Nhà nước tưởng niệm 35 năm thảm sát Gạc Ma nhưng ngăn cản các nhà bất đồng chính kiến

Share this post on:

Dân Việt 15.3.23  0

edf6f4c9-2ee2-4bec-aa6f-aeca1b1a784c

Năm 2016, người dân Hà Nội tưởng niệm 64 tử sĩ Gạc Ma bị Trung Quốc giết hôm 14/3/1988.

AFP

Báo chí nhà nước đăng nhiều bài viết đánh dấu 35 năm ngày hải quân Trung Quốc nổ súng ở đảo Trường Sa khiến 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam tử trận, thậm chí còn có một lễ tưởng niệm lớn được tổ chức ở Khánh Hòa vào tối 13/3/2023.

Tuy vậy, nhà chức trách ở nhiều địa phương như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngăn chặn không cho những người bất đồng chính kiến tham gia các hoạt động tưởng niệm của riêng mình.

Theo ông Lê Thân, chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, trong ngày 14/3, người dân ở thành phố Hồ Chí Minh được tự do thắp hương tưởng niệm ở khu vực chân tượng đài Trần Hưng Đạo ngay bến Bạch Đằng, tuy nhiên, phần đa người hoạt động bị chặn từ nhà.

Dự báo trước sẽ bị an ninh địa phương cho người đến canh gần nhà nên ông đã rời đi từ mấy hôm trước và quay trở lại thành phố vào sáng thứ ba để đến khu vực tượng Trần Hưng Đạo. Cách đây gần một tháng, ông cũng áp dụng cách này để đi tưởng niệm các nạn nhân trong cuộc xâm lược của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979.

Ông cho biết khi tới nơi, lực lượng an ninh nhận ra ông và chặn ông lại, không cho ông đến chân tượng đài thắp hương cho các liệt sỹ Gạc Ma. Tuy nhiên, do sự phản đối quyết liệt của ông nên họ buộc phải cho ông thắp hương.

Ông kể với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào trưa ngày 14/3:

“Ra tới nơi anh em (lực lượng an ninh- PV) phát hiện. Nó cũng nói chuyện nhưng khi tôi qua thắp hương thì nó không cho. Tôi nói ‘Ủa sao người dân thắp được mà tôi lại không được?’ thì họ không cãi nhưng nói ‘giờ không có cho’.”

Sau một hồi bị ông chất vấn, cuối cùng lực lượng an ninh cũng để ông thắp hương cho các liệt sĩ, nhưng cử người đưa ông về nhà ngay sau đó.

“Tôi biết cái ý của họ là không muốn tôi xuất hiện ở đó, nên thắp xong là kêu người đưa tôi đi ngay chứ không để tôi ở lại đó.”

Ông cho biết giống như ngày tưởng niệm các nạn nhân của quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía bắc (17/02), hôm nay các thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng có hẹn nhau ra thắp hương ở bến Bạch Đằng. Tuy nhiên, chỉ có vài người mà an ninh chưa biết mặt đến được, những người còn lại bị chặn ngay từ nhà riêng khi an ninh khu vực đưa người đến canh từ sớm.

Phó Giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang và vợ, nghệ sĩ Kim Chi cho biết nhà riêng của họ bị canh cho dù cả hai ông bà không có kế hoạch đi ra ngoài do bị đau chân. Ông nói với RFA trưa ngày thứ ba:

“Công an khu vực gọi điện nhắc nhở (không được đi ra ngoài- PV) nhưng người ta vẫn canh cho người ngồi dưới cầu thang ở cổng.

Công an người ta không để người dân tập trung lại rồi mới giải tán bắt bớ tạo ra hình ảnh xấu xí nên người ta chặn từng người một.”

Bà Dương Thị Tân, một nhà hoạt động ở Sài Gòn, cho RFA biết an ninh mặc thường phục canh nhà bà từ mấy hôm nay mà không rõ mục đích của họ là gì.

Ở Hà Nội, cựu giáo chức Trần Thị Thảo cho RFA biết có công an khu vực tên Trường cùng một số người mặc thường phục ngồi canh ở gần cầu thang khu chung cư nơi bà ở từ sáng sớm và ngăn cản bà khi bà có ý định đi ra ngoài.

Trong video bà cung cấp cho RFA, ở chân cầu thang, viên công an tên Trường liên tục giục bà quay lại nhà nhưng lại không cho biết lý do ngăn cản bà rời chung cư.

Phóng viên có gọi điện vào đường dây nóng của Công an TP HCM nhưng không ai nghe máy. Người trực điện thoại của Công an phường Bách Khoa nơi bà giáo Trần Thị Thảo sinh sống nói phóng viên cần đến gặp trực tiếp lãnh đạo của Công an phường để được cung cấp thông tin về việc canh giữ bà ngày hôm nay.

Một nhà hoạt động giấu tên cho hay, ở khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ tại trung tâm thành phố Hà Nội, xuất hiện một số xe trật tự của công an phường cùng công an và dân phòng tuy số lượng không nhiều như các năm trước.

Lần đầu tiên sau hàng chục năm, báo chí nhà nước đưa tin rầm rộ về sự kiện thảm sát 64 người lính công binh bảo vệ đảo Gạc Ma, và các hoạt động tưởng niệm như thắp hương và thả hoa đăng được tổ chức ở nhiều địa điểm.

Phó Giáo sư Mạc Văn Trang giải thích việc chính quyền ngăn cản các nhà hoạt động và giới bất đồng chính kiến tham dự các sự kiện trên cho dù có sự nới lỏng đối với báo chí:

“An ninh người ta vẫn ngại, rất sợ khi tụ tập đông người rồi lên án Tàu cộng tàn sát đồng bào ta, chiến sĩ ta và lên án chính quyền hèn với giặc, ác với dân.”

Nhà thơ Hoàng Thuỵ Hưng (Hoàng Hưng), một thành viên trong Ban vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập, cho rằng trong khi người hoạt động xã hội độc lập luôn xiển dương lòng yêu nước, lên án mọi thế lực xâm lăng và kêu gọi cảnh giác trước mọi âm mưu xâm hại đất nước thì chính quyền Việt Nam thi hành chủ trương dứt khoát không cho phép bất cứ hoạt động độc lập nào có mầm mống tổ chức, dù chỉ là chuyện nhặt rác bờ biển hay trồng cây xanh cho đến việc phản ứng với Trung Quốc.

Bà Trần Thị Thảo nhận định, việc cho báo chí được viết về cuộc chiến 35 năm trước và gọi đích danh Trung Quốc là thủ phạm, ban lãnh đạo Việt Nam đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng đang mị dân và lừa phương Tây về sự thay đổi trong quan hệ với Bắc Kinh nhưng đồng thời vẫn cho Tập Cận Bình thấy những người chống Tàu vẫn đang bị khống chế.

DKN, Báo Quốc Dân