Hội An
DKN. Sau khi công an cả nước điều tra, khám xét hơn 70 trung tâm đăng kiểm, khởi tố gần 500 cán bộ và nhân viên về các tội: Môi giới hối lộ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ…vv. Nhiều tháng qua tình trạng thường xuyên bị ùn tắc, và người dân phải mất 2 đến 3 ngày mới đăng kiểm được đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ.
Theo ước tính của Cục Đăng kiểm Việt Nam được báo VOV đăng tải, cho đến tháng 6, trong số 337.552 phương tiện đến hạn phải đăng kiểm tại Hà Nội, có nguy cơ khoảng 202.000 chiếc xe sẽ không thể đăng kiểm, vì năng lực của hệ thống đăng kiểm hiện tại (đang còn hoạt động) sẽ không đáp ứng được.
Con số này với TP.HCM là khoảng 190.000 trong số 275.000 xe không thể đăng kiểm. Với cả nước thì năng lực của các trung tâm đăng kiểm sẽ chỉ đáp ứng được khoảng một nửa trong số 1,8 triệu phương tiện đến hạn đăng kiểm, tức là sẽ có khoảng 900.000 xe sẽ không thể đăng kiểm đúng hạn.
Nhiều bạn đọc cho rằng, việc kéo dài chu kỳ kiểm định xe…, được coi là một trong những giải pháp giảm áp lực cho người dân và đơn vị đăng kiểm hiện nay.
Những “chuyện lạ” đăng kiểm ở Việt Nam
Liên quan đến vấn đề đăng kiểm đang nóng lên trong nước, tác giả – ông Phạm Quang Vinh là một doanh nhân và là cộng tác viên lâu năm của nhiều cơ quan báo chí trong nước đã đăng tải bài viết trên tờ báo Dân Trí với tiêu đề “Những ‘chuyện lạ’đăng kiểm ở Việt Nam” bày tỏ quan điểm.
Theo bài viết của tác giả – ông Phạm Quang Vinh trên báo Dân Trí:
“Khi cuộc khủng hoảng đăng kiểm mới xảy ra, ít ai có thể hình dung đến quy mô của nó, cho dù, có lẽ, chính những cơ quan trong cuộc, là Bộ Giao thông Vận tải và Cục đăng kiểm Việt Nam, chắc chắn không khó khăn để hình dung bức tranh hôm nay, khi các sai phạm có hệ thống được phát hiện hầu như ở mọi nơi trong hệ thống này. Đó là những sai phạm cả lĩnh vực đường bộ lẫn đường thủy, cả cấp Cục lẫn cấp đơn vị kiểm định…
Kiểm định kỹ thuật, an toàn và môi trường (khí thải) phương tiện giao thông tất nhiên là cần thiết, và quốc gia nào cũng làm thế. Cũng vì quốc gia nào cũng làm thế, nên chúng ta có thể thấy được một bức tranh nhiều “chuyện lạ” ở Việt Nam, khi một chiếc xe cá nhân dù trước khi xuất xưởng đã phải được giám sát kỹ lưỡng về chất lượng, tuân thủ nhiều yêu cầu do chính Cục đăng kiểm đưa ra, giám sát, thì vẫn phải đưa vào trạm đăng kiểm, trả tiền để kiểm định… lại.
Cũng không đâu như ở mình, chu kỳ đăng kiểm lại ngắn đến kỳ lạ. Ví dụ, để so sánh, một chiếc xe cá nhân chở người, ở Việt Nam, sẽ phải kiểm định lần đầu, rồi 30 tháng sau kiểm định tiếp, sau đó là mỗi kỳ 18 tháng; từ năm thứ 7 đến 12 là mỗi kỳ 12 tháng; từ năm thứ 12 đến 15 là mỗi kỳ 6 tháng; và từ năm thứ 15 là mỗi kỳ 3 tháng. Trong khi ở Nhật và Hàn Quốc, chiếc xe chỉ phải kiểm định lần đầu tiên trong thời gian 4 năm từ khi mua mới, sau đó mỗi 2 năm kiểm định một lần; con số tương tự ở Singapore là 3 năm từ khi mua sẽ kiểm định lần đầu, sau đó là mỗi 2 năm, từ năm thứ 10 là hàng năm.
Ở các quốc gia trong cộng đồng châu Âu cũng tương tự như Hàn Quốc và Nhật, kiểm định lần đầu sau 4 năm, và sau đó là chu kỳ 2 năm. Thậm chí, Malaysia không bắt buộc phải kiểm định đối với xe cá nhân, chỉ bắt buộc kiểm định với xe chở khách. Với một chiếc xe 20 năm tuổi, ở Việt Nam sẽ phải kiểm định 36 lần, ở Singapore là 15 lần, ở Nhật, Hàn Quốc và EU là 9 lần. Chúng ta đều có thể nhận thấy chu kỳ đăng kiểm ngắn ở Việt Nam là khó hiểu đến thế nào…”