Kế hoạch thuế tài sản mới của California nhắm vào giới nhà giàu ngay cả khi họ chuyển đến một tiểu bang khác

Share this post on:
Kế hoạch thuế tài sản mới của California nhắm vào giới nhà giàu ngay cả khi họ chuyển đến một tiểu bang khác

Những đám mây bão bao phủ đường chân trời Los Angeles khi nhìn từ Khu giải trí Tiểu bang Kenneth Hahn sau một cơn mưa bão ở Los Angeles, California, hôm 17/01/2023. (Ảnh: AP/Damian Dovarganes)

HOA KỲ

Tác giả Tom Ozimek

  • Thứ tư, 25/01/2023

Đảng Dân Chủ California đang thúc đẩy một loại thuế mới đối với những cư dân giàu có nhất của tiểu bang, bao gồm khả năng đánh thuế họ ngay cả sau khi họ rời tiểu bang này để đến những nơi như Florida hoặc Texas — hoặc thậm chí sau khi họ rời khỏi đất nước.

Hồi tuần trước (16-22/01), Dân biểu Tiểu bang Alex Lee đã giới thiệu Đạo luật Thuế Tài sản dưới dạng Dự luật Hội đồng 259 và Tu chính án Hiến Pháp thứ 3 tại Cơ quan Lập pháp Tiểu bang California, và hôm thứ Hai (23/01) đã tổ chức một cuộc họp báo với các đồng nghiệp Đảng Dân Chủ của mình nhằm kêu gọi đánh thuế tài sản “để mang lại công lý về thuế.”

Luật được đề xướng này bao gồm các điều khoản cho phép California đánh thuế “giá trị tài sản ròng trên toàn thế giới” đối với những người nguyên là cư dân của tiểu bang đã chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển đến một tiểu bang khác vốn đã diễn trong bối cảnh của một làn sóng di cư đến các tiểu bang màu đỏ có xu hướng áp dụng chế độ thuế ít nghiêm ngặt hơn.

Với một trong những mức thuế doanh nghiệp cao nhất trong nước (8.84%), California xếp thứ 48 trong Chỉ số Môi trường Thuế Doanh nghiệp của Tổ chức Thuế và chiếm vị trí thứ 49 trong Xếp hạng Thuế Thu nhập Cá nhân.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy năm thứ ba liên tiếp xe tải chuyển nhà từ California nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác trong năm 2022, với các điểm đến hàng đầu là North Carolina, South Carolina, Florida và Texas.

‘Giá trị ròng trên toàn thế giới’

Thuế tài sản được đề xướng của California sẽ áp đặt một loại thuế “giá trị ròng trên toàn thế giới” thường niên là 1.5% đối với giá trị ròng trên 1 tỷ USD và 1% trên 50 triệu USD.

Tài sản trên toàn thế giới không bao gồm địa ốc do người nộp thuế trực tiếp nắm giữ, nhưng mở rộng sang địa ốc hoặc tài sản cá nhân hữu hình được nắm giữ gián tiếp, chẳng hạn như thông qua quan hệ đối tác hoặc ủy thác. Tài sản này cũng bao gồm những thứ như cổ phiếu hoặc bộ sưu tập nghệ thuật.

Ông Lee cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng mức thuế “khiêm tốn” 1% này đối với tài sản trên 50 triệu USD sẽ tạo ra gần 22 tỷ USD mỗi năm, gần bằng mức thâm hụt ngân sách của California.

Ông nói với hãng thông tấn AP rằng loại thuế tài sản mới sẽ ảnh hưởng đến khoảng 23,000 “siêu triệu phú” và 160 gia đình tỷ phú, hoặc 0.1% gia đình hàng đầu ở California.

Ông Lee viết trong một tweet mới đây: “Những người siêu giàu đang không phải trả cho thứ gì cả bằng cách tích trữ tài sản của họ thông qua tài sản. Đã đến lúc kết thúc điều đó.”

California đã đánh thuế cư dân giàu có của mình nhiều hơn hầu hết các tiểu bang khác, với 1% những người có thu nhập cao nhất chiếm khoảng một nửa số thu thuế thu nhập của tiểu bang.

‘Giải pháp sai lầm’

Ông Rob Lapsley, chủ tịch của California Business Roundtable, đã đưa ra một tuyên bố đáp lại đề xướng đánh thuế tài sản này, gọi đó là “giải pháp sai lầm, cả hiện tại và trong tương lai” và cho rằng loại thuế đó sẽ khuyến khích nhiều cư dân giàu có hơn rời khỏi tiểu bang này.

“Một loại thuế tài sản sẽ chỉ làm mất ổn định hơn nữa hệ thống ngân sách của chúng ta, và sẽ khuyến khích nhiều cá nhân giàu có hơn nữa rời bỏ hẳn tiểu bang này,” ông Lapsley nói, đồng thời cho biết rằng trong năm tính thuế 2020, chỉ 13,360 người nộp thuế đã trả 25.8% tổng thu nhập cá nhân do tiểu bang thu.

Ông nói tiếp: “Việc dựa nhiều hơn vào cơ sở thuế không ổn định và có tính cơ động cao này sẽ chỉ làm gia tăng những chu kỳ tăng giảm bất ổn vốn xác định ngân sách của chúng ta,” và nói thêm rằng “chúng tôi phản đối mạnh mẽ” đề xướng này.

Ông Jared Walczak, phó chủ tịch chuyên trách các dự án tiểu bang của Tax Foundation và là nhà nghiên cứu hàng đầu về Chỉ số Môi trường Thuế Doanh nghiệp, cũng chỉ trích đề xướng đó của California.

Ông lập luận trong một phát ngôn rằng thuế tài sản là “phá hoại kinh tế” và thúc đẩy các chiến lược tránh tốn kém.

Ông viết: “Rất ít người nộp thuế sẽ nộp thuế tài sản — nhưng nhiều người khác sẽ phải trả giá.”

Ông tiếp tục, “Những người ủng hộ đôi khi lập luận rằng thuế tài sản là nhỏ và người giàu có thể chi trả cho họ. Nhưng bởi vì tỷ lệ dựa trên giá trị ròng chứ không phải thu nhập nên họ cắt giảm rất nhiều lợi nhuận đầu tư, gây bất lợi cho nền kinh tế rộng lớn hơn.”

Một vấn đề thực tế khác với thuế tài sản là nhiều tài sản sẽ bị đánh thuế theo đề xướng của California rất khó định giá, chẳng hạn như tài sản vô hình như thương hiệu hoặc thiện chí, và quyền sở hữu cổ phần trong các tập đoàn và quan hệ đối tác được tổ chức chặt chẽ.

Các tình huống bất chấp lý luận có thể phát sinh khi một số người có thể bị đánh thuế đối với tài sản mà cuối cùng không có giá trị thực trong khi những người khác có thể tránh được thuế tài sản đối với tài sản thực sự có giá trị đáng kể.

Ông Walczak viết, “Một công ty khởi nghiệp công nghệ đầy triển vọng có thể được định giá hàng trăm triệu USD trong thời gian ngắn, nhưng sẽ sụp đổ mà không bao giờ thu được lợi nhuận. Một công ty khác có thể ít người chú ý cho đến khi bất ngờ được mua lại với giá hàng tỷ USD.”

Ông nói thêm: “Chủ sở hữu của công ty [được đề cập] trước có thể phải đối mặt với những gánh nặng thuế tài sản không thể vượt qua đối với một giá trị ròng giả định không bao giờ tạo ra thu nhập thực tế và cuối cùng biến mất, trong khi chủ sở hữu của công ty kia có thể tránh được bất kỳ khoản thuế tài sản nào đối với một công ty có lẽ có giá trị đáng kể trước khi giá cả đã được xác định từ việc mua lại công ty đó.”

Đề xướng của California phải đối mặt với những triển vọng đáng ngờ vì luật tương tự đã thất bại trong quá khứ. Nhưng điều đó không ngăn được California — và các tiểu bang khác — đẩy mạnh cho cái mà họ mô tả là “công lý về thuế.”

Đề xướng đánh thuế tài sản trên toàn thế giới của California được đưa ra khi các tiểu bang màu xanh khác đưa ra các kế hoạch tương tự nhằm vào người giàu.

Các tiểu bang màu xanh khác đề xướng đánh thuế người giàu

Hồi tuần trước, các dự luật đã được công bố tại Connecticut, Hawaii, Illinois, Maryland, Minnesota, New York, và Washington. Mặc dù mỗi tiểu bang có một biện pháp khác nhau, các chiến lược đó thường bao gồm đánh thuế tài sản, giảm ngưỡng thuế địa ốc, và tăng tỷ lệ cho người có thu nhập cao hơn.

Chẳng hạn, các nhà lập pháp cấp tiến ở Connecticut đã đề nghị một mức thuế cao hơn trên thu nhập lãi vốn đối với những người nộp thuế giàu có và mức thuế thu nhập cá nhân cao hơn đối với các triệu phú.

Tại New York, một thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ đã giới thiệu một dự luật tại Thượng viện Tiểu bang sẽ áp một khoản thuế bổ sung lên tới 15% đối với một số thu nhập từ đầu tư.

Ở Illinois, bất kỳ ai có giá trị ròng từ 1 tỷ USD trở lên sẽ phải trả 4.95% thuế hàng năm đối với sự gia tăng giá trị của những tài sản đó.

Dân biểu tiểu bang Will Guzzardi, một thành viên Đảng Dân Chủ đã tài trợ cho dự luật này, nói với tờ WTTW địa phương trong một cuộc phỏng vấn rằng khoản thuế này sẽ hoạt động giống như thuế tài sản, trong đó nếu giá trị của tài sản đó tăng lên thì nghĩa vụ thuế cũng tăng theo.

Ông Guzzardi nói: “Chúng tôi sẽ nói với các tỷ phú với tất cả tài sản của họ — không phải là nhiều tài sản như cổ phiếu, công cụ tài chính, khoản đầu tư — chúng tôi sẽ định giá tài sản của họ, và sau đó khi những tài sản đó tăng giá trị, chúng tôi sẽ đánh thuế họ khi giá trị gia tăng.”

Ông nói, “Vì vậy, giống như thuế tài sản mà chúng ta phải trả, đây là thuế đánh vào tài sản của các tỷ phú, vốn là cổ phiếu và các công cụ tài chính,” và ước tính rằng đề xướng của ông có thể huy động được từ 200–500 triệu USD mỗi năm.

 


Tom Ozimek

BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH

Ông Tom Ozimek là phóng viên cao cấp của The Epoch Times. Ông có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành.

Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times