Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: The Epoch Times/Getty Images)
Bình luậnNathan Worcester • 16:22, 19/04/23
Đề xuất về tiêu chuẩn phát thải phương tiện mới của chính quyền Biden được coi là một sự tự sát trong công nghiệp. Những mục tiêu là phi thực tế, đồng thời trao quyền lực vào tay Trung Quốc.
Xem nhanh
- ‘Tự sát trong công nghiệp’
- Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền
- Trao quyền lực cho Trung Quốc
- Bức tranh lớn hơn
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã đề xuất các tiêu chuẩn phát thải phương tiện “mạnh mẽ nhất từ trước đến nay” nhằm thúc đẩy việc sử dụng ô tô điện hàng loạt trong vòng một thập kỷ tới. Các chuyên gia cảnh báo, chúng sẽ làm tăng sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc.
Bà Mandy Gunasekara, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Bảo tồn tại Diễn đàn Phụ nữ Độc lập, cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 17/04 với The Epoch Times: “Điều đó làm lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc vì họ kiểm soát chuỗi cung ứng khoáng chất quan trọng cần thiết để chế tạo pin cho các phương tiện điện đó”. Diễn đàn Phụ nữ Độc Lập là một tổ chức tư vấn bảo thủ.
Bà Gunasekara từng là chánh văn phòng EPA dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Bà khẳng định rằng chính quyền Trump đã làm tốt hơn trong việc dung hòa các vấn đề về môi trường, kinh tế và chiến lược so với nhóm của ông Biden. Điều này bao gồm cả các vấn đề liên quan tới các khoáng chất quan trọng được sử dụng trong xe điện (EV) và các công nghệ khác.
Bà nói: “Đã có sự phối hợp để đảm bảo rằng chúng tôi không đặt ra các quy định, thứ sẽ đóng cửa hoạt động công nghiệp tại Mỹ, trong khi biết rõ rằng năng suất không mất đi – nó chỉ xuất hiện ở một nơi khác, và điển hình là một nơi như Trung Quốc”.
EPA dự đoán rằng với các tiêu chuẩn mới, hai phần ba số xe thân nhẹ mới sẽ chạy bằng điện vào năm 2032, tăng từ mức dưới 6% hiện nay.
Các quy tắc được đề xuất sẽ có hiệu lực với ô tô từ mẫu xe năm 2027 trở đi. Chúng nhắm mục tiêu đến lượng phát thải từ ống xả của các phương tiện hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng.
EPA tuyên bố các tiêu chuẩn sẽ “làm giảm đáng kể ô nhiễm khí hậu và các loại hình ô nhiễm không khí có hại khác, tạo ra những lợi ích đáng kể cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong các cộng đồng bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi chất lượng không khí kém”.Một nhà máy lọc đất hiếm gần thành phố Bao Đầu, Nội Mông Cổ, bên rìa sa mạc Gobi. Hầu hết đất hiếm của Trung Quốc đến từ vùng Bao Đầu giàu khoáng sản. (Ảnh: Ed Jones/AFP qua Getty Images)
‘Tự sát trong công nghiệp’
“Đây là sự tự sát trong công nghiệp”, ông James Kennedy, chủ mỏ khai thác và là chuyên gia về đất hiếm của Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/04 với The Epoch Times.
Ông nói: “Theo kế hoạch, mục tiêu của họ là quét sạch, phá hủy, thực sự kết liễu khoản đầu tư kinh tế khổng lồ mà các công ty ô tô đã thực hiện đối với động cơ đốt trong”.
Ông Kennedy chỉ ra kế hoạch chiến lược, dài hạn của Trung Quốc nhằm thống trị hoạt động khai thác và tinh chế đất hiếm, cũng như hoạt động sản xuất các công nghệ hạ nguồn.
Vấn đề với các kim loại đất hiếm terbium, holmium và dysprosium là một trong những nút thắt chính giúp Trung Quốc kiểm soát việc sản xuất xe điện.
Ông Kennedy giải thích rằng các nguyên tố trên giúp nam châm neodymium hoạt động ở nhiệt độ cao trong động cơ của ô tô điện.
Ông nói: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới, chấm hết, chấm than, có thể phân tách các vật liệu đó”.Một chiếc xe do nhà sản xuất ô tô điện Tesla sản xuất được kiểm tra trong một buổi lễ ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, vào ngày 13/02/2017. (Ảnh: Karim Sahib/AFP/Getty Images)
Đặc phái viên Khí hậu Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh điều mà ông coi là nhu cầu cấp thiết phải hợp tác với Trung Quốc trong chống biến đổi khí hậu. Ông Kerry gần đây đã thông báo với Axios rằng các cuộc đàm phán giữa các cường quốc đã bị đình trệ do căng thẳng địa chiến lược leo thang.
Theo quan điểm của bà Gunasekara, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành công nhờ dựa vào chính sách chống biến đổi khí hậu của đảng Dân chủ, vốn thường vượt xa những gì đảng Cộng hòa ủng hộ.
Bà nói: “Cuối cùng, họ là những người kiếm được lợi nhuận từ các chính sách tồi tệ của chúng ta”.
Mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền
Bà Nadia Schadlow, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Trump, cho rằng chính quyền Biden không hoàn toàn đi chệch hướng trong vấn đề liên quan đến các khoáng chất quan trọng và các vật liệu khác dùng để sản xuất xe điện.
Bà nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/04: “Chúng ta nên ghi nhận công lao của chính quyền [Biden] vì đã thúc đẩy việc đưa hoạt động sản xuất các đầu vào then chốt và quan trọng này trở lại trong nước”.
Bộ Năng lượng Mỹ vào ngày 04/04 đã công bố khoản tài trợ 16 triệu USD cho một nhà máy lọc và tách khoáng sản quan trọng và đất hiếm.
“Kế hoạch Đầu tư vào Mỹ của Tổng thống Biden đang giúp giảm bớt sự phụ thuộc quá mức của chúng ta vào các quốc gia đối địch và định vị đất nước này như một nhà lãnh đạo sản xuất toàn cầu”, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết trong một tuyên bố kèm theo.
Tháng 2 năm ngoái, chính quyền Biden đã công bố khoản tài trợ 35 triệu USD cho công ty MP Materials có trụ sở tại Nevada. Đây là công ty đang vận hành mỏ đất hiếm duy nhất của nước Mỹ ở Mountain Pass, California.
Đất hiếm cũng được đề cập đến trong sắc lệnh hành pháp vào tháng 02/2021 của ông Biden đối với chuỗi cung ứng của Mỹ và vào bài phát biểu tháng 02/2022 tại một hội nghị bàn tròn về việc củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ. Tại bài phát biểu đó, ông Biden đã liệt kê chúng trong danh sách những nguyên liệu quan trọng “rất cần thiết cho rất nhiều sản phẩm của Mỹ”.
Bà Schadlow nói: “Vấn đề là chúng đang xung đột với một số bộ phận khác của chính quyền, những bên ít quan tâm đến sự cạnh tranh với Trung Quốc và tập trung hơn vào các vấn đề môi trường truyền thống”.
Giống như những ý kiến khác mà The Epoch Times thu thập được, bà Schadlow nói đến tốc độ cấp phép khai thác chậm chạp.
Bà nói: “Nếu có sự mất kết nối với khả năng thực tế – cho dù là các trạm sạc trên khắp đất nước hay các nguồn khoáng sản ở Mỹ hay ở các quốc gia đồng minh – thì thời điểm này dường như không phù hợp”.Các ao nước muối và khu vực xử lý của mỏ lithium của công ty Chile SQM (Sociedad Quimica Minera) ở sa mạc Atacama, Calama, Chile, vào ngày 12/09/2022. (Ảnh: Martin Bernetti/AFP qua Getty Images)
Bà Gunasekara nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự lãnh đạo hiệu quả của tổng thống, xét đến thách thức cơ bản của Trung Quốc đối với Mỹ.
“Tôi thực sự nghĩ rằng sẽ có một sáng kiến chiến lược từ cấp cao để xử lý tình trạng này, bởi vì nó đã không được xử lý trong những năm qua. Có rất nhiều quyết định nhỏ sẽ phải được đưa ra để đảm bảo rằng Mỹ không chuyển sự phụ thuộc vào OPEC sang Đảng Cộng sản Trung Quốc”, bà nói.
EPA đã khi trả lời câu hỏi của The Epoch Times về việc liệu các quy định mới có ủng hộ Trung Quốc hay không. Trong phản hồi, EPA đã bảo vệ các tiêu chuẩn mới được đề xuất, nói rằng chúng “phù hợp với hướng đi của ngành công nghiệp ô tô Mỹ”. Người phát ngôn của EPA cho biết, ngành công nghiệp đã đầu tư đáng kể vào các phương tiện không phát thải, thứ là nền tảng cho chính sách của chính quyền.
Người phát ngôn cho biết: “Ngoài ra, còn có khoản đầu tư rất lớn vào công nghệ xe và hoạt động sản xuất chip không phát thải, chẳng hạn như đã có hơn 120 tỷ USD đầu tư tư nhân vào xe điện và pin ở Mỹ kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức”.
“Với khoản đầu tư của Tổng thống Biden vào việc đẩy nhanh quá trình sản xuất xe không phát thải của Mỹ, Mỹ được chuẩn bị để dẫn đầu về tương lai xe sạch”.
Trao quyền lực cho Trung Quốc
Ông Marc Morano là Giám đốc điều hành của ClimateDepot.com, một dự án của tổ chức tư vấn có tên Ủy ban vì một ngày mai mang tính xây dựng (Committee for a Constructive Tomorrow) có trụ sở tại Washington. Trong một cuộc phỏng vấn ngày 17/04 với The Epoch Times, ông Morano cho biết: “Kế hoạch EPA của ông Biden là một kế hoạch trao quyền lực cho Trung Quốc”.
Giống như các chuyên gia khác mà The Epoch Times đã phỏng vấn, ông Morano đã đặt câu hỏi về những dự đoán đầy tham vọng của EPA về việc áp dụng EV quy mô lớn trong vòng mười năm tới.
“Kế hoạch, nếu nó thực sự được tiến hành, sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp ô tô”, ông Morano nói.
Ông Kennedy cũng đồng ý với ý kiến đó, nói rằng: “Chúng quá phi thực tế”.
Ông chỉ ra rằng việc áp dụng đại trà xe điện và các công nghệ xanh khác sẽ cần một lượng cực lớn lithium, đất hiếm, đồng và các khoáng chất khác.
Ông ấy nói: “Không có đủ những vật liệu này để cung ứng”.
Ông Kennedy cũng bày tỏ sự hoài nghi về những tuyên bố rằng Trung Quốc đã nới lỏng việc kiểm soát đất hiếm, khi mà giờ đây sản lượng của họ đã giảm xuống mức 60% tổng sản lượng toàn cầu.
“Trung Quốc đã tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất tài nguyên đến mức họ sẽ đi ra ngoài, phát triển các dự án và bắt đầu vận chuyển [sản phẩm] đến Trung Quốc. Trung Quốc không muốn gây ô nhiễm cho đất nước mình hoặc làm cạn kiệt tài nguyên nữa, vì vậy họ đã tạo ra cơ hội lợi nhuận cho các nhà sản xuất – và đó là tình huống của chúng ta ngay tại thời điểm này”, ông nói.
Ông Kennedy đã cung cấp cho The Epoch Times một bài báo chưa được công bố mà ông ấy đã viết cùng với các chuyên gia khác từ khắp nơi trên hành tinh. Trong số họ, có cả những người trong ngành đất hiếm. Họ chọn giấu tên vì lo ngại về hậu quả nghề nghiệp của việc chỉ ra sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đó.
Trong bài báo, ông Kennedy và các chuyên gia khẳng định rằng Trung Quốc có đủ khả năng “làm gián đoạn quá trình sản xuất của gần 100% công nghệ và sản phẩm phụ thuộc vào REE [nguyên tố đất hiếm] của thế giới, bao gồm cả các hệ thống vũ khí của Mỹ”.
“Đất hiếm rất quan trọng đối với nhiều hệ thống quân sự. Bạn sẽ thấy cùng một bộ những vấn đề trong việc cần thiết phải nới lỏng các yêu cầu cấp phép trong lĩnh vực đó”, bà Schadlow nói với The Epoch Times.
Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ nói đến các xe thương mại, quyền lực độc quyền của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng mang lại cho họ đòn bẩy, không chỉ đối với Mỹ và các nhà sản xuất ô tô của Mỹ.
“Họ ngừng vận chuyển vật liệu này cho General Motors hoặc Tesla hoặc Lexus – họ thực sự đang nắm trong tay mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia này”, ông Kennedy nói với The Epoch Times.
Bức tranh lớn hơn
Ông Morano nói rằng các quy tắc do EPA đề xuất là nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy xe điện và kết liễu ô tô chạy bằng khí đốt, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, EPA đã triển khai chúng một năm sau khi nhà kinh tế học khí hậu người Anh, Nam tước Nicholas Stern, nói với Ngân hàng Thế giới rằng hành tinh này cần “sự rõ ràng về thời gian” trong việc cấm kinh doanh những phương tiện như vậy.
Thành phố Oxford của Anh đã đi đầu trong việc áp dụng khái niệm “thành phố 15 phút”, thứ hạn chế thị trường tự do và di chuyển tự do dưới danh nghĩa chính sách xanh.
Trong khi đó, nhiều địa phương ở Mỹ đang cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc xây dựng các trạm xăng mới.
Ông Morano cho rằng các quy định của EPA sẽ làm tăng nhu cầu đối với ô tô đã qua sử dụng. Người Mỹ sẽ phải vật lộn để mua những chiếc xe điện mới đắt tiền, trong khi chi phí sạc cũng tăng.
Ông nói: “Bạn có thể tìm đến Cuba để tìm hiểu tình huống xảy ra khi thị trường ô tô đã qua sử dụng bùng nổ bởi vì đó là những gì chúng tôi đang xem xét ở đây”.
Ông Kennedy nói, “Tất cả chỉ vì một ý tưởng là Mẹ Thiên nhiên không thể dung chứa [chúng ta]”.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Trích từ NTDVN