26-10 Ngày Quốc Khánh đệ Nhất Cộng Hòa: Tưởng nhớ Tổng thống Ngô Đình Diệm – Phạm Văn Duyệt (*)

Share this post on:

26/10/2023

Mới đó mà đã 60 năm Tổng Thống Diệm từ giả cõi đời. Hình ảnh một nhà lãnh đạo khiêm cung hiền hậu trong những lần thăm viếng đồng bào khắp mọi miền đất nước, với giọng nói ôn tồn niềm nở vẫn còn văng vẳng đâu đây. Mỗi lần chợt nhớ những giây phút cuối cùng đầy nghiệt ngã của Ông trên chiếc thiết vận xa mà mấy ai không khỏi chạnh lòng buồn bã xót xa cho số phận oan khiên của Vị Tổng Thống yêu nước thương dân.

Từ hằng chục năm qua, đã có rất nhiều tác giả viết về Ngô Đình Diệm. Lắm người bênh vực ngợi ca, ngược lại thành phần chê bai phê phán cũng không ít.

Bài viết này xin mạo muội ghi lại vài nhận định bao quanh cuộc đời của Tổng Thống Diệm, như một nén hương lòng tưởng nhớ công ơn của Người sáng lập nền Cộng Hòa Việt Nam. Trong tận lòng thành của một công dân tầm thường, xin cầu nguyện cho Ngài và Bào Đệ bình an trên Nước Thiên Đàng.  

1. Thành quả của Tổng Thống Diệm: 

Tháng 6/1954, Ông Diệm chấp nhận lời mời của Cựu Hoàng Bảo Đại trong cương vị Thủ Tướng.

Đứng trước muôn ngàn thử thách, Ông đã dốc sức làm việc suốt ngày đêm để ổn định tình hình đất nước. Chỉ sau 1 năm, miền Nam đòi lại độc lập từ tay Pháp, họ chấp nhận rút quân.

Về đối nội, an ninh trật tự được vãn hồi. Cuối 1954, ngăn chặn mưu toan đảo chánh của Tướng Nguyễn Văn Hinh, dẹp loạn Bình Xuyên và các giáo phái. Nhiều đoàn thể cùng phe phái chính trị đồng thanh ủng hộ chính phủ còn non trẻ. Hơn 1 triệu đồng bào di cư bày tỏ lòng biết ơn và an tâm hội nhập vào vùng đất mới.

Trước thành công ngoạn mục đó, Thủ Tướng Diệm tuyên bố thành lập nền Đệ Nhứt Cọng Hòa vào ngày 26/10/1955. Chính phủ dồn mọi nỗ lực canh tân đất nước: lập khu dinh điền, khu trù mật, cải cách điền địa và xây dựng hàng rào ấp chiến lược, ngăn cộng quân xâm nhập xóm làng.

Như một phép mầu, miền Nam bắt đầu thăng hoa phát triển về mọi mặt: nội trị, ngoại giao, pháp luật, kinh tế, tài chánh, giáo dục, y tế.  Xây dựng nền văn học nghệ thuật nhân bản. Thành thị nông thôn vang rộn tiếng cười niềm vui. Suốt hơn 5 năm không hề nghe bom đạn. Saigon trở thành chốn phồn hoa đô hội, xứng danh là Hòn Ngọc Biển Đông. Saigon đẹp lắm Saigon ơi! Từ thành thị tới thôn quê, đồng bằng tới cao nguyên, hay Quảng Trị tới Cà Mâu, đâu đâu cũng đượm vẽ thanh bình.

Đúng là một thành quả rực rỡ, tưởng chừng khó có ai làm được. Nhà Văn Phan Khôi, tác giả Tình Già, được coi như người đầu tiên khởi xướng trường thơ mới. Ông nổi tiếng bộc trực, thẳng tính, ăn ngay nói thật, có con mắt tinh đời, nhìn xa hiểu rộng, nhận định sắc bén ít ai dám tranh cãi. Với tài năng hiếm hoi đó, ngay từ 1935 Ông không ngần ngại phát biểu: “Thật, chúng tôi nói 50 năm nay mới có một người như Ông Ngô Đình Diệm, không phải là nói quá”, (Báo Tràng An, 29/3/1935).

Riêng nhà sử học Nguyễn Đình Đẩu thì cho rằng: “Ông Diệm là một người yêu nước và có công. Vào năm 1955, từ Pháp trở về, tôi thấy Ông Diệm có những hoạt động rất tích cực trong việc xây dựng lại xã hội đang sa sút lúc bấy giờ trên nhiều phương diện. Về kinh tế đang nhập cảng gạo mà chỉ sau vài năm đã phát triển nông nghiệp, xuất cảng được 300.000 tấn. Về văn hoá tiến bộ khá rõ, xây dựng được hệ thống giáo dục theo chương trình của người Pháp và phương pháp của Hoa Kỳ. Một thời gian ngắn đã đào tạo được nhiều chuyên gia trí thức (“Ngô Đình Diệm là người yêu nước”, BBC Online, 7/11/2013).

Trong bối cảnh yên bình thịnh trị đó, ngay năm 1954, nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác bài Khúc Ca Ngày Mùa:

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát 

Ảnh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác 

Chiều hồn quê bao khúc ca yêu đời.

Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát 

Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát 

Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời. 

Lờ lửng trôi qua trôi mãi trong chiều tà tiếng tiêu buồn êm quá 

Hồn ngất ngây trong tiếng hát đưa nhịp nhàng tiếng cười thơ ngây 

Mịt mùng đêm thâu cung hằng chênh chếch bóng khuất sau rặng tre

Tiếng ai hò chập chùng xa đưa 

Hò là hò lơ hò lơ hò lơ

Này anh em ơi! giã cho thật đều, giã cho thật nhanh

Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi 

Khoan hò khoan tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài. 

Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế

Hát lên đi để nung lòng nhân thế 

Để đồng xanh vui khúc ca ngày mùa 

Để đồng xanh vui khúc ca ngày mùa

2. Giải quyết ổn thỏa vấn đề Hoa Kiều:

Vùng Chợ Lớn là khu vực làm ăn sinh sống lâu đời của hơn 1 triệu người Hoa vẫn còn giữ quốc tịch Trung Hoa. Họ có tham vọng đòi tự trị cho vùng kinh tế trọng điểm này. 

Theo Cù Mai Công (“Ngô Đình Diệm và Nguy Cơ Đặc Khu Chợ Lớn Tự Trị”, huongduongtxd.com): Để dập tắt yêu sách cuồng vọng đó, Thủ Tướng họ Ngô lập tức ký ban hành Dụ số 10 ngày 7/12/1955 quy 

định về luật quốc tịch Việt Nam, trong đó có điều khoản: Con chính thức mà Mẹ là người Việt và cha là người Hoa, nếu sinh ở Việt Nam thì là người Việt Nam.

Tiếp theo là Dụ 48 ngày 21/8/56: Hoa Kiều sinh trưởng ở Việt Nam sẽ là người Việt, bắt buộc phải nhập tịch Việt Nam, nếu không chịu thì có thể xin hồi hương về Đài Loan trước ngày 31/8/57.

Sau cùng là Dụ 52 ngày 29/8/56: Hoa Kiều sinh sống ở Việt Nam Cọng Hòa phải mang quốc tịch Việt Nam để tự do giao dịch, đi lại và buôn bán. Người Hoa phải Việt hoá tên họ và cơ sở thương mại.

Chỉ vài năm sau, 99,8% tổng số người Hoa trên toàn miền Nam đều xin nhập tịch, còn đâu chừng 2.000 người già yếu bệnh tật là không nộp đơn.

Gần 10 năm chấp chánh, Tổng Thống Diệm thu đạt nhiều cảm tình của người Hoa. Chính vì vậy mà trong giờ phút lâm chung, Tổng Thống đã được sự giúp đỡ nhiệt thành của Ông Mã Tuyên, Bang Trưởng Hoa Kiều vùng Chợ Lớn, hoan hỷ cho cả anh em Ngài tá túc suốt đêm dài định mệnh, rạng sáng 2/11/63 mới từ giả, để rồi bị thảm sát trên đường từ Nhà Thờ Cha Tam tới Bộ Tổng Tham Mưu.

3. Làm việc dựa vào chủ thuyết nhân trị:

Thuyết nhân trị chủ trương dùng đức nhân để trị quốc.

Nhà báo Nguyễn Đức Chung có bài viết “Tống Thống Ngô Đình Diệm và Những Kẻ Từng Mưu Sát Ông”, 29/7/2011, honviet.uk kể lại câu chuyện về phi công Phạm Phú Quốc: Năm 1962, ngay sau khi thả bom Dinh Độc Lập bất thành, Phạm Phú Quốc bị giam giữ tại Cục An Ninh Quân Đội. Vài tờ báo ở Thủ Đô loan tin thất thiệt: Phạm Phú Quốc bị tra tấn nhục hình trong lao tù. Để làm sáng tỏ vụ việc, Tổng Thống đã cử Đại Úy tuỳ viên Lê Châu Lộc tới thăm Ông.

Phạm Phú Quốc xác nhận lúc nào cũng được đối xử tử tế, không hề bị đánh đập tra tấn hay hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Ông còn viết thư ăn năn xin lỗi Tổng Thống vì đã nghe theo lời rủ rê của bạn bè mà làm điều sai phạm lớn lao, khiến cho Vị Nguyên Thủ quốc gia phải trăn trở buồn phiền.

Trong bài “Những Người Muôn Năm Cũ, Hồn Ở Đâu Bây Giờ?” (Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Quân Y), Nguyễn Tuấn Anh, Y Sĩ Trưởng Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống cũng mạnh dạn nêu lên hai trường hợp:

   * Lãnh tụ Đại Việt Cách Mạng Đảng Hà Thúc Ký – người mà Bác Sĩ Tuấn Anh vô cùng mến mộ, năm 1955 đã từng lập chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) để võ trang chống lại Tổng Thống Diệm. Về sau bị bắt tại Saigon và vẫn được đối xử vô cùng nhân đạo.

   * Nhóm Tự Do Tiến Bộ, còn gọi là Nhóm Caravelle với 18 nhân sĩ uy tín, thuộc nhiều khuynh hướng chính trị, bao gồm Trần Văn Hương, Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn…Năm 1960 họ ra tuyên cáo chỉ trích quyết liệt các sai lầm của chính quyền về chính trị, quân sự, xã hội, hành chánh làm suy giảm tiềm lực đấu tranh chống Cọng. Từ đó mà yêu cầu cải tổ.

Tuy vậy, không ai thuộc Nhóm này bị chính quyền trù dập hay gây khó khăn.

Thêm nữa, trong dịp Tổng Thống đi kinh lý Cao Nguyên vào năm 1957 thì bị tên Việt cộng Hà Minh Trí ám sát hụt. Thế mà Tổng Thống chỉ cho giam giữ chứ không xử tử hình kẻ âm mưu giết hại mình.

Những trường hợp nói trên minh chứng hùng hồn Tổng Thống Diệm là bậc anh minh vô cùng khoan dung độ lượng, sẵn lòng tha thứ và hòa ái với mọi người. 

4. Không hợp tác với cộng sản:

Sau khi Anh Cả Ngô Đình Khôi và con trai Ngô Đình Huân bị bắn chết cùng lúc với học giả Phạm Quỳnh năm 1945, Tổng Thống Diệm nghẹn ngào căm phẩn tội ác dã man của bạo quyền cộng sản. Ông không còn một chút tin tưởng vào bè lũ sát nhân. Theo Đổng Lý Võ Tòng Đức, Ông Diệm cương quyết từ khước lời mời hợp tác của Hồ Chí Minh. Lập trường này đi ngược lại đường lối của nhiều chính khách khác đã từng tham gia chính phủ liên hiệp trá hình do Việt Minh lập ra, như Cựu Hoàng Bảo Đại, Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Cụ Nguyễn Hải Thần, Nhà Văn Nhất Linh…

5. Không thần thánh hoá:

Những lãnh tu cộng sản rất ưa thích được thần thánh hoá. Họ muốn hình ảnh tên tuổi mình có mặt khắp nơi. Đặt tên chỗ này chỗ nọ. Cả trong văn thơ, trong kịch nghệ hay ca hát. Tốn hao công quỹ bao nhiêu cũng không màng, miễn sao xây tượng đài cho tráng lệ, cho uy nghi. Dựng tượng trong phòng họp, công viên, trường học hay phố thị cũng chưa vừa lòng. Còn muốn đem tượng vào chốn tôn nghiêm của chùa chiền để tranh chức thánh thần hay giáo chủ.

Tổng Thống Diệm thì không màng. Chưa bao giờ Ông khởi xướng hay cổ xuý cho việc ca tụng, tâng bốc hay đề cao bản thân mình.

Ở miền Bắc biết bao nhiêu văn nô vì miếng cơm manh áo mà tranh nhau viết bài ngợi ca lãnh tụ. Còn miền Nam suốt 9 năm chỉ có duy nhất một bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống do nhạc sĩ Ngọc Bích (1924 – 2001) viết nhạc và Thi Sĩ Thanh Nam (1931 – 1985) đặt lời.

6. Suốt đời độc thân:

Chuyện yêu đương trai gái là lẽ thường tình ở đời. Không ai có thể phê phán chê trách nam nữ ước mơ lập gia đình khi họ tới tuổi hôn nhân.

Nhìn lịch sử Việt Nam cận đại, có hai trường hợp đáng suy ngẫm.

   * Ở miền Bắc với lãnh tụ tối cao lúc nào cũng oang oang một đời độc thân để lo cho nước cho dân. Cả guồng máy Đảng ra sức tuyên truyền Bác không nghĩ chuyện vợ con để dành hết tâm sức lo cho quê hương dân tộc. Nhưng rất nhiều tin tức vạch rõ Ông Hồ từng 5 thê 7 thiếp, thậm chí sinh con rồi vô thừa nhận. Tệ hại hơn nữa là đan tâm giết bỏ tình nhân để phi tang mọi manh mối (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày).

   * Còn Tổng Thống Diệm thì có sao nói vậy. Một đời hơn 60 tuổi không lăng nhăng tình ái. Điều này biểu lộ ngay từ thời thanh niên.

Mới 20 tuổi, sau khi đỗ đầu kỳ thi hậu bổ rồi nhậm chức tri huyện. Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài rất thương mến muốn kén chọn làm phò mã, nhưng Ông ngập ngừng thoái thác khiến cho Cụ Thượng vô cùng thất vọng, còn ái nữ Nguyễn Thị Tài vì buồn tình duyên ngang trái, đành xin vào tu dòng kín ở Huế (“Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc”, p 20, Minh Võ, Hồng Đức, 2008). 

7. Đức độ, thanh liêm:

Ông Diệm là biểu tượng của người Công Giáo thuần thành, tôn trọng đức tin và nhân phẩm. Nặng lòng từ bi bác ái. Không gian manh xảo quyệt hay khát máu giết người kiểu cộng sản. Tính tình nhân từ, cả tin, không thâm độc, láu cá hay mưu mô lọc lừa như Hồ Chí Minh. Có thể vì bản chất này mà bị đám loạn tướng phản bội, toa rập theo người Mỹ để kiếm lợi danh.

Quách Tòng Đức trong bài phỏng vấn của Lâm Lễ Trinh đã cho biết: Ông Diệm sống đời thanh bạch, không xa hoa phù phiếm. Ngủ giường gỗ. Ăn uống đơn sơ đạm bạc, không đòi hỏi cầu kỳ. Thường ngày hay chuộng những món: cơm vắt, muối mè, cá kho, rau.

Không tậu nhà cửa riêng tư, không để lại tài sản gì, chỉ dành dụm được số tiền nhỏ phòng khi nghỉ hưu, nhưng rồi cũng bị đám phản nghịch tịch thu.

8. Không khuất phục ngoại bang: Cả hai thời kỳ làm việc với Pháp và Mỹ, Ông Diệm đã bày tỏ tinh thần cương trực của một bậc sĩ phu yêu nước, sẵn sàng từ bỏ chốn quan trường hay hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương giống nòi, không hèn hạ khiếp nhược khuất phục ngoại bang.

 – Năm 1932 được Vua Bảo Đại tiến cử phụ trách Ủy Ban Cải Cách là cơ quan hổn hợp Việt Pháp. Trong cương vị đó, Ông mạnh dạn đề nghị gia tăng quyền hạn của triều đình và nới rộng tự do cho toàn dân. Tiếc thay Pháp vẫn ngoan cố không chấp nhận yêu cầu này. Ông liền quyết chí rủ áo từ quan, rời bỏ chức Thượng Thư Bộ Lại. Cảm phục tấm lòng khí khái đó, Cụ Phan Bội Châu gởi tặng Chí Sĩ Ngô Đình Diệm bài thơ Vô Đề:

Ai biết trời Nam hãy có người 

Xịch nghe tưởng ngỡ sấm bên tai

Lông hồng coi nhẹ vàng muôn trượng 

Ngôi báu xem nhường dép nửa đôi 

Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói 

Nhá nhem thây kệ mắt đen thui 

Ví chăng kịp lúc làm vai vế 

Sau ngựa châu xin quất ngọn roi.

(Tiếng Dân, 27/12/1933).

 – Chống lại việc Mỹ đưa quân vào miền Nam: Sau 8, 9 năm đầu trợ giúp Nam Việt Nam, chiến lược của người Mỹ đã dần dần lộ rõ: khởi đầu là đi từ viện trợ, rồi đưa người giữ vai trò cố vấn, cho tới trực tiếp tham chiến. Nhưng Ông Diệm chỉ muốn Mỹ trợ giúp ngân quỹ, vũ khí, quân trang quân dụng cùng một số phương tiện cần thiết khác. Tuyệt nhiên không chấp nhận cho người Mỹ can thiệp quá sâu vào nội tình miền Nam. Ông Diệm nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền, cho quân Mỹ vào là mất đi chính nghĩa.

Lập trường này đưa đến sự mâu thuẫn sâu xa, không thể hàn gắn được giữa hai nước đồng minh. Hậu quả tất yếu là Mỹ xúi giục một số tướng tá đảo chánh lật đổ Tổng Thống để dễ bề đưa quân vào miền Nam. Lòng yêu nước khiến Ông phải trả giá với cái chết đau thương của 3 anh em !

Về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh, nguyên là Giảng Viên Đại Học Quốc Gia Hà Nội nêu ra nhận định trái với quan điểm chính thống của Đảng cộng sản: Mỹ muốn đắp một con đê để ngăn chặn làn sóng cộng sản lan tràn ra xung quanh, vì vậy họ mới xây dựng, bảo vệ và giúp đỡ chính quyền Ông Diệm. Từ đó sinh ra cuộc nội chiến và lại vừa có cuộc chiến tranh uỷ nhiệm ý thức hệ (Chiến Tranh Việt Nam: Người Mỹ “xâm lược” hay “chỉ can thiệp”, Quốc Phương, BBC News, 8/5/2021).

9. Không phân biệt đối xử hay đàn áp Phật Giáo:

Đây là vấn đề khá nhạy cảm mà cho đến nay dù đã hơn 60 năm trôi qua.nhưng vẫn còn là mối ngăn cách, chia rẽ sâu xa giữa nhiều người Việt Nam.

Theo bên này thì ắt bị bên kia chống đối. Ai cũng giữ chặt quan điểm và suy nghĩ của mình. Thật khó mà đi đến chỗ thống nhất. Chắc chắn sẽ có người bất bình, chê trách hoặc lên án một vài điểm nào đó trong bài viết này, đặc biệt là nói về Phật giáo, một tôn giáo đông đảo tín đồ nhất ở trong cũng như ngoài nước.

Hiểu như vậy, nhưng chả lẽ khư khư im lặng, thủ khẩu miệng bình, cho nên người viết xin tiếp tục đề mục này trước khi kết thúc. Chỉ ước mong cung cấp thêm một vài số liệu hay ý kiến liên hệ với Tổng Thống Diệm cho rộng đường dư luận. Mọi phán xét đúng sai, ưa ghét là toàn quyền của quý thức giả.

Chủ yếu của phần này là Bản Phúc trình công bố ngày 13/12/1963 của Liên Hiệp Quốc (Report of the United Nations Fact – Finding Mission to South Vietnam) sau khi đi Việt Nam điều tra về việc đàn áp Phật Giáo của chính phủ Ngô Đình Diệm.

 * Phía chính quyền báo cáo với phái bộ:

  – Tướng Trần Tử Oai: từ ngày nhậm chức của Tổng Thống Diệm đến nay đã có thêm 2.275 ngôi chùa được xây cất trên tổng số 4.766 chùa là bằng chứng hiển nhiên không có kỳ thị tôn giáo.(“Liên Hiệp Quốc và vụ khủng hoảng Phật Giáo 1963”, Nguyễn Văn Lục).

 – Ông Ngô Đình Nhu: số lượng công chức Phật Tử chiếm tỉ lệ 3/4. Có 14 trong số 17 tướng lãnh là Phật Tử.

Đại đa số giới chức cao cấp trong chính phủ là người theo Đạo Phật như Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, Tổng Tham Mưu Trưởng, Bộ Trưởng Quốc Phòng, Ngoại giao, Chánh Văn Phòng và Võ Phòng, Chỉ Huy Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, Tư Lệnh Không Quân…

 * Phía nhân chứng: nhiều nhân chứng trả lời rằng từ trung ương không thấy chủ trương đàn áp, xuống cấp địa phương thì chỉ lẻ tẻ một vài nơi, nhưng không quá trầm trọng.

Cuối cùng, phái bộ đi đến kết luận: Những tố cáo đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm là không đứng vững sau khi phái đoàn điều tra một cách khách quan. Không hề có kỳ thị cũng như đàn áp Phật Giáo và cũng không hề có sự đụng chạm đến tự do tín ngưỡng.

Nhà Văn Nguyễn Vy Khanh có tác phẩm “Ngô Đình Diệm và Nỗ Lực Hòa Bình Dang Dở”, dịch từ nguyên bản của tác giả Nguyễn Văn Châu. Trong đó hàm chứa nhận xét sau đây: Biến cố Phật Giáo 1963 chỉ là manh động của một số lãnh đạo Phật Giáo mà vai trò chủ chốt là Thích Trí Quang. Nó đã không đem lại tự do, công bằng cho Phật Giáo và nhất là nó biến phong trào Phật Giáo trở thành những thế lực chính trị dưới danh nghĩa tôn giáo có thể làm khuynh đảo xã hội miền Nam. Kẻ hưởng lợi không ai khác hơn là người cộng sản.

Phạm Văn Duyệt