Thời sự thế giới Thứ Ba 20/9/2022: Khai mạc Đại Hội Đồng LHQ – Thế giới trong hiểm họa lớn (TTK LHQ) – Động đất tại Mexico

Share this post on:

Võ Thái Hà tổng hợp

Tổng Thư ký LHQ cảnh báo giới lãnh đạo toàn cầu: Thế giới đang trong ‘hiểm họa lớn’ – 20/9/2022 

AP 

Tổng thư lý LHQ Antonio Guterres phát biểu hôm 19/9/2022.

Tổng thư lý LHQ Antonio Guterres phát biểu hôm 19/9/2022. 

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc nói với các nhà lãnh đạo thế giới khi họ họp trực tiếp lần đầu tiên sau ba năm rằng thế giới đang ở trong “hiểm họa lớn”, phải giải quyết xung đột và thảm họa khí hậu, nạn nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng – và ông nói rằng sự chia rẽ giữa các cường quốc đã tồi tệ hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, theo AP.

Trong bài phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp của các nhà lãnh đạo hôm 20/9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng nhiệm vụ “to lớn” không chỉ là cứu hành tinh, “hành tinh đang bốc cháy theo đúng nghĩa đen”, mà còn là đối phó với đại dịch COVID- 19. Ông cũng chỉ ra “tình trạng thiếu khả năng tiếp cận tài chính cho các nước đang phát triển để phục hồi – một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong một thế hệ” khiến giáo dục, y tế và quyền của phụ nữ bị mất đi.

Ông Guterres sẽ có bài phát biểu về “tình trạng của thế giới” tại phiên khai mạc cuộc họp cấp cao hàng năm của Đại hội đồng LHQ vào ngày 20/9. Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho biết đây sẽ là “một báo cáo nghiêm túc, thực chất và tập trung vào các giải pháp” cho một thế giới “nơi mà sự phân chia địa chính trị đang khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro”.

Ông Dujarric nói với các phóng viên hôm 19/9: “Sẽ không có lớp vỏ ngọt ngào trong bài phát biểu của ông ấy, nhưng ông ấy sẽ nêu ra những lý do để hy vọng”.

Kỳ họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 77 của các nhà lãnh đạo thế giới được triệu tập dưới bóng đen của cuộc chiến lớn đầu tiên của châu Âu kể từ Thế chiến II – cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đã mở ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và mở ra những rạn nứt giữa các cường quốc theo cách chưa từng thấy kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia đang cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn và khôi phục hòa bình ở châu Âu. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao không mong đợi bất kỳ đột phá nào trong tuần này.

Việc mất nguồn xuất khẩu ngũ cốc và phân bón quan trọng từ Ukraine và Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và lạm phát cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao ở nhiều nước khác. Đó là những vấn đề được đề cập trong chương trình nghị sự của kỳ họp.

Tại cuộc họp hôm 19/9 nhằm thúc đẩy các mục tiêu của LHQ đến năm 2030 – bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực, đảm bảo chất lượng giáo dục cho tất cả trẻ em và đạt được bình đẳng giới – ông Guterres cho biết nhiều nguy cơ cấp bách trên thế giới khiến chúng ta “phải đặt các ưu tiên phát triển dài hạn của chúng ta sang một bên”.

Nghiên cứu: Các đảo Thái Bình Dương là vùng đệm quan trọng của Mỹ trước tham vọng của TQ 

20/9/2022 

Reuters 

Quần đảo Marshall.

Quần đảo Marshall. 

Trung Quốc coi các đảo ở Thái Bình Dương là một khu vực có lợi ích chiến lược quan trọng và Hoa Kỳ nên tăng cường cam kết với các đảo quốc bắc Thái Bình Dương, hiện đang đàm phán để gia hạn một hiệp định quốc phòng, nhằm duy trì một vùng đệm quân sự quan trọng, Reuters dẫn một báo cáo của Viện Hòa Bình (Institute for Peace) được Quốc hội Mỹ tài trợ, công bố hôm 20/9, cho biết.

Báo cáo của Viện Hòa bình Hoa Kỳ – do hai tác giả là cựu quan chức quân sự cấp cao thực hiện – cho biết Trung Quốc đã đạt được tiến bộ ở Thái Bình Dương về các mục tiêu địa chiến lược mà họ chưa từng đạt được ở những nơi khác.

Báo cáo cho biết thêm rằng điều này gây lo ngại nhưng không đáng báo động, nói rằng Mỹ nên tăng cường hỗ trợ cho các đảo quốc ở bắc Thái Bình Dương, nơi có mối quan hệ lịch sử bền chặt nhất.

Báo cáo được đưa ra trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và hàng chục lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương vào tuần tới, khi Washington tìm cách cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh.

Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia (FSM) và Palau là các quốc gia có chủ quyền được gọi là Các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS), sau khi ký kết các hiệp định vào cuối những năm 1980 trao cho Hoa Kỳ trách nhiệm quốc phòng và quyền đặt các căn cứ quân sự.

Các hiệp định này, hết hạn vào năm 2023 và 2024, đang được đàm phán lại, và báo cáo cảnh báo rằng các quốc gia này có thể tìm đến Trung Quốc để xin tài trợ nếu các cuộc đàm phán với Mỹ thất bại.

Đồng tác giả Philip Davidson, cựu chỉ huy của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và David Stilwell, cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ viết: “Các vùng lãnh hải rộng lớn của FAS, trải dài phần lớn phía bắc Thái Bình Dương, là vùng đệm chiến lược quan trọng giữa các lực lượng quốc phòng của Mỹ ở Guam và Hawaii và các vùng biển ven bờ Đông Á”.

Báo cáo nhận định: “Nếu như Bắc Kinh thành công trong việc đưa một trong những quốc gia này vào phạm vi của mình, họ sẽ gây nguy hiểm cho khả năng chỉ huy quân sự của Hoa Kỳ trong một khu vực địa lý quan trọng về mặt chiến lược và mở ra cánh cửa cho sự sắp xếp lại rộng rãi hơn về kiến trúc khu vực với những tác động vượt ra ngoài khu vực Thái Bình Dương”.

Trên khắp khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường khả năng tiếp cận các cảng và các Khu đặc quyền Kinh tế, làm thất bại các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, tăng cường năng lực giám sát và thu thập thông tin tình báo, giảm bớt các đối tác ngoại giao của Đài Loan và thúc đẩy mô hình chính trị của Trung Quốc và phát triển kinh tế, báo cáo cho biết.

Báo cáo viết: “Trung Quốc coi quần đảo Thái Bình Dương là một khu vực có lợi ích chiến lược quan trọng”.

Báo cáo khuyến nghị rằng Washington cần cung cấp một giải pháp thay thế cho hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc để “chống lại các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm lợi dụng lúc khu vực này có quan niệm rằng họ bị xem nhẹ và bị bỏ rơi”.

Khai mạc Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc

Một ngày sau lễ tang của Elizabeth II, các lãnh đạo thế giới sẽ lại tề tựu về New York vào thứ Ba để dự cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Cuộc gặp hàng năm của các nhà lãnh đạo sẽ diễn ra trực tiếp, sau hai năm bị covid làm gián đoạn. Cuộc chiến ở Ukraine, cuộc khủng hoảng năng lượng, và thảm họa khí hậu sẽ bao trùm lên chương trình nghị sự.

Joe Biden có bài phát biểu trước toàn thể Đại Hội đồng vào thứ Tư. Năm 2019, Donald Trump đã nói với LHQ rằng “tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu.” Nhưng năm ngoái, Biden trấn an các lãnh đạo đồng cấp là Mỹ đã “trở lại các diễn đàn quốc tế.” Kể từ đó sự chia rẽ giữa các cường quốc ngày càng sâu sắc; mới tuần trước, Biden đã phải cảnh báo Vladimir Putin về việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân ở Ukraine. Và sự tàn phá của đại dịch đã kìm hãm tiến bộ y tế, giáo dục và mức sống trong hai năm liên tiếp, làm ảnh hưởng xấu đến chương trình nghị sự của LHQ — không chỉ là các mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức này.

Nhật vẫn nới lỏng tiền tệ, đồng yên tiếp tục suy yếu 

Vào thứ Ba, Nhật Bản sẽ lại vượt mục tiêu lạm phát chính thức trong tháng thứ năm liên tiếp. Mức tăng giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống, dự kiến lên mức 3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8, trong khi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) là 2%. Song, ngân hàng trung ương nói nhu cầu vẫn còn quá yếu và tăng trưởng tiền lương quá chậm, nên không phải quá lo về lạm phát kéo dài. Thống đốc Kuroda Haruhiko đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng sẽ duy trì lập trường nới lỏng tiền tệ tại cuộc họp chính sách vào cuối tuần.

Nếu vậy, BoJ sẽ lại tiếp tục đi ngược với ngân hàng trung ương các nước giàu khác. Hầu hết trong số họ đang thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Hiện nay, chênh lệch lãi suất ngày càng tăng đang trở thành một trong những lý do khiến đồng yên Nhật giảm xuống dưới mức 140 yên đổi một đô la Mỹ, mức thấp nhất hai mươi năm qua. Và nó sẽ còn giảm nữa.

Kinh tế Argentina có chút hy vọng

Vào thứ Ba, dữ liệu GDP của Argentina dự kiến cho thấy tăng trưởng đạt hơn 6% trong quý II. Nguyên nhân là giá đậu nành và lúa mì, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Argentina, tăng vì cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ có những khó khăn khác: lạm phát năm có thể lên tới 100% vào cuối năm nay. Nước này cũng nợ IMF hơn 40 tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối gần như cạn kiệt. Còn nhớ hồi tháng 7, bộ trưởng kinh tế Argentina đã từ chức vì đấu đá chính trị của cấp trên của ông. Còn người kế nhiệm ông bị sa thải sau ba tuần làm việc.

Tuy vậy, người đương nhiệm hiện tại, Sergio Massa, đã mang đến hy vọng kể từ khi lên tiếp quản vào tháng 8. Là một nhà điều hành có kinh nghiệm, Massa hứa hẹn giảm thâm hụt ngân sách, như đã thỏa thuận với IMF, và ngừng tốc độ in tiền vốn gây ra lạm phát. Nhưng với áp lực tăng chi tiêu phúc lợi từ một số người trong chính phủ, ông Massa phải đảm bảo làm vừa lòng tất cả các bên.

Nhìn lại 4 năm Canada hợp pháp hoá cần sa

Canada hợp pháp hóa cần sa giải trí vào năm 2018 với hy vọng ngành công nghiệp cần sa phát triển mạnh sẽ thay thế các băng nhóm buôn lậu ma túy. Quy định kiểm soát chất lượng và ghi nhãn liều lượng cũng được đưa ra để đảm bảo an toàn. Trong bối cảnh đó, giá cần sa chính thức và phi chính thức ở Canada dần không còn quá cách biệt. Nhưng các nhà cung cấp chợ đen, những người không phải trả thuế và không tuân theo các quy định nghiêm ngặt, vẫn giữ được lợi thế chi phí, yếu tố quan trọng nhất tác động đến người mua.

Đây là một cơn đau đầu cho Aurora Cannabis, một trong những nhà sản xuất cần sa lớn nhất Canada, dự kiến sẽ báo lỗ vào thứ Ba. Kể từ tháng 3 năm 2019, giá cổ phiếu của công ty này giảm từ hơn 150 đô la Canada (113 USD) xuống dưới 2 đô la Canada. Nhà đầu tư sẽ chăm chú xem xét quyết định mua Bevo Farms, một nhà sản xuất rau và cây trồng trong nhà, vào tháng trước của Aurora. Và cần sa hợp pháp phụ thuộc rất nhiều vào nhà nước: Thượng viện Mỹ đã từ chối dự luật phi tội phạm hoá cần sa, trong khi Đức – với thị trường tiềm năng ước tính 16,6 tỷ đô la – đang cân nhắc hợp pháp hóa.

Tên lửa Nga 

đã tấn công một nhà máy điện hạt nhân Ukraine vào hôm thứ Hai, cách các lò phản ứng chỉ khoảng 300m, theo giới chức Ukraine. Người đứng đầu công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Energoatom mô tả vụ tấn công vào nhà máy điện Pivdennoukrainsk ở vùng Mykolaiv phía nam của đất nước là “khủng bố hạt nhân.” Trong khi đó, Điện Kremlin phủ nhận phạm tội ác chiến tranh ở khu vực đông Kharkiv, nơi người Ukraine đã phát hiện những ngôi mộ tập thể với các tử thi mang bằng chứng bị tra tấn.

Nga và Trung Quốc đồng ý tiến hành nhiều cuộc tập trận chung 

và tăng cường hợp tác quốc phòng, sau một cuộc họp song phương vào hôm thứ Hai. Cụ thể, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tiếp đón Nikolai Patrushev, người đứng đầu hội đồng an ninh Nga, tại tỉnh Phúc Kiến miền đông nam đất nước. Bất chấp những bất đồng gần đây giữa hai nước về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, bộ ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định hai bên “luôn mạnh mẽ ủng hộ nhau trong các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của nhau.”

Mexico: Động đất mạnh như “một lời nguyền” – Bình Phương
19 tháng 9, 2022

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/09/GettyImages-1425321094.jpg

Nhân viên cứu hộ ở Mexico City khiêng một người bị thương do đồ vật rơi trúng trong vụ động đất 7.6 độ Richter xảy ra ở bờ biển Thái Bình Dương phía tây Mexico hôm nay 19 Tháng Chín 2022. Vụ động đất xảy ra trùng ngày với hai vụ động đất kinh hoàng trong lịch sử nước này, Ảnh Cristopher Rogel Blanquet/Getty Images 

Một trận động đất mạnh 7.6 độ Richter đã làm rung chuyển bờ biển Thái Bình Dương phía Tây Mexico vào trưa thứ Hai 19 Tháng Chín, làm ít nhất một người thiệt mạng và báo động địa chấn ở thủ đô Mexico City đúng vào ngày kỷ niệm hai trận động đất kinh hoàng trước đây.

Trận động đất xảy ra lúc 1:05 chiều giờ địa phương, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS). Líc đầu, USGS xác định cường độ của trận động đất là 7.5 độ Richter, tâm chấn có độ sâu 15.1 km (9.4 dặm), cách Aquila 37 km (23 dặm) về phía bắc, giữa ranh giới của các bang Colima và Michoacan nhưng làm rung chuyển cả thủ đô Mexico City cách đó 400 km về phía đông. 

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết qua Twitter rằng Bộ trưởng Hải quân nói với ông có một người đã thiệt mạng ở thành phố cảng Manzanillo, bang Colima khi một bức tường tại một trung tâm mua sắm bị sập.

Ở Coalcoman, Michoacan, gần tâm chấn của trận động đất, nhiều tòa nhà bị hư hại, nhưng không có báo cáo ngay lập tức về thương tích.

Cơ quan Phòng vệ Dân sự Quốc gia của Mexico cho biết dựa trên dữ liệu lịch sử về sóng thần ở Mexico, có thể có các con sóng cao tới 32 inch (82 cm) ở vùng ven biển gần tâm chấn. Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Hoa Kỳ cũng cho biết, các đợt sóng thần nguy hiểm có thể xảy ra tại các bờ biển Mexico ven Thái Bình Dương trong phạm vi 186 dặm (300 km) tính từ tâm chấn. Tuy nhiên, sóng thần đã không xảy ra như lo sợ

Thị trưởng Mexico City Claudia Sheinbaum đăng tweet rằng không có báo cáo về thiệt hại ở thủ đô.

Khoảng một giờ trước khi trận động đất làm rung chuyển nhà cửa, cả nước Mexico đã thực hiện một cuộc diễn tập phòng tránh động đất nhân kỷ niệm các vụ động đất kinh hoàng đã xảy ra trước đây.

***

Trận động đất hôm nay xảy ra trùng ngày với hai trận động đất lớn trong lịch sử Mexico: Trận động đất 8.0 độ Richter gần bờ biển bang Guerrero ngày 19 Tháng Chín năm 1985 đã giết chết ít nhất 9,500 người. Đúng 12 năm sau, hơn 360 người đã chết trong trận động đất mạnh 7.1 độ Richter xảy ra vào ngày 19 Tháng Chín năm 2017.

“Cứ như có một lời nguyền rủa”, cô Isa Montes, 34 tuổi, chuyên viên thiết kế đồ họa ở thủ đô Mexico City nói về thời điểm xảy ra động đất trong lúc máy bay trực thăng bay vòng trên đầu để quan sát thành phố.

Đại học Tự trị Quốc gia Mexico (UNAM) – một cơ sở đào tạo bậc cao có uy tín của Mexico – nói không có lời giải thích khoa học nào về ba trận động đất xảy ra cùng một ngày mà chỉ có thể là trùng hợp ngẫu nhiên. Nhà địa chấn học Paul Earle của USGS cũng nói trận động đất thứ ba vào ngày 19 Tháng Chín ở Mexico chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Không có lý do vật lý hoặc thiên vị thống kê nào về các trận động đất trong bất kỳ tháng cụ thể nào ở Mexico”, ông Earle nói.

Nhưng nhiều người dân Mexico không tin như vậy. “Chính ngày hôm nay. Luôn có chuyện gì đó trong ngày 19 Tháng Chín. Ngày 19 là ngày rủi ro ai cũng phải sợ,” ông Ernesto Lanzetta, một chủ công ty ở Mexico City nói.