vào tháng 3/75 là nhằm cứu xét tình hình Việt Nam và Cam Bốt, vì lẽ Tổng thống Gerald Ford bấy giờ đang yêu cầu Quốc hội chi 222 triệu Mỹ kim cho Cam Bốt, 300 triệu cho Việt Nam. Tổng thống Ford khuyến khích chuyến đi. Ông nói: “Chúng tôi biết rõ công việc ở đấy, nhưng quốc hội không biết gì.” Tôi bèn đi trước với Thượng nghị sĩ Dewey Barlett. Vài ngày sau, sáu dân biểu khác đến nhập chung. Đó là Bill Chappell thuộc ủy ban quân vụ, rồi Bella Abzug, và John Flynt, Don Fraser, John Murtha, Millicent Fenwick. Phil Habib cũng đến với tư cách phụ tá ngoại trưởng đặc trách Á Đông, Thái Bình Dương sự vụ. Như vậy, chuyến đi gồm tám người thuộc quốc hội, và tôi nhớ trong chuyến về, khi tổng kết các ấn tượng và quan điểm, chúng tôi đã chia ra bốn với bốn, bốn diều hâu bốn bồ câu. Có một vài điều tôi muốn làm trong chuyến đi. Điều thứ nhất, tôi muốn so sánh tình trạng năm 75 với tình trạng tôi đã chứng kiến vào năm 1970 tại quân đoàn IV, vùng châu thổ, quân đoàn III, vùng ngoại vi Sàigòn, quân đoàn II ở Pleiku, Kontum, quân đoàn I ở Đà Nẵng. Tôi muốn biết vị thế chiến trường, so sánh giữa hàng ngũ phía chúng ta và đối phương, giữa miền Nam và miền Bắc. Tôi cũng muốn kiểm điểm tinh thần của người miền Nam, lượng giá ý chí chiến đấu của người miền Bắc.

Ngân khoản mà tổng thống yêu cầu bấy giờ là một ngân khoản viện trợ quân sự phụ thêm cho Việt Nam. Quân đội miền Nam Việt Nam, theo tôi nhớ, vượt trội hẳn quân số Bắc Việt. Miền Nam có chừng 740,000 binh sĩ. Miền Bắc không bao giờ có hơn 450,000 quân. Miền Nam phải phòng thủ một diện tích khá dài, nhưng họ có những tuyến truyền thông nội bộ. Tôi nhớ, mặc dầu vậy, thống kê cho thấy miền Nam đã sử dụng pháo binh gấp mười ba lần miền Bắc, điều ấy có nghĩa phần lớn số tiền này sẽ đổ vào vỏ đạn pháo binh.Tôi từng là Trung úy Thủy quân lục chiến tại mặt trận Triều Tiên. Sau đó ở lại lực lượng Thủy quân lục chiến trừ bị, đặc trách phản du kích. Tôi là dân biểu quốc hội duy nhất đã bốn lần đến Việt nam. Năm 1967, tôi là dân biểu Cộng Hoà đầu tiên đắc cử với lập trường chống chiến tranh Việt Nam.

Khi tranh cử lần đầu, người ta hỏi quan điểm của tôi về Việt Nam. Tôi đáp: Chúng ta không nên có mặt ở đấy. Chiến đấu ở chỗ ấy là sai lầm, sai địa thế, sai kẻ thù. Chúng ta đã phung phí tài nguyên nước Mỹ khi cố đánh một trận chiến như vậy.

Tôi nghĩ đương nhiên Nam Việt Nam sẽ sụp đổ sau khi Hoa Kỳ triệt thoái. Cái ý tưởng của tôi chủ yếu thế này: Sự chia cắt Việt Nam vào năm 1954 là một sự chia cắt giả tạo. Tất cả mọi người đều nghĩ Việt Nam phải thống nhất. Khi đến Việt Nam lần đầu, vào năm 1967, một điều đập ngay vào ấn tượng của tôi là: Khắp nơi, từ những làng mạc thôn ấp nhỏ bé, đến các trụ sở quận, trụ sở vùng, nơi nào cũng treo những bản đồ của một nước Việt Nam duy nhất. Ngay người miền Nam cũng không bao giờ thừa nhận là chỉ có miền Nam Việt Nam. Bất cứ lúc nào nhìn tấm bản đồ Việt Nam, ngay tại miền Nam Việt Nam cũng vậy, quý vị luôn luôn thấy đó là tấm bản đồ cả nước, không phải là tấm bản đồ dựa trên sự chia cắt giả tạo này.

Hiển nhiên, mỗi người Việt Nam đều nghĩ đất nước của họ là một đất nước thống nhất, vậy câu hỏi được đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho sự chia cắt giả tạo ấy chăng? Và dựng nên một xứ sở mới hay chăng? Chúng ta đã làm như thế. Chúng ta gọi đó là “Xây dựng quốc gia.”

Khi sang đấy, tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận cái sự kiện là chúng ta có thể tạo ra một quốc gia mới ở Nam Việt Nam như vậy, nếu họ có ý chí chiến đấu. Họ đông quân hơn lực lượng miền Bắc. Họ có phòng tuyến nội bộ. Nhìn chiến trường người ta thấy miền Bắc có 13 sư đoàn, miền Nam có 16 sư đoàn. Miền Nam có đủ thủy, lục, không quân. Miền Bắc thì không. Chúng ta đã cho họ tiền bạc, viện trợ, giúp đỡ. Chúng ta đã huấn luyện họ sử dụng vũ khí và phương pháp chúng ta. Vậy toàn thể câu hỏi cần được đặt ra là: Liệu ý chí chiến đấu của người miền Nam Việt Nam có thắng ý chí chiến đấu của người miền Bắc Việt Nam hay không?

Chúng ta gặp các phản ảnh trái ngược. Nói về phẩm chất quân đội miền Nam – các tướng lãnh nói một khác, các sĩ quan cấp úy và các cố vấn làm việc tại địa phương lại nói với chúng ta những chuyện hoàn toàn khác hẳn.

Đúng, quả miền Nam có những đơn vị chiến đấu tinh nhuệ: Thủy quân lục chiến, nhảy dù rất dũng mãnh, đầy khả năng. Nhưng quân đội thông thường là Bộ binh thì không. Họ không muốn đánh. Không có động lực đánh. Lực lượng thông thường này gồm đa số những người bị bó buộc nhập ngũ, thực sự, họ không có gì căm ghét Việt Cộng nhiều.

Và rất rõ ràng ngay từ lâu người ta đã biết có kẽ hở trong khắp các cơ cấu. Việt Cộng lọt vào các lực lượng chính phủ. Không một Tư lệnh Thủy quân lục chiến nào tôi biết – kể từ lần đầu tôi sang bên ấy cho đến lần cuối – lại thông báo các kế hoạch hành quân cho phía đồng minh Việt Nam, họ đều biết làm như thế là sẽ lọt ra ngoài.

Tôi xin trình bày với quý vị thật ra Kissinger và tất cả mọi người khác đều đã biết từ năm 1971 là sớm hay muộn Nam Việt Nam cũng sẽ sụp đổ.

Nhưng bây giờ không phải vô căn cứ khi nghe các người lãnh đạo Nam Việt Nam tuyên bố: “Nếu bọn Mỹ khốn nạn các ông đánh trận này như các ông đã đánh ở Âu Châu thì chúng tôi đã thắng. Phải chi các ông đánh miền Bắc, phải chi các ông chiếm một số thành thị, phải chi các ông đuổi chúng vào bụi rậm.” Lập luận của tôi về điều này là: Đúng, chúng ta đã có thể làm như thế. Chúng ta có thể phá hủy đê điều trên đồng bằng sông Hồng. Chúng ta có thể triệt hạ Hà Nội. Chúng ta có thể trải thảm bom, quét sạch từng thị xã nào có từ 100 dân trở lên. Nhưng một khi hành động như vậy rồi chiến thắng, và một khi chúng ta rời khỏi đất nước này, điều gì sẽ xảy ra? Những lực lượng cai trị đất nước này sẽ có lòng tin của dân chúng, hay sẽ chỉ có các phương tiện để bắt dân chúng hỗ trợ mà thôi? Kỳ, Thiệu và cả đám ấy kể từ Diệm trở đi chỉ dấy lên được nhờ sự giúp đỡ của Mỹ. Ở miền Nam, không có một khuôn mặt quần chúng nào như Hồ Chí Minh ở miền Bắc cả.

Trước khi đi chuyến này, tôi nhận được tin có một số tù nhân chính trị, một số nhà báo bị bắt giữ, bị tra tấn. Tôi muốn tới nhà giam gặp để nói chuyện với họ. Vì thế, khi đến Việt Nam tôi nghĩ đại sứ Graham Martin đã cảm thấy cá nhân tôi là một sự thách thức. Cho nên ông đã có những bài thuyết trình soạn sẵn cho tôi.

Một trong những bài thuyết trình ấy phụ trách bởi Trưởng cơ sở Trung ương Tình báo Tom Polgar. Về bài thuyết trình này thì, trời đất! Điều mà người ta trông đợi ở một sĩ quan tình báo bất cứ ngành nào là sự lượng giá vô tư về năng lực kẻ thù – Không thấy – chỉ thấy nói về các ý định của kẻ thù. Chúng ta cần biết khả năng của họ thế nào. Họ có thể làm được gì. Ta có thể đoán được các ý định của họ, nhưng còn năng lực họ thế nào? Đó mới là vấn đề then chốt. Nhưng Tom Polgar toàn thuyết trình cho chúng tôi những thứ rác rưởi vớ vẩn: Nào kẻ thù chẳng có gì, nào là người của chúng ta mạnh mẽ xiết bao!

Vì vậy tôi rời buổi thuyết trình đi ra Quân đoàn I. Tôi gặp Tư lệnh ở đấy là tướng Ngô Quang Trưởng. Chính buổi nói chuyện của ông ta đã đưa tôi trở về mà nói lại với cả Ford lẫn Kissinger rằng: “Quí ông không cách gì thắng nổi. Địch có thể phá thủng bất cứ chỗ nào.” Chuyện này có thể ông Trưởng còn nhớ. Tôi đã đi thăm ông Trưởng với tư cách cá nhân vì một người bạn có nói với tôi rằng ông ấy là vị tướng khá nhất của quân đội Việt Nam và đúng như thế.

Ông Trưởng trấn thủ Vùng I. Xin nhớ vùng I gồm năm tỉnh dọc duyên hải, bao gồm khu Phi quân sự. Trước, có lúc chúng ta phải dùng đến cả năm sư đoàn Mỹ để chiến đấu ở trong và chung quanh vùng này. Nào đệ nhất sư đoàn không kỵ… và Trời biết còn gì nữa. Hồi tưởng lại, tôi nhớ tổng cộng miền Nam có 13 sư đoàn thì tướng Trưởng có ba sư đoàn để đương đầu với chừng ba sư đoàn Bắc Việt, và trấn ngay tại địa đầu biên giới. Ông Trưởng đã mất bộ quân phục thiện chiến của ông chỉ vì Thiệu đã hoảng hốt rút quân về Nam để phòng thủ Sàigòn.

Là một Đại tá thủy quân lục chiến, biết khá rõ về trận địa, nói chuyện với một tướng lãnh Việt Nam, tôi nghe Tướng Trưởng bảo “Không có cách gì.” Ông ta chỉ tấm bản đồ mà nói: “Nếu họ muốn đưa một sư đoàn vào chỗ này, hay chỗ này thì chịu, không thể phòng vệ được. Tôi phải có một sư đoàn đặt dưới này, tại Quảng Ngãi. Phải có một sư đoàn nữa trên này, ở Đà Nẵng. Phải có một sư đoàn khác tại vùng Phi quân sự – Họ có đủ khả năng: nếu họ muốn chuyển quân, họ có thể phá thủng bất cứ điểm nào trong vùng.”

Phải, đối phương đã chọn ưu tiên chọc thủng Vùng II. Nhưng như ông ta đã nói, đối phương có thể phá thủng bất cứ điểm nào trong vùng của ông mà không có cách gì ông phòng vệ được. Bởi vì, đối phương có thể chọn lựa. Mà đây là một trong những nguyên tắc của chiến tranh: Tập trung toàn thể sức mạnh vào chỗ nào địch quân yếu kém.

Điều khác nữa, nếu quan sát các đơn vị của Nam Việt Nam quý vị sẽ thấy: Sĩ quan luôn luôn ở đàng sau. Quý vị sẽ thấy sự lệ thuộc vào pháo binh. Thấy họ từ chối không tỏ ra hăng hái trong các cuộc tuần tiễu năng nổ. Tất cả những điều ấy chúng ta đã cố dạy họ. Nhưng khi người của chúng ta vừa rời đi, họ quay lưng lại đục lỗ mà ẩn núp và thương lượng với nhau. Tôi nghĩ đã có nhiều cuộc ngưng bắn riêng tư như thế xảy ra giữa các đơn vị Việt Nam cả đôi bên.

Còn một ông nữa gây chú ý cho tôi là ông chỉ huy Vùng III, tướng Toàn. Tôi đã xem con số thương vong, nhìn tỷ lệ đạn dược pháo binh ông ta sử dụng so với số đạn pháo binh địch sử dụng. Graham Martin bảo tôi không có pháo binh, chúng ta không thể thắng được. Và ông Tướng này cho tôi thấy ông đã bắn 9,600 trận pháo. Quý vị đã rõ các trận pháo kích của đối phương bắn đến cũng đều được đếm. So hai con số chênh lệch, hiển nhiên người ta thấy miền Nam không còn hăng hái đánh bộ binh nữa.

Với những gì ông Vùng III đã nói, với những gì ông Vùng I đã nói: Không có cách gì cả. Nhìn vị thế trận địa Vùng III: họ không phòng thủ được nữa. Cảm tưởng của tôi là nếu thêm 300 triệu Mỹ kim cũng không thay đổi gì, không còn chạy chữa được những gì đã xảy ra trên trận địa.

Martin có nhiều cố gắng với tôi. Ông đưa tôi đi khắp nơi, kể cả dẫn tôi vào phòng riêng của ông mà nói “Này, ông bạn. Tôi sẽ kể ông nghe cho hết đầu đuôi công việc.” Ông ta là một đại tá bộ binh về hưu đang hồi xuân. Nếu Polgar đã cho chúng tôi nghe những chuyện rác rưởi lăng nhăng, thì Graham Martin lại là một người mất trí. Tôi thực tình nghĩ ông ta đã mất trí.

Tôi không rõ có ai tiên đoán sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam ra sao, nhưng người ta có thể đoán được dựa trên sự biện giải tâm lý các sự việc. Sự việc làm tôi ngạc nhiên là người miền Bắc đã đổ vào các sư đoàn trừ bị của họ. Thông thường, họ không bao giờ tấn công cho đến khi đã thực tập nhuần nhuyễn trên sa bàn. Họ hết sức – hết sức là thận trọng. Nhưng hiển nhiên, họ biết họ đã có đủ sức mạnh che giấu ở miền Nam, họ có đủ kỷ luật, bởi vậy vào năm 1975 họ đã đổ vào tất cả những gì họ có.

Sau, tôi yêu cầu gặp mặt một số nhà báo bị bắt ở Sàigòn. Tổng thống Thiệu rất ưu ái đã ban cho tôi cái đặc ân vào lao xá gặp gỡ những người Việt Nam trẻ tuổi này.

Lao xá gồm những xà lim nhỏ bé chật hẹp mà chúng ta đã xây cho họ. Có hai mươi nhà báo bị bắt, tôi nghĩ là gồm có một người đàn bà, tất cả bị nhốt trong dãy xà lim liên tiếp kế cận nhau. Tôi nói “Này nhé, chúng tôi được nghe nhiều dư luận rồi, tôi muốn đánh tan các dư luận đấy nhé.” Nhưng trong mọi trường hợp, mỗi khi chúng tôi nói chuyện với tù nhân, các lính gác người Việt cứ lăm lăm súng ống đứng đấy lắng nghe.

Tôi nói chuyện với một cô gái. Có hai hay ba người trong phái đoàn chúng tôi vào phòng giam cô này. Khi rời phòng giam, anh Việt Nam ra trước, một người nào đó đi giữa tôi và anh ta, vì vậy có một khoảng thời gian ngắn anh ta không nhìn thấy tôi và cuộc phỏng vấn đã xong. Cô gái nắm cơ hội, nói thầm với tôi. Cô ta bảo: “Sự thực không đúng thế. Họ đánh đập chúng tôi mỗi ngày. Họ đánh tôi rất nhiều.” Cô ta kể một câu chuyện hoàn toàn khác hẳn câu chuyện kể qua người thông dịch khi họ ở đấy.

Cảm giác của tôi vì vậy là: Tất cả mọi sự đều bị rình rập, tất cả những người tù khác mà chúng tôi phỏng vấn chắc đều đã được dặn dò tương tự: “Khi các dân biểu tới thì phải nói với họ như thế này, như thế kia.”

Cô gái mệt mỏi, khóc lóc nhưng không thấy có một dấu hiệu bên ngoài nào để tôi có thể bảo cô ta đã bị đánh đập. Nhưng như tôi đã nói, cô ta thầm thì mà bảo “Họ đánh đập chúng tôi.”

Tôi nhớ phái đoàn chúng tôi đã chia ra năm chống ba, hoặc bốn chống bốn nếu chúng tôi bỏ phiếu về việc cấp thêm viện trợ. Quan điểm của tôi là không cho miền Nam Việt Nam gì nữa hết vì họ sẽ sụp đổ. Còn về Cam Bốt, phải cho họ một chút gì, lý do là nếu Cam Bốt sụp đổ tất sẽ có tàn sát.

Chúng tôi đi Cam Bốt, ở đấy một ngày. Tôi hoảng kinh. Những gì xảy ra ở đây hoàn toàn khác hẳn Việt Nam.

Phil Habib tháp tùng chúng tôi. Hạ cánh xuống phi trường Nam Vang, chúng tôi biết thỉnh thoảng phi trường vẫn bị pháo. Không nhớ bao nhiêu quả đã rơi khi chúng tôi đến, nhưng có vài quả nổ trước đó và vài quả sau đó. Ngay Bella Abzug cũng chấn động khi hạ cánh ở phi trường với những xác máy bay cháy nằm ngổn ngang ven biên. Họ đưa chúng tôi ra, ấn vào xe, chạy vội qua các đường phố Nam Vang đến toà Đại sứ, ở đấy sẽ có buổi thuyết trình đầu tiên. Chúng tôi biết chúng tôi sẽ phải rời ngay đêm ấy. Trừ một số ít, tất cả nhân viên sứ quán đều đã di tản rồi.

Có hai bài thuyết trình chính thức dành cho chúng tôi. Một bài do Lon Nol phụ trách. Nhân vật hí họa nhỏ thó buồn cười này bước vào phòng, ngồi xuống. Ông ta kêu gọi chúng tôi giúp đỡ. Nhưng họ bảo họ có 40,000 binh sĩ Cam Bốt đóng ở phạm vi chung quanh Nam Vang. Họ ước lượng sức mạnh Khờ Me Đỏ ngoài phạm vi này là 60,000. Đây là một quốc gia có dân số 6 triệu. Quý vị tự hỏi nếu chỉ có bấy nhiêu và họ đã có tất cả những binh sĩ Cam Bốt được huấn luyện siêu việt, trang bị đủ thứ khí cụ, thì tại sao chúng ta đã không thể giữ đừng cho đối phương đến gần?

Nên tôi nói với ông Đại sứ: tôi được thuyết trình đủ rồi, tôi hỏi tôi có thể ra ngoài làm một vòng quan sát tiền tuyến chăng. Tôi có một Đại úy là tùy viên quân sự và một xe jeep, chúng tôi rồ máy ra tiền phương. Chúng tôi đến tư lệnh sư đoàn trước, rồi đến bộ chỉ huy Trung đoàn, tôi đòi nói chuyện với các tiểu đoàn trưởng hoặc vài ngưòi trong đại đội. Tại trụ sở bộ tư lệnh, tôi yêu cầu: “Tôi muốn nói chuyện với một vài tù binh Khờ Me Đỏ của quý vị,” thì họ đều bảo: “Chúng tôi không có tù binh nào.”

Sau xuống tiểu đoàn, ở đây gặp các ông mặc quân phục ngụy trang mầu đen trong một ngôi chùa nhỏ. Họ là một đại đội đang chuyển về hậu cứ, sau khi lãnh lương, họ sẽ quay lại đơn vị. Tôi hỏi một thiếu tá về tù binh, ông ta nói: “Chúng tôi không giữ tù binh. Bắt được là ăn.”

Viên Đại úy giải thích cho tôi rõ khi giết một người lính, mọi người mang dao ra xẻo một miếng thịt rồi ăn, họ tin rằng họ tăng sức mạnh khi ăn thịt địch quân. Tôi nghĩ: “Lạy Chúa! Việc gì sẽ xảy ra khi vùng này thất thủ? Có cả hai triệu con người đang ở nơi đây!”

Trở về tôi nói: “Nhân danh Chúa, hãy cấp cho những người này đủ ngân khoản đến mùa mưa để họ có thể phân tán mà ra khỏi Nam Vang,” bởi lẽ khi Nam Vang thất thủ, sau những vụ tù binh Khờ Me Đỏ bị ăn thịt, tôi nghĩ địch quân sẽ tàn sát thẳng tay tất cả mọi người trong thành phố.

Đó là lý do tại sao khi về tôi đã diễn thuyết, nói chuyện ở các Đại học Stanford, San Francisco. Tại sao tôi chống chiến tranh mà lại muốn cấp tiền cho Cam Bốt? “Vì nếu chúng ta không chịu cấp ngân khoản cho Cam Bốt là chắc chắn sẽ có một cuộc tàn sát tập thể.” Tôi đã tiên đoán thế. Lúc ấy tháng Ba. Cam Bốt thất thủ giữa tháng Tư, theo tôi nhớ. Và nơi đó đã xảy ra cuộc tàn sát.

Trở về Mỹ tôi cùng với Phil Habib mở họp báo nói phải cho Cam Bốt tiền để sống sót qua mùa mưa. Nhưng Việt Nam, tôi không thể chấp thuận việc cho tiền. Habib tranh luận với tôi, một ông bên bộ Quốc phòng thì nài nỉ yêu cầu hỗ trợ việc cấp tiền, tuy nhiên tôi không thể làm việc ấy. Đối với Việt Nam, đây chỉ là vấn đề thời gian. Đây là một lý do đã mất.

Nhưng khi trở về tôi có viết một báo cáo trao cho Gerald Ford. Báo cáo này được ít nhất ba hay bốn thành viên của phái đoàn tán thành. Trong báo cáo, chúng tôi kết luận chúng ta cần phải có tình báo chính xác. Tôi tin rằng bộ máy tình báo ở Việt Nam đã trở nên thiên vị và đã trở thành một kẻ biện hộ. Sĩ quan tình báo đáng ra phải cung cấp các tin xấu, không phải các tin tốt. Với ông Polgar, thứ gì cũng là tin tốt: “Chúng ta đang thắng, chúng ta sẽ thắng.”

Sau tôi gặp riêng Kissinger và Ford tại phòng Bầu Dục. Tôi nhớ Ford quay sang hỏi Kissinger là không biết chừng tôi đã nói đúng. Kissinger bảo: “Không cách gì. Việt Nam còn có thể đứng vững hàng năm.” Ông ta nói họ có tinh thần cao, họ có khả năng chiến đấu tốt, họ được huấn luyện kỹ, tất cả những gì họ cần chỉ là tiền mua tiếp liệu, mua khí cụ, mua các bộ phận thay thế mà thôi vân vân.

Cảm tưởng của tôi bấy giờ là Tổng thống Ford tin ông ta và không chấp nhận những gì tôi nói.

Tôi trao báo cáo của tôi cho tổng thống vào đầu tháng Ba. Bắc Việt tấn công cao nguyên Trung phần trong vòng tuần lễ sau. Rồi miền Nam tan rã. Tôi đã nói những điều như thế sẽ xảy đến và chỉ là vấn đề thời gian. Rồi họ tấn công. Rồi báo chí suốt sáu tuần lễ kế tiếp đã tràn ngập tin tức về Cam Bốt và Việt Nam.

Tôi không có gì để cãi cọ với những người miền Nam Việt Nam cả. Nếu đặt tôi vào địa vị họ, tôi cũng sẽ cảm thấy chua chát với tất cả mọi người, nhất là đối với những người đã đến đấy để phán đoán xem họ có đáng được nhận thêm hai mưoi, hay năm mươi triệu đô la nữa hay không. Nhưng câu hỏi đặt cho họ là: Làm thế nào có thể tự lừa dối mình mãi về phẩm chất chiến đấu của những người của họ? Làm thế nào có thể để sụp đổ ngoại vi Sàigòn!

Tôi nghĩ những gì chúng ta đã làm ở Việt Nam là một tai họa và một thảm kịch. Và tôi nghĩ khi chúng ta đã đi tới cái điểm rút quân ra, chúng ta không còn muốn chết ở đất nước ấy nữa, nhưng chúng ta cứ tiếp tục dội bom xuống – thì điều ấy thực quá đáng. Nếu người miền Nam Việt Nam có khả năng tự lo liệu, hãy tăng sức mạnh cho họ. Còn thực tế họ đã không thể tự lo liệu được thì điều ấy không nhất thiết là lỗi của ai khác hơn là của chính các tướng tá của họ.

Nước Mắt Trước Cơn Mưa  

WOLF LEHMANN

(Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam)

“Đây điện văn cuối cùng của toà Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn”

Cuối năm 1974 sau vụ thất thủ Phước Long, toà Đại sứ Mỹ mỗi lúc một thêm lo ngại: Có những dấu hiệu và tin tình báo cho thấy Bắc Việt sẽ mở cuộc tấn công lớn vào đầu năm 1975. Quả nhiên chuyện đó xảy ra.

Một trong những dấu hiệu báo trước là việc phái bộ quân sự Liên Sô viếng thăm Hà Nội. Phái bộ đông đảo này cầm đầu bởi tướng Victor Kulikov, phụ tá Tổng trưởng quốc phòng (sau là Tư lệnh lực lượng Sô Viết ở Âu Châu thuộc khối thoả ước phòng thủ Warsaw). Họ đến Hà Nội khoảng mười ngày trước Lễ Giáng Sinh 1974, ở lại một tuần lễ, lý do bề ngoài là để tham dự ngày Quân Đội Việt Nam. Dù các tin tình báo không đồng nhất, người ta vẫn có thể thấy rõ mục đích chính của phái bộ này đến để hoàn tất những sắp đặt giữa Hà Nội và Mạc Tư Khoa về việc tăng cường súng, đạn và chiến xa. Lúc ấy Trung Hoa đã co lại, nhưng chưa đến mức trầm trọng như sau này.

Cuộc tấn công Ban Mê Thuột vào tháng Ba xảy ra rất bất ngờ. Chiến dịch ấy được che đậy khá chu đáo. Đại khái chúng ta biết, phiá người Việt (miền Nam) cũng biết và cũng đã theo dõi việc Bắc Việt đưa thêm quân vào đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng địa điểm tấn công ở Ban Mê Thuột, thời điểm và sức mãnh liệt của cuộc tấn công này là một ngạc nhiên lớn. Người ta vẫn tin các cuộc tấn công sẽ xảy ra ở Pleiku hay Kontum, chứ không phải ở Ban Mê Thuột.

Đầu năm ấy, việc phái đoàn quốc hội tới viếng Sàigòn cũng mang đến thêm những phản ứng nhiều mầu sắc. Phil Habib tháp tùng phái đoàn . Hai thành viên đến trước vào ngày thứ hai 29 tháng Hai là dân biểu Mc Closkey và thượng nghị sĩ Barlett. Các trò múa rối xảy ra ngay khi họ bước chân tới phi trường. Các phóng viên vây lấy họ, rồi cự nự tôi ngăn chận không cho báo chí tiếp xúc phái đoàn. Điều ấy không đúng. Chính phủ Nam Việt Nam chỉ không muốn báo chí ùa ra thềm máy bay. Họ muốn báo chí đợi ở phòng khách danh dự rồi sẽ mời phái đoàn quốc hội đến đấy.

Một số thành viên tới sau. Họ tới lúc 10 giờ sáng ngày 27 tháng Hai, gồm những tên tuổi lẫy lừng như Bella Abzug, Millicent Fenwick, dân biểu Don Fraser ở Minnesota. Trưởng phái đoàn là John Flynt, dân biểu Georgia. Họ đến thăm Việt Nam, thực hiện một chuyến thăm viếng phụ ở Cam Bốt rồi tất cả trở về Mỹ chiều chủ nhật mùng 2 tháng Ba. Đại sứ Martin cùng về Mỹ với phái đoàn vào ngày hôm ấy.

Tôi biết Mc Closkey. Cũng như vài người nữa trong phái đoàn, ông ta thích quan trọng hoá các vấn đề. Còn mấy người kia, điển hình là Fraser và Abzug, chuyến viếng thăm này đối với họ giản dị chỉ là cơ hội để thổi phồng phong trào chống Việt Nam tại Hoa kỳ. Người ta thấy các phụ tá của họ xuất hiện rất sớm để lo liệu những buổi hội họp có sắp đặt với những người được gọi là “chống đối”. Còn bà Abzug thì chụp bất cứ cơ hội nào để làm mất mặt chính phủ Nam Việt Nam và toà Đại Sứ chúng tôi. Theo chương trình ấn định, buổi tối trước hôm phái đoàn về Mỹ, chúng tôi thu xếp cho phái đoàn tiếp xúc với các người Mỹ không thuộc toà Đại Sứ: Nhân viên cơ quan thiện nguyện, các thương gia v.v… Tôi mời tại nhà riêng. Tối ấy nổ ra vụ to tiếng giữa tôi và Mc Closkey vì ông ta và những người khác trong phái đoàn không ngớt nói chuyện Nam Việt Nam vi phạm Nhân Quyền. Nam Việt Nam vi phạm nhân quyền vì đã bỏ tù những tên khủng bố đặt bom, thế là vi phạm nhân quyền. Ông ta và tôi cãi cọ gay go. Ông ta doạ sẽ gọi tôi ra trước ủy ban của ông ta. Tôi bảo: “Được lắm, cứ việc”. Nhưng sau đó không bao giờ thấy ông ta nhắc chuyện ấy nữa. Ông ta là loại người đồng bóng, nóng lạnh thất thường.

Gửi phái đoàn quốc hội sang Việt Nam nguyên là hảo ý của Hoa Thịnh Đốn trong cố gắng cuối cùng nhằm tìm kiếm những hỗ trợ của quốc hội cho Việt Nam. Kết quả đi ngược. Với một phái đoàn gồm những người chỉ muốn triệt hạ Nam Việt Nam như Fraser và Abzug, làm sao có cơ hội nữa.

Từ trước tôi chưa bao giờ từng gặp Abzug, sau này tôi cũng hy vọng chẳng bao giờ phải gặp lại bà ta. Bà này không phải tay thường. Bà là tín đồ tả phái. Đối với bà ấy phe tả chẳng bao giờ có thể sai lầm, cộng sản thì phải khá hơn mọi giải pháp khác. Tôi không thế nào hiểu được loại người như vậy. Bà ta là loại người như thế.

Một việc lớn chuyện đối với họ là việc đi thăm tù, đi thăm những tù nhân chính trị bị giam giữ bởi chế độ đàn áp Nguyễn Văn Thiệu. Trong lúc Bắc Việt tăng cường nỗ lực tiến chiếm cả nước, không ai đếm xỉa, họ lại đòi đi thăm cái gọi là tù nhân chính trị.

Chúng tôi đã thuyết phục phía Việt Nam cho họ làm chuyện ấy. Tôi khá bối rối, nhưng vẫn yêu cầu phía Việt Nam vui lòng cho họ đi. Đương nhiên, những kẻ gọi là tù nhân chính trị đều là các cán bộ cộng sản. Nhưng chúng tôi vẫn thuyết phục phía Việt Nam cho những người này được gặp gỡ nói chuyện riêng với phái đoàn. Xin thưa: tôi không hề nói người Việt Nam không đánh đập tù nhân – ở Nữu Ước, cảnh sát cũng vậy thôi. Tôi không nói thế. Nhưng bảo rằng họ hành hạ tù nhân, tra tấn dã man thì điều ấy thực vô nghĩa lý.

Khi đại sứ Martin cùng về Hoa Thịnh Đốn với phái đoàn, tôi xử lý công việc toà Đại Sứ cho đến hết tháng. Lại một lần nữa người Bắc Việt biết rõ mọi chuyện xảy ra. Họ biết chúng ta làm gì. Ngay trước khi phái đoàn quốc hội đến, họ ngưng các chiến dịch nặng. Đến khoảng mùng 7, mùng 8 tháng ba họ tiếp tục. Họ đã giữ im lìm suốt trong thời gian phái đoàn quốc hội đến đây.

Ngày thứ sáu 14 tháng Ba, Tổng thống Thiệu ra Cam Ranh họp với tướng Phú. Lúc đó ông đã quyết định bỏ cao nguyên rồi.

Ngày thứ bảy 15 tháng Ba, chín giờ sáng, tôi có hẹn với ông Thiệu để chuyển cho ông một bức điện văn mà tôi không nhớ rõ của Đại Sứ Martin hay của Tổng thống Hoa Kỳ. Trong lúc thảo luận tình hình, ông Thiệu không trực tiếp nói đến quyết định của ông, nhưng chỉ úp mở đề cập. Ông nói bóng gió rằng ông nghĩ cao nguyên trung phần không còn giữ nổi. Nghe thế tôi hoảng sợ vội về lại văn phòng. Liền đấy Tổng lãnh sự Moncrieff Spear ở Nha Trang điện thoại xác nhận quyết định bỏ Pleiku và Kontum. Lát sau, trưởng nhiệm sở Trung Ương tình báo Tom Polgar bước vào cũng cho biết quyết định đã được thực hiện rồi.

Trước tình thế ấy, nhiều chuyện dồn dập phải đối phó. Tôi chỉ thị cho Tổng lãnh sự Spear xúc tiến ngay việc di tản người Mỹ và các nhân viên Việt Nam ở Pleiku và Kontum. Tôi chỉ thị George Jacobson tiến hành các phương tiện hàng không thiết yếu, dành ưu tiên việc xử dụng các máy bay Air America. Sau đó, tôi gửi điện báo cáo bộ ngoại giao về các chỉ thị đã ban hành và tất cả phải được hoàn tất vào tối hôm ấy.

Cuộc triệt thoái cao nguyên trở thành thảm hoạ vì một vài lý do. Lý do thứ nhất: không có kế hoạch, mệnh lệnh đưa ra quá nhanh, quy định hôm thứ sáu rồi thực hiện ngay lập tức. Lý do thứ hai: con đường 7B tình trạng quá xấu. Và ưu thế quân sự đã đặt ở bên đối phương: Quân đội Bắc Việt được tổ chức và điều động cực kỳ hữu hiệu. Chúng ta không nói du kích chiến, chúng ta đang nói chiến tranh với lực lượng chính quy. Di động tính của họ cao. Khả năng truyền thông của họ tuyệt vời. Họ khám phá được rất nhanh những gì đang xảy ra. Họ có thể phản ứng mau và làm cho các nỗ lực rút quân từ Pleiku và Kontum trở nên lúng túng. Trưa ngày thứ năm kế đấy nhằm 20 tháng Ba, lúc 4 giờ 50, tôi có thảo luận chi tiết hơn với ông Thiệu về các quyết định. Lúc ấy ông giải thích với tôi các lý do. Rồi bất ngờ và rất minh bạch, ông ta báo cho tôi biết thêm các quyết định kế tiếp về quân khu I. Ông tỏ ra lo buồn vì cuộc triệt thoái Kontum và Pleiku quá xấu. Ông rất bực bội. Không trách được, trong hoạt động quân sự, triệt thoái luôn luôn là một công tác khó khăn.

Chúng tôi đều thấy trước sự sụp đổ. Đến lúc bấy giờ hiển nhiên không một ai có thể tin quốc gia này sống sót được nữa.

Ông Thiệu không hề tham khảo ý kiến chúng tôi về các quyết định chiến lược ấy, nguyên do là thấy bị bỏ rơi. Chúng ta đã dứt điểm mọi trợ giúp, chúng ta đã cắt viện trợ kinh tế. Chúng ta sỉ nhục ông với những trò khốn kiếp của phái đoàn quốc hội. Ông còn sự lựa chọn nào nữa ngoài việc trở lại một giải pháp cũ: Giải pháp cắt đất. Giải pháp này trước kia đã được đề ra bởi một cố vấn người Úc là Ted Serong.

Trong lúc tình thế tiếp tục mỗi lúc một xấu, tôi đều đặn liên lạc Hoa Thịnh Đốn qua các phương tiện truyền thông bình thường. Chúng tôi chuyển các nhân viên ở Huế vào Đà Nẵng, không để họ ngủ đêm ngoài ấy, nhưng ban ngày chúng tôi vẫn đưa họ ra Huế làm việc. Chừng nào người Việt còn ở ngoài ấy, chúng tôi còn muốn duy trì sự hiện diện nhân viên chúng tôi. Ban ngày từ Đà Nẵng chúng tôi cho trực thăng đưa họ ra các nhiệm sở ở Huế. Cứ như thế cho tới khi Huế thất thủ.

Chiều 27 tháng Ba, chúng tôi biết phi trường Đà Nẵng đã mất kiểm soát. Tôi đến ngay Bộ Chỉ Huy liên quân tìm gặp Thủ tướng chính phủ, nhờ ông liên lạc tướng Ngô Quang Trưởng xem ông Trưởng có thể điều động quân đội kiểm soát lại phi trường không. Trong lúc ở đấy, Thủ tướng dùng điện đài nói chuyện với ông Trưởng bằng tiếng Việt, tôi không hiểu hết nội dung, nhưng chủ yếu Thủ tướng nói với tôi rằng ông Trưởng sẽ cố gắng. Đó là chiều thứ năm, 27 tháng 3 năm 1975.

Tôi trở về toà đại sứ làm việc đến khuya. Ngủ được vài giờ. Đến 3 giờ sáng, tướng Weyand và Đại sứ Martin đến, tôi ra phi trường đón. Suốt hôm thứ sáu 28, chúng tôi phải lo những vụ di tản cuối cùng ở Đà Nẵng.

Hôm ấy, có lúc đã mất liên lạc với AI Francis, tổng lãnh sự Đà Nẵng. Một số nhân viên của ông ta ra được một chiếc tầu, nhưng họ không biết ông lãnh sự ở đâu. Sau chúng tôi tìm ra ông ở trên một chiếc tầu chiến Việt Nam, tôi dùng điện đài gọi các nhân viên của ông báo cho họ biết là cứ đi, đừng lo lắng gì về Francis nữa.

Vậy là chúng tôi đã đưa người ở Đà Nẵng di tản. Còn Ed Daly lúc đầu cũng đưa người ở Đà Nẵng đi nhưng ông ta tạo nhiều phiền phức quá. Sự thực, nhiều lúc ông ta thiếu điềm tĩnh. Tôi nghĩ ai cũng biết điều đó. Ông ta hay vung vẩy súng ống lung tung. Vài ngày đầu không sao, ông ta làm việc trong khuôn khổ với người khác thì mọi sự tốt đẹp thôi. Nhưng tình hình Đà Nẵng mỗi lúc một xấu, thường xuyên liên lạc với AI Francis tôi biết phi trường không còn kiểm soát được nữa, người tràn ngập, không còn có thể đem máy bay ra, thì đó là lúc Ed Daly gây tai hoạ. Họ tự ý cất cánh bay đi Đà Nẵng không phép tắc. Họ đáp xuống ổn thoả. Họ đưa được người vào tầu, họ mang được người ra, nhưng họ đã giết chết khối người trên phi đạo.

Phía Việt Nam gọi điện thoại cho tôi từ phi trường rất giận dữ. Họ bảo tôi là Daly cất cánh không có phép. Tôi liên lạc với Francis, lúc ấy hãy còn liên lạc được với ông ta ở Đà Nẵng. Tôi nói Daly cho ba chiếc máy bay cất cánh rồi. Tôi nhớ Francis đã than: “Cứt thiệt”. Ông ta biết phi trường không sử dụng được nữa. Lúc đó ông ta đang cố gắng tuyệt vọng để sử dụng bất cứ phương tiện nào khác còn lại ở hải cảng như tầu bè, các thứ xà lan.

Đối với Daly bên hàng không World Airways, chừng nào họ làm việc theo đúng khuôn khổ, tôi nghĩ sẽ không có vấn đề gì với họ. Nếu họ đã cung cấp cho máy bay, việc này cũng tốt thôi. Còn hành động tuyệt đối vô trách nhiệm như thế, đáng lẽ không nên để xảy ra.

Vụ chuyển vận trẻ con lại là một chuyện khác. Đây là một công tác có tổ chức – trước chúng tôi không nhìn nhận, nhưng nay có thể nói thực ra là: Trên vài mức độ, chúng tôi đã dùng công tác này để bắt đầu di tản các phụ nữ Mỹ kiều. Xảy ra vụ chiếc máy bay C-5A bị rớt là giây phút đen tối đáng buồn nhất đời tôi.

Việc ấy xảy ra ngày 4 tháng Tư, có người của chúng tôi trong ấy. Chúng tôi cho người di tản đi với lý do trông coi trẻ con – mặc dù không cần đông như vậy, nhưng chúng tôi phải sử dụng biện pháp này để tránh nói đến chuyện di tản. Chiếc máy bay C-5A cất cánh, gặp tai nạn khủng khiếp, tự nó cũng là một câu chuyện. Tôi nhận được điện thoại báo tin tai nạn xảy ra, và họ báo rằng tất cả trực thăng của Air America còn sử dụng được đều mang đi tiếp cứu. Lập tức, chúng tôi phải đối phó nhiều việc. Không phải chỉ là việc tiếp cứu nạn nhân, còn là việc đương đầu với các hậu quả chính trị nữa. Với loại tai nạn này, chúng tôi không muốn các tướng lãnh Không Quân ở Hoa Thịnh Đốn kêu ầm lên rằng đây là do khủng bố của đối phương phá hoại. Chính họ đã kêu lên như thế. Luận điệu này chỉ gây rối loạn, cho nên lời công bố đầu tiên của chúng tôi là bác bỏ luận điệu ấy, sau đó sự thực cũng chứng tỏ đúng như vậy thôi.

Tai nạn xảy ra chỉ do khuyết điểm máy móc trục trặc, hoặc lỗi nhân viên phi hành, tôi không rõ đích xác cái nào. Một trong những cánh cửa sau đã không gài cẩn thận, bị bay tung ra làm phi cơ mất thăng bằng, phi công không điều khiển được nữa. Anh ta đã cố gắng rất khá để đáp bằng bụng xuống mặt ruộng, nhưng kết quả những người ngồi tầng dưới thiệt mạng, những người ngồi tầng trên sống sót. Chúng tôi không thể xem vụ này là hành động phá hoại hay khủng bố của đối phương. Không phải thế.

Vì vậy tôi đã điện thoại cho toà Bạch ốc để dẹp luận điệu vô nghĩa này. Phía không quân xem chiếc máy bay C-5A là một món đồ chơi yêu thích, họ không thể chấp nhận được rằng có thể có trục trặc do máy móc, hoặc do lỗi phi hành đoàn.

Nhưng sau cùng chúng tôi đã lo được vụ này khá nhanh chóng. Chúng tôi đã khép miệng họ. Chúng tôi bảo sẽ có cuộc điều tra, nhưng không có dấu hiệu nào về hành động phá hoại cả. Không có chuyện ấy. Vậy là kiểm soát xong nội vụ.

Ngày 26 tháng Ba, tôi gửi điện văn yêu cầu Hoa Thịnh Đốn chấp nhận cho chúng tôi được sử dụng quyền khẩn cấp tại Sàigòn để chở các gia đình, quyến thuộc, của cải vật dụng của họ. Hoa Thịnh Đốn không trả lời điện văn này. Họ không muốn ủy cho viên chức địa phương thẩm quyền này, vì liên hệ đến sự sử dụng ngân khoản. Nhiều câu hỏi về các thủ tục hành chánh đã được nêu ra, nhưng không bao giờ được giải quyết. Dẫu sao, tôi đã đưa những thỉnh cầu rất sớm, ngay từ lúc ấy.

Tôi có thể xác định thời điểm di tản bất đầu từ vụ chuyển vận trẻ em, vì lẽ vụ ấy được sử dụng cho mục đích di tản. Như thế, trái với điều nhiều người thường cho rằng mãi đến đầu tháng Tư chúng tôi mới bắt đầu chương trình di tản, thật ra chúng tôi bắt đầu ngay từ cuối tháng Ba.

Việc này quý vị thấy cũng nêu lên nhiều vấn đề: Chúng ta không thể đưa người ngoại quốc nhập nội Hoa Kỳ bằng cách cứ cho họ vào phi cơ rồi bay vào Mỹ. Trong thực tế, mãi đến ngày 25 tháng Tư chúng tôi mới thực sự nhận được thẩm quyền chính thức để đưa người Việt vào Hoa Kỳ.

Rút cuộc chúng tôi vẫn đã tìm cách đưa được họ vào Guam và vào vịnh Subic. Vào Subic là cả một vấn đề. Đây không phải lãnh thổ Hoa Kỳ. Đây là đất Phi Luật Tân. Người Phi không muốn người khác cứ chở người ngoại quốc vào đất nước họ. Vậy mà chúng tôi đã làm được chuyện ấy. Chúng tôi cũng đã đưa người sang Guam, dù không biết sau đó phải xoay sở thế nào, vì lẽ mãi đến 25 tháng Tư chúng tôi mới có quyền chính thức, và quyền ấy là được chở bằng tầu trong giới hạn 35,000 người Việt nhập nội Hoa Kỳ. Nhưng chúng tôi đã đem vào đến 135,000 người.

Ngày 4 tháng Tư chúng tôi bắt đầu cố gắng cắt giảm con số người Mỹ. Chúng tôi có thể kiểm soát được những nhân viên sứ quán, nhân viên chính phủ Mỹ và thân nhân của họ. Chúng tôi có thể bảo họ rời đi. Nhưng còn biết bao nhiêu người Mỹ khác nữa? Sau những năm tháng ở xứ ấy, có hàng ngàn người không phải là nhân viên chính phủ, họ là các nhà thầu, những người buôn bán tư, những ông già hồi hưu .. Nhiều người, gồm cả các nhà thầu, những người hồi hưu đã lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, lập gia đình không hôn thú với người Việt. Nên người ta có đủ thứ: vợ chồng con cái, cha mẹ, anh em ruột, anh em họ, chị em ruột… Cứ trung bình con số một gia đình Việt Nam là bảy người, quý vị sẽ thấy vấn đề của chúng tôi như thế nào? Khủng khiếp. Chúng tôi không có quyền chở hết những người này đi, nhưng nếu không chở toàn bộ gia đình họ, họ không chịu đi. Vì vậy chúng tôi phải uyển chuyển tìm ra các cách thức và phương tiện, thành thực mà nói, đôi khi bất hợp pháp, để giải quyết vấn đề. Nếu phân loại con số những người Việt có thể bị hiểm nguy đe doạ thì con số ấy vô tận. Trước hết, chỉ nói về những nhân viên trực tiếp, thì đã phải phân loại ra nhiều ưu tiên – chúng tôi phải lo ngay cho các người làm việc ở DAO (văn phòng tùy viên quân sự) và trong thực tế chúng tôi đã đưa một số người ấy đi rất sớm.

Rồi đến các viên chức chính quyền, những quân nhân đặc biệt liên hệ chặt chẽ với chúng ta. Rồi đến các thân nhân người Mỹ. Rồi lại có những người – ví dụ các thủ lãnh nghiệp đoàn. Vì vậy chúng tôi đã phải phân chia trách nhiệm ra nhiều phần trong chương trình di tản. Văn phòng tùy viên quân sự phụ trách việc đưa các quân nhân – văn phòng tùy viên lao động lo cho người trong lãnh vực lao động. Chúng tôi phân công như thế. Nếu nói chúng tôi không có kế hoạch thì không đúng. Còn nếu nói chúng tôi đã bỏ sót người thì vâng, hoàn toàn đúng. Chúng tôi có kế hoạch và có một hệ thống làm việc, nhưng một lần nữa xin nhắc lại lúc ấy chúng tôi vẫn chưa có thẩm quyền chuyển người đi.

Ngoài ra, còn một vấn đề khác nữa: Chúng tôi không được đưa các công dân Việt Nam ra khỏi nước mà không có sự cho phép của chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đang thực hiện nhiều tác vụ. Ý thức được là giờ kết thúc sắp đến chúng tôi lại phải cố giữ cho chính quyền Việt Nam tiếp tục hoạt động. Phải giữ được trật tự. Phải phòng ngừa tình trạng hỗn loạn xảy ra. Vì thế trong lúc cho người di tản chúng tôi vẫn cứ phải tiếp tục nói rằng không có chuyện di tản. Đại sứ Martin và tất cả chúng tôi phải giữ mọi thứ nguyên trạng, các hình ảnh vẫn treo ngay ngắn trên tường, nếu chúng tôi động đậy gì thì người ta sẽ kêu ầm lên “Trời đất, ông Phó Đại Sứ đã sửa soạn hành lý rồi”, tin tức sẽ bắn ra như lửa cháy. Đó, lý do tại sao chúng tôi đã bỏ lại hết mọi tư trang vật dụng. Có trời mới biết sau đó ai đã hưởng các của cải ấy, hy vọng là những người làm của chúng tôi được hưởng. Lúc ấy chúng tôi đưa người ra bằng những chuyến bay C-130 và các chuyến bay thương mại, nhưng cứ mỗi lần có người ở Hoa Thịnh Đốn nói gì đến chữ “di tản” là tôi lại phải bốc điện thoại kêu lên: xin ngưng lại, đừng nói gì chuyện ấy cả. Các đường giây liên lạc với Hoa Thịnh Đốn xấu tốt bất thường, nhưng mỗi lần có việc khẩn cấp cần thực hiện ngay, tôi lại phải chụp điện thoại gọi nhân viên Bạch ốc. Ví dụ một lần bỗng cơ quan hàng không Liên Bang ở Honolulu không hề tham khảo ý kiến ai, họ tự tiện công bố là phi trường Tân Sơn Nhứt không còn an toàn cho máy bay thương mại đáp xuống. Lúc ấy tôi đang cố giữ chân hãng PAN AM tiếp tục bay để chúng tôi có thể sử dụng các máy bay thương mại. Như vậy phải lật ngược quyết định ấy, mà gọi Bộ Ngoại Giao không xong, vì phải chờ đến cuộc họp ngày hôm sau. Trường hợp ấy, tôi đã bốc điện thoại gọi toà Bạch ốc bảo là “Xin quý vị ra lệnh cho mấy tên khốn hủy ngay chuyện ấy đi.” Tôi thực hiện việc ấy chỉ trong vòng bốn tiếng đồng hồ. Trong loại công việc này người ta phải vận chuyển nhanh chóng. Có khi đường giây điện thoại rất tốt, nhưng gặp những trường hợp thật eo hẹp, lại phải giả lờ đi không gọi!

Chúng tôi không có thời biểu. Chương trình tổng quát của cuộc di tản cần vận dụng tất cả: Ưu tiên một, sử dụng máy bay thương mại càng lâu càng tốt; Ưu tiên hai: sử dụng phi cơ quân đội càng lâu càng tốt; cuối cùng mới tới kế hoạch bốn của chương trình là chiến dịch “Gió Cuốn” (Frequent Wind), sử dụng trực thăng vận. Trên căn bản, chúng tôi đã áp dụng đúng chương trình ấy, và đã cho máy bay C-130 liên tiếp bay tới bay lui đến Guam và vịnh Subic.

Các máy bay C-130 luôn luôn đầy ắp. Nhưng máy bay thương mại thì khác. Danh sách giữ chỗ nhiều hơn, nhưng khi bay, hành khách không đến đầy đủ: phần lớn họ là người Việt không lấy được giấy phép xuất cảnh, hoặc tự đổi ý không đi. Dù vậy khi cộng lại, chúng tôi cũng đã di tản được 135,000 người. Về con số đó, một nửa chúng tôi đã mang ra bằng máy bay thương mại, phi cơ quân đội, trực thăng và một số xà lan trên sông Sàigòn. Đa số nửa còn lại đưa ra được bằng tầu, nhưng chúng tôi không trực tiếp đưa đi, chúng tôi vớt họ bằng hạm đội ở bên ngoài.

Chúng tôi đã di tản không sót một người Mỹ nào trong xứ, nhân tiện cũng đưa ra rất nhiều người ngoại quốc khác, thêm vào số người Việt chúng tôi mang ra. Một số đã rời từ sớm, số còn lại chúng tôi đưa đi vào ngày cuối cùng. Chúng tôi đã mang ra không sót một người Mỹ nào, ngoại trừ những người tự ý không muốn đi.

Về việc này cũng có khối chuyện để kể. Trong số những người Mỹ chúng tôi mang ra, có bảy tù nhân bị giam trong các nhà tù Việt Nam với những tội phạm khác nhau, kể cả hiếp dâm, giết người. Phía người Việt đã trao họ cho chúng tôi qua các lãnh sự vào vài ngày trước. Sáu người trong bọn họ được báo cáo trình diện ở các địa điểm di tản, và chúng tôi đã mang họ ra. Tôi đoán là giờ này qúy ông ấy đang đi phá làng phá xóm đâu đây ở xứ Mỹ này. Một người quyết định ở lại và đã biến mất. Người này không phải là người duy nhất. Còn một người nữa tự nguyện ở lại, đi ra Bắc. Người này thuộc Ủy Ban hữu nghị Mỹ Việt, họ là những người bạn trung thành với Bắc Việt. Vào lúc sắp di tản ông ta nhảy qua tường, biến mất với các bạn bè của ông ta. Một năm rưỡi sau, ông ta xuất hiện. Tôi nhớ có một bài báo trên tờ Newsweek viết là ông ta đã “kinh ngạc ghê gớm” khi khám phá rằng ông ta đã giao dịch với cộng sản! Tôi nghĩ câu chuyện này thực đáng buồn cười.

Có một việc chúng tôi phải quan tâm và luôn luôn cân nhắc, đó là việc quân đội miền Nam có thể quay ra chống lại chúng tôi. Sau này chúng tôi đã bị chỉ trích nặng nề về việc đã cố giữ cho guồng máy cầm quyền của Việt Nam tiếp tục hoạt động. Nhưng chúng tôi không có quân lực trong xứ. Chúng tôi không có phương tiện thực hiện ý định. Chúng tôi cần phải giữ guồng máy cầm quyền Việt Nam cộng tác với chúng tôi. Chúng tôi phải ngăn ngừa tình trạng các thường dân hốt hoảng có thể gây rối loạn cho cuộc di tản. Sau nữa, chúng tôi đã khá lo ngại khi nghe một số chỉ huy quân đội bảo rằng: “Nếu chúng tôi sụp đổ thì các ông cũng sụp đổ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ chặn các ông lại.”

Đúng thế. Tin tình báo cho biết ít nhất có một viên chỉ huy các đơn vị quan hệ đã có ý định ấy. Chúng tôi đối diện khá gần gũi với cái viễn tượng là toàn bộ kế hoạch có thể tiêu tan nếu xảy ra hiểm nguy này. Phải suy nghĩ đến chuyện ấy thực là một điều kinh khủng. Chính điều này đã tác động và ảnh hưởng lên tất cả những hoạt động của chúng tôi. Nó làm cho mọi thứ trở nên có vẻ như vô trật tự, nhưng sự thực nó không đến nỗi vô trật tự như thế, hoặc như người ta đã chỉ trích.

Vào những ngày 25 và 26 nhằm thứ sáu và thứ bẩy, mặt trận đột nhiên lắng dịu. Quân đội Bắc Việt có vẻ đã ngưng các chiến dịch tiến công. Tôi cố tìm hiểu. Có hai lý do có thể xảy ra. Một là, phải chăng đây chỉ hoàn toàn có tính cách quân sự: Họ đang tập trung quân và tái phối trí? Sau này tôi nghĩ đúng như vậy. Hai là, tuy nhiên vẫn có thể họ đã dừng lại sau khi đã tiến sát đến thành phố – Rồi đưa ra một chính phủ liên hiệp như họ vẫn tuyên bố, mặc dù đây chỉ là một mánh lới thuần túy tuyên truyền.

Trái hẳn điều người ta nói, tôi chưa từng bao giờ mong mỏi một chính phủ liên hiệp. Trong thực tế, tôi ao ước điều ấy đừng bao giờ xảy ra. Nếu Hà Nội thực hiện điều ấy, sau này chắc chắn sẽ có những kêu gọi rầm rĩ đòi yêu cầu yểm trợ chính phủ liên hiệp mới, mà giản dị chính phủ này chẳng có giá trị gì hơn một bộ mặt ngoài.

Cho nên thành thật mà nói, tôi mong Bắc quân cứ dẫm nát Sàigòn với xe tăng, đại pháo, với quân lực cơ giới như họ đã làm, để ít nhất mọi sự được rõ ràng, việc gì đã xảy ra. Vài người phê bình toà Đại Sứ tự đánh lừa mình về việc tin sẽ có chính phủ liên hiệp. Chúng tôi quả đã chuẩn bị kế hoạch là nếu trong trường hợp có chính phủ liên hiệp, có lẽ chúng tôi sẽ để lại một số ít nhân viên. Chính tôi có thể sẽ ở lại giữ nhiệm vụ cùng với chừng nửa tá nhân viên nữa. Nhưng những người này dẫu sao vẫn là những người ra đi cuối cùng – việc này chẳng liên hệ gì tới kế hoạch di tản của chúng tôi cả.

Tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ được biết rõ Hà Nội có quả thật dự tính chuyện chính phủ Liên Hiệp hay không, trừ phi chúng ta có thể vào văn khố Hà Nội. Nhưng khi chúng ta có thể làm được việc ấy, chắc tôi và qúy vị cũng không còn nữa. (1)

Nhìn lại chuyện cũ, tôi nghĩ đó chỉ là quyết định quân sự khi họ giữ êm hai ngày thứ sáu và thứ bảy. Ngày chủ nhật, tương đối cũng êm. Suốt cuối tuần ấy chúng tôi tiếp tục vận chuyển người đi bằng C-130. Đến chiều chủ nhật lúc 6 giờ, vụ oanh tạc phi trường Tân Sơn Nhất bắt đầu xảy ra. Vào giờ ấy tôi đang ở trong phòng làm việc. Có người vào báo mấy chuyến xe buýt chở người Việt ra phi trường đang bị ngưng trệ vì lính gác kêu mệt, đòi đi ăn. Người ta yêu cầu tôi ra giải quyết.

Tôi rời văn phòng băng qua khu hồ tắm, nơi tiến hành những vụ chuyển vận, để xem việc gì xảy ra. Đúng lúc tôi đến, Tân Sơn Nhất bị oanh tạc. Tôi thấy rõ những chiếc máy bay thả bom bay qua mái nhà. Súng phòng không bắn lên, các xạ thủ trong sân toà đại sứ cũng nhả đạn. Trời biết họ bắn cái gì, mấy chiếc máy bay đâu có gần đến thế. Mọi người khiếp đảm, lính thủy quân lục chiến có hơi bị kích động, họ quá quan tâm về sự an toàn của mọi người nên đã dồn tất cả mọi người vào khu nhà ăn, kể cả tôi. Họ rất quan tâm về sự an toàn của tôi, với tư cách Phó Đại Sứ, điều ấy thực đáng cảm động, nhưng có hơi quá đáng một chút. Đừng quên tôi là cựu chiến binh. Tôi đã từng lãnh đạn của các tay đại chuyên viên trong nghề binh lửa vào thời đệ nhị thế chiến. Tôi biết có biến cố đang xảy ra, phải tạm hoãn việc đưa người cho đến khi nắm vững tình hình. Vì vậy tôi quay lại văn phòng, trong lúc tôi đang đi – thì đây là câu chuyện nổi tiếng về cái cây mà chắc quý vị đã từng nghe nói – tôi đi ngang qua cái cây me to lớn, một cây me rất đẹp mọc ở trong sân, tôi thấy một cậu ong biển (2) đang dùng rìu chặt cái cây này. Bấy giờ chúng tôi đều biết khi nào tiến hành trực thăng vận ở sân toà đại sứ, chúng tôi phải hạ cái cây, nhưng cái cây này ai đi ở ngoài đường cũng thấy. Vì vậy tôi vào sảnh đường, bảo nhân viên an ninh ra nói người lính dừng tay. Tôi bảo: “Mang cưa máy và dụng cụ chặt cây cho anh ta. Nhưng bảo đừng làm gì vội cho đến khi có lệnh. Chúng ta không muốn xảy ra tình trạng rối loạn.” Cái cây này không phải là một biểu tượng gì của Đại sứ Graham Martin, tôi nghĩ ông không hay biết gì chuyện này cả. Tôi trở về văn phòng, quên bẵng chuyện cái cây, nhưng tôi biết sẽ phải hạ cái cây khi tiến hành công tác. Tôi biết sẽ phải bắt đầu xử dụng trực thăng vận. Tôi biết rõ tình hình đang xảy ra như thế nào. Sau đó tôi nghe nói có người tiếp tục ra sức chặt nữa, nhưng tôi không quan tâm. Sáng hôm sau, cái cây ấy vẫn còn đứng sừng sững ở đấy. Khi bắt đầu quyết định sử dụng trực thăng vận, một trong những câu đầu tiên tôi nói với các nhân viên hành chánh là: “nào, bây giờ ra bảo họ hạ cái cây xuống.” Cái cây được hạ vài tiếng đồng hồ trước khi trực thăng tới.

Chiến dịch trực thăng vận từ sân toà đại sứ là một công tác khó khăn vì lẽ xung quanh đều có tường. Các phi công gặp nhiều khó khăn vì phải tránh né bức tường ấy.

Nhưng dù sao chúng tôi đã phải lập tức xúc tiến mọi việc, tìm hiểu xem việc gì xảy ra ở phi trường Tân Sơn Nhất. Chúng tôi được văn phòng tùy viên quân sự ở tại hiện trường cho biết có oanh tạc. Đường bay bị nhiều hư hại, chúng tôi không thể tiếp tục chuyển vận bằng máy bay C-130 được nữa.

Đại sứ Martin và tôi ở lại làm việc cho đến nửa đêm mới quyết định về nhà chợp mắt vài giờ. Nhân viên ở lại làm việc suốt đêm. Họ phải hoàn tất các lộ trình xe buýt để bốc người vào ngày hôm sau trong trường hợp sử dụng trực thăng vận. Các xe buýt thuộc về cơ quan Hoa Kỳ phát triển quốc tế (USAID) – còn tài xế là nhân viên toà Đại sứ. Họ không rành lái xe buýt, đúng vậy, nhưng họ đã làm phận sự một cách tốt đẹp.

Vì biết hôm sau phải làm nhiều quyết định quan hệ sống chết, chúng tôi về ngủ trong khi các nhân viên ở lại lo liệu nốt các vấn đề chi tiết. Về được đến nhà tôi nghĩ đã hai giờ sáng. Không ngủ được nhiều. Chỉ lơ mơ một chặp thì nghe tiếng nổ dữ dội ở phía Tân Sơn Nhất lúc bốn giờ sáng, hoặc sau đó một chút. Mười lăm phút sau, điện thoại cho biết trụ sở văn phòng tùy viên quân sự bị pháo, hai lính thủy quân lục chiến thiệt mạng. Vì vậy lúc sau, có lẽ khoảng năm giờ rưỡi tôi trở lại sảnh đường toà Đại sứ. Ánh sáng ban ngày vừa ửng, mọi người đã tề tựu, ông đại sứ dùng xe đi ra Tân Sơn Nhất nói chuyện với tướng Homer Smith thuộc văn phòng tùy viên quân sự, và để xem xét tại chỗ: có nên tiếp tục sử dụng máy bay C-130, hay phải bắt đầu sử dụng kế hoạch số Bốn. Đại sứ Graham Martin muốn đích thân lượng giá trước khi ban hành cái quyết định tối hậu. Khi trở lại, ông điện thoại cho Hoa Thịnh Đốn. Đấy là lúc quyết định được ban ra.

Tôi nghe nói ông đại sứ đang điện thoại cho Hoa Thịnh Đốn. Có một nhân viên nữa cùng với ông, ở một máy điện thoại khác. Người này bước ra khỏi phòng đại sứ, vào phòng tôi, nói “Đến lúc rồi.”

Tôi vào phòng Martin, bảo: “Tôi được báo cáo là đã đến lúc. Chúng ta sẽ sang kế hoạch số bốn “Frequent wind”, di tản bằng trực thăng”. Ông đại sứ nói: “Phải”. Tôi lập tức đi ra ngay. Các nhân viên cao cấp đã tề tựu trong phòng hội. Tôi nói: “Xong rồi, đã đến lúc rồi”. Họ đều tản ra để lo liệu công việc mình.

Dự định đầu tiên của kế hoạch số bốn là các trực thăng từ hạm đội sẽ mang thêm Thủy quân lục chiến vào tăng cường tại hai địa điểm di tản: Văn phòng Tùy viên Quân Sự ở Tân Sơn Nhất, và ở toà Đại sứ. Theo dự định, một giờ sau khi khẩu lệnh “Tiến hành” ban ra vào giờ 4+1, là họ sẽ vào: Nhưng việc ấy không xảy ra. Bất hạnh thay, họ đã chậm mất ba tiếng đồng hồ, lý do có sự trục trặc ở ngoài hạm đội. Các thủy quân lục chiến được chỉ định bay vào thì ở trên một số tầu, mà trực thăng lại ở trên những tầu khác. Việc qua lại và chuẩn bị đã tốn mất một số thì giờ. Ba giờ đồng hồ chậm trễ đã gây ra vấn đề. Trong vụ di tản chót này, ưu tiên một dành cho người chờ ở văn phòng Tùy viên quân sự. Ưu tiên hai ở sảnh đường toà Đại Sứ, tại toà nhà chính, một số toà nhà khác và khu hồ tắm.

Buổi tối, tướng Richard Carey điện thoại cho tôi, đề nghị có lẽ nên ngưng trực thăng vận rồi tiếp tục lúc trời sáng. Tôi từ chối. Chúng tôi không thể ngưng, cần phải tiếp tục vận chuyển. Do đó quyết định ban ra là trực thăng vận cứ tiếp tục.

Bấy giờ tất nhiên tình hình chung quanh toà Đại sứ trở nên mỗi lúc một căng thẳng. Cả một đám đông người vây kín toà đại sứ suốt đêm. Cuối cùng chúng tôi đưa thêm một trung đội thủy quân lục chiến phòng vệ toà đại sứ ngõ hầu bảo đảm an ninh khu vực, vì người ta cứ tiếp tục cố trèo qua tường mà vào. Cảnh tượng thực hết sức thương tâm.

Cuộc di tản ở DAO chấm dứt sau khi tất cả mọi người đã được bốc đi, từ đó chỉ còn lại công tác bốc số người còn lại ở toà Đại sứ. Đến nửa đêm hay sau đấy một lúc, chúng tôi nhận tin từ hạm đội xác quyết về giới hạn số chuyến bay. Chúng tôi được báo chúng tôi sẽ chỉ còn bốc được mười ba chuyến nữa thôi, không kể các chuyến bay dành để rút số Thủy quân Lục chiến ra. Số chuyến bay ấy không đủ so với số người còn lại bấy giờ đang ở trong vòng rào toà Đại sứ, đa số là người Việt, một số là người Đại Hàn – người Mỹ còn lại chẳng bao nhiêu. Chúng tôi có điện thoại trao đổi ý kiến việc ấy, nhưng chỉ được trả lời vỏn vẹn rằng: thế thôi, chỉ mười ba chuyến nữa, không hơn, ngoại trừ số chuyến sử dụng để bốc lính thủy quân lục chiến. Vì vậy chúng tôi gửi cái điện văn cuối cùng. Bản điện văn viết: “DỰ TRÙ KẾT THÚC NHIỆM VỤ LÚC 4 GIỜ 30 SÁNG 30 THÁNG TƯ GIỜ ĐỊA PHƯƠNG, VÌ NHU CẦU HỦY BỎ DỤNG CỤ TRUYỀN TIN, ĐÂY LÀ ĐIỆN VĂN CUỐI CÙNG CỦA TOÀ ĐẠI SỨ Ở SÀIGÒN.” Chúng tôi đánh điện văn này bằng tay xong là người nhân viên truyền tin dùng một cái búa tạ phá bỏ hệ thống máy móc. Anh ta được bốc đi, nhưng chúng tôi vẫn còn phương tiện truyền thông khác. Lính thủy quân lục chiến phụ trách trực thăng vận có mang theo điện đài đeo lưng để liên lạc với hạm đội. Chính qua hệ thống điện đài này mà lúc bốn giờ sáng chúng tôi nhận được lệnh cưỡng bách của Toà Bạch ốc yêu cầu Đại Sứ và các nhân viên còn lại phải rời bằng chuyến trực thăng kế tiếp. Chúng tôi không hoàn toàn thi hành đúng y như vậy, nhưng khoảng trước năm giờ sáng một chút là thời điểm tất cả mọi người phải ra đi.

Tôi đi quanh sân, nhìn một lần cuối, nói chuyện với viên Thiếu tá thủy quân lục chiến ở dưới ấy. Chúng tôi hãy còn chừng 250 Việt và một số người Đại Hàn. Viên Thiếu tá và tôi đồng ý sẽ có ba chuyến trực thăng lớn nữa để bốc hết số người này đi. Nhưng đã không có những chuyến bay ấy, lý do bắt nguồn từ sự chậm trễ ngay lúc đầu chiến dịch. Đó là lý do tại sao số người này bị bỏ lại. Con số vào khoảng 250 người không phải là 400 hay 500 như nhiều người đã bảo.

Số người Đại Hàn, con số đáng kể trong nhóm này đã được đùm bọc và giúp đỡ hồi hương qua sự thu xếp của người Nhật – họ đã duy trì một văn phòng ở Sàigòn, và đã ở lại đấy. Cho nên việc này tôi không áy náy nhiều. Tôi áy náy về việc đã bỏ người lại, nhưng đó là vì, như tôi đã nói, do sự chậm trễ mà ra. Người ta đã làm ồn ào việc này và một vài chuyện khác nữa. Những lời ong tiếng ve này đã che lấp đi một sự kiện là: Chúng ta đã bỏ lại ở Việt Nam mười chín triệu con người. Đấy mới là câu chuyện thực đáng nói. Hoa Kỳ đã bỏ lại mười chín triệu con người.

Vào khoảng năm giờ sáng, chúng tôi đi lên nóc thượng, gồm Đại sứ, tôi và số nhân viên cao cấp còn lại. Một chiếc trực thăng đã đậu trên nóc. Chiếc trực thăng nhẹ đậu trên nóc, chiếc nặng hơn đậu dưới sân. Vừa khi trực thăng hạ xuống, đại sứ Martin, tháp tùng bởi Tom Polgar và George Jacobson bắt đầu tiến ra trực thăng, tất cả số còn lại chúng tôi đi theo. Trưởng phi hành đoàn đưa người vào trực thăng, sau khi nhận biết đã có đủ những người cần phải bốc, anh ta vẫy tay ra hiệu cho số còn lại chúng tôi đứng lui ra. Chiếc trực thăng cất cánh. Có một chiếc nữa đang lởn vởn, sắp đáp xuống. Ngồi với chừng sáu nhân viên còn lại ở đầu cầu thang, tôi tự nhủ: “Bây giờ Đại sứ đi rồi, mình xử lý nhiệm vụ, có thể mình thay đổi ý định chăng” thử khôi hài chơi một lần cuối! Đã bốn ngày rồi tôi không được ngủ. Chiếc trực thăng kia hạ xuống. Viên thiếu tá trẻ tuổi đầy khả năng, người chỉ huy chiến dịch trực thăng vận sử dụng máy truyền tin để liên lạc với hạm đội, phối hợp kế hoạch rút lui nhóm thủy quân lục chiến. Đấy là tác vụ cuối cùng. Vì thế chúng tôi ngồi đấy khoảng hai mươi phút, rồi cất cánh vào lúc chừng 5 giờ 20 phút sáng, chấm dứt sự hiện diện chính thức của Mỹ ở Việt Nam. Điều cuối cùng mà toán lính Thủy Quân lục chiến đã làm sau đó là tự rút lui. Họ hoàn tất việc ấy vài tiếng đồng hồ sau đó.

Trên đường ra, chúng tôi nhìn thời tiết, nhìn trời đất thấy có sấm chớp đang tiến lại gần. Chúng tôi có thể thấy ánh đèn các đoàn xe Bắc quân đang tiến vào thành phố. Vài chiếc phi cơ chiến đấu của hạm đội có thể nhìn thấy từ xa vẫn đang tiếp tục che chở cho số người còn lại chúng tôi.

Chiếc trực thăng nhồi nhét tất cả số nhân viên, số người hộ vệ. Tất cả im lặng tuyệt đối ngoại trừ tiếng nổ của động cơ. Trên đường ra, tôi không nghĩ tôi đã nói một lời nào, tôi không nghĩ có ai nói một điều gì. Cái cảm giác dâng lên là một nỗi buồn khủng khiếp.

_____________________________

(1) Vào tháng 2/1993: Hà Nội đã cho Mỹ vào xem văn khố.

(2) Lính thủy quân lục chiến thuộc Đội Công Binh Tạo Tác. Ghi chú của người dịch.

LACY WRIGHT

(Nhân viên ngoại giao. Trưởng phòng chính trị)

“Hy vọng luôn bừng nở”

Tôi sinh trưởng ở Springfield, Illinois thuộc miền Trung Tây nước Mỹ. Xong đại học, sang La Mã thụ giáo linh mục hai năm rưỡi. Rồi bỏ dở. Về lại Mỹ dạy trung học tại Chicago một năm. Thời gian ấy tôi dự một kỳ thi tuyển nhân viên ngoại giao và theo học chương trình cử nhân Bang giao quốc tế tại đại học Chicago một năm. Tôi cũng không theo hết chương trình, vì đã được nhận làm nhân viên ngoại giao từ đầu năm 1968. Lúc ấy, ai vào ngoại giao mà chân còn cất bước và mồm còn bỏm bẻm nhai kẹo cao su được là được gửi đi Việt Nam.

Có thể nói lúc ấy đối với đa số người làm ngoại giao, bị đưa sang Việt Nam là một điều cay đắng. Ngành ngoại giao thời ấy, ít hay nhiều, đều có khuynh hướng chống chiến tranh. Chưa kể người ta sợ, chẳng ai muốn mất mạng giữa thời son trẻ. Nhưng phần lớn chúng tôi đều đã được đưa sang Việt Nam.

Sang bên ấy, có điều kỳ lạ làm chúng tôi thay đổi: đa số đâm ra thích Việt Nam. Nhiều người, kể cả tôi, sau khi về, lại tình nguyện xin trở lại.

Trước khi đi, chúng tôi được học mười tháng tiếng Việt tại học viện ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn. Dù không giỏi bằng nhiều người khác, nhưng khả năng Việt ngữ của tôi cũng không đến nỗi nào. Trái với điều người ta thường bảo người Mỹ không hiểu biết gì về xứ sở này, kể ra cũng có phần đúng, nhưng phần lớn nhân viên ngoại giao và nhân viên các ngành đều nói được tiếng Việt, nói rất giỏi. Tất nhiên không sánh được với người Pháp và vài nhóm người ngoại quốc khác tại Việt Nam.

Học viện ngoại giao không phải chỉ gồm có nhân viên ngoại giao. Dù nhân viên ngoại giao chiếm đa số, nhưng còn có cả các sĩ quan quân đội, thường là cấp thiếu tá, trung tá, và nhiều người thuộc các cơ quan khác. Nói chung, sĩ quan quân đội hơi lớn tuổi đối với việc học Việt ngữ, vốn là một ngôn ngữ khó. Trung bình họ ngoài bốn mươi, và cũng không có ai cố theo học. Còn nhân viên ngoại giao đa số đều học tiếng Việt, nhiều người sau khi sang Việt Nam ra ngoài sinh hoạt, làm việc ở các tỉnh, đã trau dồi thêm và nói tiếng Việt rất giỏi.

Sau một năm học Việt ngữ rồi tham dự những lớp thuyết trình chuẩn bị, tôi đã đến Việt Nam vào tháng 3, 1969.

Có vài điều tôi muốn nói. Điều thứ nhất: Dân Việt không phải ai cũng như ai, có người thế này người thế khác, có người khá có người không. Những nhân viên sang bên ấy trước vẫn không có cảm tình với chính phủ Nam Việt Nam, nhưng sau khi tiếp xúc với người Việt, làm việc với người Việt, sinh hoạt với các viên chức địa phương, dần dà nảy sinh nhiều tình cảm. Những người này bắt đầu đứng bên họ, mong cho họ những điều tốt đẹp, hy vọng họ sẽ thắng. Và mặc dầu tất cả chúng tôi đều thấy chế độ Nam Việt Nam có nhiều thiếu sót, nhưng sau khi quen thuộc với chiến thuật đối phương, thấy rõ sự khác biệt của phía Cộng sản và phía bên này, chúng tôi đều nảy sinh nhiều tình cảm đối với Nam Việt Nam. Điều thứ hai: Ở Việt Nam người ta có thể sống một cuộc đời phiêu lưu, với một giá sinh hoạt rẻ. Phần lớn nhân viên dân sự chúng tôi sống tiện nghi thoải mái, tương đối an toàn. Tất nhiên nhiều người phải về những vùng nguy hiểm, nhất là những người đi các tỉnh lẻ. Nhưng với đa số chúng tôi, những hiểm nguy đó chỉ vừa đủ cho cuộc đời thêm thích thú. Nó là cảm giác sôi nổi của cuộc sống thú vị giữa những hoạt động đầy tranh cãi của thời đại chúng ta. Và đàn bà thì vô số! Người ta ở vào một thời gian và không gian mà mọi kiềm chế bình thường được tung hê tháo bỏ, chẳng phải giữ gìn gì. Tất nhiên, đó là một hấp dẫn không ngừng.

Thế đấy. Nơi ấy đã có những cái tốt, những cái xấu, có những điều cao quí và cũng có nhiều thứ kém cao quí như vậy.

Một trong những chuyện tôi thích kể là vào năm 1973 sau khi đã ký hiệp định Paris, Bộ Ngoại giao quyết định gửi nhiều nhân viên về lại

Việt Nam. Đưa người sang Việt Nam là bật rễ họ khỏi cuộc sống, gây nhiều trở ngại và thay đổi. Để thu hút chúng tôi, họ tìm cách tạo khích lệ: Trước hết, chỉ cần đi trong vòng sáu tháng để theo dõi việc thi hành hiệp định. Lương được tăng đến 25 phần trăm. Trong thời hạn có sáu tháng, lại được về thăm nhà một chuyến, hoặc tùy ý du lịch bất cứ chỗ nào vói phí tổn tương đương. Và Mỹ ở tận bên kia địa cầu, như thế nghĩa là có thể đi du lịch bất cứ chỗ nào trên thế giới tùy thích.

Sau khi đặt ra đủ thứ khích lệ hấp dẫn như thế, Bộ Ngoại giao lại cho biết nếu được chỉ định là phải đi, không có quyền lựa chọn. Tuy nhiên sau khi công bố, ai cũng muốn đi. Có người gọi cả điện thoại đến sở nhân viên hỏi: “Này, sao không thấy tên tôi trong danh sách trở lại Việt Nam.”

Chuyến đầu tiên tôi sang Việt Nam một năm rưỡi. Vào thời gian ấy chương trình Bình định đạt nhiều kết quả. Chương trình này có hai diện: một là loại bỏ Cộng sản, hai là cải thiện đời sống dân chúng. Nhiều tiến bộ đạt được trong cả hai lãnh vực. Nói chung những tiến bộ ấy bắt đầu kể từ sau vụ tổng công kích Mậu Thân thất bại và tiếp tục được vài năm. Những kết quả này làm cho phần lớn vùng đồng bằng Cửu Long trở nên yên ổn.

Vùng đồng bằng gồm 16 tỉnh, tôi đã làm việc tại một trong 16 tỉnh ấy. Không hề có hoạt động của đối phương. Phần lớn vùng đồng bằng đều như vậy, an ninh rất tiến triển. Vì thế khi trở lại, tôi có một thái độ lạc quan khá ngây thơ. Mọi người đều phấn khởi là chiến tranh đã chấm dứt, hoặc ít nhất, có một triển vọng mới cho hoà bình: Bất kể sự kiện hiển nhiên là hiệp định hoà bình này không thực hoàn hảo gì. Có lẽ vì hy vọng luôn bừng nở? Chúng tôi đã hy vọng: dẫu có thế nào, biết chừng đâu hiệp định này sẽ mang nhiều kết quả!

Vào thời điểm ấy, vẫn còn nhiều người Mỹ ở tại Việt Nam, nhờ đó đời sống vẫn thịnh vượng. Nhưng đến khi chúng ta rút đi một con số lớn người Mỹ, xứ sở này bắt đầu xuống dốc. Họ bắt đầu đối mặt với những khó khăn kinh tế trầm trọng, thiếu tiếp vận cho quân đội, và họ mất tinh thần.

Đầu năm 73 tôi được gửi đi Chương Thiện khoảng một, hai tháng. Rồi tôi lên Cần Thơ, thủ phủ vùng đồng bằng, cũng là thủ phủ quân khu 4. Lúc ấy chúng tôi thiết lập tại đây một lãnh sự quán cũng như các lãnh sự ở các quân khu khác. Tôi trở thành một trong 16 nhân viên ngoại giao làm việc dưới quyền lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ.

Tình hình đồng bằng Cửu Long thực ra mỗi lúc một xấu. Đầu năm 74, lãnh sự quán làm một bản phân tích chiến sự rất dài, rất bi quan. Chúng tôi nắm rõ những dữ kiện xảy ra: lính đào ngũ gia tăng, quân vận thiếu hụt, tinh thần xuống thấp. Những dấu hiệu cho thấy sau một thời gian khả quan ở vùng đồng bằng vào năm 73, tình hình tuột dốc kể từ mùa Xuân 74.

Vào lúc này, Cam Bốt sắp bị Khmer Đỏ nuốt trọn. Chúng tôi đang đứng ở lằn ranh của diễn trình này. Một sự hiện đáng kể – ít ai biết – là bấy giờ có một số dân tỵ nạn chiến tranh chạy trốn Khmer Đỏ, sang Việt Nam, đến tỉnh Kiên Giang. Một nhân viên lãnh sự quán của chúng tôi đã thẩm vấn họ, đúc kết nhiều bản báo cáo dài. Sau này Khmer Đỏ chiếm đóng toàn bộ Cam Bốt, tạo ra những cuộc tắm máu, thảm sát hàng triệu con người, nhưng thật ra các hành động tàn bạo nổi tiếng ấy đã xẩy từ trước. Các cuộc thẩm vấn cho thấy Khmer Đỏ đã giết chóc dã man tại những vùng họ chiếm trước rồi, chúng tôi đã ghi nhận những sự kiện ấy vào tài liệu rất sớm, ngay từ 1974.

Nhưng việc ấy không được công bố rộng rãi. Thật ra, chúng tôi có công bố các tài liệu này tại Hoa Thịnh đốn trên một vài mức độ, tôi nhớ những người như Sidney Schanberg của tờ New York Time hồi ấy đã gạt đi, coi các báo cáo này chỉ là tài liệu tuyên truyền của Mỹ. Nhưng tôi nghĩ, nói chung, dân Mỹ không hoàn toàn xem những vụ chiếm đóng ấy bằng nhãn quan được gọi là tuyên truyền Mỹ, hay Mỹ bóp méo sự thật.

Tôi rời đồng bằng vào tháng 9,1974, nhận nhiệm vụ phụ tá đơn vị Nội chính trong ngành chính trị tại toà đại sứ. Công việc chúng tôi là theo dõi nội tình chính trị Việt Nam.

Khi phái đoàn quốc hội đến vào đầu 1975, tôi đã thuyết trình cho phái đoàn này trong lãnh vực chuyên biệt của tôi. Họ không hề đặt với tôi những câu hỏi như ông Thiệu thế nào, có nên duy trì quyền lực cho ông Thiệu hay không, hay bất kỳ câu hỏi nào khác như vậy. Họ chỉ thích nói về vai trò các đảng phái chính trị, vai trò các nhân vật chính trị khác, ví dụ về ông linh mục nổi tiếng, ông cha Thanh lãnh đạo phong trào chống tham nhũng.

Vấn đề đàn áp đối lập và vấn đề tù nhân chính trị không phải là một vấn đề mới. Nó hiện hữu và đã được quan tâm. Song le điều tôi muốn nói là vào lúc này chẳng nên xoáy vào vấn đề tù chính trị mà trọng điểm của vấn đề phải là sự sống còn của quốc gia này. Đó mới là vấn đề chính đáng. Trong mấy chuyện nhân quyền, vấn đề này cũng quan trọng thiệt, đặc biệt là quan trọng đối với mấy cha ngồi tù. Nhưng trong chuyện chính trị thì trọng điểm lúc ấy của phái đoàn quốc hội là phải đến để thực hiện một phán đoán khó khăn về chế độ Thiệu, phải cân nhắc xem Hoa Kỳ có nên tiếp tục hỗ trợ chế độ này nữa hay là thôi.

Người như Don Fraser là loại người có cái tình cảm của phái Tự Do, họ cố tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy chính phủ Thiệu tham nhũng hay không tham nhũng. Tôi nghĩ những người như thế đã vấp phải cùng một cái lầm lẫn của dân Mỹ nói chung thường có khuynh hướng mắc phải, đó là cứ xoáy chặt vào những tội lỗi của chế độ Thiệu. Chế độ này quả có những tội lỗi. Nhưng nếu không cân nhắc xác đáng để thấy tội lỗi của đối phương còn ghê tởm gấp bội, và nếu không suy nghĩ rốt ráo để hiểu việc gì có thể xảy ra nếu đối phương chiến thắng – thì chuyện ấy không thể tha thứ hay bào chữa được.

Trong thời gian đại sứ Martin ở Mỹ, việc tan rã cao nguyên đã xảy ra lúc ông đang vắng mặt. Theo sự hiểu biết của tôi, ông đã lạc quan một cách thiếu bảo đảm lúc về lại Hoa Thịnh Đốn có thể vì ông không ở tại trung ương, ông không nắm vững những gì xảy ra. Vai trò của đại sứ Martin và phương cách làm việc của ông tất nhiên cũng là một đề tài đáng lưu ý.

Khỏi cần nói, nếu quý bạn ở địa vị ông, quý bạn cũng sẽ phải cực kỳ thận trọng mỗi khi tuyên bố, hay mỗi khi mở lời nói một điều gì. Đại sứ Martin cũng vậy. Ông được xem là con cừu đầu đàn. Những gì ông làm đều có giá trị tượng trưng. Khi phân tích phê bình ông, người ta phải nhìn các hoạt động của ông trong bối cảnh ấy, với ánh sáng ấy. Nhìn như thế, người ta sẽ thấy ông bắt buộc phải lạc quan. Một khi đại sứ Martin bắt đầu biểu lộ bi quan, ấy là mọi sự đổ vỡ hết.

Người ta cũng nói đến đại sứ Martin và những lý luận của ông trình bày về sự can dự của chúng ta vào Việt Nam. Ông giải thích tại sao chúng ta ở đây, để làm gì, tại sao cần tiếp tục. Những luận giải của ông hay hơn, vững chắc hơn rất nhiều người khác. Tôi nghe ông nói vài lần và ông đã gây nhiều ấn tượng sâu sắc với tôi.

Nhưng có một điều tôi nghĩ ông đại sứ có thể làm, và nên làm – mà ông đã không chịu làm là đối với giới truyền thông, báo chí. Tôi không bảo rằng truyền thông, báo chí không bao giờ lầm lẫn, thật ra họ lầm lẫn khá nhiều, nhưng đại sứ Martin đã gây ra nhiều đối kháng nơi họ. Ông làm cho những người vốn đối kháng cá nhân ông, đối kháng sự can dự của chúng ta ở Việt Nam trở nên đối kháng mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ việc này có thể đối phó cách khác. Nhưng tôi không hiểu nếu như thế liệu có ảnh hưởng gì đến cái kết quả cuối cùng không? Có lẽ không, chắc chắn cũng chẳng có gì tốt hơn. Thường người ta khó biết bên trong con người Martin, ông thực sự nghĩ gì, tin tưởng gì khi nói chuyện với công chúng và ông phải phủ trên những chuyện ấy một bộ mặt đẹp đẽ.

Tôi không dám chắc có ai biết. Nhưng bây giờ, chúng ta đã biết được một điều. Đó là trong trí ông, ông có cái hy vọng sẽ thương thảo như một giải pháp cứu vãn danh dự. Mặc dù giải pháp này chẳng hơn gì một cuộc thất trận được che đậy, nhưng như thế ít nhất còn có thể cho phép thực hiện di tản, giúp những người cần ra khỏi nước có thể đi thoát. Chúng ta cũng biết cái hy vọng ấy chỉ là hy vọng hão huyền, nhưng chính hy vọng ấy đã từng ở trong trí ông lúc ông nỗ lực đối phó tình hình.

Đầu tháng Tư, nhiều chiến dịch nhỏ được thiết trí để đưa một số người ra khỏi xứ một cách lặng lẽ, không bị lưu ý. Đại sứ Martin giao cho tôi việc giúp đỡ những người Việt thân thích của người Mỹ ra đi. Có một số nhân viên ngoại giao kết hôn với người Việt, gia đình ở tại Sàigòn và khắp nơi trong xứ. Các nhân viên này đến ăn vạ ở Bộ Ngoại giao, nằng nặc yêu cầu giúp đỡ gia đình họ. Khỏi nói chúng ta đều biết gia đình họ quả sẽ là những người phải chịu nhiều nguy hiểm.

Chúng tôi thực hiện tác vụ này qua các căn nhà an toàn ở những địa điểm khác nhau. Trong mười ngày cuối cùng chúng tôi bận rộn bù đầu, ngày nào cũng nửa đêm mới về đến nhà như cái xác chết. Sau này tôi tiếc lúc ấy tôi đã không viết được gì để ghi lại, nhưng thật ra cũng không thể làm gì, vì sau mỗi ngày làm việc là kiệt sức, cứ thế cho đến ngày cuối.

Sáng 29 tháng Tư tôi choàng dậy từ sớm vì bom nổ ở phi trường. Lúc ấy tôi ở cách toà đại sứ có nửa khu nhà, tôi thức giấc đi ngay đến toà đại sứ mà không biết ngày hôm nay chính là ngày cuối cùng. Nhưng khi đến, tôi hiểu rõ và chúng tôi cố rút người từ tất cả các trạm ra đi.

Sáng hôm ấy chúng tôi liên lạc gọi tất cả những người Việt thuộc đường dây chúng tôi trách nhiệm đến toà đại sứ hoặc đến một trong các căn nhà an toàn được thiết lập làm trạm di tản. Mọi thứ trên đường phố đều tuyệt đối im lìm vì có giới nghiêm 24/24, không một bóng người lai vãng. Tôi rời toà đại sứ bằng xe hơi đến một căn nhà an toàn mà hôm trước tôi đã bỏ lại một danh sách gồm các tên người – vì tôi tưởng hôm sau tôi sẽ trở lại. Tôi cần phải lấy lại danh sách ấy, tôi không muốn nó rơi vào tay đối phương. Tôi đã đi về an toàn, không trở ngại gì.

Sau đấy tại văn phòng đại sứ, Alan Carter cứ lo lắng suy nghĩ: có vài người Mỹ và một số người Việt vẫn còn đang ở tại trụ sở phòng thông tin Hoa Kỳ. Ông không biết cách nào mang họ đi, ít nhất là mang hai người Mỹ đi. Tôi bảo ông ta để tôi lo, tôi lái xe đến đấy, bốc họ về. Vẫn không có trở ngại. Đường phố vắng tanh. Chúng tôi cứ loay hoay, suốt buổi như thế. Chừng tám giờ sáng, có một Mục sư Tin Lành người Anh lò dò bước đến cổng toà đại sứ, dòm vào. Ông ta hỏi: “Thưa quý ông, chẳng hay tình hình hiện nay như thế nào?” Tôi nói: “Tình hình xấu lắm, mục sư nên vào trong này. Sắp sửa phải di tản. Nơi này sắp rối beng đến nơi.” Ông mục sư bảo: “Ô, chúng tôi nào dám làm phiền quý ông! ” Tôi nói lại lần nữa: “Tốt hơn hết, Mục sư nên vào trong này.” Lúc ấy ông mục sư mới chịu bước vào, sau đó đã được trực thăng bốc đi. Có những người khiêm tốn đến thế! Giữa cơn phong ba bão tố, họ vẫn cứ một mực cung kính mà thưa rằng: “Chúng tôi nào dám làm phiền quý ông!”

Chừng buổi trưa, chúng tôi bắt đầu đi đón người. Vào lúc đó, chúng tôi tiến đến một ý tưởng tuyệt vời. Phải nói ý tưởng ấy là quà của Chúa gửi cho chiến dịch di tản: Đó là sử dụng xà lan để đưa người Việt đi bằng đường sông. Thật ra đây là đề nghị của vài người, trong ấy có Mel Chatman đã đưa ra một hai tuần trước nhưng lúc ấy ai cũng cho ý kiến này là “óc thỏ,” nghĩa là: nông nỗi và liều lĩnh. Nay trong tình trạng khẩn cấp, cần đến các hành động quyết đoán, họ đã mang ý tưởng ấy ra sử dụng và cho xà lan chuẩn bị, chờ dưới bến.

Do đó từ trưa cho đến 3 giờ 30 là lúc tôi ngừng, tôi cùng với một người bạn là Joe Mc Bride liên tục chở người ra xà lan bằng chiếc xe thùng. Không bao giờ tôi quên chuyến đầu tiên, nó chật ních hơn cá mòi đóng hộp. Lại thêm không kiếm ra xà lan đậu ở chỗ nào. Mọi thứ không dễ dàng đến thế! Chúng tôi phải qua một cây cầu, lúc ấy dân chúng bắt đầu tràn ra, cả thành phố đã trở nên điên cuồng. Tôi lo không cách gì qua cầu nổi vì đường đã bắt đầu kẹt xe. Tôi tính nếu có đi thoát được thì đây chắc phải là chuyến cuối cùng.

Trời ngó lại! Phép lạ xảy ra là có một người ở toà đại sứ mang theo một nắm tiền. Anh ta biếu hết cho cảnh sát, yêu cầu cứ đứng đấy chỉ chỏ cho xe chạy. Nhờ thế chẳng mấy chốc chúng tôi tiếp tục di chuyển, rồi còn trở đi trở lại căn nhà bốc thêm mấy chuyến nữa.

Hôm ấy tại căn nhà này người ta đến rất đông. Cảnh tượng ấy thực não lòng: Ai nấy đều tuyệt vọng mong đi, ai nấy đều biết thế là hết. Thế là xong. Trên đầu chúng tôi trực thăng bay sành sạch, rõ ràng số người quá đông, Joe và tôi không thể nào mang đi xuể. Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến xe chót. Mọi người tuyệt vọng chen lấn lọt vào, tôi đã gần như phải dùng đến vũ lực để giữ trật tự. Tôi sẽ không bao giờ quên một người đàn ông, một ông già đã tự động đứng sang một bên giúp tôi sắp xếp mọi người. Ông không tìm cách len vào xe. Ông bảo mọi người “Đừng lo, anh ta sẽ trở lại.” Lúc ấy tôi biết rất rõ là tôi sẽ không bao giờ trở lại nữa. Toà đại sứ đã bảo tôi: đấy là chuyến cuối.

Sau đó, buổi tối ở toà đại sứ tôi nhận cú điện thoại của một ông đang ở đâu đó trên đường phố. Ông này nói với tôi rằng người ta đã dặn ông đến chỗ này chỗ kia ở một địa điểm nào đó, nhưng chẳng ai đến cả. Ông ta đang ở trên đường, không ở trong trạm an toàn. Điều duy nhất tôi có thể làm là bảo ông tự kiếm cách đi xuống xà lan. Nhưng lúc đó mọi người đều sợ phải đi ra ngoài. Đây cũng là câu chuyện rũ rích: hễ cứ đi với người Mỹ thì người ta mới thấy an toàn, và cảm thấy là có thể đi lọt. Còn tự đi một mình thì người ta sợ! Biết chuyện gì sẽ xảy ra đây? Nhưng tôi đã cố thuyết phục ông này rằng ông phải tự đi lấy, hãy tự bắt lấy cơ hội, và đó là một cơ hội nhiều triển vọng!

Tôi rời Việt Nam từ toà đại sứ Hoa Kỳ vào lúc chín, mười giờ tối ngày 29 tháng Tư. Nếu muốn, tôi có thể đi sớm hơn vì hễ trực thăng đến mà người nào muốn đi và đã sẵn sàng đi là cứ lên sân thượng mà đi. Vì vậy lúc 9 giờ tôi thầm nghĩ: tại sao không đi lúc này? Tôi không còn lý do gì để ở lại lâu hơn nữa. Khi ra đi, có một việc tôi sẽ không bao giờ quên, đó là lúc trực thăng quần một vòng trên thành phố, người ta nhìn thấy ở hướng tây, căn cứ Long Bình đang bốc cháy. Một đám cháy vĩ đại. Long Bình là một trong những căn cứ lớn nhất của chúng ta ở Việt Nam. Nhìn ngọn lửa, tôi nghĩ nó đang thiêu đốt tất cả. Mọi công trình của chúng ta ở đấy đang thiêu đốt ra tro. Và tất nhiên cũng phải nghĩ đến những con người chúng ta đã bỏ lại, một con số to lớn những người chúng ta đã rời bỏ mà đi.

Hôm nay tôi lại nhớ đến những người ấy. Tôi cũng nghĩ đến các oán thù bên phía đối phương. Họ đã không tạo ra các cuộc tắm máu như ở Cam Bốt, vâng, có vẻ như thế. Nhưng họ cũng đã giết biết bao người, và đến nay sau bao năm tháng trôi qua, vẫn còn những người bị giam giữ mỏi mòn trong các trại cải tạo. Suốt thời chiến tranh Việt Nam không một người nào dùng thuyền rời nước. Ngay cả vào những năm khi chiến cuộc đến mức khủng khiếp nhất, vẫn không hề có một người Việt nào bỏ nước ra đi. Nhưng từ 1975, một triệu rưỡi con người đã đi, bây giờ vẫn ra đi. Hai mươi lăm ngàn con người mỗi năm tiếp tục rời nước bằng thuyền, chưa kể ba ngàn người mỗi năm vượt thoát bằng đường bộ băng qua ngả Cao Miên.

Từ khi chiến tranh chấm dứt, nhìn những gì Cộng sản đã làm ở Việt Nam và ở Cam Bốt, nhiều người mới hiểu: Khi chính phủ chúng ta nói rằng Hoa Kỳ đang chiến đấu chống lại một bọn người hung ác, thì đây là trường hợp lời nói đã được xác nhận đúng như thế…

“Bước luẩn quẩn với cái rọ trên đầu.”

nuocmattruocconmua

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.

ĐẠI SỨ GRAHAM MARTIN

“Bước luẩn quẩn với cái rọ trên đầu.”

Cho đến 1975 Việt Nam không đáng để Hoa Kỳ tốn thêm sinh mạng nữa. Lẽ ra, Hoa Kỳ đừng nên gửi quân tham chiến. Tôi đã chống giải pháp này. Khi làm Đại sứ ở Thái Lan, tôi cũng chống lại việc gửi cố vấn sang Thái, và tôi đã phải đương đầu bốn năm trời ròng rã với Robert Mc Namara (*) để giữ chiến tranh khỏi lan tràn vào đất Thái.

Miền Tây Bắc Thái Lan lúc ấy cũng giống như giai đoạn đầu ở Đông Dương đã có những cuộc nổi dậy nhưng tôi nhất định chủ trương: Chúng ta chỉ cần yểm trợ cho chính phủ, không gửi quân chiến đấu, cố vấn cũng không-vì lẽ bên hàng ngũ đối phương không có một bộ mặt da trắng nào, chắc chắn chúng ta không nên gửi nhân viên quân sự xuống đến cấp dưới tiểu đoàn.

Một ký giả ở nơi nào đó tại vùng Trung Tây nước Mỹ tên Paul Harvey từng mỉa mai: “Có một Đại sứ ở Thái Lan trình độ chỉ đáng đưa đi làm đại sứ ở hòn đảo Johnson, nghĩa là một hòn đảo 1000 bộ chiều dài, 50 bộ chiều ngang, không thể lớn hơn cỡ ấy” chỉ vì tôi đã không cho phép người Mỹ mang súng, ngay ở trong căn cứ cũng vậy.

Đúng. Tôi giữ quan điểm và chấp nhận rủi ro vì lẽ chỉ cần một vụ phục kích xảy ra là công luận sẽ đưa tôi ra mà cắt họng. Nhưng tôi đã bẻ gẫy các vụ nổi dậy. Cũng không để xảy ra một vụ tàn sát Mỹ Lai nào. Tôi đã thành công.

Nhưng ở Việt Nam, Mc Namara và nhóm quân nhân đã áp dụng đường lối của họ. Và một khi quân đội chúng ta đã được gửi sang bên ấy, chúng ta không muốn thấy quân đội thất bại và rồi cho đến 1975, còn một vấn đề quan hệ nữa vẫn phải đặt ra, đấy là lời hứa của chúng ta. Liệu chúng ta có giữ lời hứa và giữ lời cam kết của chúng ta hay không?

Vụ tấn công Ban Mê Thuột và quyết định rút quân ở Cao Nguyên của Thiệu làm tôi hoàn toàn kinh ngạc. Vào giai đoạn này Tổng thống Thiệu yên trí rằng một vài người Mỹ thường hở cho báo chí biết tin, rồi tin tức lọt sang các nhóm chủ hoà, cuối cùng lọt sang đối phương. Không rõ ai đã thuyết phục ông như thế, nhưng suốt thời gian này ông không cho chúng tôi biết gì nữa. Chúng tôi chỉ còn dựa vào tin tình báo để theo dõi hành động Bắc quân, nhưng các tin tức này không phải lúc nào cũng chính xác.

Thời gian này tôi về Hoa Thịnh Đốn để cố xin viện trợ cho Nam Việt Nam. Trong chuyến về Mỹ tháng Ba cùng với phái đoàn quốc hội, tôi đã yêu cầu những người có thẩm quyền quyết định chính sách riêng: Cần phải chuẩn bị vấn đề tỵ nạn, xin hãy sắp xếp mọi thứ liên hệ cho người tỵ nạn ngay. Nhưng rồi, chẳng ai lo liệu gì.

Trong buổi họp cuối tại Bộ Ngoại giao ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng 3/1975, Kissinger bảo: “Ông phải trở lại đấy vì dân Mỹ cần có một người để trút hết các trách cứ lên đầu.”

Thực vậy, người Mỹ chúng ta vẫn có cái thói ấy và luôn luôn như thế, cho nên tôi bảo:

“Ông hãy nhớ hộ một điều: Đối với mọi chuyện ở Việt Nam, tôi là người duy nhất liên hệ đến toàn thể nội vụ, mà tuyệt đối chẳng có áp lực để làm bất cứ một quyết định nào hầu tránh khỏi các phê bình chỉ trích. Tuyệt đối chẳng có cách gì tôi thoát việc nhận lãnh trách nhiệm sụp đổ Sàigòn. Cái gì cũng đổ cho tôi, từ đầu đến đuôi. Vậy tôi sẽ không thích dính dáng bất cứ chuyện gì khác ngoài một chuyện duy nhất hợp lý vào lúc này, đó là: Mang người Mỹ sống sót ra đi an toàn, mang những người bạn Việt Nam liên hệ với chúng ta đi khỏi càng nhiều càng tốt. Tôi sẽ làm như vậy, và tôi sẽ không để cho ai thúc bách gì, ngoại trừ trường hợp ông giải nhiệm tôi.” Rồi tôi quay lại Việt Nam.

Đối với người Việt, tôi không có mối liên hệ riêng tư, bất kể người Bắc hay ngưòi Nam. Tôi chẳng đặc biệt thích một người Việt nào. Tôi yêu mến người Thái, tôi nghĩ họ là một giống dân kỳ diệu nhất thế giới. Tôi thích một số đông người Tàu, nhưng tôi đặc biệt không thích người Khờ Me, tôi không thích người Lào, tôi không thích người Mã Lai. Tôi thích người Nam Dương.

Tôi có một đứa cháu trai chết ở Việt Nam từ đầu cuộc chiến. Nhưng việc này tôi chỉ oán trách Thủy quân Lục chiến Mỹ đã không chịu gắn lá chắn thép dưới gầm trực thăng trước khi tung nó ra một chiến trường mà bên dưới đầy súng đại liên 50.

Nói như thế là để hiểu rằng: Sự cam kết của tôi đối vói người Việt không quan hệ gì đến cái chết của cháu tôi, cũng chẳng dính dáng gì đến cảm tình riêng tư nào của tôi đối với người Việt Nam. Đối với tôi, vấn đề thuần túy phải đặt ra là: Chúng ta đã tuyên bố một lời hứa. Khi đã hứa mà lại bội hứa thì chúng ta sẽ có ngày phải trả một cái giá đắt khôn lường ở khắp mọi nơi trên cái thế giới máu me tàn khốc này.

Khi trở lại Việt Nam, một người đã đến gặp tôi là Ed Daly bên hàng không World Airways. Anh ta đeo súng lủng lẳng bước vào phòng, tôi yêu cầu bỏ súng ra, để bên ngoài. Thấy anh ta ngần ngừ, tôi kêu Thủy quân Lục chiến đưa ra ngoài tước súng. Hắn trở vào lại, ngồi xuống nói với tôi: “Ông có biết không, mấy người Việt Nam họ bảo nếu tôi cất cánh ra Đà Nẵng, họ sẽ bắn hạ tôi. Ông sẽ làm gì?” Tôi đáp “Vỗ tay hoan hô chứ sao! Ông cho ông là cái thá gì? Ông chúi trong cái lỗ đục dưới đất, đến cái đít của ông, ông cũng cóc dòm ra. Ông không biết một cái đếch gì ở đây cả.” Sau đó, tôi với anh ta không bao giờ nói chuyện gì thêm, anh ta cũng không bao giờ trở lại toà Đại sứ nữa.

Tôi gửi Harry Summers ra Hà Nội trong tháng Tư (1). Chúng tôi vẫn có chuyến bay ra Hà Nội là để chuyên chở người thuộc ủy ban liên hợp quân sự ở căn cứ Davis. Đề đốc Geyler phản đối, nhưng tôi nhất định gửi người đi. Tại sao? Tại vì bấy giờ ở đấy có một việc không một ai biết ngoại trừ tôi và Wolf Lehmann, phụ tá của tôi. Việc ấy là chuyện đi lại của Brezhnev và Kissinger với Hà Nội. Và theo Leonid Brezhnev, Hà Nội đã đồng ý ấn định thời hạn cho chúng tôi rút. Hạn chót là ngày 3 tháng 5. Đó là một thỏa thuận.

Tôi có nói với Kissinger: tôi cần hai tuần lễ. Kissinger cho biết ông đã thông báo cho Hà Nội và Hà Nội đã chấp nhận. Bắt buộc phải chấp nhận luật chơi thôi, lỡ cái xảy nảy ra cái ung thì tôi cũng đành phải chịu (2). Người ta bảo máy bay có thể bị hạ, nhưng tôi nhất định cho đi. Vì thế chúng tôi bốc người từ căn cứ Davis, và Summers đã đưa họ ra Hà Nội, ngồi xuống mà thảo luận với người Việt Nam. Chúng tôi muốn nói chuyện (thẳng) với người Việt Nam là chúng tôi chấp nhận thi hành phần chúng tôi trong cuộc mà cả của Kissinger-Brezhnev. Họ sẽ để chúng tôi yên. Tôi tính là chỉ cần đến ngày 1 tháng 5, không cần đến 3

tháng 5. Tôi không muốn quá ngày ấy.

Đâu chừng một tuần trước ngày sụp đổ, tôi gửi một điện văn, lúc ấy Hoa Thịnh Đốn bất đầu tỏ ra bực bội. Tôi nói “Điều duy nhất ở đây chúng tôi có là sự điềm tĩnh của tôi, là khả năng phán đoán tình hình của tôi. Thực sự chúng tôi không còn gì khác. Bây giờ chẳng có gì để mất, vì tôi đang bước đi luẩn quẩn với cái rọ úp trên đầu rồi.”

Ngày 21 tháng 4, Tổng thống Thiệu từ chức. Tôi không thuyết phục ông rời xứ. Chính người kế vị của ông (3) đã gọi tôi, bảo Thiệu vẫn ở trong dinh Tổng thống làm ông khó cựa quậy, đó là cách lịch sự để bảo tôi rằng Thiệu vẫn tiếp tục gặp gỡ các tướng lãnh. Ông hỏi tôi có thể giúp đưa Thiệu đi không? Tôi trả lời tôi sẽ giúp nếu ông Thiệu yêu cầu. Sau đó chừng 15 phút, Thiệu điện thoại nhờ tôi đưa ông ra khỏi xứ. Bây giờ tôi lại phải đương đầu một vấn đề khác. Nên sử dụng quân đội Mỹ để lo việc này hay không? Như thế là gây rắc rối cho Bộ Tham Mưu Liên Quân (Mỹ), gây rắc rối với người Bắc Việt và máy bay có thể bị hạ. Tôi đã yêu cầu quân đội đưa đến Sàigòn một máy bay bốn động cơ bấy giờ cất ở Nakhon Phanom (Thái), và tôi giao việc này cho Polgar (4) thay vì cho quân đội lo. Bên quân đội biết máy bay đến, nhưng họ không rõ sử dụng vào việc gì. Tôi hy vọng bên quân đội sẽ không biết việc chở Thiệu ra khỏi xứ cho đến khi đưa ông ta vào được tàu bay. Đây là tôi muốn nói Quân đội Mỹ, đặt quân đội Việt Nam sang một bên. Vì thế tôi bảo Polgar cho Frank Snepp (5) lái xe vào căn cứ quân sự, lên phía trên chỗ máy bay đậu một chút, rồi tôi đưa họ vào máy bay. Trước đấy, Charlie Timmes (6) và tôi đã đi gặp Nguyễn Cao Kỳ. Timmes có hẹn với Kỳ, nên tôi bảo Timmes: “Rồi, để tôi đi cùng với ông.” Hai chúng tôi lái chiếc xe Volkswagen nhỏ của Timmes, chuyến đi hơi rợn tóc vì thành phố đã bắt đầu hỗn loạn. Tất cả chủ đích chuyến đi là để bảo cho họ biết rằng một cú đảo chánh máu me sẽ không phục vụ bất cứ một cái gì cho cõi trần gian xanh tốt này ngoại trừ một việc: Phục vụ cho cái tôi của Kỳ. Có thể ông ta đã suy đoán được để hiểu rằng thời điểm của ông ta không đúng lúc, và mục đích của tôi là chỉ muốn ông ta bỏ cái ý định ấy đi. Tôi để cho các người khác làm việc với ông ta. Tôi dặn họ: đừng để ý gì nhiều đến ông ta cả.

Nếu có một nhân vật biết được ngọn ngành mọi việc mọi trò của những người ở đấy thì chính là tôi. Nhưng vào giờ phút cuối, có những người khác nữa làm gì, thì chịu, tôi không biết đích xác cho nổi. Một ông đã gây rối cho tôi như thế lại chính là một bạn tốt, mà đến nay tôi vẫn thích, đó là Erich Von Marbod. Erich Von Marbod đến từ bộ Quốc phòng. Ông ta cho không quân Việt Nam bay đi vài chiếc F-5 của họ sang Thái. Chuyện này trái lệnh tôi. Một mặt, chả quan hệ gì. Nhưng mặt khác, lại vô cùng hệ trọng. Bởi vì tôi đã yêu cầu Kissinger một thời hạn, tôi nói là hai tuần. Chúng tôi cố mang đi tất cả các nhà thầu công tác quốc phòng mà chúng tôi không thể rõ hết là những người ấy ở những nơi nào. Không thể bỏ họ lại mà đi. Đó là lúc cần đòi hỏi sự chậm rãi, sự thận trọng, cho nên việc Erich Von Marbod thuyết phục tướng Trần Văn Minh cho mấy cái phi cơ bay sang Thái là một lỗi lầm rất lớn. Nó làm người Thái e ngại. Rồi những người đưa phi cơ sang bên ấy lại bị giấu diếm, họ không được bảo trước rằng sau đó họ sẽ không được phép trở về với gia đình. Để làm họ dịu xuống, người ta phải phục thuốc họ. Và chính những người này đã gây rối khi đến Guam. Lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi phải tống cổ Von Marbod từ hai ngày trước. Đáng lẽ tôi cũng phải tống cổ cả Polgar đi: Hắn không biết trời đất gì. Hắn không xứng đáng điều khiển cơ quan tình báo ở đấy. Hắn muốn chơi trội cùng với gã Malcolm Browne bên tờ Times và các ông bạn Hung Gia Lợi của hắn bên ủy hội Quốc tế kiểm soát đình chiến, rồi cả William Colby (7) lẫn Kissinger đều nói lại với tôi việc ấy (8) Và tôi đã nói với Polgar rằng nếu anh cứ tiếp tục làm những chuyện như thế, tôi sẽ cắt hai hòn dái nhét vào mỗi lỗ tai của anh một hòn. Jim Kean đã nghe tôi nói với hắn như thế trong cầu thang máy.

Tôi không có gì để ân hận nhiều ngoài việc ân hận đã không tống cổ cả Polgar lẫn Von Marbod từ sớm. Họ đi hay ở cũng chẳng có gì khác biệt. Chỉ có một khác biệt trầm trọng mà sau đó tôi khám phá ra khi đọc tấm điện văn của các tướng Bắc Việt: Họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái là chúng ta nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích phi trường, giết mất vài Thủy quân Lục chiến của chúng ta. Vì vậy, đến lúc tôi phải hạ lệnh trực thăng vận. Đây là lúc mọi sự bắt đầu bung ra.

Tôi vào Tân Sơn Nhất xem xét sau khi xảy ra vụ pháo kích. Hơn ba mươi năm trước, tôi đã là Đại tá không quân, bổ nhiệm từ 1936, nên những chuyện phi cơ, cái gì bay được cái gì không, tôi nắm trong bàn tay. Tôi đã là Tư lệnh phó sư đoàn Thái Bình Dương thời đệ nhị thế chiến, kiêm chỉ huy quân báo. Việc gì tôi làm, tôi làm cật lực, tôi nắm vững, tôi biết rõ. Buổi sáng 29/4 hôm ấy ở phi trường Tân Sơn Nhất, họ bảo tôi máy bay không đáp xuống được. Chuyện này vô lý. Ra tận đấy quan sát, tôi vẫn thấy chuyện họ nói chả nghĩa lý gì, người ta chỉ cần vác một cái xe Jeep quần ra phi đạo ba mươi phút là dọn sạch mọi thứ vụn vặt. Nhưng lúc ấy, quả là bên quân đội Việt Nam bắt đầu rối loạn. Chỉ huy cao cấp đã chạy, Tân Sơn Nhứt không còn chỉ huy nữa. Trong tình trạng này nếu máy bay đáp xuống là bị tràn ngập bởi đám đông vô kiểm soát. Chúng tôi cần dựa vào quân đội Việt Nam để di tản trong vòng trật tự, và chúng tôi cũng đã hứa với họ phút cuối sẽ bốc họ đi. Nhưng đến giây phút ấy, không còn có sự bảo vệ của họ nữa.

Vì Tân Sơn Nhứt hết bảo đảm được an ninh cho máy bay có cánh đáp xuống, nhưng khu vực văn phòng tùy viên Quân sự hãy còn hệ thống phòng thủ tốt, chúng tôi bèn cho trực thăng đáp xuống khu này thay vì Tân Sơn Nhứt.

Tôi liên lạc với hạm đội, và với sự khẳng định của Hoa Thịnh Đốn, tôi nói với mọi người-tôi nói với rất nhiều người Việt là: “Chúng tôi không thể bảo đảm di tản tất cả quý vị. Nhưng nếu quý vị có thể dùng thuyền ra khơi, chúng tôi vớt.” Chúng tôi đã cho tàu đậu ngoài khơi ba ngày ròng rã để vớt người đến khi tàu chật ních. Khi sĩ quan chỉ huy quân y cho biết nếu cứ tiếp tục, có thể bị bịnh dịch đe dọa, lúc ấy chúng tôi mới cho tàu đi. Tôi cũng ra lệnh cho hai máy bay tại căn cứ Clark đáp xuống Vũng Tàu để bốc gia đình lính Thủy quân Lục chiến Việt Nam. Đề đốc Geyler phản đối, nhưng tôi gạt đi. Hai chiếc máy bay đáp xuống, hoàn tất việc bốc người trong vòng mười lăm phút rồi thẳng cánh bay qua Clark. Từ giờ phút ấy, Thủy quân Lục chiến thuộc quyền điều động của tôi. Họ phụ trách bảo vệ trong trường hợp chúng tôi cần di tản ra từ bãi biển. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không có nhiệm vụ di tản người từ bãi biển ra. Từ nhiều tuần trước ngay việc đáp phi cơ trinh sát xuống, họ cũng không chịu, nhưng chúng tôi vẫn cứ làm. Đấy, tôi đã phải đối phó công việc với những cách thức như vậy.

Còn về câu chuyện cây me, thật là một câu chuyện vô nghĩa (9) Hạ cái cây xuống cũng là chuyện hoàn toàn vô nghĩa. Cây me này chả mang một biểu tượng gì. Về chuyện này, mục đích là tôi cố giữ cho Sàigòn một bộ mặt yên tĩnh, phải tránh mấy chuyện rối loạn đã từng xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang. Ngoài ra, quỷ thần ạ, cần gì phải chặt cái cây ấy để lấy chỗ cho trực thăng? Nên tôi bảo “Để cái cây ấy yên đi!” Đơn giản thế thôi. Khi cần phải chặt, chỉ mười phút là xong. Cuối cùng mọi sự cũng đã xảy ra y như vậy. Chúng tôi không muốn có một hành vi bộc lộ rằng chúng tôi đang thua chạy, để Sàigòn phải nháo nhào lên.

Cái cây này tuyệt nhiên không biểu trưng gì cho sự có mặt của người Mỹ. Nhưng về một phương diện, Jim Kean cũng có lý khi nói vậy.(10) Bởi vì nó là cái dấu hiệu vật chất cho thấy chúng ta sắp rời đi, nên tôi phải che đậy. Việc tôi giữ cái cây chẳng có cái ý nghĩa thâm thúy gì như đó là biểu tượng cam kết của chúng ta cả.

Vào những giây phút chót, có nhiều việc không thể làm ngơ. Về những việc này Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger đáng phải lãnh điểm xấu. Ông tỏ ra ngu xuẩn, nhiều phần trong con người ông luôn luôn như vậy.

Chúng tôi có một gã tên Stuart Herrington làm dưới quyền Đại tá Madison (11) Gã này đang giúp việc xếp người vào trực thăng trong sân toà Đại sứ. Gã có biết cái gì hơn là xếp người? Nhưng khổ nỗi, gã là thứ mồm loa mép giải, đáng lẽ biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Đàng này ai hỏi gì gã cũng trả lời láo lếu. Vì thế khi các phi công bay vào, họ muốn hỏi tôi còn phải chở bao nhiêu người nữa, gã Herrington mau mồm nói “Hai ngàn hoặc hai ngàn rưỡi nữa.” Ông Đề đốc Noel Gayler ở ngoài hạm đội dãy nảy như gái ngồi phải cọc. Chở nhiều quá lỡ xảy tai nạn, ai gánh đây? Ông ấy là người phụ trách công tác, ông bèn áp lực khủng khiếp mà thúc chúng tôi “Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ xong là đi quách đi, bỏ những người khác lại.” Chuyện này không được. Đây là chuyện mà tôi từ chối. Brent Scowcroft (12) đã hứa với tôi rằng tôi sẽ có năm mươi chuyến trực thăng người Việt và Đại Hàn mà chúng tôi cam kết. Chúng tôi đã đếm kỹ lưỡng số người khi kéo họ qua bức tường lọt vào toà Đại sứ. Nhiều người là những nhân vật trọng yếu, có người là bộ trưởng chính phủ. Tất nhiên chúng tôi không có ý định mang họ vào rồi bỏ họ mà đi! Khốn thay, lời nói của gã Herrington với viên phi công được chuyển tới ông Đề đốc, rồi chuyển tới Tư lệnh Thái Bình Dương, lời nói ấy chuyển vòng đến Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger ở Ngũ Giác Đài. Các tướng Tham mưu thúc hối Schlesinger rằng: “Hễ cứ hỏi là lúc nào Martin cũng bảo còn 2000 nữa, bất kể đã chở được bao nhiêu. Cứ cái đà này đến phút chót vẫn là 2000!” Trong công tác bê bết máu lửa này dựa trên lời hứa của Scowcroft, chúng tôi đã phải thực sự tính toán cẩn thận: cứ mỗi chuyến chín mươi người. Ông ấy là Cố vấn An ninh của tổng thống, không tin ở ông thì tin vào trời đất quỷ thần nào? Thế rồi đột ngột họ gửi điện văn bảo: Chấm dứt. “Chuyến trực thăng kế tiếp đến, xin ông đi cho!” Tất cả chỉ vì gã Herrington này, và sau đó anh ta lại viết sách rồi trở nên một đại anh hùng !(13)

Tôi cũng lấy làm phiền về viên chỉ huy an ninh toà Đại sứ, người lãnh trách nhiệm di tản cảnh sát Việt Nam. Tôi đã giữ riêng cho họ hai cái tàu trên sông, nhưng ông ta cứ lằng nhằng muốn đưa họ ra đi sớm. Phía tướng tá Việt Nam báo cho tôi biết: không cách gì có thể duy trì trật tự trong thành phố nếu tôi rút cảnh sát Sàigòn đi. Vì thế tôi bảo ông ta khoan lại, đợi đến ba giờ trưa hãy đi. Ông ta bực bội chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Nhưng ông ta cũng đợi được đến ba giờ trưa rồi cho cảnh sát lên tàu di tản cùng với gia đình họ. Tôi không có gì để than phiền nhiều về chiến dịch di tản này vì tổng thống và Kissinger đều đứng bên tôi, hỗ trợ tôi cho đến tận giây phút cuối cùng.

Tôi không bảo chiến dịch ấy hoàn hảo, nhưng khi duyệt xét lại, tôi có quyền hỏi: “Ai có thể làm khác hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt ấy?”

Khi rời toà Đại sứ tôi biết đấy là giây phút lịch sử. Chắc chắn như vậy. nhưng trước đây tôi từng hỏi Hoa Thịnh Đốn: “Chúng ta có sự lựa chọn. Trong sự lựa chọn đó cần phải hỏi: Sau tôi, còn những việc gì sẽ xảy ra? Đối phương sẽ lấn chúng ta hơn nữa, ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cần phải giữ những lời cam kết của chúng ta!”

Trong lúc trực thãng bay, tôi nghĩ chúng tôi đã rũ bỏ xong. Chúng tôi đã kinh qua biết bao việc, chúng tôi đã mang hết được người Mỹ đi. Và mang hết người Mỹ ra đi, đó là trách nhiệm chủ yếu của chúng tôi. Chúng tôi cũng mang được một số lớn người Việt trong khả năng chúng tôi. Đáng lẽ chúng tôi nên mang đi nhiều hơn nữa, chúng tôi đáng lẽ phải mang 400 con người cuối cùng ấy ra đi, nhưng rất tiếc chỉ vì sự lôi thôi đã xảy ra trong lúc rối loạn như thế thôi.

Tôi nghĩ người Mỹ có quyền hãnh diện về chiến dịch di tản. Phần tôi tuyệt đối chẳng có gì dính líu đến những chuyện phải xin lỗi cả.

Tôi đã nhận lãnh nhiều trách cứ về vụ Việt Nam. Chính vì thế mà rất lâu sau, đợi cho mọi thứ lắng xuống, tôi mới ra trước Quốc hội để mọi người đứng lên lãnh trách nhiệm và nhận lỗi của mình, và họ đã làm như thế.

Dẫu sao tôi cũng có nhiều điều thích thú. Tôi không bao giờ lo rằng mình có thể bị giải nhiệm. Tôi đã tính nếu bị sa thải, thì sẽ về ngồi với cái máy chữ mà viết.

Áp lực của nhóm chủ hoà đã áp đặt trên hệ thống giáo dục, và sự mù quáng của cái chủ trương “đừng-làm-một-cái-gì-có-thể-gây-tranh-luận- hoặc-bị-tấn-công” đã có khuynh hướng chế ngự hệ thống giáo dục chúng ta, do đó các nhà xuất bản sách giáo khoa hoặc giả lơ chuyện Việt Nam, hoặc chỉ mô tả sơ sài nhạt nhẽo chẳng giúp cho ai có thể hiểu sự thực thế nào. Điều này đáng tức cười, bởi vì về một phương diện khác, nó lại là điều tốt. Thỉnh thoảng nói chuyện với sinh viên, tôi nhận ra đa số chẳng những không hiểu biết gì, mà còn cực kỳ ngây thơ về chuyện Việt Nam. Nhưng chính vì thế, họ lại có thể tìm hiểu vấn đề với một quan điểm hoàn toàn khách quan. Chính vì thế, họ trở thành nhóm người duy nhất tại nước Mỹ có thể nhìn mọi sự với quan điểm khách quan ấy. Nhưng vì vậy, khi thấy được những sự kiện phô bày đầy đủ rõ rệt trước mắt, họ bực tức vì họ đã bị bưng bít, do đã bị từ chối trong việc tìm hiểu và đã chỉ được đọc một phần của cả vấn đề.

Hiển nhiên, sau này các sử gia sẽ đào sâu mở rộng hơn. Có lẽ họ sẽ đối xử rất tử tế với tôi, có lẽ còn tử tế hơn cả sự xứng đáng của tôi. Dầu vậy, chúng ta hãy còn biết bao nhiêu chuyện trời đất mà những chuyện ấy vẫn chưa từng được kể hết ra!

____________________________

(*) Mc Namara Bộ trưởng quốc phòng Mỹ.

(1)Harry Summers là Đại tá văn phòng tùy viên quân sự, DAO.

(2) Người Mỹ gọi là luật Murphy-” Murphy’s Law”-Khi cái gì hư hỏng xảy ra, là nó xảy ra, thế thôi!

(3)Tổng thống Trần Văn Hương.

(4) Trưởng nhiệm Sở Trung Ương Tình Báo Mỹ.

(5)Thuộc Trung ương Tinh Báo Mỹ.

(6) Trung tướng Mỹ văn phòng Tùy viên Quân sự.

(7)Giám đốc Trung Ương Tinh Báo Mỹ.

(8) Đây là việc Polgar tự động liên hệ với nhân viên Hung Gia lợi sắp đặt việc thương thảo với Bắc Việt. Chuyện này sẽ do Polgar tự kể trong chương kế-Polgar không biết những người làm chính sách Mỹ chỉ muốn rút, không thương thảo gì, không có ý định lập chính phủ liên hiệp. Việc này phụ tá Đại sứ Lehmann đã nói ở phần đầu của chương 4. Ghi chú của người dịch.

(9) Xem phần phỏng vấn Phụ tá Đại sứ Wolf Lehmann và phần phỏng vấn Thiếu tá Jim Kean chương 9. (10) Jim Kean, Thiếu tá Thủy quân Lục chiến, sẽ có bài ở Chương 9.

(11) John Madison, Đại tá Bộ binh, thành viên ủy ban Liên Hợp Quân Sự.

(12) Cố vấn an ninh quốc gia.

(13) Xem phần phỏng vấn Stuart Herrington ở Chương 7 . Ghi chú của người dịch.

THOMAS POLGAR

(Chỉ huy Trung ương Tình báo Mỹ tại Việt Nam)

“Chúng tôi là một đoàn quân chiến bại.”

Hiểu ý định địch quân không khó vì Bắc Việt không giữ bí mật phương hướng, đường lối. Họ thường cho cán bộ học tập kỹ lưỡng cả đến những chi tiết đáng ngạc nhiên về những gì họ làm, hơi giống kiểu Hitler và cuốn Mein Kampf. Họ thường nói trước những gì họ sẽ làm, chúng ta thường không tin những gì họ đã nói. Còn chính sách Hoa Kỳ thì đơn giản là không đáp ứng những tin tình báo mà chúng tôi thu lượm.

Xin đưa thí dụ: Mùa thu 1974, chúng tôi tìm ra được những báo cáo của Hà Nội nói Nixon đã đổ, chúng ta sẽ chơi một trận cầu mới, chúng ta sẽ có nhiều thử nghiệm trong phạm vi quân sự. Tôi xem các tài liệu này rất hệ trọng. Bắt đầu vào tháng 10, 1974, khi tìm được phương án hoạt động 75, tôi lái xe xuống Biên Hoà nói chuyện với viên Trưởng Nhiệm sở Tình báo vùng, nơi họ bắt được phương án này, chúng tôi đã bàn thảo và đi đến kết luận: Cái giọng trong văn kiện này tương đồng khủng khiếp với cái giọng của tập tài liệu 90 nguyên tắc chỉ đạo do Trung ương cục miền Nam đưa ra vài tháng trước cuộc tổng công kích 1972.

Một hôm, tôi có dịp hỏi ý kiến Kissinger về hoạt động tình báo của chúng ta, không phải chỉ riêng ở Việt Nam, mà nói chung. Lúc ấy, ông đang tiếp nhận một lưu lượng khổng lồ các tin tức do Trung ương Tình báo từ khắp nơi trên thế giới gửi về. Tôi hỏi ông nghĩ thế nào về giá trị ngành tình báo chúng ta? Ông suy nghĩ một lúc, rồi trả lời: “Khi nó hỗ trợ cho chính sách của tôi, nó rất hữu ích!” Tôi nghĩ: Đấy, chính đấy là tâm điểm vấn đề. Vấn đề là chính sách Mỹ không được thiết lập để đáp ứng với tin tức do tình báo thâu nhập được nhưng chúng ta thiết lập chính sách trước, rồi cố tìm kiếm các tin tức tình báo để hỗ trợ chính sách ấy mà thôi.

Ở Việt Nam lúc đó có ba nguồn tình báo chính: Quân báo, sở An ninh Quốc gia và Trung ương Tình báo. Chúng tôi không bao giờ gặp những trường hợp tin tức nghịch chiều. Chưa bao giờ Văn phòng Tình báo- Văn phòng Tùy viên Quân sự đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác biệt với quan điểm những cơ quan tình báo bạn. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bill Legro, người chỉ huy tình báo thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự suốt phần lớn thời gian kể từ sau Hiệp định Ba-Lê. Nhưng trở ngại là chính sách Hoa Kỳ đã được đặt trên căn bản của một tiền đề: Tiền đề đó là Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt. Quân đội Hoa Kỳ đã rút. Và chắc chắn, Tổng thống Ford sẽ không để cho hy vọng tái bầu cử của ông bị đe dọa vì việc có thể đưa quân Mỹ trở lại Việt Nam.

Vào năm 1974, chúng ta đã không gửi tiếp vận cho Nam Việt Nam đúng kỳ hạn. Chúng ta đã chậm trễ trong việc thi hành các nghĩa vụ đồng minh. Lúc ấy, tôi báo cáo: Nếu người miền Nam Việt Nam mất tin tưởng vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, họ sẽ sụp đổ. Tôi nhấn mạnh vào sự tin tưởng-vào tinh thần của họ, hơn là vào cả cái mức độ thực sự của việc yểm trợ quân sự.

Có năm sự kiện xảy ra trong năm 1973 dù không liên quan gì đến Việt Nam, nhưng đã ảnh hưởng trầm trọng đến họ. Trước hết, cuộc chiến Ả Rập/Do Thái đã làm đổi hướng Bộ Quốc phòng Mỹ và đổi hướng nguồn quân vận sống chết của Nam Việt Nam. Tiếp đến việc phong tỏa dầu lửa, giá dầu thô tăng vọt làm kinh tế Nam Việt Nam bị va chạm, thiệt hại nặng. Rồi các nhược điểm trong chính sách ngoại giao Mỹ đã tạo nên những phản ứng tâm lý mạnh mẽ chống lại việc tiếp tục các cam kết ngoại giao đắt giá. Rồi việc quân nhân đảo chánh, hạ bệ Salvador Allende ở Chí Lợi làm công luận thuộc Khuynh hướng Tự do và Khuynh hướng Tả phái tức giận, họ trút sang đầu Nam Việt Nam. Sau nữa, quốc hội vì ghê tởm vụ bưng bít Watergate, đã tìm cách trừng phạt Nixon, nên cũng gộp luôn cả Việt Nam vào vụ này.

Tôi nghĩ ông Thiệu hiểu rất rõ: Không có Mỹ, ông không thể tồn tại được. Tôi cũng biết Hoàng Đức Nhã, cháu ông Thiệu rất nhiều. Nhã đã học bốn năm đại học ở Mỹ, còn hiểu rõ hơn cái bản chất bất định của nền chính trị Hoa Kỳ, những sự lên xuống thuần túy chỉ do áp lực nội bộ gây ra, thường chẳng liên quan đến đề mục ngoại giao, mà lại ảnh hưởng lớn đến liên hệ ngoại giao. Nhưng làm thế nào một người như Thiệu có thể nhận thức thấu đáo sinh hoạt quốc hội Mỹ, trong khi cách làm việc của ông là chỉ coi quốc hội của ông như một công cụ khúm núm quỵ lụy mà thôi?

Vụ thất thủ Phước Long xảy ra đầu năm 1975 không quan trọng về phương diện quân sự, nhưng cực kỳ quan trọng ở phương diện tiêu biểu: Nước Mỹ đã từ chối không thực hiện lời Nixon hứa với Thiệu rằng sẽ “trả đũa mạnh mẽ và toàn bộ.” Quân Bắc Việt thử nghiệm xong, tất nhiên được đàng chân, lân đàng đầu, họ sẽ tiến sâu hơn nữa.

Khi phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đến Việt Nam, tôi nghĩ cách hành xử của Fraser và Abzug không tha thứ được. Ngay khi bước vào phòng, Abzug lên tiếng hỏi: “Trong mấy người ở đây, ai là Polgar?” Tôi tự giới thiệu. Bà ta nói: “Tốt! Tôi đã được người ta cảnh giác về ông.”

Bấy giờ có một lãnh tụ sinh viên bị nhốt tù, anh này có đôi chút tiếng tăm ở Mỹ. Bà Abzug đầu tiên bảo anh ta chắc chết rồi, Nam Việt Nam giết hắn rồi. Tôi bảo “Không. Nam Việt Nam không làm như vậy. Họ có thể xác định được bất cứ người nào ở đâu trong tù.” Bà ta bảo: “Xác định người này xem.” Chúng tôi xác định ra được địa điểm giam anh ta là ở vùng 3, Tuy Hoà.(Ghi chú của người dịch: Có lẽ là Biên Hòa) Bà bèn bảo bà ấy muốn phỏng vấn. Nhưng đi xe hơi xa quá, phải có trực thăng, bà ấy lại chỉ có thể đi sáng chủ nhật, thực bất tiện cho tất cả mọi người. Nhưng cũng đành, chúng tôi thu xếp trực thăng, thu xếp thủ tục thăm tù. Sau khi tất cả lo liệu xong, bà ấy nói: “À, tôi không lưu ý vụ này nữa” và không bao giờ đi gặp người sinh viên này nữa.

Cùng đi trong phái đoàn có Millicent Fenwick. Bà này tuy không có cảm tình với Nam Việt Nam nhưng vẫn còn cư xử đàng hoàng, đã theo dõi lắng nghe các buổi thuyết trình. Nhưng Abzug và Fraser hết sức quá quắt. Tổng thống Thiệu mời cả phái đoàn dự tiệc, hai người này thản nhiên không dự. Họ chẳng đếm xỉa nghi lễ, không buồn từ chối. Họ lẳng lặng không đến. Trước buổi tiệc ấy là tiếp tân của thủ tướng, họ đến, nhưng họ không thò mặt vào buổi tiệc của tổng thống. Rồi đại sứ cũng mời phái đoàn dùng cơm chiều. Tất cả mọi người đến, trừ Abzug. Tôi rất thất vọng, vì chính tôi đã được xếp ngồi ngay cạnh bà ta.

Về vụ tấn công Ban Mê Thuột ngày 5 tháng 3, tôi không tin có ai đã đoán trước được, nhưng hầu hết mọi người đều biết một cuộc tấn công lớn sẽ xảy ra ở cao nguyên trung phần. Chúng tôi biết họ sẽ cắt đường, sẽ đưa vào nhiều sư đoàn. Tất cả đều đã xảy ra đúng như vậy, nhưng Hoa Thịnh Đốn không bao giờ chấp nhận tin tức tình báo của chúng tôi. Họ không chấp nhận vì-(Chúng ta đang bước vào chuyện xuất xứ các nguồn tin và những phương pháp thâu nhập tin tức tình báo, chẳng rõ tôi có nên nói ra ở đây không)-Nhưng sự kiện xảy ra là giới tình báo Hoa Thịnh Đốn đã không sử dụng tin tức tình báo từ Việt Nam do Văn phòng Tùy viên Quân sự và sở Trung ương Tình báo chuyển đến, nói rằng sẽ có một cuộc tấn công lớn tại cao nguyên vào năm 1975. Họ từ chối không chịu tin điều ấy. Còn miền Nam Việt Nam thì chẳng có được một quan niệm chiến thuật riêng tư nào, ngoài việc đặt một trung đoàn chỗ này, đưa một trung đoàn ra chỗ kia để phòng vệ. Trung đoàn tăng cường Ban Mê Thuột không đủ đương đầu tình hình, họ cũng không được may mắn. Những lực lượng này dùng để giữ các địa phương thì tốt, họ tỏ ra đắc lực để đối đầu vài trận tấn công. Tuy nhiên họ không phải là loại binh đội được huấn luyện và trang bị để chiến đấu với các đơn vị chính quy chủ lực có chiến xa tăng cường.

Sau khi mất Ban Mê Thuột, ông Thiệu họp với tướng Phạm Văn Phú tại Cam Ranh, ban lệnh triệt thoái cao nguyên. Tôi nhớ buổi họp ấy nhằm thứ sáu. Phú cho thực hiện kế hoạch vào thứ bảy. Nhận tin sáng thứ bảy ấy, tôi chạy theo tướng Charles Timmes ra Tổng Tham mưu, và nói rằng “Tôi chẳng biết chuyện trời đất gì đang xảy ra đây nữa!” Tôi cho một phụ tá cao cấp đi gặp tướng Đặng Văn Quang, Cố vấn An ninh của Thiệu, hỏi chuyện gì đang xảy ra ở vùng II. Quang bảo: “Ông thấy, tình hình không được tốt. Chúng tôi không mở đường lại được, chúng tôi đang lo ngại về tình hình và sẽ phải thay đổi vị trí một vài đơn vị- chớ chẳng có chuyện gì xảy ra ở vùng II cả.”

Hiển nhiên, ông Quang không hay biết ông Phú đang di tản. Tướng Timmes vào Tổng Tham Mưu Việt Nam, nhưng không gặp tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng. Mọi sự ở đấy có không khí của một buổi sáng thứ bảy. Nhưng ông đã gặp tướng Trần Đình Thọ, là Trưởng phòng hành quân để hỏi thăm tin tức vùng II. Ông Thọ nói: “Còn có cái gì xảy ra mà quý ông không hay biết cả đâu?” Rõ rệt, Bộ Tổng Tham Mưu cũng không biết gì việc ông Phú đang triệt thoái. Sau đó tôi nhận tin trực tiếp từ Pleiku gửi về. Phó Đại sứ Wolf Lehman bấy giờ đang bận một số chuyện lặt vặt. Joe Bennett, sĩ quan chính trị đang bận đi chữa răng. Tôi điện thoại cho Moncrieff Spear, Tổng Lãnh sự ở vùng II, bảo ông ta: “Tốt hơn hết ông nên chuyển người của ông ra khỏi Pleiku, theo chỗ tôi hiểu: người ta đang di tản.” Ông ta nói: “Anh khùng à?” Bấy giờ ông ta đang ở Nha Trang, vùng duyên hải, tôi bảo: “Không, tôi có lý do để tin những việc đang xảy ra.” Ông ta nói: “Có phải anh ra lệnh cho tôi di tản Pleiku đấy chăng?” Tôi bảo: “Ông biết thừa tôi không thể làm thế. Nhưng tôi có thể kết luận nếu khôn ngoan thì hãy di tản ngay đi.”

Có một điểm tôi muốn nêu ra đây về tướng Phú trong buổi sáng hôm ấy. Bất kỳ công trạng trước đây của ông thế nào, không kể, nhưng bây giờ ông ta đã hoàn toàn không phối hợp với chúng tôi. Ông ta không thông báo cả cho Tổng Lãnh sự là người mà ông bắt buộc phải thông báo, vì đây là đại diện chính thức của Hoa Kỳ tại vùng II. Ông Quang cũng không biết chuyện gì đang xảy ra, ông ta có vẻ của một người bận rộn, nhưng thực tình chỉ lăng xăng giết thì giờ. Còn ông Thọ Trưởng phòng hành quân, cũng thế, chẳng hay biết gì cả. Trong sự suy đoán của tôi: Những việc xảy ra đó là do tướng Phú hiểu lầm những gì Tổng thống Thiệu nghĩ trong đầu, rồi tự khởi xướng một kế hoạch hành động, không biết việc ấy trong thực tế sẽ khó khăn đến đâu. Thực tế cuộc di tản ấy không thành công. Mọi cuộc triệt thoái sớm hay muộn đều là một sự thất bại khủng khiếp.

Quân đội Bắc Việt bắt kịp cuộc di tản của tướng Phú. Chiến xa của họ đâm ra từ các đường nhánh, gặp đoàn quân tại Phú Bổn. Cuộc tàn sát đã diễn ra ở đấy.

Trước buổi họp Cam Ranh, tôi liên lạc với Hoa Thịnh Đốn để ghi nhận cuộc chơi đã xong. Tôi nhớ tôi nói chuyện với một viên chức có liên hệ khá chặt chẽ với tôi (xin miễn đưa tên), ông ta bảo: Nam Việt Nam không thể nào tiêu hoá nổi việc mất Ban Mê Thuột cùng với cái hậu quả tất yếu của nó là mất toàn thể cao nguyên. Ống là một sĩ quan cấp tướng.

Lúc ấy vẫn chưa có gì xảy ra ở vùng I. Rồi tai họa bắt đầu. Thiệu quyết định rút cả Thủy quân Lục chiến lẫn Nhảy dù khỏi vùng I. Quyết định này giống như chợt rút đi cái chiếu trong lúc tướng Trưởng còn đang đứng trên ấy, nó làm ông ta hổng cẳng. Tiếp đến, mất cả sư đoàn Thủy quân Lục chiến. Họ trở nên vô dụng, vì đầu tiên người ta ra lệnh triệt thoái, sau lại ra lệnh “quay đàng sau, quay,” để quay trở lại! Đó là chuyện bất khả thi về phương diện quân sự. Sư đoàn Thủy quân Lục chiến mất rất nhiều chiến cụ vì không thể nào lấy ra được trong cái dòng người tỵ nạn tràn lan. Lúc này ông Thiệu đang ngoi ngóp trong biển nước, ông cố bám lấy vài cọng cỏ. Nhưng lúc này ông có làm bất cứ cái gì cũng không còn có thể thay đổi tình thế lại được nữa. Cuộc chơi đã xong.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng khi người Việt Nam có cảm tưởng chúng ta sắp chạy, tất cả sẽ sụp đổ. Điều này, tôi hoàn toàn đồng ý với đại sứ Martin. Ông đại sứ lúc ấy đã rời Việt Nam sang Mỹ cùng với phái đoàn quốc hội. Ông nghĩ ông có thể vận động được một vài dân biểu, ông sẽ cố ra điều trần trước quốc hội. Đến Hoa Thịnh Đốn, người ta phát hiện tình trạng sức khoẻ của ông cần giải phẫu, việc này đã làm chuyến về của ông chậm trễ. Không muốn mọi người phải quan tâm nhiều, ông đi xuống North Carolina mổ, ngay Bộ Ngoại giao cũng không biết liên lạc với ông ở đâu. Ông là một người kín đáo. Ông trở lại Việt Nam cuối tháng Ba, trước khi Đà Nẵng mất và chuyến C-5A bị rơi.

Về vụ chiếc C-5A thì thoạt đầu đề nghị chuyển vận các cô nhi đi bằng máy bay hoàn toàn chỉ có mục đích vận động nhân tâm. Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Y tế, cũng là bác sĩ y khoa-Bác sĩ Đán cảm thấy cần phải làm một cái gì về các cô nhi. Đại sứ Martin và vài cố vấn cũng cảm thấy nếu đưa được các cô nhi sang Mỹ hàng loạt thì việc này có thể vận động tình cảm công chúng Mỹ, nó sẽ là một câu chuyện khích động lòng xót xa con người. Cùng lúc ấy, Văn phòng Tùy viên Quân sự lại có nhiều nhân viên phụ nữ sẵn sàng di tản, nhưng người ta không thể cấp thông hành cho họ vì Hoa Kỳ chưa chính thức di tản. Như thế ai sẽ trả phí tổn di chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam, Hoa Kỳ chăng? Nên tôi nghĩ có thể xếp đặt cho họ vào những chuyến máy bay quân đội còn trống, xem họ như những người đi kèm các cô nhi, như thế khỏi lo liệu vấn đề lộ phí, tiền bạc. Chính vợ tôi cũng đi với tư cách người kèm cô nhi, nhưng rồi vợ tôi tình cờ đã lên một chiếc máy bay dân sự thuộc hãng Cathay Pacific, đúng một ngày với chuyến C-5A bị rớt.

Tôi có hai bác sĩ thuộc Trung ương Tinh báo, nhân viên của tôi, khi máy bay rớt đã đi khiêng xác chết, xác của những đứa trẻ nhỏ bé này, vào bệnh viện Cơ Đốc ở Sàigòn. Một trong hai bác sĩ ấy mang theo máy ảnh, chụp rất nhiều hình. Khi tôi đưa những tấm ảnh này cho đại sứ coi, ông suy nghĩ khá lâu xem có nên công bố hay không. Nhưng ông kết luận những bức ảnh này quá rõ ràng, quá đẹp, màu sắc sống động, với hình ảnh các thân thể nát vụn của đàn bà trẻ con, thay vì khích động lòng thương xót, lại tạo ảnh hưởng xấu, nên người ta quyết định không công bố nữa.

Vài ngày trước hôm Thiệu từ chức, một nhân viên cao cấp người Hung Gia Lợi thuộc ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến đến gặp tôi, anh ta nói: “Này ông bạn, phải thực tế chút chứ? Ông phải biết các ông đã thua trận chiến này.” Tôi bảo: “Ô kê, tôi nhìn nhận: Trận chiến đã bại rồi.” Anh ta nói: “Mỗi cuộc thất trận đều tạo nên nhiều hậu quả chính trị.” Tôi bảo: “Đồng ý.” Anh ta nói: “Hiển nhiên những hậu quả chính trị này sẽ gây nhiều cay đắng. Nhưng bên phía mà tôi đại diện…” Anh ta bỏ lửng, không nói đại diện cho ai “…Không có ý định hạ nhục Hoa Kỳ một cách quá mức. Có lẽ, có thể tìm ra được một giải pháp nào-Không phải để thay đổi cuộc diện trận chiến, vì nó đã xong, nhưng để thu xếp cho một cái chung cuộc mà..” Một lần nữa, anh ta sử dụng những chữ này: “Không hạ nhục Hoa Kỳ một cách quá mức.”

Tôi hỏi: “Ông có ý nghĩ gì trong đầu vậy?” “À vâng.” Anh ta nói: “Ông biết chúng tôi đã ra Tân Sơn Nhứt thảo luận với các đồng nghiệp Bắc Việt của chúng tôi. Chúng tôi có người ở Hà Nội. Tôi có cảm tưởng có lẽ chúng ta có thể tìm được một cách giải quyết trong lúc tình hình đang diễn tiến thế này-Thiệu bắt buộc phải từ chức. Hoa Kỳ cần phải tuyên bố bất can thiệp vào nội tình Nam Việt Nam, ngoại trừ việc duy trì ở đây một cơ cấu sứ quán bình thường. Và chính phủ Nam Việt Nam cần bao gồm một số người Bắc Việt có thể chấp nhận. Đấy là những vấn đề chủ yếu.” Tôi đáp: “Vâng, tốt lắm, cảm ơn ông bạn nhiều. Đương nhiên, tôi sẽ báo cáo cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay. Tôi sẽ thảo luận với đại sứ chúng tôi để chuyển về Hoa Thịnh Đốn, rồi tôi sẽ gặp lại ông. Trong lúc chờ Hoa Thịnh Đốn trả lời, xin ông vui lòng đi gặp các bạn của ông một lần nữa để tìm hiểu xem ai sẽ là những người mà họ có thể chấp nhận được trong chính phủ ấy?”

Vài ngày sau, Thiệu từ chức. Tôi trở lại gặp người bạn Hung Gia Lợi của tôi mà nói: “Đấy, tôi đã chuyển đạt và thực hiện xong điều thứ nhất của ông. Chúng tôi vẫn chưa nhận được hết câu trả lời dứt khoát. Còn ông đã có đề nghị nào về những tên người mà tôi hỏi hay chưa?” Anh ta đáp: “Vâng, thực ra tôi đã có. Nhưng tên người Việt, tôi dở lắm. Để tôi viết ra.” Anh ta lấy một quyển sổ tay con, bắt đầu viết một số tên. Tôi đáp: “Thú vị nhỉ. Tất nhiên tôi sẽ tiếp tục xúc tiến câu chuyện lần trước giữa chúng ta, tôi sẽ trở lại gặp ông.” Nhưng anh ta nói: “Tôi có thêm vài lời nữa từ các đồng nghiệp của tôi ở đây. Họ nói khi họ bảo mọi chuyện cần phải thu xếp cho sớm, điều ấy có nghĩa là trong vòng vài ngày, chứ không phải vài tuần đâu.” Ông đại sứ tỏ ra có thiện cảm với chuyện này. Ông nghĩ có thể chúng tôi thực hiện được một cái gì chăng. Nhưng chúng tôi đã gặp phản ứng tiêu cực của Kissinger, là người không muốn có chuyện thương thảo gì hết.

Đến ngày 26 hoặc 27 tháng Tư, chúng tôi gặp nhau lại, lần này anh chàng Hung Gia Lợi nói: “Tôi nghĩ muộn quá rồi.” Đấy, tôi kể cho các bạn nghe mấy chuyện này bởi vì tôi muốn nhấn mạnh thật ra không bao giờ chúng tôi thương thảo với đối phương, cũng không bao giờ làm điều gì đối phương đòi hỏi. Việc ông Thiệu từ chức là vì những lý do hoàn toàn khác, không liên hệ đến mấy chuyện này, nhưng tôi đã vờ vịt với họ, làm như chuyện ông Thiệu từ chức có liên hệ đến mấy chuyện ấy mà thôi.

Thiệu từ chức ngày thứ hai 21 tháng Tư. Ông đại sứ không yêu cầu Thiệu từ chức, nhưng vào ngày 19 tháng Tư sau khi ông đại sứ nói chuyện với Thiệu, thì hiển nhiên Thiệu đã mất hết tin tưởng vào mọi người, vì mọi người xem Thiệu như chướng ngại vật trong cuộc dàn xếp, trong các thủ tục ngưng chiến, mọi người không có thể cục cựa gì nếu Thiệu cứ luẩn quẩn bên cạnh.

Một bữa đại sứ gọi tôi vào văn phòng nói ông mới gặp Tổng thống Hương, Tổng thống không được thoải mái vì sự tiếp tục có mặt của Thiệu ở trong xứ. Ông cụ Hương nghĩ sự hiện diện của Thiệu làm giảm uy quyền của ông, chừng nào Thiệu còn ở đây thì ông cụ tê liệt không làm gì được cả. Ông cụ khẩn thiết yêu cầu đại sứ Martin lo liệu hộ vì lẽ chỉ Hoa Kỳ mới ở vị thế giúp được chuyện này. Việc đưa Tổng thống Thiệu ra khỏi xứ cần thực hiện tuyệt đối trong vòng “Tối mật!” Vâng, đại sứ Martin là người đầy lý trí, khi nghe cái gì “Tối mật” tất ông nghĩ đến “CIA Trung ương Tình báo,” thế là ông hỏi: “Anh làm được không?” Tôi bảo “Thưa đại sứ, tôi làm được. Với một điều kiện. Ấy là: để yên cho tôi lo. Cứ giao việc để tôi xoay sở, nhưng đừng đem cả một ủy ban dính vào đây.” Việc này xảy ra ngày 24 tháng Tư thì phải.

Mọi sự được xúc tiến nhanh chóng ngay sau đó. Tôi biết tôi có thể thu xếp máy bay ở đâu. Tôi lấy tướng Timmes là điểm liên lạc chính. Vào lúc này Thiệu đã rời căn nhà trong Tổng Tham mưu. Các tướng lãnh cao cấp Việt Nam đều có nhà trong căn cứ Tân Sơn Nhất. Chúng tôi đồng ý là với một kế hoạch hành động, cũng có đôi điều cần phải quan tâm: Phải quan tâm công luận. Phải lo ngại chuyện một số quân nhân vô kỷ luật của Nam Việt Nam có thể can thiệp, vài sĩ quan cao cấp có thể manh nha trong đầu cái ý nghĩ làm lịch sử. Cũng phải lo ngại cả chuyện cảnh sát chặn trên đường ra Tân Sơn Nhất, việc này tuy không liên quan gì đến chuyện Thiệu đi, nhưng cảnh sát thường có những điểm chặn trên đường, nên chúng tôi phải bày việc đi dự tiệc trong căn cứ Tham mưu Liên quân. Chúng tôi lấy vài chiếc xe Mỹ kiểu tiêu chuẩn, màu đen, gồm cả xe đại sứ, xe tôi, xe phụ tá của tôi, đủ để chở từ mười đến mười hai người, kể cả các tài xế, tướng Timmes, tôi, và các hành lý- Chúng tôi dặn rõ mỗi người chỉ được mang một vali. Chúng tôi dàn xếp tất cả sẽ gặp nhau tại nhà thủ tướng Khiêm, bởi vì đây là căn nhà lớn nhất, ít bị chú ý hơn là nhà ông Thiệu. Chúng tôi đồng ý sẽ cho máy bay đi Đài Loan, nơi người anh của Thiệu làm đại sứ, như thế ông ta sẽ thu xếp được với nhà cầm quyền Đài Loan để mọi người được nhập nội. Thủ tướng Khiêm cũng từng là đại sứ ở Đài Loan, như thế ông ta cũng có nhiều liên hệ. Khi chọn Đài Loan làm điểm đến, tôi cũng cân nhắc rằng chuyến máy bay DC-6 chỉ có thể bay xa nhất bấy nhiêu, mà khỏi cần đổ thêm xăng.

Tôi chọn vài người làm tài xế mà tôi xem như những tay bảnh nhất, đáng tin cậy và vững chãi nhất. Tôi không lựa tài xế người Việt-Frank Snepp là một trong các tài xế ấy. Tướng Timmes, vì cấp bực của ông, không thể lái xe, tôi cũng thế, cấp bực của tôi không cho phép tôi lái xe. Tôi kiếm một đại tá cảnh sát, cũng là đại tá quân đội, tôi nói: “Cần phải có một người với cái vẻ chỉ huy lẫm liệt.” Tôi dự phòng trường hợp lính gác hạch hỏi gì chăng. Phòng xa thế, chứ tôi biết khi lính gác nhìn thấy bốn cái xe Mỹ do Mỹ lái thì họ sẽ bảo “Các tay tổ đây,” khi nhận ra xe Đại sứ, họ sẽ bảo “Ông đại sứ đi họp” chắc chắn thế, chả trở ngại gì, nhưng phải có một đại tá quân đội cảnh sát để dự phòng cho vững. Chúng tôi không biết Thiệu sẽ mang theo những ai. Chỉ biết một mình ông Thiệu sẽ đi, Khiêm sẽ đi, không biết còn ai khác. Cho nên cứ mang theo một số giấy tờ để trống, rồi tướng Charlie Timmes sẽ điền tên họ vào bằng tay.

Chúng tôi đưa cả cho viên đại úy trên máy bay, bảo: “Khi đến Đài Loan chúng tôi sẽ thông báo cho các giới chức quân sự Mỹ. Anh cứ yêu cầu gặp các sĩ quan cao cấp, và đưa tận tay chiếc phong bì này. Tất cả giấy tờ ở trong ấy.” Trong lúc đó một xe khác chở đại sứ chạy thẳng đến chiếc máy bay vì đại sứ muốn đến chào tạm biệt Thiệu. Tôi nói với đại sứ: “Tôi không muốn đi cùng một xe với đại sứ trong thành phố vì chỉ tạo thêm nhiều rủi ro phiền phức.” Cho nên tôi nhớ chúng tôi đã đổi xe. Tất cả diễn ra chính xác như một cái đồng hồ Thụy Sĩ, cũng như khi chúng tôi thực hiện các điệp vụ. Chúng tôi đã đưa mọi người đến máy bay an toàn, vào máy bay an toàn, sau đó sẽ cất cánh an toàn.

Tôi ngồi chung xe với thủ tướng Khiêm, chứ không ngồi với Thiệu. Tôi nhớ tướng Timmes ngồi với ông Thiệu. Mọi người đều kiềm chế cảm xúc, không ai khóc. Gia đình họ đều đã đi cả. Thực ra, có một điều làm tôi ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên vì trong tất cả các cộng sự viên thân tín gần gũi, ông Thiệu không mang theo ai, trừ thủ tướng Khiêm. Điều này rất lạ vì chỉ mới vài năm trước tại khắp các quán cà phê ở Sàigòn người ta sì sào bàn tán chuyện chia tay giữa Thiệu và Khiêm, chuyện ông này sẽ hất ông kia vân vân…Tất nhiên tôi không đánh giá cao mấy chuyện ấy vì lẽ tôi có liên hệ rất tốt với thủ tướng, tôi luôn luôn coi ông như một viên chức tận tụy trung thành với Thiệu. Tổng cộng gồm mười bốn người đi ra chuyến bay đêm ấy. Tất cả đều là đàn ông.

Tôi luôn dè chừng trường hợp có người nhận ra ông Thiệu ở các trạm kiểm soát, nhưng tôi cũng tính toán: Người ta đã quen cách di chuyển cố hữu của ông Thiệu trong thành phố bằng một chiếc xe Mercedes cũ kỹ, khác với đây là bốn chiếc xe Hoa Kỳ của toà đại sứ có bộ dạng quan trọng. Bấy giờ trời tối, việc chặn xét bốn chiếc xe Hoa Kỳ là việc ít khi xảy ra. Dẫn đầu là chiếc Chevrolet Caprice của đại sứ có vỏ chắn đạn, tôi ngồi trong xe này, có viên đại tá cảnh sát đi kèm. Mối e ngại nhất của tôi là lỡ ở trạm gác, cảnh sát soát căn cước, bật đèn pha soi vào chúng tôi thì sao? Như thế họ sẽ nhận ra ông Thiệu và thủ tướng. Nhưng rồi việc xảy ra là khi thấy bốn chiếc xe với bộ dạng quan trọng như thế chạy đến trạm, mấy người lính canh nghiêm chỉnh giơ tay chào. Đúng là điều tôi mong đợi. Có lần tôi đã đưa một nhân vật trọng yếu đào thoát từ Tây Bá Linh bằng một chiếc xe lớn tựa như vậy, tôi cũng tính rằng lính Liên Sô sẽ chào kính khi họ thấy chiếc xe, và quả thật họ đã làm y vậy.

Đêm hôm ấy, Thiệu không hề đem theo vàng xuất ngoại. Câu chuyện ấy chỉ là chuyện cứt khô! Ai điên khùng gì mà lại gói vàng bỏ lỏng lẻo trong va li, trời đất. Tôi muốn nói, tôi có một người bạn Việt Nam đã mang vàng đi, tôi biết vàng phải được bọc chặt chẽ cẩn thận, quấn bằng vải, bằng dây cao su, bằng băng keo, đủ các thứ. Có ai lại để cho vàng kêu lách cách trong hành lý bao giờ. Thực ra số vàng dự trữ của Việt Nam vẫn ở trong xứ, khi quân Bắc Việt đến, vàng vẫn ở đấy. Số vàng dự trữ của ngân hàng quốc gia Việt Nam trị giá từ 18 đến 20 triệu mỹ kim. Trị giá thực sự của số vàng ấy đúng ra cao hơn nhiều, vì lý do giá vàng chỉ được tính có 35 mỹ kim một ounce (0.28g). Đó là cái giá tại Việt Nam trước thời Nixon phá giá đồng mỹ kim. Còn vào năm 1975, giá vàng thực ra ở mức 170 Mỹ kim một ounce. Bấy giờ đã có lúc Nam Việt Nam không còn tín chỉ trên thế giới nữa, quốc hội Mỹ thì lừng khừng từ chối yêu cầu viện trợ, và như thường lệ, đại sứ Martin đã đưa ra sáng kiến nóng hổi: Ông nghĩ Nam Việt Nam nên gửi số vàng ấy sang quỹ dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, dùng sổ vàng ấy ký quỹ mà mua chịu võ khí. Vâng, Thiệu đã chấp thuận đề nghị. Tình cờ có chuyến bay chở hàng của Thụy Sĩ thuộc hãng Basel Air đang ở Sàigòn, Nam Việt Nam thương lượng với Basel Air mang số vàng này đi dưới hình thức hàng hoá thương mại thông thường. Mấy người Thụy Sĩ suy nghĩ một hai ngày rồi từ chối không nhận chở, vì lý do bảo hiểm. Họ bảo không cách gì kiếm ra ai chịu bảo hiểm số 70 triệu Mỹ kim vàng ra khỏi Sàigòn. Người ta lại phải tính đến không quân Hoa Kỳ. Việc này được đem thảo luận tại Hội Đồng An ninh Quốc gia. Chở một tấn rưỡi vàng đối với không quân Hoa Kỳ không khó, nhưng tìm đâu ra mối bảo hiểm thương mại khi người ta lại sử dụng máy bay quân đội; chấm hết!

Cái củ khoai nóng nuốt không trôi lại được ném lên bắp vế mấy anh trạng sư ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Suốt thời gian này đống vàng vẫn nằm yên tại Ngân hàng Quốc gia ở Sàigòn. “Làm thế nào kiếm cho ra mối chịu bảo hiểm chuyến hàng này nếu chúng ta chở đi bằng máy bay quân sự?” Đó vẫn là cái đề tài làm bù đầu mấy anh trạng sư suốt mấy hôm. Trong lúc ấy Thiệu từ chức, một tốp người mới vào nắm quyền, cụ Hương hôm đầu thì bảo ừ, chở đi, hôm sau lại bảo đừng, đừng chở nữa. Cuối cùng cụ kết luận thôi tốt nhất cứ giữ lấy vàng ở Sàigòn, bởi vì kể từ khi đại sứ Martin bắt đầu nói chuyện này, cho đến lúc ấy tình hình đã biến đổi, dẫu cho có ký thác vàng để lấy vũ khí Mỹ, vũ khí không còn đến kịp và cũng chả giúp ích gì nữa. Ngoài ra họ cũng còn giữ được thể diện khi để lại số vàng ở trong xứ. Như thế, số vàng đã được để lại.

Đêm hôm ấy, cũng là đêm tôi dự buổi dạ tiệc quốc tế cuối cùng ở Sàigòn. Buổi dạ tiệc được tổ chức tại tư thất đại sứ Ba Lan nhân dịp giới thiệu viên Trưởng ngành chính trị Ba Lan với các ngoại giao đoàn. Mọi người đều có mặt. Tất cả các đại sứ còn ở tại Sàigòn đều được mời, và ông Ba Lan mới đến nói ông ta rất mong mỏi gặp tôi. Ông ta bảo rõ rệt chúng tôi đang ở vị trí lưỡng tương hoán chuyển, ông ta muốn biết quan điểm của tôi đối với tình hình. Chúng tôi bèn hẹn nhau một buổi ăn trưa vào một tuần lễ sau ngày hôm ấy. Ngày ấy sẽ là nhằm ngày mùng một tháng năm! Giữa tất cả những chuyện trông ngóng, tôi đã trông ngóng đến ngày mùng một tháng Năm ấy để gặp mặt ông bạn đồng nghiệp người Ba Lan của tôi!

Đại sứ Martin không phải là người thích tiệc tùng, nhưng trong trạng thái bồn chồn của thành phố đêm hôm ấy, ông bảo: “Tôi sẽ đi dự, nhưng đi riêng xe nhé.” Vì vậy tôi quay trở lại căn phòng gửi một điện văn. Điện văn này tôi đã viết sẵn, chỉ cần dùng điện đài để đánh mật mã mà phụ tá của tôi và tôi đã giao ước trước. Suốt một ngày làm việc, đấy là tất cả những gì tôi cảm thấy sau khi hoàn tất việc đưa ông Thiệu ra đi.

Ngày rời Sàigòn là ngày tôi buồn rầu cùng cực, chỉ thiếu điều muốn sụm.

Đoạn kịch cuối mở màn ngày thứ hai. Chiều thứ hai là một buổi chiều rất xấu. Dương Văn Minh nhậm chức đêm hôm ấy. Ông vừa đọc xong bản diễn văn nhậm chức, thì giông bão khủng khiếp ập đến Sàigòn. Mưa rơi xối xả. Những cơn mưa đến sớm, lúc ấy chưa đến mùa mưa. Rồi xảy ra vụ chiếc phi cơ phản nghịch, tức là chiếc phi cơ Mỹ với bình xăng phụ 50 ga-lông do mấy phi công dưới sự điều động của Bắc Việt dội bom lên Tân Sơn Nhất. Lúc ấy chúng tôi còn ở tại văn phòng. Mặc dầu đã khoảng bảy giờ đêm, chúng tôi vẫn còn ở đấy vì lúc này Sàigòn ban đêm chẳng có gì khác để làm, thứ nữa Sàigòn và Hoa Thịnh Đốn cách nhau mười hai tiếng, lúc ấy buổi sáng ở Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi cố chuyển càng nhiều điện văn càng tốt, để khi bắt đầu làm việc, Hoa Thịnh Đốn đã có đủ thông báo của chúng tôi.

Khi nghe tiếng nổ, chúng tôi đâm bổ xuống núp dưới gầm bàn. Bấy giờ, tôi nhớ tôi đang ở trong phòng viên Trưởng ban Truyền tin. Nhân viên truyền tin là những người lo phụ trách các báo cáo tình báo để gửi đi bằng điện đài.

Chúng tôi rất thận trọng việc soạn thảo các điện văn này, luôn luôn sử dụng Anh ngữ một cách văn vẻ, sửa chữa kỹ càng, dù phải vội vã trong các trường hợp khẩn cấp, y như các phóng viên nhà báo vậy. Lúc ấy chúng tôi đang lom khom núp dưới gầm bàn, tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm này: Một cô nhân viên truyền tin xinh đẹp hấp dẫn nhổm lên, kéo cái máy chữ xuống, cô ta bắt đầu đánh: “Sàigòn gửi Hoa Thịnh Đốn, bản báo cáo tình hình lúc 19 giờ địa phương. Một vụ pháo kích không xác định được xuất xứ đang phát nổ trong thành phố. Vụ pháo kích đang tiếp diễn quanh chúng tôi, vẫn chưa có ai biết chuyện gì xảy ra!”

Không bao lâu, chúng tôi xác định được chuyện ấy. Chúng tôi chắc chắn đây là câu trả lời của quân đội Bắc Việt phản ứng lại bài diễn văn nhậm chức của ông Minh. Trong bài diễn văn này, ông ta nói ông sẽ tiếp tục chiến đấu, nói đủ thứ lảm nhảm mà một tháng trước đấy ông ta không hề nói. Tôi nghĩ cái hình ảnh chính xác để mô tả ông là hình ảnh một người không đủ tài cán được đặt vào một chức vụ quá khả năng, làm mọi người phải mệt với sự bất lực của ông ta.

Trong tuần lễ cuối cùng, Sàigòn vẫn sinh hoạt tốt đẹp mặc dầu có trận không kích xảy ra. Điện, điện thoại, thực phẩm vẫn đầy đủ, có lẽ chỉ hơi thiếu chút rau xà-lách. Tối ấy tôi đi ngủ muộn, bốn giờ rưỡi sáng đã bừng dậy vì lại có tiếng nổ, lần này nổ lớn dữ dội. Tôi điện thoại cho nhân viên trực của tôi ở toà đại sứ, một nhân viên tình báo; ở đấy, ngoài lính Thủy quân Lục chiến, chúng tôi luôn có hai nhân viên trực suốt ngày đêm. Tôi hỏi anh biết có chuyện gì xảy ra không? Anh ta nói lúc ấy chưa biết rõ, nhưng có pháo kích vào Tân Sơn Nhất, Thủy quân Lục chiến đã trèo lên nóc nhà nhìn thấy có lửa cháy, anh ta đã liên lạc văn phòng Tùy viên Quân sự, họ cũng chưa biết gì đích xác. Nhưng đã có một số thiệt hại đáng kể, hai lính Thủy quân Lục chiến tử thương. Tôi bảo: “Được rồi, tình trạng nghe có vẻ tệ, nhưng có anh đang ứng trực ở đấy là tốt lắm.” Tình cờ, chính nhân viên này cũng là sĩ quan trưởng phòng tài chánh. Tôi bảo: “Sửa soạn mấy cái phong bì khởi hành.” Phong bì khởi hành là những phong bì có đựng một số chỉ dẫn, số điện thoại của những toà đại sứ Mỹ các nơi và tại vùng Đông Á. Mỗi phong bì được bỏ vào số tiền 1500 đô la bằng mỹ kim và bằng một số ngoại tệ các nước khác. Mỗi người sẽ được trao tay một phong bì này để phòng vệ an toàn, dự phòng trường hợp thất lạc. Tôi bèn nói với anh nhân viên trực: Tôi sẽ đến toà đại sứ ngay.

Tôi là người đến sớm nhất. Lúc ấy Thủy quân Lục chiến đã nhận thêm báo cáo từ văn phòng Tùy viên Quân sự. Dựa vào đấy tôi cảm thấy toà đại sứ cần phải được huy động. Tôi điện thoại cho Đại sứ, tôi nói: “Rất tiếc phải gọi Đại sứ vào giờ này- Ông còn có thể được ngủ đến hơn 3 tiếng đồng hồ nữa. Nhưng tôi nghĩ Đại sứ cần phải vào gấp.” Ông Đại sứ bảo ông sẽ vào. Lúc ấy, chúng tôi có một hệ thống tổ chức: cứ một người gọi bốn người, mỗi người lại phải liên lạc gọi bốn người khác v.v…Nên tôi bắt đầu huy động mọi người qua hệ thống này. Buổi sáng sớm hôm ấy, tình trạng sức khoẻ của Đại sứ rất bết bát. Ông đau ốm khặc khừ, và sau này, lúc lên đến chiến hạm, người ta mới khám ra là ông bị viêm phổi. Giọng ông khản đặc, khào khào không ra tiếng. Tinh thần bị kích động trăm phần trăm. Khi Kissinger gọi điện thoại, Martin không nói nổi, ông thì thà thì thào rồi tôi phải nhắc to lên cho Kissinger nghe rõ.

Đại sứ đã ra tận phi trường Tân Sơn Nhất, bởi vì ông ta là Graham Martin mà, bạn hiểu không, mặc dù đã có đến mấy ông tướng Không quân phụ trách ngoài phi trường, ông vẫn không chịu tin các lượng giá của họ về việc phi cơ không còn đáp xuống được nữa. Ông đòi phải đích thân đến phi trường xem xét rồi mới chịu!

Ngày hôm ấy khi trời sáng, ngoài Đệ Thất Hạm đội các phi công đã sẵn sàng, trực thăng xăng nhớt đầy đủ, mọi người chuẩn bị xong. Nhưng chừng tám giờ rưỡi, chúng tôi lại được bảo không di tản nữa! Họ bảo chúng tôi sẽ phải thu hẹp số nhân viên, nhưng vẫn giữ toà Đại sứ ở Sàigòn. Họ bảo nhân số toà đại sứ sẽ còn lại 180 người, trong số ấy 50 người sẽ là nhân viên tình báo, nhóm nhân viên tình báo này có nhiệm vụ phụ trách toàn bộ các đường truyền thông của toà đại sứ. Họ bảo các trưởng ban, trưởng phòng khác sẽ nhận lệnh sắp xếp: kinh tế 8 người, chính trị 16 người, y tế, tài chánh, hành chánh…do nơi Hoa Thịnh Đốn xếp đặt. Người ta đoán chừng lệnh này do Kissinger chuyển đến ông đại sứ. Tôi không bao giờ nhìn thấy lệnh ấy trên văn tự, nhưng lệnh ấy được chuyển đến tôi sáng hôm ấy do đại sứ nói. Do đó tôi về văn phòng, tập họp các nhân viên cao cấp của tôi, lúc ấy tôi còn chừng 250 nhân viên tình báo tại chỗ. Tôi nói: “Quý bạn, chúng ta sẽ rút nhân số xuống 50 người, và sẽ phải đương đầu với một số lượng truyền thông nhiều hơn thường. Nào, bây giờ tính thử 50 người nào sẽ ở lại, bắt đầu là tôi!” Chuyện này không dễ dàng như thay lính Thủy quân Lục chiến bởi lẽ nhiều khi nhân viên tình báo không thể hoán chuyển. Mỗi người có những khả năng chuyên biệt. Người là nhân viên truyền tin. Người là nhân viên điều hành. Người là phân tích viên.

Tôi lại cần người với các khả năng ngoại ngữ khác nhau. Tôi cần phải giữ vài người nói được tiếng Việt. Phải có vài người nói được tiếng Ba Lan, để giao dịch với nhân viên Ba Lan tại ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến. Về tiếng Hung Gia Lợi thì khỏi lo, chẳng ai khác ngoài tôi nói được thứ tiếng này. Cứ như thế, suốt mấy tiếng đồng hồ loay hoay xếp đặt. Lại còn phải cân nhắc trường hợp những người đã mãn hạn, có người sắp được hồi hương vào tháng năm, cho dù anh ta mãi đến tháng Bẩy mới mãn hạn, cũng không nên giữ anh ta lại. Có người gặp tình trạng gia đình. Nhiều thứ phải cân nhắc, không để giống như hồi năm 1954 ở Hà Nội, toà lãnh sự Mỹ và các nhân viên ở đấy dù không bị giữ làm con tin, nhưng họ đã tự phong tỏa, tự khoá cửa và phải ở trong khuôn viên hàng mấy tháng, không liên lạc đuợc với ai.

Cái khẩu lệnh ấy cũng đã được chuyển ra ngoài hạm đội: Toà Đại sứ sẽ ở lại. Tư lệnh hạm đội, đề đốc Noel Gayler, tất nhiên không phải là chuyên viên phân tích chính trị. Nghe thế, ông ta bèn nói “Vậy à, toà

Đại sứ ở lại. Phi công! Trở về giường mà phè một giấc!” Thế là xăng lại được hút khỏi trực thăng, vì người ta không được phép chứa trực thăng có xăng ở trên tàu. Người ta lại phải chuyển trực thăng khỏi sàn máy, đưa xuống tầng dưới.

Bấy giờ là 9 giờ sáng, hoặc giả trễ hơn một chút. Rồi đến 11 giờ 30, cuối cùng lại có lệnh ban ra: Tất cả mọi người phải di tản. Tôi không rõ lệnh này chuyển đến đề đốc hạm đội lúc nào. Đại sứ Martin nhận lệnh lúc 11 giờ 30. Xem như cố vấn an ninh Brent Scrowcroft phải thông báo Ngũ Giác đài, nhưng bấy giờ là đang đêm ở Hoa Thịnh Đốn, có lẽ người làm việc không có mặt. Tôi không rõ đề đốc nhận lệnh ấy lúc mấy giờ. Sau này tôi hỏi ông ta trên chiến hạm: “Chuyện gì xảy ra vậy?” Ông ta đáp: “Chẳng có chuyện gì. Khi nhận tin di tản, tôi cho trực thăng đổ xăng, tôi gọi phi công, rồi lại được yêu cầu phải gửi một lực lượng an ninh Thủy quân Lục chiến vào Sàigòn trợ giúp di tản, nhưng lính không có mặt trên những tàu chở trực thăng. Vì thế lại phải lo đưa lính từ khắp các tàu khác đến mấy chiếc tàu chở trực thăng. Mấy công tác ấy phải tốn thì giờ.”

Nếu bạn hỏi, tôi sẽ nói: Tôi chả ngạc nhiên gì việc này. Tôi rất hoài nghi khả năng quân đội Hoa Kỳ khi cần đương đầu tình trạng khẩn cấp. Họ làm việc kiểu con rùa hành chánh: chậm chạp, lè phè. Lấy đấy mà xem, họ đã được thông báo tình hình Sàigòn như vậy từ hai giờ trước, mà lính không đặt gần những tàu chở trực thăng, lại đưa tản mác trên những con tàu rải rác khắp mặt biển, thế là làm sao!

Còn một việc nữa cũng không được dự liệu trước. Đó là việc một khi tin tức người Mỹ rời Việt Nam truyền ra, là đông đảo người ta sẽ tụ khắp chung quanh toà đại sứ, việc di chuyển sẽ trở nên vô phương. Do đó làm sao còn có thể sử dụng xe hơi, xe buýt chở người qua lại giữa toà đại sứ và văn phòng Tùy viên Quân sự được, vì hễ mở cổng đủ rộng cho xe đi thì dân chúng sẽ như cuồng phong tràn vào.

Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi bắt đầu thiêu hủy tài liệu. Trung ương Tình báo có một thể lệ rất tốt, đó là tất cả hồ sơ đều phải có một phó bản giữ ở Hoa Kỳ, cho nên nếu có một trạm tình báo nào mất hồ sơ thì chẳng hề gì, chỉ mất công chút đỉnh. Vì vậy chúng tôi tiêu hủy tất cả, chúng tôi đi khắp các văn phòng một cách có phương pháp để phá bỏ bất cứ tài liệu nào về những người Việt có liên hệ chặt chẽ với chúng tôi.

Về cái cây me nổi tiếng thì trong tất cả những buổi họp ở toà Đại sứ, qua mọi cuộc thảo luận, tôi chưa hề nghe ai nói, bàn gì về chuyện cưa cái cây này xuống. Tôi có nhiều tình cảm với cái cây me này chỉ vì đấy là một biểu hiệu đẳng cấp trong toà đại sứ: Dưới cái cây là một bãi đậu xe, đậu dưới bóng cây thì mát mẻ, đậu ngoài nắng nhiệt độ như lò lửa. Cho nên được đậu xe dưới bóng cây me ấy tức là biểu hiệu đẳng cấp cao của toà đại sứ! Nhưng trang nghiêm mà nói, chưa bao giờ tôi nghe cái cây này có liên hệ gì đến chuyện di tản. Còn hiển nhiên, chúng tôi sẽ phải mang trực thăng lớn vào bãi đậu xe, cái cây này mọc chính giữa bãi đậu, tất là sẽ phải hạ cái cây thế thôi.

Sáng hôm sau, khi đại sứ đã ra đi, không có chuyện gì để tôi ở lại nữa. Còn các nhân viên truyền tin của tôi không thể đi nếu tôi hãy còn nấn ná ở lại. Viên phụ tá của tôi và mấy người khác cũng bảo nếu tôi còn ở đấy, họ cũng chưa chịu đi. Tôi xếp đặt cho mọi người ra đi theo các thứ tự cần thiết, nói thế không phải là giảm giá người này người nọ, nhưng có người công việc đã xong thì đi trước, ví dụ nhân viên truyền tin không còn gì để làm nữa, những người phụ trách công tác vùng I, II, III cũng thế, các nhân viên hành chánh và quản trị nhân viên cũng có thể đi trước. Nhưng nhân viên lo việc vùng châu thổ vẫn còn cần, vì tôi chưa rõ hết tình hình vùng IV ra sao.

Theo phương pháp ấy tôi quyết định ai đi, đi lúc nào, mọi sự trôi chảy, không gặp phiền phức, không bị tràn ngập. Tuyệt đối tốt. Tuyệt đối không trở ngại gì. Có lẽ những chuyện cuối cùng đáng kể là chuyện chúng tôi kéo người Việt ở bên ngoài vào toà đại sứ qua bức tường. Lúc ấy quanh toà đại sứ có cả vạn người, đúng số là như vậy, với đám đông vây quanh, thật khó cho người ta đến gần toà đại sứ . Nhưng bên ngoài còn có những người mà chúng tôi bắt buộc phải đưa họ di tản, ví dụ người trưởng ngành tình báo, ông phụ tá Cảnh sát Đặc biệt mà thực tế là Cảnh sát Chính trị. Vợ và con của Trung tướng Tổng cục Trưởng Chiến tranh Chính trị. Ông Tổng Trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn. Ông Trưởng ban Nghi lễ và Gia đình. Tất cả đều ở ngoài toà đại sứ. Làm sao chúng tôi có thể mang họ di tản đây? Tôi không còn thể nào liên lạc được với họ. Nhưng phần ông Đôn cũng thu xếp vào được một chiếc trực thăng đậu đại trên một nóc cao ốc (nóc nhà này không được xây cất để trực thăng đáp, riêng đây tự nó cũng là một câu chuyện).

Còn một số người khác khoẻ mạnh, quả quyết hơn, lấn được đến rào, chúng tôi nhấc bổng được họ, đưa vào toà đại sứ. Bấy giờ trong đám đông bên ngoài có một số sĩ quan quân đội mà chúng tôi đã thỏa thuận: Nếu họ đưa vào được một số người mà chúng tôi muốn, thì sau cùng chúng tôi sẽ kéo họ vào cho họ đi. Chúng tôi cũng tìm được cách chuyển người đi qua đường phố Sàigòn bằng cách giao dịch, thỏa thuận với cảnh sát, chúng tôi bảo họ: “Cho gia đình các ông vào cùng với mấy người này, chừng nào các ông đưa được họ vào máy bay hay xe buýt an toàn, chúng tôi sẽ bốc các ông đi luôn.”

Những cuộc sắp đặt với cảnh sát có vẻ thần hữu hơn vì chúng tôi biết họ, tin họ, họ cũng tin cậy chúng tôi. Buồn cười nhất là vào ngày cuối cùng, người ta đã đưa một nhóm người di tản như thế bằng cả một đoàn xe mô tô màu trắng oai vệ của liên đoàn an ninh phủ tổng thống, nối đuôi nhau đi.

Tại sân toà Đại sứ, chúng tôi dùng xe hơi cho châu đầu vào phía giữa để khi trời tối thì chạy máy, rọi đèn pha lên, rồi cứ để như thế, hễ còn xăng, còn bình điện thì còn ánh sáng.

Rồi có lệnh chúng tôi phải đi và ông Đại sứ cũng được bảo: “Ngài phải vào chiếc máy bay này.” Còn chúng tôi, lúc đầu họ bảo trực thăng đậu dưới sân, tất cả chúng tôi xuống thang nhưng không thấy trực thăng đâu vì họ đã đổi chương trình, rồi họ lại bảo: “Trực thăng sẽ bốc từ nóc sân thượng.”

Tôi không có một gắn bó tình cảm nào quá lớn đối với Việt Nam như vài bạn đồng nghiệp của tôi đã quả tình yêu mến đất nước này. Nhưng đến giây phút cuối, nhìn thấy chung cuộc xảy ra thế ấy, tôi nghĩ chúng ta đã làm một việc tồi tàn đối với dân tộc này, đáng lẽ họ được khá hơn nếu đừng bao giờ chúng ta đến đây. Ngay từ lúc đầu.

Khi chúng tôi ra đi, trời đã rất tối. Phía Tân Sơn Nhất thấy vài đám cháy, nhưng nói chung ban đêm thành phố vẫn có vẻ bình thường. Đường vẫn sáng đèn, xe cộ vẫn sáng đèn. Thực kỳ dị, đó là một điều lạ lùng trong những ngày cuối cùng. Không phải chỉ những ngày cuối cùng mà suốt cả mấy tuần lễ cuối cùng, mọi sự đều có vẻ không thực, bởi vì tất cả vẫn cứ hiện ra một vẻ rất bình thường. Nó không giống như cuộc vây hãm ở Warsaw, bạn hiểu không. Một ngày trước hôm sụp đổ, bạn vẫn còn có thể ra nhà hàng kéo ghế, còn thưởng thức được một bữa thịnh soạn, vẫn có thể ngồi nhấm nháp một cốc rượu vang ngon lành.

Không có ai nã đạn khi chúng tôi ra đi. Đó là một chuyện khác nữa. Người Bắc Việt là những người có lý trí. Họ không giống những người Hồi giáo cực đoan cuồng tín. Họ không dại gì tạo ra một biến cố nào nữa để có cớ cho người Mỹ can thiệp trở lại; và nếu họ sát hại ông Đại sứ, việc này sẽ trở thành đại sự, ngay cả đối với quốc hội.

Việc tiếp nhận chúng tôi trên tàu Blue Ridge chứng tỏ quân đội Mỹ là hạng bét. Họ bắt đầu lục soát hết thảy mọi người. Tôi nghĩ có lẽ Đại sứ là người duy nhất họ không lục soát. Vào lúc bình thời, cấp bực của tôi còn trên xa cả đề đốc chỉ huy chiến hạm.

Nhưng không một ai phản đối gì. Chúng tôi đều mệt mỏi. Chúng tôi đều trầm lại. Và chúng tôi quả là một đoàn quân chiến bại.

quảng cáo

Henry Hicks (Nhân viên văn phòng tùy viên quân sự)

Ngày 24 tháng 4, tôi đưa gia đình ra khỏi Sài Gòn, tôi nghĩ khi tình trạng khẩn trương qua đi, gia đình sẽ trở về. Tôi không bao giờ tin đất nước này sẽ sụp đổ, ngay cả vào giây phút cuối. Tuy nhiên tôi vẫn đưa gia đình ra khỏi xứ. Tâm trạng tôi lúc đó giống một anh suốt đời vô thần, lúc gần chết, gọi người bạn đến yêu cầu kiếm hộ một mục sư. Khi người bạn hỏi: “Tại sao cần mục sư?” Bèn trả lời: “Bởi vì tôi có thể lầm”. Tôi không nghĩ đất nước này sẽ sụp đổ, nhưng tôi nghĩ tôi có thể lầm. và nếu tôi lầm, tôi không muốn gia đình tôi phải trả giá cho sự lầm lẫn đó .

Trung Tướng Homer Smith giao cho tôi nhiệm vụ di tản nhân viên văn phòng Tùy viên Quân Sự. Mọi việc tiếp diễn tốt đẹp cho đến đêm 28 tháng 4. Chúng tôi đang làm việc cật lực để đưa người đi, bỗng xuất hiện vài chiếc máy bay khốn kiếp. Chúng thả bom. Mấy tên cựu sĩ quan không quân Việt Nam đào thoát sang phía bọn khốn kiếp Bắc Việt đã lái những chiếc máy bay này. Chúng thả bom phi đạo khiến máy bay chúng ta không thể hạ cánh được Rồi đúng đêm hôm đó chúng nã hỏa tiễn vào.

Khoảng 2 giờ sáng ngày 29, tôi quyết định về nhà đánh một giấc ngủ. Tôi lái xe qua thành phố, trời tối đen như mực, chẳng có một ngọn đèn. Sớm hôm sau tỉnh giấc, lái xe trở lại Tân Sơn Nhất thì mấy tên lính gác nổ súng cảnh cáo khi đến gần cổng phi trường. Tôi trở về, điện thoại đến Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự xem có chuyện gì xảy ra tại đó . Người ta bảo hãy đậu xe ở ngoài rồi đi bộ vào cổng, như vậy không có vấ đề gì. Vì thế, tôi lái xe trở lại, đậu xe, bắt đầu tiến vào cổng phi trường, thì một lần nữa bọn lính gác khốn kiếp lại nổ súng. Dĩ nhiên họ không cố ý giết tôi, tôi nhớ thế. Họ chỉ tìm cách dọa nạt thôi. Tôi đứng cách khoảng 200 bộ Anh, họ vẫn tiếp tục bắn. Tôi quay lưng lại , rời phi trường lần thứ hai. Tôi lên xe lái về nhà, lại gọi văn phòng Tùy viên Quân sự. Tôi nói: “Bọn nhân viên khốn kiếp của các ông đã nhận được lệnh chưa? Chuyện gì kỳ cục xảy ra vậy ? Tôi ráng đến sở làm nhưng họ cứ nổ súng bắn tôi ? ” Lần này họ bảo đến số 191 đường Công Lý. Tôi nghĩ khi đến đó, sẽ có người đưa tôi đến nơi làm việc. Nhưng khi đến nơi, người ta đưa thẳng tôi lên sân thượng. Một chiếc máy bay đã đậu sẵn- chiếc trực thăng của hãng Air America. Chiếc máy bay vẫn đợi … Đợi cho đến 3,4 giờ đồng hồ khốn kiếp! Vì vậy tôi lại gọi Văn phòng Tùy viên Quân sự hỏi: “Sao cha phi công này không chịu đưa tôi đến Tân Sơn Nhất ?” Họ nói :”À, hắn được lệnh đợi thêm vài người nữa.” Chúng tôi lại đợi. Rồi nhiều người khác xuất hiện. Cuối cùng viên phi công nói:”Xong, chúng ta đi.”Cả bọn người khốn khổ bước vào trực thăng, đông đến nỗi viên phi công không cất cánh được , hắn phải bỏ bớt một số người ra. Cuối cùng hắn cất cánh, nhưng không trực chỉ Tân Sơn Nhất. Hắn bay về hướng Vũng Tàu.

Viên phi công hạ thấp máy bay. Tôi nhìn xuống. Tôi nghe được cả tiếng súng nổ, nhưng tưởng tiếng pháo. Tôi trông thấy vài đứa trẻ vẫn nô đùa trong sân trường học khi bay qua thành phố. Mọi việc vẫn có vẻ êm đềm…Nhưng tôi cảm thấy một nỗi buồn tê tái khi rời khỏi nơi này. Một nỗi kinh tởm lớn lao. Tôi không thể tin là chúng ta đã để cho bọn Cọng Sản thắng trận chiến này.

Chúng tôi bay qua Vũng Tàu, trực chỉ biển Đông. Nhìn qua cửa sổ trực thăng, tôi bỗng thấy cả một hạm đội dưới biển. Quang cảnh giống như caqcsw bức hình trong thời đệ nhị thế chiến, khi các hạm đội tập hợp. Chúng tôi tiến về chiếc Blue Ridge, nhưng chưa được phép hạ cánh, trực thăng quay lại vòng thứ hai, rồi đáp.

Ngày hôm sau, nhiều máy bay trực thăng nữa cũng đáp xuống chiếc Blue Ridge. Ngay sau khi hạ cánh, người ta lật nhào mấy chiếc trực thăng xuống biển. Đó là một canhrtuwowngjteej hại nhất mà chưa bao giờ người ta được thấy.

Trên chiếc Blue Ridge, bọn nhà báo có một căn phòng riêng, một căn phòng đặc biệt dành cho họ làm việc. Tôi không muốn chuyện trò giao lưu gì với họ. Thực ra, tôi cũng từng có những quan hệ tốt đẹp với bọn nhà báo cho đến cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Sau đó, tôi nhớ họ đã gọi cái Tết này là một “Đại Thắng” của Cộng sản. Tôi hiểu quá rõ là không phải như vậy . Bọn nhà báo cũng hiểu như vậy. Khi ấy tôi đã nghĩ:” Vậy bọn nhà báo muốn những chuyện khốn nạn gì đây?” Tôi từng coi một vài tấm hình, dĩ nhiên xếp đạt trước, họ chụp sau Tết, khi vụ tấn công đã xảy ra. Những tấm hình này có tác dụng khiến cho lòng người tan nát.Rồi tôi cũng lại được coi thêm nhiều bức hình nữa cũng đã dàn cảnh trước. Tôi bắt đầu nghĩ ngợi: “Chẳng còn có gì bọn nhà báo lại không thể dàn cảnh ra được nữa!”

Trước hết vào đầu cuộc chiến, chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi họp báo để cung cấp tin tức cần thiết cho báo chí viết bài. Nhưng chẳng bao lâu, bọn nhà báo gọi những buổi thuyết trình này là : Trò điên lúc 5 giờ “. Họ luôn luôn có nhuwngxchuyeenj khốn kiếp như thế. Thật ra chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy ai là người có trách nhiệm phải bảo đảm các bài viết tốt để bọn nhà báo bán báo kiếm lời, rồi chia lời cho các cổ đông của họ. Thật ra, đối với họ, báo chí chẳng qua cũng chỉ lkaf việc làm ăn buôn bán. Họ làm ăn buôn bán kiếm lợi thế thôi! Vậy mà họ cứ vo ve, ra vẻ như một nhóm người cực kỳ đặc biệt trên cõi đời.

Bọn truyền hình lại là bọn tệ hại nhất. Bọn khốn nạn này là bọn chẳng bao giờ nói ra sự thật, chẳng bao giờ chịu nhìn thấy sự thật. Tôi không bao giờ hiểu nỗi bọn truyền hình đã làm những chuyện trời ơi đất hỡi gì ở Việt Nam… Nhưng rõ ràng: SỰ THỰC KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC HỌ NÓI LÊN.

BECKY MARTIN

(Nữ nhân viên hành chánh, phòng tình báo – Văn phòng Tùy viên Quân sự).

“Ánh sáng cuối đường hầm vừa phụt tắt.”

Năm 1974 tôi đang làm việc cho bộ Quốc phòng ở Hoa Thịnh Đốn. Thấy công việc nhàm chán, tôi muốn được nhìn thế giới bên ngoài. Vì thế một hôm tôi xin ghi danh vào tất cả các chức vụ chính phủ còn bỏ trống mà tôi có thể đảm nhiệm, tại hai mươi quốc gia khác nhau. Tôi xin đi, không phân biệt nơi nào. Hai tuần sau, vấn đề Việt Nam bỗng nổi bật, người ta gọi tôi đến cho đi.

Lúc đó tôi nghĩ “Ờ, chiến tranh chấm dứt rồi.” Có “Hoà bình trong danh dự rồi.” Đâu còn cái nhạc khúc của quá khứ nữa. Tôi không một chút ưu tư. Đã quyết định đi bất cứ nơi nào, và tôi nghĩ mọi chuyện thật tuyệt vời!

Tôi có thời hạn hai tuần lễ để trình diện nhiệm sở mới, kể từ khi được thông báo. Tôi cần thông hành, cần sắp xếp việc di chuyển, nhưng người ta đã lo liệu hết mọi thứ. Điều duy nhất làm tôi áy náy trước khi đến nhiệm sở mới là chuyến bay Pan Am 747 từ đảo Guam đến Manila đông nghịt hành khách, nhưng từ Manila cất cánh đi thì chiếc máy bay hoàn toàn trống rỗng. Tôi nhìn quanh, chợt nhận ra rằng ngoài phi hành đoàn, tôi là người da trắng duy nhất. Tôi nhìn thấy có bốn cho đến sáu người Việt Nam mặc quân phục. Tất cả chỉ có vậy, trên một chiếc máy bay 747 khổng lồ! Khi cất cánh khỏi phi trường Manila, một chiêu đãi viên đến bên tôi, hỏi “Tại sao chị đi Sàigòn?” Tôi trả lời: “Đi nhận việc làm ở đấy.” Cô ta bảo “Chị nói dỡn?” Tôi nói “Không đâu. Thật đấy. Thế mỗi tuần cô bay vào Việt Nam bao nhiêu chuyến?” Cô ta nói: “Mỗi tuần hai chuyến.” Tôi hỏi: “Những chuyến ấy có đông người hơn chuyến này không?” Cô ta bảo “Không.”

Hãng Pan Am có khế ước chuyên chở thơ tín. Họ bay vào Việt Nam với những chuyến phi cơ gần trống rỗng như thế. Đó là mối nghi hoặc đầu tiên của tôi khi tôi nghĩ có thể tôi đã phạm một chuyện sai lầm gì đây. Hiển nhiên rất nhiều người đã biết một chuyện gì đang xảy ra, mà tôi lại hoàn toàn mù tịt.

Tôi đến nhận việc với tư cách Phụ tá Tình báo, nhưng khi đến nơi, tôi không thích công việc ấy nữa. Bởi vậy, tôi lựa một chức vụ hành chánh, làm việc với bộ phận tình báo của văn phòng Tùy viên Quân sự.

Cứ giả dụ chiến tranh đã chấm dứt, thì có nhiều vùng đất đã lọt vào tay Việt Cộng và quân Bắc Việt tại khắp miền Nam Việt Nam rồi. Điều ấy, tôi không được biết. Vào buổi thuyết trình đầu tiên mà tôi tham dự, là buổi thuyết trình về tình hình chiến sự trong nước, người ta treo lên tường tấm bản đồ Quân Khu I. Tôi nhìn thấy những dấu hiệu màu đỏ lẫn lộn với những dấu hiệu màu xanh. Lúc ấy những dấu hiệu này chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Tôi không rõ ý nghĩa các dấu hiệu, nhưng màu sắc vẫn giúp tôi dễ dàng nhận ra mọi chuyện. Tôi thấy trên bản đồ, phần lớn màu đỏ. Tôi nghĩ “Chúa ơi, thật bất thường. Đỏ tượng trưng cho bọn dữ. Đỏ thường chẳng bao giờ tượng trưng cho người hiền lương cả!”

Rồi đến bản đồ Quân khu II. Trời ạ! lại có gì lầm lẫn nữa đây. Nhưng ít đỏ hơn, nhiều xanh hơn. Tôi quay sang Đại úy Stu Herrington-người trước đây mói chỉ gặp một lần – tôi thúc khuỷu tay anh ta, hỏi “Đỏ là ai? Xanh là ai?” Anh ta trả lời: “Đỏ là bọn dữ.” Tôi than thầm.

Đến bản đồ Quân khu III. Ờ, chúng ta có nhiều xanh hơn. Nhưng không nhiều lắm. Tôi nghĩ “Chết thiệt, mình làm gì thế này! Khùng hay sao mà đến nơi đây? Hoà bình trong danh dự, dỡn sao đây chớ? Chúa ơi, chúng ta đã để Việt Cộng lấy hết nửa nước này rồi.”

Sau buổi thuyết trình, Jim Wink hỏi “Cô nghĩ thế nào?” Tôi nói: “Jim, không xong. Mất một nửa rồi còn chi.” Ông ta nói “Không, không đâu.” Tôi nói “Đúng! Đúng! Đúng thế! Có cách gì chúng ta đẩy bọn chúng ra được nữa?” Mấy người ùa vào tranh luận, Jim Wink, Jimmy Harris và mấy người khác. Họ nói “Không, chả sao. Chúng ta sẽ cung cấp cho người miền Nam những yểm trợ chiến thuật mà họ cần. Chúng ta là đồng minh của họ…” vân vân, vân vân. Tôi rút lại, không tham dự vào cuộc tranh luận này. Tôi không muốn phải lải nhải với họ về những đề mục này nữa.

Chiều hôm ấy Stu Herrington đến phòng tôi. Anh ta nói “Cô có vẻ rầu rĩ về buổi thuyết trình hôm nay phải không.” Tôi bảo “Phải.” Anh ta nói” Ờ, vì thế tôi đến đây nói chuyện với cô để dự kiến lại mọi việc.” Tôi mời anh ta vào. Anh ta mô tả tình hình cho tôi nghe, sắp đặt mọi sự vào một viễn tượng thuộc phạm vi quân sự. Nói cách khác, với tất cả những dấu hiệu trên bản đồ, anh ta cho rằng vẫn không có nghĩa là chúng ta sẽ bị thua mau chóng trong giây lát đâu.

Nhưng một chuyện khác làm tôi vô cùng áy náy trong suốt ba tháng đầu tiên ở xứ này. Đó là có rất nhiều thanh niên trẻ ngoài đường phố: Họ đã khai gian tuổi, họ trốn quân dịch, họ sử dụng căn cước giả. Các thành phần đào ngũ rất đông. Cuộc chiến không được lòng dân chấp nhận nữa. Đã có nhiều sinh mạng tổn thất, đã đánh giết ròng rã bao nhiêu năm rồi. Tôi nghĩ ý dân Việt Nam không còn muốn chiến tranh nữa.

Tôi nghĩ một cách rất thành thực trước Thượng đế: Việt Nam là một trường hợp phí phạm khủng khiếp. Chúng ta đã hủy hoại đã phí phạm nhiều nhân lực, và đó là tổn thất lớn nhất của chúng ta. Chúng ta đã phí phạm nhiều tiền bạc. Chúng ta đã phí phạm nhiều năm tháng chiến đấu, đáng lẽ chúng ta phải hoàn tất trong một thời gian rất ngắn. Nhưng đây là vấn đề chính trị. Các chính trị gia không bao giờ cho phép quân đội thực hiện một điều lẽ ra quân đội phải làm: Đến đấy chiến đấu và chiến thắng.

Một buổi sáng hôm sau khi Nixon từ chức, chúng tôi nhận bản “Tóm lược tin tức tình báo và phân tích các hiểm nguy trong tháng.” Tùy viên Quân sự lúc ấy, tướng John Murray tỏ ra kiệt quệ vì xúc động. Ông nói: “Thưa các bạn, ánh sáng cuối đường hầm vừa phụt tắt.”

Thực ra, Cộng sản không bao giờ có thể nắm hết được những thủ đoạn của cáo già Nixon (Người Mỹ gọi là Tricky Dicky, tay Nixon mưu mẹo. Ghi chú của dịch giả). Đối với họ, ông là một ẩn số. Ông ta không suy nghĩ theo kiểu người Á Đông suy nghĩ. Lấy ví dụ điển hình như trong cuộc hoà đàm ở Ba Lê với Kissinger, có lúc mọi việc đã không diễn tiến êm đẹp với Lê Đức Thọ. Đùng một cái Hà Nội bị dội bom! Hai phe không tiến đến được thỏa hiệp thì Nixon quay lưng, mở chốt khai hỏa. Chỉ một thời gian ngắn, Bắc Việt vội vã trở lại bàn hội nghị. Như vậy, chúng ta tạo ra được hoà bình trong danh dự. Nhưng cuộc dội bom đã gây tổn thất nặng cho Bắc Việt. Cuộc dội bom chẳng những đánh vào Hà Nội, đánh vào các hệ thống và căn cứ chiến thuật tại miền Bắc, mà còn đánh vào các hệ thống và căn cứ chiến thuật của Cộng sản tại phía Bắc miền Nam Việt Nam. Nhưng rồi Nixon từ chức. Điều đó làm tôi quan ngại. Báo chí lúc đó toàn nói chuyện Watergate, nhưng chúng tôi chẳng đọc bao nhiêu. Chúng tôi cũng không bị các bản tin truyền hình tràn ngập. Chúng tôi không có đài truyền hình tin tức. Ở đây, chỉ có mỗi một tờ báo Anh ngữ duy nhất thì vụ Watergate không phải là một vụ quan trọng đối với tờ báo này. Thực ra, những người sống ở nước ngoài bấy giờ không am tường bao nhiêu về vụ Watergate. Họ không rõ tại sao người Mỹ phải tự hành xác về những chuyện không đáng gì đối với họ như thế.

Bởi vậy, vụ từ chức của Nixon làm thay đổi hết mọi sự đối với chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu giải kết. Chúng tôi dành hai ba tháng trời để làm vi phim các tài liệu, rồi hủy hoại tất cả các tài liệu này sau khi vi phim thực hiện xong. Chúng tôi xé bỏ thiêu hủy hết. Những khối lượng giấy tờ vĩ đại trước đây sĩ quan an ninh chỉ nhìn thấy cũng đủ lên cơn đau tim, nay đều phải được tiêu hủy. Chúng tôi tìm cách thu nhỏ các tài liệu đến một kích thước rất bé để lúc cần là có thể vận chuyển ngay.

Vậy mà tôi vẫn không bao giờ thực sự cảm thấy Việt Nam có thể đổ vỡ cho đến lúc mất Đà Nẵng. Sự kiện này có tính tượng trưng đối với tôi. Tôi đã được đọc những bản phúc trình của các nhân viên văn phòng Tùy viên Quân sự ngoài ấy. Những bộ phận tiếp thu và liên lạc đều có đại diện ngoài Đà Nẵng. Tôi đã đọc phúc trình của họ về những gì đã xảy ra: Bỗng nhiên, địch quân kéo đến! Bỗng nhiên, cả mười bốn, mười lăm sư đoàn đã kéo đến!

Vào ngày 4 tháng Tư, chúng tôi lại có một bản tóm lược tin tức tình báo hàng tháng. Sáng hôm ấy, một Đại tá đến văn phòng chúng tôi. Ông nói: “Chúng ta sẽ khởi sự cuộc di tản đầu tiên. Bắt đầu ngay từ hôm nay!” Trước đó, chúng tôi đã lập một danh sách ưu tiên: Những ai ra đi, đi lúc nào, những người ít quan hệ nhất sẽ đi trước. Đại tá cho biết những người ở danh sách thứ nhất sẽ phải ra đi ngay hôm ấy, tức là ngày mùng 4 tháng tư. Tôi biết như thế sẽ gồm có một người nhân viên thư tín và một thư ký của chúng tôi, cũng sẽ gồm ba chuyên viên phân tích cao cấp của văn phòng chúng tôi ra đi. Tôi nói: “Vì chúng ta phải làm bản tóm lược tình báo hàng tháng, tại sao không tiếp tục cứ ở lại một thời gian nữa, rồi sẽ đi những chuyến bay sau?” Ông Đại tá nói: “Vâng, tôi cũng đang nghĩ như vậy.” Tôi nói: “Tốt quá.” Lúc sau, ông trở lại bảo: “Đại tá Legro đã đồng ý. Mọi người cứ ở nguyên.” Bởi vậy văn phòng chúng tôi thuộc bộ phận tình báo đương nhiệm là cơ quan duy nhất không có một người nào ra đi ngày 4 tháng Tư cả.

Tuy nhiên người ta vẫn tiếp tục chương trình di tản ngay từ hôm đó. Họ quyết định di tản một số trẻ em Việt Nam. Họ nghĩ đây là phương cách tốt để cùng di tản một số lớn phụ nữ làm việc cho văn phòng Tùy viên Quân sự. Vì thế sáng hôm đó, sau khi đến văn phòng làm việc, các nữ nhân viên được báo cho biết họ phải ra đi. Người ta triệu tập các nữ nhân viên ở phòng họp, cho biết quyết định, rồi cho họ được phép về nhà thu xếp hành lý. (Tôi nghĩ mỗi người được mang theo hai túi xách). Phần lớn các nữ nhân viên quay lại điểm hẹn, rồi được xe buýt của văn phòng Tùy viên Quân sự đưa vào phi trường lên máy bay. Một vài nữ nhân viên không đến. Vài người cảm thấy những ràng buộc với gia đình, họ không thể ra đi không mang theo gia đình. Họ không trở lại làm việc cho đến ngày hôm sau.

Hôm ấy chúng tôi đang làm việc trễ thì một nhân viên an ninh bước vào nói: “Chiếc máy bay C-5A bị rớt, vừa được đem trở lại Tân Sơn Nhứt.” Họ cần người phụ việc di chuyển các thi hài và các người bị thương ra khỏi mấy chiếc trực thăng sắp đáp xuống Tân Sơn Nhứt. Tất cả chúng tôi đổ xô, chen chúc nhau lên chiếc xe vận tải ra phi trường đứng chờ trực thăng, nhưng cũng không có nhiều chiếc đáp xuống.

Trước hết, họ đưa vào một số thi hài, một số người sống sót, đa số là trẻ con. Chiếc C-5A là một chiếc máy bay ba tầng. Phần lớn trẻ con ở tầng trên, nên sống sót, nhưng bị phỏng nặng. Điều làm tôi kinh hoàng là thấy tất cả những đứa trẻ đó đều bị thương, cháy da, thân hình ướt đẫm nước tiểu, nhưng không một đứa nào khóc. Chúng nằm im lìm như hình nộm. Tôi nghĩ chúng phải kêu la thảm thiết, nhưng không. Chúng nằm im. Không tiếng động. Không kêu. Không phản ứng gì.

Các bạn tôi thuộc văn phòng Tùy viên Quân sự đều thiệt mạng. Tôi hầu như mất đi các người thân của chính gia đình mình. Tôi đã có linh cảm họ chết, ngay cả trước khi chiếc máy bay trực thăng đem bọn trẻ con về. Nhiều người vội vã chạy đến cứu trợ, nhưng tôi đứng sững nhìn. Tôi cứ nghĩ “Họ chết hết rồi.” Một cơn tê dại lan từ sống lưng lên suốt đỉnh đầu. Tôi bàng hoàng trước sự mất mát. Có một cái gì giống như phản ứng hoá học xảy ra trong cơ thể tôi, làm tôi tê liệt. Tôi không đối phó được nữa. Trước đây, tôi chưa từng bao giờ cảm thấy tê dại như thế.

Một chiếc trực thăng khác bay rất lẹ, chở đến nhiều trẻ em khác. Tôi chạy đến, giúp mấy đứa trẻ ra khỏi trực thăng lên xe cứu thương. Tôi thấy thi hài một phụ nữ, chính là Barbara, một nữ nhân viên làm chung tại văn phòng Tùy viên với tôi. Con gái bà còn sống. Nó ngồi ngay bên xác mẹ. Mũi và miệng Barbara ngập bùn. Ngoài ra, chẳng thấy dấu vết nào khác. Sau này, họ bảo bà đã chết vì sợ. Bà có chứng đau tim. Một chiếc trực thăng khác đáp xuống, chở thi hài một nhân viên phi hành đoàn. Đầu anh ta dập vỡ, hẳn anh ta chết tức thì. Chiếc kế chở mười hai bao thi hài khác. Thấy vậy, tôi quay lưng lại, bỏ đi.

Dù ở bất cứ đâu, tôi cũng không bao giờ coi nhẹ những dịp lễ Tết gia đình. Tôi luôn luôn mời bạn bè thân thích đến nhà riêng trong những dịp này. Bàn ăn được bầy biện trang trọng như ở quê nhà. Không dùng đĩa giấy. Tôi luôn luôn giữ gìn truyền thống lễ lạc của dân Mỹ. Lễ Phục Sinh vừa cử hành hôm chủ nhật vừa qua. Mới đây, tất cả những người đàn bà ấy đã đến nhà tôi dùng bữa Phục Sinh. Bây giờ, tất cả đều đã chết. Chỉ chưa đầy một tuần, họ đều chết cả.

Đêm đó chúng tôi trở lại văn phòng, cố tìm xem những ai đã ở trên máy bay. Lúc ấy, chưa có danh sách phối kiểm. Có một người nữa, cùng tên với tôi, cũng là Becky Martin, đã ở trên máy bay. Cô này quê quán Texas, làm việc tại phòng không lực – Một nhân viên an ninh hỏi tôi: “Có muốn tôi điện thoại cho ông bà thân sinh của cô không?” Tôi nói: “Liệu gọi được không?” Anh ta bảo: “Không rõ nữa.” Lúc ấy, mọi liên lạc viễn thông đều bị cắt đứt, người ta không muốn mọi người gọi gia đình, cũng không muốn ai gọi vào. Người ta cần kiểm soát cho đến khi nắm vững những ai ở trên máy bay để đưa ra một bản thông báo chính thức. Không ai muốn xảy ra tình trạng phải nhận những cú điện thoại hỏi thăm, phải rầu rĩ trả lời: “Em ạ, tôi xin chia buồn, má em đã mất.” Mà có lẽ người mẹ lại vẫn còn sống.

Một nhân viên an ninh đã điện thoại được cho cha mẹ tôi. Anh ta nói với mẹ tôi trên đường dây rằng: “Thưa bà Martin, vừa xảy ra một tai nạn nghiêm trọng. Một vụ rớt máy bay. Nhưng con gái bà vẫn bình yên. Cô ấy không có mặt trên chuyến bay này.” Nhưng họ cắt điện thoại, không kịp cho anh ta nói rõ là có tên tôi trên danh sách nạn nhân, nhưng đấy chỉ là một cô Becky Martin khác.

Cha tôi có bạn bè làm việc ở Thái Lan, cả ở Sàigòn. Mấy người này điện thoại vào hỏi văn phòng tôi, rồi điện thoại lại cho cha mẹ tôi, xác nhận: “Đúng đấy, cô ấy vẫn bình yên.” Nhưng có người ở Cali lại gởi đến cho cha mẹ tôi một danh sách nạn nhân. Danh sách này làm cho cha mẹ tôi băn khoăn. Họ kinh hoảng, không biết đâu là thực. Phải một tuần rưỡi sau đó, khi tôi nói chuyện điện thoại thẳng với mẹ tôi, bà mới chịu tin là tôi thực sự bình an.

Sau tai nạn, tôi gói ghém tất cả hành lý vật dụng của các bạn tôi, xem xét giấy tờ của họ, liệt kê tất cả những gì họ có – Tôi làm việc này cho các nạn nhân để nếu vật dụng của họ không đưa được về, thì gia đình họ có thể được bồi thường. Khá nhiều nữ trang, đồ vật đắt tiền, hình ảnh, kỷ vật. Làm công việc này thật đau lòng, nhưng nó cũng giúp ích cho tôi. Nó làm cho tôi cảm thấy các bạn của tôi vẫn còn ở bên tôi.

Trước ngày xảy ra tai nạn này chừng một tháng, tôi đã nằm mơ. Trong giấc mơ tôi thấy tất cả chúng tôi ở chung một căn phòng, giống như phòng làm việc của chúng tôi. Một căn phòng rất lớn, rộng và dài, bàn làm việc sắp xếp nhiều hướng khác nhau. Trong phòng, có một hệ thống âm thanh. Thật là tuyệt. Sáng thứ ba, chúng tôi thường theo dõi những chương trình chơi banh bầu dục của đêm thứ hai. Rồi chúng tôi mở nhạc, và những bàn làm việc chợt lật ngược lên. Các ngăn kéo chợt mở tung ra. Tất cả giấy tờ đều bị lấy đi. Tất cả trống rỗng. Trong giấc mơ, tôi đang ngồi ở đấy với một vài người thì Anne Reynolds, Joan Prey, vài người nữa chạy vụt qua văn phòng. Joan đến chỗ chúng tôi, nói “Lẹ lên, chúng ta đi.” Tôi bảo “Khoan. Chưa đến lúc phải đi.” Cô ấy bảo “Cũng được, thế thì gặp lại chị sau,” rồi cô ta đi. Tôi nghe điện thoại, Anne và vài người nữa gọi đến nói “Lại đây. Chúng ta sẽ gặp nhau ở chỗ ấy, chỗ ấy nhé.” Tôi không biết chỗ ấy là chỗ nào. Trong giấc mơ, trời mưa xối xả điên cuồng, cánh cửa lắc lư đập ra đập vào trong gió. Tôi nghe một người nói tiếng Việt, một tên Việt Cộng. Tôi lo lắng tự hỏi “Các bạn tôi đâu hết? Lẽ ra họ phải ở đây, nhưng sao chẳng còn ai ngoài tôi?” Tên Việt Cộng mở tung cánh cửa, tôi bừng tỉnh.

Giấc mơ ấy làm tôi ray rứt. Hôm sau, tôi đến chỗ Anne ở, nhấm nháp một cốc rượu. Tôi bỗng bảo: “Bọn khỉ mốc chúng mày bỏ tao đi sạch!” Anne hỏi: “Này, bạn nói cái gì vậy?” Tôi kể cho cô ấy nghe giấc mơ của tôi, cô ấy bảo rằng: “Không đâu Becky, bọn này không bao giờ bỏ bạn mà đi đâu.”

Nhưng sau này quả họ đều đã bỏ tôi. Họ đều đã bỏ tôi mà ra đi. Đấy là một giấc mơ kỳ lạ. Nó ám ảnh tôi suốt mấy ngày sau, nhưng rồi tôi đã cố khỏa lấp nó đi.

Hai ngày sau khi máy bay rớt, vài người trong nhóm chúng tôi xuống họp an ninh tại toà đại sứ. Người ta trình bày kế hoạch di tản người Mỹ khỏi Sàigòn. Họ chỉ cho chúng tôi một vài cao ốc mà họ trù tính sẽ cho trực thăng đáp xuống bốc người. Họ cũng trù tính cho những người có đệ tam quốc tịch đến những cao ốc ấy để di tản. Nhiều trực thăng chỉ có thể bốc ba hay bốn hành khách một lúc, như vậy nếu xảy tình trạng rối rắm khẩn cấp thì chẳng bốc đi được bao nhiêu.

Người ta nghĩ Bắc Việt sẽ để yên cho chúng tôi đi. Tại sao lại phải hủy hoại cả một thành phố, trong khi họ có thể chiếm cứ được một cách trọn vẹn, không đổ vỡ gì? Nhưng nếu người miền Nam đâm ra hoảng hốt, họ cũng muốn di tản thì họ sẽ đi đâu? Tất là họ sẽ tìm đến những trực thăng Mỹ! Chúng tôi sẽ phải kiểm soát cho được cái đám đông ấy. Và chúng tôi lại không nói được ngôn ngữ của họ!

Khi văn phòng tôi được nghe kể chương trình di tản do toà đại sứ đề ra, họ đã văng một loạt ngôn ngữ mà tôi không tiện kể. Chúng ta không nên in ra những ngôn từ ấy. Không thể tin được! Tôi cứ ngồi yên như phỗng mà suy nghĩ. Người có trách nhiệm mà hành xử như vậy sao? Đến trẻ con tiểu học cũng nhìn thấy những lỗ hổng trong kế hoạch ấy! Nếu tất cả mọi người dồn cục ở các cổng vào, thì sao? Chúng tôi sẽ cho ai vào, ai không?

Đến lúc này, tôi nghĩ tốt hơn hết phải tự lo liệu một số việc riêng của mình. Tôi chưa bao giờ viết chúc thư. Vì vậy tôi ngồi xuống, viết thư cho cha tôi và làm giấy ủy quyền cho luật sư. Lúc ấy thực dốt nát, tôi đã ký giấy ủy quyền bỏ trống cho luật sư. Tôi viết thư cho cha tôi, nói “Trong trường hợp con không về nhà vào cuối tháng năm, hãy giải quyết cái xe của con như thế này, giải quyết trương mục tiết kiệm của con như thế kia, giải quyết các vật dụng sở hữu khác như thế này…”

Tôi viết một danh sách dài những điều yêu cầu cha tôi làm, rồi tôi đưa cho Stuart nhờ viết địa chỉ lên phong bì. Tôi sợ nếu mẹ tôi thấy tuồng chữ của tôi, bà sẽ bóc. Trên bì thư chúng tôi cũng đề “Thư riêng.” Mẹ tôi không bao giờ mở thư của ba tôi, nhưng tôi có cảm tưởng trong cơn rối ren này nếu mẹ tôi thấy tuồng chữ của tôi, bất kể thư ai, bà cũng bóc ra xem.

Sau này mẹ tôi quả đã mở thư ra thiệt. Lạy Chúa! Thư đến từ Sàigòn, chắc phải có chuyện liên quan đến tôi. Cha tôi không có mặt để bóc thư, mẹ tôi cứ thế bóc ra.

Gửi xong lá thư, tôi nhẹ nhõm người. Sau đó Doug Dearth nói với tôi “Nhăn nhó chuyện gì vậy?” Tôi bảo: “Vừa phải lo xong đủ thứ chuyện” Anh ta hỏi: “Thế nghĩa là thế nào?” Tôi trả lời: “Anh biết đó, trường hợp chúng ta có khó khăn gì trong việc ra khỏi xứ này thì tôi đã lo liệu xong xuôi mọi chuyện của tôi rồi.” Anh ta lại hỏi: “Cô làm gì vậy, gửi chúc thư về nhà à?” Tôi nói: “Tất nhiên không phải chúc thư. Chỉ là giấy ủy quyền thôi.” Anh ta bảo: “Becky ạ, nếu cô chết thì giấy ủy quyền cho luật sư có ăn thua gì?” Tôi nói: “ờ, nhưng cũng trễ rồi. Mọi việc sẽ ổn thỏa thôi!”

Chúng tôi bắt đầu cho nhân viên ra đi, từ bộ phận này sang bộ phận khác. Vì là viên chức chỉ huy, tôi là người cuối cùng trong bộ phận của chúng tôi ra đi. Việc chúng tôi đi được thực hiện trong vòng trật tự. Vì sẵn có phương tiện, nên khi có lệnh đi là chúng tôi đi.

Đêm 21 tháng Tư, cũng là đêm Thiệu từ chức, tôi ra phi trường Tân Sơn Nhứt rời khỏi Việt Nam. Chờ đợi suốt đêm. Những máy bay C-130 đến và đi đều đặn như vòng quay đồng hồ. Muốn đưa ai ra đi lúc ấy, bạn chỉ cần đến bảo họ thế này: “Tên tôi như vậy, như vậy… Tôi có một số người như vậy, như vậy… cần phải đem đi.” Họ sẽ đưa cho bạn một cái thẻ. Có vậy thôi. Thế là tên bạn và số người đem đi sẽ được đưa vào danh sách. Khi người ta gọi, bạn cứ việc vào máy bay. Những máy bay C-130 có thể chở hàng trăm người mỗi chuyến. Cứ như vậy giờ này sang giờ khác. Cứ diễn tiến như vậy suốt mấy ngày.

Đến tảng sáng hôm sau tôi mới rời khỏi Việt Nam. Chúng tôi được xe buýt đưa ra tận máy bay, có nhân viên không lực Mỹ khám người, khám hành lý. Người ta cũng mang đến cả một đơn vị Thủy quân Lục chiến để bảo vệ an ninh khu vực. Khu chờ chuyến bay lớn nhất là khu bể bơi, khu đánh “Bowling,” khu nhà tập thể dục thuộc phòng Tùy viên Quân sự. Những khu này đông nghẹt người. Người ta ở đấy, chờ đến lượt, rồi lên máy bay.

Lúc chúng tôi tôi lên máy bay, vài phi công Việt Nam lái mấy chiếc chiến đấu cơ phản lực chạy rà qua. Chúng tôi dơ lên ngón tay cái, dấu hiệu chiến thắng, bạn ơi mọi sự vẫn tốt đẹp, cứ tiếp tục tiến lên! Chúng tôi cố làm cho họ tin rằng người Mỹ không rời đi đâu cả! Nhưng ngoài thành phố người ta biết rõ hơn, mặc dù không bao giờ có một xác nhận chính thức nào về việc người Mỹ đang di tản.

Chiếc máy bay đầy nhóc người. Tiếng động cơ inh ỏi. Trời gây gấy lạnh. Tôi đếm được năm người da trắng trên chuyến bay. Tất cả số còn lại đều là người Việt, khoảng một trăm người trên mỗi chuyến. Từng đơn vị gia đình một. Khi máy bay ra đến biển, tôi bật khóc.

Chúng tôi đáp xuống phi trường Clark ở Phi Luật Tân. Tôi tìm cách sang một chuyến bay khác, sau cùng lên một chiếc máy bay chở trẻ con Việt Nam. Hoá ra, có vài em sống sót trong vụ chiếc C-5A rớt cũng ở trong chuyến bay này. Chiếc máy bay này là chiếc C-141 cải biến, ghế hành khách quay mặt về phía đuôi máy bay. Ở đuôi máy bay, người ta bố trí những chiếc giường cũi để giữ cho trẻ an toàn.

Tôi bảo tôi nhận việc đi “hộ vệ” đám trẻ con. Tôi nghĩ chuyện ấy khá mỉa mai, nhưng tôi đã làm chuyện ấy, và chẳng nghĩ ngợi gì hơn nữa. Quá nhiều chuyện đã xảy ra và quá nhiều người đã thiệt mạng! Người ta buộc trẻ con vào những người đi kèm để khi máy bay đáp xuống, lỡ có tai nạn gì thì mấy đứa trẻ sẽ không bị bắn ra.

Tôi ôm trong tay một bé sơ sinh. Đúng ra, đó không phải là một bé sơ sinh, mà là một chú bé đã ba tuổi, nhưng nó ốm o, nhỏ thó như đứa trẻ con một tuổi. Tôi cũng coi sóc cho hai bé con nữa. Hai chị em đứa bé con! Chúng đã sợ sệt trong suốt chuyến bay trên đường về quê hương nước Mỹ.

quảng cáo

DIANE GUNSUL

(Nữ nhân viên văn phòng Tùy viên Quân sự tại Biên Hoà)

“Nhấm nháp sâm-banh, ngắm nhìn cuộc chiến.”

Cuối thập niên 60, tôi là một thành viên hoạt động cho phong trào phản chiến tại Hoa Thịnh Đốn. Tôi đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản chiến tại toà nhà quốc hội. Tôi đã tham gia nhiều buổi tuần hành, xuống đường – Tôi không bao giờ nghĩ quân đội Mỹ nên tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người như tôi đã tin tưởng rằng chúng ta không nên gửi thanh niên sang bên ấy để rồi bị sát hại chỉ vì một cuộc nội chiến. Tin tưởng như thế không có nghĩa là chúng tôi thiên Cộng.

Ngày 29 tháng Ba năm 1973, có tin từ Việt Nam cho biết quân đội Mỹ đang rời khỏi xứ. Người ta đang cần tuyển nhân viên dân sự sang giúp việc cho các nhóm cố vấn. Vì lẽ tôi đã từng kịch liệt chống chiến tranh, tôi tự nhủ “Ờ, họ thường sỉ vả là mình cóc biết gì, vì mình chưa bao giờ ở đấy. Vậy thây kệ, thử xin đi cho biết.” Tôi nạp đơn. Có hai mươi lăm người xin việc, và tôi được tuyển. Tôi đến Việt Nam ngày 2 tháng Tư, 1973. Quân đội đã triệt thoái ngày 29 tháng Ba. Khi tôi vừa đến sở làm tại Biên Hoà thì một quân nhân Mỹ bật đứng dậy, bước ra khỏi văn phòng, hãy còn để lại trên cái gạt tàn thuốc một điếu xì gà. Mọi sự tưởng chừng như anh ta sẽ còn quay trở lại. Người ta nhặt vội túi hành trang rồi ra đi. Tôi thấy hơi sờ sợ vì có chuyện kỳ cục.

Tôi làm việc tại một nơi gọi là Trung tâm Tiếp vận. Đơn vị chúng tôi gồm từ hai mươi lăm cho đến một trăm nhân viên dân sự. Tướng Richard Baughn là một trong những người chỉ huy của tôi, họ đều ở Sàigòn. Có một đại tá đặc nhiệm tại Biên Hoà. Ông đại tá này rõ rệt chưa bao giờ làm việc chung với các nhân viên dân sự, ông không hiểu nổi đám nhân viên dân sự chúng tôi.

Sáu tháng đầu tiên tôi sống ở Sàigòn, đi xuống Biên Hoà bằng xe buýt. Nhưng Việt Cộng thường hay cắt đường, nếu lỡ hụt xe buýt hay phải đi những chuyến xe muộn thì cũng rợn. Không di chuyển ban đêm được. Phải dùng trực thăng. Cuối cùng tôi chuyển xuống ở hẳn dưới Biên Hoà. Chúng tôi ở khu chung cư Franz Blau, trước đây từng là một nhà chứa gái điếm.

Tại Việt Nam, tôi đã gặp người sau này là chồng thứ hai của tôi, trên một chuyến xe buýt, ngay ngày đầu tiên. Chúng tôi cùng làm việc ở Biên Hoà.

Khi mới đến, tôi làm phụ tá quản trị với cấp bực thấp nhất, bậc7. Tôi leo lên bậc 9 ở đấy, trở thành một cấp chỉ huy hành chánh, nhưng ở Biên Hoà, nhân viên ít, người ta phải phụ trách đủ thứ việc khác nhau.

Vì vậy, tôi phải tự sắp xếp các chương trình dự phòng khẩn cấp. Tự sắp xếp các kế hoạch an ninh – Phải lo đủ thứ giấy tờ hành chánh cho các nhân viên ngắn hạn, các nhân viên tạm thời. Tôi cũng là viên chức phụ trách nghi lễ, vì thế tôi có dịp đi gặp đủ mọi hạng người.

Tôi hiểu được người Việt là một dân tộc đầy nhiệt tình, rất cởi mở. Họ nhiều nhiệt tình và cởi mở hơn cả người Hoa hay người Nhật. Họ khác hẳn người Nhật Bản. Chúng tôi thường nói chuyện về chiến cuộc, về những ảnh hưởng tệ hại của chiến tranh đã đè nặng thế nào lên các gia đình mà tôi quen biết. Tôi lui tới thăm viếng nhiều gia đình. Chính chồng tôi đã nhận làm cha đỡ đầu cho một chú bé mới sinh lúc tôi ở đấy, chú bé con của một trung úy Việt Nam. Suốt đời họ là một cuộc chiến tranh dai dẳng, dai dẳng đến nỗi chiến tranh, đối với họ, chỉ là chuyện thường tình. Đó là một khung cảnh phù du, không thực.

Khi Phước Long thất thủ đầu năm 1975, người ta bối rối, nghi hoặc, nhiều hơn là sợ hãi. Người ta luẩn quẩn với các câu hỏi “Phải chăng đây là khởi đầu của một đoạn cuối thực sự?” Hoặc câu hỏi “Liệu người ta có đủ khả năng chặn đứng chuyện ấy hay chăng?” Rồi đến lúc người miền Nam triệt thoái khỏi Cao Nguyên, dòng người tỵ nạn lũ lượt lê bước kéo đi, đến đây mới là lúc người ta bắt đầu chạm mặt cảm giác sụp đổ hoàn toàn.

Chúng tôi lại còn thường hỏi những chuyện như “Liệu người ta có đủ khả năng phục hồi hay không?” Tôi vẫn không tin tình trạng xấu sẽ kéo dài mãi mãi. Tôi vẫn còn nghĩ như vậy cho đến tháng tư 75 sau khi di tản khỏi Biên Hoà.

Đầu tháng Tư, một điện văn từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi đến nói: “Di tản ngay tất cả đàn bà Mỹ.” Vỏn vẹn có thế. Tôi đọc tấm điện văn, giận run. Ông đại tá Chỉ huy trưởng liếc nhìn rồi cho gửi một điện văn phúc đáp, nói “Không có đàn bà Mỹ nào ở đây cả! Chỉ có các nhân viên tiếp vận các nhân viên hành chánh. Xin cho biết loại nhân viên nào không còn cần thiết ở đây?” Lúc ấy, dưới quyền đại tá Chỉ huy trưởng, có đến mười phụ nữ làm việc ở Biên Hoà. Họ gửi lại một điện văn khác, nói “Hoan hô!”

Đại tá Chỉ huy trưởng lúc ấy bèn thiết lập một danh sách nhân viên ở Biên Hoà theo thứ tự ưu tiên. Vài phụ nữ được đưa ra khỏi nước, vì xem như không cần thiết. Vài phụ nữ khác được xem là cần thiết, chẳng hạn như tôi, được giữ lại. Chính thức ra, chưa có chương trình di tản.

Để thực hiện chương trình này, đầu tiên người ta tìm người tình nguyện đi kèm đám trẻ con, đây là một cách gián tiếp di tản. Một nữ nhân viên của chúng tôi là Selma Thompson, vì quá sợ pháo kích và đạn súng cối, không chịu xuống Biên Hoà nữa. Lúc ấy cô ở Sàigòn. Bên toà đại sứ cho tin những ai muốn đi thì liên lạc. Họ cho có 24 giờ đồng hồ để sửa soạn.

Các phụ nữ làm việc ở Biên Hoà không được tin tức gì vụ này, cũng không biết về việc có chuyến C-5A chở trẻ con ra đi. Riêng Selma vì ở Sàigòn, biết được, nên đã xin. Cô ta vì sợ pháo kích và súng cối mà đã ở lại Sàigòn, rồi chính vì thế đã leo lên chiếc máy bay này. Cô ấy đi chuyến C-5A vào ngày 4 tháng tư. Khi nhận được tin chiếc C-5A bị rớt, chúng tôi cực kỳ bàng hoàng. Chỉ đường tơ kẽ tóc, biết đâu tôi đã chẳng leo lên chiếc máy bay ấy? Suốt đêm, chúng tôi chờ tin. Cuối cùng điện thoại từ Sàigòn đánh xuống cho biết Selma hãy còn sống sót và đã được di tản ra khỏi xứ. Đấy là cái kinh nghiệm đầu tiên của chúng tôi về cái gọi là di tản.

Tôi rời Biên Hoà ngày 10 tháng Tư. Trước đó, đại tá Chỉ huy trưởng đến, nói: “Được rồi; bây giờ đưa hết mọi người ra đi.” Ông đã có danh sách lập trước, mỗi ngày kiểm lại, cứ thế chỉ định những người đi. Đến lúc chỉ có bốn, năm người còn lại, trong đó có tôi. Chồng tôi còn ở lại lâu hơn nữa.

Tôi đi lúc mười giờ sáng. Chúng tôi di chuyển bằng chiếc xe chuyên chở nhỏ, xe buýt tiêu chuẩn của chính phủ Hoa Kỳ. Bốn năm người chúng tôi ngồi trong xe, chạy qua nhiều nút chặn, rất nhiều trạm kiểm soát suốt từ Biên Hoà lên đến Sàigòn.

Đã nhiều tháng qua tôi không đi lại con đường này vì mỗi lần đi Sàigòn, tôi thường sử dụng trực thăng. Bây giờ đi xe buýt trên đường này, tôi kinh ngạc thấy đầy những vòng kẽm gai kéo loằng ngoằng trên đường, tại các trạm gác. Mãi đến khi ra khỏi xe mới không nhìn thấy kẽm gai và trạm gác nữa.

Trên chuyến xe, đây là lần đầu tiên tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi đe dọa từ các bạn đồng minh người Việt. Họ biết chúng tôi đang rời Biên Hoà. Thực quá dễ biết, dù chúng tôi đã bỏ lại tất cả, mỗi người chỉ đem một túi nhỏ xách tay. Đây là lần đầu tiên tôi đâm lo sợ là chính những người bạn đồng minh có thể giết chúng tôi. Người Mỹ đang bỏ họ ra đi. Cho đến phút cuối, vẫn còn có những người Việt hỏi “Khi nào máy bay B-52 trở lại” Họ không thể tin nổi người Mỹ sẽ không còn trở lại với những chiếc oanh tạc cơ nữa.

Một việc chúng tôi đã làm là lo di tản cho các nhân viên cộng tác với chúng tôi. Họ không cần phải đến xin, chúng tôi hỏi họ có muốn đi không, cũng có vài người không muốn đi.

Tôi đến toà Lãnh sự Mỹ với một người đàn ông Việt Nam từng làm việc với tôi. Trước, anh ta ở trong quân đội Việt Nam, đã giải ngũ. Anh ta muốn rời khỏi nước với vợ và hai con. Vợ con anh đã ra đi được với tư cách là vợ và con của chồng tôi. Bây giờ chúng tôi đến toà lãnh sự, tôi sẽ ký một tờ khai xác nhận người đàn ông này là “chồng theo thông luật.” Theo thủ tục này người Mỹ khỏi cần khai vợ chồng theo hôn thú. Họ có thể đến tuyên thệ rằng đây là vợ hay chồng đã sống chung theo thông luật, họ muốn xin cho vợ hay chồng di tản, mặc dầu họ chưa được quy định là nhân viên không cần thiết để sẵn sàng ra đi.

Tôi mang theo một chứng thơ xác nhận tôi là nhân viên không cần thiết, mọi thứ để trống, khi nào cảm thấy muốn đi chỉ việc điền vào ngày tháng rồi đi. Tất cả chúng tôi lúc ấy đều có những chứng thơ này.

Chồng tôi đã theo thủ tục này mà giúp được đến ba phụ nữ đi với tư cách là “vợ” của anh vào ba lần khác nhau! Tất nhiên các nhân viên lãnh sự Mỹ đều biết chúng tôi nói láo. Họ bị ràng buộc bởi các luật lệ của chính phủ Việt Nam, không thể cho người đi nếu những người này không có thông hành xuất ngoại. Nếu những người này không phải là nhân viên cơ quan Mỹ thì vẫn có cách giúp họ là đến toà lãnh sự mà thề là đã lấy nhau.

Tôi xấu hổ phát chết khi đến đấy thề rằng tôi có một anh chồng sống chung. Anh ta tất nhiên vẫn thường gọi tôi là “Cô Diane,” vì đấy là tên tôi. Tôi dặn đi dặn lại rằng: “Đến toà Lãnh sự thì đừng có gọi tôi là cô Diane nữa nhé.” Và tất nhiên mỗi khi Lãnh sự hỏi anh ta câu gì, tôi phải mau miệng trả lời. Tôi bảo “Thưa đây là chồng tôi, tôi cần đưa ông ấy đi di tản.” “Cho xem hôn thú!” Tôi nói “Chúng tôi chưa lập hôn thú, nhưng đã sống chung với nhau.” “Sống chung bao nhiêu lâu rồi?” Tôi bảo “Dạ, dạ…chừng một năm rưỡi… rồi!”

Ông Lãnh sự nheo mắt nhìn. Ông ta thừa biết tôi khai láo. Ông ta quay sang hỏi “ông chồng” của tôi…”ông chồng” vội vàng quay sang tôi lắp bắp “Cô Diane…” Tôi bảo “Khổ quá! Đã dặn là đừng có gọi tôi bằng cô Diane nữa!” Nhộn thật!

Còn về ba gia đình quân nhân làm việc với chồng tôi, cả ba đều đã nhờ chồng tôi giúp đưa vợ con đi, nhưng không ai nhờ giúp cho bản thân họ. Họ không hỏi tôi giúp. Vì tự ái, không ai đến nhờ tôi đưa bằng cách ấy. Nhưng rồi cả ba người cuối cùng trong vòng một tháng đều lần lượt đến được Guam bằng tàu. Lúc ấy, vì chúng tôi làm việc trong trại tỵ nạn ở Guam, chúng tôi đã chứng kiến cảnh đoàn tụ mừng tủi của họ với những bà vợ mà chồng tôi giúp đưa đi.

Còn “ông chồng” mà tôi đưa đi, đã sang được Phi Luật Tân, rồi sang Guam, cuối cùng đoàn tụ được với vợ con, hiện nay họ đang định cư ở San Diego.

Chúng tôi đã thực hiện những việc như thế cho những người đã cộng tác với chúng tôi. Họ đã sợ hãi, sợ hãi như thế cũng đúng thôi. Một trong những người chúng tôi không đưa đi, vì anh ta không yêu cầu ra đi, một trung úy muốn ở lại với gia đình. Vợ anh có con sơ sinh. Anh đã bị đưa vào trại cải tạo hơn bảy năm, bị đánh đập tàn nhẫn. Chúng tôi nhận được một số thư và lời nhắn của vài người cho biết tin tức về anh ấy.

Vào những giờ phút cuối, người ta có cảm giác Cộng sản sẽ tàn sát tất cả những ai có liên hệ với người Mỹ. Nỗi sợ hãi này lan tràn như bệnh dịch.

Tôi không còn biết tin vào đâu. Tôi nghĩ có lẽ họ sẽ giết một số lớn những người trong quân đội. Bất kể ở Đông Phương hay Tây Phương, kẻ chiến thắng nào có cái-gì-gọi-là-danh-dự? Đã nhiều cuộc tắm máu xảy ra! Tôi không biết Cộng sản rồi đây sẽ tàn sát hay sẽ chỉ hành hạ họ. Và sau này điều Cộng sản đã làm, nói chung, chính là đã hành hạ cuộc đời họ với đầy thống khổ.

Thời gian này mọi người đều mang vũ khí. Nhưng là một người theo chủ nghĩa hoà bình, tôi không muốn giữ vũ khí làm gì. Ai nấy đều bỏ súng trong cặp, sau này còn đeo cả vào bao súng. Họ cấp phát vũ khí, hỏi tôi muốn lấy thứ nào. Tôi bảo: “Không, tôi không muốn thứ nào.” Họ hỏi: “Thế lỡ Việt Cộng mở cửa hầm, chĩa súng vào cô thì sao?” Tôi bảo: “Ờ, có lẽ chết thôi.” Họ không tin. Tôi bảo họ: “Khi tình nguyện sang Sàigòn, độc thân (lúc ấy người chồng thứ hai của tôi và tôi chưa lấy nhau) không con cái, không người phải nuôi dưỡng, không nợ nần, không có cái gì cả, tức là tôi đã sẵn sàng để nếu phải chết thì cũng chết thôi. Tất nhiên tôi không mong chết, nhưng có bị bắt cũng chẳng sao.” Một ông đại tá Thủy quân Lục chiến lúc ấy nhìn tôi, nói: “Chuyện cô bị bắt sẽ không bao giờ xảy ra.” Tôi hỏi “Sao thế” Ông ta nói “Vì tôi sẽ giết cô trước!”

Tôi hơi cáu hỏi lại: “À, vậy đại tá đứng ở phía nào?” Ông bảo ông sẽ không bao giờ để cho Việt Cộng cầm tù một phụ nữ Mỹ. Tôi nói: “Đại tá ơi, này nhé: Cứ để Việt Cộng bắt tôi đi. Cứ cho là chúng hành hạ tra tấn tôi vài năm nhé, đủ các thứ trò ngoạn mục ấy mà, rồi đại tá xuất hiện, tung cửa bước vào giải cứu tôi, rồi chúng mình sẽ viết sách nhé, làm phim nhé, kiếm hàng triệu đô la như chơi!” Tôi đùa, nhưng ông đại tá này vẫn không xem đấy là chuyện đùa. Ông ta bảo: “Tôi sẽ không cho phép những bọn người như thế cầm tù phụ nữ Mỹ!” Ông ta là một tay bảnh trai, nhưng khó quên nổi cái kiểu nói chuyện với giọng “nam nhi tay tổ” của ông.

Chồng tương lai của tôi đã được xếp vào loại không cần thiết. Khi anh rời xứ, tôi vẫn còn ở lại. Tôi viết thư cho ba người anh và em tôi để giải thích tại sao tôi còn ở lại, tôi nói tôi cảm thấy điều ấy là cần thiết và nếu lỡ mệnh hệ gì, thì tôi đã sửa soạn sẵn sàng cả rồi. Tôi làm chúc thư, tôi đã làm hết mọi điều có thể làm nhưng tôi cũng hy vọng sẽ ra khỏi xứ này.

Chúng tôi nỗ lực di tản tất cả ngưòi Mỹ ra đi trong khả năng chúng tôi. Cũng cố mang đi càng nhiều thân hữu của người Mỹ càng tốt. Đối với những người đã cộng tác, đã giúp đỡ chúng tôi, mang được họ đi là giúp cho đời sống của họ tốt đẹp hơn. Tôi cảm thấy tôi đang làm một công việc xứng đáng và có giá trị, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy.

Trước đây đã một lần tôi cũng có cái cảm giác này, là vào lúc Tổng thống Kennedy bị ám sát. Cảm giác ấy là: Nếu họ giết tôi để Kennedy được sống, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận cái chết. Cảm giác này xảy ra lần nữa khi chúng tôi xuống đường tuần hành tại toà Bạch ốc lúc người Mỹ xâm phạm Campuchia vào mùa Xuân 1970. Cuộc xuống đường bất hợp pháp, người ta có thể nổ súng vào đám biểu tình tại toà Bạch ốc. Nhưng lúc đó, cảm thấy mãnh liệt tính chất bất công của việc tiến vào vùng Mỏ Vẹt ở Campuchia, chúng tôi vẫn cứ tuôn vào cuộc biểu tình. Như thế đã ba lần trong đời tôi có cảm giác này. Khi tôi tin tưởng mãnh liệt, tôi sẵn sàng chết cho niềm tin của tôi. Tôi không mong chết, tôi không tìm cái chết, nhưng đôi khi nếu cảm thấy phải chết cho niềm tin, thì cái chết ấy cũng chính đáng.

Lúc ở trong căn hầm trú ẩn tại căn cứ văn phòng Tùy viên Quân sự, tôi có một thư ký, người này có vợ hai con. Tôi bảo anh ta hãy ra đi. Nghe thế, đề đốc Owen Oberg nói: “Sao được. Lấy ai phụ trách việc tống thư văn.” Tôi bảo: “Anh này có vợ hai con. Anh ta cần di tản khỏi xứ. Tôi hãy còn độc thân, chẳng có gì ràng buộc. Nếu phải đánh máy giấy tờ, tôi lo lấy cũng được.”

Về việc di tản ra khỏi xứ, gần như bất cứ lúc nào tôi muốn là tôi có thể đi. Người ta chỉ cần giữ một số người tối thiểu. Mọi người Mỹ còn lại đều mang theo mình một chứng thư để trống tên, trống ngày. Chứng thư xác định “Người này tên là… không phải là nhân viên cần thiết kể từ ngày…” Và khi muốn đi, chỉ việc đề tên, đề ngày tháng, rồi đi thẳng ra chỗ người ta đang sắp hàng vào máy bay mà bảo: “Ô kê! Tôi muốn ra đi.”

Tôi rời Việt Nam đêm 28 tháng tư. Bấy giờ là lúc một giờ sáng. Tôi quyết định ra đi vì tôi biết giờ cuối cùng sắp điểm. Chúng tôi có một hệ thống truyền tin chặt chẽ với Hoa Thịnh Đốn bằng mật mã, mặc dầu không phải là nhân viên truyền thông, nhưng trong công việc tôi vẫn phải sử dụng hệ thống này.

Tôi biết hệ thống giải mã, mỗi ngày tôi đều có nhiệm vụ phải thay đổi các mật mã truyền tin. Do đó khi nhận tín hiệu mật đánh vào, giải mã xong tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi tự nhủ: “Ô kê, đã đến lúc phải đi.” Tôi biết tình hình không còn kéo dài hơn nữa.

Tôi đã kiệt quệ, biết rằng chẳng còn làm gì hơn được. Chồng sắp cưới của tôi đã ra đi. Với các mật hiệu đánh vào, tôi hiểu giờ cuối cùng đã điểm, và tôi không muốn phải đi bằng tàu hạm đội. Lúc bấy giờ các đề đốc hải quân vào căn cứ văn phòng Tùy viên làm việc và thường bay ra hạm đội mỗi đêm – Địch quân thắt chặt vòng vây, mỗi lúc một gần căn cứ, người ta có thể nghe rõ tiếng đạn, và nhiều cuộc chạm súng xảy ra. Một hôm, đề đốc Oberg bảo tôi: “Sao cô không theo chúng tôi? Ban đêm chúng tôi có thể đưa cô ra ngủ ngoài hạm đội.”

Tôi bảo: “Thưa đề đốc, ông đã ở ngoài biển bao nhiêu lâu rồi?” Ông nói chừng bảy tháng hay chín tháng gì đấy. Tôi bảo: “Thế đã bao lâu ông chưa lên bờ?” Ông nói lâu lắm rồi, nhiều tháng rồi chưa lên đất liền. Tôi bảo: “Đề đốc ơi, thế thì thà tôi ở lại với Việt Cộng còn hơn!” Trung tâm điều hành di tản lúc nào cũng căng thẳng, người ta luôn luôn cứ phải khôi hài. Hết gọi máy bay, lại đến điều hợp các chuyến đi. Không tán dóc, không tiếu lâm, không còn xả nổi những áp lực trong các công việc căng thẳng.

Giữa bầu không khí như thế, một lần đề đốc Oberg nhờ tôi ra trung tâm thành phố bằng chiếc xe màu đen có cửa kính gương, xe chính phủ Mỹ. Tôi rành về mỹ thuật, lúc làm việc trong hầm trú ẩn, chúng tôi thường nói chuyện về đề tài này nên ông muốn nhờ tôi mua hộ một bức tranh, hoặc một món đồ thủ công nghệ tiêu biểu của Việt Nam để làm quà kỷ niệm cho người bạn ở Mỹ có đứa con trai chết tại Việt Nam. Ông cho tôi biết chừng giá tiền, rồi nhờ tài xế người Việt chở tôi ra phố.

Ra trung tâm Sàigòn, tới đường Tự Do, nơi có nhiều tiệm bán đồ mỹ nghệ, tôi không tin nổi là mọi sự vẫn có vẻ bình thường. Không có gì rối loạn. Chỉ yên tĩnh hơn một chút. Điều ấy có một cái gì kỳ cục, giống như trong những cuốn phim của Fellini.

Từ Tân Sơn Nhứt, người ta đang dốc hết nỗ lực bốc người di tản trong một bầu khí căng thẳng gần phát điên lên được, mà rồi đi xuống Sàigòn… Tất cả vẫn bình thường. Tôi nghĩ: “Nhưng người ta làm gì được bây giờ? Chẳng lẽ điên cuồng chạy vòng quanh hay sao! Chắc chắn là không!” Tôi bước vào một tiệm bán đồ mỹ nghệ, nấn ná xem vài giờ đồng hồ cho đến khi chọn được một món quà tiêu biểu. Rồi tôi lên chiếc xe hơi màu đen của chính phủ Mỹ trở về lại Tân Sơn Nhứt. Thực kỳ cục. Tôi đã sợ khi xuống phố với chiếc xe hơi ấy. Tôi sợ dân chúng nhìn thấy có người Mỹ ngồi trong xe, họ đã biết chúng ta đang rời xứ.

Đêm rời Việt Nam, tôi leo vội lên chiếc xe buýt chạy ra phi trường. Chúng tôi len lấn lên máy bay, tôi nhớ hình như chiếc máy bay vẫn tiếp tục lăn bánh trong lúc chúng tôi dồn vào. Chắc chắn chiếc máy bay đang đậu, nhưng trong tâm trí tôi, hình như chiếc máy bay chỉ rà trên mặt đất hai phút đồng hồ, vì việc bốc người rất điên cuồng, nhưng rất nhanh chóng. Vừa rời khỏi xe buýt, người ta thúc: “Đi tới, nhanh, đi, nhanh!” Họ đẩy chúng tôi thật nhanh vào khoang chứa đồ.

Chúng tôi ngồi bệt trên sàn, bám tay vào những sợi giây ràng hàng hoá. Mọi người im phắc trong một bầu khí sợ sệt, kỳ cục. Tôi còn nhớ những nhân viên phi hành Mỹ đứng ở cửa sổ máy bay, lăm lăm mấy khẩu súng hoả châu. Họ giật mình khi thấy một người đàn bà Mỹ, tôi nhớ thế. Họ nhìn tôi như muốn hỏi “Cô là ai?”

Họ lấy làm lạ vì lúc này tất cả những người di tản đều là người Việt, chỉ còn lại rất ít người Mỹ. Cũng còn một vài người đàn bà Mỹ trong xứ, nhưng rất ít, sau này họ đều được chuyển ra bằng trực thăng.

Tôi mệt bã người, lúc ấy chẳng nghĩ ngợi. Điều duy nhất chỉ còn mong cho máy bay đến được phi trường Clark an toàn, không trúng đạn. Đó là nỗi lo lắng duy nhất bởi vì lúc cất cánh thì máy bay bị bắn, không biết đạn đồng minh hay của Việt Cộng. Người ta đã kể nhiều chuyện về việc bạn đồng minh bắn lên lúc máy bay cất cánh, họ đã cay đắng. Họ đã cay đắng quá nhiều.

Lúc ấy, tôi biết tôi đang rời xa một xứ sở mà tôi đã đem lòng yêu mến. Đất nước ấy thật là một đất nước đẹp đẽ. Tôi lấy làm buồn khi biết dân chúng miền Nam đã thua cuộc và có lẽ họ sẽ tiếc hận việc này. Tôi vẫn nghĩ có thể họ đã thắng cuộc chiến, nếu chúng ta đừng dính đến. Nhưng tôi cũng nghĩ cuối cùng Tự do vẫn sẽ chiến thắng bởi vì họ đã từng được hưởng mùi vị của Tự do. Tôi thành thực tin tưởng ở bất cứ một nơi nào con người bị đàn áp, bất cứ dưới một chế độ cai trị nào chăng nữa, cuối cùng Tự do cũng vẫn thắng thế trở lại thôi.

Tôi bay đi Phi Luật Tân. Chúng tôi hạ cánh, mặc dầu phi trường đã đóng. Chúng tôi được rời khỏi máy bay nhưng không được phép ra khỏi xưởng chứa máy bay. Tôi thiếp một giấc trên ghế, khi tỉnh dậy chỉ còn lại mỗi mình tôi, tất cả người Việt đã đi khỏi. Tôi hỏi họ đâu? Người ta cho biết họ đều đã được đưa sang Guam. Người ta không đánh thức tôi dậy, tôi cũng không nghe thấy tiếng họ rời. Trong xưởng chứa máy bay, ngồi trên mấy cái ghế của câu lạc bộ các bà vợ sĩ quan, tôi nhớ tôi đã đứng bật dậy, hỏi: “Những người Việt của tôi đâu?” Họ trả lời: “Chúng tôi đã đưa họ sang Guam vì Tổng thống Ferdinand Marcos ra lệnh đóng cửa, không cho họ vào Phi.” Tôi mệt nhoài. Tôi kiệt quệ. Khi họ bảo những người Việt của tôi đã đi hết, tôi bật khóc. Mấy người Mỹ lẳng lặng tránh ra, mặc tôi một mình. Họ muốn gửi tôi đi Guam ngay, nhưng tôi bảo tôi có chiếu khán vào Phi Luật Tân. Tôi đã xin chiếu khán này ngay khi mới đến Sàigòn. Tôi đưa cho một viên đại tá xem hai cái thông hành, một thông hành công vụ và một thông hành du lịch. Ông ta không tin nổi. Ông ta nói: “Được rồi, vậy tôi sẽ đích thân đưa cô đến khu vãng lai của sĩ quan, kiếm cho cô một cái phòng.” Tôi ngủ một giấc ở đấy, khi thức giấc, cuộc chiến đã xong.

Thức giấc, tôi xuống dưới cầu thang, thấy ngay cái tựa lớn trên trang nhất của tờ báo quân đội Mỹ: “Sàigòn đã sụp đổ.” Đọc bài báo tôi có cảm giác kỳ lạ, gần như đã giải thoát, thế là xong. Xứ sở ấy đã sụp đổ, thế là hết. Kết thúc. Trong tất cả những cuộc tình đổ vỡ, người ta đều cảm thấy một nhu cầu tâm lý, đó là nhu cầu kết thúc. Đối với tôi, tôi nghĩ tôi cũng có cùng một nhu cầu này, bởi vì tôi cũng đã có một cuộc tình gắn bó với đất nước Việt Nam.

Xong xuôi. Tôi đến gặp các nhân viên Trung tâm Tiếp vận, bảo họ: “Khi liên lạc với Guam, xin nhắn với Roy – Chồng sắp cưới của tôi – là tôi hiện ở đây.” Nhưng họ đã quên không nhắn, nên tôi phải mất ba ngày mới lấy được chuyến bay. Anh ấy tưởng tôi vẫn kẹt ở Sàigòn. Khi đến Guam, người ta loan báo là họ cần những người đã ở Việt Nam tình nguyện ở lại giúp trại tỵ nạn. Mặc dầu không muốn ở lại, chúng tôi muốn tiếp tục đi ngay, nhưng họ đang quá cần các nhân viên thiện chí, vì người tỵ nạn đang dồn dập kéo vào, và họ đang bù đầu để lập thủ tục những người mới tới. Nên chúng tôi tình nguyện.

Chúng tôi ở lại đấy một tháng. Rồi chúng tôi đi nghỉ đổi gió ở Hạ Uy Di hai tuần trước khi về lại Cali.

Ngày nay hỏi chuyện người Mỹ, bạn sẽ thấy nhiều người không biết chiến tranh Việt Nam chấm dứt lúc nào, cũng không biết rằng khi Sàigòn thất thủ, quân đội Mỹ đã không còn hiện diện ở đấy. Nhiều người không biết chuyện quân Mỹ đã rút đi từ hồi 73, rồi nhân viên dân sự kéo vào. “Quân đội Mỹ đã mất mười năm để thua trận. Còn nhân viên dân sự chỉ mất có hai năm.” Thiệt là một chuyện diễu dở, nhưng mà…

Suốt hai năm, tôi không muốn nói năng gì về chuyện Việt Nam. Khi về lại Mỹ, đáng lẽ phải viết ngay một tờ khai các vật dụng mất mát để được chính phủ bồi thường, khoảng đâu mỗi Mỹ kim được nhận lại mười xu. Tôi đã bỏ lại rất nhiều đồ đạc, áo quần, giấy tờ hình ảnh cá nhân, nhưng phải đúng một năm và mười một tháng sau, tôi mới có thể ngồi xuống đặt bút viết tờ khai.

Trở về Mỹ tôi cảm thấy mình như một con ngốc vì mỗi lần nghe tiếng động lớn tôi vẫn chúi mình núp dưới đất. Những chiến binh đều đã trải qua kinh nghiệm này. Phải một hai năm sau mới hết. Rồi lại lan man nghĩ ngợi đến những người bên kia, giờ này họ ra sao. Đấy là một giai đoạn thực quan trọng của đời tôi. Thỉnh thoảng tôi nói những chuyện ấy với người ở bên đây, nhưng đôi khi tôi cảm thấy mình thật lạc lõng như người tự cung trăng. Có người cũng chú ý lắng nghe, nhưng chẳng ai có ý niệm gì về tất cả những điều tôi đã trải qua.

Ngay bây giờ, trong lúc nói chuyện với ông đây, tôi vẫn đang run rẩy. Mỗi lần nói về những chuyện này, tôi không bồn chồn hốt hoảng, nhưng vẫn đầy xúc động. Tất cả những gì trải qua, giờ đây đã là những xúc động in đậm trong lòng tôi.

Tôi cũng có lúc nghĩ rằng ký ức cá nhân tôi và những chuyện của thời đã qua được tô điểm bằng những màu sắc của một chuyện tình, vì Việt Nam là nơi tôi gặp chồng tôi, việc ấy đã làm cho tôi có một cái nhìn khác biệt về xứ sở này chăng. Tôi yêu mến xứ sở này bởi vì đó là nơi tôi đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc. Tôi nghĩ những người khác vì không có cái gắn bó như thế, biết chừng đâu họ có thể nhìn mọi việc với một nhãn quan khác chăng. Phần tôi, tôi đã đạt được một cuộc hôn nhân nhiều hạnh phúc.

Cho nên trong trí nhớ, tự nhiên tôi chỉ muốn hồi tưởng lại những gì hạnh phúc. Tôi cũng chỉ còn muốn nói đến những gì hạnh phúc. Những hạnh phúc ấy, như ngồi với chồng tôi trên một bãi biển ở Vũng Tàu năm xưa, nhấm nháp một cốc rượu sâm-banh mà nhìn ngắm chiến tranh, nhìn ngắm một đám khói đen như đám mây khổng lồ bay đến từ những vùng đất đang cầy lên bom đạn, rồi tự bảo “Không thể nào tin nổi. Chúng ta đang ngồi đây, trên một bãi biển đẹp nhất thế giới, nhìn cuộc chiến tranh này mà nhấm nháp một cốc rượu sâm-banh.”

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA 01

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA 02

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA 03

NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA 04

http://chinhnghia.com/nuoc-mat-truoc-con-mua.asp