Những yếu tố khiến các ngân hàng khu vực của Hoa Kỳ suy yếu – Fan Yu

Share this post on:

Tác giả Fan Yu

Những yếu tố khiến các ngân hàng khu vực của Hoa Kỳ suy yếu

Khách hàng của Silicon Valley Bank xếp hàng chờ tại trụ sở của SVB ở Santa Clara, California, hôm 13/03/2023. (Ảnh: Noah Berger/AFP/Getty Images)

HOA KỲ

  • Thứ ba, 21/03/2023

Như người ta thường nói, hoạt động rút tiền hàng loạt tại ngân hàng có cách thức riêng để diễn biến ngày càng xấu đi.

Hai vụ sụp đổ ngân hàng đầu tiên, của Silvergate Bank và Silicon Valley Bank (SVB), là kết quả của những hoàn cảnh mang phong cách riêng tại hai tổ chức đó. Hoặc đó là những gì mà các nhà phân tích đã nói.

Nhưng khi ngay cả Signature Bank có trụ sở tại New York cũng bị các cơ quan quản lý tiếp quản hôm 12/03, thì một cuộc hoảng loạn toàn diện đã xảy ra. Signature Bank đã được theo dõi sát sao trong nhiều tuần, nếu không muốn nói là hàng tháng, về vai trò của ngân hàng này trong sự sụp đổ của sàn giao dịch mã kim FTX hồi năm ngoái. Họ đã thực hiện các bước vào năm ngoái và năm nay để giảm mức độ rủi ro liên quan đến tiền gửi bằng mã kim, và các bản phát hành thông tin chính thức của ngân hàng này trong vài tháng qua đã công bố việc giảm các khoản tiền gửi bằng mã kim một cách có trật tự. Signature Bank cho biết hồi đầu tháng Ba rằng, tiền gửi bằng mã kim đã ít hơn 18% trên tổng số.

Tuy nhiên, một khi Silvergate không còn, thì số phận của Signature Bank đã được định đoạt.

Đó là ba vụ sụp đổ ngân hàng trong vòng một tuần. Các nhà đầu tư và người gửi tiền — chủ yếu là các khách hàng doanh nghiệp và tài chính — đang hành động. Và một loạt các ngân hàng (hầu hết là các ngân hàng khu vực) đã bị cuốn vào vòng xoáy này.

First Republic Bank, Pacific Western Bank, và Western Alliance Bank đều là những ngân hàng có trụ sở tại Bờ Tây được cho là có rủi ro liên quan tới các khách hàng khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm, và công nghệ, và đều đồng loạt chứng kiến ​​​​cổ phiếu của họ giảm mạnh ngay sau đó. Họ có một số nhóm khách hàng gửi tiền tương tự như những người đã từng rút tiền khỏi Silicon Valley Bank.

Ngay sau đó, hầu hết tất cả các ngân hàng trong khu vực đều chứng kiến ​​cổ phiếu của họ giảm sút trong nhận thức rằng tất cả bọn họ đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề ngày càng giống nhau hơn.

Nhận thức đó có đúng hay không, và những vấn đề đó là gì?

Chúng ta hãy giả sử các vấn đề liên quan đến mã kim, vốn đã ám ảnh Silvergate và Signature, không phải là một mối quan tâm phổ biến đối với lĩnh vực ngân hàng nói chung. Xin lưu ý thêm, bitcoin đã tăng hơn 20% trong tuần lễ kết thúc hôm 17/03 và tăng hơn 60% từ đầu năm cho đến nay. Hãy tìm hiểu.

Thoạt nhìn, người gửi tiền tại SVB đã bị dọa sợ vì một lần hạ bậc xếp hạng. Và vào đúng lúc các nhân viên ngân hàng được thuê của SVB chuẩn bị tăng vốn cổ phần thì, số người gửi tiền rời đi đã đủ để các nhà đầu tư tiềm năng chỉ nhìn qua và bỏ đi. Các cơ quan xếp hạng thì lo ngại về khoản lỗ chưa thực hiện của SVB trên danh mục đầu tư chứng khoán của họ. Khoản lỗ ấy mà được thực nhận, thì gần như sẽ xóa sạch vốn chủ sở hữu của ngân hàng này.

Vậy điều trớ trêu ở đây là gì? Một phần lý do Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải vào cuộc để cứu SVB là do chính Fed đã góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng này. Những lần tăng lãi suất gần đây của Fed, và đặc biệt là tốc độ của những lần tăng đó trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, đã khiến lợi suất tăng vọt. Các ngân hàng như SVB với danh mục đầu tư trái phiếu lớn sẽ bị lỗ nặng.

Cơ sở tiền gửi thu hẹp không phải là vấn đề của riêng SVB.

Tổng lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm kể từ khi đạt đỉnh vào đầu năm 2022. Đây là một hệ quả khác của việc Fed tăng lãi suất. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã rút tiền mặt ra để đầu tư vào các quỹ thị trường tiền tệ có lợi suất cao hơn và công khố phiếu Hoa Kỳ. Khi tín phiếu kỳ hạn 1 năm có lãi suất gần 5%, thì có rất ít động lực để giữ tiền mặt trong tài khoản vãng lai.

Vì vậy, việc người gửi tiền rút tiền ra khỏi ngân hàng là một xu hướng tiếp diễn đang ảnh hưởng đến tất cả các ngân hàng.

Bên cạnh đó, có một số đặc điểm phân biệt một số ngân hàng nhất định với những ngân hàng khác. Những đặc điểm này có thể xác định được mức độ nhạy cảm của các ngân hàng này đối với tình trạng “rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng.”

Thứ nhất, hãy xét đến tỷ lệ phần trăm tiền gửi không được bảo hiểm trên tổng số tiền gửi của một ngân hàng. Trong môi trường hỗn loạn này, những người gửi tiền có số dư tiền gửi lớn hơn giới hạn bảo hiểm của FDIC (250,000 USD) có nguy cơ rời đi.

Không phải ngẫu nhiên mà SVB và Signature là hai ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao nhất (lần lượt là 94% và 90%). Còn một số nơi khác thì sao? First Republic, Zions Bank, Comerica Bank, và Huntington Bank cũng có tỷ lệ phần trăm cao, mặc dù tất cả các tỷ lệ của họ đều dưới 70%, theo các hồ sơ tương ứng đệ trình theo quy định của họ.

Một đặc điểm khác là mức độ liên quan tới các khoản cho vay địa ốc thương mại (CRE) và các khoản cho vay địa ốc xây dựng và phát triển của một ngân hàng. Tỷ lệ lấp đầy thấp trong các tòa nhà văn phòng và bán lẻ đang khiến một số chủ địa ốc mất khả năng thanh toán các các khoản vay thế chấp của họ. Đó không phải là rủi ro “rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng”, nhưng nó ảnh hưởng đến thu nhập của các ngân hàng, và khi các khoản thua lỗ là quá lớn, thì có thể dẫn đến hạ bậc xếp hạng và khiến người gửi tiền rút tiền hàng loạt (giống như với SVB).

Theo một ghi chú về kết quả nghiên cứu gần đây mà JPMorgan gửi cho khách hàng, các ngân hàng như Valley National Bank, Synovus Financial, Zions Bank, Associated Bank, và M&T Bank có một số tỷ lệ CRE và các khoản vay xây dựng trên vốn cổ phần phổ thông cấp 1 (CET1) cao nhất — tất cả đều có tỷ lệ trên 100%.

Yếu tố thứ ba là người tiêu dùng bình thường. Ngân hàng càng có nhiều khoản tiền gửi của người tiêu dùng và khách hàng cá nhân thì nhìn chung càng ổn định. Một ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi của khách hàng tiêu dùng và khách hàng cá nhân càng cao, thì ngân hàng đó càng ít bị ảnh hưởng bởi việc tiền gửi bị rút. Về mặt lý thuyết, người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít theo đuổi lợi suất hơn — và ít theo dõi các tiêu đề tài chính — và sẽ không rút tiền mặt để mua tín phiếu kho bạc nhanh như khách hàng doanh nghiệp.

Wells Fargo, Regions Bank, Citizens Bank, và PNC Bank sở hữu một số tỷ lệ tiền gửi đến từ khách hàng cá nhân cao nhất — tất cả đều hơn 60% — trong số tất cả các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của JPMorgan, theo một lưu ý gửi cho khách hàng.

Còn đâu là hai ngân hàng không có cơ sở tiền gửi cá nhân? Chính là SVB và Signature Bank.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Theo Epoch Tiếng Việt