Tranh cãi quyết liệt quanh luật chống phá thai của Texas – Bình Phương

Share this post on:

06/9/2021

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/09/GettyImages-1235056281.jpg

Một nhóm người tụ tập ở Times Square ở New York hôm 4 tháng Chín để phản đối luật chống phá thai của tiểu bang Texas. Ảnh Tayfun Coskun/Anadolu Agency via Getty Images. 

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Hai, cho biết họ sẽ không dung thứ cho các cuộc tấn công chống lại những người tìm kiếm hoặc cung cấp dịch vụ phá thai ở Texas, sau khi tiểu bang này ban hành luật cấm gần như toàn bộ việc phá thai – một đạo luật gây tranh cãi mạnh mẽ trong cả nước.

Luật chống phá thai của Texas nói gì?

Luật chống phá thai của Texas, gọi là SB8, nghiêm cấm việc phá thai sau khi bào thai đã được sáu tuần tuổi, bắt đầu có dấu hiệu của tim thai, tức là khoảng hai tuần sau khi thai phụ nhận thấy kinh nguyệt của mình bị trễ – thời điểm mà nhiều bác sĩ cho biết phần lớn thai phụ vẫn chưa biết mình đã có thai. 

Luật không đặt ra ngoại lệ cho các trường hợp bị hiếp dâm hoặc loạn luân.

Luật mới còn cho phép các công dân tư nhân kiện các nhà cung cấp dịch vụ phá thai và bất kỳ ai “hỗ trợ hoặc tiếp tay” giúp một phụ nữ phá thai – kể cả những người đưa một phụ nữ đến phòng khám hoặc cung cấp hỗ trợ tài chính để người phụ nữ đó được phá thai. Những công dân tư nhân thực hiện các vụ kiện như thế không nhất thiết phải có bất kỳ mối liên hệ nào với những người bị họ kiện.

Bất kỳ ai khởi kiện thành công một nhà cung cấp dịch vụ phá thai theo luật này có thể được thưởng ít nhất $10,000. Và để khuyến khích người dân đi kiện lẫn nhau, tổ chức Texas Right to Life đã lập ra một trang web “người tố giác”, nơi mọi người có thể gửi những thông tin ẩn danh về bất kỳ ai mà họ cho là vi phạm pháp luật.

Luật FACE Act của liên bang 

Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay thứ Hai 06 Tháng Chín, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland cho biết, Bộ sẽ “bảo vệ những người tìm cách nhận được hoặc cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản” thông qua một đạo luật liên bang năm 1994 được gọi là Đạo luật Tự do Tiếp cận Phòng khám (Freedom of Access to Clinic Entrances Act – FACE Act).

Đạo luật FACE cấm sử dụng vũ lực và trở ngại vật lý để cản trở một người nhận hoặc cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua và cựu Tổng thống Bill Clinton đã ban hành đạo luật này để đáp trả các vụ bạo lực của những người hoạt động chống phá thai trong những năm 1980 và 1990.

Bộ trưởng Garland nói: “Bộ sẽ cung cấp hỗ trợ từ cơ quan thực thi pháp luật liên bang khi một phòng khám phá thai hoặc trung tâm sức khỏe sinh sản bị tấn công,” và nói thêm rằng ông sẽ “không dung thứ cho bạo lực đối với những người tìm cách tiếp nhận hoặc cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản”.

Bộ trưởng Garland cho biết Bộ Tư pháp sẽ thực thi Đạo luật FACE trong khi “khẩn trương tìm hiểu tất cả các lựa chọn để thách thức Texas SB8 nhằm bảo vệ các quyền hiến định của phụ nữ và những người khác.”

Văn phòng Thống đốc Texas Greg Abbott đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters.

Luật SB8 có hiệu lực vào thứ Tư 01 Tháng Chín tại Texas sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ không hành động để ngăn chặn nó theo yêu cầu của các nhóm bảo vệ quyền phá thai. Điều đó cho thấy các thẩm phán của Tòa án Tối cao đang đi tới gần việc lật ngược phán quyết của chính Tòa trong vụ Roe kiện Wade, một án lệ năm 1973 bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ Hoa Kỳ.

Tổng thống Biden và nỗ lực toàn chính phủ 

Khắp nước, các tổ chức ủng hộ quyền hiến định của phụ nữ và các tổ chức chống phá thai đều tổ chức các cuộc biểu tình tuần hành để vận động cho quan điểm của mình; phản đối hoặc ủng hộ đạo luật mới của Texas.

Trong khi đó, nhiều phụ nữ ở Texas cho biết, luật SB8 đã khiến họ phải tính tới việc đi tới tiểu bang khác để thực hiện việc loại bỏ bào thai ngoài ý muốn.

Về phần mình, hôm 2 tháng Chín, tức là chỉ một ngày sau khi luật SB8 của Texas có hiệu lực thi hành, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đang vận động một “nỗ lực của toàn chính phủ”, bao gồm cả từ cố vấn pháp lý của Tòa Bạch Ốc, để chống lại luật phá thai nghiêm ngặt đó. 

Ông Biden, là một người Công giáo thuần thành, đã gọi luật cấm phá thai sau sáu tuần là một “sự tấn công chưa từng có đối với quyền hiến định của phụ nữ”.

Trong một tuyên bố Tổng thống cho biết ông đang chỉ đạo Văn phòng Cố vấn Tòa Bạch Ốc và Hội đồng Chính sách Giới xem xét những cách thức mà chính phủ có thể sử dụng để “bảo đảm rằng phụ nữ ở Texas được tiếp cận với các dịch vụ phá thai an toàn và hợp pháp … và những công cụ pháp lý nào có thể bảo vệ phụ nữ và người cung cấp dịch vụ khỏi tác động của kế hoạch kỳ lạ của Texas về việc cho phép cá nhân tư nhân khởi kiện họ”.

Đa số người Mỹ cho rằng phá thai nên được hợp pháp hóa cho đến khi thai nhi có khả năng tự sống và họ ủng hộ quyền tự do của phụ nữ đối với cơ thể của mình – một quan điểm được khẳng định trong án lệ Roe vs. Wade. Một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos vào tháng Sáu cho thấy 70% đảng viên Dân Chủ, 35% đảng viên Cộng Hòa và 47% cử tri độc lập đồng ý rằng phá thai nên được hợp pháp hóa trong hầu hết hoặc tất cả các trường hợp.