Đại án ‘chuyến bay giải cứu’: Ba bị cáo bị tuyên y án chung thân; Công ty Keyhinge Toys VN cho 1250 công nhân nghỉ việc 26/12/2023; Chính phủ Nhật viện trợ gần 250.000 USD cho ba dự án tại Việt Nam
Quê Hương tổng hợp
Đại án ‘chuyến bay giải cứu’: Ba bị cáo bị tuyên y án chung thân
BBS News – 27/12/2023
Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên cùng cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan và cựu Phó Trưởng phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an Vũ Anh Tuấn đều bị tuyên y án chung thân.
Tòa án phúc thẩm đại án “chuyến bay giải cứu” tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với 21 bị cáo.
Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Phạm Trung Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Kiên đã lợi dụng chức vụ được giao để làm khó các bên tham gia thực hiện các chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu.
Các hành vi của ông Kiên, bà Lan và ông Tuấn bị cho là “xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong nhân dân”.
Theo bản án phúc thẩm, bị cáo Kiên và bị cáo Tuấn có hành vi “sách nhiễu”, đưa ra giá “chung chi” và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép.
Bị buộc tội là người nhận số tiền hối lộ lớn nhất là 42,6 tỷ đồng, ông Kiên không được chấp nhận kháng cáo và bị tuyên y án chung thân. Bị cáo Kiên mới đây đã nộp thêm 400 triệu đồng khắc phục, sau khi đã nộp lại 42,2 tỉ đồng trước đó.
Còn bà Lan bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng của các doanh nghiệp. Tại phiên phúc thẩm, bà Lan nói mình đã khắc phục số tiền tổng cộng là 6,2 tỷ, trên tổng số 25 tỷ đồng nhận hối lộ.
Báo Thanh Niên Online dẫn lời Hội đồng xét xử đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ, ngành. Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin – cho buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ.
Bên cạnh đó, bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), cũng bị tuyên y án sơ thẩm chín năm tù về tội nhận hối lộ.
Tòa cũng tuyên y án sơ thẩm bị cáo Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa, 16 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai năm tù về tội đưa hối lộ.
Trong số các bị cáo được tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm có ông Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), người được giảm từ chung thân xuống còn 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng chung một tội nhận hối lộ, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị quy kết nhận hối lộ số tiền 21,5 tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp. Tòa sơ thẩm tuyên ông Dũng 16 năm tù nhưng tòa phúc thẩm đã giảm án cho ông hai năm. Cuối cùng, cựu Thứ trưởng Dũng lãnh 14 năm tù.
Ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng được giảm án một năm tù so với án sơ thẩm nên ông Tân chịu 5 năm tù giam.
Ngoài ra, hầu hết các bị cáo trong nhóm doanh nghiệp phạm tội đưa hối lộ có kháng cáo đều được tòa phúc thẩm chấp nhận giảm một phần mức án.
Nguồn hình ảnh, ANH TUC/AFP qua Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng trong phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội ngày 28/7/2023
Hồi tháng 7, sau khi diễn ra phiên sơ thẩm, nhà báo David Hutt, người chuyên viết trong mục ‘Đông Nam Á’ của tờ The Diplomat, bình luận rằng đại án “chuyến bay giải cứu” cho thấy chiến dịch ‘đốt lò’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn tham nhũng.
“Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự – đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy,” David Hutt nhận xét. “Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng.”
Bình luận về phiên sơ thẩm trước đó, nhà văn Trần Quốc Quân từ Ba Lan cũng cho rằng phiên tòa “mới chỉ giải quyết phần nổi của tảng băng”.
“Phần nổi của tảng băng này là quan hệ giữa doanh nghiệp đưa hối lộ và quan chức nhận hối lộ có quyền cấp phép cho các ‘chuyến bay giải cứu’. Phần chìm của tảng băng này là quan hệ giữa các quan chức có quyền duyệt danh sách công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài được ‘giải cứu’ về nước trong đại dịch Covid-19.”
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c29y0nxnpdwo
Công ty Keyhinge Toys VN cho 1250 công nhân nghỉ việc
26/12/2023
Công ty Cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam tại Đà Nẵng
Báo Lao Động
Chừng 1250 công nhân làm việc cho Công ty Cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng vào ngày 25/12 nhận được thông báo nghỉ việc ba tháng.
Truyền thông Nhà nước loan tin cho biết Công ty Keyhinge Toys VN gửi thông báo đến các cơ quan chức năng và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao & các khu Công nghiệp Đà Nẵng (gọi tắt là Ban Quản lý) về quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh trong ba tháng kể từ ngày 3/1/2024. Lý do vì tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn.
Đối với số công nhân bị cho nghỉ việc như vừa nêu, công ty tặng quà công đoàn bình quân mỗi người 150.000 đồng; những người lao động có mặt làm việc tại công ty đến ngày 31/12/2023 được thưởng tết âm lịch Giáp Thìn theo mức sau: người làm việc đủ 12 tháng trong năm và ít nhất 13,5 đến 14 ngày công/tháng được một tháng lương, người làm không đủ 12 tháng trong năm 2023 mức thưởng là lương giờ x 208 x số tháng làm việc thực tế.
Nhiều công nhân tại Công ty Cổ phần Keyhinge Toys phản ứng về việc bị yêu cầu dừng việc vào thời điểm cận năm mới dương lịch, cũng như trước tết âm lịch. Họ lo nhiều khoản trợ cấp sẽ bị mất.
Liên đoàn Lao động Thành phố Đà Nẵng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Công ty Cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam tổ chức đối thoại với người lao động với sự tham dự của cơ quan chức năng. Mục đích nghe công nhân trình bày hết tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất nhằm tránh xảy ra việc tụ tập đông người tạo thành điểm nóng.
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, hàng chục công nhân của Công ty Cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam cũng tập trung trước trụ sở nhà máy để phản đối vấn đề nợ lương tháng 12 vào dịp cận tết âm lịch.
Công ty Cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm đồ chơi và trò chơi. Tổng số lao động của công ty là 1.312 người. Công ty được cấp giấy phép đầu tư ngày 14/9/1998.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào cuối tháng 11/2019 loan tin UBND TP Đà Nẵng có tờ trình gửi Hội đồng Nhân dân xem xét, bổ sung nội dung vui chơi giải trí có hoạt động cá ngựa vào nghị quyết điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó Công ty Cổ phần Keyhinge Toys là nhà đầu tư dự án CLB cưỡi ngựa được phép kinh doanh hoạt động cá cược với tổng vốn dự kiến 200 triệu USD.
Pháp nhân gián tiếp sở hữu 100% vốn của Công ty Cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam là Tập đoàn Matrix Holdings của Trung Quốc.
Người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc là ông Cheng Yun Pun, hộ khẩu thường trú ở Ma Cao, nhưng mang quốc tịch Bồ Đào Nha.
Chính phủ Nhật viện trợ gần 250.000 USD cho ba dự án tại Việt Nam
Tổng Lãnh sự Nhật Bản Ono Masuo (bên phải) và ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tại lễ ký kết. (Ảnh: sggp.org.vn)
Chính phủ Nhật Bản viện trợ 250.000 USD để xây cầu, trang thiết bị y tế cho 2 tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa.
Ngày 26/12, lễ ký kết hợp đồng viện trợ của Chính phủ Nhật Bản cho địa phương các tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa đã diễn ra tại Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở TP.HCM.
Đây là hợp đồng viện trợ thuộc Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (GGP) của Nhật Bản, với tổng trị giá 245.778 USD cho ba dự án tại các tỉnh Kiên Giang và Khánh Hòa.
Theo đó, tại tỉnh Kiên Giang, Chính phủ Nhật viện trợ dự án xây dựng 3 cây cầu giao thông nông thôn tại hai xã thuộc huyện An Biên, với tổng trị giá 83.247 USD.
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Ono Masuo khẳng định việc xây dựng cầu giúp đảm bảo việc đi lại an toàn, đồng thời tạo điều kiện vận chuyển nông sản, hàng hóa, góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện An Biên cũng nhận viện trợ là các trang thiết bị y tế, bao gồm một máy siêu âm Doppler màu, một máy đo chức năng hô hấp, năm máy điện tim 3 cần và một hệ thống kéo giãn cột sống lưng và cổ, có tổng trị giá 83.416 USD.
Tại Khánh Hòa, Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh cũng nhận được một máy siêu âm trị giá 79.115 USD cho các xét nghiệm bệnh lý chuyên khoa tim mạch.
Ông Phạm Tấn Đức, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diên Khánh, nói siêu âm tim và mạch máu là một kỹ thuật cao so với một trung tâm y tế huyện, nhưng đây là nhu cầu hết sức cấp thiết, tạo điều kiện cho các đối tượng có thu nhập thấp và yếu thế trong xã hội dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến với chi phí thấp.
Chương trình viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở (GGP) là chương trình viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.
Kể từ năm 1995 đến năm 2022, Nhật Bản đã viện trợ cho 219 dự án tại 26 tỉnh thành phía Nam Việt Nam, với tổng trị giá 17.652.694 USD, chủ yếu trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn…
Minh Long
Nguyễn Văn Tuấn – Những cây cầu miền Tây và nhà tài trợ
26/12/2023
Là công dân Úc tôi rất vui khi thấy cây cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành ngày hôm qua.
Cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế theo kiểu dây văng, giông giống như Cầu Mỹ Thuận. Cầu Mỹ Thuận 2 rộng 25 m, dài khoảng 1.900 m, với 6 làn xe cao tốc.
Hai mươi ba năm trước, Chánh phủ Úc tài trợ và thiết kế Cầu Mỹ Thuận. Cầu này dài ~1500 m, và bề ngang cũng 23 m. Lúc đó, Cầu Mỹ Thuận tốn gần 91 triệu AUD, và Chánh phủ Úc tài trợ 2/3. Đây là cây cầu đầu tiên do Úc tặng cho dân miền Tây.
Nhìn chung, so với Cầu Mỹ Thuận 23 năm trước thì Cầu Mỹ Thuận 2 dài hơn và đẹp hơn. Báo chí cho biết đây là cây cầu do Việt Nam tài trợ, thiết kế, và thi công.
Cầu Cao Lãnh cũng là một cây cầu quan trọng ở miền Tây. Cầu Cao Lãnh dài chừng 2.000 m và bề ngang 24 m. Cầu này cũng do Úc tài trợ không hoàn lại (7.500 tỉ đồng hay ~340 triệu USD). Cầu này được khánh thành năm 2018.
Tưởng cần nói thêm là bốn năm trước (2019), Cầu Vàm Cống cũng bắt đầu hoạt động. Đây là cây cầu khá dài (gần 3.000 m). Cầu này do Hàn Quốc tài trợ, thiết kế, và cùng với Việt Nam thi công. Cầu Vàm Cống tốn gần 5.700 tỉ đồng, hay khoảng 250 triệu USD.
Từ Sài Gòn về quê tôi ở Kiên Giang trước đây mất khoảng 6-7 giờ đồng hồ. Ngày nay, nhờ mấy cây cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Mỹ Thuận, Mỹ Thuận 2 đã rút ngắn xuống còn 4 giờ. Vẫn là một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu có những con lộ cao tốc như ngoài Bắc thì tôi nghĩ đoạn đường 260 km này chỉ còn 3 giờ. Hy vọng ngày đó sẽ không xa.
Hôm qua, nhiều người trong quê tôi đi chứng kiến lễ thông xe Cầu Mỹ Thuận 2. Nếu không ra thăm bệnh viện tôi cũng đã đi xem ngày lịch sử đó. Dù sao đi nữa, tôi thấy mình vui trong bụng vì biết rằng tiền thuế của mình đã giúp Chánh phủ Úc giúp đỡ dân miền Tây.
PS: Không hiểu sao khi tôi nói chuyện với nhiều tài xế và người dân ở đây, hầu như chẳng ai biết đó là những cây cầu do Úc, Hàn, Nhật (cầu Cần Thơ) tài trợ. Họ nhứt định nói đó là những cây cầu do Việt Nam thiết kế, thi công và tài trợ. Hmm.
NGUYỄN VĂN TUẤN 26.12.2023
Thêm cầu qua sông Tiền, cao tốc từ Sài Gòn được kéo dài đến Cần Thơ
26/12/2023
Cầu Mỹ Thuận 2 vừa được khánh thành nối vào tuyến cao tốc cũng vừa được xây xong giúp kéo dài đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, rút ngắn thời gian đi lại giữa hai thành phố này từ 4 xuống còn 2 tiếng, báo chí trong nước loan tin.
Đây là tuyến đường song song với Quốc lộ 1 – trục đường xương sống của đồng bằng sông Cửu Long nối Tp.HCM đến tận Cà Mau – nhưng cho phép xe cộ lưu thông xuyên suốt với tốc độ cao.
Trước khi có cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc này, từ Tp.HCM chỉ có thể di chuyển bằng cao tốc đến cây cầu Mỹ Thuận đầu tiên trên hai đoạn cao tốc đã được đưa vào sử dụng trước đó.
Việt Nam xây dựng tuyến đường cao tốc dẫn đến miền Tây theo kiểu cuốn chiếu, bắt đầu là Sài Gòn-Trung Lương, sau đó xây tiếp từ Trung Lương đến Mỹ Thuận, và giờ đây là từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ với cầu Mỹ Thuận 2 được xây riêng cho cao tốc.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, song song với cầu Mỹ Thuận ban đầu, và nối từ tỉnh Tiền Giang sang tỉnh Vĩnh Long, còn cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ đi từ tỉnh Vĩnh Long qua Đồng Tháp đến Cần Thơ.
Hai công trình này đã được làm lễ khánh thành hôm 24/12 với sự có mặt tại chỗ của các phó Thủ tướng Lê Minh Khái phía bờ Tiền Giang và Trần Lưu Quang phía bờ Vĩnh Long, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu qua cầu truyền hình, tờ Tuổi Trẻ cho biết.
Đến 7h sáng ngày 25/12, cả cầu và đường cao tốc đều đã được cho chính thức lưu thông.
Cầu Mỹ Thuận 2 chỉ cách cầu Mỹ Thuận đầu tiên 350 mét với tổng chiều dài 6,6 km, trong đó phần đường dẫn dài 4,7 km còn phần cầu chính dài 1,9 km. Chiều rộng phần đường cho xe chạy là 25 mét với 6 làn xe có vận tốc thiết kế 80km/h.
Tổng mức đầu tư cầu Mỹ Thuận là 5.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, được xây dựng trong hơn 3 năm kể từ tháng 8/2020. Sau 23 năm kể từ khi cầu Mỹ Thuận hiện hữu được khánh thành, vốn là cây cầu đầu tiên bắc qua các nhánh sông Cửu Long ở Việt Nam, giờ đây Việt Nam mới xây được cầu Mỹ Thuận 2.
Khác với cầu Mỹ Thuận đầu tiên và cầu Cần Thơ do Úc và Nhật lần lượt tài trợ và xây dựng, cầu Mỹ Thuận 2 được báo chí trong nước ca ngợi ‘hoàn toàn do kỹ sư Việt Nam thiết kế, giám sát và thi công’.Trong khi đó, tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ được khởi công hồi tháng 1 năm 2021. Nó có chiều dài gần 23 km với quy mô thiết kế 4 làn xe và vận tốc thiết kế 90km/h. Dự kiến khi hoàn thiện, nó sẽ có 6 làn xe với vận tốc 100km/h. Tổng mức đầu tuyến cao tốc này là 4.826 tỉ đồng.
Phát biểu thông qua cầu truyền hình tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính được Tuổi Trẻ dẫn lời nhấn mạnh cầu Mỹ Thuận 2 do Việt Nam xây ‘quy mô hơn, dài hơn, cao hơn, rộng hơn và chi phí tiết kiệm hơn’ so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu do Úc xây trong quá khứ.
Ông Chính nói thêm rằng với tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, chiều dài đường cao tốc ở Việt Nam đã lên tới 1.900 km và hiện đang có 1.700 km khác đang được thi công.
Sau khi kéo dài đường cao tốc đến Cần Thơ, Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ xây tiếp cao tốc từ Cần Thơ đến Cà Mau với một cây cầu mới bắc qua sông Hậu dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2026 với tên gọi cầu Cần Thơ 2.
Đặng Sơn Duân – VinFuture, đế chế Phù Nam hay là tương lai của Việt Nam
(Mượn giật tít câu view thôi, chứ không có ý gì)
Tuần trước, VinFuture tổ chức lễ trao giải. Phần đông dư luận nếu không chú ý đến cô ca sĩ Kate Perry, thì cũng hân hoan với giải thưởng vinh danh một vị giáo sư người Việt.
Hoặc cơn lên đồng tự hào quen thuộc, như kiểu sự có mặt của các nhà khoa học lỗi lạc lập tức đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc khoa học tiên tiến. Tương tự chuyện anh Hoàng Nhân Huân sang đá tô phở vỉa hè, tợp ly chuối hột là Việt Nam một bước trở thành trung tâm vi mạch thế giới.
Tuy nhiên, nhìn những giải thưởng được trao ở VinFuture, tôi không khỏi có một sự liên tưởng nhất định đến một câu chuyện khác. Không may đó là một câu chuyện buồn!
Không rõ đó có phải là ý đồ của ban tổ chức hay chỉ là sự chắp vá chủ quan những thứ ngẫu nhiên, nhiều khả năng chỉ là góc nhìn khiên cưỡng của tôi. Nhưng những giải thưởng được trao dường như hướng suy nghĩ của tôi về một điều duy nhất: Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể coi giáo sư Võ Tòng Xuân là gương mặt đại diện cho Đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể hơn là vựa lúa ở vùng đất này. Từ khóa còn lại là biến đổi khí hậu, ngoài một giải thưởng về y tế và một thứ khác liên quan nhiều đến Vin là pin Lithium-ion.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những cuộc trao đổi với khá nhiều nhà ngoại giao và học giả, họ đều nói với tôi hãy chú ý đến Mê Kông, nó có thể sẽ là Biển Đông thứ hai.
Điều gì đang bị đe dọa ở đồng bằng sông Cửu Long? Trước hết đó là biến đổi khí hậu và thứ hai đó là âm mưu thông đồng tước đoạt vựa lúa của Đông Nam Á khỏi tay Việt Nam.
Không có nhiều điều chúng ta có thể làm được đối với biến đổi khí hậu, dường như có một sự bất lực và vô vọng nhất định khi nhìn về tương lai. Dù sao đối với những người nông dân, vài chục năm thường vẫn là một tương lai quá xa vời.
Quan trọng hơn là âm mưu nhằm đẩy nhanh sự suy kiệt của đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ dừng lại ở mục đích lưu thông đường thủy, dự án như kênh Phù Nam còn ẩn chứa những mưu đồ lớn hơn. Những thông tin về Phù Nam vẫn còn mập mờ, nhưng không khó để tưởng tượng nó sẽ được hình thành với những kênh rạch hình mang cá dọc theo đó để bồi đắp một vùng canh tác, với cái giá phải trả của đồng bằng sông Cửu Long.
Do vậy, âm mưu này thâm độc ở chỗ nó không chỉ đẩy nhanh quá trình biến đổi của đồng bằng sông Cửu Long mà còn nhằm thay thế nó. Đúng hơn là tước đoạt vựa lúa của Đông Nam Á ra khỏi tay Việt Nam, với bàn tay lông lá của kẻ mà ai cũng biết là ai đó.
Mất vựa lúa này không chỉ mất đi an ninh lương thực, sinh kế của hàng triệu người dân về trồng trọt, thủy sản và du lịch, mà còn cả đòn bẩy địa chính trị quan trọng của đất nước. Cuộc khủng hoảng lúa mì trong chiến tranh Ukraine cho ta thấy lương thực không đơn giản chỉ là một hàng hóa, mà còn là nguồn tạo ra sự ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Ứng phó với mối đe dọa được ví như chiếc đinh cuối cùng đóng vào nắp quan tài này đòi hỏi một chiến lược phức tạp và toàn diện. Tuy nhiên, những thứ đang bị đe dọa là sinh kế của khoảng 20 triệu dân, nếu kết hợp với những tác động của biến đổi khí hậu.
Nhìn về tương lai lâu dài, lựa chọn không thể tránh khỏi là phải giải quyết hai vấn đề: Chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng triệu dân và tìm một đòn bẩy địa chính trị mới.
Câu trả lời cho cả hai vấn đề quốc sách này chính là công nghệ cao. Cũng chính là lý do khiến tôi nghĩ ngợi VinFuture có một ý đồ nào đó trong cách họ trao giải, khi một giải thưởng là về Lithium-ion. Nói một cách công bằng Vin có một tầm nhìn và nỗ lực chuyển đổi đáng ghi nhận, để bắt đầu tạo ra nhận thức và định hình tương lai này. Chiếm lĩnh lãnh vực xe điện và những công nghệ kèm theo không phải là một ý tưởng tồi và bất khả thi, chỉ tiếc là cách làm còn có khá nhiều vấn đề.
Chìa khóa thứ hai mà người ta có thể nghĩ ra có lẽ là vi mạch và đất hiếm, những từ khóa hot trong năm nay. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm, hơn nữa chẳng có riêng gì Việt Nam thèm muốn. Ngồi trên trữ lượng đất hiếm cũng chẳng có ích gì nếu không có công nghệ và nguồn lực để khai thác nó. Sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược cũng chẳng có ích gì nếu không có một nguồn nhân lực lành nghề, trình độ cao và nền khoa học ở một trình độ nhất định.
Vì thế, thay vì tập trung xem Jensen Huang ăn gì uống gì, hay Kate Perry hát hò thế nào, thứ quan trọng hơn cần phải tập trung là nền giáo dục. Đó mới chính là thứ hệ trọng nhất đằng sau những chuyện này. Đáng tiếc nhìn vào hiện trạng của ngành giáo dục nước nhà, người ta chẳng có nhiều lý do để mà hy vọng.
Sự xuất hiện các nhà khoa học và công nghệ nổi bật ít nhất giúp khơi gợi lên một chút đam mê và nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ. Nhưng đam mê và sự đổi mới chỉ có thể phát triển trên nền tảng vững chắc của một hệ thống giáo dục mạnh mẽ. Nếu không tập trung vào vấn đề gốc rễ là đầu tư vào giáo dục và đào tạo một cách nghiêm túc thì tất cả cũng chợt đến rồi chợt đi, như cách cô Perry khoác nguyên bộ đồ diễn ra sân bay mà thôi!
Chút cảm nghĩ những ngày cuối của một năm nhiều sự kiện!
ĐẶNG SƠN DUÂN 26.12.2023
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình bị bắt
RFA
25/12/2023
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
An Ninh Thủ đô
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, vào ngày 24/12 bị khởi tố và bị bắt giam. Căn cứ của các biện pháp này được cho biết vì ông Nguyễn Thanh Bình có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” thao khoản 3, Điều 356 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) thuộc Bộ Công an Việt Nam vào ngày 25/12 thông báo các biện pháp vừa nêu và cho biết đây là diễn biến mới trong quá trình điều tra vụ án “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu- Tổng 68; Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.
Cơ quan CSĐT xác định rằng ông Nguyễn Thanh Bình, sinh nhăm 1964, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Trung Hậu-Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chở Mới, tỉnh An Giang. Điều này khiến tài sản Nhà nước bị thiệt hại nhiều.
Trong vụ án này, vào ngày 24/8 năm nay, cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, về tội “nhận hối lộ”; khởi tố Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Việt Trí và 17 người khác.
Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu- Tổng 68 bị cho thu lời bất chính 253 tỷ đồng qua việc khai thác các vượt trữ lượng được cấp phép.
Hồi ngày 10 và 14/8/2023, cơ quan CSĐT thuộc Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”; xảy ra tại Công ty Trung Hậu và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 18 đối tượng về 5 tội danh.
Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại Điều 227 và tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự đối với ba người gồm ông Lê Quang Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc); Võ Truyền Thống (Phó Tổng Giám đốc) và Nguyễn Tấn Lịnh (Giám đốc điều hành mỏ Công ty Trung Hậu 68).
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự, đối với 6 người gồm các ông Lê Trọng Hải (Phó Tổng Giám đốc); Hoàng Hải Thụy (Phó Tổng Giám đốc); Trần Anh Tuấn (Giám đốc Dự án) và các nhân viên Công ty Trung Hậu 68 gồm: Nguyễn Minh Thơi, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nhân.
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” quy định tại Điều 203, Bộ luật Hình sự đối với ông Từ Quãng Xuân, Giám đốc Công ty Phước Xuyên.
Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ” quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự đối với 7 người gồm các ông Huỳnh Văn Thái (Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang); Trần Văn Hải (Giám đốc Trung tâm Quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) và các nhân viên Trung tâm gồm: Trương Minh Tâm, Thái Thành Quý, Lê Nhựt Trường, Nguyễn Văn Thọ và Bùi Minh Tuân (Phó Giám đốc Công ty Nam