Việt Nam tối 29/8: Thêm 12.619 ca COVID-19, gần 2.800 ca nặng; nhiều tỉnh vẫn làm khó doanh nghiệp

Share this post on:

Hiểu Minh | DKN 

Ảnh tổng hợp.

Mục lục bài viết

Thêm 12.619 ca COVID-19, Gần 2.800 F0 nặng, 344 ca tử vong

VnExpress – Trong 12.663 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 29/8 có 12.619 ca 38 tỉnh thành, tăng 522 ca so với hôm qua; 8.813 người khỏi bệnh; 344 ca tử vong.

12.619 ca ghi nhận tại: Bình Dương 5.414 ca, TP.HCM 4.957, Long An 533, Đồng Nai 377, Tây Ninh 234, Tiền Giang 155, Đà Nẵng 106, An Giang 103, Đồng Tháp 93, Khánh Hòa 92, Bình Thuận 78, Quảng Bình 58, Bà Rịa – Vũng Tàu 55, Đăk Lăk 52, Nghệ An 50, Cần Thơ 37, Kiên Giang 29, Bến Tre 22, Phú Yên 21, Trà Vinh 20, Bình Phước 18, Quảng Ngãi 14, Bình Định 13, Bạc Liêu 12, Sơn La 11, Hậu Giang 11, Thanh Hóa 11, Thừa Thiên Huế 7, Ninh Thuận 6, Lâm Đồng 6, Cà Mau 5, Vĩnh Long 5, Gia Lai 3, Quảng Nam 3, Đăk Nông 2, Hà Tĩnh 2, Ninh Bình 2, Lào Cai 2. Trong đó có 5.712 ca trong cộng đồng.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Trong ngày 28-29/8, ghi nhận 344 ca tử vong tại: TP.HCM 256, Bình Dương 31, Tiền Giang ngày 28-29/8 là 18 ca, Long An ngày 28-29/8 là 13 ca, Đồng Nai 5, Kiên Giang 4, Vĩnh Long 4, Đà Nẵng 3, Đồng Tháp 3, Tây Ninh ngày 28-29/8 là 3 ca, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc đều một.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 10.749 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới là 2,1%.

Cũng theo VnExpress, TP.HCM đang có 2.758 F0 nặng đang thở máy, 18 trường hợp can thiệp ECMO, trong tổng số 39.611 bệnh nhân đang điều trị ngày 29/8, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC).

Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 49 ca dương tính COVID-19 từ 12h-18h ngày 28/8, liên quan hai chùm ca nhiễm hiện hành, nâng tổng số ca ghi nhận trong ngày lên 133.

Tính từ đầu đợt dịch thứ tư, Hà Nội ghi nhận 3.091 ca nhiễm (không tính số ca tại bệnh viện tuyến trung ương) trong đó có 1.534 ca nhiễm cộng đồng, 1.557 ca ghi nhận tại khu cách ly. Ổ dịch tại Thanh Xuân Trung ghi nhận 256 ca nhiễm từ 23/8 và có xu hướng tiếp tục tăng.

TP.HCM chia sẻ với Đồng Nai 500.000 liều vắc xin Vero Cell của Trung Quốc

Tuoitre – Ngày 29/8, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, đang tổ chức tiếp nhận 500.000 liều vắc xin Vero Cell từ TP.HCM, để tiêm phòng COVID-19 cho người dân Đồng Nai.

Ông Nguyễn Hữu Tài – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh cho hay, việc TP.HCM chia sẻ 500.000 liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm do Trung Quốc sản xuất đã được Bộ Y tế đồng ý.

Lãnh đạo Sở Y tế cho hay dịch bệnh ở địa bàn còn phức tạp, có nhiều “vùng đỏ” và đang thiếu vắc xin nên Bộ Y tế đã phân bổ thêm vắc xin Vero Cell để tiêm phòng cho người dân.

Thủ tướng đã yêu cầu bỏ ‘giấy phép con’, nhiều tỉnh vẫn làm khó doanh nghiệp

Thanh Niên – Ngày 29/8, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, đã tiếp nhận thông tin về việc doanh nghiệp vận tải muốn vận chuyển hàng hóa vào tỉnh Cà Mau phải xét nghiệm nhanh và sau khi giao hàng xong lại phải tiếp tục xét nghiệm (mặc dù giấy xét nghiệm vẫn còn hiệu lực trong 72 giờ).
Quy định này khiến nhiều tài xế không muốn vận chuyển hàng hóa đi Cà Mau.

Để thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa được lưu thông kịp thời, thông suốt trong thời gian này, Tổng cục Đường bộ đề nghị UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan tại các chốt kiểm soát COVID-19 thực hiện nghiêm các Công điện số 1102/CĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và Công điện số 12/CĐ-BGTVT của Bộ trưởng GTVT.

Theo đó, Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị các tỉnh, thành rà soát, bãi bỏ các văn bản do địa phương đã ban hành còn có nội dung chưa thống nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải, vừa đảm bảo tính thống nhất với các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT.

Cụ thể, ngày 27/8, xe mang biển số 51D-627.06 và trường hợp xe mang biển số 51C-279.62 đã có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ và giấy bảo lãnh của Công ty Đông Hưng (Gia Lai) để giao hàng, nhưng các chốt kiểm soát không cho vào.

Chiều qua, 28/8, Tổng cục Đường bộ cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm Công điện số 1102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 12/CĐ-BGTVT của Bộ trưởng GTVT.

Trước đó, Bộ GTVT đã nêu đích danh 8 địa phương đưa ra các quy định khác nhau, gây ách tắc trong kiểm soát, lưu thông hàng hoá

Đồng Nai: Kiểm tra cơ sở hỏa táng, việc cấp nước, thi công xây dựng tại nhiều tỉnh phía Nam

Tuoitre – Trong 2 ngày qua, tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng làm tổ trưởng đã kiểm tra tại TP.HCM, tỉnh Đồng Nai. Trong hôm nay và ngày mai, tổ công tác sẽ tiếp tục kiểm tra tại hai tỉnh Bình Dương, Long An.

Bên cạnh việc kiểm tra bảo đảm các cơ sở hỏa táng, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước sạch, thu gom xử lý rác thải, việc vận hành hệ thống cơ điện trong các khu nhà ở, chung cư cao tầng, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra việc xây dựng các công trình bệnh viện dã chiến, công trình phục vụ phòng chống dịch khẩn cấp và việc thi công công trình xây dựng trong vùng dịch.

Kiểm tra việc triển khai xây dựng, cải tạo bệnh viện dã chiến và tình hình hoạt động của các cơ sở hỏa táng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tổ công tác của Bộ Xây dựng lưu ý dù các ca nhiễm tại Đồng Nai chưa cao nhưng tỉnh phải đề phòng tình huống các ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian tới, gây áp lực cho các bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, cơ sở hỏa táng và hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.

Shipper phải xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày: Lo tài xế đồng loạt nghỉ chạy

Thanhnien – Chiều 28/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM về việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Theo phương án dự kiến, số lượng shipper được phép hoạt động sẽ tăng lên với yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày ở những vùng vùng cam, vùng đỏ, và từ 2-3 lần/ngày đối với vùng xanh. Trước đó, Sở Công thương TP cũng đề xuất huy động 25.000 shipper vận chuyển hàng hóa an toàn, và chỉ cho phép shipper đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 13/8 trở về trước được tham gia lưu thông, cung ứng hàng hóa.

Về phía tài xế, việc yêu cầu xét nghiệm mỗi ngày gây nhiều bất tiện. “Những tài xế phải hoạt động thời điểm này, vì kinh tế quá khó khăn mới phải chấp nhận ra đường. Rủi ro cao, giá cước không được tăng, lại còn thêm bao nhiêu thủ tục, quy định bất tiện thì chúng tôi lo họ thà ở nhà còn hơn” – ông Linh nói.

Lũ quét trong đêm làm chìm hàng chục tàu cá

Zingnews – Sáng 29/8, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, đang kiểm kê thiệt hại, khắc phục hậu quả của trận lũ quét xảy ra trên địa bàn thị xã La Gi.

Khoảng 21h ngày 28/8, lũ tại khu vực hạ lưu sông Dinh, đoạn chảy ra cửa biển thị xã La Gi, đã nhấn chìm khoảng 25 tàu cá, một xà lan. Nhiều tàu cá khác bị hư hỏng, trôi dạt.

Nguyên nhân ban đầu có thể do mưa lớn ở đầu nguồn, kết hợp với thủy triều xuống làm nước chảy mạnh.

Ngoài ra, do dịch bệnh trên địa bàn thị xã La Gi diễn biến phức tạp, tàu cá bị cấm ra khơi nên tập trung neo đậu khu vực hạ lưu sông Dinh, cửa biển La Gi rất lớn làm cản trở dòng chảy. Khi thủy triều đang xuống kết hợp lũ quét, nhiều tàu cá không thể di chuyển ra biển tránh lũ.

Theo DKN.TV