Tác giả Jeffrey A. Tucker – Doanh Doanh biên dịch – 27/12/2022
Một tấm biển tại trụ sở của Twitter ở San Francisco hôm 08/12/2022. (Ảnh: Jeff Chiu/AP Photo)
Toàn bộ sự việc này dường như hoàn toàn không thể tin được.
Không phải là chúng ta không hoài nghi điều đó. Thế nhưng, sự việc thậm chí còn tệ hơn những gì chúng ta có thể hình dung. FBI/CIA/DHS cũng như các đặc vụ hiện tại và trước đây ở Twitter đều sử dụng kênh nhắn tin riêng của họ tại công ty này. Họ liên tục dựa vào ban quản lý để thắt chặt kiểm soát và chặn các tài khoản. Họ không hề cảm thấy hổ thẹn về chuyện này.
Thậm chí họ còn cấp cho ban quản lý của Twitter thẩm quyền truy cập thông tin mật hàng đầu của chính phủ. Tiếp đó, FBI đã chi trả 3.5 triệu dollar cho thời gian làm việc của các nhân viên Twitter. Điều này đồng nghĩa với việc bộ máy an ninh quốc gia — những gián điệp vốn có ác cảm với chúng ta — có một mối quan hệ mật thiết với Twitter và, rất có thể, là tất cả các phương tiện truyền thông xã hội.
Chuyện này đã thực sự xảy ra ở Hoa Kỳ. Chuyện này vẫn đang diễn ra.
Đọc qua tất cả các bằng chứng được công bố kể từ khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản công ty này khiến người ta không khỏi kinh ngạc. Đó không chỉ là những gì đang diễn ra. Mà điều đó còn cho thấy là họ chẳng ngại giấu diếm việc này trong nội bộ công ty. Hơn thế nữa, dường như ban quản lý công ty thực sự thích thú với vị thế mà họ được tận hưởng khi thường xuyên liên lạc với chính phủ về những phát ngôn nào được phép và những phát ngôn nào phải bị cấm.
Liệu có bao giờ bất kỳ ai trong số những người tham gia vào toàn bộ vụ việc này nghĩ rằng sự thông đồng này có thể vi phạm Tu chính án thứ Nhất không? Câu trả lời ngắn gọn là không. Thậm chí điều đó chẳng thành vấn đề. Như thể những người liên quan chỉ nghĩ rằng điều đó là hoàn toàn bình thường. Hiến Pháp không là gì cả.
Làm thế nào mà trên chặng đường lịch sử của Hoa Kỳ, chúng ta lại sa chân tới bước này, khi mà Hiến Pháp không còn có bất kỳ chỗ đứng thực sự nào trong giới tinh hoa? Đây chẳng phải là luật pháp của mảnh đất này sao? Đúng ra phải là vậy. Nhưng trên thực tế, Hiến Pháp thực sự quan trọng đến mức nào? Không quan trọng lắm.
Giờ đây, tất cả những điều này đang được thử thách tại tòa án, và các tòa án này có thể sẽ ra phán quyết chống lại chính phủ. Sao họ có thể không vào lúc này cơ chứ? Tuy nhiên, đó là niềm an ủi nhỏ nhoi đối với những gì chúng ta đã trải qua trong ít nhất ba năm qua và có thể lâu hơn nữa.
Các nền tảng mà chúng ta tin rằng đó là do khu vực do tư nhân thiết lập để chúng ta giao tiếp với nhau nhiều hơn và mang lại sức sống mới cho tư tưởng tự do ngôn luận đã được quốc hữu hóa một cách hiệu quả.
Ngay cả khi các tòa án tuyên bố việc đó là bất hợp pháp, chính xác thì điều gì sẽ ngăn chặn sự việc đó xảy ra lần nữa? Thêm nhiều vụ kiện nữa chăng? Vậy lực lượng chấp pháp ở đâu để kết thúc và ngăn cản việc này trong tương lai? Ai hoặc thứ gì sẽ phải trả giá cho những điều đã xảy ra?
Ở đây, chúng ta thực sự đang đề cập đến vấn đề của bản thân chính phủ này. Chưa có ai thực sự nghĩ ra một biện pháp hoàn hảo để ngăn chính phủ này làm những điều quá đáng đối với người dân. Hệ tư tưởng của chế độ quân chủ là thể chế hóa truyền thống và kéo dài thời kỳ chịu trách nhiệm qua các thế hệ để một gia tộc có ý thức về lòng tự trọng và kiềm chế nạn cướp bóc. Điều đó đã có hiệu quả cho đến khi trở nên vô dụng. Nền dân chủ dường như là một kế hoạch tốt đẹp: Quy trách nhiệm cho người dân. Nhưng sau đó, các chính trị gia đã chấp thuận các bộ máy quan liêu lâu dài tồn tại bên ngoài quy trình dân chủ. Hiến Pháp là một miếng da lộn đẹp đẽ nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi khi bị chính phủ hành chính lờ đi?
Tiếp đó, quý vị có sự kiểm tra của các tòa án. Nhưng các tòa án cũng có một vấn đề. Họ quá chậm chạp. Chi phí cho họ quá đắt đỏ. Và các thẩm phán không kiểm soát quân đội. Không rõ họ kiểm soát những thứ gì trong xã hội ngoại trừ có lẽ là các thành phần yếu thế nhất của xã hội. Nếu đủ giàu có và quyền lực, quý vị cũng có thể kiểm soát các tòa án này.
Đây là lý do tại sao rất nhiều nhân vật trong lịch sử đã bị lôi cuốn vào tư tưởng của chủ nghĩa vô chính phủ. Hãy loại bỏ hoàn toàn chính phủ. Có lẽ điều đó nghe có vẻ là một ý tưởng hay nhưng làm thế nào để chúng ta đạt được điều đó? Cách mạng quá tốn kém và hầu hết đều có kết cục khủng khiếp với rất ít ngoại lệ.
Rốt cuộc, điều duy nhất thực sự có thể kiềm chế được chính phủ là dư luận. Nhưng để công chúng biết trân quý tự do thì họ cần phải được giáo dục, và đạt được độ chín chắn và lành mạnh nhất định. Khi người dân trở nên bại hoại, thì sự chuyên chế càng dễ lộng hành và hầu như không thể ngăn chặn được.
Liệu đó có phải là thực trạng của chúng ta ngày hôm nay? Đôi khi, có vẻ là như vậy, nhưng tôi thực sự hoài nghi điều đó. Người dân vẫn còn có đủ sự khôn ngoan và dũng khí để kháng cự lại và khiến những kẻ bạo chúa trong số chúng ta phải lùi bước. Sẽ không dễ dàng nhưng việc quan trọng ở đây là tiếp cận với những thông tin đúng đắn. Công chúng có hiểu biết hơn thì khó kiểm soát hơn.
Và đây là lý do tại sao chính phủ đặt việc kiểm duyệt ở một mức ưu tiên cao đến vậy. Tôi thừa nhận rằng tôi không biết việc kiểm duyệt lại nguy hiểm đến vậy ở Hoa Kỳ. Tôi đã lớn lên trong một thời đại khác. Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) kiểm soát truyền hình và đài phát thanh nhưng nhìn chung ủng hộ Tu chính án thứ Nhất. Cho đến nay, ủy ban này không kiểm soát nội dung trực tuyến.
Ngay cả bây giờ, trang web của FCC cũng tuyên bố rằng:
“Những hạn chế về quyền của FCC trong việc giới hạn hoặc cấm tự do ngôn luận bắt nguồn từ Tu chính án thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ, trong đó quy định rằng chính phủ liên bang ‘không được ban hành luật … hạn chế quyền tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí.’ Theo đó, Quốc hội thông qua Đề mục 326 của Đạo luật Truyền thông, 47 U.S.C. § 326, tuyên bố rõ ràng rằng không có điều gì trong quy chế ‘sẽ được hiểu hoặc được diễn giải là trao cho Ủy ban này quyền kiểm duyệt đối với thông tin [phát sóng] hoặc các tín hiệu được truyền đi bởi bất kỳ đài [phát thanh] nào, và ủy ban này không được phép ban hành hoặc đặt ra bất cứ quy định hoặc điều kiện nào để can thiệp vào quyền tự do ngôn luận bằng phương tiện truyền thông phát sóng [qua truyền hình].’”
Kiểu hạn chế đó đã trở thành dĩ vãng. Giờ là thời đại mới. Có điều gì đó về chính phủ ông Trump đã khuấy động một sự điên cuồng trong bộ máy an ninh quốc gia khiến họ tin rằng không nên có bất kỳ giới hạn nào. Chứng cuồng loạn vì virus [corona] đã làm cho tình hình trở nên tệ hại hơn: Có tin đồn rằng đó là một vũ khí sinh học và do đó, phải dỡ bỏ tất cả các giới hạn đối với chính phủ khi cả nước chuẩn bị sẵn sàng bước vào thời chiến. Kể từ đó, các quyền của chúng ta đã bị hạn chế nghiêm trọng và tình trạng vẫn kéo dài cho đến ngày nay.
Sẽ cần nhiều nỗ lực để lấy lại các quyền và tự do của chúng ta. Nếu không nhận thức được rằng một tình thế khẩn cấp đang tồn tại ngay bây giờ, tức là quý vị đã không đọc được những thứ cần đọc. Sự thật là chúng ta đang ngày càng tiến gần hơn đến hệ thống tín nhiệm xã hội kiểu Trung Quốc. Chúng ta hầu như chưa bắt đầu phản kháng. Họ đã hủy hoại internet. Điều tiếp theo là phá hỏng hệ thống ngân hàng và hệ thống tiền tệ. Quá trình này đang diễn ra.
Việc công bố Hồ sơ Twitter — hầu như không được cánh báo chí thiên tả đưa tin — đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Bất cứ ai nghĩ rằng điều này là bình thường là đang không quan tâm. Ngay cả bây giờ, tôi rất biết ơn vì tôi có thể viết những lời này cho nguồn [cung cấp] tin tức tuyệt vời này (The Epoch Times). Chúng ta sẽ phải đấu tranh để giành quyền đọc những bài viết như vậy trong tương lai.
* Jeffrey A. Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng ngàn bài báo trên báo chí học thuật và phổ thông. Ông cũng là tác giả của mười cuốn sách bằng năm thứ tiếng, gần đây nhất là cuốn “Liberty or Lockdown” (“Tự Do hay Phong Tỏa”). Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết cho một chuyên mục kinh tế hàng ngày cho The Epoch Times và về các chủ đề kinh tế, công nghệ, triết học xã hội, và văn hóa.