Matthew Vadum
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt – 05/7/2023
Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ chụp ảnh chính thức tại Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 07/10/2022. (Phía trước, từ trái qua phải) Thẩm phán Sonia Sotomayor, Thẩm phán Clarence Thomas, Chánh án John Roberts, Thẩm phán Samuel Alito, và Thẩm phán Elena Kagan. (Phía sau, từ trái qua phải) Các thẩm phán Amy Coney Barrett, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và Ketanji Brown Jackson. (Ảnh: Olivier Douliery/AFP qua Getty Images)
Khối đa số gồm sáu thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống của Tối cao Pháp viện đã thể hiện quyền lực của mình trong nhiệm kỳ vừa kết thúc hôm 30/06.
Họ đã áp dụng một quan điểm theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống hay ủng hộ chính phủ có quyền lực giới hạn trong một loạt các phán quyết được nhiều người quan tâm và theo dõi liên quan đến Affirmative Action (hành động khẳng định) (1), xóa nợ vay sinh viên, tự do tôn giáo, nhập cư, và quyền sở hữu.
Nhiệm kỳ này đã diễn ra sau nhiệm kỳ gây xôn xao dư luận hồi năm ngoái. Trong nhiệm kỳ này, họ đã thúc đẩy các mục tiêu theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống khi đảo ngược án lệ Roe kiện Wade với phán quyết rằng Hiến Pháp không quy định về quyền phá thai; công nhận việc mang súng để tự vệ ở nơi công cộng là một quyền hiến định; và giới hạn quyền quản lý môi trường của chính phủ.
Trong nhiệm kỳ này, bắt đầu từ tháng 10/2022, Pháp viện đã ban hành 58 bản ý kiến trong các án lệ được tranh luận. Nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu với các tranh luận trực tiếp (trình bày lập luận và trả lời câu hỏi của các thẩm phán) vào tháng Mười tới.
Ông Curt Levey, một luật sư kiêm chủ tịch của tổ chức bất vụ lợi ủng hộ pháp luật theo hướng bảo tồn truyền thống Committee for Justice, cho biết, nói chung ông hài lòng với những phán quyết được đưa ra trong nhiệm kỳ này.
“Đây là một pháp viện theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống mang tính luật học, thực hành trường phái văn bản thuần túy (2) và chắc chắn làm theo tiền lệ pháp — miễn là vụ việc không thái quá.” Ông nói rằng ông hài lòng với việc Pháp viện đã “kiềm chế nhà nước hành chính” (administrative state), ám chỉ việc hệ thống quan chức không qua bầu cử thực thi quyền hạn mà lẽ ra phải được thực thi theo chỉ thị của các quan chức dân cử.
Đề cập đến lệnh tạm hoãn hồi tháng Tư khi Pháp viện đã ra lệnh đình chỉ tạm thời phán quyết tòa cấp dưới nhằm tạm dừng việc bán thuốc mifepristone, ông cho biết Pháp viện đã khiến một số người theo phái bảo tồn truyền thống thất vọng khi chỉ ban hành một lệnh đình chỉ trong thời gian ngắn đối với thuốc phá thai mifepristone trong vụ kiện tụng liên quan đến lệnh chấp thuận thuốc này theo quy định, nhưng sau đó Pháp viện “ngay lập tức dỡ bỏ lệnh đình chỉ này.”
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Levey cho biết, từ quan điểm của “những người theo chủ nghĩa hợp hiến bảo tồn truyền thống” thì nhiệm kỳ này báo hiệu điềm lành cho tương lai.
“Khối cử tri trung thành của cả hai đảng sẽ tiếp tục muốn mọi thứ diễn ra theo mong muốn của họ [và là] những người chú trọng kết quả. Nhưng tôi thực sự ước rằng khối cử tri trung thành của cánh tả ít ra sẽ ngừng những luận điệu rằng tòa án này nghiêng về cánh hữu bởi vì bằng chứng cho thấy điều ngược lại.”
Ông Larry Salzman, giám đốc pháp lý của Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương (Pacific Legal Foundation, PLF), một tổ chức bất vụ lợi ủng hộ quyền tự do, nói với The Epoch Times rằng, trong nhiệm kỳ này, “Pháp viện một lần nữa thể hiện thiện chí để giải đáp các vấn đề căn bản.”
“Họ đã xem xét các vụ án lớn về quyền sở hữu, sự phân lập quyền lực, Tu chính án thứ 14, và ý nghĩa của các quyền công dân.”
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Salzman cho biết Pháp viện đã xem xét “một số vấn đề phức tạp nhất mà Hiến Pháp phải giải quyết — mối quan hệ giữa chính phủ và các cá nhân, và với sự phân lập quyền lực.”
Pháp viện đã “tham gia nhiều” vào việc ngăn chặn “các cơ quan liên bang thực thi thẩm quyền hoặc làm những việc mà Quốc hội không cho phép các cơ quan này thực hiện.”
“Pháp viện đang thực hiện vai trò thích hợp của mình với tư cách là một nhánh ngang hàng với chính phủ để nói rằng, ‘Chúng tôi cho biết luật này quy định những gì, Quốc hội đã ban hành một luật, nhưng quý vị đang vượt quá giới hạn của luật đó.’ Chính vì vậy, nhánh hành pháp, tổng thống Hoa Kỳ, không thể làm những việc mà Quốc hội không cho phép.”
Ông Salzman nói rằng thật “ngây thơ khi nghĩ” rằng các phán quyết của Tối cao Pháp viện đều liên quan đến việc đảng nào bổ nhiệm các thẩm phán.
“Lập luận theo luật học vừa tinh tế vừa mang tính triết học hơn những gì quý vị có thể đánh đồng với đảng phái, và tôi không nghĩ rằng điều đó có ích cho các tổ chức của chúng ta khi có quan điểm rằng tất cả [các phán quyết] đều liên quan đến chính trị. Hoàn toàn không phải như thế. Có những nguyên tắc đằng sau tất cả những vụ án này.”
Hành động khẳng định
Trong số những phán quyết được cho rằng đáng mong đợi nhất trong nhiệm kỳ này của Tối cao Pháp viện là phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận–2 phiếu chống trong vụ tổ chức Sinh viên vì Tuyển sinh Công bằng (Students for Fair Admissions Inc., SFFA) kiện Đại học Harvard, và phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận–3 phiếu chống trong vụ SFFA kiện Đại học North Carolina (UNC) để chấm dứt áp dụng những chính sách tuyển sinh phân biệt chủng tộc tại các trường đại học Hoa Kỳ.
Pháp viện cho rằng vì các học viện quân sự không liên quan gì đến hai vụ án nói trên và vì họ có thể có những lợi ích “có thể khác biệt” và “bắt buộc” để giải thích cho chính sách này, nên các phán quyết đó không áp dụng cho họ.
Thẩm phán đương thời Sandra Day O’Connor đã báo trước sự sụp đổ của hành động khẳng định tại các trường đại học trong vụ Grutter kiện Bollinger (2003). “Chúng tôi hy vọng rằng 25 năm nữa kể từ lúc này, việc áp dụng các ưu tiên chủng tộc sẽ không còn cần thiết nữa,” bà viết, đồng thời nói thêm rằng “toàn bộ việc áp dụng ưu tiên chủng tộc của chính phủ phải có một mục đích tối hậu hợp lý.”
Hôm 29/06, Chánh án John Roberts viết rằng, trong khoảng thời gian quá lâu rồi, các trường đại học đã “kết luận một cách sai lầm rằng tiêu chuẩn để nhận biết một cá nhân không phải là các thử thách đã vượt qua, các kỹ năng được trau dồi, hay những bài học được rút ra mà là màu da của họ.”
Một sinh viên “phải được đối xử dựa trên những trải nghiệm cá nhân của người đó — chứ không phải dựa trên chủng tộc.”
“Nhiều trường đại học đã làm theo cách hoàn toàn ngược lại đã quá lâu rồi … Lịch sử theo Hiến Pháp của chúng ta không chấp nhận lựa chọn đó.”
Thẩm phán Clarence Thomas, thẩm phán Tối cao Pháp viện người Mỹ gốc Phi Châu thứ hai của quốc gia sau cố Thẩm phán Thurgood Marshall, viết rằng các chính sách tuyển sinh của những trường đại học này đã bị phơi bày “về bản chất: các ưu tiên dựa trên chủng tộc, không định hướng được đặt ra để bảo đảm có sự pha trộn chủng tộc cụ thể trong việc tuyển sinh của họ.”
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson, nữ thẩm phán người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên, đã phản đối gay gắt, nói rằng phán quyết trong vụ án UNC “thực sự là một bi kịch đối với tất cả chúng ta.”
“Nhắm mắt trước thực tế [không công bằng chủng tộc], hôm nay, khối đa số trong Pháp viện đột ngột thay đổi và tuyên bố thông qua quyết định pháp lý rằng ‘công bằng chủng tộc đối với tất cả mọi người.’ Nhưng việc coi chủng tộc không liên quan về mặt pháp lý không có nghĩa là điều đó cũng như vậy trong cuộc sống.”
Ông Salzman của PLF nói rằng kết quả ở đây là đáng khích lệ.
“Nhìn chung, họ [các thẩm phán] đang sẵn sàng xem xét một lần nữa những vấn đề phức tạp nhất trong luật dân quyền, và họ đã đưa ra một lời giải đáp. Và câu trả lời đó là: Điều quan trọng không phải là nhóm người, mà điều quan trọng là các cá nhân. Và [phân biệt] chủng tộc không được chấp nhận trong đời sống cộng đồng.”
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng phán quyết này sẽ có tác động rộng rãi về việc tái khẳng định quan điểm rằng Tu chính án thứ 14 tạo nên một Hiến Pháp không có định kiến về chủng tộc.”
Tái phân chia địa hạt bầu cử
Tuy vậy, Pháp viện không sẵn sàng loại bỏ sự phân tích về chủng tộc trong hai vụ kiện về việc cơ quan nào được phép vạch ra ranh giới của các địa hạt bầu cử, nên đã ra phán quyết phản đối quan điểm bảo tồn truyền thống–hợp hiến trong cả hai vụ kiện.
Đảng Cộng Hòa muốn Pháp viện không ủng hộ việc xem chủng tộc của cử tri như một nhân tố trong tính toán luật học của mình, trong khi Đảng Dân Chủ hy vọng Pháp viện sẽ giữ nguyên hiện trạng và tiếp tục xem chủng tộc như một nhân tố trong các vụ tranh chấp tái phân chia địa hạt bầu cử.
Hôm 08/06, Pháp viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống để hủy bỏ bản đồ bầu cử của Alabama khi xét thấy bản đồ do các nhà lập pháp tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa vẽ ra có tính phân biệt chủng tộc và do đó vi phạm Đạo luật Quyền Bầu cử (VRA) liên bang.
Trong vụ Allen kiện Milligan, tiểu bang Alabama do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số này đã yêu cầu Pháp viện bác bỏ Mục 2 của Đạo luật VRA, vốn cấm các thủ tục bỏ phiếu phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, hoặc tư cách thành viên trong một nhóm đông đảo người nói ngôn ngữ thiểu số (người gốc Á Châu, người Mỹ bản địa, người Alaska bản địa, người gốc Tây Ban Nha). Nhưng Pháp viện đã từ chối làm như vậy.
Chánh án John Roberts viết rằng quan điểm của Alabama “không xem xét cẩn thận tiền lệ pháp của chúng ta.”
“Một địa hạt được giới hạn một cách không đồng đều … khi các cử tri thuộc nhóm thiểu số — không giống như những cử tri thuộc nhóm đa số của họ — phải đối mặt với việc bỏ phiếu theo nhóm dựa theo đường hướng chủng tộc, nảy sinh trong bối cảnh phân biệt chủng tộc đáng kể trong Tiểu bang, mà điều đó khiến một lá phiếu của cử tri thiểu số không bình đẳng với một lá phiếu của cử tri không thuộc nhóm thiểu số.”
Thẩm phán Clarence Thomas không đồng tình, viết rằng ông “sẽ giải quyết những vụ án này theo cách mà sẽ không yêu cầu Cơ quan Tư pháp Liên bang phải quyết định phân chia chính xác theo chủng tộc cho các ghế quốc hội của Alabama.”
Trong vụ Moore kiện Harper, Pháp viện ra phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống nhằm phản đối các thành viên Đảng Cộng Hòa North Carolina, những người lập luận rằng các cơ quan lập pháp của tiểu bang có thẩm quyền sâu rộng để đưa ra quy định cho các cuộc bầu cử liên bang ở tiểu bang mà không cần sự can thiệp của các tòa án. Ba thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống nằm trong nhóm đa số bỏ phiếu thuận cho phán quyết; ba thẩm phán còn lại không đồng tình.
Khi Đảng Dân Chủ còn chiếm ưu thế, Tòa án Tối cao North Carolina đã bác bỏ một bản đồ bầu cử do Cơ quan Lập pháp North Carolina vẽ ra vì nhận thấy bản đồ đó đã vi phạm các điều khoản của Hiến Pháp tiểu bang phản đối việc gian lận phân chia khu vực bầu cử (gerrymandering). Nhưng các thành viên Đảng Cộng Hòa đã có quyền kiểm soát tòa án tiểu bang này và đảo ngược phán quyết đó trong khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vẫn đang xem xét vụ án này. Tòa án tiểu bang này nhận thấy rằng “không có tiêu chuẩn có thể áp dụng về mặt pháp lý mà qua đó phân xử những khiếu nại về gian lận phân chia khu vực bầu cử liên quan đến đảng phái” và rằng các tòa án “không được can thiệp vào các vấn đề chính sách.”
Hôm 27/06, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ học thuyết cơ quan lập pháp tiểu bang độc lập này, mà theo đó Đảng Cộng Hòa nói rằng Hiến Pháp luôn ủy quyền trực tiếp cho riêng các cơ quan lập pháp tiểu bang để đưa ra các quy tắc tiến hành bầu cử liên bang ở các tiểu bang tương ứng của họ. Trong khi đó, các thành viên Đảng Dân Chủ cho rằng đó là một lý thuyết pháp lý có khuynh hướng bảo tồn truyền thống không quan trọng có thể gây nguy hiểm cho các quyền bỏ phiếu, tạo thuận tiện cho việc gian lận phân chia khu vực bầu cử theo đảng phái trong quá trình tái phân chia địa hạt bầu cử, và gây ra biến động trong quản lý bầu cử.
Thẩm phán Clarence Thomas viết rằng ông sẽ bác đơn kiện này vì “không thể phủ nhận rằng đây là một vụ kiện giả định và Pháp viện không có quyền hạn xét xử” sau khi tòa án tối cao North Carolina ra phán quyết về vấn đề này.
Ông Christian Adams, chủ tịch của Tổ chức Pháp lý vì Lợi ích Cộng đồng, một nhóm về giám sát tổ chức công tập trung vào tính liêm chính trong bầu cử, nói với The Epoch Times rằng các phán quyết trong vụ Milligan và Moore sẽ không mang lại nhiều thay đổi.
Ông nói qua thư điện tử rằng cả hai phán quyết này “chỉ đơn thuần là duy trì hiện trạng.”
“Bản ý kiến trong vụ tái phân chia địa hạt bầu cử của Alabama chỉ nhắc lại và tái khẳng định vụ Gingles kiện Thornburg,” ông Adams nói, đề cập đến phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1986.
“Vụ Moore kiện Harper chỉ giữ nguyên hiện trạng — rằng tiểu bang có quyền tái xét tư pháp (judicial review). Vì vậy, tôi nghĩ tác động gần như bằng không.”
Ông Levey nói với The Epoch Times, “hơi cường điệu khi nói rằng các cơ quan lập pháp tiểu bang không chịu sự tái xét tư pháp của tiểu bang” như North Carolina đã lập luận.
Bà Olivia Dalton, phó tham vụ báo chí chính Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden, tán dương Pháp viện vì đã bác bỏ “lý thuyết pháp lý cực đoan được đưa ra trong vụ án này. Lý thuyết này sẽ gây trở ngại cho các chính phủ tiểu bang [và] sẽ tạo cơ hội cho các chính trị gia gây thiệt hại cho người dân — và sẽ đe dọa sự tự do của tất cả người Mỹ để tiếng nói của họ được lắng nghe tại thùng phiếu.”
Xóa nợ vay sinh viên
Hầu hết các nhà bình luận pháp lý đều không ngạc nhiên khi Pháp viện hủy bỏ chương trình xóa nợ vay sinh viên của Tổng thống Joe Biden hôm 30/06.
Tối cao Pháp viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống, với cả sáu thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống đều bỏ phiếu làm mất giá trị pháp lý của chương trình này và cả ba thẩm phán thiên tả bỏ phiếu ủng hộ.
Ông Biden đã công bố kế hoạch này trong một hành động mà những người chỉ trích cho là một nỗ lực có vấn đề nếu căn cứ theo Hiến Pháp nhằm giúp đỡ các ứng cử viên Đảng Dân Chủ trong các cuộc bầu cử vào Quốc hội hồi tháng 11/2022. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết kế hoạch này có thể sẽ tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD nhưng Trường Wharton đã ước tính chi phí có thể vượt quá 1 ngàn tỷ USD.
Chương trình hiện không còn hiệu lực này sẽ xóa nợ khoản vay gốc lên tới 20,000 USD cho mỗi người trong số 40 triệu người vay.
Trong vụ TT Biden kiện Nebraska, Chánh án John Roberts viết rằng chính phủ đã vượt thẩm quyền khi viện dẫn Đạo luật Cơ hội Trợ giúp Giáo dục Đại học cho Sinh viên năm 2003 (Đạo luật HEROES) để xóa nợ hàng loạt.
Ông Roberts viết rằng, chính phủ “‘đã sửa đổi’ các điều khoản được trích dẫn [trong đạo luật này] giống như cách mà Cách mạng Pháp đã từng ‘thay đổi’ địa vị của giới quý tộc Pháp — điều này đã hủy bỏ địa vị đó và thay thế hoàn toàn bằng một chế độ mới.”
Thẩm phán Elena Kagan, đã không đồng tình, viết rằng chính phủ có “quyền hạn rộng rãi để giảm thiểu tác động của một tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với khả năng trả nợ các khoản vay sinh viên của người đi vay.”
Ông Biden đã phản đối phán quyết này và quy trách nhiệm cho Đảng Cộng Hòa.
Tổng thống cho biết, 16 triệu người đã được chấp thuận để được xóa nợ và “tiền thực sự sắp được chi ra. Và rồi sau đó các quan chức dân cử của Đảng Cộng Hòa và các nhóm lợi ích đặc biệt xen vào.”
“Họ nói không, không — về căn bản là giật lấy hàng ngàn dollar tiền xóa nợ sinh viên từ tay hàng triệu người Mỹ mà lẽ ra có thể giúp họ thay đổi cuộc đời.”
Tự do tôn giáo
Pháp viện đã tiếp tục xu hướng của họ trong những năm gần đây là ngày càng bảo vệ tự do tôn giáo.
Hôm 30/06, Pháp viện đã đưa ra phán quyết với 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống có lợi cho một người thiết kế trang web vốn là một tín đồ Cơ Đốc Giáo. Cô đã tuyên bố rằng luật của Colorado yêu cầu cô tạo các trang web để kỷ niệm các lễ cưới đồng giới là vi phạm các quyền hiến định của cô.
Thẩm phán Neil Gorsuch đã viết trong vụ án 303 Creative LLC kiện Elenis rằng Colorado không được ép buộc “một cá nhân phát ngôn theo cách phù hợp với quan điểm của họ mà bất chấp lương tâm của cô ấy về một vấn đề có ý nghĩa hệ trọng.”
Thẩm phán Sonia Sotomayor đã không đồng tình, viết rằng, “Hôm nay, Pháp viện, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, trao cho một doanh nghiệp tiếp cận với công chúng một quyền hiến định để từ chối phục vụ các thành viên thuộc một giai tầng được bảo vệ.”
Hôm 29/06, Pháp viện đã đồng thuận ra phán quyết trong vụ án Groff kiện DeJoy rằng Bưu điện Hoa Kỳ (USPS) đã vi phạm các quyền hiến định của một bưu tá vốn là một tín đồ Tin Lành khi cơ quan này từ chối đáp ứng nguyện vọng không làm việc vào Ngày Sabbath Chủ Nhật của ông.
Thẩm phán Samuel Alito đã viết thay mặt Pháp viện: “Chúng tôi nghĩ rằng việc này đủ để nói rằng một nhà tuyển dụng phải chứng minh rằng gánh nặng của việc tạo sự thuận tiện sẽ dẫn đến chi phí gia tăng đáng kể liên quan đến việc tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể của họ.”
Vào thời điểm đó, luật sư Aaron Streett, người đại diện cho ông Groff, đã ca ngợi phán quyết mới này.
“Quốc gia của chúng ta có một lịch sử lâu dài trong việc bảo vệ những người đi làm khỏi bị đối xử khác biệt tại nơi làm việc chỉ vì đức tin của họ. Phán quyết này phù hợp với lịch sử đó và là một chiến thắng to lớn cho tất cả những người có đức tin.”
Vấn đề nhập cư
Hôm 23/06, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết với tỷ lệ 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống rằng Texas và Louisiana không được phản đối quyết định của chính phủ Tổng thống Biden về việc tập trung các nỗ lực trục xuất những cá nhân được xem là một mối đe dọa đối với an toàn công cộng.
Hai tiểu bang này đã kiện chính phủ ông Biden về một chính sách được công bố trong một bản ghi nhớ vào ngày 30/09/2021 của Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, tuyên bố rằng không thể trục xuất khoảng 11 triệu người nhập cư trái phép theo ước tính đang có mặt tại Hoa Kỳ.
Bản ghi nhớ này đã đưa ra một thủ tục giải quyết theo từng trường hợp, trong đó ưu tiên bắt giữ và trục xuất những kẻ bị tình nghi là khủng bố, những người phạm tội, và người nhập cư bất hợp pháp mới bị bắt giữ tại biên giới.
Tuy nhiên, hai tiểu bang này lập luận rằng chính phủ liên bang đang từ chối thực thi luật nhập cư một cách bất hợp pháp bằng cách chỉ ưu tiên thực thi một số hạng mục nhất định mà bỏ qua các hạng mục khác. Họ cho biết luật này yêu cầu những người ngoại quốc phạm tội đặc biệt, chẳng hạn như trọng tội nghiêm trọng, phải bị giam giữ sau khi được thả khỏi nơi giam giữ hình sự trong khi chờ quyết định có trục xuất họ khỏi đất nước hay không. Họ cho rằng luật cũng yêu cầu những người ngoại quốc nào có lệnh trục xuất cuối cùng phải bị giam giữ trong khi chờ trục xuất.
Thẩm phán Brett Kavanaugh đã bác bỏ vụ kiện của những tiểu bang này, viết trong vụ Hoa Kỳ kiện Texas rằng vụ kiện này “vô cùng bất thường” và tiền lệ pháp cho thấy rằng hai tiểu bang này thiếu tư cách pháp lý để khởi kiện chính sách này.
Ông viết rằng vì các nguồn lực có hạn, nên chính phủ phải ưu tiên thực thi một số lĩnh vực này hơn những lĩnh vực khác.
Pháp viện “đã liên tục công nhận rằng các tòa án liên bang nói chung không phải là tòa án thích hợp để giải quyết các khiếu nại rằng Nhánh Hành pháp nên thực hiện nhiều vụ bắt giam hơn hoặc tiến hành nhiều vụ truy tố hơn.”
Trong bản ý kiến bất đồng của mình, Thẩm phán Samuel Alito đã bày tỏ sự thông cảm với hai tiểu bang này, nói rằng họ “đã phải làm việc cực nhọc dưới tác động của tình trạng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt” và phán quyết của Pháp viện khiến họ “thậm chí còn bất lực hơn.”
Quyền sở hữu nhà đất
Trong ba vụ án, Pháp viện đã củng cố các quyền sở hữu nhà đất tư nhân đang bị các chính phủ xâm phạm. PLF đại diện cho bên nguyên đơn trong cả ba vụ kháng cáo này.
Hôm 25/05, Pháp viện đã biểu quyết để hạn chế quyền lực của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) trong việc điều chỉnh các vùng đất ngập nước trong vụ Sackett kiện EPA.
Các thẩm phán đã đồng thuận khi ra phán quyết có lợi cho bà Chantell và ông Mike Sackett. Nhiều năm trước, khi nhà Sackett khởi công xây dựng một ngôi nhà mới ở hồ Priest, tiểu bang Idaho, thì EPA và Công binh Lục quân Hoa Kỳ (Army Corps of Engineers) bất ngờ ra lệnh dừng thi công. Các cơ quan chính phủ tuyên bố rằng hai vợ chồng họ cần có giấy phép liên bang và cảnh báo họ sẽ bị phạt hơn 30,000 USD mỗi ngày.
EPA cho rằng lô đất của gia đình Sackett có các vùng đất ngập nước. Gia đình Sacketts lại nói rằng lô đất của họ không có một vùng nước bề mặt thông với bất kỳ dòng suối, lạch, hồ, hoặc vùng nước nào khác nên không phải tuân theo quy định và sự cho phép của liên bang.
Tuy nhiên, một số thẩm phán không đồng ý về quy tắc mới mà Pháp viện phải tuân theo, do đó gây ra kết quả 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống về tiêu chí nào nên được sử dụng.
Bản ý kiến đa số của Pháp viện do thẩm phán Samuel Alito viết, cho rằng EPA đã vượt thẩm quyền.
Đạo luật Nước Sạch liên bang “áp dụng cho chỉ những ‘vùng đất ngập nước có kết nối bề mặt liên tục với các vùng nước mà chính chúng thuộc về Hoa Kỳ,’ do đó những vùng đất ngập nước này ‘không thể phân biệt được’ với các vùng nước đó.”
Thẩm phán Alito viết: “Những vùng đất ngập nước trên đất của gia đình Sacketts có thể phân biệt với bất kỳ vùng nước nào có thể thuộc Đạo luật Nước Sạch.”
Thẩm phán Brett Kavanaugh đã viết trong một bản ý kiến bất đồng rằng phương pháp đánh giá mà khối đa số Pháp viện thông qua ở đây là sai.
Ông viết: “Phương pháp đánh giá ‘kết nối bề mặt liên tục’ của Pháp viện khác với văn bản theo luật định, khác với 45 năm hoạt động nhất quán của cơ quan, và với các tiền lệ của Pháp viện này.”
Thẩm phán Elena Kagan đã viết rằng khối đa số đang phản ứng trước “một kế hoạch đầy tham vọng về quy định môi trường,” nhằm hạn chế “các hành động chống ô nhiễm mà Quốc hội cho là phù hợp.”
Ông Salzman của PLF nói với The Epoch Times rằng vụ Sackett là “một vụ kiện về quyền sở hữu nhà đất — vụ kiện về một gia đình đang cố gắng xây nhà trên địa sản riêng của họ và liệu chính phủ liên bang có quyền ngăn chặn họ hay không.”
Ông nói: “Và cuối cùng, họ nói, chính phủ địa phương đã phê chuẩn giấy phép xây dựng, và chính phủ liên bang không nên can thiệp thêm vào việc này.”
Chú thích của dịch giả:
- Một chính sách đặc cách cho những sắc dân thiểu số trong việc tuyển dụng hay xét tuyển. Mục đích là để bù đắp cho tình trạng phân biệt đối xử đã khiến những nhóm người này chịu thiệt thòi.
- Trường phái văn bản thuần túy (textualism) có nghĩa là diễn giải một tài liệu từ các từ và cấu trúc của tài liệu đó.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
https://www.epochtimesviet.com
Ghi chú: Trên đây là ý kiến riêng của tác giả.