Trí thức Miền Nam sau 1975 – Nguyễn Gia Việt

Share this post on:

30/4/2021

Tháng 4 năm nay dịch và năm lẻ nên không tổ chức chiến thắng rầm rộ, nhưng đâu đó vẫn nghe đọc ra rả về một ông bác sĩ đã hơn 80 tuổi là trí thức cũ của VNCH và “ở lại” vì yêu quê hương, bản tin nhấn mạnh “ông là đảng viên”.

Khổ thân ông bác sĩ, ông muốn im mà không được, ông muốn thiên hạ quên cũng không xong, vẫn phải bị lôi ra xềnh xệch làm đề tài để chứng minh cho cái gì đó thuộc về chánh trị, tháng 4 nóng quá xá nóng.

Mà suy cho cùng, vai trò của ông là như vậy mà.

Vũ Tài Lục từng viết:

“Phẩm đức của phần tử trí thức nói theo lý tưởng thực là viên ngọc không tì vết.

Tuy nhiên không phải cứ có phẩm đức là có luôn giá trị. Trên chính trị, phẩm đức, giá trị và thân phận là ba vấn đề tách biệt nhau.

Ðó là cái lý do tại sao đôi lúc người ta phải nhận rằng người trí thức không bằng cục c là đúng”

Chúng ta biết Việt Nam Cộng Hòa tồn tại từ 1954 tới 1975 và nó có một vai trò rất sáng giá, chí ít là tới bây giờ người ta nhận xét

Trong 20 năm với hai quốc gia riêng biệt, mỗi miền đã hình thành một sắc thái văn hóa riêng, một nền giáo dục riêng, với những thế hệ thanh niên được đào tạo khác biệt.

Một nhà nghiên cư khẳng định là:

” Một sinh viên được đào tạo trong Nam khác hẳn một sinh viên ngoài Bắc về tinh thần làm việc, về ý thức dân chủ, về ý thức tự do, về quyền làm người, về những giá trị nhân bản, và nhất là một quan niệm về con người. Ðấy là một khác biệt sâu xa, đánh dấu bản sắc con người giữa hai miền mà người ta ít lưu tâm tới”

Trí thức MN giỏi thiệt,toàn du học Tây, Mỹ, toàn học thiệt, nghĩ thiệt và sống thiệt

Sau 1975 thì trí thức MN hoặc di tản, vượt biên, hoặc ra đường đạp xích lô.

Không thể tồn tại trong một môi trường mà thằng dốt ngồi dạy đời, đó là cái sĩ của người có học.

Ông Nguyễn Hiến Lê gọi cán bộ từ Bắc vô Nam là cán bộ 3 D:

“Bọn cán bộ đó nói dài, nói dai, nói dở, gọi là cán bộ ba d.”

Nhưng tại sao vẫn có một vài trường hợp nào đó mà đài báo khen hoài mỗi khi tháng 4 như ông bác sĩ, bà bác sĩ ?

Có lẽ bác sĩ đó giỏi thiệt và sau 1975 trong y tế người ta cần vị đó thiệt, đó là vài trường hợp điển hình hiếm hoi,thực ra để “sử dụng” người đó thì không đơn giản và bản thân người đó cũng không dễ dàng trong giai đoạn đó.

Ông bác sĩ bv Nhi Đồng và bà bs bv phụ sản đều vô đảng sau đó.

Ông bác sĩ bv Nhi Đồng trước 1975 tình nguyện vào quân đội VNCH, cấp bậc của ông tới 1975 là Thiếu tá, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Sau 1975 ông đi cải tạo 2 năm và về bv làm bs tiếp, sau đó tham gia các mặt trận, vào đảng.

Lý do là “yêu quê hương,yêu trẻ em Việt Nam”.

Đừng nghĩ vào đảng là cái gì đó kinh khủng lắm, nó cũng bình thường thôi, hàng triệu đảng viên thì xá gì một hai đảng viên như thế.

Thực ra nói về tình thương cũng có gì đó phải suy nghĩ, nói về lý tưởng cũng phải có gì đó suy tư, nhưng tốt nhứt khỏi suy nghĩ gì cho đơn giản, nói sao thì cứ nghe vậy cho rồi, người ta chỉ muốn vậy thì cứ cho là vậy đi.

Chân lý của một đời người nhiều khi đơn giản là sống bình an,đi hoài chưn cũng mòn,gối cũng mỏi.Trịnh từng nói sao ta? nói vầy:

“Mệt quá thân ta này

tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

mệt quá thân ta này

nằm xuống với đất muôn đời”

Người ta cứ hay lý tưởng hóa những người trí thức thản nhiên bước lên đoạn đầu đài như Nguyễn Thái Học để khẳng định chí khí để thành những hình ảnh đẹp mà quên khen những trí thức biết thời thế.

Người trí thức đa số là loại người thiên hướng về lý tưởng, mặc dầu họ không phải không nhìn thấy thực tế, nhưng nhìn để mà chối bỏ,để mong bắt nó vào lý tưởng cho nên họ rất yếu khi đối diện với sự phũ phàng của thực tế

Để được an bình đôi khi người ta đánh đổi một điều gì đó.

Sau 1975 cũng có nhiều trí thức Miền Nam còn ở lại và làm trong y tế, giáo dục đã sống âm thầm, tận tụy đóng góp tài năng của mình trong cam chịu, gian khổ, bất hạnh và bị lãng quên.

Xét về ý chí của trí thức, chúng ta thấy Kinh Dịch rất thoáng, nếu như Nho gia yêu cầu trí thức phải sống chết với lý tưởng thì Kinh Dịch có một sự uyển chuyển nhứt định.

Kinh Dịch là “Trí huệ và quyền biến”, người trí thức có thể quyền biến theo cách mà mình thấy cần thiết, lên hay xuống, nhẹ nhàng lách hay nép mình để hanh thông, thích đáng, chính và bền

Cho nên ông bs đó đã thích ứng, quan trọng là chánh quyền sau 1975 cũng cần ông, hai bên cần nhau và thích ứng.

Vị bác sĩ nổi tiếng trong một ca mổ dính nhau và sống không điều tiếng gì, giữ đúng cách sống của trí thức “cũ” suy cho cùng vẫn được trân trọng hơn những ông bác sĩ hành nghề bơm mông bơm vú.

Hình ảnh và nhiệm vụ của ông bs cũng có nhiêu đó thôi, gói gọn trong một ca mổ nổi tiếng, suy cho cùng ông cũng có làm gì được để “thay đổi” hệ thống y tế của VN đâu.

Nhưng ông đã đóng góp cho quê hương rồi đó, ông yêu quê hương bằng cách của ông.

Bà bác sĩ phụ sản kia cũng vậy.

Ta gọi là số phận chung của những người trí thức phụng sự, phục tùng, tận tụy sau 1975.

Đôi khi không thể đòi hỏi, kỳ vọng người này phải như người kia trong khi khi sanh ra thì chúng ta đều là những người tách biệt, khác nhau hết.

Trí thức mà không có quyền lực bảo vệ thì không khác gì nàng chinh phụ đứng giữa cơn bão biển. Thành ra ngày xưa Nguyễn Trãi phải đi bộ hàng ngàn cây số tìm vào Lam Sơn tụ nghĩa với Lê Lợi. Trí thức muốn cống hiến đúng khả năng mình phải có minh quân hiểu và giúp sức.

Buồn là buồn lịch sử kìa. Miền Nam không thiếu người tài giỏi, nhưng thiếu một lý tưởng, một ý thức hệ và một giới trí thức cách mạng.

Kết bài sao ta? lòng vòng không biết viết sao để kết thúc nè.

À, nghe nhạc Trịnh đi ha? Ông này phóng chữ luông tuồng nhưng nghe ra cũng hiểu, ổng khôn lắm.

“Không có đâu em này

không có cái chết đầu tiên

và có đâu bao giờ ?

đâu có cái chết sau cùng ?

Tự mình biết riêng mình

và ta biết riêng ta”.

https://www.facebook.com/Conduongthienly.vi/posts/1372342173137212